Văn-phòng Lượng-giá truyền thông, BBM: Bureau of Broadcast Measurement, là một tổ hợp lớn của Mỹ do các đài truyền-thanh, truyền-hình, các cơ-quan quảng-cáo và các thân-chủ quảng-cáo hợp-tác điều-khiển, có nhiệm-vụ làm thống-kê cho ngành truyền-thông.
Nhiệm-vụ của cơ-quan này là tổ-chức việc đếm, thống kê bằng nhiều cách để biết được số lượng người xem truyền-hình và nghe đài truyền-thanh để biết chương-trình nào mạnh, chương-trình nào yếu qua số lượng thính giả tham-dự các chương trình phát thanh, phát hình. Số lượng thính giả có đông người tham-dự khi chương trình phát thanh phát hình hay, thú-vị, hấp-dẫn...Ngoài ra, họ còn phân loại từng loại thính giả, khán giả theo độ tuổi, chủng tộc… và cho biết giờ giấc nào có nhiều khán thính giả của từng hệ thống một.
Trên nguyên-tắc chung, BBM tổ-chức tham-khảo như sau: mỗi tháng hai lần vào hai tuần đầu tháng, họ lần lượt hỏi các thành-viên (thường thì trên 12 tuổi) của 1,000 gia-đình ở một địa-phương xem họ theo-dõi chương-trình nào. Mỗi tháng, BBM thay một số gia-đình trong danh sách cũ bằng một số gia-đình chưa được hỏi tới. Cứ 4 tháng một lần, BBM lập một thống-kê mới, căn-cứ trên 4 cuộc tham-khảo họ đã thực-hiện.
Các thân-chủ quảng-cáo thường dựa trên thống-kê của BBM để quyết-định chọn các chương-trình nào hay đài nào để giao quảng-cáo của họ phát đi trên các hệ-thống truyền-thanh hay truyền-hình đó; giá tiền mướn quảng-cáo thân chủ phải trả sẽ tương-ứng với số-lượng thính-giả nghe chương-trình của các đài đó. Các chương-trình quảng-cáo chỉ phát trong một phạm-vị nào đó (giờ giấc và chương-trình phát ra) chứ không phải toàn trên đài hay suốt 24/24 (mỗi giờ giấc trong ngày, số tiền khác nhau). Ví dụ trong trận Super Bowl hàng năm, có trận, số tiền quảng-cáo phải trả lên đến từ 500,000 đến 2 triệu USD mà mẫu quảng cáo chỉ được phát ra chỉ trong 30 giây (30 seconds) hay một phút là tối đa mà thôi.
Ngoài BBM ra còn có các công-ty lượng giá về truyền-thông độc lập khác nữa. Mỗi loại lượng giá có tiêu-chuẩn lượng-giá khác nhau.
Những cuộc lượng giá trên truyền-hình được này được theo-dõi bằng những bản trắc-nghiệm có sẵn, họ hỏi những người được chọn và ghi lại ý-kiến hay câu trả lời để biết được quan-điểm của người được hỏi. Trên những mẫu này có ghi các tiêu-chuẩn họ cần biết. Họ căn-cứ trên dân số trong từng khu-vực, căn-cứ vào khu gia cư giàu hay nghèo, theo từng sắc dân sinh sống trong một phạm-vi nhỏ hay lớn để tính tổng thể, tính mức trung-bình. Ví-dụ họ chọn 25% gia-đình người da đen trong 100 gia-đình được hỏi, điều này có nghĩa là dân da đen chiếm 25% dân số, trên một phạm-vi nào đó hay trên toàn quốc. Tương-tự, nếu dân gốc Á châu là 12% thì họ chọn 12 gia-đình là dân Á Châu trong 100 gia-đình được hỏi.
Theo công-ty thăm-dò truyền thông Nielsen Media Research, một trong các công-ty tư-nhân độc lập, có đến 98.2% gia-đình người Mỹ có ít nhất một máy TV trong nhà. Đây là con số khiêm-nhường tuy thực-tế con số nầy cao hơn nhiều bởi TV (cũng như computer hay xe hơi) đối với người Mỹ là một “nhu cầu” cho cuộc sống chứ không phải là phương tiện để phô trương sự giàu có. Ngày nay, tại Hoa Kỳ, nhiều gia đình có thể đến mỗi người một TV, một computer và một xe hơi.
Khi muốn biết có bao nhiêu người coi một show nào đó trên truyền-hình, họ sẽ thực hiện những cuộc trắc-nghiệm. Có thể là họ gọi điện-thoại hay dùng các dụng-cụ điện-tử: Họ lắp sẵn các trang-bị đo-lường, thăm-dò, những hộp dây cáp của “những gia-đình Neilsen” vào máy TV, VCR. Khi ta mở máy, các dụng-cụ này hoạt-động và dĩ nhiên báo về trung-tâm của công-ty họ. Ngoài ra, còn các thiết-bị tinh-vi hơn, họ còn đặt các “máy người” để biết những ai coi một show nào đó chứ không chỉ riêng là họ biết bao nhiêu người xem. Trong mỗi gia-đình, máy sẽ phân-biệt được có bao nhiêu người, ở hạng tuổi nào coi chương-trình gì và chương-trình nào được xem nhiều nhất, chương-trình nào ít nhất, thời-gian xem là bao lâu.
Ngày nay, các công-ty Cable - công ty cho thuê hệ thống truyền dẫn qua day cáp - hay các công ty “đĩa vệ tinh” (Satelite) có những phương pháp tân kỳ hơn nữa để theo dõi tất cả hệ thống của họ. Ví dụ: một gia đình đóng tiền để thuê một chương trình xem được 100 đài truyền hình của Công ty A. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, gia đình nầy xem được chương trình 200 đài phát. Công ty A sẽ biết ngay, họ sẽ cử nhân viên đến Hộp Cable của gia đình đó sửa lại hệ thống nối vào dây cable từ hộp cáp vào nhà. Dĩ nhiên, nhà nào “xem lậu”, họ biết ngay. Việc cắt hay không là do họ muốn chứ không thể nói họ “không biết” cái gian mình đang làm.
Theo thống-kê ghi nhận, trong lịch-sử truyền-thông Hoa-Kỳ, hồi cuối của bộ phim Mash giữ kỷ-lục là “show được nhiều ngươi coi nhất” với hơn 50 triệu người Mỹ bật máy TV coi show này trong đêm chiếu đó.
Đứng hạng thứ nhì là bộ phim Dallas, hồi “Who Shot J. R.” với trên 41 triệu gia-đình người Hoa-Kỳ mở TV ra xem hồi này trên đài.
Đây là những con số đáng kể vì trong một gia-đình, TV không chỉ dành riêng cho ai. Việc số lượng người cùng xem đồng thời một chương trình đông như vậy cho thấy đó là show hết sức hấp dẫn.
Có thể cha mẹ phải nhường cho con cái xem các chương trình chúng thích nhưng vì show hay nên cha mẹ phải dùng "quyền người lớn" để cho các nhà thống kê có việc làm.
Hiện tại, trẻ con Hoa Kỳ có xu hướng “làm bạn” với cái computer hơn là dán mắt vào TV như mấy thập kỷ trước nay. Các công ty cable, các hãng truyền hình, các đài truyền hình dĩ nhiên biết điều nầy. Do đó, họ sẽ cải tiến chương trình truyền hình của họ thật hay để hấp dẫn thính giả, hạ giá các dịch vụ và nhất là các phương tiện khuyến-mãi để kéo khán giả về xm chương trình của mình. Có như vậy, họ mới thu hút được các thân chủ quảng cáo, những người bỏ tiền ra để cho họ phổ biến các sản phẩm đến người tiêu thụ.
Trong một xã hội “tự do thật sự”, mọi người mọi giới được luật pháp bảo vệ cho họ quyền tự do cạnh tranh. Điều nầy sẽ mang lại cái lợi cho người tiêu dùng ngoài việc đưa nền kinh tế phát triển. Điều giúp cho sự quảng bá một sản phẩm đến người tiêu thụ là các phương thức “quảng cáo”, trong đó, Văn-phòng Lượng-giá truyền thông đã đóng góp công sức không nhỏ.
Lê Chánh Thiêm.