Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 16, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Phiếm luận
LẨN THẨN CHUYỆN DÊ
TRẦN QUÁN NIỆM

Thủa thanh bình xa xưa, ngày Xuân nơi làng mạc, thôn xóm già trẻ trai gái tấp nập trẩy hội đình, hội chùa “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”. Những trò vui trong ngày Xuân, không thể thiếu những trò sát phạt đỏ đen, nhưng cũng còn những thú giải trí tao nhã như đánh cờ người, đánh đu, đánh vật, bơi thuyền, đố chữ, hát bài chòi v.v...Nhân dịp này, các gánh cải lương, hát bội cũng hốt bộn bạc vì đồng bào ta còn có thú bói tuồng đầu năm, mong gặp chuyện tốt lành, vui tươi. Do đó các chàng hề tha hồ chọc cười thiên hạ cho vui vẻ cả làng.

Khi chữ quốc ngữ phổ thông, báo chí ra đời rầm rộ, hàng năm giai phẩm Xuân tràn ngập sạp báo, trang bìa đầy mầu sắc tươi đẹp, in hình các giai nhân tươi như hoa, hoặc các cô ca sĩ xinh như mộng, hoặc cành mai, cành đào rực rỡ, in bao nhiêu bán cũng hết.

Nơi hải ngoại cũng vậy. Sau ít năm đầu định cư, báo chí Việt ngữ không có là bao, nay đời sống tương đối ổn định, báo chí phát hành không sao đếm xuể. Ịồng bào đi chợ Tết, sau khi mua sắm vật thực ê hề, thế nào cũng bỏ ra vài đồng mua một tờ báo Xuân (hoặc hà tiện hơn thì lượm báo phát không) để thưởng thức lúc trà dư tửu hậu trong ba ngày Tết. Ấy là chưa kể báo biếu, đặc san do các tôn giáo, hội đoàn phát hành, không biết cơ man nào mà kể.

Cầm tờ báo về nhà, nhẩn nha đọc từng trang, cũng thấy thú vị. Bài nào cũng nói về Xuân về Tết, sao hợp tình, hợp cảnh quá chừng. Nào báo này xông đất báo kia, nào chuyện nấu bánh chưng đêm ba mươi và thức rình kẻ trộm, chuyện đi lễ chùa đầu năm, xin xăm, hái lộc. Hết chuyện Tết năm nay, lại đến chuyện Tết năm xưa. Ịặc biệt có hai mục không thể thiếu là sớ Táo Quân, tổng kết tình hình trong năm và bài nói về con giáp sắp tới. Thôi thì đầu cua, tai nheo, chuyện xấu, chuyện tốt của con giáp được lôi ra cho bằng hết hầu mua vui cho độc giả.

Độc giả phục lăn các ông các bà nhà văn, nhà báo chữ nghĩa tuôn trào lai láng. Ít ai ngờ rằng trước đó vài tháng, khi tiết trời còn lạnh buốt, các ông các bà đó đã cặm cụi nặn óc nói láo ăn tiền, tưởng tượng hão huyền, ăn Tết giả bộ, kiếm đề tài viết cho đầy trang báo. Bụng lép kẹp mà vẽ ra cảnh bánh mứt, cỗ bàn thịnh soạn. Rét run hừ hừ mà làm thơ ca ngợi cảnh Xuân đầm ấm, hoa đào đua sắc, chim chót hót ca. Viết xong nộp cho ông bà chủ báo, chờ lúc báo lên khuôn, phát hành đầy sạp, đợi chủ báo tính toán lời lỗ, phát cho chút tiền còm, để các vị nhà văn, nhà báo hào hoa, nhưng luôn luôn...đói, chạy vội ra chợ Tết...tàn, mua ít cân mứt ế, vài chai rượu rẻ về nhà ăn Tết...muộn.

Kẻ viết bài này cũng thế, mấy tháng trước Tết đã lục tìm ký ức, vào thư viện kiếm tài liệu. Viết xong, hí hửng đem khoe người yêu chờ nàng cho ý kiến. Ai ngờ vừa liếc qua cái đề, nàng đã ban cho cái nguýt dài thoòng và một câu xanh rờn: “Xí, thiếu gì chuyện mà bầy đặt viết chuyện dê cho người ta chửi”.

Chưng hửng một giây mới vỡ lẽ ra rằng nàng tưởng chuyện dê xồm, dê gái bậy bạ, ai ngờ đây là chuyện dê chính thống. Thế mới biết hình ảnh con dê xấu xa đã in đậm nét trong đầu óc người dân Việt từ lâu.

Của dê và người (of goat and man)

Thật vậy, loạng quạng chọc gái, không may trúng nhằm con mụ đanh đá, chua ngoa lại không chịu đèn, thế nào cũng được nghe một tràng “mỹ từ” đồ dê xồm, đồ 35 con dê, đồ già dịch, đồ già dê, đồ dê cụ. Hình ảnh con dê được gắn liền với hình ảnh xấu xa đồi bại.

Thật ra dê có làm gì nên tội. Nó chỉ thi hành phận sự thiêng liêng cao cả Thượng Ịế giao phó cho nó là truyền giống để bảo tồn giòng họ nhà dê. Có tội chăng chỉ vì nó thi hành một cách hăng hái, nghiêm túc, đều đặn quá, lại diễn ra nơi thanh thiên bạch nhật, đồng đều cho cả đàn dê cái. Nếu nó khéo biết che đậy môi miếng như loài người, chắc chẳng bị miệng đời bêu riếu như thế đâu. Xã hội loài người càng văn minh càng bầy đặt nhiều lễ nghi rườm rà, lấp liếm. Con người càng giầu có, trưởng giả càng no cơm rửng mỡ. Sau lớp vỏ đạo đức hào nhoáng bên ngoài, bầy biết bao trò trụy lạc hơn ai hết.

Ngày thì quan lớn như thần
Đêm về quan lớn tần mần như ma

Cô nàng kia vừa đi chơi hai tuần trăng mật ở Đà Lạt, Nha Trang hay Bemuda, Hawaii về, bạn bè xúm lại hỏi thăm thì chỉ nghe nàng líu lo, nào biển xanh lắm, mây trắng lắm, nào cưỡi ngựa, nào bơi thuyền, nào chơi golf, ăn uống suốt ngày thật là thú vị, rất ngây thơ trong trắng. Có ai cắc cớ đòi xem ảnh trăng mật thì nàng hớn hở lôi ngay trong bóp ra một xấp hình. Ịừng vội mừng và hồi hộp nghe. Không có ảnh chụp trong phòng đâu, toàn cảnh trời mây non nước vô tội vạ không à. Thế mà cả người xem lẫn chủ nhân đều xuýt xoa, đều tấm tắc, đều hể hả. May mà con dê nó không biết nghe tiếng người, chứ không nó cũng cười đến vỡ bụng, hoặc bể cái đầu vì không biết loài người muốn gì. Vài tháng sau nàng ôm bầu một bụng chình ình (chắc vì tắm biển, uống nhiều nước). Thế là thiên hạ lại nhào tới chúc tụng, tặng quà tíu tít.

Trường hợp này là trường hợp của nàng thiếu nữ có cưới xin đàng hoàng, có gửi thiệp và bà con thân thuộc được ăn tiệc tại tiệm cao lầu. Ngược lại, nếu nàng âm thầm cái bụng một ngày một bự, thì thiên hạ tha hồ bàn ra tán vào, phê phán, đàm tiếu khiến cha mẹ nàng xấu hổ, còn nàng cũng phải trốn đi xứ khác mới xong. Ấy là chưa kể ngày xưa tập tục khắt khe hơn, cha mẹ bị đóng trăn, phạt vạ, cô gái bị gọt gáy bôi vôi, thả bè chuối trôi sông nữa kìa.

Rõ hay nhỉ. Cùng là một sự chửa đẻ, mà tốt cũng nó, xấu cũng nó. Chung qui chỉ do tục lệ, miệng lưỡi thế gian mà ra. Trong kho tàng ca dao, một tác giả vô danh có câu ngạo đời rằng:

Không chồng mà chửa mới ngoan.
Có chồng mà chửa, thế gian sự thường

Tuy nhiên bá nhân, bá tánh. Có người chê, cũng có kẻ khen. Ịám này là đám bợm nhậu, đám đàn ông sồn sồn, choai choai. Thấy khả năng tình dục của dê tuyệt diệu quá, sau khi tự so sánh ngầm, họ bèn sinh lòng kính phục. Từ kính phục đến tôn vinh chẳng bao xa. Dê được gọi là Ông Thầy. Tuy nhiên Ông Thầy giỏi phần thực hành và dở phần lý thuyết, chẳng chỉ bảo cho ai được bí quyết gì, nên đám fans bèn hạ thịt Ông Thầy ăn cho nên thuốc. Hai hòn bi được cung kính gọi là ngọc dương và chiếu cố tận tình. Theo sách ẩm thực của Tầu, thịt dê tánh nhiệt, bổ thận, cường dương. Dê được chế biến thành dê bẩy món, nào nướng lửa, nào bóp thính, nào tái chanh, giả cầy, thịt luộc, cà ri v.v&Cái món tiết canh cũng hấp dẫn đáo để. Cầu kỳ hơn nữa, Tầu có món dê hà nàm (bào thai dê) hầm thuốc Bắc, ăn vào cam đoan đại bổ. Ăn thịt dê để được “dê” không phải hoàn toàn vô căn cứ. Nó bắt nguồn từ tập tục xa xưa, hồi con người còn bán khai, chiến sĩ các bộ lạc, mỗi lần xung trận đều có tục lệ ăn gan uống máu quân thù, tin tưởng rằng làm như vậy họ thụ hưởng được sự can đảm, hiếu chiến, khỏe mạnh của chiến sĩ địch. Ngày nay thì “Ăn gì bổ nấy”.

Các bà các cô tuy ngoài mặt làm bộ không thích mấy thằng cha có máu dê, nhưng lại khoái món sữa dê. Rửa mặt bằng sữa dê, hoặc làm kem đắp lên mặt, khiến da mặt mịn màng tươi trẻ, lỗ chân lông nhỏ lại. Việt Nam không nuôi nhiều dê, hoạ chăng chỉ có mấy anh chà-và chăn dê, sáng sáng lùa dê đi ăn cỏ và giao sữa từng nhà, một chai nhỏ xíu mà giá đắt quá trời, nên chỉ có các vị phụ nữ nhà giầu mới dám đụng tới để dưỡng da. Ngoại trừ thời mồ ma Đệ Nhất Cộng Hòa, bà cố vấn mới dám mua sữa đổ đầy bồn tắm rồi ngâm cả tấm thân ngà ngọc trong đó. Việc bà cố vấn tắm sữa dê hay sữa bò hàng ngày chẳng làm bận tâm đám quần chúng cho lắm, vì nhà vua, tiền của dư thừa, muốn gì chẳng được. Cho tới khi có tin đồn từ dinh Bà vọng ra là sữa dùng rồi, thay vì đổ đi, đám gia nô tiếc của, vô chai bán rẻ ngoài thị trường, lọt tới cả những nhà hàng sang trọng như Givral, Continental, La Pagode. Tin này không rõ thực hư (hay do tên thối mồm nào loan nhảm) nhưng cũng làm đám nghệ sĩ hay tụ họp đấu láo tại mấy nơi này, giật mình thon thót mỗi khi gọi món sữa tươi, chỉ sợ vô tình thằng chà và phải gió, lười biếng khi vắt sữa bỏ sót vài sợi lông...dê đen nhánh trong đó.

Đặc tính loài dê

Ngoài cái khả năng thiên phú gây nhiều mâu thuẫn trong dư luận loài người như vừa nói, dê còn có đặc tính gì nữa không? Khoa tử Vi Tây Phương cũng chia 12 con giáp, tuy nhiên con giáp Tây Phương không căn cứ trên năm sanh, mà căn cứ trên tháng sanh. Ngày sinh của bạn trong khoảng từ 20 tháng 3 đến 19 tháng 4, bạn cầm tinh con Aries, dịch là Dương Cưu hay Miên Dương (con cừu). Nếu sinh từ 22 tháng 12 đến 19 tháng 1, bạn cầm tinh con Capricorn, dịch là Nam Dương (con dê). Theo từ điển Webster, caprice, capricious có nghĩa bất chợt, bất thường, không đoán trước được. Đó chính là đặc tính của dê (Webster không thấy nói đến máu dê). Nó lăng quăng hiếu động, nhẩy nhót bất thường. Hồ Xuân Hương cũng có nhận xét tương tự, khi dùng hình ảnh sau đây để diễn tả dám thiếu niên lấc cấc, choai choai ưa chọc gái, trẻ không tha, già không bỏ.

Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa

Theo văn hào Alfonse Daudet, con dê của ông Seguin là một chú dê non, hiếu thắng lại thêm tính tình bướng bỉnh ngoan cố, thích gì phải làm cho bằng được. Chả thế mà, dù ông Seguin cưng chiều, cho ăn cỏ non, uống nước mát, chỉ được vài ngày, chú dê đâm chán. Nhìn xa xa có ngọn núi cao ngất, chú nổi tính phiêu lưu vặt, nhất định đòi lên đó dạo chơi, dù ông Seguin cảnh cáo là mấy con dê ông nuôi khi trước cũng đòi lên núi rồi bị chó sói ăn thịt. Ịã không sợ thì chớ, con dê hiếu thắng nhất định bứt dây cho bằng được, phóng lên núi, dù biết rõ tai họa đang chờ. Quả nhiên tối đến, sói tới. Dê chiến đấu với sói suốt đêm. Trời sáng, dê biết mình cũng thừa can đảm chống cự với sói như những con dê khác, mới đành chịu chết thảm trong hàm răng sói. Tuổi trẻ loài nào cũng thế.

Đặc tính khác của dê là mức sinh sản vô địch. Đàn dê vài chục con cái và một con đực, chỉ cần vài năm là dân số dê tăng vọt gấp 4, 5 lần. Chị dê đẻ sòn sòn, cứ 6 tháng một lứa, hết lứa này đến lứa khác, mỗi lứa mấy con. Những chú dê bé bé thật dễ thương, tối ngày chạy giỡn, trò chơi thích thú nhất là nhẩy quẫng lên, rồi đứng thẳng lưng, đi bằng hai chân sau, hai chân trước chờn vờn như người đánh box, rồi phóng vào nhau, húc đầu nghe côm cốp. Dê chịu đựng mọi khí hậu, ăn gì cũng được, từ cỏ non đến cây gai, nên đâu đâu trên mặt địa cầu cũng có dê.

Khắp thế giới có khoảng 375 triệu dê (năm 1991). Ấn Độ chăn nuôi 65 triệu, Trung Hoa 55 triệu, Turkey và Nigeria mỗi nước 20 triệu, Iran 18 triệu, Mỹ 4 triệu, số còn lại rải rác các nơi. Ngay hải đảo Hoàng Sa (VN), một hoang đảo không cao quá mặt biển vài mét, do san hô chồng chất lên mà thành, đảo không có đất, chỉ có san hô vỡ vụn ra và phân chim, trên đảo loe ngoe ít cây gai, như loại xương rồng, cằn cỗi èo uột, thế mà đàn dê của bà cố vấn giao cho tiểu đội Thủy Quân Lục Chiến chăn nuôi cũng sinh sôi nẩy nở. Khi bà cố vấn hết thời, đám Thủy Quân Lục Chiến, ngả thịt đánh chén dần, mãi mà không hết.

Dê cái mắn đẻ đã đành, nhưng nếu ai nói dê đực cũng đẻ, bạn có tin không?

Chuyện dê đực đẻ con.

Dưới triều nhà Hán, trung thần Tô Vũ làm phật ý vua vì lời can gián quá thẳng nên bị đầy lên miền tuyết lạnh chăn một đàn dê đực, hẹn bao giờ dê có con mới được về (có nghĩa đi đầy suốt đời đấy). Tô Vũ chịu khó chăm sóc đàn dê cả chục năm, chẳng thấy dê đực có con, mà Tô Vũ lại có con. Số là nơi miền tuyết giá hoang vu, lạnh lẽo cô đơn quá, Tô Vũ bèn lấy một chị đười ươi. Ăn ở với nhau trong hang núi có được hai con. Lúc này nhà vua đã hồi tâm, tha tội cho Tô Vũ và cho thuyền lên rước về. Thuyền đi trên sông, chị đười ươi ôm con chạy theo khóc lóc thảm thiết, mà Tô Vũ chẳng động lòng, nhất quyết dứt áo về xuôi. Ôi tình người và tình thú, ai thú ai người (tuy sử sách chép là Tô Vũ lấy vợ đười ươi, nhưng thiết nghĩ đây chắc là cô sơn nữ của một bộ lạc bán khai nào đó). Thời cận đại, có biết bao chàng Tô Vũ miền xuôi, bị đổi lên làm việc nơi mạn ngược, dùng lời lẽ ngon ngọt chải chuốt, khiến các cô sơn nữ mê mẩn, lấy vợ đẻ con đùm đề. Tới khi mãn hạn, chàng rũ áo về thành bỏ lại các nàng sơn nữ đau khổ nơi núi rừng.

Việt Nam cũng có chuyện dê đực đẻ con. Tương truyền khi Trạng Quỳnh chào đời, vị quan chiêm nghiệm thiên văn của triều đình, nhìn về phương Quỳnh sinh trưởng thấy vượng khí bốc lên, lại thấy một ngôi sao sáng rực rỡ, đoán là phương ấy có nhân tài ra đời, bèn tâu vua. Vua sợ thiên hạ có người tài, có thể cơ nghiệp của mình sẽ lung lay bèn tìm kế, kiếm cho ra người đó, nếu thấy nguy hiểm thật sự thì giết đi để trừ hậu họan. Nếu sai quân truy lùng, rất có thể người tài tìm kế ẩn mình, hơn nữa lại làm kinh động đến dân chúng, vị quan bèn hiến một kế thần dìệu.

Vua cho lệnh phát cho một số làng tình nghi có nhân tài xuất hiện, mỗi làng một con dê đực, hẹn trong vòng ba năm dê đực phải có con, nếu không cả làng sẽ bị tội. Gần đến ngày hẹn, dê cứ ì ra, chẳng chịu chửa đẻ gì cả, hội đồng hương chức lo sốt vó, không biết làm sao. Lệnh vua ra rõ ràng, lo mơ là có tội nặng chứ không phải giỡn. Thấy thế Quỳnh xin với hương chức trong làng cho phép đi trình vua về lệnh quái đản nói trên. Ngày nọ biết vua đi chơi ngoài thành, Quỳnh bèn nằm trốn dưới gầm cầu nơi vệ đường. Khi đoàn quân đi ngang, Quỳnh khóc rống, quân lính bắt lên tra hỏi. Vua thấy xôn xao, truyền lệnh dẫn thằng bé đến trước kiệu. Quỳnh mếu máo thưa: “Mẹ con mất sớm, con thích có em bé, nhưng đợi mãi không thấy cha con đẻ, con buồn nên con khóc”. Vua phì cười: “Sao mày ngu thế, đàn ông làm sao có con được, muốn có em bé, mày về bảo cha mày lấy vợ đi”. Quỳnh thưa tiếp: “Đàn ông không có con, sao nhà vua lại bắt dân làng nuôi dê đực cho có con”. Vua ngẩn người, biết thằng bé này là nhân tài mình muốn tìm, bèn tha tội cho Quỳnh và rút cái lệnh quái ác kia về.

Thời quân chủ, ý vua là ý trời, muốn gì cũng được. Thế cũng chưa bằng, quí bạn đọc chắc còn nhớ đời Tần Nhị Thế, quyền thần Triệu Cao chỉ con hươu và bảo nó là con ngựa (chỉ lộc vi mã), ai không hùa theo, Triệu Cao cho người giết đi. Đây là một cớ để Triệu Cao sát hại kẻ trung thần.
Dưới cầm lém đém một chòm râu.

Thời gian tiến triển, quan niệm về giá trị ở đời cũng thay đổi. Ngày trước đàn ông phải có râu mới oai nghi và đúng là bậc trượng phu, tu mi nam tử (tu là râu). Trong sách đoán về tướng mệnh, đoạn nói về tướng râu có câu:

Đàn ông không râu bất nghì
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con

Trong dân gian người ta thường nói cái râu cái tóc là góc con người. Tướng kẻ anh hùng thì râu hùm, hàm én, các ông già đẹp lão, trông tiên phong đạo cốt (vì ông Tiên nào cũng có râu) thì râu ba chòm hoặc năm chòm, phất phơ, trắng như cước, ngồi buồn lại vuốt râu chơi. Trong truyện Tam Quốc Chí tướng Quan Vân Trường có hàm râu rất đẹp, nên được tặng tên hiệu là Mỹ Nhiêm Công (ông râu đẹp), Tào Tháo muốn lấy lòng bèn tặng Quan Vân Trường túi gấm để bao râu.

Thanh niên trước kia cỡ ba mươi tuổi trở lên là bắt đầu để râu. Có râu, con người trông nghiêm trang, chững chạc hẳn lên. Dê cũng thế. Dê con có râu là thành dê cụ. Râu người có nhiều loại, nào râu xồm, râu cá chốt, râu quai nón, râu ngạnh trê...nhưng chẳng ai thích râu dê vì coi bộ không khá. Trên sân khấu tuồng cải lương, vai gian thần thường không có râu hay cùng lắm là có chòm râu dê. Đó là theo sách tướng, nhưng mấy người có râu dê lại cho là sách nói nhảm, trong đó có tướng râu dê Nguyễn Khánh. Mỹ nó cũng gọi râu dê là goatee.

Râu biểu hiệu cho giống đực, cho nam tính, do đó đức Phật ngài bảo các đệ tử xuất gia phải cạo bỏ râu tóc, cốt ý tránh làm động lòng nữ giới. Dê đực mới có râu, nhưng tại sao dê cái loài Kasmiri cũng có chòm râu? Tạo hóa cắc cớ hay nhầm lẫn? Và bộ râu dê cái dùng vào việc gì? Về điểm này, kẻ viết bài cũng đành chịu, xin các bậc cao minh giải đáp hộ.

Dê trong dân gian.

Tuy nghề nuôi dê không thịnh hành ở Việt Nam như tại Ấn Ịộ hay tại các quốc gia Trung Đông, nhưng dê cũng chiếm một điạ vị quan trọng trong nghi lễ. Phẩm vật tế thần không thể thiếu trong các cuộc tế lễ lớn được gọi là tam sinh: trâu, lợn và dê.

Như trên đã nói, thịt dê tuy có mùi gây và khó làm, nhưng rất được giới bợm nhậu ưa chuộng. Ịầu dê không quí bằng đầu heo (thủ lợn), nhưng cũng có công dụng của nó trong việc lừa bịp khách hàng, treo đầu dê bán thịt chó, ám chỉ quảng cáo thì hay, hàng họ bán ra thì “dỏm”, phẩm chất quá kém. Ruột dê không được giới ăn nhậu ưa chuộng như lòng heo vì nó rắc rối ngoằn nghèo, do đó người miền núi thường gọi con đường mòn khúc khuỷu, ngoắt nghéo là con đường ruột dê. Da dê tuy không bền, nhưng cũng được thuộc để làm túi, làm bao tay, làm giầy, làm áo.

Tuy thế áo da dê chỉ dành cho người nghèo mặc (lúc còn cơ hàn, chưa được trọng dụng, Lý Bá Hề chỉ có mấy bộ áo da dê. Nhà giầu mặc áo lông chồn (hồ cừu) vì đẹp, mướt và dầy ấm). Thợ săn đi rừng hạ được dê núi (sơn dương), không có sẵn nồi bèn lột da dê làm nồi nấu, do đó có câu nồi da sáo thịt, ám chỉ cảnh anh em một nhà, dân một nước tương tàn, chém giết nhau vì quyền lợi, vì chủ nghĩa. Lông dê cứng và thưa, không dùng được, ngoại trừ loại dê xứ lạnh có lông dầy và mềm, dùng làm len và quần áo ấm đắt tiền. Đó là giống dê Casmere sống ở vùng Kasmire thuộc dẫy Hy Mã Lạp Sơn, Ấn Độ hay giống dê Angora, Thổ Nhĩ Kỳ. Nói tới len, nỉ người ta không thể không nhắc tới cừu.

Họ hàng nhà dê

Cừu có họ gần với dê, tuy nhiên thân hình đẫy đà hơn, lông dầy và mềm, không có râu, bản tính chậm chạp hiền lành, không ưa nhẩy nhót. Cách đây từ 9,000 đến 12,000 năm, nhân loại đã biết nuôi cừu làm gia súc. Mới đầu dùng ăn thịt, sau lấy lông làm len may quần áo, dệt thảm, làm lều. Cừu có mặt khắp nơi. Úc, Anh, Trung Hoa, Ấn Độ, Trung Đông...tổng cộng độ một tỷ con. Úc đứng hàng đầu trong ngành chăn nuôi cừu, khoảng 160 triệu con, sau đó là Anh, Trung Hoa, Argentina...

Mỗi năm người ta gọt lông cừu một lần, sau đó tẩy sạch, chế biến thành len. Trước thời đại đồ sắt, lông cừu được nhổ bằng tay. Sau này được gọt bằng kéo tay hay kéo điện. Mỗi ngày một người thợ khéo dùng kéo điện có thể gọt lông chừng 100 con cừu, nhưng với số cừu mỗi đàn từ vài ngàn đến vài chục ngàn con, người ta cố gắng tìm kiếm cách nào vừa nhanh vừa tiện vừa đỡ tốn kém. Gần đây trường đại học Western Australia tại Perth, Úc Châu áp dụng kỹ thuật chế người máy (robot) tinh xảo, thí nghiệm việc gọt lông cừu bằng máy. Cừu được đặt nằm ngửa trong một chiếc nôi đặc biệt, và cừu nằm yên không tỏ vẻ sợ sệt, sốt ruột trong khi máy chạy rè rè rà sát thân mình (tính tính khù khờ của cừu rất đắc dụng nơi đây). Đây là loại người máy có bộ phận thăm dò (sensor) rất nhạy, biết uốn lượn theo thân thể cừu và ngừng khi cừu dẫy dụa. Máy có thể gọt lông cừu thành một mảnh mà không phạm đến da. Vẫn chưa hài lòng, bộ Canh Nông Hoa Kỳ tại Beltville, Maryland vừa cử một toán bác học sang Sydney, Úc để thí nghiệm loại hóa chất lấy từ hạch chuột đực, tạm gọi là EGF (Epidermal Growing Factor).

Vài ngày trước mùa gọt lông, cừu được chích hóa chất này, có tác dụng làm lông rời ra, có thể nhổ bằng tay. Thí nghiệm có kết quả mỹ mãn, an toàn cho sức khoẻ cừu và phẩm chất của lông. Người ta dự trù khi thuốc được bào chế trên qui mô rộng lớn, đến ngày đã định, cừu sẽ được lùa qua một hành lang hẹp, tại đó máy hút sẽ hút lông cừu chuyển vào máy khác có nhiệm vụ giặt tẩy, sẵn sàng biến chế thành len. Vào đầu này ra đầu kia, cừu đã sạch trơn đến gần sát da. Thật là vừa tiện vừa lợi. Tương tự, năm 2002 Do Thái đã gây được giống gà không lông. Một ngày nào đó trong tương lai, khi cân lượng vừa đúng để làm thịt, gà sẽ tự động xếp hàng nghiêm chỉnh bước vào máy sát sinh. Gà vào đầu này, đầu kia máy sẽ tuôn ra những vỉ cánh, vỉ đùi, vỉ lườn bọc trong giấy bóng kính, sẵn sàng ra siêu thị.

Dê trong thần thoại và tôn giáo

Trong thần thoại Hy Lạp, vị thần của đồng cỏ và của mục đồng chăn gia súc mang hình người nhưng lại có chân, tai và sừng dê. Vị thần này tên Pan, có biệt tài về âm nhạc (thổi sáo), nhưng vì có dạng dê nên thường bị hiểu lầm, coi là tà thần, chuyên dùng tiếng sáo dụ dỗ phái nữ.

Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, hai tôn giáo lớn của nhân loại, phát xuất từ Ấn Độ và Trung Ịông, là nơi chăn nuôi dê cừu, nên hình ảnh của vị hướng dẫn tinh thần đạo Thiên Chúa Giáo được ví như nguời chủ chiên (chăn cừu). Trong Thánh Kinh Cựu Ước, cừu được nhắc tới trên 300 lần. Năm 1987 Đức Giáo Hoàng John Paul đệ nhị, đã tới viếng thăm nước Mỹ trên chiếc phản lực cơ mang tên “Người Chủ Chiên Số Một” (Shepherd One), chắc ý muốn bắt chước chiếc Air Force One của Tổng Thống Mỹ.

Trong Phật Giáo có truyền tụng Thái Tử Tất Đạt Đa (sau này thành Phật) trên đường khổ hạnh, trải qua giai đoạn hành xác khổ hạnh, thân thể gầy khô. Sau đó ngài tỉnh ngộ, không tu phép ép xác nữa mà nhận một bát sữa dê do một nữ mục đồng dâng, dùng cho lại sức. Kể từ đó ngài tu theo Trung Đạo, nghĩa là không chủ trương hành xác quá độ, cũng như không quá phục vụ cho dục lạc bản thân.

Theo sách “hồi dương nhân quả” của nhà Phật, dê cũng hiện diện dưới địa ngục, có nhiệm vụ trừng phạt kẻ ác, tại địa ngục ở tầng thứ chín có tên là ngục dương súc thành hải, tạm dịch là ngục dê húc...càn. Ở đây con dê sắt dùng sừng húc kẻ có tội. Có lẽ ở dưới từng quá sâu, lại chỉ biết âm thầm thi hành nhiệm vụ, dê không nổi tiếng như hai anh quỉ đầu trâu mặt ngựa nên ít người biết đến.

Quan Công phò nhị tẩu

Các cụ nho ngày xưa rất khuyến học, nhưng có một môn học các cụ cho rằng chẳng cần chỉ bảo, tự nhiên đến tuổi, con trẻ nó cũng biết. Các cụ giữ kín mít như bưng, sợ lộ ra là chỉ đường cho hươu chạy hay là vẽ rắn thêm chân. Đó là việc vợ chồng. Các cụ quan niệm lửa gần rơm sẽ bén (căn cứ vào kinh nghiệm bản thân, hồi nhỏ các cụ có được ai dạy đâu, thế mà xáp lại vẫn sinh con sinh cháu đùm đề). Nhưng ở Mỹ, học trò tiểu học còn ở lứa tuổi ô mai, hỉ mũi chưa sạch đã được học tập, chiếu phim cho coi, lại còn giảng giải cặn kẽ (trong phạm vi bài phiếm luận đầu xuân, tranh luận về “nên” hay “không nên” được để dành vào dịp khác, vì dư luận Mỹ đã tốn giấy mực, hơi sức tranh cãi với nhau cả vài chục năm nay, mà kết cục vẫn chưa dứt khoát).

Như vậy các vị nhi đồng ngày xưa học chuyện ấy từ đâu. Xin thưa: từ thiên nhiên. Mỹ nó gọi là from the birds and the bees, và được hướng dẫn bởi bản năng sinh lý ẩn tàng trong cơ thể. Còn nếu hỏi một chú mục đồng chăn dê chăn cừu xứ Trung Đông, chắc chắn câu trả lời sẽ là from the sheeps. Quả thế, suốt ngày nhìn đoàn dê cừu đú đởn chung quanh, ắt phải thâu tóm được cái nguyên lý âm dương của trời đất chứ còn gì nữa. Ấy thế mà lòng anh chàng chăn dê của Alfonse Daudet không một chút vẩn đục sáng vằng vặc như trăng sao. Trong “Les Étoiles”, truyện kể, một hôm cô chủ đem cơm và đồ tiếp tế lên cho chàng mục đồng trên núi cao. Trên đường về, mưa bão làm sập con đường mòn, cô chủ phải quay lại ở đêm bên chàng chăn dê, từ lâu đã coi cô như một thần tượng xinh đẹp, cao xa. Anh chàng thức suốt đêm, kể cho cô chủ nghe chuyện những vì sao trên trời, nào Gấu Lớn, Gấu Bé, nào kiều nữ Andromeda, Ngưu Lang, Chức Nữ v.v...cho đến khi cô chủ mơ màng tựa vai chàng mà ngủ. Chàng tưởng tượng một cách đầy thơ mộng, nàng là vì sao đi lạc, từ trời cao xuống tựa bên vai anh.

Ôi tấm gương vằng vặc sáng tỏ như vầng nhật nguyệt nào có thua gì Quan Công phò nhị tẩu, thắp bạch lạp đọc binh thư suốt đêm. Hoặc giống như chàng si tình Đoàn Dự, quì lậy chân dung Vương Ngọc Yến cả ngàn lậy, chiêm ngưỡng dung nhan tuyệt vời mà không dám động tới tà áo người tiên.

Người bán thịt dê

Nghề viết bài cho báo Tết cũng như nghề nông, có năm được, có năm thất. Năm được mùa là năm gặp con giáp có nhiều chuyện tích, huyền thoại hấp dẫn, đặt bút viết thao thao bất tuyệt, vài giờ là xong. Năm mất mùa là năm gặp con giáp không nhiều chuyện, phải tìm kiếm hụt hơi mới đủ tài liệu ghép lại thành bài. Năm Dê là loại năm này. Để thay lời kết người viết xin kể hầu quí vị một chuyện liên quan đến dê trích trong Cổ Học Tinh Hoa như sau:

Vua Chiêu Vương nước Sở mất nước, phải bỏ chạy, có người bán thịt dê tên Duyệt cũng chạy theo. Sau vua lấy lại được nước, bèn thưởng cho những người chạy theo khi trước, có cả anh hàng thịt dê nữa. Ai cũng vui vẻ lãnh thưởng, trừ anh hàng thịt, từ chối nói rằng:

- Trước nhà vua mất nước, tôi mất nghề bán thịt dê, nay nhà vua còn nước tôi còn nghề bán thịt dê. Thế là tôi giữ được nghề cũ, đủ ăn rồi, còn đâu dám nhận thưởng gì nữa.

Vua cố ép, người đó thưa:

- Nhà vua mất nước không phải tội tôi, nên tôi không dám liều chết, nhà vua được nước không phải công tôi, nên tôi không dám lĩnh thưởng.

Vua bảo:

- Để rồi ta đến nhà ngươi chơi vậy

Người hàng thịt dê nói:

- Theo phép nước Sở phàm người nào có công to, được trọng thưởng thì vua mới đến nhà. Nay tôi xét mình mưu không đủ giữ được nước, dũng cảm không đủ giết được giặc. Quân giặc vào, tôi lánh nạn phải theo nhà vua, chớ có phải cốt ý theo nhà vua đâu. Nay nhà vua muốn bỏ phép nước mà đến nhà tôi chơi, tôi e thiên hạ thấy, lại chê cười chăng.

Chiêu Vương nghe nói ngoảnh lại bảo Tư Mã Tử Kỳ rằng:

- Người này tuy làm nghề vi tiện mà giải bầy nghĩa lý rất cao xa. Nhà ngươi làm thế nào nói người ấy ra nhận chức Tam Công cho ta.

Người hàng thịt dê nói:

- Tôi biết chức Tam Công quí hơn cửa hàng bán thịt dê, bổng lộc nghìn vạn, giầu hơn tiền lãi bán thịt dê. Nhưng tôi đâu dám tham tước lộc mà để nhà vua mang tiếng là gia ơn không phải nghĩa. Tôi thực không dám nhận. Xin cho về giữ lấy nghề bán thịt dê.

Nói đoạn lui ra ngay.

Lời bàn:

Vua Chiêu Vương muốn thưởng là lấy cái ý khi mình gặp bước lưu vong mà người ta đi theo, là người ta có lòng trung thành với mình. Người hàng thịt dê không nhận thưởng là lấy cái nghĩa không đáng nhận vì không có công cán gì. Nếu ai cũng biết an phận thủ thường, quí trọng nghề nghiệp như người bán thịt dê, thì còn ai là kẻ ham mê phú quí, quyền thế và sự thưởng phạt ở đời chẳng công minh lắm ru. Thật đáng làm gương cho những kẻ không biết liêm sỉ, tài năng đức độ chẳng có gì, mà cũng cố cậy cục, chạy chọt lấy chút chức vị, phẩm hàm để loè đời vậy.

Trần Quán Niệm

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh