Một Huyền Thoại Về Núi Xương-Rồng thuộc Quận Đức-Phổ, tỉnh Quảng-Ngãi.
VỌNG CỐ HƯƠNG
...Quê hương xa lắc xa lơ
Những khu vườn cũ bây giờ ra sao?
Núi Xương Rồng vẫn còn cao?
Sông Trà Câu vẫn xanh màu thời gian?
Khi chim tu hú gọi đàn
Ve sầu rừng cũ vẫn ran giọng buồn?
Hàng me vẫn đứng ven đường?
Bờ tre ven suối vẫn vương nắng chiều?
Bến xưa đá vẫn xanh rêu?
Miếu Ông Dè chắc vẫn nhiều linh thiêng?
Ai về xóm nhỏ Bình Yên
Nhịp cầu Mương Xỗ lòng riêng đợi chờ
Đồi Dang đá vẫn trơ trơ?
Đập Mồ Côi chắc bơ vơ đời đời?
Trải bao vật đổi, sao dời
Liên Trì Dục Nguyệt vẫn ngời hương thơm?
Mẹ đi Chợ Chiểu chiều hôm
Nhớ mua bánh tráng kẻo con trông chờ...
Mùa hè năm 1986, từ trại tị nạn Galang, Nam Dương, tôi đến định cư tại thành phố Oklahoma, thủ phủ của Tiểu bang Oklahoma. Thuở đó Việt Nam còn nghìn trùng xa cách, vời vợi mịt mờ bên kia Thái Bình Dương. Trong cái tâm trạng cô đơn thương nhớ xót xa của một người mới đến vùng đất mới, tôi đã viết bài thơ Vọng Cố Hương trên đây gởi về nơi chôn nhau cắt rốn của mình: Xóm Bình Yên, thôn Bình Mỹ, xã Phổ Long (Phổ Thuận), quận Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Làm sao chúng ta có thể nói và viết cho hết được về nơi mình đã sinh ra và lớn lên trong khuôn khổ một bài thơ, một bài báo hay cả trong một khảo luận trường thiên?
Nói về xã Phổ Long (Phổ Thuận), quận Đức Phổ có ba điều không thể bỏ qua:
1. Chợ Liên Chiểu: Chợ nhóm vào buổi chiều tại thôn Kim Giao và là nơi thuở xưa buôn bán rất sầm uất. Dân từ xã Phổ Hưng (Phổ Văn), Phổ Lợi (Phổ An), Phổ Bình (Phổ Ninh), Phổ Xuân (Phổ Quang), Phổ Tân (Phổ Minh), Phổ Phước (Phổ Nhơn), Phổ Nghĩa (Phổ Phong) và Thạch Trụ (quận Mộ Đức) v.v... thường đến mua, bán tại chợ Liên Chiểu.
Chợ Liên Chiểu là nơi tiêu thụ rất nhiều hải sản (cá, cua, tôm, mực v.v...) từ hai cửa biển Mỹ Á và Sa Huỳnh chở đến và lâm sản (trầu, mật ong, trái cây v.v...) từ các quận miền Thượng - nhiều nhất là quận Ba Tơ - chở đến. Đặc biệt tại chợ Liên Chiểu có loại bánh tráng nướng tại chỗ mặn mà, tròn, to, thơm mà những bà mẹ đều mua làm quà cho các con.
2. Liên Trì Dục Nguyệt:
Hồ sen nầy tại thôn Mỹ Thuận là một trong mười thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi đã được nhà thơ Nguyễn Cư Trinh (Tuần Vũ Quảng Ngãi) vịnh trong tập thơ Nôm Sãi Vãi năm 1750. Thuở xưa hồ sen nầy rộng hơn 10 mẫu và mỗi chiều khi mặt trời khuất sau núi Xương Rồng (cách hồ sen độ 2 km về hướng Tây) thì bóng của ngọn núi đổ dài đến tận hồ sen. Vào những đêm trăng sáng cảnh hồ sen mờ ảo, huyền diễm, thơ mộng với nhiều vầng trăng phản chiếu lung linh dưới đáy hồ hoặc trên những giọt nước đọng ở các lá sen, cánh sen nên gọi là Liên Trì Dục Nguyệt.
3. Núi Xương Rồng: Nằm giáp ranh giữa xã Phổ Long (Phổ Thuận) gồm các thôn Thanh Điền, Bình Mỹ, xã Phổ Nghĩa (Phổ Phong) gồm các thôn Vĩnh Xuân, Hùng Nghĩa, Vạn Lý, Tân Phong và một đoạn của sông Trà Câu. Đứng trên đỉnh núi bạn sẽ tha hồ ngắm cảnh bốn phương và những hôm đẹp trời, về phương Đông, sẽ thấy rõ một dọc biển dài xanh thăm thẳm. Cảnh đẹp, khoáng đãng có núi, có sông và xa xa có biển tưởng như khí thiêng của Đất Trời đang giao hòa kết tụ nên các Thầy Địa đã chọn huyệt mả cho nhiều người tại vùng nầy.
MỘT HUYỀN THOẠI VỀ NÚI XƯƠNG RỒNG
Tên núi Xương Rồng gợi cho nhiều người nghĩ rằng chắc là tại núi có nhiều cây Xương Rồng? Sự thực thì tại núi cây xương rồng cũng như các loại cây khác chứ không có nhiều và Xương Rồng chính là xương của con Rồng.
Huyền thoại được kể rằng:
Ngày xưa, xa lắc xa lơ về xưa, núi nầy rất cao, cao tuốt tới cửa nhà Trời, và có rất nhiều cây lớn gỗ rất quí. (Những hàng cột mỗi cây to hơn vòng tay một người ôm ở đình sáu xã tại chợ Liên Chiểu là gỗ lấy từ núi nầy). Thuở đó dân tại các xóm dưới chân núi thường leo núi lên xin lửa tại bếp của nhà Trời. Sau vì có người, do lòng tham, đã ăn cắp đôi đũa bếp bằng vàng của nhà Trời nên Trời giận ra lệnh đóng cửa không cho lên xuống nữa. Có một con Rồng rất to nằm khoanh tại đỉnh núi.
Nhiều hôm Rồng duỗi mình đuôi dài đến tận Núi Vàng ở phía dưới quận lỵ ngày nay. Về sau trong chủ trương tìm long, yểm huyệt vì sợ Việt Nam có minh quân, dũng tướng nổi lên chống lại sự thống trị phương Bắc nên Tàu cho Cao Biền qua dùng gươm chặt ngang đỉnh núi những mong con Rồng sẽ bay về Tàu nào ngờ gươm chém vào thân Rồng nên Rồng chết và còn lại bộ xương. Vì vậy núi có tên là núi Xương Rồng. Từ đó những cây to, gỗ quí tại núi chết dần, núi từ từ bị xoi thấp và về sau núi chỉ còn toàn những cây nhỏ, hoa dại, sạn, sỏi khô cằn. Vào mùa hè, những con suối từ chân đập Mồ Côi đến núi Vàng nước cạn, màu vàng loang đỏ nên người ta cho là máu Rồng còn rỉ ra.
LỜI KẾT
Có rất nhiều những huyền thoại, truyền kỳ, giai thoại, liên quan đến tên gọi, nguồn gốc, lịch sử, truyền thống v.v... của từng địa phương tại Việt Nam để nhắc nhở cho các lớp con, đàn cháu luôn luôn hãnh diện về địa cuộc, về quá khứ anh dũng của nơi chốn nhau cắt rốn và từ đó luôn luôn thương yêu quê cha, đất tổ của mình.
Trong cuộc đời tha hương lưu lạc khắp nơi, nhiều lúc - gạt bỏ bên lề những bận rộn của cuộc sống - rất nhiều người trong chúng ta đã nhớ về những kỷ niệm thân yêu của nơi chôn nhau cắt rún với bến đò, cây đa, ngôi miếu, đoạn sông, con suối, ngọn đồi v.v. tại các làng quê hoặc những con đường, khu phố, công viên v.v. ở thành thị rồi ôn lại những giai thoại đã được các Cụ ngày xưa truyền kể (dù có bị thêm bớt rất nhiều theo dòng thời gian) mà nghe lòng bùi ngùi xót xa...
NGUYỄN VĂN QUẢNG NGÃI
Ghi chú bên lề:
@ Trong thời gian chiến tranh Sư Đoàn Americal của Hoa Kỳ có bản doanh tại Chu Lai và Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 3 của Lữ Đoàn 11 thuộc Sư Đoàn nầy đóng tại núi Vàng bên cạnh quận lỵ Đức Phổ. Núi Xương Rồng là một trong những căn cứ đổ quân của Tiểu đoàn 3. Năm 1968 cựu Đại Tướng Collin Powell (hiện là Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ) là Thiếu Tá Sĩ Quan điều hành (Executive Officer) của Tiểu đoàn 3. Trong tập hồi ký My American Journey, ở chương sáu: Trở lại Việt Nam (Back to Việt Nam), ông ta đã viết nhiều về Đức Phổ cũng như về căn cứ Rồng - Dragon.
Tưởng cũng nên ghi thêm là sau thời gian ở Đức Phổ, Thiếu Tá Collin Powell được Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn chọn về làm Trưởng phòng 3 của Sư Đoàn trong danh sách nhiều Trung Tá được đề nghị và ông trở nên vị Thiếu tá duy nhất trong chiến tranh Việt Nam giữ chức vụ Trưởng phòng 3, chức vụ quan trọng nhất của một Sư Đoàn thời chiến tranh. Việc lựa chọn nầy và những thành công của ông tại Americal Division đã là cửa ngõ dẫn đến đời binh nghiệp vẻ vang, sáng chói của ông ta về sau.