Chúng ta biết James Byron Dean (3) là một diễn viên điện ảnh Hoa-Kỳ, không những nổi tiếng ở Mỹ mà còn cả thế-giới nữa, giới khán giả mộ điệu đa số là thanh niên và những người đam mê điện ảnh, ca nhạc.
Nói tới điện ảnh, người ta không thể quên tên: Brigitte Anne-Marie Bardot (thường được gọi tên viết tắt là B.B.), Marilyn Monroe, Richard Burton CBE (tên lúc sinh là Richard Walter Jenkins Jr., và Elizabeth Taylor (vợ thứ 2 của Richard Burton),... và James Dean là một trong số khó quên đó.
a. Vài dòng về chàng lãng tử của giới trẻ.
James Dean có nhiều tiền lại mê xe hơi nên anh ta mua một chiếc xe thể-thao đắt tiền, chiếc Porsche 550 Spyder mui trần (convertible), với giá $7.000 USD, một khoảng tiền rất lớn vào lúc đó. Chiếc xe tuy nhỏ nhưng máy rất mạnh, anh ta đặt tên là “Little Bastard” (Gã con hoang nhỏ xíu). Sau nầy, James Dean đã bị tử thương bởi chiếc xe nầy cùng nhiều người khác cũng bị liên lụy nên “Gã con hoang nhỏ xíu” trở thành huyền thoại chiếc xe “có huông”.
Chân dung James Dean.
James Dean là con trai độc nhất của nha sĩ Winton Dean và bà Mildred Marie (Wilson). Sau cái chết của người mẹ vào năm 1940 vì bệnh ung thư, James đươc chuyển về Fairmount, Idiana sống với cô chú Winslow. Tại đây, Dean học luật và kịch nghệ, bên cạnh với niềm đam mê đua xe và bóng rổ. Sau khi tốt nghiệp trung học tháng 05/1949, Dean quay về California và học tại trường Đại Học Santa Monica, rồi chuyển tới Đại Học California Los Angeles (UCLA) để học tiếp về sân khấu, kịch nghệ. Đến năm 1951, James Dean bỏ học và thực sự bước chân vào con đường nghệ thuật.
Khởi nghiệp từ năm 1951 bằng một vai diễn trong mẩu quảng cáo của Pepsi Cola và đã thành công ngay. Từ thành công ban đầu đó, James Dean xuất hiện liên tục trong nhiều phim truyền hình và đóng vài vở kịch. Đến năm 1955 James được chọn vào vai Cal Trask, một cậu con trai bơ vơ, nổi loạn trong bộ phim lừng danh “Phía Đông Eden” (East of Eden). Dean đã nhận được một đề cử của giải thưởng Viện Hàn Lâm (tên trước đây của giải Oscar hiện giờ) là “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất”. Đây không chỉ là đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh của Dean mà còn là 1 trong 5 diễn viên được “đề cử trước khi diễn viên chết” đầu tiên trong lịch sử Hollywood (Dean là người duy nhất có thêm một đề cử nữa sau khi chết).
Tiếp đó, anh đóng vai Jim Stark trong bộ phim “Rebel Without a Cause” (1955) cùng Natalie Wood. Và một lần nữa, hình tượng chàng trai trẻ ủ rũ, bất cần và nổi loạn của Jimmy – vai do James thủ diễn - càng được tô đậm trong lòng của các người hâm mộ thiếu niên. Bộ phim được trình chiếu một tháng sau cái chết của anh. Bộ phim cuối cùng được công chiếu của Dean là “Giant” vào năm 1956, kết thúc chùm ba phim của anh chàng “xấu tính lãng tử”.
Cho đến ngày hôm nay, James Dean vẫn là hình tượng vĩ đại nhất biểu trưng cho cả một thế hệ giới trẻ Mỹ. Không chỉ thế, Dean còn là một trong hai huyền thoại lớn nhất của chòm sao "Live Fast, Die Young, Leaving Good-looking Coprses" của Hollywood, bên cạnh người đẹp tóc vàng Marilyn Monroe. Một hình tượng văn hóa đúng nghĩa!
Điều khiến cho các thanh thiếu niên thật sự tôn thờ James Dean lại chính là ở thái độ thờ ơ, bất cần và sự dũng cảm bộc lộ những nỗi đau bản ngã rất đặc trưng và muôn thuở của lứa tuổi mới lớn trước ngưỡng cửa bước vào đời. Họ cũng có những nỗi đau giống như Dean, giống như các nhân vật Cal, Jim, Jett… mà anh đóng vai nhưng họ lại không có khả năng bộc lộ, diễn ra nó ra một cách trọn vẹn và sâu sắc được như Dean đã làm trong phim.
James Dean đã chết trong một tai nạn xe hơi tại Cholame, California vào tháng 09/1955 lúc mới 24 tuổi. Đài tưởng niệm của anh được đặt gần ngay nơi tử nạn.
James Dean và “Gã con hoang nhỏ xíu”.
b. Tai nạn thảm khốc:
Khi là chủ chiếc xe, James Dean rất thích và rất yêu nó. Khi biết James có chiếc xe đó, Sir. Alec Guiness - một người quen của James - cảnh cáo anh ta: “Nó sẽ giết chết anh”. Thế nhưng James không tin bởi James là một tay lái cừ khôi, đầy kinh-nghiệm về lái xe và đã từng lái nhiều kiểu xe hơi, lại đầy tự tin nên coi thường lời của Sir. Guiness. Không lâu sau đó, dự đoán của Sir. Alec Guiness đã xảy ra: James Dean đã chết khi đang lái chiếc xe nầy.
Vào lúc 5:45 chiều ngày 30 tháng 9 năm 1955, James Dean lái chiếc xe nầy trên đường dự định đến Salinas, một thành-phố ven biển của miền Bắc California để tham dự một cuộc đua xe, đã bị một tai nạn thảm-khốc. Trong một cú va chạm ở đầu xe khi anh đang lái với vận-tốc 80 dặm Anh một giờ, tai nạn xảy ra tại một ngã tư, khi chiếc Porsche mà James đang lái trên đường chạy thẳng đã đâm vào một chiếc xe Ford Tudor quẹo trái, do Donald Turnupseed, 23 tuổi, sinh viên Đại học Bách khoa ở California điều khiển. Ánh sáng chói chang lúc mặt trời đang lặn khiến Turnupseed không thể nhìn thấy chiếc Porsche lao đến bất kể nó đang đi nhanh như thế nào.
Tai nạn gây cho James Dean chết ngay tại chỗ trong chiếc xe của mình. Người đi cùng xe với James là một thợ máy người Đức của hãng Porsche tên là Rolf Wütherich bị thương nặng nhưng vẫn sống sót. Tài xế chiếc xe kia, Donald Turnupseed, chỉ bị choáng váng nhưng không bị thượng tích gì.
Các nhà điều tra và các người quen biết James Dean đều ngạc-nhiên và có nhiều nghi-vấn trong tai nạn: tại sao James Dean đã không làm gì để điều-khiển chiếc xe nên mới gây ra tai-nạn mặc dù James là tay lái lão luyện, có nhiều kinh-nghiệm về lái xe đua và thường có những ứng-biến nhanh nhẹn trong mọi tình huống? Người ta không tìm ra nguyên-nhân tai-nạn vì không có một dấu vết, chi-tiết nào liên-quan đến tai-nạn để lại nơi xảy ra đụng xe hay trên chiếc xe. Các nhà điều tra đành phải ghi trong biên bản: “tai nạn xảy ra không tìm ra lý do”. Điều nầy mặc nhiên nói lên tính “huyền-bí” của tai-nạn.
c. Những hệ lụy sau đó.
Sau tai họa này, chiếc xe còn tiếp tục gieo rắc nhiều tai họa khác, nhiều lúc có những tai hoa mang tính mơ-hồ, không có chút căn-cứ khoa-học nào. Một số người hâm mộ James Dean và bạn bè của anh ta muốn có một chút gì làm kỷ-niệm, họ tìm cách gở một món gì đó trong chiếc xe để mang về nhà nhưng tất cả đều bị chấn thương, không trừ một ai, với những nguyên do “không xác định”.
Nhiều người tin là có điều bí hiểm nào đó. Tuy nhiên, cũng có người không tin vì họ cho là không có bằng chứng, không có cơ-sở khoa-học, họ hoài nghi những gì chiếc xe đã gây ra. Dù tin hay không tin, những việc xảy ra liên-quan đến chiếc xe nói trên đã là những sự thật.
Chiếc xe được Cảnh-sát California giao cho thân-nhân người quá vãng. Một người bạn của James đứng ra nhận trách-nhiệm đem nó về và ông ta bán nó cho một garage. Tại đây, chiếc xe vô cớ ngã đổ và đè lên một người thợ máy đang làm việc cạnh đó và làm cho anh thợ này gãy chân. Người chủ garage - cũng là chủ một đại lý bán xe đã dùng rồi (used car) – tháo các cơ phận của chiếc xe vì nó là một chiếc xe tốt, thuộc loại đắt tiền nên các cơ-phận còn có thể dùng được. Có hai vị bác-sĩ mua hai bộ-phận để gắn trong chiếc xe đua của họ; sau đó một người chết và người kia bị thương nặng trong các tai nạn về xe cộ, và trong biên bản điều tra cảnh sát đều ghi: “không biết rõ nguyên nhân”.
Hai chiếc vỏ xe duy nhất không hư hại được một người mua lại, đem về thay vào xe của ông ta. Một hôm, hai chiếc vỏ xe nầy bị nổ cùng một lúc một cách kỳ lạ và gây thương vong cho người nầy. Ông ta được đưa vào bệnh-viện với thương-thế trầm trọng.
Một cuộc điều-tra rộng lớn xảy ra sau đó giữa chính-quyền, nhà sản-xuất vỏ xe, các chuyên-viên xe hơi và các thân nhân, bạn hữu hầu để tìm ra nguyên-do nhưng không một ai biết được nguyên nhân hai chiếc vỏ xe nổ. Họ cũng không tìm ra bất cứ một khiếm khuyết nào của chiếc vỏ xe để đến nỗi nó gây ra tai-nạn. Điều đặc-biệt là hai chiếc vỏ xe cùng phát nổ một lúc mà không do một tác-động nào bên ngoài gây nên, nhất là tai-nạn gây ra khi có mặt chủ xe tại đó.
Chân dung James Dean.
Sau các biến-cố nầy, nhiều người cho là chiếc xe có một điều gì đó bí-ẩn đặc-biệt, nên đem ra trưng bày cho nhiều người xem. Họ đề nghị với Đơn-vị Tuần-tra Xa-lộ California (California Highway Patrol) nên lập kế-hoạch để trưng bày các tàn tích chiếc xe trong cuộc triển-lãm xe hơi vào kỳ trưng-bày kế đó. Mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, chờ ngày khai-mạc. Tất cả các chiếc xe tham-dự cuộc triển-lãm được mang tới khu triển-lãm trước đó, ngay cả phần còn lại của chiếc xe nhiều tai tiếng của James Dean.
Trong đêm trước ngày khai mạc triển-lãm, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi mọi chiếc xe khác, ngoại trừ chiếc xe của James. Điều kỳ lạ là nó không bị một vết xém nào cả. Sau trận hỏa-hoạn, một đoàn điều tra đến để tìm ra nguyên nhân gây ra hỏa hoạn nhưng cũng không ai tìm ra chứng cớ nào. Biên-bản giới hữu-trách ghi là “không rõ nguyên-nhân”.
Sau việc nầy, người ta quyết định đưa chiếc xe về thành-phố Salinas, nơi mà James Dean định đến trước khi chết. Mọi người hâm-mộ cũng như thân-nhân của James Dean muốn mang di-vật của anh ta về nơi anh dự định đến như là một thiện-ý đối với người họ hâm-mộ. Chiếc xe được đưa lên một chiếc xe tải lớn, một tài-xế gan dạ lãnh trách-nhiệm lái nó.
Trên đường đi, một tại-nạn thảm-khốc xảy ra: tài xế bị hất văng ra khỏi phòng lái, ông ta bị chiếc xe tải nghiền nát khi lật. Riêng chiếc xe của James, nó lăn ra khỏi chiếc xe tải một cách an-toàn, không bị hư hại gì khác. Người ta cho biết nguyên nhân gây ra tai-nạn do tài xế lạc tay lái. Thế nhưng đó có phải là nguyên do thật sự hay không, câu hỏi này không ai trả lời được.
Đến năm 1959, người ta cố đem chiếc xe nhiều tai vạ nầy ra trưng bày một lần nữa. Chiếc xe được hàn gắn, sửa chữa trước đó một cách hoàn-chỉnh, cẩn-thận. Đến hôm mở cửa phòng triển lãm, người ta thấy nó bị vỡ ra làm nhiều mảnh mà không một ai biết lý-do gì mặc dù khu vực này được khóa cẩn-thận và cũng không có dấu vết nào do phá-hoại. Hơn nữa, chỉ riêng chiếc xe này bị hư-hại như vậy mà thôi còn các chiếc khác thì không sao.
Kinh đô điện ảnh thế giới
Cuối cùng, sau nhiều thảo-luận, Cảnh-sát tiểu-bang Florida định đưa chiếc xe nầy đến thành-phố Miami để trưng-bày trong cuộc “Triển-lãm an-toàn giao-thông” do Cảnh-sát Florida tổ-chức. Chiếc xe được sửa-soạn cẩn-thận, người ta đóng một chiếc thùng gỗ lớn, đặt nó vào trong đó và đưa lên một chiếc xe vận-tải, cột lại cẩn thận chờ đến giờ khởi hành. “Gã con hoang nhỏ xíu” của James Dean bỗng dưng biến mất, không một ai thấy dấu vết gì để lại, một sự kiện lạ lùng xảy ra.
Từ đó đến giờ, không một tin-tức nào cho biết chiếc xe kỳ bí này ở đâu. Sau lúc chiếc xe biến mất đến nay, nhiều tài liệu về nó được công-bố trên nhiều phương tiện truyền thông nhưng nhiều người vẫn không tin các việc đã xảy ra vì không có căn-cứ về mặt khoa-học: chiếc xe là một vật thể, không thể “biến mất” không có lý do, nhất là trong thời đại văn minh như ngày nay.
Còn hai người có mặt khi xảy ra tai nạn thì sao? Wütherich, người có cảm giác tội lỗi sau vụ tai nạn xe hơi, anh ta không bao giờ giảm bớt mặc cảm dù anh ta chỉ là người đi chung xe với James Dean. Anh ta đã “cố gắng tự tử” hai lần trong những năm 1960 — và vào năm 1967. Anh ta đã đâm vợ mình 14 nhát bằng dao làm bếp trong một vụ giết người/ tự sát thất bại. Cuối cùng, anh ta chết trong một tai nạn xe cộ trong tình trạng say rượu lái xe vào năm 1981. Còn người lái chiếc xe quẹo trái kia - Turnupseed - chết vì ung thư phổi vào năm 1995.
Cuộc đời của James Dean dành cho nghệ thuật cùng với niềm đam mê xe hơi và đua xe, và anh đã chết vì niềm đam mê của mình. Anh góp mặt trong nhiều phim của Hollywood nhưng chỉ có phim "East of Eden", được trình chiếu tại các rạp vào lúc anh qua đời, hai phim "Rebel Without a Cause" và "Giant" được ra mắt công chủng sau đó, nhưng anh “không biết”, vì anh đã trên đường trở thành “siêu sao”, còn tai nạn đã khiến anh ấy trở thành một “huyền thoại” (legend).
Chiếc Porsche 550 Spyder, “Gã con hoang nhỏ xíu”, vật đã gieo chết chóc và tai họa cho bao nhiêu người, ngay cả chủ của nó. Chiếc xe đã lưu danh thiên cổ vì cái “huông” của nó nhưng điều lạ lùng là không ai thấy nó hiện diện ở đâu cho dù nó là một vật thể được chế tạo từ kim loại và các vật liệu thông thường.
d. Lời kết:
Qua ba câu chuyện trên đây – cũng như còn nhiều chuyện khác – có nhiều chi tiết chắc chúng ta cũng khó mà tin vì nó thiếu tính khoa học. Tuy nhiên, tài liệu để lại ghi như vậy, tin hay không là quyền của mỗi người. Những hành động “phá hoại” của chiếc chiến hạm Scharnhorst, những chuyện “xui xẻo” mà chiếc xe của Thái tử Franz Ferdinand mang lại hay đến chuyện “biến mất” của “Gã con hoang nhỏ xíu” là những sự thật, với nhiều chi tiết mơ hồ, khó tin. Nếu chúng ta không chịu gọi chúng là những “vật có huông” thì gọi là gì, khó ai tìm ra từ ngữ thích hợp, ngay cả người viết bài nầy cũng chưa nghĩ ra. Còn quý vị thì sao?
Lê Chánh Thiêm
6-2004, có thêm và sửa đổi.
Tài liệu tham khảo:
- Wikipedia
- Ask Jeeves
- Tài liệu tổng hợp
* * *
Xem bài liên hệ với đề tài: click vào đây
Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Về trang chính: www.nuiansongtra.net