TẢN MẠN VỀ NƯỚC ÚC VÀ NGƯỜI VIỆT TRONG PHONG CÁCH TẾT.
Trương Quang
Trưa ngày 13/01/2006, con chim đại bàng Quantas bốc hàng trăm hành khách và vợ chồng chúng tôi từ New York bay đi Los Angeles nạp thêm chừng trăm khách nữa, rồi trực chỉ cỡi mây xuyên Thái-bình-dương, đến chiều ngày 15/01 thì hạ cánh xuống phi cảng Sydney.
Suốt 20 giờ trên đường bay Mỹ - Úc, phi cơ hướng về Tây đuổi theo mặt trời lặn, lại còn tăng thêm 15 giờ Úc đi trước Mỹ, cho nên khi đặt chân xuống đất Úc, hành khách phải điều chỉnh đồng hồ tăng lên 2 ngày.
Cùng thời điểm này, ở Bắc-Mỹ là mùa Đông đêm dài với băng tuyết, đến Nam-Úc đương mùa Hạ ngày dài nóng bức; bốn mùa cứ luân chuyển ngược nhau giữa 2 bán cầu, kể cũng hay!
ĐÔI NÉT ĐẠI CƯƠNG
Nước Úc-Đại-Lợi (Australia) tách biệt xa 4 châu, đứng riêng giữa biển cả thành một đảo lục-địa rộng hơn 8 triệu cây số vuông (gần bằng diện tích châu Âu) nên vẫn thường gọi là châu Úc. Đúng ra, châu Đại dương (Oceania) chủ yếu là nước Úc lớn rộng, còn có 2 đảo quốc Tân-Tây-Lan (New Zealand), Tân Guinea và hàng chục quần đảo bé tí tản mác giữa Thái bình dương.
Dân số nước Úc khoảng 28 triệu, tuyệt đại đa số là người da trắng gốc Tây Âu (ta quen gọi là dân Tây). Có hơn 200,000 người Việt-Nam định cư dọc bờ biển miền Đông Úc từ gần đến xa dần đường xích đạo là: tiểu bang Queensland (tại Tp. Brisbane), tiểu bang New South Wales (tại Tp. Sydney), tiểu bang Victoria (tại Tp. Melbourne), tiểu bang Nam Úc (tại Tp. Adelaide), đến cực nam là đảo Tasmania (tại Tp. Hobart). Còn 2 tiểu bang rất rộng miền Bắc Úc và Tây Úc là sa mạc mênh mông nơi còn tồn tại thổ dân, dân cư sinh sống dọc ven bờ Ấn-độ-dương, đông đảo ở 2 thành phố Darwin và Perth. Khí hậu khắc nghiệt ở giữa nước Úc làm cho những sa mạc thiếu vắng bóng cây, không dấu chân người.
Dòng sông lớn Murray Darling (3,750km) với nhiều phụ lưu và sông Tweed êm đềm chảy băng qua 2 dãy đồi núi thấp mang lại sự trù phú tươi đẹp cho 2 miền Nam Úc, nhất là Đông Úc.
Nhân loại có giao lưu muộn màng với châu Úc, khi William Dampher nghiên cứu Australia năm 1699. Sau đó người Anh đến cai trị và khai hóa nước Úc, không gặp sức chống đối nào đáng kể của thổ dân. Cho đến năm 1870, binh sĩ Anh cuối cùng rút khỏi đất Úc; do truyền thống đó nên Anh ngữ là tiếng nói chính thức của đất nước này và Úc là một thành viên của khối Liên-hiệp Anh. Chế độ tự trị được thực thi rất sớm ở Úc từ năm 1854, đến năm 1901 thì Liên bang Úc được thành lập.
Thành phố Sydney và thủ đô Canberra được hình thành từ lúc khởi thủy, dần dà phố cảng Brisbane thành lập năm 1824, Melbourne và Adelaide 1835, công ty hàng không Quantas 1920, đến năm 1988 là đại lễ kỷ niệm 200 năm lập quốc, Úc đại lợi đã lên hàng các nước tiên tiến nhất.
Về địa lý, nước Úc tiếp cận với châu Á (trong vùng Australia), nhưng văn hóa và chính trị nghiêng về Âu Mỹ. Nước Úc đã tham gia vào chiến tranh thế giới thứ nhất vào năm 1914, đến chiến tranh thế giới thứ hai, Úc tuyên chiến với Đức năm 1939. Hiệp ước phòng thủ ANZUS giữa Úc, Tân-tây-lan và Hoa kỳ ra đời 1951. Trong thập niên 1960, quân đội Úc tham chiến chống Cộng tại VN, đặc biệt toán quân khuyển của Úc rất tinh nhuệ. Số chó ấy đã được huấn luyện tại Guard dog training Center (ở ngoại ô Sydney), là trung tâm dạy chó nổi tiếng nhất thế giới.

Nhờ vị trí nằm ngoài, xa các vùng tranh đấu lửa đạn, nên nước Úc không mang một thương tích chiến tranh nào; có chăng dưới đáy cảng Sydney còn chôn vùi tiềm thủy đỉnh Nhật và những chiến hạm bị đánh chìm ngoài biển xa khơi.
TẠI MELBOURNE, NGƯỜI VIỆT ĐÓN TẾT THEO TRUYỀN THỐNG.
Chúng tôi đến Melbourne dự đám cưới con gái anh Võ Thoại (là người em vợ, là cậu Chín của con chúng tôi) được tiến hành đúng nghi lễ Việt Nam: cô dâu chú rễ khăn đóng áo dài lạy bàn thờ gia tiên (trước khi đến nhà thờ làm thánh lễ), có họ hàng đôi bên chứng kiến. Tình đồng hương khắn khít được thể hiện trong tiệc cưới đông vui, rất thân thiện tại nhà hàng.
Hôm ấy, 22/01/2006, Melbourne nóng bức đến 410C (tức 1060F) nên chính quyền giới hạn dùng nước tưới cây vào giờ cao điểm. Còn nhớ, nạn đại hạn hán năm 1902 làm cho 50% số cừu ở Úc bị chết. Rất may, từ bấy lâu nay, độ nóng dữ dội cũng chỉ vài ba ngày, vào buổi trưa gió hừng hực trong sa mạc ùa ra – đâu đã chết ông Tây ba Đầm nào, sáng chiều và suốt đêm có gió mát ngoài biển thổi vào - đời cứ vui tươi phơi phới. Người mình biết dùng nước hợp lý, nên dân Tây hễ thấy vườn nhà ai hoa lá tươi đẹp quanh năm thì đoan chắc chủ gia là người Việt. Phong cách thư giản với cây cảnh bonsai, hòn non bộ là thú tiêu dao thanh nhã của người Việt mang vào đất Úc. Mỗi nhà một vẻ: anh Chất có cổng ngõ như khải hoàn môn bằng cây xanh đơm hoa, anh Thoại có tùng bách dừa cau trên sân cỏ và cây trái sum sê ở vườn sau, anh Biên có dậu trúc xanh và nhiều hoa hồng, hoa vạn thọ như Tết quê hương, còn anh Giới anh An đều có vườn hoa như tiểu giang sơn được ví von là vườn thượng-uyển.
Xem ra, người Việt trên nước Úc có đời sống dễ dàng thoải mái, không có gì phải bon chen bương bả như ở Âu Mỹ. Toàn dân đều được hưởng mọi dịch vụ y tế miễn phí, không ai phải quan ngại về tật bệnh hay sức khỏe. Trẻ con được đến trường, già yếu được cấp dưỡng, người nghèo không bị mặc cảm tự ti. Những cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa được hưỡng qui chế như cựu quân nhân Úc, được nghỉ hưu sớm trước 5 năm và được tặng ,000 Úc kim.
Người Việt tại Melbourne lập nên trung tâm thương mãi và giao dịch Footscray gồm nhiều thương hiệu, nhiều văn phòng các dịch vụ về tài chánh, luật pháp, Medical center. Ghé vào Little Saigon Supermarket, chúng tôi chen chân với đồng hương vui vẻ mua sắm hoa quả, bánh mứt, quà Tết...rộn rịp như ở chợ Bến Thành.
Hội chợ Tết Bính Tuất của người Việt được tiếp diễn trong 2 ngày đêm trên bãi đậu xe Footscray và các ngã đường gần thương xá. Ban đêm hội chợ Tết càng tấp nập, xôm tụ nhất là nơi sân khấu hội diễn ca nhạc kịch Việt ngữ, thứ đến là lũ lượt quanh các khu trò chơi hiện đại, đèn màu quay lên cao vút. Màu sắc tươi mát, cười nói rôm rả là phong cách chợ Tết Việt Nam.
Nhiều bà nội tướng người Việt ở Úc vẫn giữ lệ cúng đưa ông Táo chầu Trời vào tối 23 tháng Chạp (mong ông tâu với Ngọc-hoàng cho hạ giá điện để cái bếp của bà nấu bánh tét dài dài). Sau đó là đi biếu quà Tết cho bà con và mời mọc nhau dự tiệc tất niên. Cậu chín phải đưa anh chị Tám (chẳng gì cũng dân Mẽo gốc Mít sang đây) đến bú khú say hết biết, tại nhà cô Sáu Lễ, rồi nhà cậu Hường, đến nhà cháu Biên thì gặp cả bà con ở Sàigòn trên điện thoại truyền hình qua màn ảnh TV.
Hầu hết công nhân viên chức người Việt ở Úc đều xin nghỉ làm 1 đến 3 ngày Tết để viếng thăm bà con bè bạn, các ông Tây chủ hãng hay trưởng cơ quan đều vui vẻ chấp nhận như một thông lệ. Các hội đoàn người Việt đều có tổ chức buổi họp mặt mở rộng trong tiệc tất niên hay tân xuân vào ngày cuối tuần tại một hội trường lớn. Dịp này, chúng tôi được mời tham dự 2 buổi hội hữu tại tư gia anh Rạng và anh Giới. Đó là trưa ngày 21/01, khi chúng tôi đến với nhóm thân hữu VIA-VIC (Vietnam Immigrants Association – Victoria) đương lúc nhạc sĩ Minh-Duy tập hát cho 30 cặp vợ chồng “Bài ca Xuân”, một sáng tác của ông được in trong tập lưu niệm của nhóm mà mỗi người đều có trong tay. Chan hòa theo tiếng đàn có giọng kim, thanh của nữ, giọng thổ, khỏe của nam, kể cả giọng già của ông nhóm trưởng Nguyễn văn Ba, ông nhà báo Trương Sĩ Tấn và tôi. hong cách đón Tết truyền thống được thể hiện nơi câu đối và biểu ngữ mừng Xuân, nơi bàn tiệc có bánh tét dưa hành với tùm lum món nhậu, nơi sân cỏ xanh với trăm hoa thắm tươi của vườn nhà anh Phạm Giới.
Một ngày áp Tết, chúng tôi rất cảm kích được chiêm ngưỡng và thắp hương tại đài chiến sĩ VIỆT - ÚC tọa lạc gần Plaza Dandenoug, cạnh trụ sở Cựu chiến binh Melbourne. Toàn cảnh không lớn rộng bằng đài chiến sĩ VIỆT-MỸ ở quận Cam, California, nhưng cách thể hiện ở đây phong phú hơn. Trên bệ đá “chung vai sát cánh” (Side by side) là tượng 2 người lính Việt và Úc đứng bên nhau trong tư thế chiến đấu, trên trụ cao có chiếc trực thăng từng tham dự nhiều trận tại Việt-nam, do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tặng. Cờ vàng 3 gạch đỏ đứng đầu hàng 5 lá cờ của các nước đã tham chiến tại VN, tung bay trên đỉnh cột. Trên sân, 2 bức tường cẩm thạch uy nghi: một bia khắc bản đồ Việt nam được ghi rõ địa danh, thời gian từng trận đánh khắp 4 vùng chiến thuật (nơi chú thích bên dưới); 1 bia chạm tên nước với quốc kỳ từng nước đã ủng hộ và viện trợ cho VN chống Cộng sản phương bắc.
Đài Chiến sĩ Việt Úc được hoàn thành là do tài lực của người Việt, với sự hổ trợ của chính quyền Úc, qua sự điều hành của quí anh Nguyễn hữu An, Võ Thoại (nguyên Luật-sư và Sĩ-quan Quân Đội VNCH).
Lớp người Việt trẻ tuổi hội nhập nhanh chóng vào xã hội Úc, nắm bắt cơ hội thuận tiện để thẳng tiến lên ngày mai. Số đông các em đã tốt nghiệp Đại học, có việc làm thích hợp tại công sở hay hãng xưởng chuyên về y dược, điện toán, kỹ thuật, cơ khí... Thành quả rực rỡ ấy, theo tôi biết là do nhân tố tích cực của nền nếp và đạo lý của gia đình Á-đông.
Lớp người cao niên ở Úc đều còn nặng lòng với quê hương và quá khứ. Một số ít mũ ni che tai, ngong ngóng đến Tết về thăm quê nhà. Số đông muốn duy trì truyền thống văn hóa Việt nam tại hải ngoại, có lối sinh hoạt cá biệt ít nhiều phục vụ đồng hương, tiêu biểu như 3 người quen biết của kẻ viết bài này:
- Ông Nguyễn Toản lấy bút hiệu Thiên Hà đã trao tay cho tôi 2 đĩa CD diễn ngâm thơ Tình Quê và Gởi Người Tôi Yêu, sau Tết gởi biếu thêm thi tập Xế bóng. Vâng! vào tuổi xế chiều tóc trắng như mây thì việc làm chủ trường Tự lực và Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh đã là quá khứ bay xa. Cho nên Thiên Hà bước vào làng thơ để gợi nhớ quá khứ và quê hương trong ý hướng duy trì Việt ngữ ở nước ngoài.
- Anh Phạm Văn Chất và chị Châu (vợ anh) đã ở cùng phố dạy cùng trường với tôi trước khi anh ngồi vào ghế Chánh sự vụ Sở Học Chánh Quảng Ngãi. Chia tay nhau từ trong trại tù cải tạo của Việt Cộng, gặp lại nhau mới biết anh Chất chị Châu dạy Việt ngữ tại trung học Úc kèm cả Toán Lý, thông dịch viên cho Bệnh viện và Sỡ xã hội Melbourne, tuy khiêm nhường nhưng đã nhập dòng chính mạch.
- Anh Lê Trung Bộ, người bạn cùng quê (nếu hữu duyên tôi phải gọi là anh Sáu, anh em bắt ngựa) bặt tin đã lâu nên tôi đinh ninh là bọn mũ cối đã thủ tiêu anh vì tội làm Tỉnh trưởng tỉnh Phước-long cho Mỹ ngụy. Bỗng anh đến với chúng tôi, mừng chảy nước mắt. Bạn bè cho biết anh Bộ đã xây dựng nên và hiện là Hội trưởng hội người Việt-Hoa cao niên/ West Melbourne có đến 2000 hội viên, được tiểu bang tài trợ ngân khoản, một cách thế phục vụ đồng hương được hưởng nhiều tiện ích miễn phí.
Trường hợp Nguyễn tường Vân, một thanh niên Việt định cư ở Úc, bị nước Tân-gia-ba (Singapore) bắt giam và kết án tử hình vì tội mang cần-sa ma túy. Sau khi Luật-sư của cậu xin miễn án tử hình bị thất bại thì dư luận công chúng đến cả Quốc hội và Thủ tướng Úc đều nổ lực xin chính phủ Singapore giảm khinh cho cậu, cũng vô hiệu. Vẫn bị treo cổ. Thi hài Nguyễn tường Vân được đưa về nhà thờ lớn Melbourne làm lễ, dân chúng Úc như lên cơn sốt công phẫn. Giới truyền thông Úc đã lên án chính phủ Singapore với lời lẽ nặng nề như cố chấp, man rợ (recalcitrant, barbaric) cho thấy tình cưu mang, bênh vực của nước Úc dành cho người Việt tạm dung.
Ở lại Melbourne, chúng tôi được bạn bè đón đưa chạy xe vi vút, mỗi lần ôm cua phía trái là tôi lại chớp mắt định thần, bởi tay lái xe Úc bên phía phải. Nếu du khách tự tin, đến Úc thuê xe phóng lả lướt thì tớ xin can, vì quán tính cầm tay lái bên phía trái của khách dễ đưa khách “đi tàu suốt” trên đường cao-tốc. Lại thêm đường sắt của xe điện Tram, tức xe bus, chạy ngang tàng ngay giữa đường nhựa, mắc vào giây điện trên cao như lưới nhện.
Đứng trên cầu West Gate bắc qua dòng sông lắm thuyền bè, khách nhìn bao quát được thành phố Melbourne đa dạng, hướng viễn vọng kính về Nam thấy được đến bến cảng có hạm đội bỏ neo và san sát tàu thuyền đi lại đảo Tasmania. Có nhiều nơi khách đến một lần còn lưu mãi trong trí nhớ như Casino, đài truyền hình soi bóng bên dòng sông phẳng lặng, nét hoành tráng của Melbourne museum, tòa nhà Quốc hội Victoria, các đại hý viện... Vẫn sừng sững nơi ngoại ô là các khu tập trung nhiều building 15 tầng đứng thành cụm, đã được kiến thiết cho các đoàn khách quốc tế đến tham dự Thế vận hội trước đây, nay trở thành chung cư cho dân chúng, mỗi một tòa cao ốc này chứa hết số dân một làng. Tháng 4/2006 đã gần kề, Melbourne được chọn là nơi tranh giải thể thao Commonwealth của thế giới.

Toàn cảnh Sydney.
Một ngày đẹp trời, anh Nguyễn văn Cúc đưa chúng tôi tham quan Sở thú vĩ đại Melbourne Zoo. Hàng trăm loài dã thú trên rừng dưới nước được nuôi sống giữa môi trường thiên nhiên có rào sắt vây quanh. Du khách có nơi cắm trại dưới trăng sao, nghe được tiếng gầm rú hoang dại trong lúc dự khán ca vũ nhạc ngoài trời đêm. Thú hiếm lạ thì Sở thú nơi đâu cũng thường có ít nhiều, chỉ Melbourne Zoo có những con vật độc đáo như con rùa khổng lồ (giant tortoises) lớn bằng con trâu rừng, hươu cao cổ (giraffes) với tới ngọn đại thụ, khỉ đột đười ươi (gorillas) đứng cao lớn như sư tử dựng trên 2 chân, hà mã lùn (pymy hippopotamus) lớn như con voi mà không cao hơn con hổ. Ba loài thú có túi ở bụng để mang con nhỏ, chỉ sinh trưởng ở lục địa Úc, là gấu túi Kaolas, gấu túi Wornbats và chuột túi Kangaroos. Gọi tên chuột túi hay đại thử đều sai, vì Kangaroos thuộc loài ăn cỏ lá, tầm vóc như con nai, 2 chân trước tí teo không chấm tới đất, 2 chân sau to lớn rất khỏe để tung mình nhảy tưng tưng nhờ cái đuôi dài giữ thăng bằng. Kangaroos là con vật biểu tượng của nước Úc có sức sinh sản cao nên bây giờ thịt nó được động lạnh xuất khẩu. Lần đầu, chúng tôi được thết BBQ thịt kangaroos uống rượu vang, thịt trắng có mùi ngai ngái thịt dê, cần có hương liệu gia vị mới ngon. Chúng tôi may mắn còn được nhìn rõ 2 con chó hung dữ (named volves nay đã tuyệt chủng ngay tại cái nôi Tasmania của nó), chó mắt long sòng sọc có bộ lông vằn vện như cọp nên gọi là Tasmania tiger.
Tôi đã phí công dò hỏi và tìm kiếm (như tìm lá diêu bông!) tại Melbourne Zoo mà chẳng ai biết đến loài chim Úc sau khúc hát tuyệt vời trong đời thì nó lao thẳng xuống cây gai nhọn đâm xuyên tim để chết (như nữ văn sĩ Úc đã viết trong tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” - một bản dịch khác theo Pháp ngữ là “Những con chim ẩn mình chờ chết” (Les oiseaux se cachent pour mourrir). Phải chăng là con chim huyền thoại, làm ẩn dụ cho khối u tình đến thác của vị Linh-mục phạm giới? Sự thật, chắc hẳn đó là chim sơn ca (người chân đất gọi là chim chiền-chiện) giúp cho “nhà thơ nông-hội” viết được mấy câu: “Chiền chiện cao tiếng hót. Tiếng chim nghe lảnh lót. Vang vọng khắp cánh đồng”... Đã lâu lắm, nơi xứ lạ này, tôi lại nghe khúc hát của chim gáy (quê tôi gọi là cu cườm) gáy theo nhịp điệu dòn dã, vừa dứt tiếng gáy liền vỗ cánh lao thẳng tới tình địch để dành chim mái.
SYDNEY CÓ GÌ LẠ?
Hải cảng Sydney vốn là thắng cảnh, được Harbor Bridge và Opera House tô điểm thành một kỳ-quan rất hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Thế giới có 3 hải cảng thiên nhiên ưu việt: đứng đầu là Sydney của Úc, thứ nhì là Cam-ranh của Việt Nam, thứ ba là Rio de Janeiro của Brazil. Vịnh cảng Cam-ranh được sắp hạng nhì là nhờ ở vị thế chiến lược và đường hàng hải thuận lợi hơn Sydney, nhưng về tầm vóc, cảnh quan và giao thương so với Sydney thì chưa được muôn/ một.

Nhà hát Sydney Opera.
Hải cảng Sydney mở vào lòng đất một vịnh biển bao la nhiều nhánh như bàn tay của đại dương ve vuốt lục-địa. Cầu Sydney Harbor Bridge vẻ nửa vòng tròn trên bầu trời trong sáng như chiếc cầu vồng nối liền phố đông với phố tây của cảng. Harbor Bridge xây xong năm 1932, là cầu treo dạng cánh cung dài, đẹp và khỏe nhất lúc bấy giờ (Sau này lần lượt có cầu Golden Gate ở San Francisco - Mỹ hoàn thành năm 1937 nhịp dài 1280m, cầu Hamber ở Anh hoàn thành năm 1981 nhịp dài 1410m).
Cách cầu không xa, nhà hát Opera House kỳ vĩ với lối kiến trúc tân tiến, như những vỏ ngọc trai vỏ sò khổng lồ đứng lên mép biển, nên người Việt quen gọi là Nhà Hàng Con Sò. Lớp lớp cao ốc họp quẹt sắc sảo, in bóng trên gương nước quang vịnh; nơi đó bất kể ngày đêm các chiến hạm và hàng không mẫu hạm cặp bờ hay bỏ neo quanh Opera House dễ dàng, nhờ đáy vịnh rất sâu toàn cát sạn.
Nhà hát Opera House
Ngày quốc khánh Úc (Australia Day) được khai diễn trên cảng vịnh Sydney. Theo số đông người Việt mừng quốc lễ Úc cùng lúc mừng Tết đến, chúng tôi theo dòng người lũ lượt đến Darling harbor huy hoàng cờ xí, được thấy nghệ thuật Á đông trong Chinese Garden và tham quan Bảo tàng hải dương học (Sydney Aquarium Museum). Từ khởi điểm ấy, du thuyền đưa chúng tôi chan hòa trong màu sắc chuyển động lung linh trên mặt nước xanh thẩm lặng sóng. Nhiều du thuyền viễn dương cao 6- 7 tầng, những thuyền buôn xưa đến chục lá buồm, cả rừng thuyền thể thao một buồm và vô số ca-nô đủ cỡ đều lướt qua dưới cầu Harbor Bridge, lần lượt diễn quanh Opera House. Hàng hàng lớp lớp người trên bờ vẫy cờ tung mũ chào mừng, họ đang xem vũ nhạc để chờ đợi đêm hoa đăng, bắn pháo bông rực rỡ trên cảng vịnh. Theo hướng dẫn của ca-nô khinh tốc màu vàng cam (Cảnh sát), mọi tàu thuyền đều chạy qua Rushcutter bay, đến Double bay, Rose bay rồi Watsons bay. Đây đó, những tàu chiến to lớn màu xám xịt, nằm im như lạc lỏng giữa đám du thuyền lộng lẫy mang màu cờ nhiều nước phần phật theo tốc độ con tàu. Trên trời, mấy trực thăng kéo theo lá đại kỳ nước Úc màu xanh biển có ô sao trắng và chữ thập chéo màu đỏ ở góc trên. Nhiều cột nước từ tàu thủy phóng lên cao, tỏa ra lấp lánh.
Bờ vịnh bên bãi tắm, nhà họp san sát từng bậc cao dần theo vách núi. Nơi này có bốn tàu điện đưa khách lên Sở thú Taronga Zoo, có nhà Admiralty house tráng lệ đứng trêm mỏm núi nhô ra vịnh.
Du khách đi trên Monorail, khi chạy qua cầu Pyrmont bridge (bắc trên ngõ vào Cockle bay) có thể nhìn được toàn cảnh vịnh cảng Sydney hùng vĩ mà thơ mộng đến thế nào. Monorail như tàu lửa điện nhỏ vài ba toa, chạy bám vào một đường sắt được xây vượt trên mọi con đường, do Nhật thiết kế, tôi đã từng thấy tại Singapore.

Cầu Sydney.
Hầu hết bãi tắm ở Sydney nằm trên bờ biển Tasman, như bãi tắm Bondi beach chúng tôi thăm vào buổi chiều trời mù vẫn còn lắm người bơi lội, vài tốp trượt ván cỡi sóng và các lão ông người Việt tản bộ trên parking.
Cabramatta là khu phố thương mãi và nghiệp vụ lớn nhất của người Việt tại Sydney. Ngày trước, nơi đây là đồng hoang có nhiều rắn hổ mang (cobra) nên có tên Cabramatta. Trong thương xá rộng lớn có nhiều quày hàng thực phẩm tươi sống, ấy là nơi phụ nữ Việt chen vai mua sắm hoa quả, bánh mứt, rượu trà cho ngày Tết. Trên 4 ngã đường vây quanh mall đều là thương hiệu và văn phòng giao dịch chữ Việt, có kèm chữ Tàu chữ Anh như Tân Bến Thành, cửa tiệm vàng Kim Thành, dược phòng Hội An...Nhà sách Việt Nam đầy ắp sách mới xuất bản ở Úc, Mỹ và cả Sàigòn. Nổi bật là các tập san Xuân Bính-tuất đều hình màu khổ lớn như Chiêu dương, Dân Việt, Nhân quyền, Việt luận, Văn nghệ... Báo Xuân là biểu hiện của văn hóa ngày Tết Việt-nam, dù người lười xem nhật báo thì ngày Tết cũng có Đặc san Xuân như nguồn vui năm mới. Trong tập san Xuân Sàigòn Times dành ô trang đầu để đăng chân dung và lời chúc Xuân của các ông và Thị trưởng, Dân biểu, Cố vấn, Giám đốc gởi đến cộng đồng Việt-nam, đủ chứng tỏ người Việt đã có vị thế xứng đáng trong xã hội Úc. Đọc lướt qua các tập san, tôi nhận thấy có đăng bài của nhiều tác giả hiện ở Mỹ như Mường Giang, Sơn Điền, Thinh Quang, Sagan Phan, Trần kiêm Đoàn, Nguyễn ngọc Bảo... Ngược lại, ký giả Lô Răng Phan lạc Phúc ở Úc có bài thường xuyên trên báo Ngày nay ở Mỹ, tôi không được thấy trên báo ở đây. Về mặt tiêu cực, tục ngữ thường nói “Phật chùa nhà không thiêng”, về mặt tích cự thì “Văn hóa Việt nam hải ngoại bốn biển một nhà”.
Trực tiếp đi vào lòng người là tiếng Việt đã được quảng bá trên đài phát thanh, mỗi ngày 2 xuất Việt ngữ như đài sắc tộc SBS (do luật sư Nguyễn tường Quang làm Giám đốc), đài Sydney radios. Tiếng Việt 24/24 như các đài 2 VNR, đài Việt-nam Úc Châu, đài Tiếng nước tôi (trong đó có một Giám đốc là Hoàng Nam, cựu học sinh Trần quốc Tuấn, Quảng Ngãi). Gần đây, đài truyền hình Việt-ngữ có chương trình đón Tết khá phong phú.
Trong năm 2005, quốc kỳ VNCH màu vàng ba gạch đỏ đã được chính quyền Úc chính thức thừa nhận là cờ của người Việt tỵ nạn đông đảo ở 3 tiểu bang Queensland, NSW, Victoria và sẽ tiếp tục được thừa nhận ở 3 tiểu bang còn lại. Cờ vàng được mọi người giương cao và tung bay trên kỳ đài trong lễ vinh danh 30 năm người Việt định cư được tổ chức trọng thể tại Quốc hội Liên bang Úc và đại lễ khánh thành Trung tâm sinh hoạt Văn hóa Việt Nam, một công trình lớn đẹp mang đường nét đặc trưng nước Việt. Mặt khác, trong bang giao bình thường với nước Việt-nam xã hội chủ nghĩa, chính phủ Úc nhận in tờ giấy bạc VN đang lưu hành theo mẫu mã tờ giấy bạc Úc (có khuôn hình plastic trong) và cầu Mỹ-thuận bắc qua Tiền giang do Úc tài trợ xây dựng xong năm 2000, là cầu dài 1535m và đẹp nhất nước (Ghi chú: cầu Cần thơ qua Hậu giang sẽ dài đến 2750m do nhiều nước thi công, còn lâu mới có thể hoàn thành).

Khu thương mãi Á Châu.
Đầu tháng 11/2005, Hà nội rất khoa trương khi đưa bầu đoàn văn nghệ mang tên “Duyên dáng Việt Nam” gồm cả gái hàng không và gái mẫu vào Úc biểu diễn trong một tuần lễ ở Camberra, Sydney và Bankstown và Melbourne. Nơi nào cũng gặp sự phản đối về âm mưu lợi dụng văn nghệ để phục vụ chính trị, cho dù có vé biếu, số người tham dự cũng lèo tèo. Riêng tại Sydney, số người đi phản đối, có cả nghị-sĩ và dân-biểu Úc, cứ tăng dần đến một vạn rưỡi. Trước khí thế bừng bừng đó, đoàn văn nghệ tự hủy bỏ chương trình đi diễn ở Adelaide.
Cũng tại Sydney trong năm 2005 có những buổi nói chuyện của người Việt từ Mỹ đến như ông Nguyễn bá Cẩn (nguyên Thủ tướng giờ chót), khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh (có cựu Thiếu tướng Lê minh Đảo) và Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng (Cựu Tổng trưởng kế hoạch) đều rất thành công, cho thấy nhân tâm hướng vọng về đâu.
Đáng lưu ý là trong buổi nói chuyện và ra mắt sách “Khi đồng minh tháo chạy” của Giáo sư Hưng có số lượng tham dự quá đông nên không đủ chổ ngồi, người đi sau đứng chung quanh hội trường và phòng đợi, 500 quyển sách đã bán hết, chờ gởi thêm.
Sydney là thành phố đã tiếp đón Thế vận hội Olympic năm 2000. Vừa rồi, những ngày cuối năm 2005, Đại hội Thanh niên Sinh viên Việt nam/Thế giới kỳ 4 được long trọng tổ chức tại Sydney (kỳ đầu tiên vào năm 1999 tại Melbourne, Úc; kỳ 2 tại Paris, Pháp; kỳ 3 tại San Diego, Hoa kỳ).
Úc-đại-lợi là quốc gia sắc tộc, đa văn hóa do người di dân đem lại. Người da trắng gốc Anh và Âu Mỹ đã hiện diện ở đây lâu đời nhất, chiếm 80% dân số. Trên đường phố Sydney, ngoài đa số da trắng còn nhan nhản người Lebanon mắt sâu râu rậm, người đàn bà Trung đông áo choàng đeo khăn vôn che mặt, người Ấn-độ đầu vấn khăn và người Đông-Á tóc đen da bánh mật.
Trong nhiều khu phố, hồi chuông lanh lảnh từ Giáo đường cọng hưởng với tiếng chuông ngân nga của nhà Chùa gần đó. Cách không xa có đền thờ Hồi giáo mái vòm sáng lung linh dưới nắng và Thánh thất Cao đài mang hình ảnh tổng hợp Đông-Tây.
Người Việt-nam định cư tại Sydney cũng như các thành phố Úc, đến từ 2 phía:
- Một số từ Bắc Việt vượt biên đến Hồng kông sau 1975. Đến lúc người Anh cần giải thể các trại tỵ nạn trước khi giao trả Hồng kông lại cho Trung Cộng, thì chính phủ Úc tiếp nhận họ.
- Số đông hơn từ Nam Việt nam vượt biển trong thập niên 1980 đến các nước Thái lan, Mã-lai, Nam dương, Phi luật tân rồi họ được nhận vào Úc hoặc họ là thuyền nhân được tàu Úc cứu vớt trên biển.
Dù ra đi vì lý do chính trị hay kinh tế, tất cả đều hòa nhập vào các hội đoàn người Việt có sinh hoạt vững mạnh, không có kèn cựa gì giữa các tổ chức ấy.
Chúng tôi luôn được anh chị Diệu Khanh đưa đi thưởng thức món ăn quê hương ngay tại Sydney, nên được biết phong cách ẩm thực Việt nam lôi cuốn được dân Tây. Nhiều cửa hàng mang tên gợi nhớ đến đặc sản từng nơi như: Bún bò Huế Đông ba, Phở Hiền vương, Cà phê Trung nguyên, Mì Quảng v.v... Về đêm, các restaurant của Tàu đông khách hơn, một lần chúng tôi phải ngồi đợi ngoài đường gần nửa giờ mới đến số thứ tự mời vào bàn, tôi đã nản mà các ông bà Tây cũng không bén mảng.
Nhiều gia đình người Việt ở Sydney, Melbourne ăn nên làm ra nhờ ngành may mặc. Đến thăm anh chị Diệu Hoa, trong vườn nhà anh có phòng gia công nghề may được trang bị nhiều máy thực hiện từng phần việc theo giây chuyền cho ra sản phẩm hàng loạt hợp thời trang. Người Việt đã khéo tay lại cần mẫn, được máy móc hiện đại nâng hiệu năng lên gấp bội, chóng “phất lên” là sự hiển nhiên.
Ra thăm vườn, chúng tôi cứ trằm trồ về những cây mận, cây khế, cây xoài vừa cao bằng tường rào, trái đã sum suê vừa ngang tay hái, chẳng biết do thổ ngơi hay do giống tốt mà cây tơ đã trĩu quả. Tôi càng ngạc nhiên về 2 con chó con khác nòi, một trắng lông xù, một nâu lông trơn ngắn, đang quấn quít quanh con chó mẹ lông vàng. Bé Hảo, 12 tuổi, cố giải thích cho tôi bằng cả tay và miệng: “Tuần mai.. birthday both chó. Mẹ chó mắc...love với hai neighbour chó. Copy...được chó trai là trắng... grow mau. Chó gái là brown...”
Qua cách nói không đủ từ Việt của bé Hảo, tôi hiểu và thương nó lắm. Ở trường bé nói thạo tiếng Anh, về nhà cha mẹ bảo nói tiếng Việt, phải cố gắng lắm bé mới nói được ngô nghê như vậy. Còn hơn vài đồng hương gặp lại tôi, xổ toàn tiếng Anh từ A đến Z, kẻ nhà quê này đã trả lời bằng tiếng Việt vì tự nghĩ: Người Việt với nhau mà không nói tiếng Việt, vậy là người gì đây?
Rất tiếc, ở Úc (kể cả nhiều nước khác), cộng đồng ta chưa có được trường trung học song ngữ Việt-Anh, thì mai sau chắc gì còn giữ được cái hay đẹp của ngôn ngữ quê nhà. Điều này, người Việt chào thua người Tàu, người Nhật.
Chúng tôi rời Sydney trong chuyến bay chiều 28 Tết, trở xuống Melbourne để hôm sau dự lễ cúng rước tiên linh và đón giao thừa ở chùa Quang Minh như đã hẹn trước với thân hữu. Từ đầu hôm, lớp người Việt trẻ tuổi đã chen vai nhau trong vườn chùa Quang Minh rất rộng để xem Văn nghệ từ sân khấu, đùa vui rộn rã ở các gian hàng trò chơi, tiếng trống múa lân giục giã vang động các nẻo đường gần đó. Đúng nửa đêm, trong chánh điện rực rỡ của chùa nổi lên hồi chuông trống bát nhã, rồi âm vang lời cầu kinh trầm bổng của các vị sư áo vàng và đông đảo người Việt đứng tuổi. Phong cách ngày Tết, đạo và đời chan hòa là nét đẹp của truyền thống Việt nam.
Sáng mồng một Tết Bính Tuất (19/01/2006) chúng tôi rời nước Úc giữa đám bà con đưa tiễn có trao tặng các đặc sản hình Kangaroos và thùng bào ngư (abalone) tươi. Chiều mồng một, chúng tôi đã về đến nhà tại Mỹ với con cháu đón chờ mừng tuổi đầu năm. Chuyến về, phi cơ hướng về đông, cỡi mây ngược chiều nhật động trên 20 giờ, lại trừ thêm 15 múi giờ nước Úc đứng trước nước Mỹ, cho nên xa nhau nửa vòng địa cầu vẫn mang tên cùng ngày: ngày Nguyên đán.
Ghi chép từ Connecticut, Thanksgiving năm 2006.
Trương Quang