Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
HOA ĐỒI TRINH NỮ
ĐỖ VĨNH KHANH

Thân tặng những người vợ H.O.

Bản tin Thời tiết thông báo miền Đông Bắc Hoa Kỳ có bão tuyết, phủ với độ dày từ 12- 14 inches. Hầu hết trường học, các cơ xưởng và công sở đều đóng cửa. Tôi rời khỏi hãng Chips từ Oxford về đến Worcester, vừa mở cửa bước vào nhà thì nghe chuông điện thoại reo. Tiếng reo lần thứ tư, tôi miễn cưỡng nhấc ống nghe.

- A lô! Xin lỗi ai gọi tôi.

- Có phải Mạc Khải đó không?

-Dạ! Thưa mẹ con đây.

- Nầy, Con phải nghe rõ, đây là lệnh của mẹ, bất cứ gặp trạng huống nào đi nữa, con cũng phải thu xếp trở về quê gấp, gặp vợ con lần cuối cùng. Những ngày gần đây mẹ thấy vóc dáng nó tiều tụy yếu dần, không chịu ăn uống, thường mỗi đêm đoc kinh A Di Đà, luôn ở trạng thái tĩnh lặng, chắc chắn có điều gì tâm nguyện liên đới đến con, đôi mắt nó mãi nhìn vế cõi xa xăm, nụ cười buồn u uất lắng đọng trên môi…

- Có còn gì nữa mà mẹ bảo con về thăm nó.

- Đây là lệnh mẹ.

Mẹ tôi cúp phone ngay

* * *

Tuyết vẫn rơi nhiều ngoài khung cửa kính, tôi nghe lòng mình dường như tan nát. Ngày ấy, tôi cúi đầu rời khỏi đất nước chỉ mang theo duy nhất một đứa con, không có vợ bên cạnh, một hành trình dài đơn độc suốt 14 năm trên quê hương người.

Tôi hiểu mẹ tôi nghiêm khắc nhưng rất nhân từ. Tôi thừa biết vợ tôi tính tình đôn hậu, đẹp người đẹp nết nhưng tôi hận suốt đời vì phản bội tôi lấy kẻ khác khi tôi còn trong vòng lao lý. Nếu tôi về thăm em là tôi tha thứ cho em, một điều không thể chấp nhận được. Ôi! Cái lệnh mẹ, giọng nói lạnh như tiền bên kia đầu dây viễn liên: “Phải về thăm vợ con lần cuối cùng, nó có điều tâm nguyện gì đó liên đới đến con”. Mãi văng vẳng bên tai tôi.

Tôi phải lo mọi thủ tục giấy tờ xuất nhập cảnh mất hai tuần lễ. Chuyến bay Singapore Ailines đáp xuống phi trường Đà Nẵng lúc 6 giớ sáng giờ VN. Đón tôi tai sân phi cảng chỉ một mình thằng Cu Đen, gặp lại nó sau 14 năm, nó không vui, mặt nó sa sầm, râu tóc nó dài, áo quần dơ dáy. Tôi đưa tay nắm tay nó, nó rút tay từ chối. Tôi cố gắng gợi chuyện làm thân thiện với nó trên quãng đường về từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, nó đáp cộc lốc:

-“Xin ông đừng nói nữa, trên đời nầy tôi ghét nhất là ông”…

Chiếc xe taxi vùa dừng lại trước ngỏ, thấy mẹ tôi đứng dưới mái hiên tóc mẹ bạc phơ, môi run run nói với tôi giọng đanh thép:

- Con đi theo cháu Cu Đen lên đồi hoa Trinh Nữ viếng mộ Vợ con.

- Sự việc xảy ra như thế nào hả mẹ?

Mẹ tôi thúc dục tôi đi ngay bây giờ. Xong nhiệm vụ về nhà sẽ biết chuyện gì xảy ra.

Lòng tôi lúc ấy rối như tơ vò, bước chân đi xiêu vẹo, cố gượng đặt lên mộ phần vợ tôi một bó hoa màu tím, quì xuống thì thầm:

-“Lần cuối cho em, cũng là lần sau cùng cho anh nỗi buồn chưa dứt. Không còn gì cho nhau nữa. chỉ còn lại sương khói của thời gian bay trong hoàng hôn vô tận”…

Bỗng thằng Cu Đen nhảy bổ tới, giật bó hoa vứt ra khỏi mộ và la lớn:

-“Ông không có tư cách đặt bó hoa trên mộ mẹ tôi, đối với tôi việc ông làm không xứng đáng để cho tôi kính trọng. Trong khi ông sống ở bên Mỹ tiền của ăn uống dư thừa, trái lại mẹ con tôi đói khổ kiếm từng bữa ăn không no. Xin ông rời ngay chỗ nầy, bất đắc dĩ tôi đưa ông đến đây là vâng ý kiến của bà Nội.

Mưa phùn bay nghiêng nghiêng trên nghĩa trang màu xám ngắt hòa cùng với nước mắt tôi rơi xuống mộ phần.

Ăn cơm trưa xong, Mẹ tôi gọi Cu Đen và tôi đến tây phòng chậm rãi nói.

- Căn phòng nầy yên tịnh nhất, kín đáo không lọt tiếng động bên ngoài vào, mẹ chọn nơi đây để trao cho con lời di chúc của vợ con là Mộng Hoa trước khi tắt thở trăn trối với me: Chờ đến khi nào con về, đợi lúc bình thản nhât có mẹ, Cu Đen và con mở cái CD nầy nghe.

Vừa nói xong, me nhấn nút máy, đĩa CD quay phát âm:

Anh Mạc Khải yêu quí,

Anh hãy bình tâm lắng nghe em nói dù anh có oán hận em ngút ngàn, đây là những lời chân thật tha thiết của một ngượi đàn bà tuyệt mệnh, Vì em không biết chữ để viết lên niềm thống khổ đã kéo dài gần 25 năm vi câu anh nói em là “gái điếm”. Em ghi âm lời trần tình nầy may ra anh hiểu một phần nào về người đàn bà bất hạnh đó. Cốt ý để cho con chúng mình biết về một người mẹ bị cha ruồng bỏ, suốt đời lo cho con không quản dãi dầu mưa nắng trên quê hương khốn khổ.

Cách đây 40 năm, em là một cô gái chưa tròn 16 tuổi, quê mùa, mù chữ, sống với bà nội dưới mái nhà tranh nghèo xơ xác bên chân đồi Trinh Nữ. Với đôi bàn tay yếu mềm, đôi chân nhỏ bé chẳng biết gì, duy chỉ biết làm nghề đốn củi mang ra chợ bán mua gạo sống qua ngày, vui với chim muông núi rừng cây cỏ và đồng nội.

Bỗng ngày kia, có một đoàn quân đi ngang qua nhà em, lúc đó em đang giặt áo trên thềm giếng. Một người lính trẻ dừng lại nhìn em say đắm, đoàn quân cũng dừng lại. Buổi ấy em còn thơ ngây quá cứ nhìn người ấy đăm đăm, thấy dáng cao gầy, mặt mày rám nắng đẹp trai dễ thương, bất giác bắt gặp đôi mắt chàng dừng lai trên đôi mắt em, em hoảng hốt bỏ chạy vào nhà. Chàng không nói một lời nào, đoàn quân tiếp tục lên đường.

Sau năm ngày đoàn quân trở lại phòng ngự đồi Trinh Nữ. Người lính trẻ đó đến thăm Nội, không hỏi ý kiến em, nói thẳng với Nội xin cưới em làm vợ. Nội em quyết liệt từ chối, viện ra lý do là em còn nhỏ vả lai mồ côi cha mẹ lúc lên năm, sống trong gia đình nghéo khó, lấy chồng làm quan là hạnh phúc không bảo đảm, bất cứ xã hội nào cũng phân chia giai cấp. Nhưng ý định chàng không thay đổi và nói với Nội rằng:

-"Việc nầy cháu sẽ về thưa với mẹ cháu".

Tuổi hồn nhiên của em từ đó không còn nữa, lòng bỗng xao xuyến, ý nghĩ miên man cứ chảy vào lòng rạt rào như dòng suối chảy róc rách qua chân đồi Trinh Nữ.

Mẹ anh không chấp thuận. Thế là đám cưới nhà binh được cử hành trên một tiền đồn núi Đá Heo, Sa Huỳnh. Chú rễ chính là thiếu úy Mạc Khải. Ngày em lấy chồng không có tiếng pháo vu qui, không nữ trang xe hoa áo cưới, không có họ hàng đưa tiễn. Duy nhất chỉ hai chúng mình với nụ cười vui rạng rỡ, em nghe anh nói nhỏ:

-“Trên con đường hạnh phúc của chúng mình nó trong sáng như pha lê và đẹp như tinh tú trên bầu trời viễn mộng”.

Bạn bè họ hàng là lính, thức ăn uồng là gạo sấy, đồ hộp, rượu đế.

Những ngày tháng đó trôi qua thật êm đềm và hạnh phúc. Qua những cuộc hành quân Quyết Tiến, Lam Sơn, Đồng Tiến em đi kề bên anh. Mỗi lần tấn kích em cũng sẵn sàng tiếp đạn, tải thương. Em chứng kiến biết bao nhiêu máu xương hai bên đổ xuồng trên chiến trường ngút ngàn khói lửa.

Thấy vậy, anh sợ em gặp chuyện không may, gởi em về ở với Nội dưới đồi Trinh Nữ. Thường mỗi đêm nhớ anh em đứng nhìn ánh sao cuối trời và hỏa châu rơi, hình dung anh, người lính trẻ hiên ngang giữa vùng bom đạn. Rồi em sinh cho anh đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Cu Trắng.

Hạnh phúc tràn trề phải không anh? Cu Trắng lớn lên dần dần biết cười nói, tập hát khúc ca Quân Hành “Đường trường xa sương gió bay qua dập dồn…”.

Chiến trường khốc liệt, em thấy anh được gằn mề đay chiến thắng, hoa mai cài lên áo, em nửa mừng nửa sợ mất anh. Khói lửa lan tràn khắp mọi miền đất nước. Miền Nam VN thất thủ tháng tư năm 1975. Anh vào tù, Nội qua đời. Em sống cô đơn tần tảo nuôi con, dành dụm chút ít tiền mua quà thăm anh. Đứng trước hoàn cảnh cơ cực đó, Mẹ xót thương gọi em về ở cùng với mẹ. Em chìu chuộng mẹ, làm bất cứ điều gì miễn là mẹ vui. Đôi khi có gì không vừa lòng mẹ lẩm bẩm chửi em: “Cái đồ ngu dốt”. Em âm thầm chịu đựng không hề trách móc mẹ, cười vui bên mẹ nhưng lòng em tủi phận biết là dường nào.

Khải ơi! Chắc anh còn nhớ cái ngày đó, em đến trại tù Kỳ Sơn thăm anh. Em đi trên con đường rừng vào trại bỗng thấy anh cắt tranh trên ngọn đồi vắng dưới bóng sương mù, em gọi Mạc Khải! Anh chạy đến nắm tay em nói nhỏ: “Hơn tám năm rồi không được ôm em vào lòng”. Không ngờ cái phút giây ngắn ngủi đó em đã mang thai.

Ngày tháng đi qua em tưởng rằng cuôc tình vợ chồng chúng minh yên bình, nhưng phủ phàng lắm anh ạ! Cái thai nghén của em mỗi ngày mỗi lớn, tiếng đồn bà con lối xóm thêu dệt đủ điều, có bầu với ông thủ trưởng kho thóc Hợp Tác Xã, vì thấy ông nầy thỉnh thoảng lui tới cho quà thằng Cu Trắng. Thế là mẹ nỗi cơn thịnh nộ chửi bới lung tung, nào là đồ đỉ thúi, nào là lăng loàng dâm dật. Em cắn răng cam chịu, biện minh mẹ không tin.

Cuối cùng mẹ dùng biện pháp cấm em không được đi thăm anh cắt đứt mọi liên lạc, đuổi em ra khỏi nhà, tước đoạt cả quyền làm mẹ đối với thằng Cu Trắng. Trời Ơi! Em bước ra đi mà lòng đau như cắt, trở lại đồi Trinh Nữ.

Năm 1984 anh được thả ra khỏi trại tù, em vẫn nghĩ rằng may ra anh là người minh chứng sư thật cho em, nhưng trái lai anh lún sâu vào cái nghi hoặc giống như mẹ. Một buổi sáng không biết động lực nào đưa đẩy anh đến thăm em. Găp nhau, anh hỏi em: “Có thay đổi gì không?”. Anh vừa nói vừa nhìn với cặp mắt soi mói cái bầu sắp sinh của em. Em giận quá không dằn được cơn giận, tát lên mặt anh (đóp): “Đồ Khốn Nạn”.

Từ đó anh không đến với em nữa. Hai ngày sau em hạ sinh đứa con thư hai đặt tên là Cu Đen lấy họ mẹ, cốt đánh dấu quãng đời buồn nhất của em, sống lẻ loi bên con, dùng tiếng khóc ru con ngủ, từng đêm nghe tiếng gió núi ru lời buồn trên đỉnh đồi Trinh Nữ.

Nghe tin chương trình HO nhà nước cho phép những người tù cải tao đi nước ngoài. Em gọi thằng Cu Trắng đến, về thưa lai với ba con, phải lo giấy tờ xuất ngoại, má có để dành số vàng chôn dưới tảng đá đồi Trinh Nữ, má giao lại cho ba con làm hành trang ra đi.

Một chiều Thu trên xa cảng Quảng Ngãi, anh giã từ mẹ và bà con để đến định cư Hoa kỳ. Em không được phép đưa tiễn anh. Em không khóc sao mà đôi má của em ướt lệ, bồng bé Cu Đen đứng bên lề đường nhìn anh và Cu Trắng trên con tàu rời bến.

Tám năm, một quãng đời hạnh phúc bên nhau. Mười năm tù đày, 11 năm oán hận nhau và 14 năm xa cách. Thời gian ấy không đủ để cho anh chiêm nghiệm suy gẫm cuộc đời và nghỉ về người vợ có cái tên Mộng Hoa suốt cuộc đời can đảm đi trên khổ đau, chấp nhận mơi thử thách, dâng hiến cả thể xác lẫn tâm hồn trọn vẹn cho anh. Trước khi em vĩnh viễn trở thành người thiên cổ, em mong anh thực hiện những điều sau đây

- Cái đĩa CD nầy là lời trần tình chân thật của em được Mẹ, anh, và hai con nghe.

- Cho thằng Cu Trắng, Cu Đen biết rõ ràng là hai anh em ruột, có cùng một dòng máu cha là Mạc Khải.

- Nhắn gởi với bạn bè, những người vợ HO có một người đàn bà bất hạnh chịu nhiều cay đắng, áp bức dồn nén bất công, có cùng hòan cảnh như nhau, bị chồng gạt bỏ không được hưởng qui chế tị nạn

- Xin anh đưa xác em mai táng tại đồi Trinh Nữ.

Vĩnh biệt anh!

Mộng Hoa.


Nghe như đất trời nghiêng ngữa, nghe trong tôi nỗi xót xa, ngậm ngùi

- Mộng Hoa ơi! Xin lỗi em, tha thứ cho anh!

- Lại đây với ba Cu Đen!… tha thứ cho ba!

Tôi quì bên bức di ảnh của vợ tôi, nghe thời gian phủ lên tàn phai kỷ niệm. Ôi! Tóc em xanh trong rồi sẽ mờ đục! Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu! Tôi nghe trong tôi, trong em, trong mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian. Tất cả những gì quý giá nhất của đời người như ôm giữ một chiếc bóng, như nắm bắt một làn hương.

Sương giá loãng phủ lên màu tóc trắng
Tiếng kinh trầm đưa em khỏi bến mê
Đồi Trinh Nữ chọn đi về vạn kiếp
Nghe chuông vàng lay động bóng non khê.


Đỗ Vĩnh Khanh.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh