KHUÊ OÁN
Khuê oán là tác phẩm tiêu biểu của Thi Thiên tử Vương Xương Linh, một trong những tác giả lớn thời Thịnh Đường. Khác với những bài thơ thuộc chủ đề biên tái, miêu tả tâm trạng, tình cảm… của người trực tiếp ra chiến trận, Khuê oán mang nỗi sầu của người thiếu phụ có chồng đang tham gia chinh chiến.
Khuê oán thường được một số dịch giả, nhà nghiên cứu Việt Nam chọn làm ví dụ tiêu biểu cho khoảnh khắc đốn ngộ trong Đường thi Trung Hoa.
(Theo: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).
Phiên âm:
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
Dịch nghĩa:
Người thiếu phụ nơi phòng khuê không biết buồn
Ngày xuân trang điểm xong, bước lên lầu biếc
Chợt thấy màu dương liễu ở đầu đường
Hối hận đã để chồng đi tòng quân để kiếm phong hầu.
Dịch thơ:
1.
Phòng khuê nàng chửa biết buồn
Ngày xuân điểm phấn tô son lên lầu
Chợt trông đường liễu xanh màu
Xui ai tìm cái phong hầu mà chi.
(Trần Trọng San)
2.
Trẻ trung nàng biết chi sầu
Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm gương
Nhác trông vẻ liễu bên đường
Phong hầu nghĩ dại, xui chàng kiếm chi.
(Tản Đà)
3.
Cô gái phòng the chửa biết sầu
Ngày xuân trang điểm dạo lên lầu
Đầu đường chợt thấy tơ xanh liễu
Hối để chồng đi kiếm tước hầu.
(Ngô Tất Tố)
4.
Thiếu phụ phòng the chợt thoáng buồn
Thúy lầu dạo bước giữa mùa Xuân
Bên đường dương liễu còn xanh mướt
Hai chữ công danh lỡ xúi chàng.
(Mai Uyển & Chu Vương Miện).
Xem thêm các Bài khác cùng loại, tại đây
Trở về Homepage www.nuiansongtra.com