Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
ĐUỔI GÀ CHO VỢ
TRÀM CÀ MAU

Ông cụ Tom ngồi ho sù sụ. Mái đầu ông bạc trắng, tóc lưa thưa, hai vai xuội lơ, và cái mông teo rí trong vùng quần rộng rãi. Ông Tư nhìn cụ Tom mà thương xót nói:

-“Về hưu đi ông Tom ơi. Nghỉ ngơi cho khỏe, ông nhiều tiền dành dụm quá rồi. Tội chi mà đi làm mãi cho mệt?”

Ông cụ Tom cười, nụ cười hiền hòa với cái miệng già, da kéo nhăn nhúm, nói mà hơi trong cổ ra nhiều hơn âm thanh:

-“Tội chi mà về hưu cho mệt. Về hưu, vợ sai làm việc nầy, việc kia, tối tăm mặt mũi, mệt lắm. Đi làm khỏe hơn ở nhà nhiều”

-“Vợ sai làm việc? Thì đừng làm. Bà ấy có đánh đập, có giết chết đâu mà sợ.”

-“Nói thì dễ lắm. Không làm thì còn mệt hơn làm việc nữa. Bà ấy lải nhải cho mà nghe, nhức tai lắm.”

-“Người hùng đệ nhị thế chiến mà cũng thế cơ à?”

Ông cụ Tom cười hóm hỉnh trả lời:

-“Hùng ở đâu, chứ về nhà thì hùng chi nổi.”

Tuổi cao, mà cụ còn sáng suốt, trí nhớ tinh anh. Cụ cần mẫn, chăm chỉ như con kiến. Làm việc không nghỉ ngơi. Bao nhiêu chương trình mới của máy vi tính, cụ biết rành rẽ, và thường chỉ dẫn cho bạn đồng sự trẻ hơn.

Một lần bị gãy tay, cụ mang cái băng vải quàng qua cổ, treo cánh tay trái băng bột lên trước ngực, tay phải lái xe đi làm. Bạn đồng sở hốt hoảng, dục cụ về nhà nghỉ ngơi. Cụ cười nói:

-“Đi làm khỏe hơn các ông ạ.”

Nếu chưa gặp cụ bà, thì người ta tưởng đâu bà là thứ chằng lửa, rồng ăn trăn quấn, đến nỗi ông gảy tay, mà không ưa ở nhà nghỉ ngơi, thích đi làm hơn. Mấy lần đi ăn chung, ông Tư thấy bà cụ cũng hiền khô, nói chuyện vui vẻ. Bà vốn gốc quân đội, về hưu khi ở cấp bậc đại úy.

Ông Tư thường kể cho cụ Tom nghe rằng, về nhà ông không phải làm gì cả. Mọi sự đã có vợ lo lắng, chăm sóc, và chu toàn cho cả. Cụ Tom nheo mắt hỏi:

-“Thế thì mùa Đông, khi đi làm về, vợ anh có cởi giày cho anh, rồi áp đôi bàn chân lạnh vào da bụng ấm của bà, như “bọn dã man” đó hay không?”

Ông cụ Tom bị lính Nhật hành hạ quá khủng khiếp, nên tránh không muốn nhắc đến tiếng Nhật Bản, mà dùng nhóm từ “bọn dã man” để ám chỉ .

-“Đàn bà Việt Nam chúng tôi không làm vậy bao giờ. Nhưng rất thương chồng, chìu chồng, việc gì họ làm được, thì dành lấy mà làm, không biết tị nạnh, không biết phân chia việc nầy anh làm, việc kia tôi làm”

-“Bất công. Thế thì trong gia đình, đàn ông các anh làm việc gì?”

-“Làm những việc mà đàn bà không làm được, và không ưa làm”

-“Cho ví dụ đi!”

Ông Tư cười toét miệng, trả lời:

-“Cưng vợ, đánh đuổi kẽ cướp, đánh quần vợt, xem quyền anh, xem đá banh, chơi cờ tướng...”

-“Thế thì cây cối trong vườn ai cắt? Ai dọn rác, quét lá, ai trồng cây hoa nầy, dời gốc hoa kia theo lệnh của bà?”

-“Cây thì có người chuyên môn cắt. Hoa thì ở đâu, cho nó yên vị nơi đó. Bà có sai bảo dời qua bên nầy, trồng lại bên kia, thì mình cứ lờ tít đi, hoặc lần khân cho qua chuyện thì thôi.”

Ông Jack ngồi ở phòng kế cận, nghe lóm chuyện của ông Tom và ông Tư, vui tai chạy qua góp lời. Ông Jack hỏi:

-“Nầy anh Tư, nếu anh có bà chị vợ, hay em vợ chưa lập gia đình, thì giới thiệu cho tôi đi, tôi cũng mong có một người vợ như vợ anh, thì tôi cũng hy sinh cái đời độc thân nầy đi cho rồi.”

Ông Tư cười nói lớn, như đang không phải đang ngồi trong sở:

-“Thôi ông Jack ơi. Ông đã “tử thủ” được vị thế độc thân trong sáu mươi năm, sướng quá trời, đừng dại dột đi vào con đường mê muội muôn đời của thế gian.”

-“Con đường mê muội?”

-“Ông biết quá rồi, còn giả vờ. Thế là ông chưa nghe câu nói của xứ tôi rằng: “Cá trong lờ đỏ hoe con mắt, cá ngoài lờ quay quắt muốn vô”. Người Mỹ cũng có câu “Hôn nhân như cái bẫy chuột, con ở trong muốn ra mà không được, con ở ngoài tìm đủ cách để chui vô.” Nầy, tôi hỏi ông, bây giờ mà về hưu, thì ông còn được lảnh tiền nhiều hơn đi làm, vậy đi làm để cho khổ tấm thân ư? Ông không muốn nghỉ ngơi sau bốn mươi năm làm việc, bốn mươi năm dài vì cơm áo mà để cho cái thân bị buộc ràng?”

Ông Jack thở dài, tiếng thở dài nhè nhẹ:

-“Ở nhà buồn lắm, không biết làm gì cho hết ngày giờ. Đi chơi xa, du lịch một mình cũng buồn, lẻ loi. Có người xúi tôi rủ bạn gái đi chơi xa, mà thấy bị ràng buộc, phải theo ý người khác mất cả tự do, mất vui. Mình độc thân lâu rồi, không quen làm đuôi mấy bà đi chờn vờn trong các cửa hàng mà không có mục tiêu gì rõ ràng cả. Muốn đến nhà bạn bè chơi, thì ai rảnh mà chơi với mình? Đọc sách thì già, mắt kém, đọc lâu đau mắt. Xem phim, nghe nhạc hoài cũng chán. Đi làm là vui nhất, mừng nhất là chiều thứ sáu, biết được hôm sau có hai ngày nghỉ. Cũng lạ, một tuần có bảy ngày nghỉ không vui bằng một tuần chỉ có hai ngày nghỉ thôi.”

Ông Jack ngừng lại một chốc, rồi nói tiếp:

-“Anh thấy ông Moe không? Về hưu chưa được nửa năm, ở nhà bị vợ gây gổ suốt ngày, chán quá, xin trở lại làm việc. Mấy ông bà già không có việc chi làm, suốt ngày dòm mặt nhau, dễ nổi sùng, dễ gây gổ nhau. Một ngày kia, một trong hai người lăn quay ra chết, thì người kia tiếc nuối và ân hận là sao ngày còn sống cứ cắng đắng nhau vì những chuyện không đâu”

Ông Tư nói như gằn giọng:

-“Các ông có thấy chết gục trên bàn làm việc như ông Henry, chết trong thang máy như ông Paul, thì có uổng không? Chưa kịp về hưu thì đã chết, uổng quá. Về hưu là cái phần thưởng quý báu nhất đời sau mấy chục năm làm việc, khước từ cái ân huệ đó, thì có uổng không?”

Rồi cũng đến ngày vui của ông Tư. Ông được nghỉ hưu. Thời gian ngắn ngủi còn lại, ông bùi ngùi tiếc bạn bè, tiếc cái văn phòng nơi ông đã ngồi bao nhiêu năm. Nhưng nỗi vui mừng biết từ nay dứt bỏ mọi công việc hàng ngày, làm ông sung sướng hơn.

Ông Tư về hưu, nhưng bà còn nhỏ tuổi hơn, chưa đủ điều kiện hưu trí. Bà năn nỉ ông, chờ thêm vài năm nữa, cùng về hưu một lần cho vui. Ông không thể chờ, nóng ruột quá rồi. Từ ngày mới tốt nghiệp đại học, vừa đúng hai mươi ba tuổi, đi làm ngày đầu tiên, ông về nhà nói với mẹ: “Biết bao giờ con mới được về hưu hở mẹ?” Mẹ ông cười, bảo ông đừng nói chuyện tào lao. Thế mà cũng vèo một cái, đã đến tuổi về hưu thật. Hai đứa con ông, đã vỗ cánh bay xa theo gia đình, theo công việc làm ăn. Ông không thể dài cổ ra, chờ đợi để cùng bà về hưu một lần, ông mạnh dạn nói với bà rằng:

“Từ nay anh hoán vị cho em, anh ở nhà làm việc nội trợ. Đi chợ, nấu ăn, giặt rửa, chăm sóc nhà cửa, tưới bón vườn tược. Em chỉ đi làm, và chiều về ngồi gác chân xem báo, nghe tin tức trên đài truyền hình. Anh dọn cơm, em ăn xong, anh sẽ lo rửa bát, lau bếp. Em đọc sách, xem thể thao, và đi ngủ. Mọi việc khác anh sẽ lo làm, cho đến ngày em về hưu. Em đóng vai chồng, và anh đóng vai vợ. Mình chơi trò hoán vị vài năm xem sao."

Bà biết tính ông ham vui, thích hài hước, cười gật đầu bằng lòng. Buổi sáng đầu tiên sau khi nghỉ hưu, ông dậy sớm, nấu cho bà một tô cháo gạo tẻ, pha một ly cà phê, một ly nước cam trộn mật, nướng thêm hai lát bánh mì dẹp và cắt mấy khoanh xúc xích. Khi bà rửa mặt xong, ông ỏn ẻn giả giọng đàn bà nói:

-“Mời anh ra ăn điểm tâm kẽo nguội, em đã dọn sẵn rồi.”

Bà háy ông một cái, và mĩm cười, giả giọng đàn ông ồm ồm nói:

-“Bà mầy đảm đang quá. Tôi tốt phước có người vợ giỏi lo toan việc nhà.”

Ông bà cùng ăn sáng. Ăn xong ông dọn bàn, bưng chén dĩa vào bếp. Chạy vội ra, chìa má cho bà hôn trước khi bà leo lên xe hơi lái đi làm. Hai ông bà nhìn nhau và cười hinh hích.

Ông Tư vào giường lại, nằm nghỉ một lúc, rồi vùng dậy, đi một vòng quanh nhà, nhìn lên, nhìn xuống, từ trần nhà đến những góc nhà, tay cầm viết ghi một danh sách việc cần làm trong ngày hôm nay. Ghi được mười bảy mục, việc đâu mà lắm thế nhỉ, ông tự hỏi. Rồi ông ghi thứ tự ưu tiên, việc nào cần làm trước, việc nào cần làm sau.

Trước tiên, ông cầm chổi quơ ngang, quơ dọc cái phòng khách có sàn lát ván đánh dầu bóng. Bụi bay lên mù tung. Ông đùa bụi bặm rác rến dấu dưới gầm ghế dựa, dưới gầm bàn, và các góc khuất lấp. Thế là xong việc quét nhà. Ông quay qua đám bàn ghế, lấy chổi lông gà phang qua phang lại như múa gươm, lâu lâu ông dừng lại, chân trước, chân sau, người nghiêng nghiêng như ở vị thế đang đánh kiếm, rồi vụng về dùng chổi lông gà đi vài đường gươm, mà ông đã quên luyện tập từ mấy chục năm nay. Bụi bay lăn tăn trong không khí, làm ông ho sặc sụa.

Chổi của ông đánh rơi cái bình hoa, nước đổ ra sàn lênh láng. Bình hoa chỉ bị một vết sứt mẻ nhỏ thôi. Ông cắm lại hoa, và lấy lá che khuất chỗ sứt, che rồi, có ai thấy đâu mà sợ. Lại thêm một mục chùi, hút nước sàn nhà. Sau khi chùi vắt hết nước loang trên sàn, thì những nơi khác, cái vết dép ông in rõ mồn-một với dấu dơ bẩn từ trong ra ngoài, từ ngoài vô trong. Thế là ôg phải lau nước lại toàn diện căn phòng, sau khi lau nước, thì phải lau khô. Tìm mãi không có khăn, ông lôi một mớ áo lót cũ ra dùng. Lau xong, thì mồ hôi đã toát, ướt áo, ướt quần. Nhìn lại, còn những mười lăm mục cần làm, mà dường như đã gần trưa rồi. Thế là ông lại thay đổi ưu tiên các việc cần làm. Phải đi chợ trước.

Ông định ghi xuống danh sách những gì cần mua, nhưng nhớ lại, có lần nghe các bà nói rằng, đi chợ thì thấy món nào ngon, rẻ thì mua, không định trước được. Vợ ông đi chợ có bao giờ ghi trước đâu? Thế là ông lái xe vèo ra chợ. Ông định đi một vòng xem có gì ngon, rẻ, và sau khi có cái nhìn tổng quát về hàng hóa trong chợ hôm nay, thì ông sẽ quyết định rõ ràng hơn. Đi đã ba vòng, mà trong đầu ông chưa nảy ra được quyết định nào. Vì thật sự, ông không biết món nào ngon, món nào dở, và giá cả đắt, rẻ ra sao cả. Bí quá, ông cứ mua đại hai cân thịt bò, hai cân thịt heo, hai con gà, hai cân tôm, ba cân cá, và hai con cua to. Nếu có bà nội trợ nào nhìn thấy các món ông mua, thì tưởng đâu ông định nấu cho mười mấy miệng ăn, chứ không phải nấu riêng cho hai ông bà mà thôi. Ông cho rằng, cứ bò thì xào, heo kho, gà nướng, tôm nấu canh, cá hấp, cua thì rang muối. Dễ ợt.

Về nhà, ông thay áo quần, mang tạp dề, đội cái nón đầu bếp trắng cao, cho ra vẻ trang trọng. Ông quyết định nấu canh tôm trước. Nhìn cái gói tôm còn vỏ, ông không biết làm sao mà bóc cho tiện. Thôi thì cứ kiên nhẫn cắt đầu, cắt đuôi, để lại phần thân mà nấu canh. Cắt từng con lâu quá, ông chập ba bốn con làm một mà chém đầu, chém đuôi, chém hăng quá, làm đứt tay, chảy máu. Ông nghĩ, chắc mấy bà nội trợ, có cách nào đó bóc tôm cho mau, chứ bóc từng con, thì biết đời nào mới xong. Hai lạng tôm, ông cắt xong thì còn hơn một lạng.

Bỏ tôm vào nồi để nấu canh, ông lúng túng, không biết phải nêm bằng xì dầu tàu, hay xì dầu tây, hay nước mắm, hay là muối đây. Cả bốn thứ đều là chất mặn cả. Không lẽ ba cái chuyện nhỏ nhặt lẻ tẻ nầy, mà phải kêu điện thoại hỏi các bà? Xấu hổ lắm. Lấy cái trí thông thường ra mà suy luận, ông cứ bỏ một ít muối, một ít nước mắm, một ít xì dầu tàu, một ít xì dầu tây. Thế nầy thì không trật đâu được. Lửa đã cháy bừng bừng, ông hốt hoảng, tự hỏi nấu canh tôm với gì đây? Không lẽ nấu canh tôm suông. Ông mở tủ lạnh, lục lạo, may quá, có trái bầu tươi. Ông vội vã rửa, và lấy dao gọt vỏ. Gọt xong thì trái bầu thành ốm tong teo, hầu như chỉ còn lại phần ruột, mà phần cơm của trái bầu đã dính gần hết vào đống vỏ. Ông cắt thành từng khoanh nhỏ, bỏ vào nồi. Cái nồi đầy vun, và sau một hồi sôi sùng sục, thì ông nhận ra món đang nấu không phải là canh, mà là món xào. Canh thì phải có nhiều nước chứ, đâu phải là sền sệt, toàn cả tôm với bầu. Ông tự an ủi rằng, định nấu canh, mà thành ra món xào, thì cũng chẳng sao. Khi nếm một miếng, thì ông nhăn mặt. Vị giác cũng như khứu giác của ông chưa bao giờ mếm được cái mùi vị lạ lùng như thế nầy, mùi của xì dầu Tây, Tàu và nước mắm trộn lẫn nhau hăng hăng, không dễ chịu chút nào. Ông thì thầm tự phán: “Thất bại lớn”. Đổ món “canh xào” ra dĩa. Mới một món, mà đã hai dĩa đầy, nếu nấu hết thịt, cá nầy thì hai vợ chồng e phải ăn cả tuần cũng chưa hết. Ông cắt thịt bò để xào, thịt bùng nhùng, cứa hoài không đứt, không cắt mỏng được. Ông Tư thay và thử đến bốn con dao khác nhau, mà vẫn rất khó khăn, không cắt được. Đang lúng túng, ông nhìn thấy có cái kéo răng cưa, ông dùng kéo cắt thịt thành từng miếng khối vuông. Mau lẹ, nhẹ nhàng, không có bùng nhùng chạy tới chạy lui. Đã có chút kinh nghiệm khi nấu canh tôm, lần nầy, ông chỉ dùng một phần tư thịt, cho vào nồi, đổ thêm nước, và chỉ dùng muối, không nước mắm, không xì dầu. Ông tưởng nấu càng lâu, thì thịt càng mềm, cứ năm ba phút, gắp một miếng nếm thử, mà ông nhận ra, càng nấu lâu, thì thịt càng dai. Rồi ông không nếm nữa, vì nếu cứ mếm mãi, thì e no bụng mất. Nồi thịt xào thành lỏng bỏng, ông chợt nghĩ, tại sao không đổ thêm nhiều nước, cho nó thành canh, để thay vào món canh tôm mà ông đã thất bại. Để canh ngon, ông cho thêm hai cục xúp viên, và khi nếm canh, thì ông nhăn mặt vì mặn chát. Lại thất bại thêm một lần nữa. Đồng hồ đã chỉ mười hai giờ trưa, ông Tư xới cơm ra ăn với hai món vừa nấu xong. Chưa bao giờ ông có một bữa ăn dở như hôm nay. Cố gắng hết sức, mặt mày nhăn nhó, mới thanh toán được hai chén cơm. Ông lắc đầu, không thể cho bà vợ ăn những món ăn khủng khiếp như thế nầy được. Ông ra vườn, đào lỗ và chôn, đổ cả món xào lẫn canh xuống, vùi đất lại. Phải chôn mau mau, sợ vợ về, biết được thì mất mặt lắm.

Ông trở vào, hấp lại hai con cua, và nấu một nồi nước luộc thịt heo. Thế nầy thì không thể nào hỏng được. Luộc thịt heo, thì phải thành công chắc bắp, không thể nào thất bại được. Nhưng ông lại lầm, thịt heo ông luộc quá lửa, dai nhách, khô khốc và cứng xải. Thôi thì cũng xem như tạm được, không đòi hỏi gì hơn.

Trời chiều đã xế bóng, mà ông mới làm được một phần ba công việc ghi trong danh sách. Thì ra, công việc nhà cũng không phải dễ dàng , mau chóng như ông tưởng. Cũng túi bụi đi chứ, mà cũng chưa đâu vào đâu cả. Ông Tư chạy vội vào phòng tắm, lấy áo quần mặc ở nhà, máng sẵn lên cho bà, lấy khăn tắm, thay cục xà bong mới, và để sẵn chai thuốc gội đầu bên cạnh bồn tắm. Tiếng xe bà đi vào sân nổ rền. Ông chạy ra đón bà, đưa hai tay ra, ôm bà và ỏn ẻn giả giọng đàn bà nói: “Anh của em đi làm về. Anh có mệt không? Tắm rửa sạch sẽ, ra ngồi xem tin tức buổi chiều, em làm cơm xong là ăn cho nóng sốt”.

Trong khi bà thay áo quần, thì ông đã mở vòi, pha nước ấm đầy bồn cho bà ngâm mình tắm. Khi bà Tư vào phòng tắm, thấy nước ấm đã đầy bồn, khăn tắm áo quần đã máng sẵn, bà cười toe toét, và mở cửa chạy ra háy ông một cái dài. Thấy ông đang lom khom cắt thịt heo thành từng lát mỏng. Bà quay trở lại phòng tắm mà không nói gì. Tắm xong, bà xuống bếp để phụ, ông đuổi bà đi, nhái đúng cái giọng xưa kia bà thường hay nói:

-“Lên phòng khách mà nghe tin trong ngày, xem thể thao, đùng làm rộn, để người ta nấu ăn. Chừng mười lăm phút nữa là có cơm đó.”

Khi ông mời bà vào bàn, thì trên bàn đã dọn sẵn ba món: Một dĩa rau sống, một dĩa thịt heo luộc đầy vun, thịt thái lát dày cộm, hai con cua lớn. Bà hỏi:

-“Chỉ có món mặn và rau. Không có canh, không có xào sao?”

-“Hôm nay ăn tạm các món dã chiến. Ngày mai có đủ ba món, canh, xào, mặn. Thường người ta nấu canh, muốn ngon, thì bỏ thêm nước mắm hay xì dầu?”

Bà cười hăng hắc:

-“Anh hỏi thật hay đùa đấy? Ai mà cho xì dầu vào canh bao giờ. Canh thì phải cho nước mắm thật ngon vào. Nghe đâu ở miền Trung, có nơi không cho nước mắm vào canh, vì sợ canh có vị chua. Họ cho mắm tôm vào canh, và khi nào không đủ lượng mắm tôm, thì họ kêu là canh “ỏn”. Không biết “ỏn” là cái khỉ gì nhỉ? Hay là canh không vừa ý, nên ỏn ẻn, xấu hổ?”.

Ông Tư ghi nhận nước mắm và mắm tôm, để lần sau nấu canh. Ăn hết một con cua, bà đã no, không đụng đến món thịt heo luộc lạt nhách, xải và cứng ngắt. Ông Tư cũng mừng. Ăn xong, ông đuổi bà đi lên phòng khách, ông dọn dẹp, lau bàn, rửa chén bát, lau bồn rửa chén, lau sàn nhà, tắt đèn. Ông ra ghế bành ngồi với bà và nói:

-“Ừ, việc nội trợ cũng lu bù lắm chứ? Lâu nay anh đâu biết công khó của em. Em không cho anh phụ việc, cho nên bây giờ làm gì cũng loạng quạng. Theo anh nghĩ, các bà xưa thường không cho đàn ông con trai xuống bếp, cũng là một chính sách ngu dân, để dễ trị, để phải phụ thuộc vào các bà mãi. Hình như mình còn mấy xâu hạt sen hồ Tịnh Tâm Huế của bác Thái cho mấy năm trước chưa dùng . Ngày mai anh sẽ nấu chè hạt sen cho em ăn. Em có nhớ câu ca dao “Thương chồng nấu cháo le le. Nấu canh bông bí, nấu chè hột sen” không? Ngày mai, em sẽ có chè hạt sen, có cháo le-le mà ăn. Anh làm nội trợ, thì nhất định hai đứa mình tình tứ như trong ca dao.”.

Bà Tư cười, hỏi:

-“Chim le-le đâu mà anh có? Anh định ra ngoài hồ của thành phố bắt chăng? Ở tù đấy”.

-“Làm sao có thì thôi. Em đừng lo”

Ngày hôm sau, ông Tư chạy ra chợ Tàu, mua sáu con chim cút đã làm sẵn, về chặt mỗi con làm bốn miếng, nấu với cơm nguội, hy vọng thành cháo le-le. Ông rửa sạch bốn xâu hạt sen khô, bỏ vào nồi nấu. Nấu cả hai ba giờ, mà hột sen vẫn còn cứng ngắt bên trong. Nấu cho cạn nồi, ông châm thêm nước. Hơi nước bay mịt mù đầy nhà, đọng lại mờ tất cả cửa kiếng phòng trong, phòng ngoài. Nấu mãi từ sáng đến chiều, mà vẫn còn sượng, cứng, nhai trong miệng nghe rộp rộp, chứ không phải bỏ vào lưỡi là mủn tan ra như ông từng ăn chè do bà nấu. Nấu mãi mà hạt sen không mềm, ông hạ lửa, để đó. Định hôm sau nấu thêm một ngày nữa, ông tin rằng dù cho là gỗ lim, nấu mãi cũng phải mềm huống là hạt sen. Nhưng hôm sau, ông nấu liên tiếp thêm sáu giờ nữa, mà hạt sen vẫn không mềm, không tan trong miệng, mà vẫn sật sật. Ông kết luận rằng, loại hạt sen nầy đã hư, đã hóa mộc, không còn ăn được nữa.

Phần cháo le-le, ông nếm thử, thấy lạt nhách, nước cháo lờ nhờ, không mùi vị gì cả. Giận quá, ông kêu điện thoại đường dài cho một cô em họ từ tiểu bang xa. Hỏi cô làm sao cho nồi cháo ăn được. Nhờ cô chỉ dẫn, anh đổ vào nồi cháo nửa lon xúp gà, mấy muỗng nước mắm, và nếm thử, thấy ngon thật, ăn có mùi vị cháo ngay, chứ không phải ngây ngấy. Ông tự biết, chưa thể nấu ăn được, nấu món nào hư món đó. Phải học bài, cho có căn bản mới nấu, chứ không phải cứ tưởng tượng ra mà làm được. Ông lái xe ra nhà sách, mua một lúc năm cuốn sách dạy nấu ăn của Mỹ, Tàu, Nhật, Việt. Ông quyết tâm học cho rành, rồi mới nấu. Ông đem sách dấu dưới gầm kệ, sợ bà thấy. Để có thức ăn buổi tối, ông vào tiệm Mỹ, mua hai phần ăn đem về.

Chiều hôm đó, ông tắt điện, vặn nhạc cổ điển êm dịu, thắp đèn cầy, trải khăn bàn, đem bộ chén đĩa quý ra, cùng với đũa mun, muỗng nĩa bằng bạc. Trên bàn có hai dĩa thịt bò chiên tảng lớn, thêm rau xà lách, đậu, khoai tây nghiền, bánh mì nướng dòn, và xúp cháo le-le. Bà vợ ông tròn mắt ra ngạc nhiên nói:

-“Sang như ăn tiệc tại nhà hàng. Em không ngờ anh giỏi như vậy. Lạ quá nhỉ? Anh nấu được mấy món khó khăn nầy?”

-“Ăn đi, đừng hỏi lôi thôi".

-“Thịt bò chiên mềm và ngọt. Em cũng không làm được ngon như thế nầy. Anh chiên thịt cách nào vậy?”

Ông cười vui, và nói theo kinh nghiệm của những lần đi ăn tiệm, bị bồi bàn hỏi:

-“Thịt bò chiên có ba loại, thật chín, vừa chín, và còn sống. Thật chín thì thịt hơi dai. Vừa chín thì cắt ra thấy còn màu hồng, ăn vừa. Còn sống thì khi cắt, thịt màu đỏ, và còn ứa huyết thanh. Phải biết chọn ngọn lửa cao hay thấp, thời gian chiên lâu hay mau. Thế thôi, dễ lắm”.

Hôm nay ông nhất định dành cho bà một ngạc nhiên thích thú. Nấu phở. Ông đã từng thưởng thức món phở vô cùng đặc biệt của hai ông bạn, ông Hà ở tiểu bang Washington State, và ông Tôn ở thành phố San Francisco. Phở hai ông nầy nấu cùng một công thức, một bí quyết, hai ông dấu nghề, nhưng vì thân tình, nên chỉ nói riêng cho ông Tư nghe mà thôi, còn dặn dò ông Tư đừng tiết lộ bí quyết cho ai nghe. Nước phở của hai ông nầy nấu trong veo, thanh tao, ngọt dịu, không có bột ngọt mà vẫn ngon lành. Đó là: "Nấu phở, là không đổ thêm nước, cho thêm một ít xương gà, dùng đường phèn thay bột ngọt". Ý hai ông nầy nói, khi nấu phở, đổ nước một lần thôi, không châm thêm nước khi nồi cạn. Nhưng cái bí quyết đọc vắn tắt quá, ông Tư hiểu lầm là nấu xương bò, mà không đổ nước thêm vào, xương bò tự nhiên sẽ ra nước như khi nấu bí, nấu bầu. Ông Tư mua cả đống xương bò to tướng, thêm một con gà, một nắm đường phèn, như bí quyết dạy. Cho tất cả vào cái nồi lớn, cao, bắc lên bếp, cứ thế mà nấu. Nấu mãi, dở ra thăm dò hoài mà không thấy nước phở đâu cả. Nhưng ông tin tưởng vào hai ông bạn có tài nấu nướng nầy. Có lẽ nấu chưa đủ lâu đó mà thôi. Ông yên tâm xuống kho sau nhà, tìm vài thứ vật dụng, nhưng chợt thấy cuốn sách về tình dục mà ông cất dấu, không muốn cho bà biết, ông mở ra say sưa đọc. Rồi ông kéo ghế xếp ra nằm xem sách, và quên mất nồi phở đang nấu trên nhà. Bỗng ông ngủ thiếp đi lúc nào mà không biết. Ông thức giấc khi chuông báo động cháy nhà reo om sòm. Khói trong bếp ùn ùn bốc ra từ cửa sổ, cửa lớn. Ông Tư phóng vội vào bếp, tắt lửa, khói đen bốc lên mù mịt từ trong nồi phở, mùi khét rẹt . Ông Tư mở nắp nồi nhìn vào, thấy cháy đen và có thứ nước bầy nhầy lợn cợn. Ông lầm bầm:

-“Cao hổ cốt, nấu cao chứ không phải nấu phở”.

Ông ôm bụng cười một mình, ông cứ nghĩ là vì ngủ quên, nên cạn nước, chứ không phải nấu sai công thức. Cái nồi nhôm như muốn chảy mủn ra dưới sức nóng của lò ga. Ông lại ra vườn hì hục đào lỗ chôn dấu tang tích của thất bại. Chôn luôn cả cái nồi nhôm, cháy xém như thế nầy, thì làm sao chùi cho sạch được, không tội chi mà chùi cho mệt. Ông vội vã xì thuốc xịt khử mùi hôi, xịt đầy nhà. Nhưng không sao trừ hết được. Ông mở toang tất cả các cửa, vặn máy quạt tồi đa để đuổi mùi khét rẹt ra khỏi nhà. Đầu, mặt, tay chân, thịt da ông, áo quần ông đều nặng mùi của lò thiêu xác bên quê nhà. Ông đi tắm, tắm thật lâu, mà ngữi lên da mà vẫn mãi không hết hẵn mùi hôi.

Để có thì giờ đọc sách dạy nấu ăn và nghiên cứu, trong một tuần liên tiếp, ông Tư mua thức ăn từ các tiệm sang và ngon trong thành phố về dọn cho bà mỗi buổi chiều. Ngày nào cũng có thắp đèn cầy, uống rượu nho, bữa ăn đầy cả lãng mạn, tình tứ, hạnh phúc. Ông chăm chỉ nghiên cứu các cuốn sách nấu ăn, gạch xanh gạch đỏ, làm tóm tắt cách nấu, cách dọn cổ bàn, trang trí dĩa thức ăn. Cần mẫn, chịu khó như hồi học thi ngày xưa. Bây giờ ông đem cái óc khoa học thực nghiệm của một chuyên viên kỹ thuật ra áp dụng cho việc nấu bếp. Món nào ông cũng nấu thử trước, làm thí nghiệm với liều lượng nhỏ, xem kết quả, ăn thử, ghi chú phân lượng, ghi chú thành quả, rồi thêm bớt từng thành phần, thêm bớt lửa, thay đổi thời gian nấu nướng, xem kết quả mới, giống như một nhà hóa học điều chế trong phòng thí nghiệm, chứ không phải làm việc nội trợ nấu ăn.

Mỗi món ăn ông dọn ra cho bà, là kết quả của nhiều thử nghiệm, nhiều sách vở gom lại. Càng ngày bà càng ngạc nhiên về khả năng của ông chồng, mà lâu nay bà xem như một loại người vụng về, nấu một nồi nước sôi không chín.

Hai năm liền dành công việc nội trợ của bà vợ, ông Tư trở thành đam mê nghệ thuật nấu ăn. Bạn bè chê ông Tư ham làm việc tủn mủn của đàn bà. Ông cười và nói rằng, có người về hưu thích trồng hoa, xới vườn, cho đau lưng, có người thích nặn óc viết hồi ký để thiên hạ chửi bới, chê bai cho khổ thân, có người ngày ngày chơi bài đánh bạc, làm giàu các hãng sản xuất thuốc trị bệnh trĩ, mỗi người mỗi sở thích, không ai đúng, mà cũng chẵng ai sai. Nhưng cái sở thích của ông, làm cho đời sống sung sướng hơn, hạnh phúc nhiều, được ăn ngon, được khoái lạc.

Trong vòng hai năm, ông nấu toàn những món ăn béo bổ, thịt thà, làm cho cái mặt bà Tư càng ngày càng bành ra theo chiều ngang, chiếc cằm thành ba lớp, thân thể mập mạp, áo quần chật chội, bụng lớn, mông phì, áo quần phải thay đổi hoài. Ông vui vì thành quả nấu ăn, và vẫn thấy bà đẹp trong cái dáng thịt thà đầy đặn, u nần.

Trong lần khám sức khỏe định kỳ, kết quả thử nghiệm cho biết bà Tư bị áp huyết cao gấp rưỡi, liều lượng chất mỡ trong máu gấp đôi con số bình thường. Bác sĩ gầm gừ hăm dọa rằng, nếu không kiêng cử, không tập thể dục, thì có thể bị tai biến mạch máu não, bị đứng tim chết bất thần. Nguy lắm. Ông Tư nắm tay bà mà than:

-“Chính anh đầu độc em, chứ không ai cả. Cứ ăn uống các món béo bổ hoài, mà em không tập thể dục, không hoạt động, thì nguy lắm lắm. Lâu nay, anh vẫn vẫn nhớ và thèm những món ăn dân gian như canh rau muống nấu tôm tươi, rau muống xào tỏi, canh bầu nấu tôm, canh rau dền, canh mướp đắng dồn thịt, các món xào rau, đậu, mướp hương, và mắm chưng, tàu hủ kho tương, nhưng sách vở không dạy các thứ nầy. Cho nên anh nấu toàn các thứ độc địa, không tốt cho cách giữ dìn sức khỏe. Thôi, anh trả lại nhiệm vụ nội trợ cho em. Anh sẽ đốt hết sách nấu ăn, bôi bỏ các cuộn băng nhựa dạy nấu ăn của các đầu bếp trứ danh trên thế giới. Các thứ nầy, cũng độc hại không thua chi cái chủ thuyết chính trị không tưởng trong thế kỹ hai mươi vừa qua. Giết người như chơi".

Buổi sáng, sau khi bà Tư nắm lại quyền nội trợ, bà dọn ra hai tô cháo gạo tẻ ăn với cá bống kho khô. Hai ly trà xanh bốc khói nghi ngút thơm mùi trà đắng. Ông bà Tư xì xụp húp ăn ngon lành. Ông Tư nói rằng, cao lương mỹ vị cũng không ngon bằng. Ông rót thêm trà xanh vào ly cho bà, rồi khe khẻ ngâm nga:

“Tạ ơn còn được sum vầy
Mai sau thiếu vắng rót đầy tiếc thương“.

Trích trong tập truyện Rong Chơi Ngày Tháng của Tràm Cà Mau.
Bạn nào muốn có tập truyện xin lien lạc ở địa chỉ: tramcamau@googlemail.com, giá 10 Đô la luôn cả cước phí.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh