PHỐ CHIỀU
Nhạc: Thủy Lâm Synh
Ca sĩ: Khánh Duy.
Bấy giờ là cuối thập niên 80, Việt Nam có khuynh hướng đổi mới để duy trì chế độ vì chính biến đã xảy ra dồn dập tại các nước Đông Âu. Những bản tin về sự ưu đãi Việt kiều của chính phủ Việt Nam đã nảy sinh ra cái quyết định về thăm quê một lần của Quảng. Những Việt kiều “phản quốc” nay trở thành “khúc ruột ngàn dặm” nên không bị làm khó dễ gì cả. Tuy nhiên, mỗi khi phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, hoặc Nội Bài đều có chiếc xe jeep và bốn viên công an bồng súng chạy lên cầu thang làm Việt kiều hồi hương cũng dễ trở thành hồi hộp.
Vừa rời phi cảng Tân Sơn Nhất, với vỏn vẹn cái xách tay, Quảng lên xe taxi về thẳng khu chợ Tân Bình. Hắn xuống ngay đầu chợ, bước thoăn thoắt dưới ánh nắng chói chang của Saigon tháng Bảy. Quảng đi sâu vào con hẻm quen thuộc của mười năm xưa. Mặt đường tráng nhựa đã không còn nguyên vẹn với thời gian. Đó là con hẻm Duy Tân nằm đối diện với hồ bơi Nguyễn Văn Thoại. Quảng đang ngơ ngác với cái địa chỉ tróc sơn thì tiếng người đàn bà vọng ra dội vào tai chàng:
- Nga! Dậy đi chớ mày, trưa trờ trưa trật rồi đó.
Vừa nói người đàn bà vừa ra cửa thì thấy Quảng đang đứng tần ngần, bà vồn vã:
- Thầy! Thầy tìm ai đó, con Nga phải không? Đợi một chút tôi bảo nó ra gặp thầy, ngồi đây đi.
Người đàn bà ấn vai Quảng ngồi xuống chiếc ghế kê bên cạnh cửa ra vào. Quảng chưa đoán được sự tử tế vô lý thì bà ta trở ra với ly nước trà nóng. Bà ân cần:
- Mời thầy dùng ly trà.
Rồi lại nói một mình, khi Quảng còn ngơ ngác nhìn chung quanh.
- Trời nóng nực quá chừng, hai ba ngày nay không có lấy một chút gió.
- Thưa bác! Con không khát ạ.
Quảng chống chế vì thấy ly trà bốc khói sẽ khiến chàng toát mồ hôi.
- Uống đi, ở đây trà thiệt đó!
Quảng cũng đùa:
- Thế có vụ trà giả sao bác?
- Thì thời buổi khó khăn có trăm ngàn thứ lá cây có thể ra màu như trà mà thầy.
Quảng miễn cưỡng đưa ly trà lên miệng. Không nghe mùi trà Tàu cũng chẳng mùi chè Huế tươi mà chỉ nghe mùi nước hoa sót lại từ tay bà. Nhìn kỹ bà ta trạc năm mươi, có trang điểm một chút phấn son, nhưng không sao che đậy được nhiều nếp nhăn bên hai khóe mắt.
Quảng hỏi:
- Thưa bác, đây có phải số nhà 845/3 không?
- Đúng rồi, đây là 845/3, thầy tìm ngay chóc. Tụi nó đứa nào cũng dễ thương, mới dưới quê lên không hà. Thầy quen đứa nào hay là đến chơi lần đầu?
Quảng chưa kịp nói lời nào thì bà ta quay vào trong:
- Nga ơi! Ra má bảo đây. Thầy hai tìm con đây nè.
Sau tiếng dạ, cô gái tên Nga từ nhà sau đi ra gật đầu chào Quảng rồi đứng sát bên cánh cửa làm như thẹn thùng. Quảng nhìn, người con gái có nước da trắng, không thấy trang điểm gì nhưng dễ nhìn lắm, đôi mắt sâu, hơi gầy một tí, ngực bự, mông lép, các nhà tướng số cho rằng đó là những người đầu óc đơn giản. Bỗng chàng tự thấy xấu hổ nhủ thầm:
- Mình đâu có mua heo giống mà lựa nái nhỉ.
Chàng không muốn kéo dài thời gian vì sớm hiểu ra đây có thể là chỗ làm ăn. Quảng đứng dậy hỏi qua lời phân trần.
- Thưa bác và cô! Tôi từ nước ngoài về, tôi muốn tìm người chú họ trước ở đây. Tôi không có ý đến đây...
Người đàn bà níu kéo:
- Thì ngồi đây nghỉ chân chút đã, rồi chúng tôi tìm cho. Sài gòn tuy đông nhưng biết thì cũng dễ!
Quảng chợp lấy cơ hội:
- Vậy bác có biết người chủ của căn nhà nầy không?
Đôi mắt người đàn bà vụt sáng lên
- Người chú thầy tên gì? Thầy nói thử chúng tôi có biết không.
- Ông ấy tên Giáo, Trần Văn Giáo.
Người đàn bà và cô gái nét mặt sa sầm.
- Thầy đừng buồn, chúng tôi không biết nhiều về ông ấy. Nhưng nghe người ta kể lại rằng hồi trước ông ấy ở nhà nầy. Vì làm việc cho chế độ cũ nên ông ta bị chính quyền lấy nhà làm hội quán thương phế binh phường, chỉ nhường lại một phần sau chái để ông tá túc. Nhưng buồn lòng ông đi lang thang, nói năng lung tung. Bị đãng trí phải vào nhà thương điên. Sau đó nghe tin ông ta chết, mà cách nay cũng lâu lắm rồi.
Quảng thoáng ngậm ngùi, chàng từ giã người đàn bà và cô gái. Chàng cũng không buồn hỏi thêm vì lẽ gì sau đó ngôi nhà này thuộc về người khác.
Trở lại ra Nguyễn Văn Thoại. Hình ảnh người chú họ hiện về rất rõ trong trí, hình ảnh căn gác; cái bàn học, giường nằm, những bức hình trong phòng ập đến như mới hôm qua. Hình ảnh ngôi nhà hư hao lem luốt, đổi chủ và hình ảnh một tú bà, một cô gái điếm lờn vờn trong trí. Tiếng xe gắn máy rà sát làm Quảng quay về thực tại.
- Đi không?
Quảng ngoái cổ:
- Không!
Người chạy xe ôm rà theo làm Quảng đâm sợ. Tay nắm chặt hơn vào dây của chiếc túi vốn đã rất chặt. Trên đường vẫn đông người, chàng lặng lẽ bước theo những người đi cùng chiều trên vỉa hè. Quảng nghe rõ tiếng máy nổ của người lái xe ôm vẫn rà theo phía lề đường. Bỗng tiếng máy xe nổ lớn, người xe ôm phóng tới trước rồi ngừng, quay đầu xe lại, thả một chân chống đất đứng nhìn Quảng chăm chăm. Người đó tiếp tục nhìn Quảng khiến chàng muốn nhảy lên taxi đi tìm một khách sạn. Nhưng không còn kịp nữa rồi, người lái xe ôm tiến gần Quảng trong khi chàng đang lúng túng sợ sệt. Hắn hỏi:
- Anh về đâu tôi chỉ đường cho?
Giọng nói quen Quảng quay lại. Họ nhìn nhau, người xe ôm hỏi:
- Đ.M.! Mày... Quảng phải không?
- Thằng Hương! mày đó hả, sao lại ở đây?
Hai thằng bạn thân gặp ở Sài gòn, rõ ràng tha hương ngộ cố tri. Họ ôm chầm nhau mừng rỡ.
- Mầy làm gì ở đây? Quảng hỏi:
- Chuyện dài lắm, tao kể mày nghe sau. Còn mày về hồi nào?
- Tao mới xuống máy bay đây thôi.
Nỗi mừng tương ngộ kéo dài trong tâm của đôi bạn. Hương nói:
- Tao có ngờ đâu mày lại về thăm quê.
- Tao cũng không ngờ lại gặp mày nơi đây. Nha Trang bây giờ ra sao mày?
- Lâu lắm tao đâu có dịp về Nha Trang mà hỏi!
- Không biết nhỏ Phượng bây giờ ra sao?
- Phượng móm hay Phượng chữ bát.
- Phượng chữ bát chứ Phượng móm hồi tao đi nó đã lấy chồng rồi còn gì.
- Phượng chữ bát nghe nói cũng con cái đầy đàn rồi mày ơi.
- Nhờ tướng đi vịt mái mà con nhỏ tốt giống nhỉ.
- Hình như có đứa là con của mày phải không?
- Tầm bậy.
- Ừ mày hiền như bụt ma.
- Tao không chối, nhưng mỗi lần hè tao về Nha Trang đều có thằng anh trời đánh của nó canh như cai ngục đâu có làm ăn gì được.
Hương hỏi:
- Bây giờ mày đi đâu?
- Tao chưa biết đi đâu, tạo định lang thang để xem cái thay đổi của Saigon.
- Đi đâu thì đi, bây giờ tao đưa mày ra Bảy Hiền ăn thịt chó nghe, thằng cha Bắc Kỳ làm hết sẩy, cam đoan ba ngày xỉa ra còn thơm.
- Tao kiêng thịt cầy mày. Tao tu mà.
- Mày tu đạo ù ù phải không?
Quảng cười:
- Kiếm gì khác đi, tao không ăn thịt chó đâu, nói thật đó.
- Mày ăn phở sa-té được không? Đi vào Khổng Tử ăn.
- Thằng quỷ này ở đây bao lâu rồi mà sành dzậy! Sa-té tao khoái lắm.
Hai người ngồi trên xe gắn máy. Khi nói, Quảng phải đưa miệng tới tai của Hương vì tiếng máy xe nổ lớn quá. Chẳng bao lâu đã tới quán phở. Trong quán phở đông nghẹt khách, phần lớn các cô cậu choai choai. Trong lúc ăn, Hương cho biết đang ở nhờ nhà người quen không tiện đưa bạn về. Ăn xong, Quảng nhờ Hương tìm một khách sạn. Hương đưa ngay về Thanh Bình 1 đối diện chợ Tân Bình, hẹn tối gặp.
Buổi tối Saigon lên đèn thật trễ. Những gánh hàng rong còn quảy theo chiếc đèn dầu leo lét. Họ đặt gánh xuống những nơi thiếu ánh sáng trong các ngõ hẻm. Ngoài đường chính phố xá vẫn tấp nập ồn ào. Saigon lúc nào cũng thế. Người dân xem ra vẫn lè phè hoặc không muốn biết những gì xảy ra chung quanh. Tiếng nhạc từ các hộp đêm thỉnh thoảng dội ra ngoài khi có người mở cửa.
Quảng vẫn lang thang một mình cho bỏ công thương nhớ Saigon. Đã mười năm rồi còn gì. Quảng nhớ mẹ cha thì ít mà nhớ người yêu thì nhiều hơn. Chính những kỷ niệm yêu đó mà chàng quyết định trở về một lần. Nỗi ước ao gặp lại người xưa làm lòng chàng xao xuyến. Chàng đi lần xuống Nguyễn Huệ cao ốc Kỷ Thương Ngân Hàng tiêu điều vì trận hỏa hoạn cách đó vài ngày. Mùi cháy khét còn hắt vào mũi khó chịu. Tuy vậy bên kia đường tiếng nhạc vẫn inh tai, giới trẻ Saigon vẫn ăn chơi nhảy nhót. Các trung tâm phục vụ ngoại kiều càng ồn ào hơn. Chàng nghe rất rõ các điệu New Wave - Rock và cả bản nhạc “Người ở lại Charlie nữa” mới vui. Quảng thấy dễ chịu vì cái không khí đó, ít nhất trong lúc này.
Ở đây có những nghịch lý vui vui. Người vượt biên khi bị bắt thì cầm tù, mà vượt biên thành công về thăm quê thì hoan nghênh, còn phục vụ tử tế nữa là khác. Ở đây danh từ “nhân dân” trọng lắm, cái gì cũng nhân dân như: quân đội nhân dân, nghệ sĩ nhân dân và đến người viết kịch cũng được gọi là soạn giả nhân dân. Chỉ có ngân hàng thì được gọi là ngân hàng nhà nước.
Quảng đi tìm Bích Đào nhưng con hẻm nằm tuốt dưới Dakao tối om thành chàng quay về khách sạn. Về vừa tới thì Hương đã đứng chờ. Quảng hỏi:
- Mày đợi lâu chưa?
- Chừng nửa tiếng.
- Mãi lang thang tao quên khuấy đi mất.
- Sao, có tin người đẹp không?
- Ở đó cúp điện tối om, tao không vào hẻm.
- Ngày mai tao chở mày đi. Bây giờ ra bến Bạch Đằng chơi. Ngoài ấy gió mát, mình nhậu một chầu.
- Mày không chạy xe nữa sao?
- Cả ngày rồi, phải đi chơi với mày một chút chớ.
- Mày cứ để tao làm khách, tao bao xe mày đến khuya.
Cả hai cười. Ra tới bến Bạch Đằng giờ nầy vẫn náo nhiệt, hai người tìm đến chiếc bàn trống có hai ghế ngồi xuống. Quảng kêu dĩa sò huyết và hai chai bia. Gần bàn họ ngồi là một người đàn ông đứng tuổi, gầy guộc. Ngồi đối diện với người đàn ông là một cô gái có mái tóc ngang lưng, chỉ nhìn được có thế. Người đàn ông lấy tay xoay xoay ly nước rồi lên tiếng rất nhỏ nhưng nhờ dưới gió nên từ bàn bọn Quảng có thể nghe được:
- Em nghĩ coi. Nghề giáo bây giờ bạc bẽo lắm. Thầy đạp xích lô mà không dám đón khách gần trường, sợ học trò trông thấy.
Người con gái thông cảm:
- Quy chế giáo viên nghe nói hơi tệ phải không thầy?
- Không phải hơi mà quá tệ. Nhiều cô sau buổi dạy phải lật đật về nhà nấu chè, nấu xôi bắp gánh đi bán dạo. Thậm chí có người đi mua đồ nhuôm, đồ đồng cũ để cuối tuần đi bán hoặc đi nhặt cả giấy báo cũ, túi nhựa thật tội nghiệp. Họ là những người có kiến thức, nhưng phải tập quên đi thể diện mới mong sống còn. Họ ít muốn gặp ai, cũng không muốn ai gặp họ, đặc biệt là sợ gặp phụ huynh học sinh.
Người con gái hỏi:
- Vậy làm sao mà sống hở thầy?
- Nên thầy phải đạp xích lô.
Người con gái nhìn thẳng vào mắt người đàn ông.
- Nhưng em thấy các nghề ấy vẫn còn lương thiện.
- Không chụp giựt cũng không có khách.
- Vẫn còn hơn.
- Hơn gì?
Người con gái cúi mặt, thoáng buồn.
- Thầy thử đoán em đang làm gì để sống.
- Chịu thôi!
- Em đang làm đĩ !
Người đàn ông trố mắt, vừa giơ tay định cho cô học trò cái bạt tai, nhưng vội ngưng... hối hận.
- Thầy vô lý quá. Em đã nghỉ học, em không còn là học trò của thầy, mà ví như...
- Thầy khinh em lắm phải không?
Người đàn ông giọng thành khẩn:
- Không. Không đâu Ngân. Thầy không có quyền đó. Thầy nghĩ lại và thương Ngân nhiều hơn.
- Vì lẽ gì thầy Vượng? Cô gái tên Ngân hỏi:
Người đàn ông được nghe là thầy Vượng ấp úng.
- Vì hoàn cảnh Ngân.
- Thầy thương hại em?
- Thầy không biết nói sao cho em hiểu. Bảo thương hại thì không đúng lắm, mà thương thật sự thì nào phải lúc.
- Có phải từ ngày cô mất thầy có đến tìm em mấy lần?
- Đến để xin lỗi em.
- Lỗi gì?
- Thì mẫu giấy mà em đã gởi cho thầy khi nạp bài, và trong lúc ấy thầy đã lỡ tát em.
- Chẳng thà có cái tát đau điếng ấy em mới quên được thầy, lúc ấy em hận thầy.
- Bây giờ thầy đền cho em.
- Quá muộn rồi thầy ạ! Thân em giờ đây nhơ bợn lắm.
- Với thầy, em vẫn như viên ngọc long lanh.
Người con gái phá lên cười:
- Trời ơi! Dạy toán mà thầy cũng có máu cải lương như ông Kiên Giang vậy.
- Thầy nói thật lòng, em vẫn còn trẻ và đẹp, nếu em có một phương tiện khác để sống, em sẽ có tương lai sáng sủa.
- Sau khi nghỉ học, em về quê ba năm. Ba năm sống bên cha mẹ chỉ làm tăng thêm miệng ăn cho gia đình mà thôi. Dưới quê, em không có việc gì để làm, hay nói đúng hơn em sợ đĩa nên không thích làm ruộng. Sau đó, em phải dối với gia đình là lên Sài gòn làm công nhân viên cho nhà nước. Em sợ gặp người quen nên phải ở tuốt trên Phú Nhuận. Em có thấy thầy chạy xe mấy lần ngang chợ Hòa Hưng. Em định gọi nhưng lại sợ thầy ngại nên thôi, nói cho đúng em cũng không dám gặp thầy.
- Vậy hôm nay sao em lại đón xe thầy?
- Em muốn thăm và tâm sự với thầy lần cuối cùng.
- Tại sao là lần cuối cùng?
- Em đã đồng ý làm vợ lão Ba Tàu. Lão ấy sẽ đi Mỹ vì mua được một đứa con lai.
- Vậy bao giờ em đi?
- Hai tuần nữa.
Người thầy giáo thoáng buồn, làm như ông vừa đánh rơi một vật gì quí lắm. Ông nói trong xúc động.
- Chúc em đi bình an.
- Cô gái đưa bàn tay trắng nắm lấy bàn tay người đàn ông đang để trên bàn:
- Em vẫn nhớ thầy mãi mãi, em sẽ viết thư cho thầy.
Hai người đứng dậy đi ngang qua chỗ Hương và Quảng. Quảng nhận ra ngay cô gái đó chàng gặp ở hẻm Duy Tân có cái tên đẹp là Nga. Quảng nghĩ thầm “Rõ ràng thế giới này nhỏ thật”. Hoặc cũng có thể Ngân là chị của Nga, sao giống thế kia?
Đêm ấy Hương ở lại chơi với Quảng. Bao nhiêu năm cách biệt hai người tâm sự sáng đêm. Sáng hôm sau, sau khi đi ăn sáng, Hương chở Quảng đi tìm nhà Bích Đào. Gặp cơn mưa đêm qua con hẻm trở nên nhớp nhúa, rác rưới trôi đầy các lỗ cống. Hương chở Quảng vào tận ngõ. Quảng bước vào căn nhà cũ. Dù có phần thay đổi phía trước song chàng vẫn nhận ra đó là nhà Bích Đào. Tim chàng rộn ràng, hi vọng cứ tuôn về cuồn cuộn. Nhất định Bích Đào sẽ ngạc nhiên rơi nước mắt, nàng sẽ ôm chàng trong vòng tay ấm áp, vai chàng sẽ ướt vì nước mắt của nàng. Quảng đưa tay gõ cửa. Một bà cụ trạc 60 tuổi ra mở cửa.
- Thưa cụ! Cháu muốn tìm Bích Đào.
Bà cụ thoáng ngơ ngác.
- Bích Đào! Ồ chờ một chút.
Rồi bà cụ quay vào gọi.
- Đào ơi! Đào à, có người cần gặp mày.
Quảng mừng run lên, nhưng nỗi mừng phụt tắt.

Sau tiếng dạ, cô bé khoảng 15, 16 tuổi chạy ra, thấy người lạ nên lúng túng.
- Chú tìm ai?
- Ồ, xin lỗi bé. Bé có biết người con gái tên Bích Đào ở đây không?
- Chú có phải Trần Quảng ở Mỹ về không?
- Đúng rồi, Bích Đào nói với bé chớ gì?
Cô gái xịu mặt:
- Đâu có. Tại chú cứ gởi thư về đây cho cô Bích Đào nào đó hoài mà cháu có biết ai mà đưa. Cháu định giữ đây thế nào cũng có người tới hỏi. Nhưng có thấy ai đâu, từ khi mướn nhà nầy đã bốn năm năm rồi.
- Vậy thư tôi còn không?
- Cháu cất trong phòng.
Vừa nói cô bé chạy vô trong phòng ôm một mớ thư ra đưa cho Quảng. Quảng thất vọng buông tiếng thở dài, chàng định bước đi nhưng vẫn còn thắc mắc.
- Sao hồi nãy cụ bà gọi Đào bé lại dạ.
- Cháu cũng tên Đào, nhưng không có Bích.
Quảng móc bóp lấy ra 20 đồng đô giúi vào tay cô bé, nó giẫy nẩy từ chối.
Hương thêm vào:
- Cầm ăn quà đi bé!
Cô bé ngoan ngoãn nhận tiền, thật ra cô không dám nhận số tiền quá lớn vì thấy đã không làm được gì.
- Thôi tạm biệt nghe bé, chào cụ.
Hai người trở ra đường lớn, nhờ cơn mưa đêm qua nên trời trong và mát, vài giọt nước còn vương trên những tàng cây rớt xuống. Quảng đang suy nghĩ về Bích Đào, chàng cảm thấy câu hỏi nhiều hơn câu trả lời. Hương buột miệng:
- Có lẽ nhà đã đổi chủ nhiều lần cho nên khó mà tìm được.
Quảng chép miệng:
- Không còn tông tích đâu mà tìm. Chắc ngày mai tao về Nha Trang thăm ông bà già rồi dzọt.
Về lại khách sạn, Quảng gieo mình xuống giường, thả thòng hai chân xuống đất. Chàng không buồn cởi giày. Đầu óc Quảng nghĩ ngợi lung tung. Ghé Saigon tìm có hai người thân đều không gặp. Người chú mãn phần đã đành nhưng còn Bích Đào nơi đâu. Chàng gọi thầm tên người yêu trong tuyệt vọng. “Bích Đào! Em có biết rằng bên kia đại dương bát ngát anh mơ về em, anh quên tất cả đời sống vật chất để trung thành với em. Anh phủ nhận cám dỗ nhục dục để gói ghém tình thương cho em, cho một người con gái anh hết lòng yêu thương. Anh đã về đây và em hiện giờ ở đâu, anh nhớ em kinh khủng. Ngày về anh cứ tưởng Saigon bé nhỏ, anh sẽ tìm được em dễ dàng để chúng ta nối lại tình mình sau bao năm trời cách biệt. Cái dây chuyền có tượng Phật em trao cho anh, anh luôn giữ bên mình. Nó là hình ảnh của em. Anh mân mê nó những đêm dài cô quạnh, anh nhìn nó để nhớ đến em, tình anh là thế, lòng anh là thế và em nơi đâu có hiểu cho anh”.
Quảng úp mặt xuống gối, chàng không khóc nhưng nước mắt bỗng dưng chan hòa. Một đêm thật dài chàng không ngủ được. Bức màn đêm vén lên, sinh hoạt bên ngoài lại ồn ào. Đứng trên lầu ba khách sạn Thanh Bình nhìn xuống đường Lý Thường Kiệt, xe gắn máy và xe đạp như mắc cửi. Quảng uể oải nằm lại xuống giường nhắm mắt. Bỗng chàng ngồi phắt dậy, phóng vô nhà cầu, mở nước tắm. Nước nóng làm chàng hết mệt mỏi. Chàng bước xuống đường kêu taxi chạy về hướng Dakao lần nữa. Vào con hẻm nhà Bích Đào, Quảng đi đi lại lại, chàng nhìn vào trong thấy bà cụ hôm qua cầm chổi quét nhà. Cô bé hôm qua ngồi xếp những tờ báo cũ, cạnh đấy chú mèo đen nằm tiu nghỉu, buồn vời vợi như lòng Quảng hôm nay. Quảng định vào nhà, nhưng như cái máy, chàng lấy taxi trở về khách sạn thu dọn đồ đạt để về Nha Trang ngay. Quảng định bụng khi trở lại Saigon chàng sẽ cố gắng tìm Bích Đào, chàng không thể không tìm nàng. Quảng bỏ vội quần áo vào xách tay rồi kêu xe ra xa cảng miền Trung. Quãng đường 400 cây số không xa, nhưng đường ổ gà loan lỗ, xe phải lựa chỗ êm để chạy. Ngồi trên xe đò chật ních người buôn bán. Quảng nghĩ ngợi lung tung không để ý mọi người.

Nha-Trang
Chuyến xe đò về tới Nha Trang thì đã xế chiều. Bụi đường đầy áo, ánh nắng chiều cuối mùa Hè vẫn còn hừng hực như lửa. Xe ngừng tại bến, Quảng đi xích lô về nhà, ngồi xích lô lòng Quảng tràn ngập niềm vui vì chỉ vài phút nữa chàng sẽ gặp lại cha mẹ, anh hai và cô em gái. Quảng bảo xe ngừng xa xa, chàng đi bộ vài chục thước cho giãn chân. Những đứa trẻ nhìn chàng xa lạ. Một người hàng xóm trọng tuổi nhìn thấy cất tiếng:
- Đứa nào như thằng Quảng phải không bay?
- Cháu đây bác Chín, cháu mới về. Bác khỏe không?
- Cũng thường cháu ạ! Mầy về hồi nào?
- Mới về tới nơi đó bác.
- Thôi về đi cho anh chị Sáu mừng. Cả chục năm rồi còn gì, chà coi bộ khỏe mạnh gớm bay.
- Dạ lâu ghê phải không bác. Con đến thăm bác sau, chào bác.
Mấy đứa nhỏ đầu ngõ nghe thế liền lấn nhau chạy rất nhanh về báo với ông bà Sáu. Đứa nào cũng bảo nó thấy chú Quảng trước, khiến mẹ Quảng phải can: “hai đứa thấy một lượt”. Cũng có đứa chỉ tháp tùng Quảng một đoạn vào nhà. Ông bà Sáu lật đật chạy ra đón con. Ông Sáu trong bộ đồ pijama, ống quần cái cao cái thấp. Bà Sáu tay xách đảy trầu mắt rưng rưng, miệng bà méo xẹo rồi òa lên khóc khi Quảng vừa bước chân vào sân. Bà nói không thành lời:
- Mày về sao không cho tao với cha mày hay?
Ông Sáu chen vào khi Quảng chưa kịp trả lời me.
- Thôi bà khóc cái gì, con nó về thăm là mừng rồi.
Quảng cảm động:
- Cha mẹ, anh Hai và em Hạt khỏe không?
Bà Sáu bớt sụt sùi:
- Con Hạt có chồng rồi, để cho người kêu nó về thăm mầy. Còn thằng Trung cũng đã có vợ, chị hai mầy người “lục tỉnh”. Nhà hai đứa nó ở gần cầu Hà Ra. Thong thả cho đứa nào đạp xe lên kêu anh chị hai mầy về chơi.
Quảng ngồi xuống đi-văng, ông bà Sáu hỏi đủ chuyện. Quảng cũng chẳng nhớ gì để nói, chỉ trả lời theo từng câu hỏi. Ông Sáu ngừng một giây rồi tiếp:
- Mầy ăn bánh mì hoài ngán không? Mầy lái xe điện đi làm hả? Ở gì tới tầng 25 dữ mầy. Con Lài lấy Mỹ đen nó về tháng trước, nó bảo nó chạy xe điện vù vù nghe đã quá mầy.
- Bên đó ai cũng đi xe hơi, như bên mình đi xe đạp vậy mà.
Bà Sáu chen vào:
- Ai nấu cho mầy ăn? Có cưới vợ thì kiếm người Việt mình, đừng cưới đầm nó nói xí lô xí là tao với cha mầy có biết trời trăng gì đâu mà rờ. À, cái con nhỏ mà hồi mầy ở Sài Gòn quen đó nó có đi Mỹ không? Sao không dẫn nó về luôn.
- Con đi có một mình thôi mẹ ơi! Vượt biên chỉ mặc có bộ đồ, ở đó mà đem theo người. Cô ấy còn ở Sài Gòn, khi về con tìm nhưng chưa gặp.
- Ờ, làm giấy dẫn nó đi để nó nấu cơm cho mày ăn.
- Cưới vợ đâu phải nấu cơm đâu bà.
Nãy giờ làm thinh ông Sáu mới xen vào một câu bị bà Sáu nguýt dài.
- Ông già không nên nết, chớ làm gì nữa.
- Nếu không làm gì sao có thằng Trung, thằng Quảng, con Hạt?
Bà Sáu lườm chồng rồi tìm cái vỏ đạn nhổ miếng nước trầu. Ông Sáu nghe chó sủa nhìn ra sân.
- Ủa thằng Trung. Sao mày biết em mầy về.
- Nghe mấy đứa đi chợ về nói lại con đạp xe lên.
- Anh hai, cháu Thành đây phải không?
- Chào chú ba đi con.
Quảng bế Thành lên hôn. Thằng bé kháu khỉnh quá, Quảng hỏi anh.
- Chị hai đâu không lên chơi.
Bé Thành nói thay ba. Giọng ngọng nghịu.
- Má Khành i gạy học chưa ghế. (Má Thành đi dạy học chưa về)
Quảng nói:
- Còn anh có đi làm gì không?
- Công nhân cửa hàng hợp tác xã nông nghiệp.
Hai anh em kể lể nhau mười năm xa vắng. Quảng kể anh nghe gặp thằng Hương chạy xe ôm ở Saigon. Chú Giáo mất, và hỏi thăm bạn bè Võ Tánh. Anh em trao đổi nhau đủ chuyện, tình ruột thịt thắm thiết. Đêm hôm đó trời nóng quá, Quảng phải tắm hai ba lần, nằm nệm đã quen, nay nằm trên đi văng đau khắp cả người, nhưng nhờ thân thể mỏi nhừ Quảng ngủ được một giấc dài.
Để nhìn lại bãi biển Nha Trang, mới bảy giờ sáng Quảng thả bộ dọc theo đường Duy Tân (Trần Phú), khi thấy hơi nóng Quảng vòng lên đường Hàn Thuyên định về nhà. Khi gần tới trường Nam Tiểu học, chàng thấy người đàn bà rất quen ngừng xe đạp xuống dắt cách cổng trường vài chục thước. Quảng đi nhanh đến trước khi người ấy dắt xe vào cổng. Nghe thấy tiếng động bà ta quay lại, Quảng bàng hoàng la lên:
- Bích Đào!
Nghe tiếng gọi, người đàn bà quay lại. Chiếc xe đạp tự nhiên rời khỏi tay ngã xuống lề đường. Bích Đào nghẹn ngào đứng như trời trồng, một lúc sau nàng nói trong tiếng nấc:
- Anh Quảng! Anh về bao giờ?
Quảng tiến tới định ôm Bích Đào. Bích Đào lui bước rồi tựa lưng vào bờ tường của trường học. Nước mắt ràn rụa:
- Trời ơi! Em khổ quá.
- Không! Em không có quyền khổ. Anh đã tìm em khắp nơi. Anh nhất định bắt cho được em. Đừng bỏ anh một mình nghe em, anh sẽ làm thủ tục để đưa em đi. Vì lẽ gì em lại dạy học nơi đây. Anh ghé Dakao nhưng người ta chỉ giao lại cho anh mấy chục lá thư anh viết cho em. Anh có mang về đây.
Bích Đào khóc sướt mướt. Quảng đỡ chiếc xe đạp dựng nép vào bờ tường. Chàng khẩn khoản:
- Gặp em anh mừng không có giấy mực nào tả nổi, đừng bỏ anh nghe em.
- Không! Em đã có chồng, em đã phụ anh rồi.
Bích Đào bưng mặt khóc, nàng nói trong nỗi nghẹn ngào:
- Anh cố gắng quên em đi. Em không còn là Bích Đào của anh ngày xưa nữa. Thôi anh hãy về đi, anh hãy trở lại Mỹ, cố xua đuổi người đàn bà khốn khổ này đi anh. Em không còn xứng đáng để anh đầu tư tình cảm nữa đâu. Em biết anh đau lòng, nhưng nỗi đau ấy không phải chỉ mình anh.
- Vậy em cho anh biết con người hạnh phúc đó là ai? Chồng em là ai?
- Có biết cũng quá muộn màng. Đời em như ván đóng thuyền rồi anh ạ.
Nước mắt Bích Đào tiếp tục rơi. Quảng đưa tay tìm bàn tay Bích Đào. Nàng rút tay về thối thác:
- Đừng anh! Tạm biệt!
Tiếng kẻng vang một hồi. Bích Đào lau vội nước mắt, dắt xe vào sân dựng song song với mấy chiếc khác. Quảng đứng thẫn thờ nhìn theo mà lòng đau vời vợi. Bích Đào bước theo chân học sinh vào lớp. Bình minh đang nô giỡn reo vui mà lòng Quảng như hoàng hôn ảm đạm.
Quảng về lại nhà. Thấy bé Thành đang chơi với nội, biết là anh hai chàng mới tạt qua gởi. Dù rất buồn Quảng củng cố gắng đến chơi với bé Thành, chàng hỏi:
- Thành mấy tuổi?
Thành ngọng nghịu:
- Khành bốn cổi (Thành bốn tuổi)
- Thành thương chú không?
- Không !
- Sao Thành không thương chú?
- Khành âu biết (Thành đâu biết)
- Vậy Thành có thương ba má thành không?
- Khành khương má Khành nắm. Hồi cối má Khành bịnh khóc nghiều nắm.
- Tại sao hồi tối má Thành lại khóc?
- Khành âu biết.
- Mà má Thành tên gì?
- Má Khành tên ẹp nắm cú ba ơi, má Khành tên ngà Bích Ào.
Quảng rụng rời tay chân. Chàng nhìn kỹ Thành. Ở một góc nào đó Thành rất giống Bích Đào. Chàng ôm thằng bé vào lòng hôn lấy hôn để. Lòng Quảng nát tan từng mảnh vụn. Chao ôi! Oan nghiệt làm sao! Người yêu của chàng bây giờ là chị dâu. Phải chi Bích Đào là vợ của người khác thì lòng chàng còn ít đau khổ. Trong một thoáng rất nhanh chàng ước gì anh hai chàng chết đi, như vậy Quảng sẽ làm giấy đưa Bích Đào qua Mỹ là không có tiếng tăm gì cả. Nhưng không, anh chàng không thể chết, thà chàng chôn chặt tình yêu. “Anh em như tay chân, vợ chồng như quần áo” cổ nhân đã nói. Quảng lấy sợi dây chuyền có tượng Phật từ trong túi áo đeo vào cổ bé Thành. Một món quà Bích Đào tặng chàng trước khi chàng đi.
Nguyên ngày hôm đó Quảng buồn rũ rượi. Không đi ra ngoài, vợ chồng Hạt cũng đã đến từ sớm. Quảng chỉ nói chuyện qua loa, đầu chàng đau như búa bổ. Bà Sáu xuýt xoa nói một mình:
- Mới về đã bị bịnh, chắc trúng nước rồi.
Ông Sáu phân trần:
- Nha Trang nước hiền như bụt mà trúng gì! Mà nó uống nước trong chai mắc gì trúng bà.
Hạt cũng lo lắng cho anh mình, không ai hiểu bệnh tình gì. Kẻ nói vầy, người nói khác toàn đoán mò.
Quảng nằm nhắm mắt, mấy đứa nhỏ hàng xóm đứng vây trước cửa ồn ào khiến bà Sáu bảo chúng “về cho chú Quảng nghỉ, bữa khác tới chơi.”
Bản tin có một Việt kiều về thăm quê lan đến văn phòng phường rất nhanh. Một cán bộ của Mặt Trận Tổ Quốc ghé vấn an. Người cán bộ gợi ý với gia đình Quảng về sự khó khăn của tổ chức trong vấn đề tương tế xã hội, đang cần sự giúp đỡ của mọi người, mà Việt kiều là những người có khả năng tài chánh. Quảng có nghe thấy nhưng không thèm ngồi dậy. Ông Sáu lên tiếng:
- Thằng nhỏ mới về đã bị bịnh, nó còn ở cả tháng, bữa khác chú em tới cũng được.
Người cán bộ thấy bao thuốc lá ba số 5 đang để trên bàn, ông cầm lên móc ra một điếu đưa lên môi:
- Con xin bác điếu thuốc hút thử?
Ba Quảng mời đưa:
- Ồ, mời chú em hút, thằng nhỏ mới đem về.
Nghe thế người cán bộ nghiêng bao thuốc dốc thêm vài điếu nhét vào túi áo rồi từ giã.
Tan việc, Trung đạp xe về luôn nhà cha mẹ. Hồi sáng trước khi đi làm Trung có dặn vợ về thăm chú ba và ăn cơm chiều bên nầy. Bây giờ cơm chiều đã xong, bà Sáu làm thật nhiều món. Món cá bống cát kho tộ, thịt heo kho tàu, lươn um nghệ củ, canh bồ ngót nấu với đầu tôm. Lâu lắm rồi nay mới có dịp ăn chung ông bà Sáu trông hớn hở lắm, chỉ lo thằng Quảng có dậy ăn tối được không đây. Đợi mãi vợ Trung không thấy tới. Hạt đạp xe qua nhà kêu chị, cô đẩy cửa bước vào, tiếng chị dâu rên trong buồng. Hạt chạy vào thấy chị dâu nàng lên cơn sốt dữ. Hạt không biết phải làm sao bèn vọt lên xe chạy về kêu anh hai. Trung vội vã về nhà sau khi ghé pharmarcy mua ít thuốc giải nhiệt.
Bích Đào nóng mê man. Trong vô thức nàng nhớ lại cuộc gặp Trung ở Sài gòn lần đầu tiên trong một dịp rất tình cờ. Lúc ấy Bích Đào làm cho Air Viet Nam. Trung đi nhận thùng quà do người bạn gởi về tại Tân Sơn Nhất. Khi thùng chưa có người nhận phải đưa vào nhà kho chờ người tới nhận. Nhân công làm ở nhà kho có tật moi móc lấy bớt quà bên trong. Dù đã được dán lại một cách tinh vi, nhưng khi bưng thùng quà lên Trung đã phát giác ra không còn gì, ngoại trừ một vài vật nhỏ chạy qua lại thong thả bên trong. Trung khiếu nại cùng hãng hàng không. Giải quyết việc mất mát cũng chẳng đơn giản chút nào, Trung phải ở nhờ nhà người quen để vào ra Tân Sơn Nhất chờ giải quyết. Bích Đào là người đứng ra làm thủ tục bồi hoàn cho Trung. Bích Đào thấy ở gương mặt Trung phảng phất hình bóng Quảng vì thế hai người dễ dàng quen thân nhau. Dĩ nhiên, sau đó Trung tự tạo nhiều dịp vào Sài gòn nên thường xuyên gặp Bích Đào. Cũng mất hai ba năm tình yêu đủ chín. Trung đưa cha mẹ vào hỏi Bích Đào làm vợ. Khi về làm vợ Trung, Bích Đào yên phận với duyên nợ tiền định. Nàng không mong gì gặp lại Quảng vì nghĩ rằng xa mặt cách lòng chắc gì Quảng còn quan tâm đến nàng. Đôi khi trong việc ái ân, người đã cùng Bích Đào là Quảng chứ không còn là Trung nữa. Sau những lần như thế Bích Đào cảm thấy có lỗi với chồng. Nàng cố xua đuổi hình bóng Quảng, nhưng rất lạ lùng, con người ấy lúc ẩn lúc hiện trong trí nàng.
Bích Đào tưởng như thế rồi cuộc đời cũng sẽ êm xuôi, qua ngày đoạn tháng. Có ngờ đâu sáng nay đất trời sụp đổ, Quảng hiện trước mắt như một vị thần yêu đương. Đôi mắt tha thiết như mời gọi tội lỗi đã làm cho Bích Đào như người hồn lìa khỏi xác. Cả ngày trong lớp, nàng không sao giảng bài cho học sinh vì, hình bóng Quảng cứ chập chờn trước mặt. Trong một thoáng, nàng định liều lĩnh bỏ chồng về lại Sài gòn, nhưng không Thành sẽ ra sao, nàng thương con lắm, nàng có còn là con người nữa không, nếu bỏ con thơ ra đi. Ráng cho xong một ngày, Bích Đào về nhà, cơn sốt kéo đến làm nàng như mê sảng..
Bữa cơm thịnh soạn chiều nay chỉ có vợ chồng ông Sáu và vợ chồng Hạt, Quảng không ăn, vợ chồng Trung không về. Ngoài ngõ hoàng hôn lặng lẽ buông màn. Đèn đường sáng lên từng vũng. Có ai biết cho chăng:
“Từ đây hai ngã đường đời,
Tình như chiếc lá Thu rơi giữa dòng”.
Thủy Lâm Synh
Đầu thu 1989