Tin Tài Chánh.
Dưới đây là các bản tin của VOA và BBC về "Biến cố tài chánh" sau khi Hạ Viện Mỹ không thông qua kế hoạch cứu nguy tài chánh của Tổng Thống Bush cùng các tin liên hệ.
Mời quý độc giả theo dõi.
BĐH.
1. Hạ viện Mỹ bác dự luật cứu nguy tài chính.
VOA, 30/09/2008
Hạ viện Hoa Kỳ vừa biểu quyết bác bỏ một dự luật của lưỡng đảng đề nghị cho phép dùng 700 tỉ đôla ngân sách chính phủ để cứu thị trường tài chánh của nước này. Tỉ lệ biểu quyết là 228 phiếu chống trên 205 phiếu thuận.
Những người phản đối nói rằng kế hoạch can thiệp khổng lồ này của chính phủ không giải quyết những vấn đề cơ bản của thị trường, và có quá ít biện pháp bảo vệ cho người thọ thuế.
Có mặt tại cuộc biểu quyết ở Hạ viện, Thông tín viên Dan Robinosn của đài VOA tường trình rằng kết quả cuộc biểu quyết đã khiến cho các thị trường tài chánh của Mỹ rớt giá thảm hại.
Kết quả chung cuộc của cuộc biểu quyết được loan báo là kế hoạch cứu nguy cho thị trường tài chánh được các thủ lãnh của hai đảng kêu gọi ủng hộ đã bị bác bỏ với 132 phiếu chống của các đại biểu Đảng Cộng hòa và 94 phiếu chống của các đại biểu Đảng Dân chủ.
Trong suốt ba giờ đồng hồ tranh luận về một trong những vấn đề khó khăn nhất được đưa ra biểu quyết, các đại biểu của cả hai đảng đã phát biểu ý kiến ủng hộ cũng như chống đối dự luật.
Các nội dung chính của kế hoạch này là: cho phép chính phủ mua lại các khoản nợ xấu và nắm giữ cổ phần trong các công ty tài chánh đang gặp nguy cơ lụn bại; thành lập cơ chế giám sát ngành tài chánh thật chặt chẽ; có các biện pháp giúp cho người dân Mỹ tránh được tình trạng bị ngân hàng chủ nợ tịch biên nhà cửa; và hạn chế mức lương bổng, tưởng thưởng cũng như những món tiền to lớn mà nhà quản lý trong ngành tài chánh được hưởng khi họ nghỉ việc.
Theo kế hoạch được đề nghị thì Quốc hội sẽ chuẩn chi ngay lập tức 250 tỉ đôla, kế đến là 100 tỉ đôla dự phòng khẩn cấp, và 350 tỉ đôla dự chi nữa cần được Quốc hội biểu quyết.
Ông Barney Frank, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chánh Hạ viện, nói:
-”Chúng tôi rất tiếc phải có mặt ở đây, và chúng tôi rất tiếc về tình trạng của nền kinh tế đã khiến cho ngày biểu quyết hôm nay hết sức cần thiết. Không ai có thể vui mừng khi chúng ta chứng kiến sự thất bại trong hệ thống kinh tế của chúng ta.”
Thủ lãnh của phe thiểu số thuộc Đảng Cộng hòa, ông John Boehner, thừa nhận về những khó khăn mà nhiều người đảng của ông phải đối diện trong cuộc biểu quyết.
Ông Boehner nói:
-”Chúng tôi đã từng bỏ phiếu tại nhiều cuộc biểu quyết căng thẳng nhất. Tôi không thấy là đã có cuộc biểu quyết nào khó khăn và căng thẳng hơn cuộc biểu quyết này. Bởi vì không ai muốn dính tới dự luật này. Và tôi cũng không trách gì quí vị, bởi vì chính tôi cũng không muốn dính dáng tới."
Nhiều đảng viên Cộng hòa gọi kế hoạch cứu nguy này là một chương trình an sinh xã hội dành cho các công ty. Họ khẳng định rằng kế hoạch này sẽ không mang lại hiệu quả tài chính như mong muốn, và nó sẽ tròng thêm vào cổ người dân Mỹ gánh nặng nợ nần trong dài hạn.
Dân biểu Jeb Hensarling của Đảng Cộng hòa đại diện bang Texas nói:
-“Tôi sợ rằng dự luật này sẽ đầy rẫy hậu quả chưa lường trước được. Tôi sợ rằng rốt cuộc nó sẽ không có hiệu quả. Tôi sợ rằng số tiền mang ra cứu nguy quá lớn song vẫn chưa đủ để mang lại kết quả. Tôi sợ rằng cuối cùng rồi người thọ thuế sẽ phải nhận lãnh một món nợ to lớn hơn tất cả mọi khoản nợ nần khác."
Dân biểu Cộng Hòa Mike Pence đại diện bang Indiana nói:
-“Tôi giữ quan điểm của tôi là kế hoạch cứu nguy các công ty lớn nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ này sẽ vĩnh viễn thay đổi quan hệ giữa chính phủ và ngành tài chánh, và nó sẽ chuyển các khoản nợ đó ra cho người dân Mỹ. Tôi không thể ủng hộ dự luật này được."
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trấn an các nhà lập pháp rằng chấp thuận dự luật này hoàn toàn vẫn chưa phải là chung cuộc là bởi vì quốc hội còn có nhiều hành động nữa vào năm tới.
Bà Pelosi nói:
-“Đối với các gia đình người dân Mỹ thì cuộc khủng hoảng này đang được cảm nhận ngay tức khắc, và nó được xem xét giải quyết ở nhiều cấp độ. Chúng tôi sẽ sớm xem xét lại, và sẽ xem lại thường xuyên để thực hiện những thay đổi khi cần thiết."
Tòa Bạch Ốc ngay sau đó đã ra một tuyên bố bày tỏ thất vọng về kết quả của cuộc biểu quyết. Việc Hạ viện bác bỏ dự luật này khiến người ta không biết số phận của nó rồi sẽ ra sao.
2. Wall Street lao dốc sau khi Hạ viện không thông qua dự luật cứu nguy.
VOA, 30/09/2008
Đã xảy ra các hiện tượng sụt giá khủng khiếp tại Phố Wall hôm qua vào lúc giới đầu tư có phản ứng trước việc Hạ viện Hoa Kỳ không thông qua dự luật khẩn trương nhằm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Mỹ. Thông tín viên đài VOA Barry Wood ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt gần 780 điểm, tức là mức sụt mức lớn nhất trong một ngày. Lần sụt giá kỷ lục trước đây là 685 điểm vào ngày đầu giao dịch sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nhưng tính theo tỷ lệ bách phân, thì mức sụt giá 7% của chỉ số Dow không lớn bằng mức sụt 20% vào ngày 19 tháng 10 năm 1987.
Trong khi đó, chỉ số kỹ thuật Nasdaq sụt hơn 9%, xuống tới mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2005. Chỉ số Standard and Poor 500 được theo dõi sát cũng sụt gần 9% xuống tới mức thấp nhất tính từ tháng 10 năm 2004.
Ở thủ đô Washington, nhân vật hàng đầu ủng hộ dự luật khẩn cấp nhằm ổn định hóa các thị trường do chính phủ Bush đề xuất là nghị sĩ Christopher Dodd của đảng Dân chủ.
Ông Dodd tuyên bố ông hy vọng là Hạ viện sẽ chuyển hướng và thông qua dự luật vào cuối tuần này. Ông nói rằng nhiều người dân đóng thuế tán đồng kế hoạch đó.
Ông Dodd nói:
-“Cùng người cử tri đó nói rằng “Tôi rất bực bội là chúng ta rơi vào hoàn cảnh này. Nhưng tôi sẽ còn bực bội hơn nếu quý vị không có hành động. Và nếu nền kinh tế này trở nên tệ hại hơn, thì xin đừng cho là chúng tôi sẽ buông tha cho quý vị nếu như cùng một lúc, tôi vừa gặp khó khăn để cho con vào đại học, vừa không giữ được nhà, vừa mất công ăn việc làm. Nếu quý vị không có hành động, tôi sẽ bắt quý vị phải chịu trách nhiệm.”
Tổng thống Bush và các nhà lập pháp của cả hai đảng cho rằng nếu không có hành động xóa những món nợ xấu trong sổ sách của ngân hàng, thì nền kinh tế sẽ bị tác hại nặng nề, có thể rơi vào một cuộc suy thoái trầm trọng. Các thị trường tín dụng đã không hoạt động một cách thích đáng từ nhiều tháng nay và tiếp tục gây thiệt hại cho các cổ phần trong các cơ chế tài chính.
Hôm qua, Wachovia, một ngân hàng lớn có trụ sở ở North Carolina, đã đồng ý sát nhập với tổ hợp ngân hàng Citigroup ở New York. Giá cổ phiếu của Wachovia sụt hơn 80%. Nhiều ngân hàng Âu Châu có chứng khoán của Hoa Kỳ đã yêu cầu tài trợ khẩn cấp.
Giá chứng khoán tại London sụt 5%. Giá dầu sụt khoảng 10 đôla một thùng xuống tới mức 96 đôla một thùng với dự kiến là nền kinh tế thế giới sẽ chậm hẳn lại sau khi xảy ra tình trạng đình chỉ tín dụng. Giá dầu thô sụt 20% trong tuần vừa qua.
Đồng đôla Mỹ tăng giá trong khi đồng bảng Anh sụt giá so với đồng đôla ở mức cao nhất trong một ngày từ nhiều năm nay, xuống tới mức dưới 1 đôla 80 cent.
3. Kế hoạch cứu nguy 700 tỷ đôla: Hiệu quả hay không?
VOA, 26/09/2008
Kế hoạch của chính phủ Tổng thống Bush nhằm chống đỡ cho các thị trường đã khiến các nhà đầu tư đi tìm hiểu các dấu hiệu xem chương trình cứu nguy mất 700 tỷ đôla có thực sự đem lại hiệu quả hay không.
Quốc hội, cơ quan được yêu cầu chuẩn chi ngân khoản đó, đã nêu lên một số câu hỏi hóc búa về kế hoạch. Và những người thọ thuế ở Hoa Kỳ đang tự hỏi tại sao họ lại bị kẹt vào chỗ phải trả tiền cho kế hoạch đó và gánh chịu các hậu quả nếu như kế hoạch thất bại. Biên tập viên Judith Latham của đài VOA nói chuyện với các nhà báo của Anh, Nga, và Ấn Độ về âm hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu, Nga, Nam Á và Đông Á.
Cuộc khủng hoảng phát xuất từ hàng triệu khoản tiền tài trợ địa ốc cho những người mua nhà có thành tích tín dụng xấu hay nguồn tài chính không ổn định.
Cuộc khủng hoảng của Hoa Kỳ phát xuất từ hàng triệu khoản tiền tài trợ địa ốc trong những năm gần đây cho những người mua nhà có thành tích tín dụng xấu hay các nguồn tài chính không ổn định.
Hôm thứ ba 23 tháng 9 vừa rồi, các nhà lãnh đạo thế giới họp ở Liên Hiệp quốc gần như nhất trí cho rằng tình trạng hỗn loạn tài chính trong nền kinh tế lớn nhất thế gối đang đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu. Trong khi cuộc khủng hoảng ngày càng rõ nét, giá chứng khoán sụt giảm trên khắp thế giới.
Trong nền kinh tế thị trường non nớt của Nga, các giới chức đã có biện pháp đình chỉ việc mua bán chứng khoán sau khi giá sụt mạnh và nhanh hơn so với bất cứ thị trường lớn nào khác.
Mặc dù các nhà lãnh đạo Nga đổ trách nhiệm cho chính phủ Hoa Kỳ, nền kinh tế Nga đã lâm vào tình thế khó khăn. Đó là nhận định của ông Dmitri Siderov, trưởng văn phòng tờ Kommersant, một nhật báo chuyên về kinh doanh và chính trị phát hành ở Matxcơva.
Ông Siderov nói:
“Có rất nhiều dấu hiệu. Một trong các dấu hiệu đó là tình hình ở công ty sản xuất than đá và thép Mechel, mà chính phủ Nga định tiếp quản. Một dấu hiệu khác nữa là công ty dầu khí TNK-BP. Tôi nghĩ rằng điện Kremli đã có rất nhiều cố gắng. Dứt khoát chúng ta phải kể cả việc Nga tiến chiếm Gruzia, một chỉ dấu đáng kể nhất đã châm ngòi cho tình hình hiện thời ở Nga.”
Ông Siderov nói rằng một kết quả của việc Nga tiến chiếm Gruzia là các nhà đầu tư nước ngoài rút khoảng 35 tỷ đôla ra khỏi thị trường của Nga.
Ông Siderov nói:
-“Nga đã chi gần 1/10 tiền mặt dự trữ để ổn định hóa tình hình. Sau khi loan báo rằng ngân hàng trung ương sẵn sàng dành ra ít nhất 1,500 tỷ đôla cho 3 ngân hàng của Nga, báo chí Nga loan báo rằng tình hình có ổn định. Nhưng tôi cho rằng đó là một kết luận quá sớm bởi lẽ trước tiên, nó có thể xoa dịu cuộc khủng hoảng tiền mặt vốn đã hiện hữu ở Nga ngay lúc này, nhưng còn tùy thuộc phần lớn vào cách thức 3 ngân hàng này xử lý các ngân khoản đó. Một điều khác rất đáng chú ý là giá dầu ngay bây giờ thấp hơn so với giá ta thấy cách đây 1 tháng hay 2 tháng.”
Sự biến động trong giá năng lượng rất quan trọng đối với Nga. Ông Siderov nêu ra rằng tiền thu được từ dầu khí chiếm gần 50 phần trăm ngân sách quốc gia của Nga. Kết quả là thị trường tài chính Nga đã sụt 50 phần trăm kể từ khi đạt cao điểm hồi tháng 5. Và trong một nền kinh tế lệ thuộc vào chính trị, thì điều đó gây ra một vấn đề lớn.
Ký giả Ấn Độ Jehangir Pocha, chủ biên tờ Business World ở New Delhi, trước đây thường tường thuật về bối cảnh chính trị và kinh tế ở Bắc Kinh cho nhật báo Boston Globe. Ông nói rằng kế hoạch đề nghị cứu nguy 700 tỷ đôla dứt khoát cổ võ các thị trường ở châu Á.
Ông Pocha nói:
-“Nhưng không rõ là liệu các thị trường có khả năng tự thân duy trì các mức cao mà không có sự hỗ trợ giả tạo hay không. Tôi cho rằng dân chúng ở Ấn Độ dường như hút một thứ thuốc lá thành công khiến họ miễn nhiễm với mọi vấn đề trên thế giới. Có sự thiếu thực tiễn trong các thị trường ở đây. Và có cảm giác là nền kinh tế nội địa của Ấn Độ đủ vững mạnh để xoay xở mà không cần đến sự hỗ trợ của phương Tây. Tôi cho rằng mọi sự sẽ tệ hại hơn ở Ấn Độ này trước khi trở nên khá hơn. Ấn Độ ít liên hệ hơn với Nhật Bản, Trung quốc và phần còn lại của châu Á so với Hoa Kỳ.”
Mặt khác, theo ông Jehanger Pocha, nền kinh tế của Trung quốc liên hệ mật thiết với châu Âu, Mỹ, Nhật bản và Đông nam châu Á.
Ông Pocha nói:
-“Nhưng vì mang tính toàn cầu hơn so với nền kinh tế Ấn Độ, cho nên nền kinh tế Trung Quốc nhậy cảm hơn với những thay đổi diễn ra trong bất cứ khu vực kinh tế nào vừa kể. Và tôi cho rằng mối quan ngại lớn nhất cho những nước như Trung quốc và Nhật Bản khởi đầu từ chính phủ bởi vì cả hai chính phủ đều đầu tư hàng trăm tỷ đôla vào các chứng khoán của Hoa Kỳ. Và đó là một trong các lý do Hoa Kỳ phải nâng đỡ Fannie Mae và Freddie Mac bởi vì quá nhiều chính phủ nước ngoài đầu tư ngoại tệ thặng dư vào các công trái và vào các công ty như thế.”
Nhà báo Scotland Scottie Dinwoodie, chủ biên chính trị của tờ The Herald ở Edinburgh, nói rằng cho mãi đến thời điểm cách đây vài tháng, ông và nhiều đồng sự của ông thực sự không biết đến từ ‘sub-prime.’
ông Dinwoodie nói:
-“Bỗng nhiên sự kiện là các khoản nợ tài trợ địa ốc nhiều rủi ro được bán trên khắp thế giới trở thành tin mới mẻ đối với chúng tôi. Khi sự việc xảy ra và một lượng lớn các khoản tiền cho vay này được gói ghém và bán cho các ngân hàng khác trên khắp thế giới, thì nó trở thành một cuộc khủng hoảng tín dụng.”
Ông Dinwoodie nói rằng dân chúng trên khắp thế giới lấy làm kinh ngạc rằng nước Mỹ đã bắt đầu điều mà ông gọi là quốc hữu hóa các ngân hàng và quốc hữu hóa món nợ to lớn. Nhưng ông nhận xét rằng nhiều người không đặt vấn đề về kế hoạch của chính phủ Hoa Kỳ bảo đảm cho món nợ đó bởi vì họ tha thiết mong muốn ảnh hưởng dợn sóng ngừng lại.
4.Chứng khoán Châu Âu đồng loạt giảm.
BBC, 30-9-2008.
Các thị trường Châu Âu đồng loạt giảm theo sau các diễn biến ở Washington.
Thị trường chứng khoán Châu Âu đồng loạt sụt giảm sau các diễn biến ở Hoa Kỳ nơi gói cứu trợ 700 tỷ đô la bị bác.
Các chỉ số chứng khoán tại Anh, Đức và Pháp đều giảm từ vài chục tới vài trăm điểm, tức từ một tới hai phần trăm ở đầu phiên giao dịch.
Tuy nhiên một số thị trường đã phục hồi vào giữa ngày giao dịch.
Trước đó chỉ số Dow Jones sụt 7%, tức 778 điểm, số điểm giảm lớn nhất trong một ngày từ trước tới nay.
Tổng thống Bush theo kế hoạch sẽ có thông cáo về tình trạng bế tắc của kế hoạch hỗ trợ tài chính vào sáng thứ Ba giờ Washington.
Tại London, cổ phiếu của các ngân hàng giảm mạnh nhất, có ngân hàng bị giảm tới 12%.
Ở Châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật đã giảm hơn 4% hôm thứ Ba và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm gần 2,5% vào cuối phiên giao dịch.
Trong khi đó tại Nga giao dịch chứng khoán trên hai thị trường chính đã bị ngưng.
Tại Cộng hòa Ai-len, chính phủ loan báo các khoản tiền gửi tại ngân hàng sẽ được đảm bảo trong vòng hai năm tới.
Trong khi đó ngân hàng liên doanh Pháp-Bỉ Dexia đã nhận được trợ giúp tài chính tổng cộng hơn chín tỷ đô la từ hai quốc gia.
Kế hoạch bất thành.
Trong ngày thứ Hai, gói các biện pháp can thiệp tài chính, vốn là kết quả của cuộc thương lượng kéo dài nhiều ngày giữa chính phủ Hoa Kỳ và các dân biểu, đã bị bác với số phiếu chống 228 trên 205 phiếu thuận tại Hạ viện.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói các bên cần tiếp tục cố gắng để cải thiện tình hình
Khoảng hai phần ba số dân biểu Cộng hòa đã tuyên bố không ủng hộ kế hoạch giải cứu này, cùng với 95 dân biểu của đảng Dân chủ.
Sau khi có hội đàm với Tổng thống, bộ trưởng tài chính Henry Paulson nói rằng kế hoạch giải quyết khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính Hoa Kỳ quá quan trọng nên không thể không thực hiện.
Ông Paulson cảnh báo rằng tuy các nhà hoạch định chính sách sẽ sử dụng "tất cả các công cụ có thể" để giúp nền kinh tế, họ không có đủ quyền hạn.
Ông bộ trưởng cũng nói thêm rằng ông sẽ làm việc với các lãnh đạo Hạ viện để tìm giải pháp "càng sớm càng tốt".
Các phân tích gia nói rằng nếu không có hỗ trợ từ chính phủ, các ngân hàng sẽ phải tự đương đầu với các khoản nợ xấu và trong nhiều trường hợp sẽ lâm vào nguy cơ phá sản.
Thế nhưng sau vài giờ thảo luận gay gắt, những người chống lại kế hoạch tài chính mà đa số là từ đảng Cộng hòa, đã thắng lợi.
Họ đã nêu quan ngại về cả nội dung kế hoạch can thiệp cũng như khung thời gian quá hạn hẹp dành cho họ khi cân nhắc thông qua gói các biện pháp này.
Một số chi tiết như giám sát, bảo hộ cho người dân đóng thuế và cắt giảm tiền thưởng cho lãnh đạo các công ty đã được thống nhất trong các cuộc thảo luận cuối tuần.
Tuy nhiên những điểm đó cuối cùng cũng vẫn chưa thuyết phục được các dân biểu.
5.Kế hoạch giải cứu ngân hàng của Mỹ.
BBC, 29 Tháng 9 2008 - Cập nhật 10h49 GMT
Cuối ngày Chủ nhật (28/9) các dân biểu hàng đầu tại Hạ viện Hoa Kỳ cùng với đại diện tòa Bạch Ốc đồng ý sơ bộ kế hoạch cứu giúp 0 tỷ Mỹ kim dành cho khu vực tài chính tại Hoa Kỳ.
Các dân biểu liên bang nay được chia quyền điều hành cùng tòa Bạch Ốc trong việc thực hiện kế hoạch giải cứu.
Vụ cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đã nhận được sự ủng hộ ban đầu của hai ứng viên tổng thống, và sẽ được mang ra sàn hạ viện chiều thứ Hai 29/9, giờ địa phương, để bỏ phiếu.
Tổng thống Bush thừa nhận trong một tuyên cáo rằng cuộc bỏ phiếu về dự luật này sẽ là chủ đề khó khăn cho các dân biểu trong quốc hội Mỹ.
Nhưng ông tin là dự luật sẽ sớm được thông qua.
Theo ông nếu mọi người chần chừ, tai họa đối với kinh tế Hoa Kỳ sẽ không tránh khỏi.
Còn đối với phe Dân chủ, bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện, nói việc các dân biểu chụm đầu với nhau và đưa ra dự luật báo hiệu sự kết thúc của giai đoạn nhà băng kinh doanh bất cẩn, thưởng tiền vô tội vạ cho các giám đốc thiếu thận trọng.
Bà nhấn mạnh người thọ thuế Mỹ sẽ không bao giờ bỏ tiền ra nữa để cứu chữa những lỗi lầm của phố Wall.
Coi như từ nay sẽ chấm dứt cảnh tiền thưởng quá lố dành cho các giám đốc ngân hàng
Chi tiết thỏa thuận.
Thỏa thuận bình ổn hoạt động khu vực tài chính tìm cách giải quyết một số quan ngại nổi cộm xuất hiện trong hai phe, Dân chủ và Cộng hòa. Các điểm chính của kế hoạch này như sau:
- Chính phủ Mỹ sẽ nhận tiền qua từng đợt, 250 tỷ Mỹ kim ngay lập tức và 100 tỷ sau đó nếu như tòa Bạch Ốc yêu cầu. Quốc Hội Mỹ có quyền phủ quyết ngân khoản 350 tỷ còn lại.
- Ngân hàng nhận tiền trợ giúp của liên bang sẽ phải đưa lại cổ phiếu cho Bộ Tài chính nắm giữ để một khi ngân hàng hồi phục và có lời, người thọ thuế sẽ hưởng lợi nhuận này.
- Lương và thưởng của ban giám đốc điều hành ngân hàng, sẽ phải chịu giới hạn, và các khoản cho, hay thưởng vô tội vạ khi thay ban điều hành, sẽ bị cấm.
- Toàn bộ khu vực ngân hàng sẽ phải bỏ tiền vào để trợ giúp nhau nếu như các ngân hàng đang có vấn đề không đứng vũng nổi.
- Cả thảy sẽ có bốn văn phòng theo dõi thỏa thuận trợ giúp, trong đó có Tổng Thanh tra, hoạt động dưới tư cách độc lập, và việc thành lập một Hội đồng kiểm tra, với thành viên đến từ hai đảng.
- Các nhà băng sẽ phải mua bảo hiểm để tự bảo vệ họ nếu như các chứng khoán liên quan đến tín dụng sụt giá.
Các dân biểu đặt tên cho dự luật là Đạo luật Bình ổn kinh tế khẩn cấp 2008, và cuối ngày thứ Hai (29/9) hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật.
Dự luật sẽ ra trước sàn Thượng viện cuối tuần này.
Theo chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi quá trình bàn thảo coi như đã xong, dự luật nay không nhận thêm ý kiến đóng góp hay chỉ trích gì nữa.
Tuy nhiên một số nhà chỉ trích đã kêu gọi các dân biểu đại diện cho họ không thông qua dự luật tại quốc hội.
Khó khăn tài chính.
Ban đầu chính quyền Bush đưa ra dự án tạm thời nhằm cứu giúp ngành tài chánh sau khi một số ngân hàng hàng đầu của Mỹ rơi vào thế khó khăn, không kiếm đâu ra tiền để ổn định hoạt cho vay hay chi trả.
TT Bush cảnh báo nếu không thông qua kế hoạch cứu giúp Hoa Kỳ sẽ gặp đại hạn.
Việc ngân hàng thiếu tiền, rồi ngưng hoạt động không chỉ xảy ra tại Hoa Kỳ.
Một trong những vụ ngân hàng đổ bể lớn nhất tại Mỹ, Washington Mutual, đã được Bộ Tài chính mua lại, và sau đó bán cho JP Morgan Chase.
Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ, Merrill Lynch đi tìm người mua và sau đó được Bank of America mua lại. Morgan Stanley trong khi đó nhận được được tiền trợ giúp từ một ngân hàng đối thủ bên Nhật.
Chính phủ Mỹ buộc phải mua lại đại công ty bảo hiểm AIG, đến nay Washington nắm giữ 80% cổ phần của công ty.
Trong khi đó tại Anh Quốc, ngân hàng chuyên cấp tín dụng mua nhà, Bradford & Bingley đã bị quốc hữu hóa, bộ phận tiền gửi tiết kiệm được bán cho tập đoàn Ngân hàng Tây Ban Nha Santander.
Chính phủ Bỉ, Luxembourg và Hà Lan đồng ý cuối ngày Chủ nhật rằng họ sẽ bỏ ra 11,2 tỷ euro để vực dậy ngân hàng Fortis.
Hành động này được các chuyên gia coi là quốc hữu hóa.
6. Vì sao dự luật cứu thị trường bị chặn?
Kevin Connolly, BBC News, Washington
Đã có một vài khoảnh khắc từ lúc Quốc hội biểu quyết tới lúc công bố kết quả bác bỏ đề án trọn gói 700 tỷ đô la cứu thị trường. Đó cũng là lúc thế giới chính trị Mỹ dường như đóng băng.
Nhiều dân biểu lo sợ khả năng mất ghế.
Việc biểu quyết tại Hạ Viện chỉ chính thức diễn ra khi Chủ tịch Hạ viện hạ búa để nó nằm yên trên bàn.
Giới truyền thông chờ vài phút trước khi loan báo kết quả; một sự chờ đợi hiếm thấy trong một thế giới thông tin được cập nhật nhanh tới mức chóng mặt.
Các lời đồn đoán đã loan ra rằng đã có những nỗ lực nhằm thuyết phục các dân biểu nói "Không" hãy đổi ý.
Kinh ngạc.
Việc đề nghị các nhà lập pháp đổi ý trong chuyện biểu quyết một vấn đề vô cùng quan trọng tới lợi ích quốc gia nhưng lại không đưa ra thêm bất kỳ thay đổi hay tranh luận nào cho chủ đề đó là một bước đi vô cùng đặc biệt trong một nền dân chủ, và rất có thể những lời đồn đoán chỉ là là đồn đoán nhảm mà thôi.
Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh tâm trạng bất ngờ tại Toà Bạch Ốc khi họ những tưởng đã chạm tay được tới thiên đường.
Các dân biểu bác bỏ dự luật mà Cục Ngân khố và Cục Dự trữ Liên bang coi là vô cùng quan trọng cho việc ổn định và tiếp tục tồn tại của hệ thống tài chính Mỹ, mà xa hơn là tới toàn bộ hệ thống tài chính thế giới.
Chính quyền ông Bush nói rằng nếu không có kế hoạch cứu trợ cùng các khoản cần thiết để triển khai thì kinh tế Mỹ sẽ rơi vào tình trạng đình trệ.
Ông Bush chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ giữa bầu không khí không êm ả.
Mọi người đều biết rằng cả phe Dân chủ lẫn Cộng hoà đều rất không hài lòng về cách chính phủ định cứu đất nước, nhưng rất ít, nếu không nói là hầu như chẳng ai, đoán được rằng mức độ phản đối lại mạnh tới thế.
Các dân biểu đã phải đối phó với hai lực lượng đầy quyền lực đối chọi nhau trong tuần trước.
Thứ nhất là áp lực tàn nhẫn từ Toà Bạch Ốc, nói rằng đất nước đang đối diện cuộc khủng hoảng ghê gớm; nếu không thông qua các kế hoạch của chính phủ thì chủ nghĩa tư bản Mỹ sẽ đình trệ do các nguồn quỹ lưu thông giữa các ngân hàng bị cạn kiệt.
Tuy nhiên, thế lực thứ nhì là áp lực mạnh mẽ hơn từ phía các cử tri. Họ gửi thư email, thư tín tới các dân biểu, giận dữ đòi đại diện của mình phải bác bỏ kế hoạch cứu giúp, vốn được coi là phao cứu sinh cho các ngân hàng ở Phố Wall.
Giới nhà băng bị coi là tham lam, là đám người yếu kém chuyên môn, thủ phạm tự gây ra cuộc khủng hoảng hiện thời và nay lại đang được cho phép thò tay vào móc tiền từ túi dân đóng thuế để vá víu tình hình.
Khoảnh khắc khó xử.
Đa số các dân biểu thuộc phe Dân chủ ủng hộ dự luật, dẫu cho họ nghi ngờ về chuyện kế hoạch phần nhiều là để giải cứu cho các ngân hàng tắc trách chứ không phải các khách hàng đang bị ném ra đường do bị tịch biên nhà cửa.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục rớt giá trong mấy ngày qua.
Vấn đề thực sự phát sinh từ phía phe Cộng hoà, với đa số các dân biểu phe này coi đó là một biện pháp không phải kiểu Mỹ chút nào, hoàn toàn vi phạm vào các quy tắc cơ bản của chủ nghĩa tư bản.
Tình hình càng tồi tệ thêm khi mọi chuyện lại nổ ra đúng vào thời điểm có lẽ là khó xử nhất trong hoạt động chính trị tại Mỹ.
George W Bush trong những ngày tại vị cuối cùng trên cương vị tổng thống đang càng lúc càng mất điểm trong dân chúng.
Đơn giản là ông không có giải pháp cho tình hình.
Các dân biểu đang phải đối diện với kỳ bỏ phiếu của cử tri vào tháng Mười Một tới.
Các chính trị gia muốn né tránh việc phải đưa ra những quyết định khó khăn và không hợp lòng dân. Ít nhất là vào lúc này.
Câu hỏi thường gặp nhất vào lúc này là "Chuyện gì sẽ xảy ra bây giờ?" và câu trả lời ngắn gọn là chính quyền ông Bush, được hậu thuẫn bởi lãnh tụ của cả hai phe tại Capitol Hill sẽ phải thử tiếp.
Họ có thể sẽ phải đưa ra những nhượng bộ cho từng dân biểu để thuyết phục đổi ý. Chắc chắn họ sẽ cần viết lại một số phần của dự luật. Nhưng có một điều rõ ràng là chính phủ Mỹ sẽ không thể buông tay.
Sợ hãi.
Một số dân biểu Cộng hoà nói họ đã định bỏ phiếu thuận nhưng rồi lại đổi ý vào phút chót, sau khi nghe bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chỉ trích tính đạo đức của nền kinh tế Cộng hoà.
Các dân biểu cao cấp phe Dân chủ thì tỏ ra coi thường ý tưởng cho rằng các nhà lập pháp dày dạn kinh nghiệm sẽ đẩy hệ thống tài chính đất nước vào tình trạng hỗn loạn.
Người ta đã sẵn sàng đi tìm thuốc chữa, nhưng cổ phiếu toàn cầu chắc chắn sẽ còn sụt giảm.
Đơn giản là cử tri Mỹ không coi tình trạng hiện thời như cuộc khủng hoảng gây ảnh hưởng tới cuộc sống của mình mà là một chương trình phúc lợi dành cho giới tài phiệt Phố Wall.
Nếu như tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, nhiều người đột nhiên mất việc do các công ty không thể lấy tiền từ ngân hàng ra trang trải các khoản hoá đơn hay thanh toán tiền lương cho nhân viên, có lẽ khi đó tâm trạng chung sẽ thay đổi.
Đánh giá một cách bi quan thì các nhà lập pháp và cử tri Hoa Kỳ chấp nhận chờ những điều xấu xảy ra; và rồi sau đó Cục Ngân khố Mỹ sẽ được chuẩn thuận trao tiền.
Vài ngày nữa, chúng ta sẽ biết câu trả lời, khi mà vấn đề lại được đưa trở lại Hạ Viện để các dân biểu một lần nữa cho biết họ muốn biểu quyết "Có" hay "Không".
7. FBI điều tra các ngân hàng lớn.
BBC, 24 Tháng 9 2008 - Cập nhật 10h56 GMT.
Chính phủ Mỹ đã ra tay cứu một số đại ngân hàng khỏi cảnh phá sản.
Cục Điều tra Liên bang bắt đầu điều tra bốn định chế tài chính lớn của Hoa Kỳ lâm vào khủng hoảng với quan ngại khả năng có lừa đảo.
Truyền thông Hoa Kỳ cho hay các thanh tra viên đang kiểm tra khả năng xảy ra lừa đảo tại các đại công ty như Fannie Mae, Freddie Mac, Lehman Brothers và AIG.
Tin cho hay các chuyên viên hàng đầu của những nơi này đang phải trả lời cac câu hỏi của FBI.
Trong 12 tháng qua, thị trường nhà Hoa Kỳ tiêu điều và FBI đã bắt đầu điều tra nhiều hoạt động trong khu vực tài chính.
FBI cũng đang kiểm tra những ngân hàng vốn cho khách hàng vay tiền mua nhà mà khách hàng có thu nhập thập hoặc thu nhập bất ổn.
ABC News trích nguồn không muốn lộ danh tánh nói cuộc điều tra đang đánh giá xem liệu các chuyên viên có lừa gạt các nhà đầu tư về thực lực tài chính của bốn định chế tài chính này hay không.
Chính phủ Hoa Kỳ đã ra tay cứu Freddie Mac, Fannie Mae và AIG sau khi có lo ngại bị phá sản.
Lehman Brothers, một trong những ngân hàng đầu tư hàng đầu, đã nộp đơn bảo hộ phá sản.
Vào tuần trước giám đốc FBI Robert Mueller nói hơn 20 công ty tài chính đã và đang bị điều tra.