Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Hải Quân - VNCH
TRẬN BA-RÀI
TRẦN QUÁN NIỆM
Các bài liên quan:
    TRẬN BA RÀI (Phan Lạc Tiếp)


Chiến-Tranh Việt-Nam 30 Năm Trước:
Việt Cộng Phục-Kích Giang-Đoàn Hải-Quân Việt, Mỹ Tại Rạch Ba-Rài.
Trần Quán Niệm lược dịch

SÔNG RẠCH MIỀN NAM.

Lợi dụng hệ thống sông rạch chằng chịt tại miền đồng bằng Cửu Long, lực lượng Việt Cộng xử dụng xuồng nhỏ chuyên chở quân và súng đạn cùng dụng cụ tiếp liệu, để nuôi dưỡng cuộc chiến tranh phá hoại miền Nam Việt Nam. Nhằm mục đích bẻ gẫy ý đồ của địch, Hải Quân Việt Nam thiết lập các lực lượng Giang Đoàn trấn đóng tại những cứ điểm quan trọng và từ đó dùng tầu nhỏ tuần tiểu và phục kích những di chuyển phần lớn là về đêm của địch.

Tại Khu Chiến Tiền Giang có Giang Đoàn 21 và 25 Xung Phong đặt căn cứ tại Cần Thơ, Mỹ Tho, chận yết hầu địch và đã nhiều lần giao chiến với lực lượng cấp Tiểu Đoàn của địch. Sông rạch miền Nam nhiều chỗ chật hẹp hai bên bờ cách nhau chỉ vài chục mét, chiến đỉnh đi lừng lững giữa sông, dễ làm mồi cho địch bắn sẻ. Và ở những chỗ ngoặt hiểm yếu, khi có cơ hội và đủ lực lượng, địch sẵn sàng dàn thế trận để phục kích tầu ta, dù phải chấp nhận những thiệt hại lớn lao về nhân mạng trước hỏa lực hùng hậu của chiến đỉnh, trọng pháo và phi cơ yểm trợ.

RẠCH BA-RÀI.

Một trong những địa điểm này là con rạch Ba Rài. Rạch Ba Rài bắt nguồn từ quận lỵ Cái Bè dài trên 10 cây số chảy ra sông Cửu Tiểu theo hướng Bắc Nam. Lòng rạch hẹp, nơi rộng nhất ở ngã ba Ba Rài-Cửa Tiểu, hai bên bờ rạch cách nhau không quá 100 mét, Con rạch cắt một góc chéo 25 độ rồi uốn khúc, tạo thành một doi đất bề ngang chừng 600 mét. Vì thế từ cửa rạch không nhìn thấy bên trong. Hai bên bờ cây cối rậm rạp. Những hàng dừa đứng chen nhau như thành. Suốt chiều dài của bờ rạch đều như thế (!), nên VC đã chọn địa điểm này để phục kích đoàn tầu Hải Quân 2 lần vào năm 1965 và 1967.

TRẬN PHỤC KÍCH LẦN THỨ NHẤT: Giang Đoàn Hải Quân Việt Nam CỘng Hòa. 

Lần đầu tiên vào ngày 29 tháng 9, 1965, tiểu đoàn 261 của Việt Cộng trang bị 3 súng DKZ 57 ly, 2 liên thanh phòng không 12.7, 3 khẩu B 40, và vô số súng cá nhân AK 47 đã phục kích đoàn tầu của 2 Giang Đoàn 21 và 27 Xung Phong có nhiệm vụ hành quân phối hợp với lực lượng của Sư Đoàn 7 Bộ Binh và nhiều tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến cốt truy lùng một trung đoàn chính qui Việt Cộng trang bị súng nặng, có mặt trong vùng. Trận đánh này đã được một vị Sĩ Quan Hải Quân (Ô Phan Lạc Tiếp) trong bài Trận Ba Rài(!) tường thuật tỷ mỷ, nên bài này chúng tôi chỉ nhắc đến cuộc phục kích lần thứ, cũng tại rạch Ba Rài do tiểu đoàn 263 D của Việt-Cộng dàn quân. Mục tiêu của chúng là đoàn tầu tuần giang Hoa Kỳ chuyên chở bộ binh Mỹ trong một cuộc hành quân đổ bộ “lùng và diệt địch”.

TRẬN PHỤC KÍCH LẦN THỨ NHÌ: Đoàn Giang Đỉnh Hải Quân Hoa Kỳ

Trận phục kích xẩy ra ngày 15–9-1967, gần hai năm sau trận phục kích lần thứ nhất nói ở trên. Tưởng cũng nên nhắc là vào những năm 1965 trở về sau, kích thước và cường độ chiến trường càng ngày càng lớn rộng, những đơn vị chính qui Bắc Việt từ biên giới Miên xâm nhập miền Nam Việt Nam và trang bị vũ khí tối tân do Nga và Trung Cộng viện trợ. Đặc biệt và lợi hại hơn cả là khẩu B 40, trọng lượng nhẹ, nhưng sức công phá mãnh liệt, dễ dàng làm chiến đỉnh ta bốc cháy, hư hại nặng hoặc chìm.

Lực lượng Mỹ trong buổi sáng hẹn gặp tử thần.

Đoàn quân thức giấc từ 4:14 sáng để chuẩn bị cho cuộc hành quân đổ bộ tại hai bãi đổ quân A và B trên con rạch Ba-Rài cốt tạo hai mũi dùi để bao vây địch. 3 đại đội bộ binh Hoa Kỳ A, B, C thuộc tiểu đoàn 5 bộ binh Hoa Kỳ dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Mercer A. Dotty được chuyên chở bằng 9 Thiết Giáp Đỉnh ATC (Armored Troop Carrier). Toàn thể thành phần giang đỉnh chia làm ba toán. Mỗi toán gồm 3 ATC chở quân đội, một Tiền Phong Đỉnh (Monitor) trang bị hai cây đại bác 40 ly và 80 ly và một súng cối 81 ly bắn trực xạ, hai đại liên 12.7, một đại liên 30 và súng phóng lựu M 79. Ngoài 3 toán này tổng cộng 12 chiếc, còn thêm một giang đỉnh cứu thương, một phà để trực thăng đáp xuống tải thương, một soái đỉnh chỉ huy tổng quát trên trực thăng. Ngoài những gian đỉnh kể trên còn thêm hai ATC không chở quân, đi tiên phong với nhiệm vụ dò mìn. Lực lượng Hải Quân được chỉ huy bởi Hải Quân Trung Tá Dusty Rhodes.

Vào vùng tử địa

Khoảng gần 7:30 sáng đoàn tầu tiến gần đến khúc ngoặt tai rạch Ba Rài (Mỹ đặt cho tên của khúc ngoặt này là Snoopy’s Nose, ngoặt Mũi Chó) với vận tốc khoảng 8 hải lý và tầu này cách tầu kia chừng 15 thước. Theo kế hoạch hành quân thì đúng 7:30 sáng, các ổ pháo 105 ly từ căn cứ Đồng Tâm sẽ pháo kích dọn đường khoảng 5 phút tại hai bãi đổ bộ A và B.

Tuy nhiên khi đoàn tầu vừa vượt qua khúc ngoặt, lọt vào vùng tử địa (kill zone) của trận phục kích (vùng này trải dài khoảng một cây số rưỡi), tức khắc hai bên bờ rạch súng nổ dòn. Hàng loạt những trái phá chống xe tăng từ bờ vọt ra. ATC rà mìn mang số T 91 trúng hai trái ngay bên hữu mạn. Tầu chòng chành dữ dội, nhưng may mắn không có thương vong. Thoạt đầu thủy thủ đoàn tưởng tầu trúng mìn địch.

Tiếp sau đó, súng AK 47, đạn chống xe tăng, đạn B 40 liên tiếp nhắm vào các tầu khác như Tiền Phong Đỉnh, Thiết Giáp Đỉnh chở bộ binh v.v... Sau này khi đổ bộ lên bờ, quân Mỹ khám phá ra rằng không phải VC chặn đánh đoàn tầu một cách bất ngờ, mà chúng đã đào hầm hố chuẩn bị cho cuộc phục kích từ lâu. Thoạt đầu bộ binh trên Giang Đỉnh để súng trên tầu hoạt động vì họ tưởng bị bắn sẻ quấy nhiễu như thường lệ. Đến khi thấy rõ cường độ của cuộc phục kích, họ tham gia với súng phóng lựu M 79, đại liên M 60 và súng cá nhân M 16. Tuy nhiên vì ở vị thế bất lợi trong lòng tầu, nên họ chỉ bắn cầm chừng, và chờ các quân nhân Hải Quân bị thương là nhẩy vào thay thế tại các ổ súng trên tầu, khiến súng không bị ngừng tiếng lâu.

Chiếc ATC chở đại đội bộ binh C do đại úy bộ binh Richard E Botelhos, bị trúng đạn rocket nhưng không quân nhân nào bị thương. Đại Úy Botelhos sau này hồi tưởng:

-“Tuy lúc đó không bị thương nhưng chúng tôi bị kích thích dữ dội bởi tiếng nổ, khói thuốc súng và sự hiểm nguy”.

Không tầu nào mà không bị đạn địch. Hải Quân Trung Tá Rhodes bị té vào thành tầu ngất xỉu khi chiếc soái đỉnh Monitor của ông trúng đạn B 40.

Quân Mỹ phản công

Theo nguyên tắc chiến trường, trong các cuộc phục kích, phe phục kích chiếm được sự bất ngờ lúc ban đầu và lựa chọn được chiến địa họ muốn. Nhưng sau phút hoảng hốt đầu tiên, thủy thủ đoàn Giang Đỉnh, được bảo vệ bởi vỏ thép quanh tầu và có một hỏa lực hùng hậu, đã phản công hữu hiệu. Đại bác 20 ly, 40 ly và súng cối trực xạ bắn xối xả lên hai bờ rạch. Vì cây cối rậm rạp, nên dù vị trí địch chỉ cách bờ rạch chừng 5 thước, các quân nhân Mỹ phần đông không thấy rõ mục tiêu, ngoài những ánh lửa do súng địch phát ra. Tuy thế lực lượng địch vẫn kiên gan đóng chốt tại bờ trong các hầm hố, nguy trang.

Sau khi chiếc ATC rà mìn đầu tiên trúng đạn, vài phút sau chiếc ATC rà mìn kế tiếp cũng bị ăn 5 quả đạn DKZ, khiến 8 thủy thủ bị thương. Chiếc này được lệnh lui về đoạn hậu. Thủy thủ đoàn tuy bị thương vẫn có khả năng tiếp tục chiến đấu. Hỏa lực Mỹ phản công dữ dội, đến nỗi một súng đại liên M 60 bị cháy nòng và 3 súng phóng lựu M 79 trên tầu, chỉ trong 20 phút bắn hết 3 thùng đạn.

Các Tiền Phong Đỉnh monitor cũng bị trúng đạn tơi bời. Chiếc mang số 111- nhận hai trái B 40, làm hệ thống lái bất khiển dụng. Sau khi ủi tạm vào bờ để sửa chửa khẩn cấp, Tiền Phong Định này lại trở về đội hình chiến đấu.

Sau khi trận phục kích khởi sự được vài phút, các ổ pháo 105 ly ở căn cứ Đồng Tâm thay vì tác xạ dọn đường hai bãi đổ bộ A và B như dự định, đã chấm tọa độ mới, pháo yểm cho đoàn Giang Đỉnh. Đạn pháo tác xạ hai bên bờ làm giãm sút hỏa lực của Việt Cộng nhưng không làm chúng im tiếng. Tuy nhiên nghe tiếng pháo yểm, tinh thần của đoàn quân bị phục kích lên cao. Đồng thời phi vụ phản lực dội bom Napal và oanh tạc vị trí địch bằng hỏa tiễn.

Quân Mỹ rút lui để tản thương

Cuộc giáo chiến kéo dài chừng 15 phút, nhưng với quân nhân tham chiến của cả hai bên thì như vô tận. Lúc này HQ Tr/ Tá Rhodes đã hồi tỉnh. Ông mau chóng nhận định chiến trường và cho lệnh rút lui. Các quân nhân bộ binh và thủy thủ đoàn HQ rất thất vọng vì họ đã say khói thuốc súng, muốn ở lại để tiếp tục phản công, vì dù sao đi nữa chiến đấu là nhiệm vụ của họ, không dễ gì bỏ cuộc. Tuy nhiên trong trách nhiệm của cấp chỉ huy, cứu cấp quân nhân thuộc hạ bị thương là ưu tiên hàng đầu.


Tuy rút lui không có nghĩa ngừng chiến đấu. Đạn trong bờ vẫn xối xả bắn ra. Đạn trên tầu vẫn nã vào bờ. Đạn trọng pháo vẫn nổ đều và trên không, phản lực cơ vẫn xé gió, tuôn lửa đạn xuống đầu địch. Phía Mỹ một số quân nhân chết và bị thương, nhưng chỉ có 24 người bị thương nặng cần trực thăng vận về bệnh viện.

Lực lượng Mỹ quay lại chiến trường

Về lại điểm xuất quân, vào lúc 4:45, sau khi thương binh đã được đi tản, lực lượng Mỹ được tăng cường nhân viên và 3 giang đĩnh thay thế, để tiếp tục cuộc hành quân bỏ dở.

9:00 giờ sáng, tất cả sẵn sàng lên đường tìm gặp tử thần. Lần này đại đội C đi tiên phong, thay thế đại đội B đã bị thiệt hại trong cuộc giao chiến lần đầu.

Hai trực thăng võ trang UH tăng cường tác xạ hai bờ rạch và pháo yểm từ căn cứ Đồng Tâm tiếp tục rãi đạn. Trước sự ngạc nhiên của chiến binh Mỹ, lực lượng Việt Cộng vẫn bám lại vị trí cũ để phục kích lần thứ nhì. Dĩ nhiên gọi là phục kích nhưng lần này hai bên đều chuẩn bị kỹ lưỡng và không còn yếu tố bất ngờ nữa. Nhưng không phải vì thế mà cuộc hành quân của Mỹ được dễ dàng như mong ước. Sau này một sĩ quan bộ binh tham chiến cho hay:

-“Sở dĩ Việt Cộng cầm cự được vì chúng ẩn nấp trong các công sự vững chắc”.

10:00 sáng, Mỹ quay lại địa điểm đã bị phục kích. Lần này đoàn tầu khai hỏa tối đa và lực lượng bộ binh Mỹ đã có thể đổ bộ. Đại đội A và C là thành phần xung kích trong khi đại đội B giữ phần trừ bị.

Quần thảo trên bộ

Vì cây cối rậm rạp và lực lượng Việt Cộng khá đông đảo, trong 3 giờ liền, bộ binh Mỹ chỉ tiến được chừng 150 mét. Đại úy Taylor cho hay:

-“Địch bám sát chúng tôi để tránh bị pháo binh và phản lực cơ xạ kích, do đó nhiều khi chúng tôi phải gọi pháo binh bắn cách chúng tôi chừng 25 hay 30 mét để ngăn ngừa VC tràn ngập vị trí, dù rằng chúng tôi chấp nhận có thể bị thương vong vì pháo bạn”.

Khi di chuyển vào trong, khoảng 200 m cách bờ, cây cối bắt đầu quang đãng khiến Mỹ có thể quan sát được chiến trường, vị trí địch nhưng ngược lại địch cũng quan sát được những di chuyển của Mỹ.

Hai bên cầm cự nhau suốt ngày, cho đến khi chiều buông xuống. Trong bóng tối, bộ binh Mỹ rút ra bờ sông, để gần hỏa lực yểm trợ của chiến đỉnh và có lợi thế là mặt sông được an toàn.

Suốt đêm hỏa châu soi sáng chiến trường. Trực thăng võ trang bay vần vũ trên không. Pháo vẫn truy kích vị trí nghi ngờ có địch. Nhưng đêm yên tĩnh vì ngoài một vài bắn sẻ quấy nhiễu, lực lượng địch âm thầm rút khỏi vùng giao tranh. Tuy nhiên lực lượng Mỹ vẫn đề cao cảnh giác vì họ sợ đặc công cảm tử Việt-Cộng có thể ôm bộc phá lẻn vào phá hoại.

Kết quả trận chiến Rạch Ba Rài

Sáng 16 tháng 9 năm 1967, Mặt trận hoàn toàn yên tĩnh. Kiểm điểm chiến trường, địch bỏ lại 79 xác chết và một số lớn tử vong được mang đi. Phía Mỹ có 7 chết và 123 bị thương.

Đây là một trận chiến lớn trong vùng sông rạch Cửu Long đã được ghi vào quân sử Mỹ cũng như Việt Cộng. Tương tự, trận chiến năm 1965 giữa Hải Quân Việt Nam Công Hòa và Việt Cộng đã nói ở phần đầu bài, được ông Phan Lạc Tiếp phỏng vấn các Sĩ Quan tham chiến (hiện sinh sống tại Hoa Kỳ) và ghi chép vào tập Hải Sử Quân lực VNCH. Về phần Việt Cộng, Trung Tá Nguyễn Thanh Sơn cũng ghi lại trận đánh này trong tập tài liệu lưu hành nội bộ nhan đề “Những Trận Đánh Của Lực Lượng Võ Trang Đồng Bằng Sông Cửu Long”, dĩ nhiên với sự thổi phồng cố hữu về thiệt hại của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và giảm thiểu thiệt hại về phía họ.

Trần Quán Niệm
New Jersey, 1995.


Chú thích:

(1) Trong trận Ba Rài do ông Phan Lạc Tiếp thuật lại trong cuốn Hải Sử Việt Nam Cộng Hòa, địch bỏ lại 57 vũ khí đủ loại và vô số xác chết. Bên ta 2 sĩ quan hy sinh, 1 bị thương nặng. 1 cố vấn Mỹ tử thương. Đặc biệt trận này ta thiệt mất hạ Sĩ Quan nổi tiếng về thành tích chiến đấu là TS I Nguyễn Phước Đức (biệt hiệu Đức Râu) và một số thủy thủ. Một giang đỉnh cháy và chìm. Những chiếc hư hại khác được kéo về căn cứ an toàn.

 

 

Chân dung TS1 Nguyễn Phước Đức

(2) Tài liệu đọc thêm:

Seven Fightfires in Viet Nam viết bởi Đại Tá John Cash và Riverine Operations 1966, viết bởi Thiếu Tướng William B. Fulton (Center of Military Histor).
  

Bài đăng lần đầu tiên: đăng lúc 02:22:54 PM, Sep 07, 2013
 

*  *  *

 

Xem bài cùng một tác giả: click vào đây

Xem trang Kiến thức, tại liệu: click vào đây

Trở về trang chính www.nuiansongtra.net

 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh