Trong các lãnh-tụ Văn-thân chống Pháp, người có nhiều câu chuyện văn-chương lý-thú cũng như công-trạng lẫy-lừng nhất tại miền núi Ấn sông Trà kể từ năm kinh-thành Huế thất-thủ (năm Ất-Dậu 1885) người ấy là ông Lê Trung-Đình, tục gọi là Cử Đình.
1- Lê Trung-Đình: một thanh-niên tài tuấn và lỗi-lạc.
Sinh năm Nhâm-Tuất 1862, Lê Trung Đình là con thứ sáu của cụ Nghè Lê Trung Lượng, quán xã Phú-Nhơn (nay là xã Sơn-Long, Sơn-Tịnh). Cụ Lượng là người rất mực thanh-liêm có tài kinh-bang tế-thế, trước làm Tri-huyện Nam-Đàn (Nghệ-An), sau được thăng Án-sát.
Lê Trung Đình theo học ông Án-sát Nguyễn Duy Cung, quán thôn Vạn-Tượng, Nghĩa-Dõng, Tư-Nghĩa. Ông Cung cũng là một chiến-sĩ cần vương, bị xử bắn vào ngày 1 tháng 7 năm Ất-Dậu 1885 cùng với Mai-Xuân-Thường tại Bình-Định.
Năm 15 tuổi Lê Trung Đình đã làu thông kinh sử, văn-chương xuất-sắc, có biệt-tài ứng đối, sớm nổi tiếng trong đám nho sĩ xứ Quảng thời bấy giờ. Có lần ông Thủ-khoa Điện ra câu đối:
-“Đình xiêu giữa chợ ăn mày ngủ”
Đình ứng khẩu, đối:
-“Điện tế bên đường, chó đói ăn”
Ông Thủ-khoa muốn chọc quê cậu bé, không ngờ bị cấu bé chơi xỏ lại. Lần khác, ông Cử Trần Bá Võ ra câu đối:
-“Đình ra sân Đình đứng Đình dừng, Đình bị sét, Đình còn một cột” (1)
Đình ứng khẩu đối ngay:
-“Võ ỷ mạnh Võ ra Võ múa, Võ bị mưa Võ ướt hết lông” (2)
Năm 17 tuổi, Đình đến tập văn nhà cụ Án Cung. Được cô con gái cụ Cung mến tài. Một hôm hai người lén-lút chuyện-trò thân-mật, không ngờ cụ Án Cung tình-cờ bắt gặp, nghi ngờ trò Đình làm con gái mình thất-tiết nên đòi nọc ra đánh. Đình xin ứng khẩu bài thơ tứ tuyệt để phân-trần:
Khoan khoan con nói để thầy nghe,
Mới vật xuống đây chửa kịp đè.
Hai cánh hường môn còn khép chặt
Ngọn cờ xích xí mới so-le.
Cụ Án nghe xong hết giận còn khen trò Đình biết lấy tục làm thanh, lời thơ còn hàm chứa khí-phách của một thanh-niên.
Năm 21 tuổi (Nhâm-Ngọ 1882) Lê Trung Đình đi thi Hương lần thứ hai tại Bình-Định. Ai cũng đoán Đình sẽ đỗ thủ-khoa, Đình cũng tin lắm nhưng khi treo bảng, Đình chỉ đỗ Á-nguyên (cử-nhân nhì) nên rất tức. Nhân thấy thủ-khoa Chất tài học kém mình nên khi vào trình-diện hội-đồng khảo-thí, sẵn cầm cây quạt giấy, Đình liền lấy giấu quạt gõ mạnh lên đầu Thủ-khoa Chất và bảo: “Nư anh mà thủ-khoa cái con mẹ gì?!”
Lẽ phải phạt nặng nhưng các quan vì nể tình cụ Nghè Lượng nên chỉ phạt đánh 6 roi và bắt làm thơ tức cảnh. Cử Đình đọc ngay:
“Đầu thầy Thủ-khoa ăn ba quạt,
Đít cử Trung-Đình bị sáu roi.
Rõ thật đầu khinh mà đít trọng
Đầu thầy Thủ-khoa, đít Đình tôi”.
Các quan biết rõ cử Đình lộng ngôn chơi xỏ Thủ-khoa Chất nữa nhưng cũng đành bỏ qua luôn.
Quả thật, qua một số giai-thoại văn-chương vừa kể trên cũng đã biểu-hiện được phần nào khí chất của tầng-lớp thanh-niên xứ Quảng thời ấy: khoáng-đạt, trào-lộng, chân-chất, có khí-tiết ngang-tàng, lòng yêu nước chân-chính, v.v..
2- Lê Trung-Đình: một chiến-sĩ cách-mạng khảng-khái, kiêu-hùng.
Từ các sự-kiện đã xảy ra qua kỳ thi năm Nhâm-Ngọ tại Bình-Định,cử Đình càng chán-ngán con đường cử nghiệp. Từ đó, ông chuyên tâm theo-dõi tình-hình đất nước, nghiên-cứu binh-pháp, âm-thầm nung-nấu con đường kháng đế, bí-mật liên-lạc với Nguyễn Tự Tân ở chiến-khu Tuyền-Trung tổ-chức lực-lượng nghĩa-binh chống Pháp.
Lúc bấy giờ Nam-kỳ, Bắc-kỳ đã mất trong tay Pháp, kinh-đô Huế vừa thất-thủ. Trước âm-mưu xâm-lược toàn-bộ Việt-Nam của thực-dân Pháp, cử Đình quyết-chí cùng Nguyễn Tự-Tân đề-xướng phong-trào Nghĩa-Hội; tập-hợp những nghĩa-sĩ yêu nước lãnh-đạo dân binh để cướp chính-quyền tại tỉnh rồi sẽ dùng lực-lượng tiến về kinh-đô giúp vua Hàm-Nghi khôi-phục lại kinh-thành Huế.
Phong-trào Nghĩa-Hội được sự hường-ứng nồng-nhiệt, mạnh-mẽ và đồng-bộ của sĩ-phu 3 tỉnh: Quảng-Nam có Nguyễn Duy-Hiệu tức Hường Hiệu, Bùi-Điền; Quảng-Ngãi có Lê Trung-Đình, Nguyễn Tự-Tân, Nguyễn-Viện; Bình-Định có Nguyễn Duy-Cung, Mai Xuân-Thưởng. Tuy được tổ-chức trong vòng bí-mật nhưng thanh-thế nghĩa-quân rất lớn vì Nghĩa-Hội ngày càng bành-trướng, được cảm-tình nồng-hậu và sự ủng-hộ nhiệt-liệt của quần-chúng tại các địa-phương.
Ngày 1 tháng 6 năm Ất-Dậu (7-1885), từ chiến-khu Tuyền-Trung, một vùng thung-lũng bán sơn địa vô-cùng hiểm-trở thuộc xã Bình-an, Bình-sơn do Nguyễn Tự-Tân đã thiết lập từ năm 1870, chánh tướng Lê-Trung-Đình và phó tướng Nguyễn Tự-Tân kéo Nghĩa-quân về tỉnh lỵ. Sau khi làm lễ tế cờ tại Văn-Thánh, toán quân vượt qua sông Trà-Khúc, chia làm 3 đội do 3 ngã bao vây thành Quảng-Ngãi và chiếm thành ngay trong đêm, bắt Bố-chánh Lê-Đoan. Giữ thành được 5 hôm, Lê trung-Đình ra lệnh ân-xá tội nhân, chiêu-an dân chúng, bố-trí canh phòng, thao-dượt binh-sĩ, v. v..
Đột-nhiên vào đúng giờ Ngọ ngày mùng 5 tháng 6 năm Ất-Dậu, quân Pháp phối-hợp với quân tiểu-phủ sơn phòng từ hướng Ba-Tơ và Vạn-Lý (Đức-Phổ) tấn-công mạnh-mẽ. Mặc dù có viện binh từ Quảng-Nam do Hường-Hiệu chỉ-huy kéo vào tiếp-ứng nhưng khi quân ông vào đến Bình-Sơn vừa đến Cầu Cháy (cách tỉnh lỵ 15 km về phía Bắc, trên quốc lộ) bị quân tiểu-phủ thân Pháp đốt cầu nên viện quân phải dừng lại. Và thành Quảng-Ngãi bị thất-thủ. Sau mấy trận đánh giằng-co, Nguyễn Tự-Tân, Nguyễn-Viện, Trần-Tu hy-sinh tại chỗ. Cử Đình bị hạ ngục, một số chiến-sĩ khác người hy-sinh, người bị tù đày. Trong thời-gian tại ngục thất, quân giặc đã tìm đủ mọi cách để mua-chuộc song ông không chịu khuất-phục, khảng-khái chửi mắng giặc thậm-tệ cho đến lúc chết. Ông bị chúng xử tử ngày 18-7-1885 tại cửa Bắc nội thành Quảng-Ngãi, vừa tròn 24 tuổi đời. Trước giờ bị hành hình, ông có ứng khẩu bài thơ “Lâm hành thái tạc” nguyên bằng Hán văn như sau:
Kim nhật lung trung điểu
Minh triêu thử thượng ngư.
Thử thân hà túc tích
Xã tắc ái(?) kỳ khu!
Dịch thơ:
Làm lúc sắp bị hành hình
Nay là chim trong lồng
Mai đã cá trên thớt
Thân này tiếc gì đâu
Gian-nan tình đất nước!
(Hoàng-Tạo dịch)
Ba năm sau, nghĩa-quân Quảng-Nam, Quảng-Ngãi, Bình-Định mới thực-sự tan-rã, ăn nhịp với việc Vua Hàm-Nghi bị bắt và bị lưu-đày.
Khi cử Đình chết, vợ ông đang có mang phải trốn về Kỳ-Thọ, Nghĩa-Hành. Bà thường ru con bằng thơ cử Đình. Hiện mộ chí-sĩ Lê Trung-Đình tọa-lạc tại ấp Phú-Nhơn (giáp ấp Mỹ-Lộc) xã Sơn-Long, cách tỉnh lỵ Quảng-Ngãi 5 km về hướng Bắc. Từ-đường họ Lê hiện ở xã Sơn-Long nhưng cháu nội của cử Đình một số hiện ở xã Nghĩa-Hưng và Nghĩa-Chánh (Nghĩa-Hành).
3- Lời kết:
Cử Đình đích-thực là người tuổi trẻ tài cao, tính-tình ngay thẳng, chân-thật, phong-cách hào-sảng. Nhờ những đặc-điểm ấy cọng thêm khí-tiết và lòng yêu nước chân-chính của người dân Quảng-Ngãi, cử Đình, chàng thanh-niên mới ngoài 20 tuổi đời đã sớm tự mình quyết-định chọn-lựa con đường chống giặc cứu nước, thật xứng-đáng là anh-hùng, chí-sĩ lừng-danh không những riêng cho miền núi Ấn sông Trà mà tên tuổi ông vẫn sống đời đời trong lòng dân Việt yêu nước.
Từ ấy đến nay, mới chỉ gần 115 năm trôi qua mà đất nước đã trải qua bao cuộc biển dâu, đổi đời, song tên tuổi Lê Trung-Đình đã cùng với Nguyễn Duy-Cung, Nguyễn Tự-Tân và bao nhiêu chiến-sĩ đã anh-dũng hy-sinh trong cuộc biến mùa Hè năm Ất-Dậu 1885 vẫn còn đầy-dẫy liệt oanh như một quần tinh rực sáng trên vòm trời Quảng-Ngãi đêm đêm chiếu rọi trong lòng mỗi một người dân yêu nước miền Ấn-Trà ngõ-hầu khơi lại sự-nghiệp anh-hùng của lớp người đi trước, đồng thời nhắc-nhở lớp con cháu hãy sớm đoàn-kết, hát vang bài chính-khí giữa non-sông gấm-vóc nầy, siết chặt vòng tay dũng tiến trên con đường vì đại-nghĩa cứu nước cứu dân.
Nhân dịp đón Xuân Bính-Tý (1996), từ miền đất tạm dung, mang mang hình-ảnh, kỷ-niệm quê-hương, Phương-Đình đã phóng bút làm 2 bài thơ thất ngôn Đường luật; riêng bài thứ hai có cặp thực và luận như sau:
Ấn sơn Bút lĩnh non càng vững
Vệ thủy Trà giang sóng chửa nhòa.
Góp sức ta xây Tân Vận Hội
Chung tay dựng lại Cựu Sơn-Hà.
Hẵn nhiên thế cuộc chuyển dời, tang điền thương hải, “thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt biến vi thương cẩu” (mây trôi trên trời như hình áo trắng, khoảnh-khắc biến thành hình chó xanh) vâng theo lẽ biến-dịch của đời. Thế thì sông nào không cạn, núi nào không mòn? Song dù ở nơi viễn xứ hay chính tại quê-hương mình thì theo giòng hoài-niệm, dù trải bao cuộc biến-thiên, hình-ảnh nguyên-sơ của Ấn sơn Bút lĩnh, của Vệ thủy Trà giang vẫn mãi mãi là những hình-ảnh vĩnh-cửu, miên trường càng lắng sâu trong tâm-thức của người con xứ Quảng hằng ngưỡng-vọng vào một ngày mai tốt đẹp đích-thực cho dân-tộc, quê-hương mình.
Manchester, NH Quý Đông Kỷ-Mão
Phương-Đình
Chú-thích:
(1) Chữ Đình: chữ thứ nhất là cái đình, chữ thứ 2 là cái sân, chữ thứ 3 là dừng lại, chữ thứ 4 là sấm-sét.
(2) Chữ Võ: thứ nhất là sức mạnh, chữ thứ 2 là múa, chữ thứ 3 là mưa, chữ thứ 4 là lông chim.
Tài-liệu tham-khảo:
- Thái-Bạch: Giai-thoại văn-chương Việt-Nam.
- Hợp-tuyển thơ văn Việt-Nam.
- Phạm Trung Việt: Non nước xứ Quảng (ấn bản 1971, 1996)
- Thơ văn yêu nước (tài-liệu riêng).
- Phương-Đình: Nguyễn Duy Cung và hịch Cần-vương chống Pháp