Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 16, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Phiếm luận
CON GÀ CỤC TÁC LÁ CHANH
TRẦN ĐỖ CẨM

Phiếm Luận Năm Dậu:
CON GÀ TỤC TÁC LÁ CHANH.
Trần Đỗ Cẩm

Trong năm Thân vừa qua, chắc qúi độc giả đã chán ngấy khi thấy nhiều trò nỡm do những vị “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” thủ diễn. Trên bình diện thế giới, nào là đười ươi Saddam ở Trung Đông chuyên nghề phá thối đã bị con cháu chú Sam nhúm đầu nhổ không còn sợi lông. Khỉ Osama tổ sư môn phái khủng bố hiện lẩn trốn trong hang hốc Afghanistan bị bom áp nhiệt của nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh đánh cho tơi bời, chẳng khác nào đám vượn đỏ trốn chui trốn nhủi trước đây tại hang Pắc Pó hay trong quần chúng. Qua tới Việt Nam, đám khỉ đỏ do họ Lông dẫn đầu lâm bước đường cùng nhảy nhót lăng xăng, láo nháo như “gà con mất mẹ”, đang “cõng rắn cắn gà nhà”, cúi đầu qùi gối dâng đất dâng biển bái kiến Thiên Triều và lạy lục “đế quốc Mỹ” kiếm miếng ăn sống qua ngày.

Tại Hoa Kỳ, cuộc bầu cử Tổng Thống cũng diễn ra lắm chuyện con tườu, như huyền thoại người hùng Kerry chỉ cần oánh Việt Cộng vài ba tháng đã có 5 huy chương đeo đỏ ngực, nhưng rút cục cũng phải về nhà “đuổi gà cho vợ” cho bỏ tật dối trá. Còn các con giả nhân “hòa hợp hòa giải” giống Kỳ... Cục cũng đang nỏ mồm đội lốt thương dân yêu nước nhăn nhó giống “khỉ ăn gừng”, hô hào bắt tay với loài tinh tinh đỏ đít Việt Cộng.

Trong một năm mà có nhiều trò nỡm như vậy, thật là chán mớ đời “ới khỉ ơi là khỉ” phải không qúi vị? Nhưng dù có lăng xăng lít xít thế nào chăng nữa, họ hàng nhà Khỉ cũng phải cuốn gói từ giã phàm trần để nhường ngôi vua hạ giới cho Hoàng Đế Gà. May ra trong năm mới, Tân Vương với đức tính cục tác chân chỉ và không lưu manh đểu cáng như đám con cháu bác Tôn, bác Hồ, bàn dân thiên hạ mới được thái bình, thịnh vượng. Để “tống” hành đám Khỉ gió và “welcome” vua mới, tác giả chân thành hiến quí vị đôi đường phiếm luận về lịch sử vua Gà cùng những chuyện vui buồn liên quan tới loài ưa “bươi móc” này. Đây cũng là món quà văn nghệ kính chúc quí vị cùng bửu quyến Khang An Thịnh Vượng, Phước Lộc Song Toàn trong năm mới. Các cụ ta đã dạy “bút sa, gà chết”, do đó chúng tôi trân trọng minh xác bài phiếm luận này chỉ nhằm mục đích mua vui nhân dịp Xuân về, không hàm ý chỉ trích cá nhân hay đoàn thể nào.

NGUỒN GỐC LOÀI GÀ

Để có đầu có đuôi và nhất là tránh cảnh “ông nói gà, bà nói vịt”, thiết tưởng nên biết qua lịch sử loài gà. Trong ngành động vật học, Gà được xếp vào chủng loại có lông vũ giống như chim chóc, đã được gia súc hóa rất sớm, hầu như đồng thời với các gia súc quen thuộc khác như mèo, bò, dê, chó v.v...Gà khác với chim ở chỗ có mào chính trên đầu và hai mào phụ dưới hàm, do đó tên khoa học của gà là Gallus domesticus. Gallus tiếng Latin có nghĩa là “mào”. Mào được chia thành 8 loại chính tùy theo hình dáng như mào đơn, hoa hồng, hột đậu, chữ V, trái dâu v.v...Có thể nói gà là giống gia cầm được nuôi nhiều nhất ngay từ thời thượng cổ vì là nguồn thực phẩm rất quan trọng cho loài người.

Nhưng ngoài giá trị cung cấp thịt và trứng, nhiều người còn có thú vui nuôi những loại gà kiểng có bộ lông, nhất là lông đuôi rất đẹp. Gà chọi cũng được gây giống từ lâu tại các quốc gia nặng về nông nghiệp để giải trí và cờ bạc. Tại các quốc gia tiền tiến, việc nuôi gà để bán thịt và trứng để làm thực phẩm đã được cải thiện thành một ngành công nghệ rất hữu hiệu và thịnh vượng. Gà là nguồn thực phẩm rất được mọi người ưa chuộng nên hàng năm, thế giới cung cấp khoảng 8 tỷ con gà với vùng Bắc Mỹ và Âu Châu sản xuất nhiều nhất; riêng Hoa Kỳ sản xuất chừng 3 tỷ con gà, trong số này có 2.7 tỷ gà thịt, số còn lại là gà trứng. Theo thống kê, trung bình hàng năm, một người Mỹ tiêu thụ chừng 15 ký thịt gà và 300 trứng gà tức là hầu như mỗi ngày một “hột gà la-coóc”!

Cũng như đa số các loài vật khác nuôi trong nhà, nguồn gốc việc gà được gia cầm hóa là một tiến trình khá dài và phức tạp. Đại cương, giống gà ngày nay là tổng hợp của ít nhất bốn loại gà rừng có nhiều tại vùng Đông Nam Á, Đông Ấn, Miến Điện, Trung Hoa, và cả ở các hải đảo như Tích Lan, Phi Luật Tân và Indonesia. Trong bốn loại gà hoang chính này, giống lông đỏ được coi là quan trọng nhất và là thủy tổ của gà Âu Mỹ ngày nay. Có nhiều bằng chứng trên đồng tiền, tranh vẽ cổ cho thấy gà được gia súc hóa trước tiên tại vùng Ấn Độ, Đông Nam Á từ năm 2000 trước Tây Lịch, sau đó lan qua miền Ai Cập vào khoảng năm 1500 trước Tây Lịch và vùng Hy Lạp khoảng năm 500 trước Tây Lịch.

Gà được người thời cổ trọng dụng vì nhiều lý do. Trước hết, gà trống có bộ lông đẹp và can đảm như một hiệp sĩ nên rất được ưa thích; ngoài ra, tiếng gáy của gà trống vào buổi sáng đã là chiếc đồng hồ mở đầu cho một ngày làm việc. Gà mái đẻ trứng, chăm sóc gà con được coi như biểu tượng của bà mẹ mắn con. Vì vậy, trong các đám cưới của người cổ Do Thái, một cặp gà trống và gà mái thường được đưa đến tặng đôi tân hôn để tượng trưng “trai tài gái sắc”. Các trận đá gà cũng đã được tổ chức ngay từ trước Tây Lịch để biểu lộ tinh thần thượng võ. Rất có thể gà đã được gia súc hóa để làm gà chọi trước cả gà thịt. Gà trống thiến cũng được “phát minh” ngay từ thời Thượng cổ vì thịt thơm và béo. Trong các sách vở vào khoảng thế kỷ thứ tư tại Hy Lạp, nhà hiền triết Aristotle đã nói đến việc sản xuất gà trống thiến; họ thiến gà bằng dùi sắt nóng và chữa vết thương bằng đất sét.

Từ các loại nguyên thủy, gà thường được các nhà chăn nuôi pha giống để tạo ra những giòng mới, hoặc nặng ký hơn hay đẻ sai hơn. Hiện nay, có chừng 200 loại gà khác nhau căn cứ vào mồng, lông, màu sắc của gà; mỗi loại lại chia thành nhiều giống. Thí dụ như loại gà Hoa Kỳ có các giống thông dụng như Plymouth, Rhode Island, New Hampshire; loại Anh Quốc có các giống Cornish, Sussex, Dorking; loại Địa Trung Hải có các giống Leghorn, Ancona, Andalusia v.v... Ngoài các loại gà lớn, còn có gà di chỉ nhỏ bằng 1/4 gà lớn. Việc gây giống các loại gà chọi và gà kiểng cũng rất thông dụng. Thí dụ như giống gà Yokohama bên Nhật có bộ lông đuôi rất dài, có thể từ 4 đến 6 mét trong khi lông đuôi gà thường chỉ dài chừng một vài gang tay. Do đó, những con gà đuôi dài này lúc nào cũng phải đậu trên cành cao để đuôi khỏi chạm đất. Để tạo được những giống gà có bộ lông đặc biệt, việc “pha chế” phải được thực hiện rất công phu và chính xác.

Gà con khi mới nở đã phát triển đầy đủ. Nhưng tuy đã có lông và có thể tự ăn một mình, gà con cần được săn sóc cẩn thận nhất là trong tuần lễ đầu để chống lại những thay đổi của thời tiết cũng như bệnh tật. Hiện nay, phần lớn gà con được sản xuất qua những lồng ấp bằng điện được điều hòa nhiệt độ cũng như ẩm độ chính xác và trứng tự động được đảo qua lại để tránh bị ung thối. Trứng ấp chừng 21 ngày sẽ nở. Gà con cần thực phẩm hỗn hợp gồm nhiều loại sinh tố, chất đạm, chất béo để phát tiển bình thường. Nguồn thực phẩm chính của gà thường được chế tạo từ các loại hạt như gạo, lúa mì, lúa miến trộn lẫn với các sinh tố khác. Các chất protein chính lấy từ bột đậu nành, bột cá, bột đậu phộng v.v.... cũng chiếm phần quan trọng vì gà con mới nở tới 6 tuần cần khoảng 20% nguồn protein trong thực phẩm để phát triển. Gà lớn cần ít protein hơn, khoảng 16%. Các sinh tố và khoáng chất khác cũng được pha trộn cẩn thận để chế tạo thực phẩm mang lại hiệu năng tối đa cho từng loại gà.

Tuy gà có nhiều loại khác nhau, nhưng tựu chung gồm hai giống chính: đó là gà thịt và gà trứng. Tuy gà thịt có thể đẻ trứng và ngược lại như gà ta thường thấy ở Việt Nam trước kia, nhưng để đạt được hiệu năng tối đa, những loại gà này cần được phân biệt và chọn lọc kỹ càng. Tại các nước tiên tiến, gà trứng sau khi hết chu kỳ sản xuất, thịt sẽ hầu như không còn giá trị thương mại nữa.

Gà trứng trước hết phải đẻ sai nhưng nhỏ con để ăn ít. Tại Hoa Kỳ, giống Leghorn lông trắng được coi là loại gà trứng thông dụng nhất. Giống này được tạo ra bằng cách pha trộn nhiều giống khác nhau để đạt được kết quả mong muốn. Trứng gà Leghorn màu trắng thường thấy bán từng tá trong các siêu thị. Tuy nhiên, dân vùng Đông Bắc Hoa Kỳ lại thích trứng gà nâu của loại New Hampshire hay Rhode Island. Việc sản xuất trứng được nghiên cứu rất khoa học và kỹ càng. Thông thường, gà bắt đầu đẻ khi được 22 tuần và chỉ sản xuất trong vòng một năm, sau đó mức độ trứng đẻ sút giảm so với số lượng đồ ăn tiêu thụ nên không còn giá trị thương mại.

Chuồng gà đẻ được đặt trong những căn nhà không có cửa sổ, với ánh sáng và nhiệt độ được điều hòa cẩn thận. Chuồng được chia thành nhiều ngăn nhỏ chứa từ 1 đến 3 gà mái và có thể gồm nhiều tầng. Thực phẩm và nước được cung cấp bằng hệ thống tự động để đỡ phí phạm. Trứng đẻ ra cũng được tự động đưa tới khu sản xuất để lựa chọn và đóng hộp. Thông thường, với cách sắp đặt hiệu quả như vậy, chỉ cần một nhân công đã có thể coi sóc chừng 25 ngàn gà đẻ. Hiện nay, có rất nhiều cơ sở sản xuất trứng gà rất lớn gồm hàng trăm ngàn gà mái đẻ. Trung bình tại Hoa Kỳ, hàng năm mỗi con gà đẻ chừng 220 trứng, nhưng cũng có con đẻ tới 260 trứng. Trung bình, mỗi con gà ăn chừng 2 ký thực phẩm để đẻ một tá trứng.

Gà thịt, ngược lại với gà trứng, phải to con và nặng ký, nhất là phải lớn tới cỡ làm thịt càng nhanh càng tốt, do đó không thể dùng để đẻ trứng. Nhưng cũng như gà trứng, gà thịt được pha giống nhiều lần. Loại gà thịt thông dụng nhất là Plymouth Rock lông trắng. Việc nuôi gà trong sân gia súc chỉ còn là chuyện trong quá khứ. Các trại gà tân tiến thường bao gồm nhiều xưởng ấp gà, nuôi gà, làm thịt gà cũng như sản xuất thực phẩm. Gà thịt thường chỉ nuôi chừng 8 tới 9 tuần là đã phải đủ nặng khoảng 4 pounds để giết thịt. Nếu được nuôi nấng đúng cách, gà thịt chỉ cần ăn chừng 8 pounds thực phẩm đã đạt tới sức nặng “thị trường” này. Cũng như gà đẻ, các xưởng gà thịt được sắp xếp rất hợp lý và để tiết kiệm chỗ, thực phẩm cũng như nhân công.

VÀI ĐẶC ĐIỂM CỦA GÀ

Gà giống như chim chóc, có bộ xương rất đặc biệt so với các động vật khác, vừa vững chắc lại vừa gọn gàng, nhẹ nhàng để dễ bay nhẩy. Thân gà còn có 13 túi không khí nối liền với bộ máy hô hấp giúp gà nhẹ thêm. Cánh gà rất khỏe được nối liền với các bắp thịt rất mạnh để có thể đập cánh bay cao. Bộ lông gà gồm lông ống và lông tơ, nặng chừng 4% tới 9% tổng số trọng lượng tùy theo gà lớn, nhỏ hay trống, mái. Lông bao phủ toàn thân có nhiệm vụ che chở như lớp áo, cũng như điều hòa thân nhiệt. Hệ thống tiêu hóa của gà khá đặc biệt. Ống thực quản nối miệng và dạ dày, có chỗ phồng ra ở cổ như một cái bọc gọi là bầu diều để chứa và làm mềm thức ăn trước khi đưa xuống dạ dày. Gà mổ thức ăn bằng mỏ, nhưng không nhai được vì thiếu răng, do đó nhiệm vụ nghiền thức ăn được trao phó cho một cơ quan đặc biệt gọi là mề.

Hạt thóc, hột ngô đối với gà có thể coi là “sơn hào hải vị” rồi. Thế mà chúng vẫn cứ bới đông, mổ tây tìm ăn những hạt sạn, cát hoặc hạt than vụn, dù đã cho chúng ăn no ngô thóc. Tại sao gà lại có quái tính như vậy? Thực ra, gà không thích ăn sạn, cát, cũng không phải dạ dày của chúng có thể tiêu hoá được sạn, mà bởi vì phải nhờ sạn chúng mới tiêu hoá được thức ăn. Con người, hoặc các động vật khác như chó, mèo... dùng răng để nhai, nghiền nát thức ăn trước khi tiêu hoá ở dạ dày. Còn gà (và nói chung là các loài chim) không có răng, vì thế chúng phải nhờ đến sạn để nghiền thức ăn trong mề.

Dạ dày hay mề gà là một túi cơ rất dày, chứa nhiều sạn. Thức ăn khi vào đến mề gà sẽ được trộn lẫn với những hạt sạn lổn nhổn, sắc cạnh này. Dưới sự vận động cật lực của mề, như nhào, nghiền, chà sát, chỉ sau một lúc, thức ăn nhanh chóng bị vụn thành dạng hồ và nước để tiêu hóa. Mặt khác, trước khi vào đến mề gà, thức ăn đã nằm một lúc ở túi sách (bộ phận phình to của thực quản) còn gọi là dều gà, và tuyến vị là cái dạ dày nhỏ nằm phía trước mề gà, ở đó thức ăn đã chịu tác dụng của biết bao loại dịch tiêu hoá sơ bộ nên đã biến thành một dạng hồ sền sệt. Trong giới động vật, chẳng cứ gì gà ăn sạn, bồ câu và các loài chim khác cũng rất chuộng loại thức ăn đặc biệt này.

Nhịp thở của gà chừng 30 lần mỗi phút và nhịp tim đập tương đối nhanh, chừng 300 lần mỗi phút. Thân nhiệt của gà chừng 1070F. Gà không nhìn thấy rõ vào lúc chạng vạng tối nên chúng ta thường nghe nói “quáng gà” hay “gà mờ” để chỉ những người mắt kém. Gà thường sống chừng 10 năm. Thịt gà gồm cả loại trắng như ở ức và nâu như ở chân, cổ. Cánh gà gồm cả hai loại thịt trắng và nâu.

Gà thường thường mắc phải các loại bệnh dịch hay lây nên gây nhiều thiệt hại cho các nhà chăn nuôi. Ngày nay, gà thương mại được nuôi gần nhau trong những chuồng lớn nên việc phòng ngừa dịch gà lại càng quan trọng. Tuy đã được đề phòng chu đáo nhưng tại Hoa Kỳ mỗi năm, thiệt hại vì dịch gà vẫn lên tới khoảng 300 triệu Mỹ kim. Bệnh dịch thông thường nhất là cúm gà do vi khuẩn xâm nhập đường hô hấp có thể giết hại đủ loại gà lớn nhỏ. Triệu chứng của gà mắc bệnh gồm hơi thở khò khè, chảy nước mắt, nước mũi, mất sức v.v... tương tự như người bị cảm cúm. Cúm gà lan truyền rất nhanh và khi đã mắc bệnh thường không có thuốc chữa. Vì vậy gà bệnh phải được tiêu hủy ngay để khỏi lan truyền. Tai hại hơn nữa, cúm gà có thể lan truyền qua các con vật khác và cả người. Muốn ngừa cúm, gà phải được chủng ngừa lúc còn nhỏ cũng như định kỳ. Mới đây tại Việt Nam và toàn vùng Đông Nam Á, dịch cúm gà bộc phát mãnh liệt khiến hàng triệu con gà phải tiêu hủy, gây thiệt hại không nhỏ cho dân chúng. Các bệnh ho gà, chicken pox (đậu mùa) chỉ phát hiện trên cơ thể con người, không liên quan tới gà.

CHUYỆN LIÊN QUAN ĐẾN GÀ

Đa số các nước trên thế giới dùng hình ảnh một con vật để làm biểu tượng cho quốc gia mình. Thí dụ nước Anh dùng hình ảnh con sư tử, nước Nga được tượng trưng bằng con Gấu, nước Mỹ lấy hình ảnh con đại bàng. Riêng nước Pháp lại dùng hình ảnh con Gà trống (Le Coq Gaulois); vì vậy trên nóc các dinh thự, cao ốc do người Pháp xây cất, thường có hình con gà trống được dùng làm dụng cụ đo chiều gió. Nguyên do người Pháp thuộc giống dân Gaulois, tiếng Latin cũng gọi là Gallus cũng có nghĩa là Gà. Gà trống rất oai phong, bảnh trai lại có máu oai phong mã thượng nên cũng được người Pháp gọi là vua sân thấp (Le roi de la basse court) tức là xếp sòng trong sân gia súc, ý muốn so sánh với hoàng đế là Vua triều đình (Le roi de la haute court).

Người Mỹ ngoài món thịt gà chiên Kentucky Fried Chicken nổi tiếng phắp thế giới, còn có rượu “cocktail” (đuôi gà trống) pha chế bằng nhiều loại rượu cũng được dân nhậu rất ưa thích. Nguyên do vào thế kỷ thứ 19, ông chủ quán nọ có một hầm chứa đủ thứ rượu ngon nổi tiếng. Ông còn có một con gà chọi yêu qúi tên Washington và cô con gái rượu xinh đẹp tên Bessie. Nhiều chàng trai trong vùng muốn cưới cô Bessie nhưng chưa được ông chủ quán bằng lòng. Trong số các chàng theo đuổi Bessie, có anh thủy thủ láu cá tên Botton dùng mưu bắt cóc chú gà Washington. Ông chủ quán rượu vì quá yêu thương gà cưng nên tuyên bố ai tìm được chú gà trống ông sẽ gả con gái cho. Thế là chàng Botton đem gà lại trả và cưới được vợ. Trong tiệc cưới, cô Bessie vì quá hạnh phúc nên đã lấy đủ mọi thứ rượu trong hầm của bố pha trộn thành một thức uống “hầm bà làng” để đãi khách. Ông chủ quán cũng hứng chí trang trí những ly rượu pha đó bằng lông đuôi của chú gà trống yêu qúi nên tên “cocktail” được đặt cho các loại rượu pha từ đó và lưu truyền mãi cho tới ngày nay.

Ngoài ra, mỗi khi nhắc đến gà, nhiều người lại liên tưởng tới vấn nạn: gà có trước hay trứng có trước, bởi vì phải có gà mới đẻ ra trứng, nhưng cũng phải có trứng mới nở ra gà. Vậy thật sự gà có trước hay trứng có trước? Khoa học giải thích rằng trong thiên nhiên, sinh vật tiến hóa hay biến dạng do sự thay đổi của DNA (Deoxyribo Nucleic Acid, tiếng Pháp là Acide Desoxyribo Nucléique) trong cơ thể. Trong sinh vật như gà, DNA của tế bào đực hợp với DNA của noãn sào (trứng) dưới dạng một Zygote để tạo thành tế bào đầu tiên của gà con. Sau đó tế bào nguyên thủy này tự phân hóa và phát triển nhiều lần để tạo ra những tế bào khác, thành một con gà đầy đủ. Sinh vật nào cũng gồm những tế bào có DNA giống nhau vì đều bắt nguồn từ Zygote nguyên thủy.

Thoạt tiên, Gà được tiến hóa từ những phân tử “không-phải-gà” (non-chicken) do những thay đổi nhỏ qua sự pha trộn của DNA đực và DNA cái khi tạo thành Zygote. Những thay đổi và đột biến này chỉ có ảnh hưởng khi tạo ra một Zygote mới. Như vậy, hai phân tử “không-phải-gà” đã kết hợp, tạo ra một Zygote mới trong đó có DNA gà. Zygote này lại thay đổi và biến hóa để sinh ra con gà đầu tiên. Trước khi sinh ra Zygote “gà”, chỉ có những phân tử “không-phải-gà”. Vì vậy, nếu coi Zygote “gà” đầu tiên do những phân tử “không-phải-gà” tạo nên này là “trứng gà” thì trứng có trước. Có thể nói đời sống của hầu hết các sinh vật đều bắt nguồn từ trứng dưới hình thức này hay hình thức khác.

NHỮNG MÓN ĂN GÀ

Trong mười hai con giáp, tuy có rất nhiều loại gia cầm, gia súc như con chó (Tuất), con mèo (Mẹo), con Heo (Hợi), con trâu (Sửu)... nhưng có lẽ chỉ có Gà (Dậu) là gần gũi với con người và mang nhiều dân tộc tính nhất. Việt Nam là quốc gia nặng về nông nghiệp nên từ thời cổ xưa, nông dân chưa có đồng hồ “ba cửa sổ” hay “không người lái” nên mặt trời thường được dùng vào ban ngày để ước tính giờ giấc tỷ như “mặt trời đứng bóng” là vào lúc giữa trưa, “ác xế non đoài” là trời đã về chiều. Nhưng vào lúc đêm tối, con gà được dùng để giữ thời khắc. Cho đến nay, chúng ta vẫn thường nghe câu nói: “nửa đêm gà gáy canh ba” hoặc “gà vừa gáy sáng, trời mới rạng đông”... Nông dân phải thức dậy rất sớm nên tiếng gà gáy đã là đồng hồ báo thức sửa soạn ra đồng làm việc. Ngày nay, xã hội đã tiến bộ hơn, tuy gà không còn được dùng nhiều để thay thế đồng hồ, nhưng vẫn còn là loại gia cầm được chăn nuôi rất nhiều và cũng là món ăn thông dụng bậc nhất.

Nói gà nói vịt nãy giờ, thế nào một số qúi vị đã bắt đầu thấy kiến bò bụng. Thôi thì một công đôi chuyện, chi bằng vừa phiếm vừa kể hầu qúi vị những món ăn nấu bằng thịt gà để chúng ta cùng thưởng thức hàm thụ nhân dịp Xuân sang. Gà được liệt vào loại thức ăn ngon thường được dùng trong dịp đãi khách nên có câu “khách đến nhà, chẳng gà cũng vịt” hay giỗ chạp, sêu tết như câu “Anh về thưa với mẹ cha, bắt lợn sang cưới, bắt gà sang sêu”. Theo tập tục cổ xưa, vào dịp Tết, chàng rể thường đem biếu ông bà nhạc cặp gà trống thiến để trả ơn sinh dưỡng mẹ của mấy đứa con mình! Ngày nay kiếm đâu ra gà trống thiến? Có lẽ chàng rể sẽ dẫn ông bà nhong nhong ra tiệm Kentucky Fried Chicken làm món cánh gà chiên bơ cho tiện việc sổ sách! Các cụ ta thường ca tụng “đầu gà, má lợn” hay “thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh” như những món ăn ngon. Phải là phao câu gà mái dầu rặt giống Giao Chỉ thon nhỏ cong cong, “thịt không phải thịt, mỡ chẳng phải mỡ, gân không phải gân” mới hấp dẫn, chứ gặp phao câu gà Tây “da màu” to tổ chảng thì chán lắm! Ngay cả các bà mẹ tham ăn cũng nhái thơ Lục Vân Tiên để dạy khôn các con rằng:

“Trai thời cổ cánh làm đầu,
Gái thời tiết cật, phao câu với mề”.

Tuy nhiên, khi lựa gà làm thịt cũng phải cẩn thận vì những bà nội trợ thiếu kinh nghiệm không khéo sẽ vớ phải con gà mái ghẹ đã qua dăm bảy lửa hay mấy chục năm kinh nghiệm thì thịt sẽ dai hơn chão rách. Do đó có câu “vịt già, gà non”. Có lẽ vì vậy mà khi ra chợ mua gà, các bà các cô thường lôi những chú gà trong “bu” ra, sờ sờ nắn nắn rồi cuối cùng thế nào cũng vạch chỗ ngồi của gà ra, phùng mang trợn mắt thổi lấy thổi cho dạt mớ lông tơ, đôi mắt không ngừng quan sát cái phao câu! Có lẽ đây là bí quyết của các bà mẹ chồng dạy cho nàng dâu cách lựa gà mái tơ hay mái dầu cho ngon thịt chăng? Bàn về những địa phương có món ngon vật lạ, dân miền Bắc thường đồn đại “cam Chi Đán, quít Đan Hà, bưởi Đại Trà, gà Văn Dú”. Ngoài ra, cũng không nên bán gà vào lúc gió lạnh vì gà sẽ ủ rũ như “gà mắc toi” như các bà hàng gà truyền kinh nghiệm cho nhau “bán gà kiêng ngày gió, bán chó cử ngày mưa”. Bàn về mục “yêu thương ra rít” giữa đôi trai gái, các cụ ta so sánh sự khác biệt:

“Gái phải hơi trai như thài lài gặp c.. chó,
Trai quen hơi vợ như gà bợ gặp trời mưa”

Gà bợ cũng như cò bợ, gặp trời mưa trông rất thiểu não, “mình mảy ướt nhẹp”, xuội lông xụ cánh lê bước giang hồ không muốn nổi như cái xác không hồn. Trái lại, bông thài lài khi được bón bằng “số ta” thì môi đỏ má hồng, xinh đẹp tươi tắn, phây phây như độ trăng tròn lẻ. Thật là “tốt mái hại trống” phải không qúi vi?

Thịt gà tuy dễ làm, nhưng nếu muốn ngon đúng điệu “bà lang trọc”, cần phải có gia vị thích hợp. Do đó, ca dao ta có câu:

“Thịt chó thì phải có riềng,
Thịt lợn thì phải có riêng món hành,
Thịt gà cần phải lá chanh,
Tía tô, cà, chuối mới thành ba ba”

Theo môn phái gia chánh của các bậc nữ lưu thợ nấu khả kính, thịt gà có thể chế biến thành hàng trăm, hàng ngàn món ăn đủ kiểu Tây, Ta, Tàu, Nhật, Đại Hàn, Mỹ, Ấn Độ... và ngay cả Congo, Somalia hay Iraq, Afghanistan nữa. Trong sách dạy nấu ăn, có hàng loạt “recipes” nào là gà ram mặn, gà quay, gà xối mỡ, gà nấu nấm, gà cà ry, gà xào miến, gà xé phay, kung pao chicken, Kentucky fried Chicken, Poulet à la crème v.v... Ôi thật thiên hình vạn trạng, đủ loại xào, nấu, hầm, kho, chiên, hấp v.v... nếu kể thêm thèm quá chắc không viết nổi nữa! Nhưng theo ý kiến của tác giả, chỉ có một món gà ngon nhất, dễ làm nhất và quốc hồn quốc túy nhất, đó là món gà luộc chấm muối ớt ăn với lá chanh xắt nhỏ. Món gà luộc này tuy dễ làm, nhưng muốn đúng tiêu chuẩn phải là loại “gà ta chấm đất” hay “gà đi bộ” được nuôi bằng thực phẩm thiên nhiên như côn trùng giun dế do gà tự lao động kiếm ăn nên thịt vừa săn lại thơm.

Gà Mỹ nuôi trong chuồng ăn thực phẩm chế biến, kém vận động nên tuy to béo mập mạp nhưng thịt lại mềm nhũn, da bở nên không thể dùng làm món gà luộc bất hủ này. Hãy tưởng tượng một con gà luộc vàng luờm, da bóng nhẫy nằm khoanh tròn trên đĩa, bên cạnh có một chén muối trắng điểm những hạt tiêu nâu trên có những lát ớt đỏ xen lẫn với lá chanh xắt chỉ xanh xanh trông mới “thèm” mắt làm sao? Chỉ mới tưởng tượng thôi cũng đã bị con tì, con vị nhao nhao biểu tình phản đối rồi phải không qúi vị? Thịt gà xé ra ăn vừa thơm vừa béo, nhất là làm nguyên cái đùi gà cắn những miếng da gà dòn sừn sựt kèm theo vị mặn của muối, chất chua của chanh, tiêu ớt cay cay quyện vào hương thơm đồng nội của lá chanh, thật ngon hơn tất cả những cao lương mỹ vị trên đời! Quả đúng là: “Con gà cục tác lá chanh, Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi...”

Cũng cần nói thêm, ăn món gà luộc nhất định phải để cả da mới đạt được hết tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực như các cụ ta đã dạy “kê bì, ngư cốt” (da gà, xương cá).

Nói về món gà luộc, tuy dễ nhưng cũng phải đúng nghệ thuật mới đạt tiêu chuẩn. Giả sử vào một ngày đẹp trời, mẹ đĩ hứng tình muốn nhẩm xà món quốc hồn quốc túy này trước khi “đưa em vào hạ” thì các bạn đực rựa tính sao? Luộc thì dễ rồi, chỉ cần đổ nước vào nồi rồi liệng con gà vào, chờ nước sôi vớt ra là xong phải không các bạn? Nhưng làm thế nào để gà được ngon và đẹp mắt mới trông đã thèm theo đúng tiêu chuẩn của các tay thợ nấu? Nếu luộc kỹ để bên trong thật chín thì lớp da và thịt bên ngoài bị nhừ; nếu giữ được lớp da còn độ dai, giòn thì lớp thịt chặt ra còn màu đỏ. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên cho gà vào lúc nước còn nguội để da không bị nứt. Sau đó luộc gà trong nước sôi lăn tăn. Để gà luộc chín đều, da vàng óng phải mất khoảng 45-60 phút (để lửa nhỏ).

Trong trường hợp gà mới lấy ở tủ lạnh ra, cần phải “defrost” hoặc thời gian luộc phải tăng lên gấp đôi so với bình thường. Để cho gà luộc có màu vàng óng, trông vừa ngon mắt, da lại dòn, chúng ta cần chút “make-up” như những người đẹp trước ra mắt quốc dân đồng bào. Lúc gà vừa chín tới, bạn vớt ra ngâm ngay vào thau nước lạnh đến khi nào nguội hẳn mới nhấc ra. Sau đó, để thịt ráo nước, quết một lớp mỡ nước lên da, gà sẽ có màu vàng bóng và căng mượt, trông rất hấp dẫn láng coóng chẳng khác nào “em như cô gái vẫn còn xuân!”.

Qua ý kiến “gà ta, gà Mỹ” loại nào thịt ngon hơn cũng đã gây ra nhiều tranh luận ngay từ thời “gà đông lạnh” được nhập cảng vào Việt Nam đầu thập niên 70. “Nhân tâm tùy bao tử”, mỗi người một ý và ai cũng có lý, nhưng theo ý kiến quê mùa của tác giả và với ý hướng cao đẹp trở về nguồn “cơm nhà quà vợ”, gà ta hiền lành, dễ thương và nhất là “thơm thịt” hơn hẵn gà Tây phương. Hiện nay, ngay cả các tay chơi giang hồ dầy kinh nghiệm chuyên dính dáng với các loại “Poule de luxe” cũng phải công nhận gà ta mình dây tròn lẳn ngon lành, ăn đứt gà “ngoại” to con nhưng thịt bở.

Bàn đến thịt gà, chắc những tay sành ăn ở Sài Gòn năm xưa tuy xa quê hương đã lâu cũng vẫn chưa quên được những con gà luộc vàng lườm treo trong tủ kính của các tiệm phở gà đường Hiền Vương thuở trước! Không hiểu tại sao đường Hiền Vương lại có nhiều tiệm phở gà thơm ngon đến như vậy, cũng như vùng Ngã Ba Ông Tạ đông đặc “cờ tây”? Chắc những nơi này có nhiều dân từ phố hàng gà, hàng cầy Bắc Kỳ di cư vào Nam chăng? Những lúc rỗi rảnh lúc trời mới sang thu “khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc” cùng gió heo may lại về mà cùng người thương ghé quán Hiền Vương xì xụp tô phở gà thì thật tuyệt phải không qúi vị?

Riêng những ai sống tại Nha Trang hay từng qua lại vùng “thùy dương cát trắng”, nhất là những tay Hải Quân “hai năm quân trường, vài chục năm biển mặn” làm sao có thể quên được những tô phở gà ở Chụt gần hải cảng Cầu Đá? Quán phở chỉ là một căn nhà tranh nhỏ nằm trong ngõ hẻm lầy lội, nhưng thực khách lúc nào cũng đông nườm nượp với món đặc biệt phở da gà với lòng trứng non. Dạo còn học tại quân trường Hải Quân Nha Trang, mỗi tối “đi bờ” về, chúng tôi thế nào cũng để bụng ghé làm tô phở Chụt trước khi thơ thới quay lại quân trường. Ngay cả những khi lỡ dại tiêu hết tiền trong “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm”, thế nào cũng phải bòn nhặt đồng xu đồng cắc, hay ghé nhà ông Quang thợ giặt “ký sổ”, để ghé quán phở Chụt, nếu không đủ địa ăn tô phở, ít nhất cũng phải kiếm ổ bánh mì gà làm đỡ. Tệ ra nếu bị cấm trại ép rệp trên giường bố, cũng phải đôn đáo kiếm cho ra mấy ổ bánh mì Chụt do Già Kèn thì thụt cung cấp! Các chiến sĩ Hải Quân từng ghé lắm bến bờ xa lạ, thưởng thức nhiều món ngon vật lạ, nhưng mỗi lần có dịp công tác Nha Trang, thế nào cũng tìm cách thăm qua hàng phở Chụt.

Bên Mỹ này, thịt gà ê hề, đôi khi bán sales rẻ rề, nhưng lại không được dân Việt tị nạn ưa chuộng mấy. Đã hơn một lần chúng tôi nghe trộm mấy bà dè bỉu: “Trời! Con mụ X. đó, đua đòi mua nhà cho lớn, đi làm chỉ đủ tiền trả hãng nợ, tối ngày chỉ ăn thịt gà!”. Quả thật thịt gà Mỹ mềm và bở rệu như các mệ Mỹ dư ký, da gà lại nhiều độc tố Cholesterone nên ta thường phải bỏ trước khi ăn. Dùng thịt gà mà bỏ da thì chẳng khác nào ăn cá mà không biết thưởng thức đầu cá. Các cụ ta đã truyền lại kinh nghiệm “kê bì, ngư cốt” (da gà xương cá) hoặc “bán ruộng đầu cầu, mua đầu cá đối” mà lại. Nói đến ăn thịt gà, dạo năm 1975 mới qua Mỹ tỵ nạn, gia đình tôi được người Mỹ bảo lãnh về vùng Chicago là nơi xa biển, tôm các đắt như vàng. Chân ướt chân ráo mới tới chưa rõ giá cả sinh hoạt nơi xứ sở mới ra sao, chúng tôi rất ái ngại khi được gia đình người bảo trợ đãi toàn thịt gà thịnh soạn, nào đùi gà, ức gà, cánh gà, trứng gà v.v... cái gì cũng gà, hết ngày ngày qua ngày khác. Chúng tôi áy náy quá, sợ người bảo trợ tốn kém nên một hôm yêu cầu họ không cần đãi chúng tôi thịt gà, mà cho ăn những món “xoàng” như tôm cá cũng được rồi!

GÀ VÀ CÁC THANG THUỐC

Thịt gà rất giàu đạm, năng lượng, nhiều chất khoáng như vôi, sắt, đặc biệt là photpho nên thường được phối hợp với các vị thuốc khác để bồi bổ sức khỏe hay chữa bệnh. Điển hình là món gà hầm tam thất. Thịt gà, nhất là gà mái tơ có giá trị dinh dưỡng cao, còn tam thất là một vị thuốc bổ được dân gian quý như sâm (gọi là “sâm tam thất”). Để bồi dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh và người mới khỏi bệnh, dân gian đã kết hợp hai thứ trên trong món gà hầm tam thất. Củ tam thất thuộc họ nhân sâm, vị đắng, hơi ngọt, có tác dụng tán ứ, cầm máu, giảm đau, tiêu viêm, được dùng trị chấn thương, chảy máu, thổ huyết, tê bại, phong thấp. Liều dùng mỗi ngày 4-8 g rễ tán bột, hầm với thịt gà ăn hoặc ngâm rượu uống. Nguyên liệu để nấu món gà tam thất gồm một con gà mái tơ, tam thất thái lát mỏng 12 g, kỷ tử 10 g, long nhãn 10 g, táo tầu 10 quả, gừng, rượu, mắm, muối đủ dùng. Làm thịt gà theo cách mổ moi; chặt bỏ mỏ, móng chân, thoa nước gừng, rượu, muối vào bụng và da gà để 10-20 phút cho ngấm và tẩy hết mùi tanh. Sau đó nhồi tam thất, kỷ tử, long nhãn, táo tầu vào bụng gà; bẻ quặt chân đút vào trong bụng gà, để ngửa vào bát to đem hấp cách thủy 2-3 giờ, gà chín mềm là được. Gà hầm với tam thất có màu vàng, nước gà màu hồng sẫm, thơm mùi thuốc bắc, vị ngon ngọt dễ ăn.

Ngoài ra, trứng gà vừa là thức ăn và cũng là một vị thuốc quý. Các thành phần dinh dưỡng như chất đạm (protein), chất béo, chất đường, chất khoáng và các sinh tố... trong trứng gà được “pha trộn” với tỷ lệ cực kỳ hợp lý. Về mặt trị liệu theo Đông y, trứng gà có vị ngọt, tính bình, có tác dụng tư âm nhuận táo, dưỡng huyết an thai, dùng để bổ dưỡng, chữa ho khan, khản tiếng, mắt đỏ họng đau, thai động không yên, sản hậu miệng khát, kiết lỵ, bỏng...

Trứng gà ngâm giấm ăn trở thành vị thuốc có tác dụng chữa một số bệnh như viêm loét dạ dày, viêm da thần kinh, ngứa da trâu... vì giấm là gia vị thông dụng và cũng được sử dụng như một vị thuốc trong Đông y từ hơn 2.000 năm trước. Theo Đông y, giấm có vị chua, đắng, tính ấm. Có tác dụng tiêu thực, tán ứ, giải độc, sát trùng, chỉ huyết (cầm máu). Trong Đông y, giấm có thể dùng riêng, có thể sử dụng để sao tẩm hoặc phối chế với các vị thuốc khác. Lấy 5 quả trứng gà tươi, rửa sạch vỏ bằng cồn rồi lau khô, cho vào lọ rộng miệng đã sát trùng, đổ thêm 1 lít giấm tốt, đậy kín nút, để vào chỗ tối, ngâm trong bảy ngày đêm. Sau đó loại bỏ vỏ trứng, quấy cho nước trứng (lòng trắng và lòng đỏ) hòa tan đều với giấm là có thể dùng được.

- Chữa cao huyết áp, làm giảm mỡ máu, làm mềm thành mạch máu (chống xơ vữa) và chữa viêm loét đường tiêu hóa: Mỗi ngày dùng 3 lần mỗi lần 2 thìa canh.

- Chữa viêm da thần kinh, ngưu bì tiên (ngứa da trâu): Triệu chứng: Trên da nổi lên từng đám sần sùi, dày cộp, khô, đóng vảy cạy tróc vụn, giống như da trâu, kèm theo ngứa từng cơn, nên gọi là “ngưu bì tiên” (ngưu bì là da trâu, tiên là ngứa). Hằng ngày dùng bông sạch chấm nước trứng ngâm giấm bôi vào những chỗ da bị bệnh 4-5 lần, mỗi lần bôi 1-2 phút. Cần chú ý bôi thuốc đều đặn không gián đoạn. Nói chung, sau 1-2 ngày, là chỗ da bị bệnh đã bong vẩy, không còn ngứa kịch liệt như trước hoặc hết ngứa hẳn.

Đối với một số bệnh đường tiêu hóa, còn có thể sử dụng trứng theo một số cách khác:

*Chữa dạ dày viêm, đau: Có thể dùng trứng theo 2 phương pháp sau:

- Trứng đốt rượu: Dùng 200 ml cồn hoặc rượu trắng cao độ đổ vào một cái bát hoặc dụng cụ chịu nhiệt, cho một quả trứng gà sống vào, châm lửa đốt cho cồn hoặc rượu cháy hết, sau đó bóc trứng ăn, sau khi đốt, thường trứng vẫn “lòng đào” (lòng đỏ còn hơi lỏng).

- Trứng trộn gừng rán: Gừng tươi 30 gam thái nhỏ, trứng gà 1 quả, đập ra, trộn đều với gừng, sau đó dùng 30 ml dầu thực vật rán chín; chia làm 3 phần ăn trong ngày.

* Chữa viêm ruột cấp, kiết lỵ: Lấy 5-10 quả trứng gà (có thể dùng trứng vịt), dùng kim nhỏ đục một số lỗ nhỏ ở đầu quả trứng, rồi đem ngâm trong giấm 7-10 ngày. Mỗi ngày lấy một quả trứng đã ngâm giấm luộc ăn.

Trứng gà còn có thể giúp phòng bệnh mù lòa. Các nhà khoa học Mỹ vừa tìm ra một hợp chất trong trứng gà có thể giúp con người phòng chống chứng thoái hóa điểm đen ở con ngươi, một trong những nguyên nhân chính gây mù lòa. Nhà nghiên cứu Donald McNamara cho biết chất leutine có chứa trong trứng gà và một số loại rau xanh khác là chất duy nhất cơ thể người dồn vào điểm mù của mắt. Chất này hấp thụ các loại ánh sáng gắt, đặc biệt là tia cực tím, giúp bảo vệ mắt khỏi những tổn hại mà chúng gây ra. Khi một người không hấp thụ đủ chất leutine từ chế độ dinh dưỡng, chứng thoái hóa điểm đen rất dễ xuất hiện với triệu chứng là người đó bắt đầu nhìn thấy chấm đen như lúc nào cũng thấy con ruồi, con muỗi ngay trong tầm nhìn của mình. Những ai có nguy cơ mắc chứng thoái hóa điểm đen cao, cần chú ý bổ sung chất leutine, bao gồm những người hút thuốc lá, người có mắt màu xanh, người già và những người có tiền sử gia đình mắc chứng này.

Trứng gà thường được dùng để làm các món ăn như “la coóc”, “ốp la, ốp lết”(!!!), nhưng khi luộc chín còn có thể dùng để trị những vết thương bị bầm bằng cách lăn trứng còn nóng lên vết thương. Các thầy võ còn dùng gà con nấu chín để bó cho các vết thương gẫy chân, gẫy tay vì tin rằng “chó liền da, gà liền xương”. Món gà ác hầm thuốc bắc cũng thường được các bà vợ hiền âu yếm nấu tặng đức lang quân với ý hướng cao đẹp “ông nhậu, bà khen”!

Chúng ta cũng thường nghe nói tới thành ngữ “nổi da gà”, người Mỹ gọi là “goose bumps”. Đây là một hiện tượng phản xạ sinh lý động vật thường thấy khi bị ớn lạnh hay sợ hãi. “Da gà” là những nốt tròn phồng tí hon nổi lên trên da. Những nốt này xuất phát từ sự co cơ dính liền với mỗi sợi lông. Lông cắm sâu vào da và chân lông được nằm trong một bao (nang). Mỗi nang được một cơ sẽ làm nang phồng lên, đội lớp da lên tạo thành những hột trên mặt của da. Đó là “da gà”. Khi nang phồng lên, sợi lông bên trong sẽ dựng đứng lên. Cơ co lại và phát ra sức nóng sẽ làm nóng da. Ở những động vật có bộ lông dày, lông dựng lên sẽ mở rộng khoảng không khí giữ nhiệt bao quanh cơ thể, giúp cơ thể chịu lạnh tốt hơn.

Ở con người, phản ứng này không có tác dụng bởi chúng ta không còn nhiều lông, nhưng hiện tượng nổi da gà vẫn tồn tại. Nếu nói rằng con người có thể làm chủ cơ thể của mình thì rõ ràng là ta đã mất một phần nào. Sự kiểm soát tình cảm là một lĩnh vực mà tổ tiên xa xôi của ta có lẽ hơn ta. Phản ứng này do não gây ra cho dù muốn hay không. Cơ thể phóng ra một cách vô thức hormone adrénaline. Hormone này không những gây ra sự co cơ trên da mà còn ảnh hưởng tới phản ứng của cơ thể. Ở động vật, hormone này tiết ra khi chúng bị lạnh hoặc gặp trường hợp nguy cấp, giúp chúng sẵn sàng phản ứng như đánh trả hay rút chạy. Ở con người, adrénaline thường phóng ra khi chúng ta bị lạnh hoặc lo sợ, cả khi bị stress hoặc có cảm xúc mạnh, như giận dữ hoặc phấn khích. Những dấu hiệu khác của adrénaline còn bao gồm chảy nước mắt, ra mồ hôi, chân tay run rẩy, huyết áp tăng, tim đập mạnh, nghẹt thở...

GÀ TRONG ĐỜI SỐNG DÂN VIỆT

Vì gà là một loại gia cầm rất quen thuộc và gần gũi nên dân ta có rất nhiều ca dao, tục ngữ liên quan đến gà. Các bậc khoa bảng thời xưa thường coi thơ phú chữ Nho mới là “văn chương bác học”, còn chữ Nôm thuộc loại bình dân nên thường chê “nôm na là cha mách qué”. Qué là một loại gà nên chúng ta thường nghe nói “con gà, con qué”! Học trò viết chữ xấu bị thầy chê “viết như gà bới”. Khi hai vợ chồng bất đồng ý kiến, người ta cũng đưa gà ra để ví von. Thí dụ như khi đức ông chồng muốn ngồi nhà coi đánh “quần vợt” (tennis) để tận hưởng cú “sẹt vít” điêu luyện kèm theo tiếng rên “ừ, ứ” hấp dẫn của đào Sharapova, trong lúc bà vợ lại muốn đi shopping mua hàng sales, dĩ nhiên đôi bên phát thanh không cùng tần số nên chẳng tránh khỏi cảnh “ông nói gà, bà nói vịt”.

Có nhiều vị “híp py” nam nữ tôn thờ chủ nghĩa “make love, not war” phóng túng, bạ chỗ nào cũng ôm nhau hôn hít chùn chụt, công xúc tu sĩ, bất kể nhĩ mục quan chiêm hay bàn dân thiên hạ, giống như đám mèo hoang, gà lạc nên được phong chức “mèo mả, gà đồng”. Những đàn anh mê thụt bi da Tây, không phải bi da “lỗ” thường ao ước đối thủ đừng “chạy đạn” mà hãy “để bi” hầu dễ kiếm điểm. Theo ngôn từ bi da, có hai thế dễ ăn điểm nhất được mệnh danh là “giò gà” và “dế khỉ”. Dế khỉ là khi hai hòn bi da đích nằm sát cạnh nhau; còn “giò gà” là hai hòn bi da nằm gần nhau. Khi thụt bi da mà may mắn kiếm được hai món này thì coi như trúng số, thế nào cũng ăn độ. Những nơi nguy hiểm thường được mệnh danh là “hàm chó, vó ngựa, cựa gà, ngà voi”. Để ngạo mấy cô đi buôn bán, nhưng mục tiêu chính là “kiếm chồng”, miền Nam có câu ca dao:

“Kẹo Mỏ Cày năm đồng một ký,
Đường Giồng Trôm một ký năm đồng,
Em đi buôn mong kiếm tấm chồng,
Để đêm năm canh con gà gáy sáng,
Chốn cô phòng đỡ lẻ loi”

Thời tiết ảnh hưởng quan trọng tới nghề nông nên có nhiều ca dao tục ngữ liên quan tới gà và chuyện mưa nắng. Chẳng hạn như “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”, “Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa” có nghĩa là ráng màu vàng (mỡ gà) thì trời sẽ nổi gió, còn ráng màu trắng (mỡ chó) thì trời sẽ chuyển mưa. Hoặc “Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống” hay “mùa hè đang nắng, cỏ gà mọc trắng thì mưa”.

Những pháp sư lợi dụng thần quyền để lừa gạt kẻ mê tín dị đoan thường bị chế nhạo như sau:

“Cốc cốc lai rai
Thịt gà xé hai,
Thầy làm miếng một”

hoặc

“Chạp chạp rồi lại chung chiêng
Con gà trống thiến để riêng cho thầy
Đơm xôi thì đơm cho đầy
Đơm mà vơi đĩa thì thầy không ưa”

Trong những dịp hội hè đình đám, trai thanh gái lịch gặp nhau, họ thường đố những câu liên quan đến gà như:

“Chân đạp miền thanh địa,
Đầu đội mũ bình thiên,
Mình mặc áo mã tiên,
Ban ngày đôi ba vợ,
Tối một mình nằm riêng”

hay:

“Trên đầu đội sắc vua ban
Dưới thì yếm thắm dây vàng xum xuê
Thần linh đã gọi thì về
Ngồi trên mâm ngọc gươm kề sau lưng”

Về việc chọn gà để nuôi, người ta thường nói:

“Nuôi gà phải chọn giống gà,
Gà ri bé giống nhưng mà đẻ mau
To nhất là giống gà nâu,
Lông dầy, thịt béo nuôi lâu đẻ nhiều”

Gà không những được dùng như đồng hồ hay làm món ăn, nhưng còn tượng trưng cho nhiều đức tính tốt của con người. Hình ảnh gà mẹ chăn đàn gà con hay bảo vệ con chống lại lũ quạ diều đã được so sánh như một bà mẹ hiền suốt đời hy sinh tận tụy cho gia đình. Do đó người ta thường ví những đứa trẻ mồ côi mẹ là “lao xao như gà con mất mẹ”. Các ông chồng góa vợ thường được ví như sống cảnh “gà trống nuôi con”. Vào dịp Tết, vì những đức tính đặc biệt trên, người ta thường bán những tranh gà nhiều màu sắc lộng lẫy để lấy hên và để nhắc nhở những tính tốt của gà. Như trên đã nói, ngoài hình ảnh một con gà mái chăn dắt đàn gà con được coi như bà mẹ hiền nhiều phúc đức đông con, luôn hy sinh nhường miếng ăn cho con, gà trống được coi như một nhân vật văn võ song toàn.

Người xưa cho rằng gà trống với bộ mào trên đầu trông giống những bậc khoa bảng đời xưa đội mũ tiến sĩ vua ban lúc bảng hổ đề danh. Gà trống khi phùng lông cất tiếng gáy trông cũng oai dũng như một võ tướng. Chân gà với những vẩy cứng trông như lớp giáp sắt. Cựa gà sắc nhọn được coi như gươm giáo. Gà trống có đức tính can đảm, khi lâm trận không sợ gì ai, thường chọi nhau tới chết chứ không bỏ chạy như tướng Gà...chết với chiếc khăn quàng màu tím. Gà trống lại có tính nhân từ, luôn bao bọc và chia mồi với gà mái cũng như gà con. Gà lại luôn luôn gáy đúng giờ để đánh thức nông dân vào buổi sáng nên được coi như giữ được chữ Tín. Các bức tranh gà nhiều màu sắc vui mắt vì vậy được dân quê rất ưa chuộng vào dịp Tết. Những bức tranh này thường vẽ một con gà trống hiên ngang đứng cạnh bụi cúc nên gọi là tranh Kê Cúc hoặc cặp gà trống hùng dũng tranh tài hay gà trống đang đùa giỡn với gà mẹ cùng đám gà con. Theo cụ Tú Xương, tranh gà cũng thông dụng và phải có vào dịp Tết giống như những tràng pháo:

“Đì đẹt trong sân, tràng pháo chuột,
Om xòm trên vách, bức tranh gà”

Làng Đông Hồ (Bắc Việt) rất nổi tiếng với những tranh Tết in bằng mộc bản.

Nói đến gà oai phong và can đảm như một võ tướng khi lâm trận, chắc chúng ta không sao quên được những trận đá gà sôi nổi khi còn ở Việt Nam vào dịp Tết. Những con gà chọi thường được gây giống và tuyển lựa kỹ càng ngay từ khi còn trong trứng nước. Lớn lên, gà được tẩm nghệ cho da thịt cứng chắc như “thiết bố xam” và tập luyện kỹ càng qua các trận “xổ” tức là đá dợt bịt cựa. Trường gà thường là một khu đất rộng trong đó chủ gà từ khắp nơi đổ tới nhốt gà của mình trong những lồng đặc biệt đan bằng tre gọi là “bội”. Các chủ gà và khách mộ điệu đi từ bội này qua bội khác, xem giò xem cẳng từng con gà rồi mới bắt đầu “cáp độ”, nghĩa là bắt cặp để con gà này đá với gà kia. Khi độ đã cáp và tiền bạc đã cá xong xuôi, hai con gà được đưa ra đấu trường, mọi người vây chung quanh thành một vòng tròn.

Mỗi trận đá gà được chia ra từng “nước” hay từng hiệp, được ghi dấu bằng một khúc của cây nhang. Khi bắt đầu mỗi hiệp, người giữ giờ bắt đầu đốt nhang, khi nhang tàn đến khúc đã đánh dấu sẵn là hết một hiệp. Có nơi cầu kỳ hơn, buộc một đồng xu vào chỗ đánh dấu. Khi nhang cháy tàn đến chỗ đó, đồng xu rơi xuống một chiếc đĩa bằng đồng nghe “keng” một tiếng, báo hiệu hết hiệp. Lúc đó, các chủ gà mau mắn ôm lấy gà của mình để “cho nước” bằng cách vẩy nước cho gà tỉnh táo, săn sóc các vết thương và dùng miệng hút máu và dãi trong miệng gà cho thông họng. Nhiều trận đá gà được quyết định do tài của thầy gà biết cách cho nước có thể chuyển bại thành thắng. Trong khi cặp gà đang đá độ, khán giả bu quanh mặc tình “quăng bắt” một ăn hai, mười ăn bảy v.v... tùy theo tình hình gà nào đang thắng thế. Gà độ được đặt tên theo màu sắc của bộ lông như lông đỏ tên là gà Điều, lông trắng có đốm là gà Bông, lông trắng đều là gà Nhạn, lông đen là gà Ô v.v...

Dạo còn ở Việt Nam, tác giả thường theo đơn vị hành quân tại các vùng quê thuộc Long Xuyên, Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, Kiến Hòa, Cao Lãnh v.v... nên được chứng kiến nhiều trận đá gà rất hào hứng và gay cấn. Nhiều gà tuy nhỏ con nhưng đá rất hay và chịu đòn giỏi nên thường ăn độ. Gà nòi vùng Cao Lãnh nổi tiếng gan dạ và lì đòn cũng như các cô gái vùng Nha Mân (Sa Đéc) nổi tiếng xinh đẹp và dễ thương:

“Gà nào hay cho bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh cho bằng gái Nha Mân”

Ở miền Bắc, có những địa phương cung cấp giống gà nổi tiếng như Đình Bảng, Thổ Hà, Yên Phụ (Hà Bắc), Tây Phương (Hà Tây), Nghĩa Đô, Nghi Tàm (Hà Nội). Để có được con gà chọi hay, đòi hỏi người phải có công phu và kinh nghiệm, từ việc chọn giống gà, gây giống, xem tướng gà, nuôi dưỡng, luyện tập v.v... Câu ngạn ngữ “Gà tại nó, chó tại ta” hoặc “chó giống cha, gà giống mẹ”... ý nói gà trước hết phải là gà giống, rồi mới đến kết quả công rèn luyện.

Tại Việt Nam, nhiều “trường gà” đã được thiết lập ở khắp nơi, thu hút đông đảo khách có máu mê ăn thua cờ bạc. Sách vở xưa cũng từng bàn về chọi gà và gà chọi. Từ thế kỷ thứ XII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, trong bài hịch tướng sĩ cũng đã từng cảnh tỉnh những ai đắm mình vào thú vui này trong lúc “quốc gia hữu sự”: “Cựa gà sắc khôn đâm giáp giặc”...

Trong lịch sử nước ta, Tả Quân Lê Văn Duyệt triều Nguyễn khi trấn thủ thành Gia Định là một võ tướng rất mê đá gà. Dưới thời đệ nhị Cộng Hòa cũng có một ông tướng rất “nổ” với “chiếc khăn quàng màu tím” làm tới chức Tư Lệnh nhưng chỉ mê ôm gà chọi và ấp “gà móng đỏ”.

ĐỊA DANH MANG TÊN GÀ

Vì rất quen thuộc trong đời sống dân Việt, nên nhiều địa danh thuộc nước ta được mang tên gà. Trên đường vào chùa Hương từ bến Đục, có ngọn núi trông giống hình con gà được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp mô tả:

“Sau núi Oản, Gà Xôi,
Bao nhiêu con khỉ ngồi...”

Ngoài ra, còn có suối nước nóng Kênh Gà thuộc thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn. Thuyền sẽ đưa du khách len lỏi giữa không gian lồng lộng gió núi, ngọt ngào hương lúa đồng chiêm để đến với suối nước nóng Kênh Gà. Dòng suối này đã có từ rất lâu đời nhưng mãi đến năm 1940 mới được người Pháp nghiên cứu và biết đến. Đây là loại nước khoáng tốt, chứa nhiều muối natriclorua, kaliclorua, canxi và muối bicacbonat. Nước không có mầu, trong, nhiệt độ ổn định là 53oC. Mỗi giờ nguồn nước chảy ra khoảng 5.000 m3. Thiên nhiên đã ban tặng cho Ninh Bình non nước hữu tình lại còn có suối nước nóng để tắm nghỉ dưỡng và chữa bệnh thì quả là tuyệt diệu. Nước khoáng Kênh Gà hiện nay còn được đóng chai để cung cấp thêm nguồn nước khoáng cho du khách.

Khách du lịch chắc khó thể quên Đảo Gà Chọi nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long, cách bến tàu du lịch 5 km, phía trước là hòn Đỉnh Hương. Giữa một vùng biển nước bao la, đảo Gà Chọi xinh đẹp mọc lên từ đáy nước xanh thẳm. Lúc bình minh lên từ phía đảo xa, hòn Gà Chọi đỏ rực rỡ, như hai chú gà lực lưỡng khổng lồ đang chọi nhau trên sóng nước mênh mông, mỗi chú cao tới 12 mét, dáng đứng chênh vênh, chiếc chân tí xíu đỡ tấm thân khổng lồ tưởng chừng chỉ cần một cơn sóng vỗ mạnh, cả khối đá nặng ấy có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Đối với những người đi biển, hải đăng Kê Gà thuộc vùng Mũi Né, Phan Thiết là một dấu mốc quan trọng trong việc xác định vị trí con tầu. Hải đăng được xây cất vào tháng 2-1897 do kiến trúc sư Snavat (Chnavat) người Pháp thiết kế. Tháp cao 65m so với mực nước biển, có 184 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn lên đỉnh tháp. Đèn chiếu có công xuất 2,000W. Mỗi cạnh chân đế tháp dài chừng 20m, ngôi nhà lớn hình vuông mỗi cạnh 40m.

NHỮNG NĂM GÀ TRONG LỊCH SỬ.

Trong lịch sử Việt Nam, có nhiều biến cố quan trọng xảy ra vào năm gà. Vào tháng 12 năm Ất Dậu (1226) Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý, đưa cháu là Trần Cảnh lên ngôi vua lập ra nhà Trần. Sáu mươi năm sau, cũng vào năm Ất Dậu 1285, dân quân nhà Trần đánh bại 50 vạn quân Mông Cổ xâm lăng nước ta. Năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đại phá quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu tại gò Đống Đa, dành quyền tự chủ cho xứ sở. Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương chống Pháp vào năm Ất Dậu (1885). Ngài cùng quần thần bỏ ra Tân Sở phát động phong trào đánh đuổi thực dân. Vào năm 1888, Vua Hàm Nghi bị tên phản thần Trương Quang Ngọc lén bắt trao cho người Pháp. Ngài bị đầy đi Alegérie vào ngày 13-1-1889. Vua Hàm Nhi mất tại Algérie ngày 4-1-1943, thọ 72 tuổi. Ngài có một hoàng tử và 2 công chúa.

Đặc biệt vào năm 1945 tức năm Ất Dậu dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, thực dân Pháp cấu kết với quân phiệt Nhật đã gây ra nạn đói khiến gần 2 triệu người Việt bị chết đói. Trước đó, do đòi hỏi của Nhật, nhà cầm quyền Pháp buộc nông dân phải nhổ bớt lúa trên đồng để trồng các loại cây công nghệ như bông, đay, gai v.v... Vì vậy, mức sản xuất lúa gạo giảm xuống thấy rõ; nhiều nơi, dân phải sống nhờ hoa màu phụ như khoai, sắn. Ngoài ra, người Pháp còn bị quân Nhật bắt buộc xuất cảng 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam sang Nhật, cộng với việc cả quân Nhật và Pháp đều thu mua lúa gạo để dự trữ trong những kho quân lương nên lúa gạo lại càng khan hiếm. Đến mùa Thu năm 1944, gặp thời tiết xấu khiến mùa màng bị hư hại khiến dân không có thực phẩm để ăn, gây ra nạn đói.

Dạo đó, tuy chúng tôi còn rất nhỏ, sống tại một làng quê vùng Trung Châu Bắc Việt, nhưng vẫn nhớ mãi gia đình ngày nào cũng nấu cháo hoa để “phát chẩn” cho những dân làng gầy gò đói ăn tụ tập quanh nhà. Nhiều vùng như tại Thái Bình, người ta đói quá phải ăn cả củ chuối, cây cỏ... Nghe nói tại bến đò Tân Đệ trên đường từ Nam Định qua Thái Bình, thây ma nằm la liệt đầy đường, một số người sống đói quá đã phải ăn cả thịt người chết để sống còn. Ngay tại Hà Nội, số người chết nhiều đến nỗi mỗi sáng sớm sở vệ sinh phải cho từng đoàn xe bò đi khắp hang cùng ngõ hẻm để lượm xác người chết đói chỉ còn xương bọc da. Có nhiều người chưa chết còn thoi thóp nằm chung trong một đống xác cũng bị liệng lên xe bò luôn. Nhạc sĩ kiêm thi sĩ Văn Cao hồi đó đang ở trọ trên một căn gác nhỏ tại phường Dạ Lạc là một xóm thanh lâu ăn chơi ở Hà Nội sáng sáng đã chứng kiến cảnh tượng thê lương kinh hoàng này và mô tả trong một bài thơ rất xúc động nhan đề “Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ Lạc” trong đó có những câu như sau:

“Kiếp người tang tóc
Loạn lạc đòi xương chất lên xương
Một nửa kêu than, ma đói sa trường
Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc
Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Đi vào ngõ khói công viên
Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
Hương nha phiến chập chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đường nghe sào sạo
Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc qủy xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực”
. . . . .

GÀ TRONG VĂN CHƯƠNG

Trong các truyện cổ Trung Hoa, cũng có nhiều đoạn liên quan đến gà. Truyện “Tiết Đinh San chinh Tây” kể lại một tướng giặc có tà pháp tung một lá cờ lên là có hàng trăm ngàn con rết độc từ trên trời bay xuống cắn chết binh sĩ nhà Đường. Họ Tiết không làm cách nào trừ khử được, sau đành nhờ vợ là Phàn Lê Huê bầy kế phá trận. Lê Huê mượn được lá cờ “Kim Kê” có hình con Gà của thầy là Lê Sơn Thánh Mẫu. Khi tướng giặc tung cờ “Ngô Công” (con rết) lên, Phàn Lê Huê dùng cờ “Kim Kê” hoá thành những con gà vàng mổ ăn hết bầy rết. Như vậy, loài rết tuy độc, nhưng Gà lại là khắc tinh của rết. Sau này, Lê Huê còn dùng máu chó mực và máu gà thiến để đối phó với tà thuật của bọn bàng môn tả đạo.

Truyện Tam Quốc cũng có đoạn rất lý thú thuật lại tính nết gian hùng của Tào Tháo liên quan đến Gà. Nguyên khi Tào Tháo bị quân của Mã Siêu chận đứng tại Dương Bình quan, phải án binh bất động tại hẻm Tà Cốc, lâm vào thế “tiến thối lưỡng nan”. Tiến thì không được vì bị Mã Siêu chận lối, lùi cũng chẳng xong vì sợ bị quân Thục của Lưu Huyền Đức tập kích và chê cười. Tào Tháo dùng dằng chưa biết tính sao, chợt quân hầu dâng lên một chén canh gà, đúng lúc tướng Tào là Hạ Hầu Đôn vào xin mật khẩu tuần đêm. Họ Tào buột miệng nói luôn “Kê cân! Kê cân”. Khi quan Hành Quân Chủ Bạ tên là Dương Tu nghe thấy hai tiếng “kê cân” liền sai quân chuẩn bị rút lui. Hạ Hầu Đôn hỏi lý do, Dương Tu giải thích: “Gân gà không có thịt, dai lắm; ăn thì không được, mà bỏ thì tiếc, chẳng khác nào tình cảnh quân ta hiện nay, nhưng sớm muộn gì cũng phải rút lui”. Hạ Hầu Đôn khen: “Ông thật hiểu rõ gan ruột của Ngụy Vương”. Tào Tháo nghe được, giận lắm bèn kiếm chuyện chém Dương Tu rồi ra lệnh tấn công. Nhưng quân Tào bị Mã Siêu đánh tan tác, họ Tào may mắn thoát chết, cuối cùng cũng phải lui binh như Dương Tu tiên đoán.

Nhà thơ La Fontaine người Pháp có một số thơ truyện gà. Trước hết là truyện “Cô Perette đi mang liễn sữa, kê đệm bông đội giữa đỉnh đầu”. Cô Perette mang sữa ra chợ bán, vừa đi cô vừa tưởng tượng bán sữa xong sẽ mua một số trứng gà, ấp xong sẽ nở ra môt đàn gà. Sau đó, cô lại bán gà để mua một con bò nghé. Nghĩ tới con nghé chạy nhảy tung tăng, Perette cũng hứng chí nhảy theo, thế là liễn sữa rơi đổ mất khiến cô chẳng mua bán được gì! Nhưng nổi tiếng nhất, có lẽ là bài thơ “GÀ ĐẺ TRỨNG VÀNG” ngụ ý chế diễu và răn dạy những kẻ tham lam muốn làm giàu tắt:

“Tham thì thâm cổ nhân dạy thế,
Lấy truyện gà ra để răn đời.
Đem câu bịa đặt kể chơi
Một hôm gà nọ đẻ rơi trứng vàng.
Chủ ngỡ có bảo tàng trong bụng.
Mổ phăng ra chắc cũng mau giàu.
Ai ngờ có cóc chi đâu!
Gà thường cũng vậy khác nhau chút nào.
Chủ biết dại kêu gào tiếc của,
Làm gương soi cho đứa tham tâm.
Mới đây lắm kẻ nghĩ lầm,
Được muời lại muốn ngay trăm ngay nghìn
Trơ ra hết nhẵn, ngồi nhìn”

Ngày Xuân, sau khi bàn hết chuyện thịt gà, gân gà... mà không đả động gì tới chuyện... gà mái thì thế nào cũng bị quở là thiếu sót, vì vậy xin được phiếm thêm về mục không thể không có này. Gà trống, trông oai hùng thật với bộ mã phong lưu nhiều màu sắc và bản chất oai hùng như võ tướng, nhưng tất cả đều vô nghĩa nếu không có gà... mái. Các anh gà trống đá nhau chí chạc, phùng mao trợn mắt ăn thua đủ với nhau, chẳng qua cũng chỉ vì dành gà... yêu. Suy rộng ra, các nam nhi đại trượng phu dùng đủ mưu mẹo hại nhau khiến anh u đầu, người tím mắt, đa số cũng vì “mái sùy”.

Điển hình, gà chọi Từ Hải “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, thế mà mái Kiều mới “sùy” vài tiếng là đã thân bại danh liệt, chết đau chết đớn đứng như trời trồng, mắt nhắm không được. Truyện Kiều còn có đoạn mô tả các em gái... thập thành của Tú Bà đã dùng xảo thuật “nước vỏ lựu, máu mào gà” để đánh lừa mấy chàng cả quỷnh là em vừa ở dưới quê lên, mới gặp anh lần đầu... trong ngày! Có lẽ vì xảo thuật “máu mào gà” mà các vị nữ lưu đệ tử của thần Bạch Mi hay la cà trong chốn thanh lâu được mệnh danh là gà mái tơ, gà mái ghẹ hay gà mái dầu. Đông Tây gặp nhau ở điểm “danh xưng” này vì người Phú Lăng Sa cũng gọi các nàng chịu chơi là “poule de luxe”, dân giang hồ Mẽo gọi là “chick”. Tiểu bang Texas có thời từng nổi danh với “The best little whore house in Texas” đặt sào huyệt tại Chicken Ranch gần La Grange trên đường từ Austin đi Houston. Lý do vì vào thập niên 1930, thời kinh tế đi xuống, khách tìm hoa mỗi lần ghé thăm đều không có tiền nên phải trả bằng gà, nên chẳng bao lâu chốn thanh lâu trở thành trại gà.

Riêng đối với các bậc tu mi nam tử, dù gà trống có bộ mã ngon lành, nhưng không ai muốn được mang tiếng “gà”. Anh nào được đời gán cho tiếng “mặt gà mái” thì không bao giờ khá được. Được mệnh danh là “gà sống thiến” cũng chẳng hơn gì, vì có tiếng đô con nhưng chẳng mổ được phát nào cho ra hồn, tương tự các bậc công công thái giám. Ngay cả khi được phong là “gà trống” cũng đừng tưởng bở, vì phái nữ thường rỉ tai nhau tránh mặt những anh “nhảy mau như gà”. Các bậc trượng phu biết “thủ tiết” thờ vợ đã khuất núi hay cách sông cách biển, chịu cảnh phòng không chiếc bóng, chiếu chăn lạnh lẽo chỉ được đời phong cho cái tiếng hão “gà trống nuôi con”. Tóm lại, có thể nói gà là khắc tinh của nam phái và là phúc tinh của các bà các cô. Vì vậy, trong năm Dậu này thế nào hiện tượng “âm thịnh dương suy” cũng bộc phát mạnh mẽ, các bậc trượng phu phải coi chừng. Muốn tránh trận chiến “nữ kê tác quái, gà mái đá gà cồ”, nhất định phải dùng chiêu “trượng phu nép bóng hồng quần” hoặc “gà què ăn quẩn cối xay” mới mong qua khỏi năm xung tháng hạn.

Bàn qua về tướng số, trong 12 con giáp, tuổi Gà đáng ra là tuổi con Công xòe kênh kiệu! Nhanh trí mà lại thực tiễn và phong phú, tuổi nầy nhất quyết chỉ làm những gì họ có làm qua hoặc cho là phải. Tài quan sát sắc bén, không thể nào làm điều dấu diếm hay qua mặt tuổi nầy được, y như tuổi Gà có cặp mắt phía sau lưng vậy! Phẩm tính nầy làm cho nhiều người tưởng là tuổi Gà có “nghề” xũ quẻ hay bói toán. Tánh thẳng thừng nên trung thành tuyệt đối. Tuổi Gà không chao đảo, lay động, và chẳng cần rụt rè giữ thể, họ là một cuốn sách đã mở sẵn, nói điều thật và giữ lời. Tuổi nầy nghĩ rằng mình phải có ý kiến thì người khác mới tôn trọng mình.

Nhưng cũng vì tính thẳng thắn quá nên dễ bị kẻ khích động dụ dẫn mà không hay. Nhớ là tuổi Gà không hề bay trong mộng mị, lúc nào cũng đề cao cảnh giác. Tuổi Gà dày dạn nầy làm điều chi cũng phải làm hoàn hảo và qui cách, đặc biệt là việc chăm sóc diện mạo. Chải chuốt và ngắm nghía hoài cũng thấy chưa được! Một sợi tóc bung ra cũng không hài lòng. Nếu được lưu ý hay khen ngợi dầu chỉ là vài lời êm dịu, tuổi Gà sẽ chìu lòng hết mực. Tuổi Gà thích đi xa nhà, đặc biệt đi với bạn bè yêu kính mình. Ở nhà ăn cơm một mình không xong, thà đi chơi thâu đêm với một đám bạn sướng hơn. Chưng diện thì có lẽ là nổi tiếng nhất xóm! Đúng “mode” mới là vấn đề, tiền bạc tốn kém không quan trọng. Nổi bật thì có nổi bật, nhưng khi ở một mình thì tuổi Gà lại thích rút về cuộc sống đơn giản, thủ cựu. Mặt ngược lại của tuổi Gà là dễ hóa ra tư lự hay mơ mộng đến chuyện tình cảm. Tuổi Gà có khả năng mộng tưởng tận cùng đến khi nào thực tại xâm lấn mới chịu thôi. Nói vậy chứ tuổi Gà là một trong những người đồng hành trung thành và đáng tin cậy nhất, sẳn sàng chịu thiệt để làm vui lòng bạn. Tuổi Gà cần biết giá trị của tình cảm và linh hồn cũng không kém gì diện mạo. Mặt đẹp thì trí óc cũng phải bén nhạy và việc xử thế cũng phải tốt. Tất cả mới làm cho cuộc sống vuông tròn.

- Tam Hạp: Tuổi Gà hạp với tuổi Sửu (con Trâu) và tuổi Tỵ (con Rắn).

- Tứ Xung: Tuổi Gà khắc hay kỵ tuổi Tí (con Chuột), tuổi Mẹo (con Mèo) và tuổi Ngọ (con Ngựa).

Nhìn chung, số mạng tổng quát của tuổi Dậu được tóm tắt như sau:

“Tuổi Dậu con Gà vàng lông,
Có mỏ có mồng, nó gáy ó o”

Nhân dịp xuân về, trước cảnh vật hữu tình như “gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”, nhằm đạt tới “cứu cánh” mua vui trong dịp Xuân về, nếu tác giả đã phóng bút quá lố, kính mong qúi vị vui lòng lượng thứ. Để kết luận, chúng tôi xin phép chép hầu qúi vị bài thơ Xuân thơ Tết cuối cùng của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương là bài Vịnh Tranh Gà Lợn, làm vào ngày Tết Bính Thìn, 1976. Bài thơ được truyền tụng nhờ được truyền khẩu. Nhưng cũng vì vậy mà có nhiều dị bản khác nhau, nhiều bản sai lạc, vô nghĩa. Bà Vũ Hoàng Chương (em gái thi sĩ Đinh Hùng, khuê danh Đinh Thị Thục Oanh) đã than phiền và ghi lại chính văn:

“Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn, om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh”

Gà luôn được nổi tiếng là bạn tốt của nông dân với nhiệm vụ cao đẹp cất tiếng gáy để đánh thức những người mê ngủ. Mong rằng trong năm Ất Dậu này, tiếng gà gáy cũng sẽ thức tỉnh những ai còn đang lầm đường lạc lối hô hào hòa hợp hòa giải, cộng tác với kẻ cướp. Hy vọng những cảnh trái tai gai mắt như tướng gà chọi “sĩ khí rụt rè gà phải cáo, văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi” xin phép được về Việt Nam bái kiến phuờng lưu manh sẽ không còn tái diễn trong cộng đồng người Việt để chúng ta thẳng tiến đến mục tiêu mang lại Nhân Quyền, Tự Do và Dân Chủ thực sự cho quê cha đất tổ./.
Trần Đỗ Cẩm
(Austin, Texas 2004)


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh