Viêm nhiếp hộ tuyến (prostatitis) là chứng bệnh khiến cho nhiếp hộ tuyến hay tiền liệt tuyến (prostate gland) bị đau và sưng phồng lên, với những nguyên nhân không được xác định. Theo các nhà bệnh lý học, chứng viêm này có thể là kết quả truyền nhiễm từ đường tiểu bị nhiễm độc, hay từ những vi khuẩn trong đường máu.
Việc truyền nhiễm do vi khuẩn có thể phát triển một cách chậm và có khynh hướng tái phát được gọi là viêm nhiếp hộ tuyến vi khuẩn kinh niên (chronic baterial prostatitis); hay phát triển một cách nhanh được gọi là viêm nhiếp hộ tuyến vi khuẩn cấp tính (acute bacterial prostatitis). Tuy nhiên, chứng bệnh này rất hiếm khi được gây nên bởi những nấm (fungus), siêu vi khuẩn (virus), hay vi sinh vật đơn bào (protozoa).
1- TRIỆU CHỨNG:
Các triệu chứng của bệnh này thường được xuất hiện do bởi sự co thắt ở những cơ bắp trong bàng quang (bọng đái=bladder) và khung chậu (pelvis); đặc biệt, ở phần đáy chậu (perineum=vùng giữa hậu môn và bộ phận sinh dục).
Thí dụ như: bị đau ở phần đái chậu (perineum), dưới thắt lưng (lower back), và thường nơi dương vật (penis) và hai hòn dái (testes). Ngoài ra, còn có triệu chứng đi tiểu thường xuyên, và khẩn cấp; việc đi tiểu có thể trở nên đau hay nóng rát. Chứng táo bón có thể xuất hiện làm cho sự đi tiêu khó khăn và đau đớn.
Đối với viêm nhiếp hộ tuyến vi khuẩn cấp tính (acute bacterial prostatitis), một số triệu chứng thường xảy ra như: nóng sốt (fever), việc đi tiểu khó khăn, và máu xuất hiện trong đường tiểu. Ngoài ra, chứng viêm này còn có thể gây ra ung nhọt (abscess) trong nhiếp hộ tuyến. Ngoài ra, viêm nhiếp hộ tuyến vi khuẩn kinh niên có thể gây ra sự suy yếu trong việc thụ thai mỗi khi giao hợp với phụ nữ.
2- CHẨN BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ:
Việc chẩn đoán bệnh thường dựa trên những triệu chứng, và sự khám nghiệm thể chất. Thí dụ như: Y sĩ dùng ngón tay khám nghiệm xuyên qua trực tràng của bệnh nhân, y sĩ có thể nhận biết nhiếp hộ tuyến có bị viêm sưng hay không?
Ngoài ra, cách thử nghiệm nước tiểu có thể khám phá ra sự nhiễm độc vi khuẩn trong đường tiểu (urinary tract). Trái lại, khi sự nhiễm độc được tìm thấy qua cách thử nghiệm nước nhờn (tinh dịch được tiết ra nơi dương vật sau việc xoa bóp nhiếp hộ tuyến trong lúc làm thử nghiệm), điều này có thể chứng tỏ rằng nhiếp hộ tuyến là đầu mối của sự nhiễm độc.
Khi việc khám nghiệm không tìm thấy nhiếp hộ tuyến bị nhiễm độc do vi khuẩn, chứng viêm sưng nhiếp hộ tuyến thường khó được chữa trị. Hầu hết những chữa trị cho loại viêm sưng này chỉ có thể giúp làm nhẹ những triệu chứng mà không thể trị lành chứng bệnh. Tương tự như thế cách điều trị triệu chứng này cũng được áp dụng cho bệnh viêm nhiếp hộ tuyến vi khuẩn kinh niên (chronic bacterial prostatitis).
Có hai cách điều trị như: cách không dùng thuốc và cách dùng thuốc. Cách điều trị không dùng thuốc gồm có việc xoa bóp nhiếp hộ tuyến định kỳ (được thực hiện bởi việc đặt ngón tay của y sĩ vào trực tràng của bệnh nhân), việc xuất tinh thông thường, và việc ngồi trong bồn nước ấm. Ngoài ra, những kỹ thuật thư giãn (relaxation techniques hay biofeedback) cũng có thể giúp làm nhẹ sự co thắt (spasm) và sự đau đớn của những cơ bắp thuộc vùng khung chậu (pelvic muscles).
Trong những phép trị bệnh bằng thuốc, thí dụ như: Thuốc làm mềm phân trong ruột già có thể giúp giảm đau trong việc đi tiêu do chứng táo bón gây nên. những thuốc giảm đau và chống viêm sưng có thể giúp làm nhẹ cho nhiếp hộ tuyến không kể sự đau và viêm sưng bắt nguồn từ đâu. Loại Alpha-adrenergic blockers (như các thuốc doxazosin, terazosin, và tamsulosin) có tác dụng giúp chứng sưng phồng được giảm nhẹ, bằng việc tạo sự thư giãn ở các cơ bắp trong nhiếp hộ tuyến.
Ngoài ra, thuốc kháng sinh đôi khi cũng giúp giảm nhẹ những triệu chứng, đây là việc mà người ta không thể giải thích được. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng trở nên quá trầm trọng, biện pháp sau cùng có thể được áp dụng là việc giải phẫu để cắt bỏ một phần, hay toàn phần nhiếp hộ tuyến. Hơn nữa, việc tiêu hủy nhiếp hộ tuyến còn có thể được áp dụng một trong hai cách dùng tia vi ba (micro wave) hay tia laser.
Khi viêm sưng nhiếp hộ tuyến (prostatitis) do kết quả của sự nhiễm độc vi khuẩn, việc uống thuốc kháng sinh (như thuốc ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, hay trimethoprim-sulfat-methoxazole) được áp dụng trong thời gian từ 30 đến 90 ngày. Nếu thời gian dùng thuốc ít hơn nêu trên, chứng bệnh có thể trở nên kinh niên trầm trọng. Như thế bệnh chứng có thể trở nên khó khăn để điều trị. Nếu nhiếp hộ tuyến có ung nhọt chứa mủ, việc giải phẫu ung nhọt để rút sạch mủ là việc làm rất cần thiết./.
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền