TẢN MẠN VỀ THƠ THUẬN NGHỊCH ĐỘC.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Trong thơ Việt, có một số bài thơ được gọi là thơ thuận nghịch độc, có người còn gọi là thơ hồi văn.
Thuận nghịch độc hay hồi văn là bài thơ có thể đọc xuôi bình thường từ câu đầu cho đến câu cuối nhưng cũng bài thơ đó, nếu đọc ngược lên từ chữ cuối câu cuối và chấm dứt bài thơ với chữ đầu câu đầu bài thơ vẫn đúng niêm luật, vần điệu và có ý nghĩa. Theo Nguyễn Văn Ngọc trong Nam Thi Hợp Tuyển, thơ thuận nghịch độc tuy làm theo thể thơ Đường nhưng lại là một lối riêng của thơ Việt Nam.
Thuận nghịch độc là một lối thơ rất khó làm vì mỗi khi làm một câu thơ lại phải đọc xuôi, đọc ngược làm sao cho cả 2 cách đọc xuôi, ngược đều phải có ý nghĩa và hợp vận luật. Chắc hẳn lối thơ này đã từng có nhiều bài, nhiều tác giả sáng tác nhưng nhiều bài đã không thể tồn tại với thời gian vì khi đọc lên nó không đạt được đúng yêu cầu là đọc xuôi, đọc ngược gì thì bài thơ cũng phải đúng vận luật và phải có ý nghĩa. Vì đây là một yêu cầu quá khó nên cho đến ngày nay, số bài thơ thuận nghịch độc tương đối có giá trị còn lại không được là bao!
Sau đây chúng tôi lục đăng một số thơ thuận nghịch độc kể cả xưa và nay để chúng ta cùng thưởng lãm.
Trước hết chúng ta thử đọc mấy bài làm theo thể Đường luật thất ngôn bát cú (bài có 8 câu, mỗi câu có bảy chữ).
Đây là bài Đền Ngọc Sơn của tác giả khuyết danh.
Bài đọc xuôi:
Linh uy tiếng nổi thực là đây
Nước chắn hoa rào một khóa mây
Xanh biếc nước soi hồ lộn bóng
Tím bầm rêu mọc đá tròn xoay
Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng
Khách vắng khi đưa xạ ngát bay
Thành thị tiếng vang đồn cảnh thắng
Rành rành nọ bút với nghiên này. (1)
Bài đọc ngược:
Này nghiên với bút nọ rành rành
Thắng cảnh đồn vang tiếng thị thành
Bay ngát xạ đưa khi vắng khách
Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn canh
Xoay tròn đá mọc rêu bầm tím
Bóng lộn hồ soi nước biếc xanh
Mây khóa một rào hoa chắn nước
Đây là thực nổi tiếng uy linh.
Lê Khánh Thọ, trong bài Vị Thánh trại Nam Hà viết lại câu chuyện cầu cơ tại trại tù Nam Hà ở Hà Tĩnh do thân phụ của tác giả, nguyên là Đại tá Tham mưu trưởng Quân Đoàn 2 trước năm 1975 thuật lại. Buổi cầu cơ xảy ra vào đêm 12-12-1979 tại phòng số 1 trại Nam Hà. Ngồi trong bàn cơ có sự hiện diện của cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc, cựu Phó Chủ tịch Hạ viện Hoàng Xuân Lãm, cựu Bộ trưởng Lê Ngọc Chấn, linh mục Nguyễn Văn Minh. Vị thánh cho thơ là lãnh tụ Cần vương Đình nguyên Phan Đình Phùng (1847-1895) danh hiệu Tùng La.
Bài thơ Thánh dạy thuộc thể thuận nghịch độc, như sau:
Bài thơ đọc xuôi:
Vay trả cuộc đời thói đổi thay
Bể dâu riêng khóc hận vơi đầy
Tay khoanh há dễ ôm hờn tủi
Mặt ngoảnh đành cam chịu đắng cay.
Hay dở biết nhìn khi phải tỉnh
Đảo điên trông thấy lúc cần say
Mày râu giữ trọn nguyền sông núi
Vay thỏa sức bằng đợi gió mây.(2)
Bài thơ đọc ngược:
Mây gió đợi bằng sức thỏa vay
Núi sông nguyền trọn giữ râu mày
Say cần lúc thấy trông điên đảo
Tỉnh phải khi nhìn biết dở hay
Cay đắng chịu cam đành ngoảnh mặt
Tủi hờn ôm dễ há khoanh tay
Đầy vơi hận khóc riêng dâu bể
Thay đổi thói đời cuộc trả vay.
Chắc hẳn những anh em trong trại tù khi biết bài thơ này đã thấy tâm hồn mình phơi phới một niềm tin vào tương lai đầy hứa hẹn. Và biết đâu đây chẳng là “ý của thánh” muốn mọi người tù chúng ta phải luôn luôn giữ vững lý tưởng mà mình đã theo đuổi dù bây giờ tạm thời phải nằm yên:
Mày râu giữ trọn nguyền sông núi
Vay thỏa sức bằng đợi gió mây.
Đọc xuôi rồi lại đọc ngược bằng chữ Việt đã là khó. Vậy mà có tác giả lại làm loại thơ đọc xuôi là thơ chữ Hán, đọc ngược thành thơ chữ Nôm mới thật là công phu và tài tình.
Ta thử đọc bài thơ Phong Hoa Tuyết Nguyệt của Vũ Duy Thanh (1806-1861). Ông người làng Kim Bồng tỉnh Ninh Bình, thi đình đỗ Bảng nhãn khoa Chế khoa Cát sĩ niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851), làm quan đến Quốc tử giám Tế tửu, người đời thường gọi là cụ Bảng Kim Bồng.
Tác phẩm của cụ gồm có: "Bồng châu Vũ tiên sinh thi văn" và "Trừng Phủ thi tập".
Đọc xuôi là một bài thơ chữ Hán:
Thi đàn tế liễu lộng hoa hài
Khách bộ tùy sương, ấn bích đài
Kỳ cục đả phong thanh áp trận
Tửu biều nghinh tuyết bạch hòa bôi
Sơ liêm thấu nguyệt hương ly cúc
Yến tịch lăng hoa vị át mai
Phi phất lĩnh đầu chiêm tĩnh điếm
Thi đàn tế liễu lộng hoa hài. (3)
Lãng Nhân dịch nghĩa:
Đi hài hoa đến thi đàn, qua rặng liễu nhỏ
Lốt giầy khách đi sớm in trên rêu biếc
Nhân lúc gió mát đánh cuộc cờ
Có tuyết xuống nghiêng bầu rượu uống
Vườn cúc bong trăng soi qua rèm thưa
Mùi hương hoa mai đưa vào tiệc yến
Phất phơ gió thổi qua điếm vắng trên đỉnh núi
Đi hài hoa đến thi đàn, qua rặng liễu nhỏ.
Đọc ngược thành bài thơ chữ Nôm:
Giầy hoa lỏng lẻo tới đàn thơ
Điếm lạnh xem đầu núi phất phơ
Mai át mùi hòa lừng tiệc yến
Cúc lìa hương nguyệt thấu rèm thưa
Chén hòa bạch tuyết nghiêng bầu rượu
Trận áp thanh phong đánh cuộc cờ
Rêu biếc in sương theo bước khách
Giầy hoa lỏng lẻo tới đàn thơ.
Khi đọc ngược bài thơ chữ Hán ra bài thơ chữ Nôm, chúng ta sẽ bắt gặp những cách đọc chữ Nôm của cha ông ta ngày xưa. Chữ Nôm là loại chữ ô vuông như chữ Hán nhưng không phải là chữ Hán và được mượn từ chữ Hán để sáng tạo chữ Nôm. Về cách đọc những chữ Hán thì tùy chữ đứng trong câu thơ, câu văn mà có cách đọc khác nhau. Như trong bài thơ trên, khi đọc ngược thành thơ chữ Nôm, ta có những cách đọc sau đây theo phân tích của nhà biên khảo Trần Văn Giáp (1902-1973) trong tác phẩm "Lược khảo vấn đề chữ Nôm":
* Chữ mượn cả âm lẫn nghĩa: (từ Hán-Việt) hoa, đàn (câu 1), điếm, đầu (câu 2), mai, hoa, yến (câu 3)…
* Chữ chỉ mượn nghĩa, gọi là đọc nghĩa: hài nghĩa là chiếc giày, đọc giày – thi nghĩa là thơ, đọc thơ (câu 1), chiêm nghĩa là xem, đọc xem - lĩnh nghĩa là núi, đọc núi (câu 2), vị nghìa là mùi vị, đọc là mùi (câu 3)…
* Chữ chỉ mượn âm:
- đọc đúng âm:
- đọc chệch âm: lộng liễu đọc thành lỏng lẻo, tế đọc thành tới (câu 1), phất phi đọc là phất phơ (câu 2), lăng đọc là lừng – tịch đọc là tiệc (câu 3)…
Cách phiên âm Nôm văn tự Hán tức những từ Hán Việt như nêu ra ở trên là một sáng tạo độc đáo của các nhà nho Việt Nam ngày xưa.
Cũng bài này nhưng trong Văn Đàn Bảo Giám do Trần Trung Viên sưu tập lại ghi tên tác giả là Nguyễn Dực Tôn (tức vua Tự Đức, 1848-1883) và ghi nhan đề là "Xuân Hứng",/b>.
Bài Xuân Hứng được ghi như sau:
Đọc xuôi là một bài thơ chũ Hán:
Thi đàn tế liễu lộng hoa hài
Khách bộ tùy sương ẩn bích đài
Kỳ cục đa thanh phong giáp trận
Tửu hồ khuynh bạch tuyết hòa bôi
Sơ liêm thấu nguyệt hương lung chúc
Tuyết án lăng hoa vị áp mai
Phi phất thảo am đầu tĩnh điếm
U tình cố nại thuộc quyên ai. (4)
Đọc ngược là một bài thơ chữ Nôm:
Ai quen thuộc nấy có tình ư
Điếm tĩnh đầu am cỏ phất phơ
Mai áp vị hoa lăng án tuyết
Chúc lồng hương nguyệt thấu rèm thưa
Bôi hòa tuyết bạch nghiêng bầu rượu
Trận giáp phong thanh đánh cuộc cờ
Rêu biếc in sương theo bước khách
Hài hoa lỏng lẻo túi đàn thơ.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu thêm một bài thơ của Phạm Thái (1777-1813). Phạm Thái còn có tên là Phạm Đan Phượng, tự xưng Chiêu Lỳ, là một nhà thơ tên tuổi thời cuối Lê đầu Nguyễn, tác giả của tập truyện thơ Sơ Kính Tân Trang mà nội dung một phần dựa vào mối tình tuyệt vọng của ông với nàng Trương Quỳnh Như. Bài thơ này cũng làm theo hình thức giống như bài trên, tức là xuôi là thơ Hán, đọc ngược là thơ Nôm, cách phiên âm từ Hán ra Nôm cũng theo nguyên tắc như đã được nói ở trên:
Đọc xuôi là một bài thơ chữ Hán:
Thanh xuân khóa liễu lãnh tiêu phòng
Cẩm trục đình châm ngại điểm trang
Thanh lượng độ tiên phù phất lục
Đạm hy tán cúc thái sơ hoàng
Tình si dị tố liêm biên nguyệt
Mộng xúc tằng liêu trướng đỉnh sương
Tranh khúc cưỡng khiêu sầu tự bạn
Oanh ca nhã vịnh các tiêu hương. (5)
Đọc ngược là một bài thơ chữ Nôm:
Hương tiêu gác vắng nhặt ca oanh
Bận mối sầu khêu gượng khúc tranh
Sương đỉnh trướng gieo từng giục mộng
Nguyệt bên rèm, tỏ dễ si tình
Vàng tha thướt, cúc tan hơi đạm
Lục phất phơ, rêu đọ rạng thanh
Trang điểm ngại chăm, dừng trục gấm
Phòng tiêu lạnh lẽo khóa xuân xanh.
Chúng ta vừa mới chứng kiến sự biến hóa kỳ diệu khôn lường của ngôn ngữ Việt Nam – một sự biến hóa mà chúng tôi nghĩ chỉ có thể xảy ra cho ngôn ngữ Việt Nam sau khi tiếp thu và sáng tạo cách phiên âm ngôn ngữ Hán sang ngôn ngữ Việt và từ ngôn ngữ Hán-Việt đó lại phiên âm ra ngôn ngữ Việt thuần túy như lộng liễu (âm Hán-Việt) đọc thành lỏng lẻo (âm Nôm thuần túy)…
Trong mấy năm gần đây, chúng tôi bắt gặp trên các trang web văn chương một bài thơ được truyền tụng như một sáng tạo độc đáo của tác giả - một bài thơ có 8 cách đọc thành 8 bài thơ khác nhau! Tất cả đều cho rằng bài thơ này xuất hiện đã lâu và không biết tác giả là ai và chỉ giới thiệu là "Bài thơ Xuân" có 8 cách đọc, chúng tôi xin sao lục dưới đây:
Bài 1: Bài thơ gốc đọc xuôi:
Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.(6)
Bài 2: Bài thơ gốc đọc ngược:
Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.
Bài 3: Bỏ hai chữ đầu mỗi câu trong bài gốc:
Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.
Bài 4: Bỏ hai chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược:
Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.
Bài 5: Bỏ ba chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc xuôi:
Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.
Bài 6: Bỏ ba chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược:
Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.
Bài 7: Bỏ bốn chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, đọc xuôi:
Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.
Bài 8: Bỏ bốn chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược:
Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.
Trong bài “Hàn Mặc Tử, anh là ai?”, nhà thơ Chế Lan Viên, một bạn thơ rất thân của Hàn Mặc Tử đã giới thiệu một bài thơ thuận nghịch độc của Hàn Mặc Tử như sau:
“...Hàn Mặc Tử có tài rất sớm. Tản Đà đã định khen thơ Anh trên báo nhưng rồi tiên sinh qua đời. Làm một bài như bài thơ Cửa sổ đêm khuya đọc lui đọc ngược sáu cách. Tử rất giỏi.
Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
Xa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá
Hòa đàn sẵn có dế bên tường. (7)
Đọc xuôi, đọc ngược, bỏ hai chữ đầu đọc xuôi, bỏ hai chữ cuối đọc xuôi, bỏ hai chữ đầu đọc ngược, bỏ hai chữ cuối đọc ngược.
Tử làm bài ấy lúc 17, 18 tuổi, cũng là một cách xem thường tài vua Tự Đức. Sau này, có lúc Tử tự xem mình là "vua nhà Nguyễn bay trên mây", cái mầm mống phạm thượng biết đâu không bắt đầu từ lúc làm thơ thuận-nghịch-độc ấy”.
Chúng tôi đã làm theo lời hướng dẫn của nhà thơ Chế Lan Viên và đã đi đến kết quả như sau:
Bài 2. Đọc ngược:
Tường bên dế có sẵn đàn hòa
Lá ủ dâu ngàn yến lại qua
Bàng bẽ rượu thơ ngâm bạn vắng
Láng lai tình cảnh nhớ người xa
Hương đưa gió thoảng mai hờ hững
Bóng gợn hồ in liễu thướt tha
Vương vấn nỗi thêm buồn cảnh lạ
Gương lồng cửa rọi nguyệt cười hoa.
Bài 3. Bỏ hai chữ đầu đọc xuôi:
Nguyệt rọi cửa lồng gương
Buồn thêm nỗi vấn vương
Liễu in hồ gợn bóng
Mai thoảng gió đưa hương
Nhớ cảnh tình lai láng
Ngâm thơ rượu bẽ bàng
Yến ngàn dâu ủ lá
Sẵn có dế bên tường...
Bài 4. Bỏ hai chữ cuối đọc ngược:
Dế có sẵn đàn hoà
Dâu ngàn yến lại qua
Rượu thơ ngâm bạn vắng
Tình cảnh nhớ người xa
Gió thoảng mai hờ hững
Hồ in liễu thướt tha
Nỗi thêm buồn cảnh lạ
Cửa rọi nguyệt cười hoa.
Bài 5. Bỏ 2 chữ cuối đọc xuôi:
Hoa cười nguyệt rọi cửa
Lạ cảnh buồn thêm nỗi
Tha thướt liễu in hồ
Hững hờ mai thoảng gió
Xa người nhớ cảnh tình
Vắng bạn ngâm thơ rượu
Qua lại yến ngàn dâu
Họa đàn sẵn có dế
Bài 6. Bỏ 2 chữ đầu đọc ngược:
Tường bên dế có sẵn
Lá cỏ dấu ngàn yến
Bàng bẽ rượu thơ ngâm
Láng lai tình cảnh nhớ
Hương đưa gió thoảng mai
Bóng gợn hồ in liễu
Vương vấn nỗi thêm buồn
Gương lồng cửa rọi nguyệt.
Sau khi viết thành 6 bài đúng như lời hướng dẫn của nhà thơ Chế Lan Viên, chúng tôi có nhận xét như sau:
* Bốn bài đầu (đọc xuôi, đọc ngược, bỏ 2 chữ đầu đọc xuôi, bỏ 2 chữ cuối đọc ngược) không có gì trở ngại về ý nghĩa và vận luật.
* Hai bài cuối (số 5: bỏ 2 chữ cuối đọc xuôi, số 6: bỏ 2 chữ đầu đọc ngược) không thể xem là một bài ngũ ngôn bát cú vần trắc được vì cả 2 bài đề hoàn toàn không có vần:
Bài 5: cửa – nỗi – gió – rượu – dế: 5 chữ này không có vần với nhau, dù là vần thông (tức vần gần đúng như a với oa chẳng hạn)
Bài 6: sẵn – yến – nhớ - liễu – nguyệt: 5 chữ này cũng hoàn toàn có vần với nhau.
Chúng tôi thử làm theo cách của Bài Thơ Xuân 8 cách đọc ở trên thì thấy bài thơ của Hàn Mặc Tử cũng có thể có 8 cách đọc tương tự. Các bạn có thể làm như sau:
* Cắt 1 chữ đầu mỗi câu trong bài 3 và bài 4 ta có 2 bài thơ loại 8 câu 4 chữ.
* Cắt 2 chữ đầu mỗi câu trong bài 3 và bài 4 ta có 2 bài thơ loại 8 câu 3 chữ.
Trong bài biên khảo “Niêm luật thơ Đường luật”, (8) sau khi giới thiệu một bài thơ thuộc lối thuận nghịch độc, tác giả Vân Hạc đã viết:
-“Nói tóm lại, một bài thơ làm theo thể Thuận Nghịch, nếu được chọn từ một cách khéo léo, sẽ được thành 8 bài Bát Cú. Đó là điểm độc đáo của thể Thuận Nghịch”.
Chúng tôi nghĩ, lời nhận xét của ông Vân Hạc không phải không gần sự thật. Có thể nói, phần lớn (chứ không phải là tất cả) những bài thơ thuộc thể thuận nghịch độc đều có thể đọc thành 8 cách như cách đọc "Bài Thơ Xuân" dẫn thượng, tuy có một số bài đọc không được suôn sẻ lắm hay ở một vài câu ý nghĩa có vẻ ngô nghê!
Nghĩ đến kỹ thuật làm thơ “thuận nghịch độc”, người viết lại nghĩ đến nhà thơ Giả Đảo (779-843) đời Đường của Tàu ngày xưa. Ông nguyên là một nhà sư hoàn tục. Có giai thoại kể rằng, có một lần Giả Đảo cưỡi lừa đi thăm bạn, trên đường đi ông nghĩ được hai câu thơ: “Điểu túc trì biên thụ - Tăng thôi nguyệt hạ môn” nghĩa là: Chim ngủ ở cây bờ ao – Nhà sư đẩy cửa dưới trăng. Giả Đảo phân vân không biết nên dùng chữ “thôi” nghĩa là “đẩy cửa” hay dùng chữ “xao” nghĩa là “gõ cửa”. Ông dừng cương xuống ngựa, rồi thì ông tưởng tượng mình là nhà sư vừa giả bộ đẩy cửa (thôi) vừa giả bộ gõ cửa (xao).
Trong lúc Giả Đảo vừa “thôi” vưa “xao” như vậy thì có một toán quân đang hộ tống một viên quan đi ngang qua. Thấy điệu bộ kỳ lạ của Giả Đảo, toán quân bèn bắt ông giải đến trước mặt viên quan. Viên quan ấy chính là quan giám sát ngự sử mà cũng là nhà thơ Hàn Dũ (763-824) nổi tiếng đương thời. Giả Đảo trình bày tự sự đầu đuôi, Hàn Dũ bèn góp ý là dùng chữ “xao” (gõ) có vẻ nhẹ nhàng lại có cả động tác lẫn âm thanh chứ dùng chữ “thôi” (đẩy) hình ảnh vừa có vẻ nặng nề mà lại chỉ nói lên mỗi động tác mà thôi.
Từ đó về sau, trong nghệ thuật làm thơ viết văn người ta thường dùng từ “thôi xao” để nói lên tính cẩn trọng cân nhắc từng chữ, từng lời khi gọt dũa câu thơ, câu văn. Mà Giả Đảo quả là một tay quán quân trong nghệ thuật “thôi xao”. Ông đã từng than trong bài thơ Tuyệt cú:
Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm như bất thưởng
Quy ngọa cố sơn thu.
Trần Trọng San dịch thơ:
Hai câu làm mất ba năm
Một ngâm lả chả hai hàng lệ rơi
Tri âm nếu chẳng đoái hoài
Trở về núi cũ năm dài với thu
Ba năm mới làm được hai câu thơ? Trời ạ! Chỉ có Giả Đảo! Vậy mà ở Việt Nam ngày nay, có một nhà thơ đã có thể làm rất nhiều bài thơ theo lối thuận nghịch độc. Nếu ngày tháng ghi ở cuối bài thơ là ngày tác giả sáng tác bài thơ đó thì ta có thể thấy chỉ trong hai ngày, tác giả đã có thể làm 3 bài thơ thuận nghịch độc. Đó là nhà thơ Đông Hòa. Bạn nào muốn đọc thêm thơ thuận nghịch độc của ông, các bạn có thể tìm vào trang mạng giaomua.com của nguyệt san Giao Mùa, các bạn sẽ được đọc rất nhiều bài thuộc lối thuận nghịch độc của nhà thơ Đông Hòa. Sau đây chúng tôi chỉ giới thiệu 3 bài: (9)
GIANG TRƯỜNG KHÚC BIỆT.
(Thuận nghịch độc – Thủ vỹ ngâm)
Bài đọc xuôi:
Trời sáng đợi mây đón ẩn sương
Úa nâu màn đục bóng Giang Trường
Vơi trăng áng khuyết vương mờ dáng
Nhẹ gió vườn nghiêng toả nhạt hương
Lời oán gửi đau hồn vọng nhớ
Tiếng hờn trao xót dạ cuồng thương
Phơi đêm trút hận tình mong mỏi
Trời sáng đợi mây đón ẩn sương.
Bài đọc ngược:
Sương ẩn đón mây đợi sáng trời
Mỏi mong tình hận trút đêm phơi
Thương cuồng dạ xót trao hờn tiếng
Nhớ vọng hồn đau gửi oán lời
Hương nhạt tỏa nghiêng vườn gió nhẹ
Dáng mờ vương khuyết ánh trăng vơi
Trường Giang bóng đục màn nâu úa
Sương ẩn đón mây đợi sáng trời
Đông Hòa
29.11.2007
VƯƠNG TÌNH GỐI MỘNG
(thuận nghịch độc – thủ vỹ ngâm)
Bài đọc xuôi:
Vương tình gối mộng thả hồn say
Bạn hỡi, đây lòng nặng nhớ ai
Đường khuất dáng chêm sầu rớm lệ
Bến xa hồn lặng oán đùa tay
Thương rời tiếng đợi vườn sao khuyết
Xót gửi lời trao bóng nguyệt đầy
Sương ảo lạnhmờ tâm đón vọng
Vương tình gối mộng thả hồn say.
Bài đọc ngược:
Say hồn thả mộng gối tình vương
Vọng đón tâm mờ lạnh ảo sương
Đầy nguyệt bóng trao lời gửi xót
Khuyết sao vườn đợi tiếng rời thương
Tay đùa oán lặng hồn xa bến
Lệ rớm sầu chêm dáng khuất đường
Ai nhớ nặng lòng đây, hỡi bạn
Say hồn thả mộng gối tình vương.
Đông Hòa
30.11.07
MỪNG XUÂN MỚI (12)
(thuận nghịch độc – thủ vỹ ngâm)
Bài đọc xuôi:
Xuân chờ tiếng rộn đón mừng xuân
Cửa gióng reo chào liễn chữ dăm
Sân trước nổ rền dong pháo đỏ
Ngõ trên pha ửng bóng hoa xanh
Vàng mai cánh gửi mừng lời trọn
Trắng huệ cành trao chúc ý thành
Tràn ngập giọng vang người khắp phố
Xuân chờ tiếng rộn đón mừng xuân.
Bài đọc ngược:
Xuân mừng đón rộn tiếng chờ xuân
Phố khắp người vang giọng ngập tràn
Thành ý chúc trao cành huệ trắng
Trọn lời mừng gửi cánh mai vàng
Xanh hoa bóng ửng pha trên ngõ
Đỏ pháo dong rền nổ trước sân
Dăm chữ liễn chào reo gióng cửa
Xuân mừng đón rộn tiếng chờ xuân
Đông Hòa
30.11.07
Như ở trên chúng ta đã thấy, người xưa chỉ làm thơ thuận nghịch độc theo thể thơ "thất ngôn bát cú". Gần đây chúng ta lại thấy xuất hiện loại thơ lục bát thuận nghịch độc. Làm thơ "lục bát thuận nghịch độc" có lẽ khó làm nên chúng ta chỉ mới thấy vài tác giả làm theo lối thơ này mà cũng chỉ làm mỗi bài hai câu lục bát rồi đọc ngược thành ra bài thơ bốn câu. Sau đây chúng tôi xin sao lục mấy bài thơ lục bát thuận nghịch độc (10) của tác giả Phạm Đan Quế trong Vietnamsingle/ Nhịp cầu duyên:
HƯƠNG QUÊ
Hương quê nặng trĩu mây trời
Ngời ngời gương chiếu thắm tươi xuân trường
Trời mây trĩu nặng quê hương
Trường xuân tươi thắm chiếu gương ngời ngời
THƯƠNG YÊU
Ngày ngày tháng tháng yêu thương
Trường canh ngây ngất vấn vương đêm ngày
Thương yêu tháng tháng ngày ngày
Ngày đêm vương vấn ngất ngây canh trường
TIẾC NHỚ
Đầy vơi nhớ tiếc mênh mông
Trông vời ngày tháng nhớ mong mai rày
Mông mênh tiếc nhớ vơi đầy
Rày mai mong nhớ tháng ngày vời trông
MONG CHỜ
Đời xuân trả nợ tơ lòng
Mong chờ sùi sụt ngóng trông ngùi ngùi
Lòng tơ nợ trả xuân đời
Ngùi ngùi trông ngóng sụt sùi chờ mong
Ông Đỗ Quang Vinh, tác giả của tập biên khảo Tiếng Việt Tuyệt Vời, đồng thời cũng là một nhà thơ tác giả thi phẩm Về Nguồn đã sáng tạo một lối thơ riêng được gọi là thơ lục bát độc vận liên hoàn thuận nghịch độc (11). Theo Đỗ Quang Vinh, với lối thơ nầy, hai câu đầu đọc xuôi, hai câu kế tiếp đọc ngược. Đọc hết bài 8 câu lại đọc trở lại từ đầu thành thể liên hoàn:
Chang chang nắng nhuộm nương đồng (17)
Mông mênh vàng thắm núi sông buôn làng
Đồng nương nhuộm nắng chang chang
Làng buôn sông núi thắm vàng mênh mông
Trông vời tổ quốc Tiên Rồng
Bồng bềnh mong nhớ nặng lòng sao đang?
Rồng Tiên quốc tổ vời trông
Đang sao lòng nặng nhớ mong bềnh bồng
Chang chang nắng nhuộm nương đồng
Mông mênh vàng thắm núi sông buôn làng…
Đọc theo kiểu “liên hoàn” này khiến cho chúng tôi lại nhớ đến những bài ca dao cũng có thể bắt chước theo lối đọc “liên hoàn” như ông Đỗ Quang Vinh đề nghị:
Không đi thì nhớ thì thương
Ra đi lại mắc cái mương cái cầu
Không đi thì nhớ thì sầu
Ra đi lại mắc cái cầu cái mương
Không đi thì nhớ thì thương…
Hay:
Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá mà quàng phải dây
Thủng thẳng như chúng anh đây
Chẳng đá nào vấp chẳng dây nào quàng
Đi đâu mà vội mà vàng…
Nhà thơ Phạm Đan Quế, trong Nhịp Cầu Duyên của Vietnamsingle cũng đã giới thiệu lối thơ "song thất lục bát thuận nghịch độc" của ông làm như sau:
THƠ VỊNH KIỀU (12)
1. Kim Kiều ước hẹn
Đọc xuôi:
Cùng ước nguyện trao hoa tặng quạt
Biển chỉ non thề nhạt chẳng phai
Lòng tơ ước hẹn lâu dài
Ngày ngày trông ngóng đất trời vần xoay
Đọc ngược:
Phai chẳng nhạt thề non chỉ biển
Quạt tặng hoa trao nguyện ước cùng
Dài lâu hẹn ước tơ lòng
Xoay vần trời đất ngóng trông ngày ngày
2. Lưu lạc
Đọc xuôi:
Trưa sớm trải thân Kiều thờ thẫn
Mãi phai son nhạt phấn đêm ngày
Mưa dầu gió dãi chua cay
Lòng đau xơ xác đoạ đày thâu canh
Đọc ngược:
Ngày đêm phấn nhạt son phai mãi
Thẫn thờ Kiều thân trải sớm trưa
Cay chua dãi gió dầu mưa
Canh thâu đày đoạ xác xơ đau lòng
3. Kim Kiều tái ngộ
Đọc xuôi:
Dang dở bạc mệnh tình duyên nợ
Sắc lẫn tài cùng ngộ hạnh duyên
Thương yêu ước hẹn thề nguyền
Đầy vơi hương lửa vẹn tuyền Kiều Kim
Đọc ngược:
Duyên hạnh ngộ cùng tài lẫn sắc
Nợ duyên tình mệnh bạc dở dang
Nguyền thề hẹn ước yêu thương
Kim Kiều tuyền vẹn lửa hương vơi đầy
Khi đọc ngược phải chú ý nguyên tắc sau đây: Mỗi một bài song thất lục bát là một khổ thơ gồm 2 câu 7 chữ (câu số 1, câu số 2 tức song thất), rồi đến câu 6 chữ (câu số 3 tức câu lục) và câu 8 chữ (câu số 4 tức câu bát). Khi đọc ngược, đọc ngược câu số 2 trước rồi lên câu số 1, rồi đọc ngược câu số 3 (câu lục) cà cuối cùng đọc ngược câu số 4 (câu bát).
Trong Nam Thi Hợp Tuyển, một tác phẩm bình luận chuyên biệt về các bài thơ Nôm Đường luật của các nhà thơ cổ điển Việt Nam, trong đó tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã bình luận về một bài thơ thuộc lối thơ thuận nghịch độc.
Đó là bài Hồ Tây:
Đây vui thực lạ cảnh Tây Hồ,
Trước tự trời kia khéo vẽ đồ.
Mây lẩn nước xanh màu tỏ ngọc,
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu.
Cây la tán rợp từng cao thấp,
Sóng gợn cầm tâu nhịp nhỏ to.
Bày khéo thú vui non nước đủ,
Tây Hồ giá ấy dễ đâu so? (13)
Sau khi phê bình những từ, những cụm từ non già trong bài thơ, Nguyễn Văn Ngọc tiên sinh đã hạ một câu như muốn sổ toẹt cả bài thơ:
-“Nên cái bài Tây Hồ này kém lắm, kém cả về đường tư tưởng, cả về dường văn chương.”
Thế nhưng, chỉ sau đó vài câu, tiên sinh đã nêu lên cái lý do tại làm sao bài thơ lại bị hỏng:
-“Là tại dĩ văn hại từ, là tại vì gò chữ, bó câu quá mà ý hỏng, nghĩa sai. Quả vậy, bài thơ này không phải là một bài thơ thường như các bài thơ khác, nhưng một bài thơ, làm cái lối đọc xuôi xuống hay lộn ngược lên được cả, cái lối xưa nay gọi là thuận nghịch độc.”
Sau đó tác giả giới thiệu bài Hồ Tây đọc ngược:
So đâu dễ ấy giá Hồ Tây?
Đủ nước non vui thú khéo bày.
To nhỏ nhịp tâu cầm gợn sóng,
Thấp cao từng rợp tán la cây.
Châu in vẻ ngọc, hoa lồng nguyệt,
Ngọc tỏ màu xanh, nước lộn mây.
Đồ vẽ khéo kia trời tự nước,
Hồ Tây cảnh lạ thực vui đây.
Và rồi tiên sinh đã hạ một lời khen thật hào sảng:
-“Tài thật! Khéo thật! Chữ đầu thành ra chữ cuối, câu cuối hóa ra câu đầu, mà ý nghĩa vẫn không suy chuyển, âm vận vẫn không thất thố, ấy mới là một cách làm văn quái lạ, một lối làm thơ nói lái khó khăn vậy.”
Tiên sinh cũng thừa nhận có vài từ, vài cụm từ “nghe có vẻ ngẩn ngơ như mán xá một chút...Nhưng cái lối thuận nghịch độc là cái lối nó bắt buộc như thế, cởi gỡ ra làm sao?”
Chúng tôi nghĩ, lời khen hào sảng cũng như câu nhận xét cuối cùng với câu hỏi lửng như vừa được dẫn thượng của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc tiên sinh quả là có thể áp dụng cho phần lớn những bài thơ thuận nghịch độc mà chúng tôi vừa sao lục trong bài viết này.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Tài liệu tham khảo:
(1) Chơi Chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – trang 191-192 (bản in tại Hoa Kỳ)
(2) Vị Thánh trại Nam Hà – Lê Khánh Thọ - phanchautrinhdanang.com
(3) Giai Thoại Làng Nho – Phùng Tất Đắc – trang 196-197
(4) Văn Đàn Bảo Giám (quyển I) – Trần Trung Viên – trang 18
(5) Sửa đổi cách viết tiếng Việt – Đức Trần – Wikipedia (tiếng Việt).
(6) Bài thơ Xuân có 8 cách đọc trong Quán Thơ – VNCR
(7) Diễn đàn Văn học Nghệ thuật trong Khanhly.net / Phố Xưa
(8) Niêm luật thơ Đường – Vân Hạc – Community.Vietfun.com
(9) Đông Hòa trong nguyệt san Giao Mùa (giaomua.com)
(10) Nhịp Cầu Duyên trong Vietnam single.com
(11) Đỗ Quang Vinh – Thi phẩm Về Nguồn
(12) Nhịp Cầu Duyên trong Vietnamsingle.com
(13) Nam Thi Hợp Tuyển – Nguyễn Văn Ngọc – trang 132
Phụ luc:
Sau đây, chúng tôi xin sao lục thêm một số bài thuộc thể Đường luật thất ngôn bát cú để các bạn đọc khỏi mất công tìm kiếm.
GỞI THĂM ÔNG TAM XUYÊN
Tác giả: Tôn Thất Diệm
Bài đọc xuôi:
Tình chung mấy nẻo cách Tây Đông
Cảnh nhớ đêm trăng thưởng chén nồng
Sênh nhịp tiếng đàn ta với bạn
Vận hòa câu vịnh ý ưa lòng
Ngành chen trắng đã mai non khắp
Lá nhuốm xanh còn liễu dặm trông
Dành để cuộc chơi người nguyện ước
Quanh vòng hỏi bến ngả ba sông
Bài đọc ngược:
Sông ba ngả bến hỏi vòng quanh
Ước nguyện người chơi cuộc để dành
Trông dặm liễu còn xanh nhuốm lá
Khắp non mai đã trắng chen ngành
Lòng ưa ý vịnh câu hòa vận
Bạn với ta đàn tiếng nhịp sênh
Nồng chén thưởng trăng đêm nhớ cảnh
Đông Tây cách nẻo mấy chung tình.
NGHE TIẾNG ĐÀN NHỚ BẠN ĐÀNG XA
Tác giả: Thảo Am Nguyễn Khoa Vy
Bài đọc xuôi:
Ai đàn tiếng vẳng vẳng nghe xa
Nhớ tưởng thêm lòng nỗi thiết tha
Lai láng lệ mình khi nghĩ lại
Thẳng dùi chân đó lúc đi ra
Tai quen giọng lý câu tình tự
Ý thích lời ngâm khúc nguyệt hoa
Phai lợt nỡ nào lòng chí quyết
Dài lâu ngãi kết bạn cùng ta
Bài đọc ngược:
Ta cùng bạn kết ngãi lâu dài
Quyết chí lòng nào nỡ lạt phai
Hoa nguyệt khúc ngâm lời thích ý
Tự tình câu lý giọng quen tai
Ra đi lúc đó chân dùi thẳng
Lại nghĩ khi mình lệ láng lai
Tha thiết nỗi lòng thêm tưởng nhớ
Xa nghe văng vẳng tiếng đàn ai
ĐÊM TRĂNG GỢN SÓNG
Tác giả: Hùng Nam Yến
Bài đọc xuôi:
Thuyền chèo sóng vỗ nước trăng pha
Hẹn ước tìm thơ khách bước qua!
Viền thắm núi xa, sao lóe sáng,
Nhuộm mờ sông biếc sóng buông xa.
Xuyên lòng áng mộng dòng theo nhịp,
Phả nhớ nguồn tình gợi khúc ca.
Chen sóng đuổi thơ, người lẳng lặng,
Duyên tơ dấu gợn nước lờ xa…
Bài đọc ngược:
Xa lờ nước gợn dấu tơ duyên
Lẳng lặng người thơ đuổi sóng chen
Ca khúc gợi tình, nguồn nhớ phả
Nhịp theo dòng mộng, áng lòng xuyên
Xa buông sóng biếc, sông mờ nhuộm
Sáng lóe sao xa, núi thắm viền
Qua bước khách thơ tìm ước hẹn
Pha trăng nước vỗ sóng chèo thuyền…