Hỏa-Tiễn Tinh Khôn Tomahawk.
Lê Chánh Thiêm
Trong chiến-tranh, ngoài chiến-thuật, chiến-lược cùng nhiều yếu-tố khác ra, vũ-khí đóng một vai-trò then-chốt để mang lại chiến-thắng. Nếu chiến-tranh thay đổi theo từng giai-đoạn, từng chiến-trường ... thì mỗi một loại vũ-khí cũng phục-vụ cho từng mục-tiêu. Nhìn chung, vũ-khí tối-tân bao giờ cũng mang lại lợi thế cho đội quân có trang-bị nó.
Thời chiến-tranh lạnh, những loại vũ-khí nổi tiếng như thám-thính cơ U-2, pháo-đài bay B-52, các loại F-117 Stealth Fighter, F 4C của Mỹ, Mirage của Pháp, Mig của Nga, ... đã từng gieo kinh-hoàng cho đối phương. Trong xu-thế chiến-tranh đối đầu hiện nay, vũ-khí càng đóng vai-trò quan-trọng hơn nữa.
Hiện nay, quân-đội Hoa-Kỳ tung ra nhiều loại vũ-khí mới vô cùng lợi hại trong chiến cuộc tại Afghanistan. Ngoài máy bay Radar J-STAR (Joint Surveillance Target Attack Radar System) do hãng Northrop chế-tạo giá 270 triệu Đô-la một chiếc; thám-thính cơ không người lái RQ-4A GLOBAL HAWK với giá 47 triệu Mỹ-kim một chiếc; pháo-đài bay B-52 Stratofortress được tân-trang với giá 74 triệu Đô-la một chiếc,... còn có một loại vũ-khí được cho là loại khí-giới lợi hại nhất thời-đại: hỏa-tiễn Tomahawk.
Hỏa-tiễn Tomahawk do hãng Raytheon Systems Company, bản-doanh tại Tucson, Arizona chế-tạo. Kể từ khi phát-minh vào năm 1972 đến nay, hỏa-tiễn nầy đã có 4 lần cải tiến, được trang-bị cho Không-quân và loại BGM-109A dành cho Hải-Quân Mỹ.
Tomahawk BGM-109 dài 18.3 feet (5.56 m) và 20 ft. 6 inches (6.25 m) nếu trang-bị phụ-tùng; sãi cánh (wingspan) dài 8 ft. 9 inches (2.67 m); nặng 2.900 pounds (1.315,44 kg); 3,500 pounds (1,587.6 kg) hay 4,190 pounds, tùy trang bị phụ; đường kính (diameter) 20.4 Inches (51.81 cm); vận-tốc 550 dặm một giờ (880 km/h); tầm bay xa 1,553 dặm (2499 km); giá mỗi trái từø 1.4 triệu Đô-la đến trên 2 triệu tùy theo các trang-bị phụ-thuộc.
Hỏa tiễn có hình-dáng như một điếu xì-gà, sau mũi (hệ-thống cửa sổ) là hệ-thống hướng-dẫn rồi đến hệ-thống điều-khiển, kế đến là ngăn chứa thuốc và các chất liệu để đánh phá mục-tiêu, phần cánh để giữ hướng bay, sau đó là khoang chứa nhiên-liệu cung-cấp cho hệ-thống đẩy hỏa-tiễn bay. Tiếp theo là ngăn chứa hệ-thống computer, software cùng các thiết-bị điện-tử, là ngăn quan-trọng nhất để điều-khiển, hướng-dẫn hỏa-tiễn đến mục-tiêu. Ngăn sau cùng là hệ-thống máy móc giúp hỏa-tiễn bay đến đích.
Các chuyên-gia quân-sự đồng cho Tomahawk là loại vũ-khí thông-minh, tinh khôn, nguy-hiểm nhất hiện nay. Họ xem loại hỏa-tiễn nầy như là một phi-cơ không người lái có chứa chất nổ vì nó được trang-bị nhiều loại máy móc tinh-vi có thể tự điều-khiển để đánh thẳng chính-xác vào mục-tiêu. Điểm thuận lợi là có thể phóng nó ra từ nhiều vị thế: trên chiến-hạm, phi-cơ, tàu ngầm hay các căn-cứ trên đất liền. Tomahawk có mang đầu đạn nặng đến 500 ký hay loại bom khi nổ tự tung ra nhiều mãnh để gây thiệt-hại cho đối-phương. Tomahawk cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân, tùy theo chu-cầu.
Loại Tomahawk kiểu đầu tiên được dùng trong cuộc hành quân “Bão-táp Sa-Mạc” (Operation Desert Storm) năm 1991. Đến 1995, Hoa-Kỳ ký bán cho Anh quốc 65 hỏa-tiển theo “Forreign Military Sales Agreements” giữa 2 chính-phủ. Kiểu thứ 2 vào năm 1986 được gắn thêm TERCOM (Terrain Contour Matching) và DSMAC (Digital Scene Matching Area Correlation) là những hệ-thống điều-khiển để đánh vào chính-xác hơn. Kiểu thứ 3, vào năm 1994, thêm vào GPS (Global Positioning Satellite) trong hệ-thống hướng-dẫn của TERCOM và DSMAC. Kiểu thứ 4 gọi là Tactical Tomahawk có thêm Infra-Red, hệ-thống hướng-dẫn tinh khôn khi bay. Tomahaw là vũ-khí chiến-lược để tấn-công, cũng được dùng trong hệ-thống phòng-vệ của quân-đội Mỹ.
Chương-trình của Bộ Quốc-phòng Mỹ dự định xử-dụng Tomahawk đến năm 2003. Hỏa-tiễn Tomahawk được gắn động-cơ Williams International F 107-WR-402 Cruiser Turbo-fan Engine và CDS/ ARC Solid-Fuel booster.
Về tính năng, Tomahawk bay đến mục-tiêu do máy tính hướng-dẫn một cách chính xác, khi bay có thể liên-lạc với nơi đã phóng nó ra, bay với vận-tốc tương-đối nhanh, với cao độ từ 5 m đến 20 m cách mặt đất để tránh radar địch. Ngoài việc nó có thể đổi hướng bay để tránh né hệ-thống radar đối phương, thay đổi vận-tốc tùy lúc tùy thời, nó còn biết tạo các đường bay giả để đánh lừa radar, và trước khi đến mục-tiêu, nó mới trở về đường bay thật. Trong trường hợp đang trên đường bay, đối phương lập hai hay nhiều hệ-thống radar để theo-dõi nó, hệ-thống máy tính trên nó sẽ biết và tìm đường bay “an-toàn” theo từng đoạn đường được đối-phương thiết-trí radar hay trạm quan-sát, nghĩa là nó biết “luồn lách” để tránh bị bắn hạ.
Trên hỏa-tiển, nhà chế-tạo có thiết trí ở phần trước mũi hệ-thống DSMAC (Digital Scene Matching Area Correlation), một hệ-thống nhiều máy quay phim. Nhờ hệ-thống này, các “mắt thần” sẽ “ghi lại” hình-ảnh mục-tiêu và nó sẽ “đối-chiếu” với các dữ-kiện về mục-tiêu đã được gài trước vào bộ nhớ trước đó. Khi “cảnh thật” của mục-tiêu xứng hợp với “dữ-kiện”, máy tính sẽ ra lệnh tấn-công và hỏa-tiễn sẽ lao vào mục-tiêu. Nhờ những thiệt-bị tinh-vi như vậy, hỏa-tiễn hoạt-động trong bất cứ tình-huống thời tiết nào (giông, gió, mưa, trời tối hay sáng, sương mù hay trời trong) với độ chính-xác “tuyệt-đối” (extreme accuracy).
Khi được phóng ra khỏi dàn phóng, hỏa-tiển mới giương các đuôi cánh ra để bay đến mục-tiêu. Một điểm quan-trọng nữa là tầm hoạt-động đáng kể, đây là loại vũ-khí tự-động có thể bay xa đến 3.000 km mà vẫn giữ độ chính-xác cao khi tấn-công mục-tiêu, một điều mà các loại vũ-khí cũ không có được.
Ngoài các thiết-bị sẵn trên hỏa-tiễn để nó tự-động điều-khiển, các nhà quân-sự cũng có thể dùng các vệ-tinh để điều-khiển hỏa-tiễn nầy nếu cần để đánh chính-xác vào mục-tiêu hơn hay điều-chỉnh lại các yếu-tố do những biến-cố bất-ngờ không biết trước như: một vài chi-tiết về mục-tiêu, địa-hình địa vật nó bay qua, những thay-đổi khác hơn các yếu-tố đã được gài vào bộ nhớ, các thay đổi về vị-trí của hệ-thống radar đối-phương v. v...
Trong cuộc chiến “Bão-táp Sa-Mạc” tại vùng Vịnh năm 1991, 297 hỏa-tiễn Tomahawk được bắn đến các mục-tiêu của quân Iraq và tiêu-diệt hầu như hoàn-toàn, đã làm cho chính-quyền Sadam Hussen khiếp đảm và đã mang lại chiến-thắng cho quân Đồng-minh. Chỉ vài phút sau khi khai chiến, hỏa-tiễn Tomahawk từ các chiến hạm Missouri và chiến-hạm Wisconsin bắn chính-xác vào bộ chỉ-huy và hệ-thống radar của Iraq. Suốt cuộc chiến vùng Vịnh, Tomahawk tiêu-diệt các hỏa-tiễn địa đối không, các trung-tâm chỉ-huy hành-quân, các nhà máy điện cùng các dinh-thự của Tổng-thống Iraq. Trong cuộc chiến chống khủng-bố tại Afghanistan, hỏa tiễn Tomahawk được xem như một vũ-khí chủ-lực của quân-đội Hoa-Kỳ.
Tomahawk được trang-bị trên hầu hết các Hàng-không mẫu hạm (như USS Enterprise, USS Kitty Hawk ...) các Khu-Trục Hạm (USS Mcfaul, USS John Paul Jones, USS O’Brien, ...), Tuần Dương Hạm (USS Ticonderoga, USS Hue City,...), các tàu ngầm, các căn-cứ phòng-thủ của Mỹ. Ngoài ra, một số tàu chiến, căn-cứ của Quân-đội Hoàng-gia Anh, NATO cũng có trang-bị Tomahawk.
Lê Chánh Thiêm
San Jose, 2002