Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
DẬY ĐI CON,...
ĐỒNG SA BĂNG

DẬY ĐI CON, TRỜI SÁNG RỒI, DẬY MÀ ĐI!
Đồng Sa Băng

- “Bữa nay là hai mươi ba Tết, bà ở nhà tôi đem mấy con trâu lên Sân Ruộng cầm để ăn Tết.”

Trời lành lạnh, thím Hai nửa thức nửa ngủ, nghe chú Hai nói, thím dụi mắt vài cái rồi bước xuống giường. Nhìn ngoài nhà trời vẫn còn tối đen.

- Ông đi gì mà sớm vậy!

- Sớm gì nữa, sang canh năm rồi, tôi còn phải về kiếm con heo để ăn Tết nữa.

Mỗi năm cứ vào độ nầy, chú Hai thường mang hoa qủa, bánh trái lên cúng núi, để tỏ lòng cám ơn thần núi che chở năm qua và nguyện cầu cho năm tới được bình yên. Và cũng vào lúc nầy, chú đem bầy trâu bỏ trên núi cả tháng để rảnh rỗi ăn Tết. Trên đó ban ngày trâu đi ăn khắp nơi, tối kéo nhau về ngủ một chỗ, có khi cả tháng trời chú mới đem trâu về.

Dưới ánh đèn dầu lờ mờ, thím Hai xuống bếp nấu nồi cơm, gói cho chú một mo cơm với mấy miếng thơm muối, rồi thím dọn cơm ra bàn. Ăn xong năm ba hột, chú phì phà điếu thuốc rê với tách trà tươi bốc hương thơm ngát:

- Năm nay trời có vẻ lạnh hơn mọi năm, bà coi chừng quần áo cho mấy đứa nhỏ kẻo bịnh thì khổ. Nói xong chú vói lấy cái nón lá, đeo theo mo cơm rồi bước ra chuồng trâu.

Mặt trời mới vừa ló dạng, chú đã đưa bầy trâu lên tới chân núi. Từ đây đến Sân Ruộng còn xa lắm, chú cho bầy trâu lội qua đập Làng để lên Gò Dạo, con đường nầy rộng, trâu đi mau hơn và không sợ nó ăn lúa người ta. Gò Dạo, cánh đồi sỏi đá, lúc nào cỏ cũng thưa thớt, nắm tay không dính. Mọi ngày trâu đến đây nó thấy buồn rầu và bực bội, nhưng hôm nay bầy trâu thấy đầy hân hoan, nó cứ ngước mặt lên đi, đi thật vội vã, vài con trâu con phải chạy lúp xúp mới bắt kịp mẹ.

Dọc bên đường, sương vẫn còn đọng trên chồi cây ngọn cỏ, mùi thơm hoa Mẩn khiểng bay thơm ngát, và bên kia bìa rừng, tiếng chim ca hót líu lo như để đón chào ánh bình minh mới vừa ló dạng. Mùa Xuân sắp về. Bầy trâu cũng thấy vui, nó lên núi sống những ngày tự do của kiếp trâu rừng.

click to comment
Trâu tằm bùn
Photograph: Bruce Dale.

Mặt trời đã lên cao hơn nửa cây sào, ánh nắng chiếu xuống mỗi lúc càng thêm nóng hơn. Chú Hai đã đưa bầy trâu qua khỏi khu rừng rậm. Ðến ngang núi, con đường hơi dốc, những cây lớn không còn nữa, vài luồng gió thổi nhè nhẹ cũng đủ làm những sợi lông trên lưng trâu bay dựng ngược lại, chú Hai cũng cảm thấy mát rượi. Chú nhìn đàn trâu vừa đi vừa rứt những ngọn cỏ non bên đường, lòng chú đầy hy vọng.

Nhà chú đông con, những đứa lớn nay đã lập gia đình, có đứa ở gần, có đứa đi xa. Vợ chồng chú còn phải lo cho sáu đứa con còn nhỏ. Ngày xưa chú được sinh trưởng trong một gia đình giàu có trong làng. Cha chú ruộng “cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi,” nhưng rồi ăn tiêu cũng hết, lúc qua đời chỉ để lại cho chú năm ba đám.

Những ngày còn trẻ vợ chồng chú phải làm lụng vất vả, nào lúa, nào mía, đậu, bắp, bận rộn quanh năm. Chú phải làm việc để nuôi bầy con. Chú nhìn thấy con cái anh em trong họ được đi đây đi đó học hành, chú thấy ham và ước mơ cũng được cho bầy con của mình ăn học thành tài với người ta.

Chú nghĩ:

- “Mình chỉ có mấy đám ruộng, đủ để nuôi mấy đứa con ăn, còn tiền đi học xa thì chắc thiếu hụt, chắc phải tạo nên bầy trâu sau nầy tụi nó lớn lên mỗi năm mình bán một hai con để phụ tiền đi học. Thằng Long năm nay học lớp Đệ thất Nguyễn Công Trứ, năm tới nó lên đệ lục, rồi một ngày nào đó nó cũng phải ra tỉnh để tiếp tục đi học. Bảy năm sau nó còn vào Sài Gòn để tiếp tục học nữa. Lúc đó phải tốn tiền nhiều lắm. Còn thằng Hạnh, Phong, Tiến rồi con Mai con Cúc nữa. Tụi nó cập kề với nhau. Cứ mỗi năm một đứa đi học xa thì điệu nầy chắc mình phải có đến trâu bầy mới đủ.”

Cho nên vợ chồng chú phải làm lụng vất vả, chú dành dụm mua được vài con trâu cái khỏe mạnh. Ba bốn năm nó đẻ một con và cứ thế thay nhau nó đẻ. Bây giờ chú có một bầy trâu đến bảy tám con.

Ðàn trâu đã khuất ngang núi, đang tiến về một khu đất bằng phẳng với một đám cỏ xanh, cao, đầy nhựa sống, đang cuồn cuộn trước làn gió như một cánh đồng lúa non. Trâu đã đến Sân Ruộng.

Chú Hai đứng trên sườn núi, nhìn xuống những con trâu đen sì, da bóng loáng, đang gặm những ngọn cỏ non, thỉnh thoảng đuôi đánh ngược lên lưng bình bịch để xua đuổi những con chim đang rỉa rận, lòng chú thấy hân hoan và đắc chí. Từ đây bầy trâu sẽ sống một mình trên dãy núi này, cho đến khi chú trở lại lùa về. Nhìn lại bầy trâu một lần nữa, chúng đang cặm cụi ăn thật vội vã, chú thấy an bụng.

Chú vòng xuống Hố Sâu để bẻ mấy buồng chuối rừng đem về đơm quả trong ba ngày Tết. Chuối rừng nhỏ, cứng, ăn không ngon nhưng có nhiều màu sắc xanh đỏ vàng tím chạy dọc theo thân trái chuối trông rất đẹp mắt, những người đi núi thường chặt đem về chưng trên bàn thờ trong ba ngày Tết cho đẹp.

Xuống đến chân núi, chú đi ngang qua cánh đồng dọc theo bờ suối.

- Cha đi đâu trên nầy vậy?

- À cha lùa mấy con trâu bỏ trên Sân Ruộng để ăn Tết. Thằng Mận đâu?

- Ảnh mới vào bìa rừng để chặt vài cây củi. Trưa rồi cha ăn uống gì chưa?

- Chưa, nhưng cha có mang theo mấy hột cơm me mầy gói hồi sáng đây.

- Cha đợi một chút, con vào bìa rừng gọi anh Mận ra ăn luôn cho vui.

Ðứa con gái mới lấy chồng được hơn một năm. Vừa nói xong, người con gái lội qua giữa đám mía non đi về bìa rừng.

Trên một cái gò nhỏ, xung quanh đầy những ruộng lúa, hương lúa bay phảng phất, ba cha con chú ngồi ăn cơm trưa. Những hột cơm trắng phếu vẫn còn nóng với những miếng dưa muối lâu ngày được bóc ra, mùi thơm bay rạo rực.

- Không gì ngon bằng ăn miếng cơm nóng với dưa muối ngoài đồng. Chú Hai vừa ăn vừa nói.

- Mận, mấy bữa nay mầy có nghe được chuyện gì lạ không?

- Dường như trên Nghĩa Phú tuần rồi đánh nhau dữ lắm cha.

- Chuyện đó cha có nghe qua. Còn nghe nói hình như qua Tết nầy có một đại đội lính mới về đóng ở làng mình. Mấy lúc nay Dân Vệ ở làng cũng đánh lên đánh xuống hoài, ngán quá, không biết rồi đây sẽ ra sao.

Chú Hai uống miếng nước trà nóng, ngồi quấn điếu thuốc rồi quay qua đứa con gái:

- Hải, con coi có trái dưa hấu nào được hái cho cha một trái để ăn Tết chơi. Cha có chặt mấy buồng chuối rừng đây, cho hai vợ chồng bây một buồng đem về đơm quả.

- Dạ, để con bứt cho cha mấy trái đem về rồi vài ba hôm con sẽ về phụ với me làm ít bánh mứt.

Chú Hai tay xách vài trái dưa hấu, miệng phì phà điếu thuốc rê, chân bước đi bên những đám ruộng đầy bông lúa, khói thuốc tan dần trong gió.

Năm đó gia đình chú ăn một cái Tết vui vẻ. Chú hùn với mấy người anh họ chia nhau một con bò và một con heo ăn Tết. Cũng như mọi năm, áo quần mới mẻ, mấy đứa nhỏ chạy lăng xăng khắp nơi chúc Tết. Rồi tiền lì xì, rồi bầu cua cá cọp, bài bạc, đủ mọi thứ vui chơi của ba ngày Tết. Nhưng tiếng pháo không còn rộn ràng như mọi năm trước. Ăn Tết xong, năm ba hôm chú lại lên núi lùa bầy trâu về để lo công chuyện đồng áng.

Cuộc sống nhà nông cứ thế mà tiếp diễn, mùa nào hoa màu đó, năm nầy qua năm nọ, đời sống rất bình thản không ai than phiền với ai. Nhưng mấy năm gần đây quân “giải phóng” thường về quấy nhiễu nên cuộc sống thanh bình ở nông thôn bắt đầu thay đổi.

Dzéo..dzéo….rầm. Rồi, lại cân canh nông xuống nữa rồi.

Dzéo..dzéo…..rầm. Sao gần quá vậy, dường như đâu trước làng thì phải.

- Bà Hai, đem mấy đứa nhỏ xuống hầm hết đi. Chú Hai la lên, rồi chú gọi:

- Thằng Tiến đâu rồi.

- Dạ. Tiếng đứa bé đang chơi bi ngoài sân.

- Mầy ra gò Mã Chợ bảo thằng Hạnh đánh trâu về mau đi.

Ðứa bé liền bỏ mấy hòn bi trong túi, biến mất.

Chú Hai vừa bước ra đầu ngõ thì thấy mấy người lính Cộng Hòa mang súng chạy như bay về phía cánh đồng, vừa chạy mấy ông lính vừa la:

- Ði vô nhà, đi vô nhà hết. Bà con không được ra đường.

Rồi tiếng súng nổ lách tách càng lúc càng đậm hơn. Tiếng súng càng réo rắt thêm, rồi tiếng lựu đạn, tiếng đại bác, tất cả cùng hòa chung gây nên một thứ âm thanh thật lạnh người. Từng hồi đại liên từ trong núi của quân “giải phóng” xé tan bầu không khí nã vào làng, những mái nhà tranh bốc cháy nghi ngút. Và tiếng than khóc của người dân vô tội lại bị nhận chìm trong tiếng súng của quân “giải phóng”.

Bầy trâu vừa về đến đầu ngõ, nó cũng cong đuôi chạy thẳng về chuồng. Chú Hai gài cổng lại, bảo hai đứa con chạy về cái hầm núp đạn phía sau nhà.

Nằm sát dưới vỉa hè, chú ngóc đầu lên nhìn ra vườn trước, một bãi chiến trường đang diễn ra trước mắt. Gốc xoài, gốc mít nào cũng có người ôm súng chiến đấu. Những người lính Cộng Hòa về đây giữ ngôi làng này hôm nay đương đầu với những mũi dùi nóng cháy. Những khẩu M16, Carbin, Thompson thi nhau nã đạn từ các bụi tre, gốc chuối.

Nhìn những người chiến sĩ chú lại nhớ “Lấy chồng đời chiến binh, mấy người đi mà trở lại”.

Một loạt tiếng súng chát chúa xé tan thân cây cau, rồi hàng loạt tiếng la xung phong, bóng người lại chạy, lại di chuyển từ gốc cây này đến gốc cây khác:

- “Tao đã bịt khẩu trung liên đó rồi, mày cho con cái tiến lên.”

- “Rát quá, rát quá, yểm trợ, xin yểm trợ mau.”

- “Se sẻ gọi đại bàng, se sẻ gọi đại bàng…”

- “Ðại bàng nghe đây…”

- “Cho mấy quả xuống điểm x, y.”

Dzéo dzéo… rầm. Xác người lại tung lên, thế là “Thương cho người vợ chờ bé bỏng chiều quê!”

- Không biết mấy con trâu có sao không? Chú Hai lẩm bẩm.

- Còn trâu với bò gì nữa, mạng sống mấy con ông đây có biết giữ được hay không, nói chi đến trâu với bò!

Tiếng thím Hai hòa lẫn với tiếng súng đạn bay ào ào.

Ðến xế chiều tiếng súng bắt đầu thưa dần. Chú Hai ra khỏi hầm và từ từ đưa vợ con vào nhà. Chú chạy ra đầu ngõ thấy xác lính hai bên nằm đây đó. Chú trở về nhà, hốc hác và sợ sệt.

- Bà ơi, dường như…làng mình bị mất rồi.

Rồi chú im bặt luôn tiếng nói. Chú quấn điếu thuốc, rít một hồi thật dài rồi bước tới song cửa sổ. Khói thuốc tỏa ra bay lơ lửng rồi tan dần trong không gian.

Trời bắt đầu xẩm tối, mọi người ai cũng vào nhà nấy, ngôi làng bây giờ im như tờ. Tiếng phát thanh lại từng hồi la lên kêu dân làng đi mít–tinh. Lâu lâu tiếng đại bác lại nổ rền trong màn đêm.

* * *

Sáng dậy, chú Hai đi một vòng xung quanh lối xóm để xem xét tình hình. Những căn nhà nằm cạnh cánh đồng bị trúng đại bác, khói vẫn còn xông lên từng hồi. Những người trong nhà cũng bị chôn vùi trong đống tro tàn. Nhìn đâu đâu cũng thấy một cảnh tang thương, tàn lụi qua một đêm bom đạn.

Không ai rủ ai, mọi người bồng bế con, vai gánh năm ba lon gạo, ra sông lội qua làng bên cạnh để lánh mặt quân “giải phóng”. Khuôn mặt trông thật não nề.

Chú trở về nhà, ghé ngang qua chuồng trâu, mấy con trâu vẫn còn nằm đó.

- Bà ơi, bây giờ mình tính sao đây?

- Tính sao, ông muốn tính sao thì tính tôi biết phải tính sao.

- Tôi thấy anh em bỏ đi hơn nửa làng rồi, mình ở lại đây nguy hiểm quá.

- Nhưng bây giờ biết đi đâu? Thím Hai hỏi. Rồi thím tiếp tục:

- Một bầy con, mình chỉ có mấy mảnh ruộng và bầy trâu, làm sao mang theo mấy thứ nầy được. Ði đâu, rồi lấy gì sống?

- Thôi được, mình lùa trâu qua bên sông ở tạm bên nhà chị Thu vài ngày, đợi súng đạn êm xuôi rồi trở lại. Chú nói.

Gần một tuần nay, ngày nào chú Hai cũng ra đứng bên đây bờ sông để trông về bên kia. Tiếng bom đạn vẫn còn đó, xa xa một vài cụm khói bốc lên nghi ngút. Rồi ngôi làng chú đang tỵ nạn cũng cùng chung số phận. Mọi người ai cũng bỏ đi. Chú đem vợ con và bầy trâu qua sông trở về nhà.

Con sông này vào những ngày nóng bức chú thường đem trâu ra tắm. Dòng sông thường ngày nước trong vắt chảy hiền hòa. Những con cá bống bơi lội trong nước, rồi một tiếng động nhẹ, nó vùi cả thân thể vào trong cát.

click to comment
Bầy trâu rừng ở Mũi Okavango, Botswana
Photograph: Chris Johns, hình chụp năm 2000.

Hôm nay con sông thật hỗn độn. Nào người, nào trâu, bò hấp tấp lội sột soạt trong dòng nước. Người đi qua, kẻ đi lại, ai ai cũng phải lội bộ qua sông. Con đò ngày xưa hôm nay không còn người lái.

Chú Hai vai cõng đứa con nhỏ, tay dắt một đứa khác, lật đật đuổi bầy trâu qua sông.

- Anh Hai, anh trở lại làm gì nữa?

Chú Hai quay mặt về tiếng nói.

- Cậu Sáu, cậu đi hả?

- Chứ còn nằm lại đây làm gì nữa.

Trong nháy mắt, lưỡng lự, rồi chú tiếp tục hướng thẳng về phía trước mà đi. Lội qua bãi cát, chú đưa vợ con và bầy trâu vào con đường duy nhất dẫn vào làng.

Cây Thầu Ðâu ngày nào đứng sừng sững trước gió bây giờ xiên xẹo với một nửa thân cây nằm dài trên những ngọn dâu tằm. Ðoàn người và trâu chạy thùi thụi tiến vào cổng hàng rào vi. Làng mạc dường như bỏ trống. Những bụi tre bị bom đạn bứng gốc nằm ngổn ngang trên mặt đường. Chú Hai len lỏi đưa vợ con và bầy trâu về tới đầu ngõ. Bầy trâu rẽ vào con đường nhỏ về nhà. Chú quay lại phía sau thấy ngôi trường làng tối thui, lạnh lẽo.

Trời vừa chập choạng tối, thím Hai thắp ngọn đèn dầu ở nhà ngang. Mấy đứa nhỏ đang chơi trước vỉa hè, thấy có người bước vô sân nó liền chạy vô nhà trên:

- Cha, có người tới nhà.

Chú Hai bước ra hè:

- Ði đâu chơi mà tối vậy Kiền?

- Tui tới đây mời ông bà tối nay lên trường để mít–tinh.

- Mít–tinh cái gì vậy?

- Thì lên đó ông sẽ hiểu mà. Thôi tui đi đây.

“Mọi ngày thằng Kiền nó vẫn nói chuyện vui vẻ, sao hôm nay nó có vẻ lạnh nhạt và bí ẩn quá vậy.” Chú Hai lẩm bẩm trong miệng.

Kiền là một nông dân chân lấm tay bùn. Vào những ngày mùa, chú thường kêu anh ta gánh lúa, gánh phân. Có nhiều lúc túng thiếu, Kiền thường đến nhà chú mượn lúa. Nói là cho mượn, nhưng có mấy lần chú đòi lại đâu. Vì anh ta quá nghèo và đông con.

Người đưa tin trong làng vừa đi vừa đánh lên vài hồi kiểng rêu rao dân làng đi họp. Vợ chồng chú cầm cây đèn dầu bước ra ngõ để lên trường làng.

Mọi người đến đông đủ, sau một hồi bàn cãi, tiếng lớn, tiếng nhỏ, người nông dân tên Kiền lại đứng ra nói. Gương mặt hắn có vẻ vui tươi và đắc chí. Hắn nói gì không rõ nhưng chú Hai và thím Hai ngồi ủ rủ trên chiếc ghế tre, đôi mắt đỏ hoe với gương mặt buồn rầu, lo sợ.

Mít-tinh xong, mọi người ra về. Vợ chồng chú Hai cũng lặng lẽ xách cây đèn dầu bước ra sân trường.

Kiền bấy giờ là chủ tịch hội đồng nhân dân xã.

Về đến nhà, chú Hai vẫn còn đầy lo sợ. Hai vợ chồng đi vào căn buồng nửa tối, nửa sáng. Trong tiếng thì thầm chú nói:

- “Bây giờ tính sao đây bà? Người ta bắt tôi sáng sớm ngày mai phải đi cải tạo là có ý muốn giết tôi đó. Bây giờ làm sao đây?”

Chú nhớ lại cái thời Việt Minh, chú đã đi dân công. Vai gánh chín mười ký gạo, năm ba ký muối, cả tháng trời lội sông trèo núi. Khi đến nơi có người thì muối gạo nó cũng lọt, cũng đổ trên đường đi mất hết rồi, có người thì còn lại vài ba ký. Khi trở về thì mang theo đủ chứng bịnh do rừng thiêng nước độc gây nên rồi bịnh, chết. Bây giờ nghĩ tới đi cải tạo trên đó chú đã thấy lạnh người.

Trời đã tối, thím Hai lấy lại được chút bình tĩnh. Thím vẫn ngồi trong bóng tối, suy nghĩ.

Sau một hồi suy nghĩ, thím Hai nói:

- Ông thấy đó, nếu không trốn đi thì ngày mai tụi nó đến bắt ông đi, rồi ông cũng chết trên rừng, ở nhà mẹ con tui rồi cũng chết dần chết mòn với họ. Thà ra đi có chết thì chết chung, còn ở lại đây trước sau gì cũng chết mà thôi. Tụi nó không tha cho mình đâu. Ông thấy tụi nó bắt tội ông không. Cho con đi học, nó nói cho con đi làm việt gian. Nó nói mình là đại điền chủ bóc lột, một người nông dân mà còn có thể bóc lột được ai chăng? Tại sao nó không nghĩ ngày xưa mình đã từng cho nó lúa gạo, cho nó mượn trâu để cày, giúp nó những ngày túng thiếu. Còn ông đốt cái đống un toàn là rác, nó nói ông đốt hồ sơ mật. Bây giờ nó là kẻ chiến thắng, nó lại đưa cái thằng ngu dốt nhất làng, làm thuê làm mướn cho mọi người lên nắm đầu dân chúng, cho nên nó thù vặt rồi trả thù cá nhân. Mình chỉ còn có cách trốn đi mà thôi.

- Nhưng đi đâu kịp nữa bây giờ. Ðã gần nửa đêm rồi.

Rồi vợ chồng chú bàn tính. Một hồi chú nói:

- Thôi, bà coi có đồng tiền nào đem nhét trong người đi. Ðể tôi bỏ ít gạo vào mấy cái ruột nghé mang theo.

Ðã quá nửa đêm. Trời bên ngoài tối như mực. Chú Hai đánh thức mấy đứa con dậy, chú nhìn qua song cửa để xem ngoài vườn có ai không. Chú đi vào trong buồng và thì thầm với thím Hai:

- Tôi xem ngoài vườn dường như không ai canh gác hết. Bà xong chưa?

- Xong rồi. Ông lên nhà trên lấy vài cái mền mang theo.

Chú Hai đi lấy mấy cái mền gói lại thật gọn, đặt bên cửa. Xong chú trở lại vào buồng. Thím Hai đang đánh thức mấy đứa con. Bị đánh thức giữa cơn ngủ say, những đôi mắt nửa nhắm nửa mở, không hiểu xảy ra chuyện gì. Thím mặc cho mỗi đứa một bộ đồ đen. Ðứa lớn thím cho đeo một ruột nghé gạo.

- Tôi vẫn thấy nguy hiểm qúa. Trong đêm tối nếu lính tuần thấy nó bắn chết hết, bà biết không? Chú Hai nói nhỏ.

- Tôi đã nói với ông rồi, ở lại đây nó cũng giết chết thôi. Ông không nhớ sao, anh Thụy chỉ vì theo đạo Cao Đài mà tụi nó đem ra chặt thành ba khúc. Những người vô thần thì họ đâu có nhân tâm.


Không còn lưỡng lự nữa, chú Hai lần mò đi đốt mấy cây đèn dầu rồi đem đặt một ngọn ở bàn thờ, vài ba ngọn khác chú đặt rải rác trong nhà, vặn nhỏ lại. Ánh sáng mập mờ trong căn nhà như mọi ngày chú đi ngủ.

Ngoài trời vẫn tối như mực, chú cõng trên vai một đứa bé độ ba tuổi, nó vẫn còn đang ngủ. Mở hé một cánh cửa bên hông nhà, chú nhìn ra xa một lần nữa, vẫn không thấy bóng người. Thím Hai và mấy đứa nhỏ đang đứng sau lưng chú.

- Bà nhắc mấy đứa nhỏ nếu muốn ho cũng ráng nín lại nghe hông. Một tiếng động nhỏ, đánh thức chó hàng xóm dậy là cả nhà tan xương đó.

- Dạ. Tiếng nói thật khẻ của vài đứa con chú.

- Thôi, tới giờ để đi rồi đó.

Nói xong, chú nhìn lại xung quanh căn nhà một lần chót. Cái bàn thờ cổ kính với bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm lai mà ngày xưa chú lặn lội mua chở về từ một ngôi làng xa xôi để thờ phụng ông bà.

Chú là con trưởng, chú nhớ lại những ngày giỗ lớn rất nhộn nhịp, hàng trăm anh em, con cháu về đây để cúng bái. Rồi tiệc tùng, anh em, chén rượu chén trà, tiếng cười, tiếng nói vui như ngày hội.

Nhưng từ đây chắc không còn cảnh đó nữa. Chú sờ tay lên cái đi văng bên cạnh cũng bằng gỗ cẩm lai dày trên mười phân, mỗi ngày cha con xúm nhau ngủ trên đó. Nhất là những ngày mùa hè nóng bức, cái đi văng lúc nào cũng mát lạnh. Rồi chú nhìn từng khung cửa lá sách, cái tủ treo quần áo, mấy cây cột gỗ to hơn đầu người, những thứ quý giá mà ngày xưa chú lặn lội mua bỏ trên bè, cho trôi về từ trên nguồn.

Cái nhà lúc trước không được vừa ý lắm, nên vợ chồng chú làm ăn dành dụm rồi xây lên căn nhà này. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt vợ chồng chú đã đổ ra. Chú nhớ lại cả tháng trời, có những đêm trăng sáng, thợ thuyền từng đoàn gánh những hòn sỏi từ ngoài sông về để đánh móng, năm ba người thợ ngày này qua ngày nọ đục đẽo mãi. Rồi bao nhiêu cây tre trong vườn chú hạ xuống cũng không đủ. Công trình đó hơn một phần ba đời người của vợ chồng chú, bây giờ chỉ có thể nhìn và sờ lên nó một lần, một lần chót, rồi ai biết…

Nhìn ra chuồng trâu, mắt chú dịu lại. Mấy con trâu vẫn còn nằm yên trong giấc ngủ, cũng như giấc mơ của chú bây giờ bắt đầu đi vào giấc ngủ.

Chú dắt vợ con lần ra cánh cửa bên hông nhà. Trong bóng tối, vừa đi vừa nhìn lại, vừa nghe ngóng tiếng động. Chú đưa đoàn người len lỏi trên con đường nhỏ đi ra bờ sông. Trong chốc lát chú đã đến bìa làng.

Cổng hàng rào vi đã đóng kín. Chú lắc lắc vài cái không thấy nhúc nhích, cái cổng đã khoá chặt. Chú cúi xuống bẻ từng miếng tre nhỏ của hàng rào vi. Vợ con chú đứng núp bên bụi cây. Chú vẫn lui hui bẻ, thỉnh thoảng chú quay đầu nhìn lại phía sau.

- “Hoẩu…hoẩu” tiếng chó sủa.

- “Hoẩu…hoẩu”, con chó lại sủa to lên.

- “Chết rồi,” chú nói trong hoảng hốt.

Chú kêu vợ con chun hết vào bụi rậm, mặt vợ chồng chú cắt không ra chút máu, hồn vía dường như đã xuất khỏi thân xác rồi. Chú nhìn về hướng sau lưng rồi nhìn về phía trước, tai chú lắng nghe tiếng động của bước chân. Tay chân run lẩy bẩy, miệng chú không còn thốt được một tiếng nào, chú ngồi để chờ, chờ cái chết sắp đến.

Một hồi lâu chú không nghe thấy gì nữa. Hồn vía từ từ hoàn lại. Thì ra chú bẻ mạnh tay quá, gây ra tiếng động lớn đã đánh thức con chó trong nhà bên cạnh. Con chó không còn sủa nữa. Chú tiếp tục bẻ hàng rào. Một cái lổ nhỏ vừa đủ để chú chun qua, rồi mấy đứa con chú, rồi thím Hai chun qua.

Ra khỏi bờ rào vi, tim chú vẫn còn đập thình thịch. Chú vạch một lỗ nhỏ bên bờ rào rồi chú chun vào đám mía, thím Hai và mấy đứa nhỏ chun theo sau. Mía đã lên cao, vừa đi chú vừa vạch lá mía kêu sột soạt. Giây lát chú dừng lại để nghe ngóng, rồi chú lại vạch lá mía. Một hồi sau chú đã đem vợ con tới bãi cát.

Trời vẫn còn tối đen, trong làng đó đây vài tiếng chó sủa làm chú sợ run người. Chú nhìn xuống con đường còn xa quá. Sinh mạng của gia đình chú giờ đây như sợi tóc.

Không một chút suy nghĩ, chú tiếp tục dắt vợ con lội trong đám dâu tằm, dọc theo bãi cát hướng về phía mặt trời mọc mà đi. Chú đi trước, giữa là mấy đứa con, sau cùng là vợ chú. Trong bãi dâu, gai giương lúc nhúc, mấy đứa con chú giẫm lên từng hồi thấy đau nhức nhưng cũng không dám la.

Chú đang đi trong biển dâu của cuộc đời. Cả mấy tiếng đồng hồ, vợ chồng con cái chú lội trong rừng dâu. Ra khỏi rừng dâu chú đã đi xa nhà một khoảng đường khá dài, nhưng vẫn còn nằm trong vùng tai mắt của quân “giải phóng”. Trước mặt chú con đường còn dài hun hút, chú tiếp tục đưa vợ con len lỏi lội hết đám bắp nầy lại đến đám dâu kia. Ði được một khoảng đường, chú đưa gia đình đến bên cạnh con kênh. Nhìn nước chảy xiết, chú đang nghĩ cách băng qua.

Thụt vào bên trong một chút chú biết có một cái cầu bắt ngang. Nhưng nếu đến đó thì không khác gì đi nạp mạng.

Nhìn nước chảy, rồi nhìn về phía chân trời, chú hoảng sợ, chú sợ đêm sắp tàn. Chú liền bước xuống nước. Trên vai cõng đứa nhỏ, một tay cầm cành cây khô, tay kia chú nắm tay đứa khác, rồi một đoàn người nắm tay nhau băng qua con kênh. Vừa lội chú vừa dậm con nước, mấy đứa nhỏ hổng chân, chú nắm kéo lại. Thím Hai đầu đội gạo, hai tay nắm hai đứa con, thím nắm thật chặt, mấy đứa nhỏ thấy đau quá nhưng không dám la. Trong bóng tối, nước chảy róc rách, chú lần mò đưa gia đình qua bên kia bờ.

- Mình đi khoảng hơn nửa đường rồi đó bà! Chú thì thầm với vợ.

Trong lòng nửa mừng nửa sợ, thím Hai thúc dục chú:

- Lẹ lên, không trời sáng thì chết hết.

Rồi chú kéo nhau đi, càng lúc càng đi xa làng mạc. Lội qua hết đám dâu nầy đến đám bắp khác, chú đã đến đường rầy xe lửa. Bóng tối vẫn còn bao trùm, xa xa trong ngôi làng bên cạnh tiếng gà gáy lưa thưa trỗi dậy.

Phía trước mặt chú là cánh đồng lúa. Lúc nầy lúa trổ đòng đòng, mấy đứa con chú có đứa đi khuất dưới lúa. Vợ chồng chú dắt mấy đứa con lủi thủi chạy về phía mặt trời mọc. Mặt trời sắp hừng sáng, chú dừng chân lại, nói nhỏ:

- Thôi, đến đây là vùng xôi đậu rồi. Mình không nên đi nữa.

Vợ chồng và mấy đứa con ngồi xuống trong một đám lúa. Ngồi để đợi mặt trời lên.

Nỗi sợ sệt bắt đầu bớt căng thẳng, chú lại thấy đau nhức dưới đôi bàn chân. Ðưa chân lên chú thấy gai giương dính đầy, sờ chỗ nào đau nhức chỗ đó. Vợ con chú cũng vậy, lúc này ai cũng rên rỉ và không còn nghị lực để di chuyển bàn chân. Chú ngồi gỡ từng mũi gai ra khỏi bàn chân cho mấy đứa con mà thấy uất hận đoàn quân “giải phóng” đến tận xương.

Mặt trời bắt đầu ló dạng, mấy đứa con chú mệt mỏi, mắt lim dim. Ánh sáng mỗi lúc một rõ, chú nhìn lên đôi cánh tay thấy lằn dọc, lằn ngang rướm máu. Những ngọn lá mía, lá bắp đã vô tình cắt nát đôi tay của chú và của vợ con chú. Nhìn những lằn máu dọc ngang trên tay vợ con, lòng chú đau quặn, những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài trên gò má. Chú đã lấy máu đổi cái sống, một cái sống mà lúc nầy chú chưa biết phải sống làm sao.

Mặt trời lên cao, gió thổi rì rào qua ngọn lúa. Ngẩng lên nhìn thấy mấy người nông dân vác cuốc đi trên đồng, lòng chú thấy an tâm. Ðợi một lúc khi cánh đồng thêm nhộn nhịp, chú đứng dậy.

- Thôi, kêu mấy đứa nhỏ dậy đi bà.

Thím Hai thấy trong người mệt lả. Tay lắc lắc mấy đứa con.

- Dậy đi con, trời sáng rồi, dậy mà đi.

Mấy đứa nhỏ dụi mắt thức dậy, thấy mắt còn cay quá, muốn nằm thêm chút nữa.

- Dậy, dậy đi con, trời sáng rồi. Thím Hai thúc dục mấy đứa con.

Chú Hai cõng đứa nhỏ trên lưng, chân đi cà nhắc, dẫn vợ con hướng về ngôi làng trước mặt. Thỉnh thoảng chú gặp năm ba người làm ruộng, họ nhìn gia đình chú với đôi mắt tò mò, thắc mắc.

Sáng nay, trong ngôi làng kia chắc là đoàn quân “giải phóng” đang lùng kiếm chú. Nhưng trên dãy Trường Sơn sẽ không bao giờ có dấu chân của chú. Chú mới vừa thoát khỏi cái chết.

Nhìn xa xa chú thấy người nông dân đang dắt trâu lên đồng, không biết số phận của người nông dân ấy, người của giai cấp tiểu tư sản, rồi đây sẽ về đâu? Chú lại nhớ bầy trâu và giấc mơ ngày nào.

Đồng Sa Băng

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh