Từ khi mợ chị Tâm bị mổ mất túi mật, mỗi sáng sớm chị đều rón rén vào căn buồng tối mù và khai nồng nực của cậu mợ để xem mợ chị đã...chết chưa? Thăm dò như vậy mãi rồi nó trở thành thói quen không thể thiếu của chị Tâm. Chị vẫn phải thở dài ảo não mỗi khi thấy mợ mình còn há miệng ngáy pho pho. Trời ạ! Nhìn khuôn mặt nhăn quéo, trên đầu chỉ còn lơ thơ đúng ba sợi tóc và đôi môi mét mẹt của bà cụ, đố ai không nghĩ đấy là một người sắp được "phiêu diêu"...
Thế mà cả tháng rồi, mợ vẫn cứ sống nhăn để chị phải hầu hạ phục dịch phát đổ mồ hôi hột! Chị Tâm suy nghĩ rất kỹ. Hễ mợ đi thì chẳng mấy chốc cậu cũng nốI gót theo sau. Thói đời là vậy, những cặp vợ chồng già thường keo sơn gắn bó với nhau lắm, kẻ ở lại dù có khỏe đùi đụi vẫn phải héo đi vì thương nhớ. Cậu mà về với mợ thì ước mơ làm chủ căn nhà của chị mới thành tựu. Các anh chị em, ai nỡ tống cổ gia đình chị ra ngoài đường!
Tính đến nay, chị Tâm nuôi cậu mợ đã trên mười năm. Thật ra, tất cả anh chị em gần chục người xúm lại góp tiền mua một căn nhà ở ngoại ô Paris và mỗi tháng lo cho cậu mợ cả tiền sưởi lẫn điện, nước... Tài chánh gia đình chị Tâm eo hẹp nhất nên chị không giúp gì được ngoài cách ở cùng với cậu mợ để săn sóc hầu hạ hai cụ. Chị Tâm chỉ phải phụ trách khỏan tiền chợ. Thế thôi!
Lúc đầu mọi sự đều êm xuôi. Cậu mợ khỏe mạnh sáng suốt. Cậu tính tóan đầu tư, đồng ra đồng vào cũng bộn nên đưa thêm một ít cho chị đi mua sắm, chị...vui vẻ lắm. Sau này, cậu vụng tính mấy vụ, sanh ra hụt tiền nên cậu lờ đi không nhắc gì đến khoản tiền ấy nữa. Chị Tâm có đánh tiếng mấy lần mà cậu không thò ra một xu nhỏ nên chị bắt đầu thấy bất mãn.
Thêm nữa, mợ bắt đầu đổ ra hàng trăm thứ bệnh, lại tòan bệnh già mới khổ! Thế là một tay chị Tâm phải đưa mợ đi bác sĩ, nhà thương. Lâu dần, chị nghiễm nhiên coi mợ hoàn toàn lệ thuộc vào mình. Ai khuyên chị đưa mợ đi khám bác sĩ này bác sĩ khác, chị quạt ngay:
-“Có nuôi cậu mợ thì muốn gì cũng được, bây giờ để yên cho tôi lo bổn phận của mình!”.
Một lũ anh chị bác sĩ kỹ sư phải im thin thít. Chị thỏa dạ lắm!
Dù hết lòng săn sóc cho mợ, chi. Tâm vô cùng thất vọng khi thấy mợ phát cuồng, tự nhiên lôi đống nữ trang ra chia cho dâu, cho rể sạch bách. Dĩ nhiên chị Tâm được ưu tiên và chị đã lựa ngay chiếc nhẫn bạch kim nạm xoàn nhưng chị vẫn muốn thêm. Nói đúng ra, chị Tâm muốn tất cả vì chỉ có một mình chị là người đáng được hưởng nhất! Chẳng phải chị đã cơm bưng nước rót, trò chuyện, tỉ tê to nhỏ với mợ. Trong lúc đó, có đứa nào nghĩ đến mợ đâu?
Hộp nữ trang của mợ trống rỗng thì những cử chỉ săn sóc mẹ của chị Tâm cũng giảm thiểu tối đa. Lâu lâu chị mới ra thủ thỉ với mợ là chị cần tiền mua cái quần mới cho chồng, đôi giày tốt cho con hoặc bộ váy đầm cho chị. Ngẫm lại, bây giờ chị có bảo gì, mợ cũng nghe. Bù lại, mợ muốn gì, cậu cũng chiều. Nếu bố mẹ, con cái còn thông cảm với nhau được thì tội gì mà chị không tử tế với mợ? Nhất định là chẳng sợ lỗ!
Dạo này mợ càng ngày càng sa sút. Mợ lẫn đến độ quên cả chửi cậu. Nhất là mỗi lần cậu lên cơn ho ùng ục, đàm ra đầy một miệng mà vẫn không chịu nhổ! Mợ cũng không còn kêu rêu là cậu lười tắm gội khiến chiếc áo gối cứ vàng ệch như bị chà nghệ tươi lên.
Mợ còn quên nhiều thứ lắm. Mợ nói điện thoại với đứa này, gọi nhầm tên của đứa khác là chuyện thường. Lúc gắt gỏng, mợ cũng chỉ nói từng chữ chứ không cho ra cả tràng như mợ đã từng chửi con ngày xưa. Tệ nhất là lúc mợ đương đi tiêu hoặc đi tiểu mà đã lóng ngóng đứng dậy vì tưởng xong. Chung quanh mợ, nước tiểu, phân văng tung tóe. Căn phòng tắm cứ khắm lên lằm lặm.
Lúc đầu chị khó chịu vô cùng nhưng một hồi rồi cũng quen. Chị chả dại gì mà lau. Có làm cố cũng đâu vào lại đấy, bởi vậy, chị chỉ đặc biệt chùi rửa những hôm mấy bà chị có tính sắc mắc sắp đến thăm cậu mợ. Thế mà mấy bà vẫn kêu rêu là nhà cửa bẩn thỉu hôi hám, cứ nhoài người ra mà lau dọn. Muốn làm thì cứ tự nhiên. Chị chỉ bị chột dạ vài lần, chứ sau này, chị tỉnh như dân Ăng lê chính thống.
Tháng trước, chi. Tâm bới cơm vào tô nhựa cho mợ. Mợ cứ vùng vằng không chịu. Tính mợ vẫn quan liêu tệ! Uống trà thì đòi đĩa lót tách, ăn cơm phải dùng bát sứ tráng men... Nhìn thái độ hờn dỗi của mợ không khác chi một đứa trẻ hư hỏng được nuông chiều thái quá. Chị nổi nóng, trợn ngược đôi mắt tròng trắng nhiều hơn tròng đen. Đôi mày gần giao nhau trong lúc chị vui vẻ nhất, bây giờ sắp chập làm một. Chị nghiến răng trèo trẹo và đây là lần đầu tiên chị quắc mắt nạt mợ:
-"Bát sứ đập vỡ hết cả rồi. Có muốn ăn thì ăn, không ăn thì thôi!".
Nhìn nét mặt lấm lét của mợ, chị thấy hả hê một cách thật nhỏ mọn.
Chị cứ nhớ mãi cái ngày còn nhỏ, ăn cắp tiền trốn học đi chơi. Mợ chị chực sẵn trong nhà, chỉ chờ chị bước vào là túm lấy tóc chị, quấn vào chân bàn mà đánh. Lại kêu cả con mụ người làm thân hình to như trâu đực ra mà ghìm chị xuống. Trận đòn đó làm chị hận mợ không bao giờ nguôi và chị chỉ chờ dịp để trả thù! Chợt nhớ tới cậu, chị chột dạ quay lại nhìn, thấy cậu vẫn cắm cúi ăn, chị cười thầm:
- “Đã điếc lòi mà không chịu đeo máy khuếch âm thì còn lâu mới nghe được!”.
Đến bây giờ thì quá lắm. Mợ lú lẫn hết cỡ rồi. Chị Tâm không còn cách moi tiền của cậu mợ nữa. Mợ nói một chữ chưa nổi, làm sao mà xin xỏ gì cho chị! Chị thì chẳng có lý do gì để vòi tiền cậu. Lương chồng chị đem về chẳng dùng vào việc gì khác ngoài rủ nhau đi ăn tiệm, sắm sửa lặt vặt, chợ búa lăng nhăng và đi nghỉ hè. Nếu xin thì thể nào cậu cũng hỏi làm gì mà tiêu túng. Lúc đó chỉ biết đực mặt ra vì nhục.
Tuy lúc nào cậu cũng lẳng lặng hiền từ như một con bò điếc nhưng đố ai ngoài mợ có thể lắc túi cậu được. Cậu càng ít ra ngoài buồng từ khi chị nhất quyết bắt mợ đóng tã mặc dù mợ đã quỳ sụp xuống để van chị. Chị không hiểu cậu lúi húi ở trong đó làm gì. Chắc để đếm tiền! Chị vẫn than thở với anh chồng đụt của chị rằng người già sao hay tham lam khư khư ôm lấy của. Không thích hưởng thì đưa đưa cho con cháu dùng chứ để đó một hồi lạm phát. Uổng!
Hôm trước, chi. Tâm thử bảo mợ kêu cậu đưa cuốn sổ chèque để chị đi chợ Tàu ở Paris. Mợ cứ ú a ú ớ làm chị điên tiết ra supermarché mua vỉ thịt dành cho chó về nấu soupe. Mợ chị chê dở không thèm ăn. Chị chẳng buồn ép. Được hai ngày, khuôn mặt vốn vêu vao của mợ lại càng vêu vao như bị bỏ đói cả tháng. Không may cho chị, ông anh kế của chị tự nhiên nổi hứng, lái xe từ Fougères về thăm cậu mợ.
Vừa thấy mặt mợ, ông cuống cuồng chở cụ ra nhà thương. Lúc trở về, ông xáng cho chị Tâm một bạt tai phát nổ đom đóm mắt vì cái tội bỏ đói mợ. Chị nằm vật ra tru tréo, rên hừ hừ. Đúng lúc đó thằng chồng ngoại chủng nhu nhược của chị đi làm về. Chị bèn dàn cảnh Chí Phèo, ôm đầu, mắt nhắm nghiền, miệng nức lên những câu đứt quãng:
-"Chéri, Il m'a presque... tuée!".
Chồng chị Tâm xót vợ, xông tới nhưng chưa kịp nói năng gì thì ông anh đã điềm đạm chặn họng hắn:
-"Vợ anh bỏ đói mẹ, anh không dám can thiệp thì để mặc cho tôi sửa trị đứa em bất hiếu!".
Chồng chị Tâm căm hận bỏ đi một nước. Tối đến, hai vợ chồng bàn nhau ra riêng. Bàn tới bàn lui vẫn chưa có cách nào đào ra tiền nhà cùng chi phí, sắm sửa... Cuối cùng chỉ còn nước chờ "võng mợ đi trước, võng cậu theo sau" mới mong thấy được ngày mai huy hoàng. Thế là chị Tâm tiếp tục khấn Phật và dệt mộng một cách kiên nhẫn.
Cái ngày trọng đại cuối cùng cũng tới. Chị Tâm không dám gọi đây là ngày vui vì chị phải đeo bộ mặt rầu rĩ và khoác lên trên người bộ áo đen mà chị đã sắm từ năm ngoái. Mợ chị vưà qua đời.
Ban đêm khát nước, mợ gọi mãi chẳng ai nghe, đành xuống lầu lấy một mình. Mợ chẳng may đạp trúng miếng giẻ lau nhà, trượt chân ngã quay ra. Mợ bị gẫy xương chậu cùng với mấy rẻ xương sườn nhưng mợ không thấy đau vì đầu mợ va vào nền gạch quá mạnh khiến mợ bất tỉnh. Mợ mê man rồi đi khá nhẹ nhàng!
Đám tang mợ buồn lắm. Buồn nhất vẫn là khuôn mặt loang lổ lang beng của cậu. Trông cậu vừa đăm chiêu vừa ngơ ngẩn, chị Tâm nhìn mà phát tội!
Một tuần sau ngày đưa mợ về miền cực lạc, cậu kêu chị Tâm vào căn phòng ngủ tràn ngập ánh nắng mai (cậu vẫn thích mở toang cửa cho thoáng nhà!):
-"Cậu không muốn ở đây nữa. Bao lâu nay cậu cứ nấn ná vì lo cho mợ. Bây giờ, mợ không còn, cậu tính ra Paris sống với mấy người bạn già. Tiện cho cậu học vẽ và đánh mã tước (mạt chược). Hồi xưa chiều mợ, cậu phải bỏ tất cả để lúc nào cũng có mặt bên mợ. Nay là lúc cậu hưởng tiếp cuộc đời còn lại. Con có biết khi trước cậu không hề đeo máy điếc vì không muốn bị bực bội rồi sanh ra gây gổ mỗi khi nghe mợ càu nhàu. Từ khi mất mợ, cậu đã đeo nó vào để nghe những điều hay lạ... Cậu sẽ chiều mợ một lần cuối bằng cách sống cho thật đáng sống, sau này cậu còn có nhiều chuyện hay kể cho mợ nghe khi gặp lại mợ con. À! Căn nhà này, cậu tính bán rồi chia tiền đều cho các con để các con còn có món quà sau cùng của mợ!".
Thu-Thuyền
2/1999