Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
QUẾ TRÀ-BỒNG
TRƯƠNG QUANG



Hương Quế Trà-Bồng.
(Click vào hình tam giác, turn ON volume để nghe nhạc).


Đặc Sản QUẾ TRÀ BỒNG Dùng Làm Đồ Mỹ Nghệ.
Trương Quang.

Cây quế, một vật phẩm của thi văn và thực dụng

Tỉnh Quảng Ngãi có những đặc sản gắn liền với tên địa phương được dân gian truyền tụng như các câu vè:

Chim mía Xuân Phổ,
Cá bống sông Trà,
Kẹo gương Thu Xà,
Mạch nha Mộ Đức.


Và:

Cô gái lòng son không bằng tô don Vạn Tượng.

Đấy chỉ là thức ăn ngon, rất lu mờ trước đặc sản Quế Trà Bồng vốn đã nổi danh cả trong và ngoài nước vì sự quý trọng trong văn chương và sự hữu ích lớn lao trong đời sống con người.

click to comment
Cây quế

Cây quế được tôn qúy như lá ngọc cành vàng trong câu ca dao lịch sử:

Thương thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo!


Câu chuyện về Công chúa Trần Huyền Trần (ví như cây quế) đã do Thượng hoàng Trần Nhân Tông hứa gả cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân nhân khi Ngài chu du Chiêm quốc năm 1301. Được ít lâu, Chế Mân (bị ta xem như Mán mọi, sự khinh miệt quá đáng!) sai sứ giả đưa vàng bạc và sản vật sang cống và xin cưới, Triều đình ta không chịu. Vua Chiêm xin dâng cả châu Ô và châu Rí (ta đổi là Thuận châu và Hóa châu), vua Trần Anh Tông mới thuận gả Huyền Trân vào làm Hoàng hậu của Chế Mân (1306). Năm sau thì chồng chết, vua Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung và phái đoàn vào Chiêm đô điếu tang, nhưng là để cứu thoát Huyền Trân khỏi bị hỏa thiêu theo tục lệ của Hời, đưa được Công chúa trở về nước Việt.

Trong văn học, cây quế được trọng vọng, như thành ngữ “quế tử lan tôn” (con như cây quế, cháu như cây lan để chỉ con cháu vinh hiển). Thi hào Nguyễn Du diễn tả gia đình Kim Vân Kiều đoàn tụ có dùng hình tượng cây quế hòe để nói chung cả nhà đều hiển đạt, được tiếng thơm:

Một nhà phúc lộc gồm hai,
Nghìn năm dằng dặc, quan giai lần lần.
Thừa gia chẳng hết nàng Vân,
Một cây cù mộc, một sân quế hòe.


click to comment

Thưở xa xưa, các phòng ốc nơi cung vua có bột tiêu dưới sàn và vách tường lót vỏ quế để có hơi ấm và được hương thơm. Trong Cung Oán Ngâm Khúc, tác giả Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều cho biết người cung nữ oán giận số mệnh bị giam cầm giữa cung vi ra sao?

Trải vách quế gió vàng hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng.
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui mệnh bạc nằm trong má đào.


Ngoài thực tại, vỏ cây quế có công năng y dược lớn nhất trong các loại dược thảo. Ngay từ thời thượng cổ, Thần Nông nếm thuốc đã phát hiện ra dược tính của quế, rồi từ đó đến nay, quế rất đắc dụng trong dược phẩm Đông y. Ngày nay, nhiều loại Tây dược cũng cần có tinh dầu hoặc bột quế. Tôi được bạn Ph. (là người biết về quế như biết về học sinh trường Trung học Trà Bồng của anh) tặng cho miếng quế nhỏ có bề dày bằng tập vở 200 trang.

Một nhà chuyên môn chỉ rõ cho tôi thấy có 2 đường như tươm dầu chạy dọc giữa vỏ miếng quế và cho biết quế có tinh dầu là loại quý hiếm. Quả nhiên, mỗi khi người trong nhà bị đau bụng hay cần tiêu thực chỉ uống một tách trà quế là êm xuôi, bị cảm cúm chỉ cần nồi nước lá xông có thêm vào năm bảy lát quế là khỏi, lúc đắng miệng biếng ăn chỉ ngậm chút quế là miệng lưỡi lại thơm tho. Nhìn vào hiệu quả ấy, dù tôi không rành về thuốc men cũng có thể kết luận là trong vỏ cây quế có chứa kháng độc tố.

click to comment
Hoa quế.

Quế là hương liệu rất được ưa chuộng trong ẩm thực. Nhiều loại bánh có gia vào chút bột quế tạo nên hương vị thơm lẫn chút cay the the mùi menthol giúp tăng cường bộ máy tiêu hóa. Quế Trà Bồng còn đi xa hơn, đó là nghề thủ công làm ra mỹ nghệ phẩm từ vỏ quế mới được phát sinh trước đây 40 năm, sẽ được trình bày ở mục sau.

Các tài liệu khảo cứu về tiềm năng kinh tế cho biết nước Việt Nam chỉ có 3 nơi có loại quế tốt là: quế Trà Bồng ở tỉnh Quảng Ngãi, quế Trà My ở tỉnh Quảng Nam và quế Qùy Châu ở tỉnh Nghệ An (người đời quen gọi là quế Thanh). Khí hậu và đất đai thích hợp là điều kiện cần và đủ để nuôi dưỡng cây quế thành loại hảo hạng.

Con đường lên xứ quế Trà Bồng.

Hơn nửa diện tích tỉnh Quảng Ngãi về phía tây là núi rừng của dãy Trường Sơn thuộc địa phận của 4 quận thượng du từ nam ra bắc là Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà và Trà Bồng. Quận Trà Bồng quá lớn rộng nên chính quyền CHXHCN Việt Nam mới chia phần rừng núi phía tây Trà Bồng ra thành Tây Trà có địa giới với tỉnh Kontum về phía tây và Trà My của tỉnh Quảng Nam về phía bắc.

click to comment
Phân loại quế.

Phía đông quận Trà Bồng là đồng bằng quận Bình Sơn. Quận lỵ Bình Sơn tại thị trấn Châu Ổ bên hữu ngạn sông Trà Bồng, ngay bên quốc lộ 1 xuyên Việt. Từ quốc lộ, cách quận đường Bình Sơn 500m về phía nam có một ngã ba mở ra con đường tỉnh lộ tráng nhựa chạy về phía tây dài 28 km dẫn tới quận Trà Bồng, xứ quế.

Con tỉnh lộ này bò lên dốc Ngọc Trì là đến nửa đường và mở ra vùng bán sơn địa khá ngoạn mục có khu chợ Thạch An thuộc xã Bình Mỹ nằm bên dòng sông Trà Bồng trong vắt. Bên đường còn dấu tích đồn An Hòa để trấn giữ an ninh cho trục lộ và toàn vùng, nơi pháo binh quân đội Việt Nam Cộng Hòa phòng thủ đã hạ nòng súng đại bác trực xạ khiến hàng loạt xác quân Việt cộng công đồn bị ném tung ngoài hàng rào kẽm gai vào năm 1961.

Nhưng đến đầu thập niên 1970 thì tỉnh lộ Trà Bồng bị bế tắc vì mất an ninh, nên bấy giờ Chuẩn tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Sư đoàn 2, điều động quân lực khai thông, dùng xe nhà binh chuyển vận được quế Trà Bồng xuống miền xuôi. Do vậy, tỉnh lộ này mang tên “con đường quế” và người chỉ huy có mệnh danh là “Quế tướng công”.

click to comment
Vỏ quế.

Vào địa phận quận Trà Bồng, con đường tỉnh lộ uốn lượn bên sườn đồi núi thoai thoải của các xã Trà Bình, Trà Phú, đến Trà Xuân là thị trấn quận lỵ Trà Bồng. Các xã này toàn người Việt (thường gọi là người Kinh) sinh sống đông đảo, buôn bán phồn thịnh nhờ mặt hàng quế xuất khẩu. Người sắc tộc thiểu số làm nhà sàn ở rừng cao núi sâu (chừng 4 xã) và ở Tây Trà. Riêng xã Trà Thủy bên tả ngạn sông Trà Bồng có nhà máy thủy điện Trà Đú, nơi người sắc tộc thiểu số đã xây nhiều nhà ngói, có điện chiếu sáng như nhà cửa người Kinh. Dân cư Trà Bồng sinh sống theo ruộng rẫy và lợi tức có được từ lâm sản như gỗ, trầu cau, chè tươi và nhất là quế.

Nghề làm đồ mỹ nghệ từ quế Trà Bồng

Từ xưa cây quế tự mọc lên giữa núi rừng 2 quận Sơn Hà và Trà Bồng. Đến thế kỷ 19, do nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước gia tăng, người dân Trà Bồng chuyên nghề trồng quế và chăm bón công phu để sớm thu hoạch hơn quế thiên nhiên. Khi quế không còn lấy vỏ được nữa, thì cả thân và cành quế được xay thành bột để làm nhang thơm (đứng sau nhang trầm mà thôi).

Đến Trà Bồng, nơi nào cũng thấy dân chúng phơi quế, ép quế, hấp quế. Khi quế được giá, mỗi kg “quế xô” loại tốt bán ra 60-70 nghìn đồng Việt Nam (chừng 4 đô-la Mỹ), khi quế rớt giá người dân vẫn kiên trì gìn giữ rẫy quế.

Nhìn vào hình dạng, ta có thể phỏng đoán phẩm chất của quế: quế chống có mặt phẳng, quế tam sơn có tiết diện như số 3 thường là quế tốt. Quế ống là vỏ quế được cuộn tròn, là bóc từ cành quế, thuộc loại tầm thường.

Người khởi xướng dùng quế để chế tác ra đồ mỹ nghệ là ông Huỳnh Văn Luật ở Trà Xuân. Theo lời các bô lão thì ông Luật chăm chú gia công vào miếng quế khá dày, nào hơ lửa để uốn, nào cắt, gọt, dũa… đến 25 ngày mới hoàn thành bộ bình trà vào năm 1965. Ông bán bộ bình trà giá 1 chỉ vàng. Sau ông Luật, có ông Trí Viễn là người làm mỹ nghệ phẩm rất tinh xảo. Hiện nay 2 ông đều đã qua đời, nghề thủ công từ vỏ quế được cải tiến rất nhiều nhờ vào phương tiện máy móc từ các “lò quế mỹ nghệ” trong thị trấn Trà Xuân.

click to comment
Chồi quế (cinnamon buds).

Làm hàng mỹ nghệ cần phải kiên nhẫn và khéo tay để trang trí những hoa văn, hình chạm trổ. Mua quế làm mỹ nghệ phẩm phải là quế tốt trên 15 năm tuổi thì sản phẩm mới giữ được hương thơm dài lâu, giữ được màu vàng ngà hay màu gỗ cẩm lai mãi mãi. Cây quế được lột lấy vỏ đem về nẹp bằng những thẻ tre mỏng căng miếng quế cho thẳng mặt (nên gọi là quế kẹp), rồi đem phơi nắng 2 ngày cho vừa héo để dễ uốn. Sau đó, người thợ cho quế vào “rập” để cắt theo hình dạng của bình ấm chén, khay hay ché, độc bình v.v...

Dao cắt quế như hình cái cung mà dây cung là lưỡi cưa nhỏ sắc bén để người thợ dễ chủ động theo đường cắt vòng vèo. Khi vỏ quế đã cắt đúng hình dạng, người thợ đem hấp nóng hay hơ lửa cho quế mềm ra rồi bỏ vào “cốt” (tức cái khuôn, mould). Cốt là những khối gỗ cứng được đục đẽo theo hình vật phẩm có phần lồi và phần lõm khớp vào nhau.

Quế đã vào cốt được buộc chặt và phơi nắng. Đến lúc quế đã khô, cốt được tháo ra thì hình dạng vật phẩm đã cứng chắc, công đoạn làm nguội là bào, tiện, mài, chà và dùng keo cao cấp dán các quai, vòi, núm vào bình chén trà, ché... Cuối cùng là đánh bóng cho sản phẩm láng mướt rạng ngời trước khi cho vào hộp bìa cứng được in ấn mỹ thuật.

Trên thân những bộ ấm trà, độc bình, người thợ còn chạm trổ những hoa văn, họa tiết rất đẹp. Họ cũng cắt vỏ quế theo hình tượng “long hý thủy” (rồng giỡn nước), hình “tam đa” (phúc lộc thọ), hình “nhất phàm phong thuận” (ghe buồm vượt sóng nước), hình hoa mai v.v...rất phong phú và bắt mắt.

click to comment
Lột vỏ quế.

Anh Tạ Thống ở thị trấn Trà Bồng là người có tay nghề trên 10 năm cho biết mặt hàng anh dùng loại quế tốt, mua vào giá 100.000$ Việt Nam (tức 6 USD) mỗi kg, làm mất nửa tháng mới hoàn thành một lô hàng. Không còn như thời ông Luật, bây giờ làm nghề bằng mô-tơ điện nên năng suất được nâng cao, mỗi lô hàng trên nghìn cái và có đến 30 chủng loại khác nhau.

“Tiếng lành đồn xa” rằng quế Trà Bồng là thượng thặng, hơn cả quế Trà My và Qùy Châu, nên giới thưởng ngoạn sành điệu ở trong nước du lịch đến Trà Bồng để đặt một bộ bình ấm chén và khay trà cho vừa ý của mình. Có cả du khách nước ngoài đến tận Trà Bồng mua mỹ nghệ phẩm từ quế, một số người Pháp còn lấy hàng về bán ở nước họ.

Các bộ đồ trà bé con bóng ngời được chế tạo từ quế Trà Bồng, đem trưng bày trong tủ kính tỏa ra hương thơm và trông đẹp đẽ không kém gì các đồ mỹ nghệ bằng gỗ quý của Lâm Đồng hay bằng thân cây dừa của Nam Bộ.

Thị trấn Trà Bồng từng là nơi mua bán đặc sản quế khá sầm uất, người Đài Loan, Hồng Kông, Singapore đến mua quế về làm thuốc ; thương nhân đến mua mỹ nghệ phẩm về bán lại cho khu du lịch, khách nhàn du cố tìm cho được miếng quế quý hiếm để phòng bệnh cho người nhà.

click to comment
Lột vỏ quế.

Quế Trà Bồng là đặc sản nổi tiếng khắp gần xa.

Connecticut, ngày thu muộn năm 2007.
TRƯƠNG QUANG



Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh