VIẾNG CHÂU GIANG, HOÀNG HOA CƯƠNG: Nơi vinh danh quí liệt-sĩ Võ Quán, Phạm Hồng Thái.
Đôi điều cần xác minh.
Trương Quang.
Khách du lịch đến Trung hoa đều ca ngợi Vạn lý trường thành kỳ vĩ, Tử-cấm-thành Thiên-an-môn đồ sộ, lâm viên Di-hoà tráng lệ, chùa Phật-ngọc sùng kính v.v… đều là những kỳ công còn được bảo tồn. Có nhiều thắng cảnh lịch sử rất ngoạn mục, nhiều thành phố sầm uất được tân tiến hoá từng lưu luyến bước chân khách viễn du.
Châu Giang trong sương mờ.
Kỳ quan trên thế giới thì nước nào cũng có, không nhiều thì ít; nhưng tâm tư của du khách trước thắng cảnh ở mỗi nơi một khác. Tôi chỉ là một “người nhà quê” nước Việt, đứng trước cảnh hùng tráng của nước Tàu, ở nhiều nơi bỗng tưởng nhớ đến các sứ thần đầy tiết tháo và mẫn tiệp của nuớc ta đã giữ vững cương vực và quốc thể nước nhà ngay tại Tây-an (tên cố đô Trường-an), tại Nam kinh (tức Kim-lăng), tại Lạc-dương, tại Bắc-kinh…Bao nhiêu thành trì và lăng tẩm tráng lệ ấy còn là biểu hiện của một đế quốc kiêu mạn từng áp đảo các nước Đông và Tây phương, nhưng không khuất phục được lòng yêu nước của các sứ thần Hồ tông Thốc, Mạc đỉnh Chi, Lê quý Đôn, Phùng khắc Khoan, Nguyễn Biểu, Ngô thì Nhậm, Nguyễn đăng Đạo… của nước Việt. Thành phố Thượng-hải quả phồn thịnh, vẫn không đủ dung nạp chí lớn của nhà cách mạng Phan bội Châu khi người tá túc nơi đây. Thăm Hàng-châu để ngắm Tây-hồ, một hồ đứng đầu trong 26 danh hồ thế giới, đẹp đẽ thơ mộng biết mấy! vẫn không đẹp hơn lời thơ của sứ thần Nguyễn Du trên sông Tiền-đường khi người dừng chân giữa chốn này.
Càng về Hoa-nam, đến thành phố Quảng-châu là thủ phủ tỉnh Quảng-đông, nguời Việt càng dễ cảm nhận được tiếp cận với cội nguồn. Quảng-đông có chung đường biên giới trên bộ và dưới biển với miền bắc Việt Nam. Cả sinh vật đến thảo mộc không có gì khác với quê hương mình, chỉ khác biệt ở tiếng nói. Từ ngàn xưa, vùng Lĩnh-nam trong đó có tỉnh Quảng-đông là địa bàn lập cư của dân Bách Việt, bị nhà Tần và nhà Hán khống chế rồi đồng hoá, riêng người Lạc Việt di cư về Nam lập nên nước Văn-lang còn tồn tại, là nước Việt Nam ngày nay.
Năm 1983, lăng mộ Triệu Văn vương (là con của Trọng Thủy, cháu nội của Triệu Đà) được phát hiện ngay giữa tp. Quảng-châu vốn là kinh đô Phiên-ngung thời nhà Triệu và được trưng bày trong Nam Việt vương bác vật quán. Đó là chứng cớ hiển nhiên về cội nguồn dân tộc Việt tôi được chứng kiến và tường trình trong một bài trước. Quảng-châu còn giữ nguyên chứng tích thời cận đại như các lớp học và hội quán của các nhà cách mạng Việt Nam, trường võ bị Hoàng-phố từng đào luyện du học sinh nước ta vào tiền bán thế kỷ trước. Chính vào thời gian ấy, các liệt sĩ Võ Quán, Phạm hồng Thái mưu định phục quốc không thành nên phải tuẫn tiết trên dòng Châu-giang, riêng Phạm quân được danh dự cải táng vào Hoàng hoa cương. Viếng hai nơi này, tôi ghi lại những điều biết và thấy về hai liệt sĩ với đôi điều xác minh cần thiết cho lịch sử.
CHÂU GIANG LÀ THUỶ MỘ CỦA LIỆT SĨ VÕ QUÁN
Châu-giang, con sông lớn thứ tư của Trung Quốc, chảy xuyên qua thành phố Quảng-châu, có đến 11 cây cầu dài và 2 đường hầm rộng nối liền đôi bờ sông Châu trong thành phố. Nhiều nơi lòng sông trương rộng tạo ra vùng sông nước mênh mông như biển hồ, giữa dòng nổi lên những cù lao đẹp, như cù lao ở Sa-điện là một. Cùng hội tụ chảy ra cửa biển Hổ-môn còn có 3 sông Bắc-giang, Đông-giang và Tây-giang. Đặc biệt Tây-giang có 2 phụ lưu là sông Kỳ-cùng và Bằng-giang chảy qua 2 tỉnh Cao-bằng và Lạng-sơn của nước ta.
Một buổi sáng còn mờ sương mùa xuân 2003, tôi và ông bạn Hoa-kiều ở Chợ-lớn (nhà tôi gọi là chú Quảng) ngồi trong nhà hàng bên bờ Châu-giang, không xa bệnh viện Quảng-châu, ngắm dòng sông nước chảy phăng phăng lắm tàu thuyền xuôi ngược. Chú Quảng thuật lại lời của ông nội rằng thưở ấy ông nội của chú có thấy một người còn trẻ nhưng dáng đi khó nhọc, hướng mặt về phía Nam bái lạy rồi bỗng dưng gieo mình xuống dòng sông này mất tăm dạng. Bây giờ tôi mới hiểu ra người ấy phải là liệt sĩ Võ Quán.
Võ Quán sinh năm Ất dậu, 1885 tại làng Trung-sơn, xã Bình-lãnh, huyện Bình-sơn, tỉnh Quảng-ngãi; tự là Trọng Kính, khi hoạt động ở Trung-hoa còn lấy tên là Lâm Quảng Trung. Vừa ở tuổi thanh niên, Võ Quán lên đường theo tiếng gọi cứu quốc của cụ Phan bội Châu du học sang Nhật tòng học trường Đồng Văn thư viện. Ông rất hiếu học, ngoài căn bản Pháp ngữ học ở quê nhà, tại Nhật ông học được tiếng Nhật và tiếng Anh.
Năm 1907, Võ Quán được cử làm uỷ viên bộ Giao tế của Việt Nam Công-hiến hội lo vận động và tổ chức du học sinh, gây dựng lên phong trào Đông-du. Theo Phan bội Châu niên biểu thì Võ Quán cùng mấy người Quảng-ngãi khác như Phạm cao Đài (cháu gọi Phạm cao Chẩm bằng bác), Nguyễn duy Hộ (cháu nội Nguyễn duy Cung) được xem là những người thuộc thế hệ đầu tiên du học Nhật-bản
Năm 1908, Pháp thương lượng với Nhật trục xuất sinh viên Việt Nam du học tại Nhật, nên đến năm 1911 Võ Quán rời Nhật sang Trung-hoa xin vào học tại Bắc-kinh sĩ quan học hiệu. Ở đây ông học thông thạo thêm Hán văn, lại học được cả tiếng La-tinh là một cổ ngữ Tây phương còn xa lạ với sĩ phu thời ấy. Đầu năm 1912, các chí sĩ Phan bội Châu, Nguyễn thượng Hiền họp cùng các nhà cách mạng trong và ngoài nước, thành lập Việt Nam Quang phục hội tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm hội chủ, Phan Bội Châu được xem là Tổng lý. Võ Quán được phái về Trung kỳ để vận động nhân vật tài lực cho hội. Cuối năm ấy ông trở lại Trung-hoa để báo cáo tình hình.
Sang đầu năm 1913, Võ Quán lại được phái về Việt Nam lần nữa để lo việc thành lập phân bộ Việt Nam Quang phục hội và ông đã gặp Thái Phiên tại Quảng-nam để tiến hành công tác hệ trọng này. Tháng 9 cùng năm ông trở lại Trung-hoa. Sang năm Giáp dần (1914) Võ Quán chu du khắp vùng biên giới Hoa Việt, khảo sát địa thế cả vùng đất Điền đất Quế (tức Vân-nam và Quảng-đông) để chuẩn bị dùng làm căn cứ quân sự cho lực lượng khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp. Việc diều nghiên và trù hoạch chưa được bao lâu thì ông lâm bạo bệnh, phải vào bệnh viện Dương-thành(1) (Quảng-châu) để điều trị. Bệnh trạng đã không thuyên giảm, Võ Quán phẩn chí nói với các chiến hữu: “Gặp buổi vong quốc, mang danh trượng phu phải xông pha diệt giặc cứu nước, mà nay nằm thoi thóp trên giường bệnh, há không tự thẹn lắm sao!”. Tức giận vì căn bệnh trầm kha, biết mình không qua khỏi nên Võ Quán đã tự trầm trên dòng Châu-giang, chấm dứt đời sống lúc mới 31 tuổi vào năm Bính thìn, 1916 và có để lại thư tuyệt mệnh. Có tài liệu chép là Võ Quán trầm mình xuống Châu-giang tự vẫn vào năm 1913. Chờ mong sự khảo chính của các sử gia.
Ngày nay khách ngồi du thuyền trên dòng sông Châu về đêm, say mê cảnh trời nước mênh mông đẹp lung linh như giác châu ngọc bằng muôn sao lưng trời và đèn màu rực rỡ trên phố, mấy ai còn nhớ nơi đây là thuỷ mộ của một nhân tài cách mạng bất đắc chí!
Võ Quán quyết định ra đi về miền vĩnh cữu để các người đồng chí hướng của ông không phải cõng thêm một gánh nặng vì bận bịu cưu mang ông. Một người chí lớn, tài cao nhưng mệnh yểu như Võ Quán, tiếc thay người đời sau ít biết đến cũng như bao nhiêu chiến sĩ vô danh trong công cuộc cứu nước,
Khi hay tin Võ Quán đã tự trầm, cụ Phan bội Châu cảm khái, làm bài thơ sau đây để khóc ông:
Văn Võ huynh đầu giang cảm thành
Tấn đế, Lỗ Liên tàm
Sở trọc, Khuất Bình(2) phẫn.
Hương cốt đầu thanh lưu,
Giang hải vô thời tận.
Tứ hải vạn đào dũng,
Thiên sơn nhất nhạn chinh.
Tư quân độc bất kiến,
Nam vọng khốc thôn thanh.
Bách chiến tiền phong thất,
Trung nguyên bích huyết dư.
Đăng tiền phong vũ dạ,
Bất nhẫn độc di thư.
Dịch xuôi:
Cảm tác khi nghe anh Võ Quán tự trầm trên sông.
Vua Tần xưng hoàng đế khiến Lỗ trọng Liên thấy hổ thẹn,
Nước Sở hôn đục khiến Khuất Nguyên uất giận, bỏ đi
Nắm xương thơm anh gửi vào dòng nước xanh trôi,
Cùng với sông biển còn mãi, không bao giờ hết.
Nay bốn biển vạn cơn sóng dậy,
Anh như cánh nhạn bay ngự trên ngàn ngọn núi.
Nhớ anh nhưng chẳng thấy anh,
Tôi ngóng về Nam mà khóc thầm.
Tướng tiền phong trăm trận đã mất rồi,
Nơi trung nguyên máu thắm chứa chan.
Trong đêm mưa gió, tôi ngồi trước ngọn đèn,
Không nỡ đọc thư anh còn để lại.
Là chim đại bàng mới biết được cái chí của chim hồng nhạn cỡi trên phong ba bỗng dưng gãy cánh, nên cụ Phan có lời thương tiếc Võ quân thống thiết đến thế!
Hôm ấy, tôi – là con chim bé mọn trong bầy chim trốn đạn, mỏi cánh nơi xứ người – nhìn Châu-giang biết có anh linh Võ liệt sĩ ngược dòng về sông Kỳ-cùng, Bằng-giang tìm lại chiến khu còn dang dở, hẳn ông rất công phẩn khi nhìn đất biên giới có thác Bản-giốc, ải Nam-quan đã bị lũ Việt cộng cắt dâng cho quan thầy Trung cộng. Có thể hồn thiêng Võ liệt sĩ cỡi sóng xuôi dòng Châu-giang về Đông-hải, ông càng đau xót khi thấy tàu thuyền Trung-cộng nghênh ngang trên hải phận nuớc ta vừa bị hiến dâng cho họ. Nhất định ông về với quê nhà Quảng-ngãi (cũng là nhà/quê của tôi), xin Võ liệt sĩ truyền linh quang vào hải đăng Batangan để dẫn đường đi ra khỏi cuồng mê cho bọn độc quyền và rọi đượng về cho tàu thuyền của người Việt tự do còn ở hải ngoại.
VIẾNG BIA MỘ PHẠM HỒNG THÁI TRONG HOÀNG HOA CƯƠNG
Nghĩa trang danh dự tại gò Hoàng-hoa gần chân núi Bạch-vân tại Tp. Quảng-châu là nơi an giấc ngàn thu của 72 liệt sĩ Trung-hoa đã đền nợ nước trong ngày đầu của Cách mạng dân chủ nhằm lật đổ triều đình mục nát Mãn Thanh đã cam chịu những hiệp ước bất công trước nạn liệt cường xâu xé Trung Quốc. Một cánh quân khởi nghĩa do Hoàng Hưng điều động đánh vào dinh Tổng-đốc Quảng-đông lúc 5 giờ chiều ngày 29 tháng 3 Tân hợi (27-4-1911) đã thất bại vì quân với vũ khí không đến một lần. Tìm được 72 cảm tử quân tuẫn nạn, đem mai táng ở Hoàng hoa cương. Về sau ủy ban trung ương tìm th êm được 13 hài cốt nữa và Phạm hồng Thái đều được cải táng vào đấy. Nghĩa trang này là nơi chiêm bái các bậc vị quốc vong thân; rồi mặc nhiên trở thành một điểm du lịch bởi quang cảnh ngoạn mục và thanh tĩnh.
Mới nhìn cổng Hoàng hoa cương tú lệ mà hoành tráng bằng đá xanh lam màu thạch ngọc, du khách nảy sinh lòng kính trọng nên cũng tự động lái xe vào bãi đậu, cho dù là xe hai bánh (người Tàu gọi là hạ mã, tức xuống ngựa) rồi đi bộ qua cổng vào nghĩa trang.
Ngay chính diện là đài tưởng niệm (người Tàu thường gọi là điện thờ) rất uy nghi với bia đá trắng cao hơn hai tầng lầu, mang dòng đại tự: “Thất thập nhị liệt sĩ chi mộ” theo chiều đứng của tấm bia. Ở tầng thấp, có 4 chữ vĩ đại “Hoạ khí trường tồn” theo chiều ngang trườc những gian thờ phụng. Sau hậu điện, trên đỉnh cao của bức tường có tượng Nữ Thần Tự Do tay đưa cao ngọn đuốc thiêng.
Khu vực Hoàng hoa cương rộng thênh thang, lối đi ngang dọc lát đá dưới tàn lá xanh của các danh mộc, dẫn đến từng ngôi mộ. Mỗi ngôi mộ có một pho tượng đứng cạnh bia đá ghi tiểu sử của từng liệt sĩ. Tô điểm cho nghĩa trang là các bồn hoa bốn mùa tươi thắm, các hồ có vòi phun nước. Tôi đã đi hơn hai giờ vẫn chưa đến được hết các ngôi mộ. Trong cảnh trí thơ mộng và sùng kính, tôi đã gặp nhiều du khách, nhiều vị cao niên ở địa phương thong thả tản bộ vừa tập khí công. Đó đây trên sân các nhà ngoạn cảnh, từng nhóm phụ nữ diễn tập thái cực quyền.
Cái chủ đích mà tôi đã hân hạnh đạt đền trong Hoàng hoa cương là được viếng bia mộ Phạm hồng Thái, người anh hùng Việt Nam được nằm trong nghĩa trang danh dự nước ngoài và được tôn vinh nhất (3).
Phạm hồng Thái tên thật là Phạm thành Tích, bí danh Nho Tư, chào đời năm 1895 tại làng Ngọc-điền (Nghệ Tĩnh, Trung Việt). Ông noi theo chí hướng của cha là cụ Phạm thành Mỹ, làm Huấn đạo dưới triều Tự Đức, tham gia phong trào Cần-vương kháng Pháp.
Khi phong trào Đông du được bí mật loan truyền, Phạm thành Tích rời bỏ quê nhà ra đất Bắc tìm gặp những nhà cách mạng để tìm đường xuất dương du học. Trong thời gian này, ông tiếp xúc đủ mọi thành phần trong xã hội, sinh sống đủ nghề như làm phu mỏ Hòn-gay, phụ tài xế, phu bến tàu nhằm tuyên truyền và thực hiện hoài bão cứu nước.
Tháng 11 năm 1918, Phạm thành Tích và bạn thân là Lê huy Doãn cùng 5 người khác được Vương thúc Oánh của đảng Việt Nam Quang-phục-hội từ ngoại quốc về thâu nhận và tìm được cách qua nước Xiêm (Thái Lan). Từ Xiêm, Phạm thành Tích đổi tên là Phạm hồng Thái, cải trang làm người Tàu, xuống tàu buôn người Anh sang Hương cảng (Hương cảng là tô giới của Anh với phiên âm là Hongkong, vừa đáo hạn 7-1997 nên nay đã trở về chủ quyền Trung Quốc), rồi cả nhóm đi bộ xâm nhập vào Quảng Châu.
Trong thời gian du học và huấn luyện về hoạt động cách mạng Phạm hồng Thái có dịp kết thân với các nhà ái quốc trong Việt Nam Quang-phục-hội. Năm 1914, chí sĩ Phan bội Châu chủ xướng Tâm-tâm-xã, Phạm hồng Thái cùng với Hồ tùng Mậu và Vũ hải Thu được cử đi Thượng-hải, Hương-cảng, Đông-kinh để cổ động cho tổ chức mới này, được sự ủng hộ nhiệt thành của các nhà cách mạng và du học sinh. Nhận thấy chính quyền Pháp không đáp ứng các giải pháp ôn hoà của cách mạng Việt Nam, nên tổ chức Tâm-tâm-xã quyết định dùng biện pháp cứng rắn là ám sát Toàn quyền Đông dương Martial Merlin trong dịp y sang Nhật để điều đình trục xuất cho hết du học sinh Việt Nam đồng thời ký một thương ước. Phạm hồng Thái nhận thi hành sứ mạng trọng đại này và được Lê hồng Sơn đi theo trợ giúp.
Phạm hồng Thái theo dõi bám sát phái đoàn Merlin từ Hương-cảng đến Thượng-hải rồi qua Hoành-tân đất Nhật, nhưng chưa có cơ hội thuận tiện để ra tay. Khi Merlin và đoàn tuỳ tùng trên đường trở về Hà-nội, ghé lại Quảng-châu và dự yến tiệc tại nhà hàng Victoria ở phía bắc thành phố Sa-điện, nơi giáp giới với thành phố Quảng-châu và Áo-môn (Áo-môn tên cổ là Tây-hào-khẩu, là nhượng địa của Bồ-đào-nha với tên gọi là Macao, vừa đáo hạn cuối năm 1999 nay đã trở về chủ quyền Trung Quốc). Đây là cơ hội cuối cùng để hành thích: Phạm hồng Thái giả làm ký giả lọt qua được hàng rào bảo vệ của cảnh binh, vào trong khách sạn ném một quả bom tay vào giữa bàn tiệc. Tia chớp và tiếng nổ vang trời của quả lựu đạn ấy đã giết chết ngay tại chỗ một số thực khách ngoại quốc, riêng Toàn quyền Merlin chỉ bị thương xoàng, dù thoát chết mà nỗi kinh hoàng run sợ vẫn còn mãi.
Tung lựu đạn xong, Phạm hồng Thái liền thoát ra ngoài, phóng chạy về hướng Áo-môn, nhưng lính phòng vệ đuổi theo rất ngặt. Gặp Châu-giang rất rộng và sâu chặn trước mặt, đã cùng đường, Phạm hồng Thái nhảy xuống sông tự tận, không để cho địch bắt. Quân Pháp quyết trả thù nên tìm vớt thi hài Phạm liệt sĩ đem phơi ở bờ sông mấy ngày, sau đó một nhà buôn Trung hoa có nghĩa khí xin đem mai táng tại chân đồi Bạch-vân.
Tiếng bom Sa-điện đã làm rúng động bọn thực dân Pháp đô hộ Việt Nam và gây ảnh hưởng lớn lao cho công cuộc giành chủ quyền đất nước ở khắp nơi nơi.
Năm 1925, tỉnh trưởng Quảng-đông là Hồ hán Dân mến phục sự hy sinh cao cả của Phạm hồng Thái nên cho cải táng hài cốt ông vào Hoàng hoa cương cùng với 85 liệt sĩ Trung Hoa. Tháng 3, 1925, trong lễ khánh thành trọng thể phần mộ và tưởng niệm anh hùng Phạm hồng Thái trong Hoàng hoa cương có nhiều đảng viên cách mạng Việt Nam qui tụ về và nhiều yếu nhân Trung Hoa Quốc dân đảng đến làm lễ tôn vinh người anh hùng Việt Nam đã chết vì độc lập của Tổ quốc mình.
Nơi an nghỉ vĩnh viễn của liệt sĩ Phạm hồng Thái trong diện tích chừng một mẫu tây (1 acre), chung quanh có hàng trụ điện toả sáng, cách đài tưởng niệm trung ương chừng 300 mét. Đài kỷ niệm Phạm hồng Thái đứng trên nền cao, mang các hàng chữ mạ vàng sáng lóng lánh(nên phản quang với ống kính máy ảnh): dòng chữ Việt “MỘ LIỆT SĨ PHẠM HỒNG THÁI, sinh năm 14-5-1985, hy sinh ngày 19-6-1924” hàng ngang trên đầu; dòng chữ Hán “Việt Nam Phạm hồng Thái liệt sĩ chi mộ…” theo chiều đứng. Trước đài tưởng niệm là sân lễ lát đá hoa cương, đủ chỗ đứng cho 300 người làm lễ. Nằm sát ngay bên tả đài tưởng niệm là ngôi mộ đất vun cao, cỏ xanh, đầu mộ hướng về Nam, chân mộ dựng tấm bia nhỏ: đây mới là điểm có hài cốt Phạm liệt sĩ nằm dưới lòng đất(4). Chúng tôi (kể cả nhà tôi) đặt một bó hoa trước mộ, đương thắp hương khấn vái, bỗng một luồng gió đưa chiếc lá xanh bay qua trước mặt, rồi rơi nằm trên nấm mộ đất. Tôi bàng hoàng nhìn quanh chỉ toàn lá khô chưa được quét dọn, sao có lá xanh lại rơi? Hay là một ngụ ý của hiển linh?
Trước đài kỷ niệm, cánh phải của sân lễ là nhà bia, mái lợp đủ che mưa nắng cho một tấm bia đá hoa đen rất lớn, cao quá đầu người. Chữ Hán khắc chìm màu vàng khá sắc sảo, lời văn bia như sau:
Việt nam Phạm liệt sĩ mộ ký.
Phiên Ngung Hồ Yểm soạn thư
Quân huý Hồng Thái, Việt Nam Bắc kỳ nhân dã. Tiên thế nghiệp Nho. Pháp nhân vong Việt nam, nhũng tập khoa cử chi, chế dĩ ngu dị dân. Quân tu chi khử nhi tập công học, ký quan nhập mổ xưởng vi công nhân, trường đổ pháp luật chi hà bạo dữ Pháp lại chi tứ tuy. Chiếp sinh phẩn khái, hội hữu chí giả tương dữ tổ chức chính đảng vi Cách mạng vận động, yêu quân nhập đảng, quân tùng chi. Thời đảng nhân phân lưỡng phái: Nhất chủ vận động tam kỳ quân đội phản chính nhi trục Pháp nhân. Nhất chủ ám sát hãn tướng khốc lại dĩ trừ dân hại. Quân ý dĩ vận động quân đội cố thuộc yếu đồ trạng cẩu vô tráng liệt chi cử tắc bất túc hàn địch nhân chi đảm nhi khích lệ quốc nhân, cố tả đản ám sát phái nhi mưu hữu dĩ thật hành yên. Pháp sứ Mã-lan-giả tương đạo xuất Nhật-bản nhi vi Hỗ-việt chi du. Quân văn chi tiên kỳ hiệp thủ thương tạc đạn, đắc chí ư Đông-kinh, Thượng-hải gian dĩ trinh sứ nghiêm mật, vô khích khả thừa. Toại phiên trạng lai Việt vi tối hậu chi cử, huynh tri Pháp nhân tương yến Mã-lan vu Vực-đa-lị lữ quán dã. Nãi vị đồng chí mỗ quân viết: Sự thành dữ bất đồ bất khả kỳ trạng, ngô thệ bất nhập vu Pháp nhân chi thủ. Duy quân tu tương ngô đảng tông chỉ tuyên thị vu ngoại, dĩ miễn Pháp nhân hữu sở ngộ hội nhi tru cầu tắc đoạt thị. Quân toại vu lục nguyệt thập cửu nhật, ngọ hậu bát thời vãng phó Vưc-đa-lị lữ quán bài chúng nhập vu vũ đạo thất, đạn thương đồng phát, nhất thời nam nữ yểu tịch huyết đột mô hồ. Quân tiếu viết: đại sự tất hỉ, ngô kỳ tử hồ. Nãi phó thuỷ tử. Việt nhân nghĩa chi, thâu kỳ thi táng, chư nhị vọng cương chi nguyên mộ, tây-nam hướng cái dục sử quân chi linh do đắc quyến cố kỳ cố quốc, vân thị vi ký.
Trung hoa dân quốc thập tứ niên nhất nguyệt cốc đán lập.
Dịch nghĩa:
Bia mộ liệt sĩ Việt Nam họ Phạm.
Hồ Yểm soạn, viết tại thành Phiên ngung
Anh hiệu Hồng Thái, người Bắc Việt Nam. Đời trước cha ông theo Nho học. Người Pháp chiếm Việt Nam, vẫn duy trì khoa cử để chế ngự, dễ làm ngu dân. Anh hổ thẹn bỏ học theo công nghệ, vào làm công nhân ở cơ xưởng. Anh luôn nhìn thấy sự hà khắc thô bạo của pháp luật và sự hà hiếp của quan lại người Pháp, sinh lòng phẩn nộ. Anh gặp các người có chí khí đang tổ chức chính đảng để vận động cách mạng mời anh tham gia, anh liền theo.
Lúc đó người trong đảng chia làm hai phái: một nhóm chủ trương vận động quân lính ba miền nổi dậy đảo chính mà đuổi người Pháp; một nhóm khác chủ trương ám sát tướng hung bạo, quan tham tàn để trừ hại cho dân. Anh có ý vận động quân đội bản quốc để cử sự, nhưng nếu không khởi động bằng sự cố mãnh liệt thì không đủ làm cho kẻ thù khiếp đảm và phấn chấn tinh thần quốc dân. Cho nên anh tán thành phái ám sát và thực hành mưu định. Thống sứ Pháp là Mã-lan-giả (Merlin) sắp rời Nhật Bản du hành đến Thượng-hải. Anh nghe tin, trước tiên vì nghĩa hiệp tự mang súng và tạc đạn sang Đông-kinh rồi Thượng-hải, vì sự canh phòng nghiêm mật, không cách gì ra tay được. Mãi khi Thống sứ toàn quyền đến Quảng-đông là cơ hội hành động cuối cùng. Được tin người Pháp sắp đãi tiệc Mã-lan (Merlin) ở khách sạn Vực-đa-lị (Victoria). Anh nói với đồng chí chiến hữu: “Sự việc phải kết thúc thành công, không thể trì hoãn, tôi nguyện không để lọt vào tay người Pháp. Xin anh tuyên thị tôn chỉ của Đảng ta ra ngoài để người Pháp khỏi hiểu sai lầm mà ra tay tàn sát bừa bãi”. Anh bèn đến khách sạn Vực-đa-lị (Victoria) vào ngày 19 tháng 6 lúc 8 giờ tối, gạt được bọn an ninh vào trong vũ trường, tung lựu đạn vào bàn tiệc. Nhiều nam nữ chết ngay tức thời, máu chảy lênh láng. Anh cười nói: “Việc lớn đã thành tựu, ta chỉ còn cái chết thôi!” Sau đó anh trầm mình tự vận. Người Quảng-đông cảm nghĩa khí, thu nhặt thi hài anh đem chôn, sau cải táng ở Hoàng hoa cương, mộ hướng về Tây-Nam là ý muốn cho linh hồn anh được nhìn về cố quốc. Tôi ghi lại nơi đây.
Trung hoa dân quốc năm thứ 14, tháng giêng, ngày tốt dựng lập bia.
Trong khi tôi chú mục vào tấm bia thì có một nhóm du khách bàn tán lộ vẻ ngạc nhiên về dòng chữ La-tinh ở đài tưởng niệm Phạm hồng Thái trong một nghĩa trang toàn chữ Hán. Nhóm họ đến đọc văn bia, xong một người đứng tuổi viết mấy chữ vào phía sau danh thiếp của họ đưa cho tôi: “Đích thị Việt Nam Kinh Kha dã” (đúng là tráng sĩ Kinh Kha(5) của nước Việt Nam). Nhóm du khách Nam-Hàn (South Korea) cúi thấp đầu trước mộ Phạm hồng Thái rồi mới rời đi.
Phạm hồng Thái mãi mãi là biểu tượng của lòng yêu nước có chí khí hào hùng dũng cảm mà ai cũng mến phục. Tuy nhiên có đôi điều cần nói cho rõ, thậm chí cần phải minh xác danh nghĩa của bậc tráng liệt này:
- Phần nhiều sách báo viết là Phạm hồng Thái tự trầm ở Châu-giang. Lại có bài viết phủ nhận, và sửa lại là ông tự trầm ở đầm Bạch-nga. Tôi xin thưa rằng dù 2 tên nhưng địa điểm ấy chỉ là một, vì rằng nơi dòng Châu-giang có chỗ rộng lớn như hồ, nước chãy chậm lại, có một tên riêng là đầm Bạch-nga.
Tưởng cùng nên để cập đến một trường hợp tương tự về tro cốt của nhà cách mạng Nguyễn thượng Hiền là bậc đàn anh đồng chí hướng với Phạm hồng Thái (chết 1 năm sau), có người viết là được rải trên sông Triết. Người khác bác bỏ và cãi lại là tro cốt Nguyễn chí sĩ được rải trên sông Tiền-đường, dòng sông định mệnh của Thúy Kiều. Tôi cũng xin thưa rằng Triết giang hay sông Tiền-đường đều đúng. Vì rằng: Triết giang dài 670 km, chảy từ An-huy ra đến biển có 7 khúc sông được mang 7 tên riêng, đoạn cuối của Triết giang từ Hàng-châu ra biển có tên là sông Tiền-đường.
Một địa điểm có thể gọi theo tên tổng thể có trên bản đồ thì được tính phổ quát, hay gọi theo tên tại địa phương của tổng thể ấy thì có tính chi ly đặc thù, thực tế không có gì sai khác nhau.
Một điều quái dị, nhưng rất hệ trọng nên cần được xác định đó là Đảng Cộng sản Việt Nam nhận Phạm hồng Thái là đảng viên Cộng sản! Trong tài liệu “Các tổ chức tiền thân của đảng” do Ban nghiên cứu lịch sự Trung ương Đảng ấn hành nam 1977 tại Hà Nội đã ngang nhiên nhận tổ chức Tân tâm xã là cơ cấu tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó Phạm hồng Thái là một thành viên.
Lịch sử đã hiển nhiên không ai chối cãi được là nhà Cách mạng Phan bội Châu đã khai sinh Tâm-tâm-xã, một tồ chức trẻ trung năng động của Việt Nam Quang phục hội nhằm thực hiện cách mạng dân chủ tư sản, mà bước thứ nhất là giải phóng Tổ quốc khỏi gông cùm nô lệ của thực dân Pháp. Ngay sau khi Phạm hồng Thái hy sinh, cụ Phan bội Châu đã viết “Phạm liệt sĩ hồng Thái tiên sinh truyện” rồi tác phẩm “Tự phán” có mục “Liệt sĩ Phạm hồng Thái”. Bậy giờ nói Phạm hồng Thái là đảng viên Cộng sản là “cướp công” một cách lố bịch, trơ trẽn.
Tướng Vĩnh Kính, người Đài-loan, trong tác phẩm: “Hồ chí Minh tại Trung Quốc” do Thượng Huyền dịch ở trang 79 có vài câu ngắn gọn:
- “Hành động của Phạm hồng Thái và tổ chức Tâm-tâm-xã của ông, vốn không có quan hệ gì với Hồ chí Minh cả. Chính vào lúc sự kiện Sa-điện xảy ra (19-6-1924), ông Hồ đang ở Mạc-tự-khoa (Moscow)”.
Cần nói rõ thêm:
Đảng CSVN thành lập tháng 2/1930, chỉ 8 tháng sau phải lấy tên là Đảng Cộng sản Đông dương do chỉ thị của Comintern để phù hợp với mục tiêu quốc tế đấu tranh giai cấp do vô sản thế giới liên kết đứng lên, hơn là mục tiêu giành độc lập dân tộc (Comintern- communist international – là tổ chức Cộng sản quốc tế được thành lập năm 1919 tại Moscow và đã tự giải thể năm 1943). Như vậy khi Phạm hồng Thái cho nổ bom ở Sa-điện thì chưa có đảng Cộng sản Việt Nam, làm sao ông là người Cộng sản được? Cho dù kể các thập niên 1920-1930, đảng Cộng sản Đông dương cũng không có mục tiêu giành độc lập dân tộc.
- Xem xét trước sau các người đồng chí hướng và các cộng sự với Phạm hồng Thái (đã viết ở trên) không ai làm Cộng sản. Chỉ duy ông có giao thiệp với người bạn cùng lứa trẻ tuổi tên Lê hồng Phong khi xu hướng cộng sản chưa thấy xuất hiện ở ông này cũng như ở người Việt hải ngoại. Ngay cả Lý Thụy (tên sau cùng là Hồ chí Minh) bấy giờ cũng được sự chỉ giáo của cụ Phan bội Châu, cho đến năm 1925 Lý Thụy lập mưu đưa Pháp đến bắt cụ Phan ở Thượng-hải để lấy thưởng 15 vạn bạc, từ biến cố này Cộng sản mới bi lộ diện.
- Về mặt khách quan, các lãnh tụ Quốc dân đảng Trung-hoa biết rõ đường hướng của Cách mạng Việt Nam, nên đốc quân Thượng-hải là Trần kỳ Mỹ, đô đốc Lưỡng Quảng là Hồ hán Dân… đã giúp cụ Phan bội Châu, người chỉ đạo Tâm-tâm-xã, về tài chánh và tinh thần. Khi làm Tỉnh trưởng Quảng-đông, Hồ hán Dân đã cho cải táng Phạm hồng Thái vào Hoàng hoa cương, có vinh dự như các chiến hữu Cách mạng Tân-hợi 1911.
Tóm lại, người Cộng sản Việt Nam ngày nay cưỡng đoạt tên tuổi Phạm hồng Thái để làm lợi cho họ. Cộng sản, khai thác tiếng bom Sa điện để lấy công trạng cho đảng, tạo ra uy tín và sức thuyết phục đối với quốc dân. Xảo trá và bẻ cong sự thật vốn là ngón sở trường của “Ban nghiên cứu lịch sử trung ương Đảng”. Nhân viết bài du khảo này tôi xin minh định: liệt sĩ Phạm hồng Thái ném bom ở Sa-điện với danh nghĩa là nhà cách mạng dân chủ tư sản đòi độc lập tự do cho Tổ quốc, tuyệt nhiên không có liên hệ gì với Cộng sản Việt Nam.
Chú thích:
(1) Tp. Quảng Châu có tên là Dương-thành là do huyền thoại về 5 thần nhân cởi 5 con dê đem đến cho địa phương này hạt ngũ cốc, hoa quả và giúp cho những vụ mùa bội thu. Hiện nay trong công viên Việt-tú có tượng 5 con dê rất cao lớn là biểu tượng của Dương thành, một thành phố nổi tiếng về hoa và quả. Chớ lầm lẫn với Dương-châu tức cố đô Quảng-lăng, còn gọi là Giang-đô thuộc tỉnh Giang-tô, ở Đông-Nam Trung Quốc.
(2) Lỗ trọng Liên là bậc cao sĩ đời nhà Tần, một người đức độ và nhân từ. Khi Tần vương Dinh Chính xưng là Tần thủy Hoàng đế, ông thấy xấu hổ, bất phục, lui về ở ẩn, sống thanh nhàn xa lánh danh lợi.
- Khuất Bình có tên là Khuất Nguyên là một bậc trung thần ái quốc đời Đông-Chu. Làm quan đến chức Tam lư đại phu nước Sở, ông thấy vua hôn ám để đất nước suy vi, ông cán giám vua không nghe mà còn ghét bỏ. Khi nước Sở mất, ông tự trầm trên sông Mịch-la để giữ trọn tiết tháo. Ngày 5 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan ngọ) là ngày giổ Khuất Nguyên.
(3) Gần đây có những chiến sĩ Việt Nam được cải táng ở nghĩa trang ngoại quốc nhưng với danh nghĩa đồng minh liên hợp. Như phi hành đoàn 219 trên chiếc trực thăng H34 rơi ngày 18-10-1965 ở núi rùng Trường Sơn phía Tây Đà Nẵng gồm thiếu tá Mỹ Larry Thorne và 3 biệt kích lôi hổ: Trung uý Phan thế Long, Trung uý Nguyễn bảo Tùng, thượng sĩ xạ thủ Bùi văn Lãnh đều được cải táng vào nghĩa trang Arlington ở Washington DC.
(4) Nhiều người đã lầm tưởng là hài cốt Phạm hồng Thái nằm ngay dưới đài tưởng niệm, vì đã không rõ sự khác nhau về thổ táng ở Đông và Tây. Tôi có dịp chiêm nghiệm 2 nghỉa trang tiêu biểu cùng ở thời cận đại là:
- Đền thờ trung liệt tướng Nhạc Phi rất tráng lệ chiếm một khu vực ở Hàng-châu (Trung Quốc). Cũng nằm trong khu lăng tẩm đền thờ có 2 ngôi mộ đất lớn, vun cao, xanh cỏ là điểm an táng hài cốt Nhac Phi và con là Nhạc Vân. Quan niệm của Trung Hoa khi đem chôn là thân xác được trở về với đất, còn linh hồn phải được thông khoáng với trời để hoà nhập vào nguyên khí của trời, như vậy mới siêu thoát.
- Một nghĩa trang rất to đẹp của chức sắt Thiên chúa giáo tại New Orleans (Lousiana, USA), mỗi ngôi mộ là một kiến trúc bằng đá và bê-tông hàng chục tấn trên mặt đất. Vật liệu nặng nằm trên hài cốt để đánh dấu chỗ an nghỉ của một người có thể tồn tại lâu dài được qua thời gian.
(5) Người đời thường ví tráng liệt Phạm hồng Thái như tráng sĩ Kinh Kha vì sự tương đồng về lòng dũng cảm, bình tĩnh liều chết mưu diệt bạo quyền để cứu nước tuy không gặp thời mà danh thơm muôn thưở.
Vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, Tần thuỷ Hoàng xua quân thôn tính Lục quốc, dũng sĩ Kinh Kha quyết mưu hành tích Tần bạo chúa để cứu nước Yên. Kinh Kha có Tần vũ Dương tháp tùng, mang theo các tín vật làm cống phẩm, nên gạt được vua Tần cho thiết đại triều tại kinh đô Hàm-dương để đón sứ giả. Kinh Kha tiến lên gần ngai vua Tần để trình đầu Phan ô Kỳ là kẻ thù của vua, lại tiến lên được mấy bậc nữa để dâng nộp bản đồ tỉnh Đốc-cương, chẳng may gươm truỷ thủ giấu trong áo bị ló ra. Kinh Kha vội nhảy lên nắm lấy tay áo vua Tần rút dao đâm vào ngực. Mũi dao sắc vương đút tay áo của bạo chúa, ông vùng chạy tránh quanh bình phong sau ngai vàng. Kinh Kha vừa đuổi theo vừa vật ngã nhóm vệ sĩ (vì sợ thích khách nên Tần thuỷ Hoàng cấm triều thần mang khí giới vào sân chầu). Tần bạo chúa cũng là tay vũ dũng thế mà luống cuống không rút được thanh trường kiếm Lộc-lư ông mang theo bên hông, may nhờ tên nội thị la to cho ông xoay đốc kiếm ra trước, rút ra được chém Kinh Kha nơi đùi trái ngã xuống. Kinh Kha phóng dao vào vua Tần, ông né, mũi dao xẹt qua tai đâm vào cột đồng toé lửa. Tần bạo chúa lại chém, Kinh Kha đưa tay ra đỡ bị rụng tay, rồi bị chém liền 8 nhát. Kinh Kha trợn mắt nhìn trừng trừng vào Tần thuỷ Hoàng, hạch tội và xỉ vả bạo chúa cho đến lúc chết.
Ngày lên đường hành thích, thái tử Yên Đan và triều thần mặc tang phục bày tiệc rượu tiễn biệt Kinh Kha bên bờ sông Dịch-thuỷ, có người bạn tri âm của ông là Cao tiệm Ly đến dự, thổi sáo tiễn đưa, Kinh Kha hát theo tiếng trúc:
Tráng sĩ một đi không trở lại,
Dòng sông Dịch-thuỷ rẽ đôi nơi.
Rượu nồng máu hận đầy vơi ấy,
Tiếng trúc còn vang mãi với đời.
Ngày nay, người Việt nào qua tp. Quảng-châu nhìn dòng sông vĩnh biệt Châu-giang (như dòng sông Dich-thủy của Kinh Kha) đều tưởng nhớ đến quí liệt sĩ Võ Quán, Phạm hồng Thái đã vì nước ra đi không trở lại.
Ghi lại từ Connecticut, tháng 8/2005
TRƯƠNG QUANG