Sóng nước Châu Giang hồn tuấn kiệt,
Mây chiều Yên Thế bóng thuyền quyên,
Nhắc câu kim cổ xây tin tưởng...
(Nữ sĩ Ngân Giang)
1.
Châu Giang trong mấy câu thơ trên không phải là bến phà Châu Giang trên bờ sông Hậu, bên kia thị xã Châu Đốc, trên đường đi Tân Châu, mà là tên của một dòng sông rất đẹp ở Quảng Châu, Trung Hoa, nơi quần anh tụ hội các nhà cách mạng Việt Nam thuở đầu thế kỷ 20. Tên đất Châu Giang ấy gợi nhớ tới vị anh hùng Phạm Hồng Thái 28 tuổi, đã trầm mình xuống dòng sông đó sau khi ám sát hụt Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin của thực dân Pháp năm 1924. Di thể của Phạm liệt sĩ được người Trung Hoa kính cẩn mang vào an táng ở Hoàng Hoa Cương, nơi có mộ 72 vị liệt sĩ của họ. Tuy thế, trong lịch sử cách mạng cận đại của Việt Nam, kẻ đầu tiên trầm mình ở dòng Châu Giang không phải là Phạm liệt sĩ mà là một chí sĩ người Quảng Ngãi: Liệt sĩ Võ Quán.
Võ Quán quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông ra đời năm Ất Dậu 1885; tự là Trọng Kinh, bí danh là Lam Quảng Trung. Ở tuổi thanh niên, hưởng ứng lời kêu gọi Đông du của Phan Bội Châu, ông lên đường sang Nhật bản, vào học trường Đồng Văn Thư Viện. Sau khi Nhật trục xuất các sinh viên Đông du, ông quay về Trung Hoa, theo học trường võ bị. Không những thông thạo Hán văn, ông còn rành tiếng La-tinh, một cổ ngữ căn bản của giới thượng lưu trí thức phương tây, và Anh ngữ, một ngôn ngữ còn rất mới lạ đối với giới sĩ phu của ta thời bấy giờ.
Tới năm Giáp Dần 1914, Võ Quán trở về Việt Nam. Ông bắt đầu lang thang khắp vùng biên giới Hoa Việt, quan sát địa hình ở hai vùng đất Điền và đất Quế (tức là Vân Nam và Quảng Đông), để trong tương lai có thể dùng làm căn cứ quân sự cho cuộc khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp. Nghiên cứu chưa được bao lâu thì ông lâm bạo bệnh, phải vào Y viện Dương Thành (Quảng Châu). Điều trị liên tục mấy tuần nhưng trọng bệnh không thuyên giảm, ông phẫn chí nói: “Đấng trượng phu nên ra sa trường uống máu quân thù mà nay nằm thoi thóp trên giường bệnh, há không thẹn lắm ru?” Sau đó ít lâu, bệnh vẫn trầm kha, ông tức giận, gieo mình xuống dòng Châu Giang tự tử. Lúc ấy là vào năm Bính Thìn 1916, ông hưởng dương 31 tuổi.
Phan Bội Châu có thơ điếu, so sánh chí khí của Võ Quán với Lỗ Liên và Khuất Nguyên, hai đại danh thần Trung Hoa:
Tần đế Lỗ Liên tàm,
Sở trọc, Khuất Bình phẩn.
Hương cốt đầu thanh lưu,
Giang ải vô thời tận.
Bản dịch:
Tần đế, Lỗ Liên thẹn,
Sở đục, Khuất Bình giận.
Xương thơm gieo dòng trong,
Sông bể không sao cạn.
2.
Khi thực dân Pháp xâm lăng nước Việt, những cuộc liều mình vì tổ quốc của các anh hùng liệt nữ tô thắm thêm dòng lịch sư û; trong đó sự tử tiết của Nguyễn Tri Phương, Hoàn Diệu... được nhắc tới rất nhiều, nhưng hẳn lịch sử không bao giờ quên vị tướng tử tiết đầu tiên chính là một người Quảng Ngãi: Võ Duy Ninh.
Võ Duy Ninh là một võ tướng dưới triều của Minh Mạng. Ông quê ở huyện Tư Nghĩa. Năm Giáp Ngọ 1858, ông nhậm chức Tổng đốc Định Biên (tức Gia Định và Biên Hòa) và tích cực lo việc trị an. Khi giặc Pháp tấn công thành Gia Định, trên cương vị Hộ đốc, ông anh dũng chỉ huy quân dân chống lại quân ngoại xâm. Ngày 4 tháng Giêng Kỷ Mùi (tức ngày 17-2-1859), giặc Pháp chiếm thành Gia Định, ông rút về thôn Phước Lý, huyện Phước Lộc, rồi thắt cổ chết không chịu đầu hàng quân địch.
Trong lịch sử Việt, ông là vị tướng lãnh cao cấp hi sinh đầu tiên ở miền Nam thời giặc Pháp mới bắt đầu cướp nước ta.
3.
Vị đại nguyên soái đầu tiên lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược miền Nam là người Quảng Ngãi: Ông Trương Công Định. Tên ông là Trương Định và được dân chúng lót thêm chữ Công để tỏ lòng kính trọng.
Vị anh hùng kháng Pháp này sinh năm 1820 tại Quảng Ngãi. Thân phụ ông là Lãnh binh Trương Cầm, làm quan ở Gia Định, chức Hữu thủy vệ úy. Từ nhỏ, Trương Định theo cha vào Gia Định, tới tuổi thành thân, ông lập gia đình với bà Lê thị Trưởng, con gái một phú hộ ở Tân An.
Năm 1850, Trương Định hưởng ứng chính sách khẩn hoang của Nguyễn Tri Phương, đứng ra chiêu mộ dân nghèo đi khai hoang lập ấp. Nhờ công trạng đó, ông được triều đình phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm. Từ đó, người đương thời gọi ông là Quản Định.
Khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (khoảng đường Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn và Vườn Bách thảo hiện nay), ông đem nghĩa quân lên đóng ở Thuận Kiều (Chợ lớn ngày nay) để chặn giặc và thắng nhiều trận ở Cây Mai, Thị Nghè...
Năm 1860, ông tham gia việc giữ đồn Kì Hòa (Hòa Hưng ngày nay) dưới quyền của Tổng trấn quân vụ Nguyễn Tri Phương. Sau khi đồn Kì Hòa thất thủ, Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển rút về Biên Hòa, ông vẫn tiếp tục chiến đấu nên được triều đình thăng chức Phó lãnh binh. Kể từ ngày ấy, ông cùng các chiến sĩ rút về Tân Hòa, Gò Công để xây dựng căn cứ kháng Pháp. Tại đó, ông tổ chức nhiều trận phục kích giặc Pháp trong một địa bàn rộng lớn từ Gò Công tới Tân An, Mỹ Tho, Chợ lớn... khiến lực lượng của địch bị tiêu hao rất nhiều.
Vì không chống cự nổi quân Pháp, triều đình Huế phải ký hòa ước Nhâm Tuất ngày 5.6.1962, nhường cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Việt là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường, đồng thời chịu sức ép của Pháp, buộc Trương Định phải bãi binh. Bù lại, vua Tự Đức phong cho ông làm lãnh binh và đổi ông đi An giang hầu làm cho phong trào nghĩa dân chống Pháp phải suy tàn. Ông triệt để chống lại lệnh thuyên chuyển, cương quyết ở lại cùng dân chúng chống Pháp. Nghĩa quân và dân chúng vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho... tôn xưng ông là Bình Tây Đại Nguyên soái.
Phát động cuộc khởi nghĩa, ông có bản tuyên ngôn công bố cùng quan chức Nam triều, trong đó có đoạn:
Tổng Tư lệnh nghĩa quân dũng cảm, Bình Tây Đại Nguyên Soái, Thống Tướng Trương Định và Bình Tây Phó súy cùng chư tướng chỉ huy.
Tuyên cáo với quan lại tỉnh Vĩnh Long:
Từ năm thứ 12 triều vua Tự Đức (1858), bọn man di Tây phương đã xâm nhập xứ này: chúng tiếp tục gây hấn và lần lượt chiếm cứ ba tỉnh Gia Định, Định Trường và Biên Hòa. Dân ba tỉnh này đã nếm trải mọi tai ương; lời than trách của họ vô hiệu và cảnh huống của họ chẳng hề được cải thiện vì họ luôn luôn bại trận.
Sau đó một hòa ước đã được ký kết với Nguyễn triều và hòa ước này chỉ gây thêm lòng phẫn nộ và niềm thất vọng của nhân dân ba tỉnh. (...)
Dân ba tỉnh thường tâm sự với nhau rằng: nếu giặc muốn ta chuộc lại ba tỉnh thì cứ việc cho biết là đòi bao nhiêu ngàn bạc rồi ta sẽ trả. Nhược bằng ba tỉnh ấy nhất quyết phải tách lìa khỏi vương quốc thì, như lời dân chúng đã nói: “Chúng ta chết, chớ không chịu làm tôi tớ cho giặc...” (...) thì chúng tôi sẽ chống lại lệnh chính phủ và chắc chắn chẳng còn hòa giải hoặc hưu chiến giữa quí vị và chúng tôi: trong trường hợp này, quí vị chớ lấy làm ngạc nhiên về các biến cố sẽ xảy ra.
Nhằm mục đích ấy, chúng tôi gởi đến quí vị bản tuyên ngôn này.
Năm thứ 15 triều vua Tự Đức, ngày 28 tháng 11 (17.1.1863).
Bình Tây Đại Nguyên soái cùng Bình tây Phó soái đồng ấn ký.
(Hải Quân Trung tướng, Thống đốc kiêm Tư lệnh. Ký tên Bonard - Bonard sao y).
Sau khi phổ biến bản tuyên ngôn, dưới sự lãnh đạo của Trương Định, cuộc chiến đấu của các nghĩa dân chuyển sang một giai đoạn mới là không ở dưới quyền điều khiển của triều đình Huế nữa. Thực dân Pháp hiểu rõ chính nghĩa và năng lực của ông nên một mặt chúng huy động binh lính bao vây Gò Công, một mặt chúng dụ ông qui hàng, nhưng ông một lòng một dạ chống Pháp tới cùng.
Ngày 26.2.1863, Pháp huy động lực lượng lớn, mở cuộc tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt, một số nghĩa dân hy sinh. Trong trận này, Trương Định phải liều chết đánh giáp lá cà với giặc và thoát ra khỏi vòng vây, rút về lập căn cứ tại làng Lý Nhơn, tỉnh Biên Hòa. Một số nghĩa quân tản về phía rừng Thủ Dầu Một và Tây Ninh... tiếp tục chiến đấu.
Tới cuối năm 1864, trong khi Trương Định đang chiến đấu để tái chiếm căn cứ Tân Hòa thì vào đêm 18 rạng 19-8-1864, ông rơi vào vòng vây của Đội Tấn (Huỳnh Tấn) ở làng Kiểng Phước. Tên này nguyên trước kia từng theo ông chống Pháp, nhưng về sau, đào ngũ, phản bội và làm tay sai cho giặc. Y muốn bắt sống ông, đem về dâng lên quan thầy nhưng ông quyết tử chiến. Sau khi bị đạn bắn gãy xương sống, ông rút gươm tự sát, hy sinh anh dũng chốn trận tiền chứ không chịu để cho giặc bắt sống. Ông mất năm 44 tuổi. Cái chết của ông là một tổn thất to lớn cho các lực lượng đánh đuổi ngoại xâm của dân chúng miền Nam thuở đó.
Cảm khái trước cái chết oanh liệt ấy, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã làm 12 bài thơ và một bài văn tế khóc người anh hùng nơi “đám lá tối trời”, trong đó có bài:
Trong Nam tên họ nổi như cồn,
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn,
Dấu đạn còn rêm tàu bạch quỉ,
Hơi gươm thêm rạng vẻ huỳnh môn.
Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ,
Quả ấn “Bình Tây” đất vội chôn.
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt lụy,
Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn.
4.
Người đầu tiên ở Quảng Ngãi hưởng ứng hịch cần vương có lẽ là Lê Trung Đình. Ông quê ở làng Phú Nhơn, phủ Bình Sơn (nay là xã Tinh Long, Sơn Tịnh), con thứ sáu của cử nhân Lê Trung Lượng.
Năm Giáp thìn 1884, ông thi đậu cử nhân nhưng không ra làm quan, trái lại, cùng với các đồng chí chuẩn bị lực lượng chống giặc Pháp. Khi các sĩ phu Quảng Ngãi tổ chức Nghĩa hội, ông được cử làm Chánh quản hương binh.
Năm 1885, kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi đi lánh nạn, Lê Trung Đình cùng Nguyễn Tự Tân khởi binh kháng chiến. Tên tay sai giặc Pháp là Nguyễn Thân đem quân đàn áp, bắt được ông. Ông không nghe lời dụ hàng của địch nên bị chúng giết ngày 18-7-1885.
Trong tù, vị anh hùng ấy lưu lại bài thơ:
“Kim nhật lung trung điểu,
Minh triêu trở thượng ngư.
Thử thân hà túc tích,
Xã tắc ái kì khu”.
Bản dịch:
Nay là chim trong lồng,
Mai đã cá trên thớt.
Thân này tiếc gì đâu,
Gian nan tình đất nước
5.
Cùng gia nhập đoàn nghĩa binh ấy có Nguyễn Duy Cung, một nhân sĩ yêu nước quê ở huyện Sơn Tịnh.
Năm 1885, lúc Kinh thành Huế thất thủ, ông đang giữ chức Án sát tỉnh Bình Định. Vâng theo chiếu chỉ của vua Hàm Nghi, ông tham gia phong trào Cần Vương, tích cực hoạt động chống giặc Pháp xâm lược.
Tại Quảng Ngãi, khi hai thủ lãnh Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân sa vào tay giặc, ông lập tức qua Bình Định theo Mai Xuân Thưởng để tiếp tục chống giặc. Giặc đàn áp mạnh, lại gặp bội phản, ông bị giặc bắt. Trong tù, ông làm bài hịch bằng chữ Nho gởi ra kêu gọi nhân dân kháng chiến cứu nước. Ông bị giặc xử trảm vào tháng 7-1885.
6.
Nguyễn Bá Loan, tục gọi Ấm Loan, quê ở xã Lạc Phố, huyện Mộ Đức là một nhân sĩ yêu nước. Thân phụ ông là Nguyễn Bá Nghi, từng làm Tổng Đốc Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang, rồi tiếp tay với Nguyên Tri Phương lo việc chống Pháp ở trong Nam.
Trong các năm 1906-1908, Ấm Loan cùng với Lê Khiết, Nguyễn Sụy (tức Cử Thụy), ba nhân vật được xem là cùng nhau lãnh đạo phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi. Ông cùng các đồng chí hoạt động hướng tới ba mục đích: - bài trừ những tệ nạn xã hội - mở mang dân trí - giành lại chủ quyền dân tộc để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.
Năm 1908, phong trào Duy Tân phát động cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng, ông là một trong những người lãnh đạo phong trào ở Quảng Ngãi. Thực dân và tay sai Nam triều đàn áp dã man, ông bị bắt giam tại nhà lao tỉnh Quảng Ngãi. Viên Công sứ Pháp là Daudet và Tuần phủ là Ưng Định, khuyên ông qui hàng thì sẽ được Nam triều và thực dân Pháp trọng đãi nhưng ông chống lại những cám dỗ ấy, kiên quyết một lòng vì dân vì nước. Giam giữ mãi ở Huế suốt ba tháng mà không dụ dỗ nổi, chúng đưa ông về chém đầu ở chợ Quảng Ngãi năm 1908.
7.
Lê Khiết, gọi là Bố Khiết, hiệu là An Ba, còn có tên là Lê Tựu Khiết. Ông đỗ cử nhân, con của một quan lớn triều Nguyễn, quê ở làng An Ba, huyện Nghĩa Hành.
Khi quân Pháp chiếm nước ta, ông ở dưới trướng của tên đại gian đại ác Nguyễn Thân, và vì thế ông phải dự vào việc đàn áp các phong trào yêu nước ở miền Trung, và được thăng đến chức Bố Chánh. Tới năm 1902, ông thức tỉnh, cởi áo từ quan nên bị Nguyễn Thân thâm thù. Từ đó, ông tham gia các phong trào yêu nước.
Năm Mậu thân 1908, ông cùng Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Sụy... lãnh đạo phong trào Duy tân kháng thuế ở Quảng Ngãi. Bọn cầm quyền thẳng tay đàn áp. Chúng cho ông là thủ phạm, cầm đầu phong trào tại tỉnh nhà, và xử chém ông tại Quảng Ngãi.
Lê Khiết là tấm gương sáng cho những người lỡ lầm theo giặc soi vào, cuối cùng giác ngộ rồi hy sinh vì nghĩa lớn. Lúc chịu chém, ông ung dung nói: “Cái vết nhơ của lịch sử nửa đời người tôi, nay lấy máu cổ mà rửa. Vinh hạnh biết chừng nào”.
Nho sĩ Đặng Đoàn Bằng điếu ông:
“Mê đồ quán quán ngộ thanh niên,
Mộng lí cừ nhiên hốt cảnh phiên,
Dược thạch sổ ngôn không túc bệnh,
Đầu lô nhất trịch bổ tiền khiên.
Ba đào thiệt để chân thành hải,
Vân vụ tình dư tiễn kiến thiên
Tất cánh nhân sinh đô hữu tử,
Lưu phương di xú khán thùy hiên”.
Bản dịch:
Lầm đường đã trót buổi đầu xang,
Tỉnh giấc chiêm bao bỗng giật mình.
Mở miệng chữa lành căn bệnh cũ,
Rơi đầu rửa sạch lỗi bình sinh.
Lưỡi như sóng bể đương cuồn cuộn.
Nắng lại mây trời đã sạch sanh.
Âu cũng là người đều phải chết,
Để thơm để thối hỏi ai vinh?
8.
Nguyễn Sụy là bạn đồng chí của Lê Khiết. Ông còn có tên là Nguyễn Thụy, hiệu là Hổ Khê, hay Hổ Tiếu vì ông quê ở thôn Hổ Tiếu, xã Tư Nguyên, huyện Tư Nghĩa.
Ông ra đời trong một gia đình Nho học yêu nước. Năm Quí Mão 1903, đậu cử nhân tại trường thi Bình Định nhưng không ra làm quan. Ông là người học rộng, giao thiệp nhiều, trực tiếp lãnh đạo phong trào Duy tân tại Quảng Ngãi cùng với Phạm Cao Chẩm, Nguyễn Tuyên, Lê Khiết, đồng thời ông là tác giả nhiều bài thơ bài ca yêu nước, cổ động dân chúng tại tỉnh nhà duy tân và tự cường.
Đầu năm 1908, phong trào Duy tân lên mạnh với các cuộc biểu tình diễn ra khắp nơi, từ Thanh Hóa tới Bình Thuận. Riêng tại Quảng Ngãi và Quảng Nam, phong trào lên rất cao; dân chúng tập trung bao vây các công sở và nhà riêng của tham quan ô lại. Thực dân và quan chức Nam triều đàn áp tàn bạo, bắt bớ các sĩ phu lãnh đạo, đem đi đày hoặc đem ra chém. Ông bị bắt, đày ra đảo Côn Lôn năm 1908.
Năm 1913, được trả tự do, ông về quê nhà sống ẩn dật một thời gian. Tới năm 1915, ông liên lạc với các ông Trần Cao Vân, Thái Phiên, tham gia Việt Nam Quang Phục Hội, rồi tổ chức cuộc khởi nghĩa năm 1916 mà vị đứng đầu chính là vua Duy Tân.
Cuộc khởi nghĩa ấy thất bại, ông và các đồng chí bị bắt. Các lãnh tụ Trần Cao Vân, Thái Phiên bị chém ở Huế. Ông và Lê Ngung, Nguyễn Tuyên, Phạm Cao Chẩm bị tịch thu gia sản. Trong ngục thất, Lê Ngung và ông cùng tự sát nhưng sau khi cả hai đã chết, thực dân vẫn thi hành bản án “lục thi trảm hiệu” (chết rồi mà vẫn đem thi hài ra chặt). Chúng chặt thi thể ông rồi đem bêu đầu ở xã Chánh Lộ (nay là xã Nghĩa Lộ) Quảng Ngãi.
Cảm khái trước cái chết quang vinh và bi tráng của ông, cụ Huỳnh Thúc Kháng khóc bằng bài thơ:
Phong lôi trập phục để tinh trầm,
Hải khiếu sơn đề hổ báo câm.
Nhất phố đầu lô mãn xan huyết,
Niên niên Trà tấn nộ triều âm.
Bản dịch:
Sao chìm giông lặng cảnh buồn teo,
Núi khóc giông rền vắng cọp beo.
Một thớt đầu lô đầy bụng huyết,
Bến Trà cơn giận sóng còn reo.
9.
Cùng bị “lục thi trảm hiệu” với Nguyễn Sụy là Lê Ngung. Ông sinh quán ở Quảng Ngãi nhưng chưa rõ năm sinh. Ông là đảng viên thuộc cấp bộ lãnh đạo trung ương của Việt Nam Quang Phục Hội.
Khoảng tháng 9 năm Ất Mão 1915, sau Đại hội Lần Thứ Nhất tại Huế, ông phụ trách việc soạn kế hoạch khởi nghĩa. Chính ông là người thảo hịch sách động quần chúng vùng lên và được vua Duy Tân tán trợ. Đến kỳ Đại hội lần Thứ Hai, ông được cử vào Ủy ban phát động khởi nghĩa tại tỉnh Quảng Ngãi nên càng dốc hết sức mình cho sự nghiệp cứu nước.
Nhưng chẳng bao lâu, chương trình khởi nghĩa bại lộ, vua Duy Tân rút ra khởi Hoàng thành Huế còn ông thì bị bắt. Ông bị kết án tử hình nhưng cùng với Nguyễn Sụy uống thuốc độc tự tử trong nhà giam. Sau khi giặc chặt thi hài, chúng bêu đầu ông tại xã Chánh Lộ, Quảng Ngãi.
10.
Trong những cái chết oanh liệt trên ta thấy thấp thoáng bóng dáng tồi bại của Nguyễn Thân. Sau đây là hình tích gớm ghiếc của gã gian tặc ấy. Trong hàng ngũ đệ nhất tay sai thực dân, cùng với Trần Bá Lộc, Lê Hoan, Hoàng Cao Khải, tại Miền Trung có Nguyễn Thân. Nguyễn Thân tự là Thạch Trì, chánh quán làng Thạch Trì, huyện Mộ Đức, nhưng trú quán làng Thu Xà, huyện Tư Nghĩa.
Xuất thân là một ấm sinh, con ông Nguyễn Tấn, một võ quan dưới đời vua Tự Đức. Thuở ấy, các sắc dân miền Thượng ở Quảng Ngãi, [thường bị gọi là mọi Đá Vách] bất phục triều Nguyễn nên Nguyễn Tấn hay dùng nhiều quỉ kế để trấn áp họ. Người ta đồn rằng Nguyễn Tấn ăn đường phèn trước mặt người Thượng, nhai rôm rốp, khiến họ tưởng ông ăn đá cuội nên tôn ông là thần tướng. Sau khi Nguyễn Tấn chết, các sắc dân ấy lại nổi lên chống nhà Nguyễn. Triều đình sai Nguyễn Thân, kế nghiệp cha, đi đánh dẹp. Nghe tướng đi chinh phạt là con của Nguyễn Tấn, người Thượng rút quân. Từ đó, Nguyễn Thân bắt đầu nổi tiếng.
Năm 1885, nghĩa quân Cần Vương chiếm thành Bình Định, Nguyễn Thân với đầu óc cơ hội chủ nghĩa, cũng có ý chiếm tỉnh thành ấy để lập công cho riêng mình nhưng vì chậm chân nên hụt mất. Sau đó, Thân tìm cách khác, ra mặt làm tay sai cho thực dân Pháp, xin với Pháp để cho mình cầm binh đi đánh đẹp nghĩa quân. Thực dân Pháp sai Nguyễn Thân phối hợp với Trần Bá Lộc đàn áp nghĩa quân ở Bình Định (do Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Hòa lãnh đạo), và ở Quảng Ngãi (do Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân lãnh đạo).
Năm 1887, Pháp sai Nguyễn Thân đem quân ra Quảng Nam đàn áp phong trào Nghĩa hội do Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo.
Năm 1888, Nguyễn Thân được Pháp cho làm Tổng đốc Bình Định. Tại đây, y khủng bố, đàn áp cực kì dã man các phong trào khởi nghĩa chống Pháp của sĩ phu và dân chúng.
Năm Ất Mùi 1895, Nguyễn Thân cùng một số tay sai khác được Pháp phái ra Hà Tĩnh lùng diệt nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng. Một thời gian sau, Phan Đình Phùng qua đời vì bệnh ở trong chiến khu, vì thế phong trào kháng chiến tạm lắng.
Do công lao làm tay sai cho giặc, Nguyễn Thân được Pháp cử ra làm Phụ chính đại thần: triều đình Huế phong cho y tước Quận Công (Thạch Trì Quận Công). Nhiều tài liệu lịch sử có ghi chép rằng Nguyên Thân là người cực kỳ hiểm ác và hiếu sát. Trong lúc dùng binh, Nguyễn Thân giết người không chút ghê tay, chẳng biết bao nhiêu mà kể. Sau về hưu trí ở làng Thu Xà, y bị bệnh điên mà chết; có người nói là vì y thường mơ thấy các oan hồn hiện lên đòi nợ máu. Thời đó, dân chúng nguyền rủa Nguyễn Thân không tiếc lời vì những hành động tàn bạo và làm tay sai cho giặc của y.
Chính Nguyễn Thân đã tự tường trình tội lỗi mình phạm với dân tộc, qua bức thư của y gởi Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Bức thư đó có đoạn viết:
Lúc ấy tôi ra Quảng Nam đánh đám giặc Văn Thân là Hường Hiệu chống cự với Nhà nước Bảo hộ bấy lâu... Tôi bắt được 25 tên phó tướng, Hường Hiệu trốn thoát, chạy vô núi Ngũ Hành, sau tôi cũng bắt sống được bỏ vô trong cũi mà giải về Huế.
Thưởng đền tấm lòng tận trung của tôi đối với nước Pháp, chính phủ Cộng hòa lúc bấy giờ ban tặng Bắc đẩu Bội tinh Ngũ hạng cho tôi.
Cách đó ít lâu, tỉnh Bình Định lại có loạn dấy lên nữa; nhà nước sai tôi đi tiễu phĩ lần thứ nhì, tôi dẹp được giặc giã, tỉnh này yên hẳn từ đó. Nhân việc đánh giặc thành công, quan Toàn quyền Picquet và quan Khâm sứ Hector tư xin chính phủ Cộng hòa ban thưởng cho tôi Bắc đẩu Bội tinh Tứ hạng...
Về sau tôi được chỉ triệu về Huế, lãnh chức Binh bộ Thượng thư. Quan Toàn quyền De Lanessan thương thuyết với triều đình khâm sai tôi vô làm tổng thống tỉnh Bình Định. Rồi đó tôi được phong chức Khâm sai Đại thần đem quân ra đánh dẹp Văn thân Nghệ Tĩnh. Vì có quan Toàn quyền Rousseau và Khâm sứ Brière nói với triều đình, nên chi tôi được lãnh cái trọng trách ấy.
Sở dĩ tôi phụng mạng đem quân ra Nghệ Tĩnh là cố để tróc nã tướng giặc Văn thân Phan Đình Phùng khởi loạn ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã mười năm, mặc dầu nhà nước đã ra sức đánh dẹp mãi mà không được.
“(...) Nhân tôi có công lao như thế, chánh phủ Cộng hòa thưởng ban cho tôi Bắc đầu Bội tinh Tam hạng và đức hoàng đế vời tôi về kinh làm Phụ chính đại thần.
11. Những lời huênh hoang trên là cáo trạng tự tay Nguyễn Thân viết. Sự kể công của y đối với quan thầy cũng là sự tự phô bày đành rành mình là tên tội đồ ngàn năm của lịch sử, và như thế, chính y đã vô hiệu hóa sự ngụy biện mà hiện nay con cháu của y đang cố sức tô son vẽ phấn rằng y là người yêu nước và có công với triều đình! Nguyễn Thân là tấm gương cho người đời nay soi lấy để suy xét bản thân mình mà cải tà qui chánh, dốc lòng phục vụ đất nước, vì đọc bản “công trạng” của y ta nghe lanh lãnh đâu đây những lời tương tự: “kể công cách mạng, trấn áp nhân dân” của cái đảng đang nắm quyền hiện nay ở Việt Nam.
Sự đóng góp lớn lao vào sinh mệnh của dân tộc và niềm hãnh diện của nhân dân Quảng Ngãi chính là những liệt sĩ chân chính đã hi sinh vì quốc gia dân tộc suốt mấy trăm năm nay, đặc biệt giai đoạn chống Pháp, Cần Vương, Văn thân, Đông du, Duy tân, rồi cuộc chiến đấu thu hồi độc lập dân tộc và bảo vệ Tự do Dân chủ. Nhắc lại chuyện xưa để củng cố thêm niềm tin cho các thế hệ mai sau, vì nói như người xưa: “Trường giang sóng sau xô sóng trước”, thời đại nào cũng có anh hùng xuất hiện, tài năng hơn, lẫm liệt hơn và thành công hơn lớp người đi trước. Cùng với dòng lịch sử của dân tộc, Quảng Ngãi mãi mãi tự khẳng định mình và ngẩng cao đầu với các vị anh hùng con dân của tỉnh dù hôm nay, cùng với cả nước, phải chịu đại nạn hồng thủy đã và đang kéo dài hơn một nửa thế kỷ. Ước mong các thế hệ mai sau vững mạnh nối tiếp bước tiền nhân. Cũng ước mong những thành phần đương quyền suy nghĩ về những hình bóng cao cả các bậc liệt sĩ cận đại, cách riêng của sĩ phu Lê Khiết và đồng thời xem xét hiện tại và công luận tương lai của mình, trước tấm gương về tài sản và tội đồ của Nguyễn Thân.
NGUYỄN ƯỚC