Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
LÀM TRAI CHO ĐÁNG NÊN TRAI...
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Từ chế độ mẫu hệ chuyển sang chế độ phụ quyền, vai trò người đàn ông thực sự trở nên quan trọng. Ngoài việc lo toan nền kinh tế gia đình, họ còn phải lo công việc của xã hội, đó là việc bảo vệ lãnh thổ và mở mang lãnh thổ.

Đất nước ta hơn ba phần tư là núi rừng với muôn ngàn thú dữ. Người đàn ông với sức mạnh trời cho phải hằng ngày lo đối phó với thú dữ để bảo vệ gia súc và mùa màng. Rồi phải đối phó với nạn ngoại xâm của người Trung Hoa từ mạn bắc đổ vào, của người Chiêm Thành từ phía nam đánh ra, của người Lão Qua, Bồn Man từ phía tây ập xuống, và của cả bọn cướp biền ở các đảo phía đông và đông nam đánh thốc lên. Thế nên, người con trai phải cố rèn luyện cho mình một sức mạnh phi thường và một ý chí phi thường. Nói tóm lại, họ phải làm những việc phi thường để bảo vệ gia đình và tổ quốc:

Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan.

Đó là thời kỳ quốc gia còn là vùng đất nằm ở phía bắc đèo Ngang.

Dân mỗi ngày mỗi đông mà đất đai thì không sinh sôi nẩy nở. Vậy phải mở mang lãnh thổ chứ... Đi về phương nào? Phương Bắc gặp anh khổng lồ Trung Hoa. Phương Tây toàn núi non trùng điệp. Phương Đông là biển cả mênh mông. Chỉ còn con đường vượt Hoành sơn đi về phương Nam. Vậy là, lấy cớ người Chiêm Thành thường quấy phá biên thùy phía Nam, lại không chịu tùng phục triều đình ta, vua Lý Thánh Tông (1054-1072) vượt đèo Ngang mở cuộc Nam chinh vào năm Kỷ Dậu (1069), bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ phải dâng đất 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc mạng. Ba châu nầy nay là đất Quảng Bình và Quảng Trị.

Đến đời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông (1279-1293) hứa gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm là Chế Mân. Chế Mân đem châu Ô và châu Ri làm sính lễ. Đến năm 1306, Huyền Trân Công Chúa về Chiêm, dân Việt bắt đầu vào sinh sống ở 2 châu mới mà triều đình đổi tên là Thuận châu và Hóa Châu. Đến năm 1402, Hồ Quý Ly sai tướng Đỗ Mãn đem quân đánh Chiêm Thành chiếm Chiêm Động (tức đất Quảng Nam ngày nay) và đất Cổ Lũy Động (tức đất Quảng Ngãi ngày nay).

Chẳng bao lâu sau, nhà Hồ mất, người Chiêm Thành chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy Động. Nhưng rồi đến năm 1471, lấy cớ người Chiêm Thành quấy nhiều vùng biên giới phía Nam của nước ta, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) thân chinh đem quân đánh đuổi người Chiêm Thành qua bên kia đèo Cả (tức ranh giới giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay) rồi thành lập Thừa tuyên Quảng Nam. Phần đất Chiêm Thành còn lại từ phía nam đèo Cả bị chia làm 3 nước nhỏ hục hặc với nhau cho đến ngày mất hẳn tên trên bản đồ.

Đến năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, thế Nam Bắc Phân Tranh giữa 2 dòng họ bắt đầu. Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn kế tiếp dùng kế sách “tàm thực” chiếm dần lãnh thổ của Chiên Thành. Đến năm 1697, phần lãnh thổ cuối cùng của Chiêm Thành bị chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) chiếm và đổi thành huyện Yên Phúc (Phan Rí) và huyện Hòa Đa (Phan Rang), nước Chiêm Thành coi như mất hẵn tên.

Các chúa Nguyễn lại dòm ngó đến phần lãnh thổ của Thủy Chân Lạp tức vùng đất Nam phần ngày nay. Cũng cùng một kế sách “tàm thực”, dựa vào thế suy yếu của người Chân Lạp và sự chia rẽ trong hàng ngũ vương triều Chân Lạp, các chúa Nguyễn đã dần dần thôn tính đất Thủy Chân Lạp. Đến giữa thế kỷ thứ 18, đất Thủy Chân Lạp hoàn toàn thuộc về lãnh thổ Việt Nam để tạo nên đất Lục tỉnh, ta thường gọi là Nam Phần.

Vậy là kể từ ngày Nguyễn Hoàng được vào trấn thủ đất Thuận Hoá (1558) và sau đó các chúa Nguyễn mở mang thêm bờ cõi về phương Nam cho đến cái ngày đất Thủy Chân Lạp hoàn toàn nằm trong tay cai quản của người Việt thì cái mộng “xuống Đông, lên Đoài” đã trở thành tầm thường, nhàm chán. Người ta muốn đặt bước chân đến những chân trời xa lạ hơn, với tầm mức rộng lớn hơn, và dĩ nhiên là với một thái độ từng trải hơn:

Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.

Vậy là cái mộng xuống Đông, lên Đoài, ra Bắc, vào Nam đã trở thành giấc mộng lớn của người làm trai, là cái mộng của chí nam nhi như sau này nhà-thơ-kẻ-sĩ, nhà hoạt động tuyệt vời Nguyễn Công Trứ (1778-1858) đã phác họa và đã đem cả cuộc đời của mình để thực hiện trọn vẹn :

Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

Trên đây là hình ảnh của người con trai mà mọi người hằng mơ ước. Thế nhưng, trong đời sống hằng ngày lại có những chàng trai không ra dáng con người. Hạng người này bị người đời mỉa mai một cách cay độc bằng một hình ảnh mang tính khoa đại thật buồn cười:

Làm trai cho đáng nên trai
Khom lưng, chống gối gánh hai...hạt vừng!

Đó là hình ảnh của một chàng trai làm ra vẻ ta đây hùng mạnh, lấy hết sức bình sinh để làm chuyện kinh thiên, động địa “khom lưng, chống gối”, giống như hình ảnh của một võ sĩ nhà nghề “xuống tấn” để chờ đối phương, thế nhưng thực chất chỉ làm những chuyện tầm thường, vô bổ “gánh hai hạt vừng”.

Đó là hình ảnh về việc làm của đấng làm trai(!) Cái hình ảnh “cho đáng nên trai” của chàng đã bị bôi đen đến mức thảm hại. Ai đã vẽ nên cái hình ảnh đen tối đó? Giới khăn yếm liễu yếu đào tơ đó chăng? Họ đã bị giới mày râu đàn áp lâu ngày nay họ tìm cách trả thù đó chăng? Cũng có thể, nhưng chưa hẳn. Giới mày râu cũng có thể vạch mặt chỉ tên những tên mày râu giả hình này lắm chứ. Cái bọn mày râu giả hình này luôn bị vạch trần những thói hư tật xấu của chúng. Bởi vì lũ chúng lúc nào cũng:

Ăn thì chọn những miếng ngon,
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm!

Các nhà nho lúc nào cũng quan niệm “quân tử thực vô cầu bão” (người quân tử ăn không cần lấy no), nhưng bọn quân tử giả hình thì lại muốn thực hiện một cách triệt để cái câu “có thực mới vực được đạo”, dù rằng, khi đã “thực” (ăn) xong rồi, chúng chẳng có cái “đạo” nào để mà "vực” cả! Do đó bọn này mới bị chế riễu một cách cay độc về cái thói tham ăn của mình:

Làm trai cho đáng nên trai
Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào!

Đây quả là một hành vi đáng chê trách. Dù sống trong hoàn cảnh xã hội nào chúng ta cũng không thể chấp nhận được hạng người chỉ biết tôn thờ “miếng ăn ngon” mà không biết tôn trọng tư cách cá nhân của mình.

Thế nhưng đến tình trạng:

Làm trai cho đáng nên trai
Vót đũa cho dài ăn vụng cơm con!

thì chúng ta cần phải bàn lại. Quả đây là một lời chê trách. Quả đây còn là một lời chê trách nặng nề. Ăn vụng cơm của con thì quả là một hành vi bỉ ổi không thể tha thứ được, không thể bỏ qua được, mà phải lên án - đó là theo cái nhìn của chúng ta ngày nay.

Thế nhưng đó chỉ mới là “xét đi”. Chúng ta cần phải lấy con mắt của “người trong cuộc”, của “người đương thời” mà “xét lại”. Đã hàng ngàn năm kể từ ngày lập quốc cho đến những năm giữa thế kỷ thứ 20, đã có năm nào dân ta không phải chịu cái cảnh đói kém? Cái nạn đói hầu như kinh niên nầy là hậu quả của nhiều nguyên do khác nhau. Trước hết là do thiên tai. Năm nào lại không có lụt lội tàn phá. Nhất là ở miền bắc nước ta nạn lụt còn gây ra cái nạn vỡ đê gần như thường trực đe dọa đời sống của dân chúng. Rồi bão tố. Năm nào mà đất nước ta không phải hứng chịu năm mười cơn bão dữ dằn tàn phá. Rồi nắng hạn. Cái mảnh đất nghèo nàn vùng nhiệt đới nầy cứ dăm ba năm lại hứng chịu một năm nắng hạn như thiêu như đốt. Đồng lúa nào, nương khoai nào, rẫy sắn nào mà chịu cho nổi. Vậy là phải chịu cái cảnh đói kém triền miên. Đó là một lẽ. Rồi cái nạn binh đao tàn phá quê hương. Ngoại xâm và nội chiến. Hàng ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ. Dân ta đã không đủ ăn lại còn phải cung phụng cho bọn quan lại đô hộ. Không phải chỉ có bọn quan lại không thôi đâu. Còn vợ con, còn bọn gia nhân của chúng. Còn bọn binh lính đi theo bảo vệ và hầu hạ chúng nữa. Vậy là phải chịu cái cảnh một cổ năm ba tròng, một tay làm nuôi năm ba cái miệng “ngồi mát ăn bát vàng” làm sao mà chẳng đói! Đó là những thời kỳ chịu nạn ngoại xâm. Rồi thêm cái nạn nội chiến. Triều đình ức hiếp quá thì dân chúng nổi lên làm loạn. Dân làm loạn thì triều đình phải đánh dẹp. Rồi nội chiến giữa các dòng họ tranh ngôi đoạt vị. Giữa họ Mạc và nhà Lê tạo cảnh Nam Bắc Triều. Giữa họ Trịnh và họ Nguyễn tạo cảnh Nam Bắc Phân Tranh. Rồi tranh chấp giữa họ Nguyễn với anh em nhà Tây Sơn. Họ Nguyễn lên ngôi bá chủ chưa bao lâu lại phải đương đầu với cuộc xâm lăng tàn bạo của giặc Pháp từ phương Tây đổ vào. Đất nước nầy đã được mấy ngày không có nạn binh đao?

Chống trả với trời kiếm từng miếng ăn chưa đủ lại phải cung phụng cho bộ máy chiến tranh. Thế nên phải đói. Đói triền miên. Đói lưu niên lưu cữu. Tội nghiệp lắm. “Ăn vụng cơm con” là một hành vi cực chẳng đã. Phải sống để tiếp tục làm lụng kiếm thêm miếng cơm mà nuôi con:

Anh đi làm mướn nuôi ai
Cho áo anh rách, cho vai anh mòn?
Anh đi làm mướn nuôi con,
Áo rách mặc áo, vai mòn mặc vai!

Đây chẳng phải là hình ảnh đáng kính nể sao?

Phải “ăn vụng cơm con” cha xấu hổ lắm, nhưng biết làm sao. Trong cuộc sinh tồn của gia đình, người cha không có quyền ngã gục! Thế đấy! Dĩ nhiên là cũng có những người cha xấu tính xấu nết ăn vụng phần ăn của con. Thế nhưng, đã có mấy ai no đủ mà còn có thể đi làm cái chuyện khó coi như thế?

“Vót đũa cho dài ăn vụng cơm con” có thể là một hành vi đáng trách, nhưng trong chừng mực nào đó, lại là một hành vi đáng thương!

Đến như cái tình trạng:

Làm trai cho đáng nên trai
Ăn cơm với vợ lại nài vét niêu.

thì cái ý trào lộng châm biếm hiện rõ mồn một trong mấy chữ “lại nài vét niêu!”. Lại cũng cái cảnh cười ra nước mắt. Vì ăn không đủ no nên mới nài với vợ xin được vét niêu.

Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức một vở kịch ngắn thật ngắn, đầy ý vị về phương diện nghệ thuật nhưng cũng đầy chua xót về phương diện ý tưởng. Đây là một vở (bi) hài kịch hai màn gồm 2 nhân vật: người vợ và người chồng.

Màn thứ nhất:

Làm trai cho đáng nên trai
Ăn cơm với vợ lại nài vét niêu
Con vợ nó cũng biết điều
Thắt lưng con cón cạy niêu với chồng

Màn thứ hai: (không gian vẫn như cũ, nhưng thời gian có thể là ngày hôm sau hay nhiều ngày sau nữa)

Làm trai cho đáng nên trai
Ăn cơm với vợ lại nài vét niêu
- Sống chết thời ông cũng liều
Ông quyết không để cái niêu phần mày!

Trong màn thứ nhất, ta thấy cô vợ có vẻ khôn ngoan - con vợ nó cũng biết điều! Thấy anh chồng nài nỉ, cầm lòng không đậu, cô vợ bằng lòng. Vậy là có sự tương thuận. Và cô vợ cũng tham gia “cạy niêu”. Hình ảnh cô vợ được miêu tả thật ngắn gọn nhưng cũng thật tuyệt vời: “thắt lưng con cón”. Khi đọc đến mấy chữ “thắt lưng con cón” thì cái hình dung từ “con cón” như đã hiện ra ngay trước mắt ta hình ảnh của một người đàn bà ăn mặc thì gọn gàng mà hành động thì nhanh nhẹn. Và dường như cái hình dung từ “con cón” đó cũng như đã báo cho ta thấy cái kết quả của hành động “cạy niêu với chồng” đã rõ phần thắng về ai rồi!

Thế nên, bước sang màn thứ hai, ta không còn thấy có sự tương thuận nữa rồi. Nhân vật “người chồng” đã thấy rõ chân tướng của nhân vật “người vợ”. Thế nên, trong phần đầu của màn hai, thực hiện đúng bước đi đầu tiên của màn một, người chồng dù có xuống nước “nài vét niêu”, nhưng khi đã được cô vợ “biết điều” chấp thuận, anh chàng liền nghĩ ngay đến kết cuộc của lần trước, và ngay lập tức, chàng liền tỏ thái độ quyết liệt không chịu nhượng bộ:

Sống chết thời ông cũng liều,
Ông quyết không để cái niêu phần mày!

Đây có thể là một ý nghĩ, và đây cũng có thể là một lời nói của nhân vật nam.

Kết cuộc có thể là bi thảm, vì, dĩ nhiên cô vợ sẽ không chịu thua và cái “ý tại ngôn ngoại” của câu ca dao đã báo cho ta biết cái kết cuộc tất yếu phải xảy ra: có một sự giằng co. Bên nào thắng thì chúng ta đã có thể đoán được: kẻ mạnh bao giờ cũng thắng.

Trong bài viết trên đây, tôi không có ý định mô tả hình ảnh hay là vai trò của kẻ làm trai trong xã hội xưa. Đây là một đề tài đòi hỏi nhiều công sức và tự liệu sức mình, tôi chưa dám lạm bàn.

Ở trên chỉ là một cách giải thích một số câu ca dao mà tất cả đều bắt đầu bằng một câu giống nhau: “làm trai cho đáng nên trai”.

Đây là một trong những phương pháp mà các tác giả ca dao thường dùng để sáng tạo ra những câu ca dao mới. Thường trong các cuộc hát hò đối đáp nam nữ, mỗi bên đều phải học thuộc một số câu mào đầu căn bản, để khi đối phương đưa ra câu “hát đối” thì người hát đáp” phải nhanh chóng trả lời. Để khỏi ngập ngừng khi hát đáp, đôi khi họ phải dùng một số câu hát (ca dao) đã có từ trước để hát, rồi từ đó họ mới “thủng thỉnh” sáng tạo những câu mới phù hợp với câu ra của đối phương. Có thể mỗi tác giả chỉ mượn dăm ba chữ đầu của câu ca dao rồi sáng tạo ra những câu ca dao mới. Chẳng hạn, để nói lên thân phận của người đàn bà trong xã hội xưa, có nhiều câu ca dao bắt đầu bằng: “Thân em như....”.

* Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen

* Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

* Thân em như giếng giữa đàng,
Người khôn rửa mặt, người thường rửa chân

* Thân em như lá đài bi
Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương.

* Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

* Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.

V.v... và v.v...

Có khi người ta mượn cả 2 câu để làm đà sáng tác thêm những câu kế tiếp như những câu ca dao sau đây xuất hiện ở Quảng Nam:

* Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Bạn về nằm nghĩ gác tay
Coi ai ơn trọng nghĩa dày bằng em

* Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Lòng ta như chén rượu đầy
Lời thề nhớ chén rượu nầy bạn ơi

* Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Kể từ ngày đó xa đây
Sầu đêm quên ngủ, sầu ngày quên ăn

* Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Thương nhau chưa đặng mấy ngày
Đà mang câu ân trọng nghĩa dày bạn ơi!

Người ta đã có thể sưu tầm hàng vài mươi câu ca dao bắt đầu bằng “thân em như...”, cũng như người ta cũng đã từng sưu tầm hàng chục câu bắt đầu bằng 2 câu “đất Quảng Nam...”

Phần lớn cách cấu tạo mượn từ hay mượn câu như ở trên, nội dung của các câu ca dao ít khi xảy ra trường hợp chống ý nhau. Thế nhưng, trong trường hợp mượn câu “làm trai cho đáng nên trai” trên đây thì ý của một số câu lại chống nhau, ngược nhau. Đó là đặc điểm của những câu ca dao mà tôi thử đưa ra để bàn ở trên.

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh