Mỗi người trong chúng ta ai lại chẳng có một quá khứ để vỗ về, để xót xa thương nhớ, để ăn năn hối tiếc? Bởi vì quá khứ lúc nào cũng rất đẹp dù rất vui hay rất buồn. Con người thường tìm về quá khứ bởi vì kỷ niệm - dù mật ngọt thiết tha hay cay đắng tủi hờn - là những hàng cây rợp bóng che mát cho chúng ta bước đi trong hiện tại để tính về mai sau. Con người thường tìm về quá khứ bởi vì kỷ niệm làm minh mẫn trí tuệ, rọi sáng thực tế và cung cấp cho chúng ta những lời khuyên cần thiết, hữu ích để định hướng cho tương lai. Đối với những người tuổi đời chồng chất, đã từng đổ mồ hôi, nước mắt, máu xương cho vận nước nổi trôi và đang lưu lạc khắp bốn bể năm châu thì kỷ niệm bỏ trọn lại trên quê hương nên quê hương là thân yêu, là ruột thịt, là ray rứt triền miên.
Một nhà văn hào Pháp đã viết:
-“Hình như tạo hóa đã cột chân mọi người vào nơi chôn nhau cắt rốn của mình bằng một thứ nam châm vô hình. Điều lạ lùng và cao cả là con người luyến nhớ cố hương vì những nỗi khổ đau...”.
Và Chỗ Quê Hương Đẹp Hơn Cả đã được làm đề tựa cho một bài tập đọc - học thuộc lòng trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư của tuổi học trò ở trường làng thuở ấu thơ. Không biết văn học Việt Nam đồng hóa hình ảnh lớn lao thân thiết của quê hương với hình ảnh bao dung cao cả của mẹ hiền từ lúc nào? Người tha hương nhớ về quê cũ là nhớ về quê mẹ:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Niềm thương Tổ quốc, nỗi nhớ cố hương âm thầm gặm nhấm lòng người tha hương và chỉ ghi được bằng cảm nhận chứ không nói hết được bằng lời hoặc viết ra bằng giấy mực. Bởi vì đã có biết bao nhiêu là tác giả tả về quê hương và đoạn văn nào cũng hay, câu thơ nào cũng đẹp, bức tranh nào cũng thâm trầm, bài ca nào cũng thắm thiết... Nhưng vẫn không thể nào diễn tả trọn vẹn.
Quê hương có cái mùi thơm quyến rũ, thân thương mà Thạch Lam đã từng ngây ngất:
...MÙI thơm của lúa mới lẫn MÙI rạ ướt, MÙI bụi rác bốc lên, tưởng chừng như là MÙI của hết cả thôn quê Việt Nam . . .
Và Tế Hanh đã nhớ đến xót xa:
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái MÙI nồng mặn quá !
Với từng kỷ niệm riêng tư trong dĩ vãng, với mỗi hoàn cảnh cá biệt của hiện tại, ta nghe từng nỗi bùi ngùi, từng niềm chua xót khi tưởng vọng về cố hương đang ở ngàn trùng xa cách.
Trong ý nghĩa đó, người viết xin ghi lại đây một chút kỷ niệm về quận Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Ước mong sẽ được nhieỳ hình ảnh về Việt Nam ở khắp các miền cùng nhau “vọng cố hương hề thiên nhất phương!”
MỘT ĐÁM RƯỚC SẮC NĂM 1972 TẠI QUẬN TRÀ BỒNG
Dưới chính thể quân chủ tuyệt đối, uy quyền của nhà Vua là tối thượng. Vua là con Trời thay trời trị dân. Bảo ấn của nhà Vua đóng trên các chiếu chỉ có uy lực như chính nhà Vua ngự trị một cách vô hình trên đó. Khắp làng quê Việt Nam nơi nào cũng có miếu, đình, chùa nhưng không phải nơi nào cũng có sắc phong. Vị thần ở đình làng nếu được tâu xin và nếu triều đình xét có công với dân làng hoặc chứng minh được linh hiển giúp dân thì mới có sắc phong của Vua phong cho. Khi làng xã được “sắc” Vua phong thì phải lập hương án để đón tiếp : Để Sắc phong trong một cái hộp sơn son thiếp vàng đặt trên một cái kiệu long đình có lọng che và rước đi với cờ quạt và nhạc bát âm gọi là Đám Rước Sắc. Quí vị cao niên hoặc đã từng chứng kiến hoặc đã đọc sách nên biết rõ điều đó.
Mặc dầu sau năm 1954, Miền Nam Việt Nam đã thiết lập chế độ Cộng Hòa, mặc dầu những năm về sau chiến tranh mỗi ngày một tàn khốc đã làm phá sản một số giá trị tinh thần nhưng khắp nơi - nhất là ở các làng quê - quan niệm dân chi phụ mẫu vẫn còn được tôn trọng và các văn thư có đóng dấu cùng chữ ký của Tổng Thống tuy không được cái uy lực tuyệt đối như chiếu chỉ của Vua ngày trước nhưng vẫn còn rất nhiều giá trị.
Nhân đây, tôi muốn kể lại một Đám Rước Sắc rất đặc biệt tại quận Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1972 mà tôi có dịp tham dự. Biết đâu đó chẳng phải là dám rước cuối cùng tại Việt Nam?
Trà Bồng là một quận miền Thượng của tỉnh Quảng Ngãi : phía Đông giáp quận Bình Sơn, phía Tây giáp dãy Trường Sơn, phía Nam giáp quận Sơn Hà, phía Bắc giáp quận Hậu Đức tỉnh Quảng Nam. Lâm sản đặc biệt của quận Trà Bồng là QUẾ và người Thượng ở vùng này thuộc sắc tộc CUA.
Tại xã Trà Khương vùng quận lỵ có một cái miếu rất linh thiêng gọi là Miếu Trường Bà. Chi tiết về lịch sử cũng như huyền thoại của ngôi miếu này đã hoàn toàn bị tiêu hủy bởi các biến cố chiến tranh nay chỉ còn là những truyền thuyết do dân địa phương kể lại nên khó có thể viết cho đầy đủ. Tôi hiện có trong tay ba (3) tài liệu về Trường Bà do bằng hữu cung cấp. Một của một anh bạn vong niên sinh ra, lớn lên và làm việc liên tục nhiều năm tại Trà Bồng nay đã vào tuổi cổ lai hy ghi lại. Một của một người đã đến làm việc một thời gian tại Trà Bồng và có đến viếng Trường Bà kể lại. Một đoạn viết về Trường Bà trong một tác phẩm viết về Quảng Ngãi mới xuất bản trong nước. Cả 3 tài liệu đều có nhiều chi tiết không phù hợp nhau. Ngay cả tên gọi cũng khác: Trường Bà, đền thờ Trường Bà, Chùa Bà, Điện Trường Bà. Dựa vào ba tài liệu này và nhớ lại những điều mình đã thấy khi đến viếng nơi linh thiêng này thuở trước, tôi xin ghi lại sơ lược về Trường Bà như sau và xin gọi là Điện Trường Bà.
. . . . .
Ngoài sân điện có hai bạch tượng đứng hai bên và hai hạc chầu. Bốn cột trước dọc theo hành lang chạm nổi hình rồng ẩn trong mây, chạy xuống bấc tam cấp là bốn bạch hổ phục chầu. Trên nóc bờ giải, vòm ô trang trí, có hình Khương Tử Nha ngồi câu cá cùng những người cưỡi ngựa, gánh củi.
Chánh điện gồm 16 cột tròn to, sơn son vẽ rồng ẩn trong mây (hai hàng cột giữa) và mai hạc (hai hàng cột hai bên).
Nội điện được chia làm ba gian: Gian giữa thờ Thiên Y Na Ngọc Nữ (Ngọc Nữ Nương Nương) tượng bằng đồng cao 90cm tạc người đàn bà mặc áo mớ ba, đầu chít khăn, khuôn mặt bầu bỉnh, ngồi ung dung thư thái. Án thờ sơn son chạm nổi đầu rồng. Hai bên tả, hữu thờ các vị tôn thần.
Mặt ngoài chánh điện đắp nồi hai kỳ lân, đầu rồng đuôi phượng.
Điện bao quanh bằng hai vòng thành. Vòng thứ nhất quanh sân chùa, vòng thứ hai cao 1,5m và dày 20cm làm bằng tam hợp chất cùng gạch đá, có một cổng vòm phụ và một cổng chính vào chùa. Trên cổng mọc một cây sanh to, rễ thả dài tạo cảnh thiên nhiên vừa đẹp vừa bao trùm vẻ uy linh...Có rất nhiều huyền thoại được dân trong vùng thuật lại về sự linh thiêng, ứng điềm báo mộng, cứu giúp dân làng tránh được các tai ương, họa biến của Thiên Y Na Nương Nương qua nhiều thời đại. Vì vậy dân làng cùng du khách thường xuyên đến thăm viếng, lễ bái nên Điện Trường Bà quanh năm khói hương nghi ngút.
Tương truyền rằng có một ông cọp lông trắng gọi là Bạch Hổ đêm đêm từ rừng rậm hay về sau hè nằm nghe kinh kệ, ngửi mùi khói nhang. Dân chúng ban đầu rất sợ sệt nên đã cùng nhau dùng phèng la, chiêng trống, đèn đuốc xua đuổi nhưng sau thấy vẻ hiền lành của cọp nên thôi.
Một giai thoại tưởng cần được kể ra đây liên quan đến sự linh thiêng của Điện Trường Bà. Nguyên vào những năm 1891-1899 người Thượng ở Đá Vách vùng Trà Bồng Sơn Hà thường hay kéo xuống làng mạc người Kinh quấy phá cướp của, giết người gọi là Mọi Đá Vách. Triều đình Huế đã phải nhiều phen đem binh dẹp loạn. Dân làng thường đem trẻ con, đàn bà và tài sản vào trú trong Điện Trường Bà và đã được an toàn. Tương truyền rằng vào một đêm Bạch Hổ xuất hiện đứng đón ở cổng làng chờ thổ phỉ dến giết sạch chúng và treo đầu trên cành đa và dân làng gọi là “cây đa treo đầu Mọi”. Về sau Bạch Hổ già nằm chết cạnh Điện Trường Bà và được dân làng chôn cất tử tế, tạc hình vào bia mộ là Bạch Hổ Thần Linh Chi Mộ. Vì những sự hiển linh đó nên dân làng đã trình xin và được các Vua triều Nguyễn ban Sắc phong là NGỌC NỮ NƯƠNG NƯƠNG và Bạch Hổ được phong là BẠCH HỔ ĐẠI TƯỚNG QUÂN...
Năm 1972, Hội Đồng các xã địa phương cùng các thân hào nhân sĩ làm kiến nghị nhờ Quận cũng như Tỉnh gởi lên Tổng Thống thỉnh cầu ban Sắc phong cho NGỌC NỮ NƯƠNG NƯƠNG. Sau nhiều tháng tra lục, tìm hiểu, xem xét, Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa Mai Thọ Truyền đã thuận trình và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký Sắc phong. Sắc phong này được in trên một loại giấy láng đặc biệt, khổ khá lớn, cuộn tròn bỏ vào một cái ống rất trang trọng.
Vào ngày lễ rước Sắc, máy bay trực thăng chở Sắc phong và phái đoàn chính quyền cùng quan khách từ Thị xã Quảng Ngãi đến quận ly Trà Bồng. (Tôi còn nhớ: Đại tá Tỉnh Trưởng NVL, Ông Chnh Án VQC, Cựu Trung tướng TVĐ dân biểu đơn vị Quảng Ngãi v.v...cùng phái đoàn báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình). Khi máy bay trực thăng đậu xuống phi trường thì tất cả mọi người trong phái đoàn đều ngạc nhiên đến sửng sốt trước cảnh nghiêm trang uy nghi vô cùng đang chờ đón tại đây. Thiếu tá Quận trưởng NVB cùng một số bô lão râu dài bạc phơ khăn đóng, áo dài đứng sau chiếc kiệu có cờ lọng và bên cạnh là hương án. Thiếu tá Quận trưởng cùng hai bô lão đến chỗ trực thăng đậu trịnh trọng mang sắc phong đặt vào một cái hòm gỗ để trên hương án, rồi một bô lão khác lạy 5 lạy trước khi đem hòm gỗ đặt vào kiệu để rước đi. Chiếu hoa trải suốt dọc đường gần hai cây số từ phi trường đến Miếu Trường Bà để kiệu và quan khách bước đi. Dân làng chè già trai gái quần áo chỉnh tề đứng đón chật cả hai bên đường. Chốc chốc lại có một hương án và khi kiệu đi qua là một bô lão lạy 5 lạy. Lễ đặt Sắc phong lên bàn thờ chính của chánh điện thật vô cùng trang nghiêm theo nghi thức cổ truyền. Đặc biệt nhất là nghi lễ của đồng bào Thượng và vũ điệu của các cháu người Thượng đã làm cho buổi lễ uy nghiêm hơn khiến hàng trăm người hiện diện cung kính đứng nghiêm như tượng đá tưởng như thần linh đang hiện diện quanh mình. Có dự đám rước Sắc và buổi lễ tại đây mới thấy được hết lòng tin tưởng tuyệt đối của dân làng vào sự hiển linh của vị thánh NGỌC NỮ NƯƠNG NƯƠNG như thế nào. Đó là thời điểm năm 1972. Từ đó chúng ta có thể tưởng tượng ra những đám rước Sắc dưới thời phong kiến trịnh trọng, sùng kính, uy nghiêm tuyệt đối đến độ nào!
Còn nhớ cựu Trung tướng TVĐ đã nói nhỏ với tôi:
- Hồi xưa khi làm Tư lệnh Vùng I tối đã viếng miếu này và đã nghe kể một ít giai thoại về sự linh thiêng của vị Thánh nhưng đâu có biết là dân chúng tin tưởng và sùng kính đến như vậy.
(Rất tiếc là đã 27 năm trôi qua và trí nhớ thời tao loạn đã mai một khá nhiều nên tôi không còn nhớ được nội dung của Sắc phong cũng như đầy đủ chi tiết của đám rước và buổi lễ)
Ghi chú: Theo lệ thì người sống lạy 2 lạy, lạy bàn thờ Ông Bà thì 4 lạy, còn 5 lạy là dành cho Vua.
LỜI KẾT:
Trong niềm Tưởng Tết Vọng Xuân nơi vùng đất mới, người viết xin đốt nén hương lòng vọng về quê Mẹ thân yêu, xin nhắn gởi, xin chia xẻ niềm thương, nỗi nhớ, lòng xót xa đến đàn con Việt đang lạc loài khắp bốn bể năm châu:
...Rằng bên kia xa tắp của Thái Bình Dương, chúng ta con rất nhiều -nhiều lắm- những đồng bào ruột thịt đã 24 năm rồi chưa có trọn vẹn lấy một MÙA XUÂN. Và rằng cho dù cuộc sống ở vùng đất mới này cóa đầy đủ, có sung sướng, có giàu sang mấy đi nữa thì Mẹ nghèo khổ Việt Nam ruột thịt vẫn mãi mãi trong lòng chúng ta...
NGUYỄN VĂN QUẢNG NGÃI
(Trích Đặc San QUẢNG NGÃI Xuân Kỷ Mão -1999 Hội Đồng Hương và Thân Hữu Quảng Ngãi Nam Cali)