Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Y học & đời sống
SƯNG NHIẾP HỘ TUYẾN
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

SƯNG NHIẾP HỘ TUYẾN
(Benign Prostatic Hyperplasia = BPH)

Nhiếp hộ tuyến hay tiền liệt tuyến (prostate gland) của phái nam nằm phía dưới bọng đái hay bàng quang (bladder), và bao quanh ống nước tiểu hay niệu đạo (urethra). Nó sản xuất ra chất lỏng trong tinh dịch (semen) để nuôi dưỡng tinh trùng (sperm). Hình dạng như quả bồ đào (walnut) lúc còn trẻ, và kích thước lớn dần theo tuổi tác. Nhiếp hộ tuyến thường bị ảnh hưởng bởi ba rối loạn thông thường sau đây: Benign Prostatic Hyperplasia (sưng do kích thích tố), Prostatitis (viêm do vi khuẩn), và Prostate Cancer (do tế bào ung thư).

Benign Prostatic Hyperplasia (BPH) không phải chứng ung thư, là sự phát triển phồng lớn của nhiếp hộ tuyến (prostate gland) mà nó có thể tác động gây khó khăn cho việc đi tiểu (bài tiết nước tiểu). Chứng BPH thường có khuynh hướng gia tăng với tuổi tác nơi phái nam. Đặc biệt, sau tuổi 50, với những nguyên nhân không được xác định rõ ràng. Theo các nhà bệnh lý học, có lẽ, nó có liên quan đến các phản ứng do sự thay đổi của những kích thích tố (hormones), đặc biệt với kích thích tố nam tính (testosterone).

Khi nhiếp hộ tuyến lớn phồng lên, nó dần dần nén ép đường nước tiểu (urethra) và làm cản trở sự lưu thông nước tiểu. Khi người mang chứng BPH đi tiểu, nước tiểu không thể bài tiết hết ra ngoài. Do đó, một phần nước tiểu còn lại, bị ứ đọng trong bọng đái, có thể gây ra chứng sạn thận (kidney stones), và nhiễm trùng đường tiểu (urinary tract infections). Sự trở ngại lâu dài sẽ gây tổn hại cho hai quả thận.

Những loại thuốc chữa dị ứng (antihistamines) và nghẹt mũi (nasal decongestants) có thể làm suy yếu sự di động nước tiểu, hay giảm thiểu khả năng co thắt của bọng đái, và có thể gây ra tình trạng bí đái tạm thời ở phái nam có chứng BPH.

1- TRIỆU CHỨNG:

Khi nhiếp hộ tuyến bắt đầu lớn phồng lên, dần dần gây cản trở sự lưu thông nước tiểu, và nó tạo ra những triệu chứng như sau: Trước tiên, phái nam có thể khó khăn khi bắt đầu đi tiểu. Việc đi tiểu cũng có thể cảm thấy không được hoàn tất, vì bọng đái không bài tiết hết nước tiểu, Cho nên, việc bắt buộc phải đi tiểu nhiều lần hơn, thường vào ban đêm. Cũng như, việc đi tiểu thường trở nên khẩn cấp hơn. Đặc biệt, khối lượng và sức chảy của nước tiểu có thể bị giảm yếu một cách đáng chú ý, và nước tiểu có thể chảy nhỏ giọt vào lúc chấm dứt việc đi tiểu.

Ngoài ra, những vấn đề khác có thể xảy ra đối với một ít người có chứng BPH. Thí dụ: Sự bế tắc đường nước tiểu với triệu chứng bí đái (urinary retention) có thể làm gia tăng áp lực trong bọng đái (blađder), và từ đó dòng nước tiểu từ hai quả thận đưa xuống bọng đái bị chậm lại. Sự kiện này làm gia tăng áp lực (stress) vào bộ phận thận, và khiến chức năng của thận bị trở ngại. Hậu quả này có tính tạm thời khi đường nước tiểu được sớm khai thông. Nếu sự bế tắc đường nước tiểu còn kéo dài, bọng đái có thể bị căng phồng, với khối lượng nước tiểu chứa đầy quá mức, và bọng đái không giữ được phần nhỏ nước tiểu tràn ra ngoài, để gây nên chứng đái són trong quần (overflow incontinence). Khi bọng đái căng phồng lên, những tĩnh mạch nhỏ trong bọng đái và đường tiểu (urethra) cũng bị căng phồng. Đôi khi những tĩnh mạch nhỏ này bị bể vở ra, khi người ta cố gắng ra sức đi tiểu, và gây ra nước tiểu có máu. Nếu chứng bí đái (urinary retention) không được khai thông, nó sẽ gây nên cảm giác đầy bụng khó chịu và cơn đau trầm trọng trong phần bụng dưới xảy ra.

2- CHẨN BỆNH:

Sau đây là những thử nghiệm đoán bệnh cho nhiếp hộ tuyến (prostate gland):

2.1- Xuyên Qua Trực Tràng (rectal examination):

Với ngón tay bao cao su được bôi dầu trơn, y sĩ cho vào trực tràng của người nam để khám nghiệm. Vì nhiếp hộ tuyến nằm gần bên phía trước trực tràng, y sĩ có thể cảm nhận được tình trạng của nó. Nếu nhiếp hộ tuyến bị nhiễm chứng BHP, Nó có tính sưng phồng và mềm mại, nhưng nó không bị đau khi ngón tay của y sĩ chạm vào.

2.2- Thử nghiệm Máu (blood test):

Qua việc thử nghiệm một lượng mẫu máu của người nam, y sĩ có thể đánh giá về chức năng của thận. Ngoài ra, việc thử nghiệm máu (PSA TEST) còn được áp dụng để đo lường mức độ PSA (Prostate-Specific Antigen) trong máu của người bị nghi ngờ có ung thư nhiếp hộ tuyến (prostate cancer).

2.3- Thử Nghiệm Nước Tiểu:

Qua việc thử nghiệm một lượng mẫu nước tiểu của người nam, y sĩ có thể biết chắc rằng nước tiểu có bị nhiễm độc hay không? Vì sự nhiễm độc này có thể ảnh hưởng đến nhiếp hộ tuyến.

2.4- Khám Nghiệm Qua Máy Siêu Âm (ultrasound scan):

Việc khám nghiệm qua máy siêu âm (ultrasound scan) rất ít khi cần đến. Tuy nhiên, nếu sự chẩn đoán bệnh qua các phương pháp trên không được rõ ràng, hay mức độ trầm trọng của chứng BPH không được xác định, y sĩ có thể dùng khám nghiệm này để đo lường kích thước của nhiếp hộ tuyến, hay số lượng nước tiểu còn ứ đọng lại trong bọng đái sau khi đi tiểu xong.

Ngoài ra, còn có một cách khác để đo số lượng nước tiểu còn ứ đọng trong bọng đái, y sĩ đặt một ống dẫn nước tiểu (catheter) đi xuyên qua đường tiểu (urethra) của người nam, sau khi họ cố gắng bài tiết hết nước tiểu trong bọng đái của họ.

3- ĐIỀU TRỊ:

Việc điều trị đôi khi không cần thiết, nếu chứng BPH không gây nên những triệu chứng khó chịu đặc biệt, hay sự phức tạp như: nhiễm trùng đường tiểu, chức năng thận bị suy yếu, trong nước tiểu có máu, sạn thận, hay chứng bí đái.

Khi chứng BPH cần phải được điều trị, việc dùng thuốc là phương pháp áp dụng trước tiên. Loại thuốc Alpha-adrenergic blockers (như: terazosin, doxazosin, hay tamsulosin) nhằm làm thư giãn các cơ bắp nhất định của nhiếp hộ tuyến, và bọng đái, cũng như có thể khai thông dòng nước tiểu. Ngoài ra, một số thuốc (như: finasteride) có thể làm trái ngược hiệu quả của kích thích tố nam (male hormones), mà kích thích tố này có các nhiệm vụ như: làm tăng trưởng nhiếp hộ tuyến, làm co rút nhiếp hộ tuyến và giúp trì hoãn nhu cầu phẫu thuật, hay những việc điều trị khác.

Tuy nhiên, thuốc finasteride có thể là nhu cầu được dùng cho thời gian ba tháng, hay lâu dài hơn, để giúp cho các triệu chứng được thuyên giảm. Mặc dù, cũng có nhiều người khi dùng thuốc finasteride mà vẫn không thấy hiệu quả. Nếu việc dùng thuốc không có hiệu quả, việc phẫu thuật có thể được áp dụng. Vì phẫu thuật là giải pháp tốt nhất giúp tiêu trừ các triệu chứng, nhưng nó có thể gây ra những biến chứng khác.

Việc điều trị phẫu thuật thường nhất là việc cắt bỏ nhiếp hộ tuyến xuyên qua đường tiểu (Trans-Urethral Resection of Prostate = TURP). Trong cách này, y sĩ dùng một đèn soi (endoscope) là một ống quan sát mềm dẻo, được đặt xuyên thông qua đường tiểu (urethra). Đính kèm theo ống đèn soi này là một dụng cụ giải phẫu để cắt bỏ một phần nhiếp hộ tuyến. Việc phẫu thuật này (TURP) thường được áp dụng với việc gây tê nơi cột xương sống (spinal anesthesia).

Mặc dù bệnh nhân có thể tránh khỏi bị những vết cắt nơi bụng dưới, sau khi phẫu thuật, nhưng nó đòi hỏi bệnh nhân phải lưu lại bệnh viện một vài ngày, vì nó có thể dẫn đến tình trạng bị nhiễm trùng, và chảy máu. Theo thống kê, sau phẫu thuật này, có khoảng 5% bệnh nhân có thể bị chứng tiểu són tạm thời (temporarily urinary incontinence), và 1% bệnh nhân bị tiểu són vĩnh viễn. Cũng như, có khoảng từ 5% đến 10% bệnh nhân bị chứng liệt dương vĩnh viễn, và khoảng 10% bệnh nhân với TURP cần phải tái điều trị trong vòng 5 năm.

Ngoài ra, còn có một số cách điều trị phẫu thuật khác, mặc dù chúng giúp làm nhẹ triệu chứng ít hơn cách TURP, nhưng mức độ nguy hiểm về các biến chứng của chúng có phần thấp hơn. Hầu hết, những phương pháp này đều đặt những dụng cụ phẫu thuật đi xuyên thông qua đường tiểu của phái nam để tiêu diệt mô tầng nhiếp hộ tuyến bằng các phương tiện như: luồng nhiệt vi ba (microwave heat), sự cắt bỏ bằng kim (needle ablation), siêu âm cao độ (high intensity focused ultrasound), hơi điện (electro-vaporization), tia laser (laser therapy).

Trước khi áp dụng những phương pháp phẫu thuật nêu trên, trước tiên, những vấn đề gây nên từ sự bế tắc nước tiểu (như chứng bí đái) của bệnh nhân cần phải được điều trị dứt khoát. Ngoài ra, để rút hết nước tiểu còn ứ đọng trong bọng đái, y sĩ có thể dùng một ống dẫn nước tiểu (catheter) đặt xuyên thông qua đường tiểu (urethra) đến bọng đái. Cũng như, bệnh nhân còn được cho dùng thuốc kháng sinh để đề phòng việc nhiễm trùng đường tiểu.

Vũ Đức ÂU VĨNH HIỀN.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh