Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NGUYỄN VỸ
THANH BÌNH
Các bài liên quan:
    ĐỌC THƠ NGUYỄN VỸ: “VIẾT TRONG LÚC SAY” (Trần Khải Thanh-Thủy)
    NGUYỄN VỸ, NHÂN CHỨNG CỦA MỘT THỜI
    NGUYỄN VỸ, NHÀ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA KHÔNG MỆT MỎI

 

Danh Nhân Quảng Ngãi:
NHÀ THƠ NGUYỄN VỸ (1912-1971)
Thanh Bình,

Nguyễn Vỹ sinh năm 1912 tại làng Tân Hội sau đổi tên là Tân Phong, đến năm 1945 đổi lại là xã Phổ Phong, thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa là xã Phổ Nghĩa, quận Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông theo học tại trường Trung học Pháp-Việt ở Qui Nhơn từ năm 1924 đến năm 1927, sau đó ông tham gia các cuộc vận động chống thực dân, rồi ra Bắc theo học ban Tú tài tại Hà Nội.

- Năm 1934, ông Nguyễn Vỹ xuất bản tập thơ đầu tiên, gồm 30 bài thơ Việt và thơ Pháp. Từ đó, ông cộng tác với các báo chính trị và văn nghệ ở Hà Nội.

- Năm 1937, ông sáng lập tờ báo Việt - Pháp lấy tên là Le Cygne (Bạch Nga). Báo nầy còn có nhà văn tên tuổi Trương Tửu cộng tác với ông. Le Cygne là cơ quan cách mạng, chính trị, xã hội và văn nghệ. Trên báo nầy, ông có viết nhiều bài công kích chính phủ Bảo hộ, chỉ trích đường lối cai trị của thực dân Pháp. Vì vậy tờ báo của ông bị đóng cửa và rút giấy phép vĩnh viễn. Thực dân Pháp cho ông là thành phần bất hảo, nguy hiểm cho chính phủ Bảo hộ và ghép ông vào tội phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia. Ông bị toà án thực dân kết án 6 tháng tù và 3.000 quan tiền phạt.

- Năm 1939 ông Nguyễn Vỹ mãn tù thì thế chiến thứ 2 bùng nổ, quân Pháp thất trận, quân Nhật chiếm đóng Việt Nam. Chính phủ Nhật không thua gì Pháp, đặt một chế độ quân phiệt độc tài cai trị. Ông quay lại tranh đấu chống Nhật bằng cách dùng ngòi bút, một khí giới của kẻ sĩ, cho xuất bản 2 quyển sách chong chế độ quân phiệt Nhật: “Kẻ thù là Nhật Bản” và “Cái họa Nhật Bản”.

Cũng như lần trước, lần nầy, ông bị quân Nhật bắt giam tại ngục Trà Khê mà trong tạp chí Phổ thông sau nầy ông có kể lại những ngày sống trong tù lấy tựa đề “Người Tù 69”.

- Năm 1945, thế chiến thứ 2 chấm dứt, ông Nguyễn Vỹ ra tù, sáng lập tờ báo Tổ Quốc tại Sàigòn. Vì báo nầy có viết những bài công kích chính quyền nên sau đó cũng bị đóng cửa. Sau đó, ông lại cho ra đời tờ Dân Chủ xuất bản tại Đà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Đại. Không bao lâu, tờ báo nầy cũng chung số phận với báo Tổ Quốc.

- Năm 1952, một nhật báo khác ra đời lấy tên là Dân Ta, và tờ báo nầy chỉ được một thời gian cuối cùng cũng bị đóng cửa.

- Năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán nguyệt san Phổ Thông, chú trọng về nghệ thuật và văn học. Tạp chí nầy được kể là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam.

- Năm 1963, sau khi cuộc cách mạng ngày 1 tháng 11 thành công, ông được Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng mời tham gia trong Hội Đồng Nhân Sĩ Quốc Gia với tư cách làm cố vấn cho chính quyền, nhưng chỉ ít lâu sau ông rút lui. Trong thời gian nầy, ông được phép tái bản nhật báo Dân Ta, nhưng đến năm 1965 cũng lại bị đóng cửa, chỉ còn tạp chí Phổ Thông mà thôi.

- Năm 1962 ông cho xuất bản tập thơ Hoang Vu

Về tác phẩm của ông Nguyễn Vỹ gồm có:

• Tập thơ đầu (1934) xuất bản tại Hà Nội.
• Grandeurs et servitudes de Nguyễn Văn Nguyên (1937) Hà nội.
• Đứa Con Hoang (1937) tiểu thuyết, Hà nội.
• Kẻ thù là Nhật Bản (1947) biên khảo, Hà nội.
• Cái họa Nhật Bản (1947) biên khảo, Hà nội.
• Devant le drame franco-vietnamien (1947), Sàigòn
• Hai thiêng liêng (1956) tiểu thuyết, Sàigòn.
• Chiếc áo cưới màu hồng (1956) tiểu thuyết, Sàigòn.
• Giây bí rợ (1956) thiểu thuyết, Sàigòn.
• Hoang vu (1962) thơ, Sàigòn.
• Mồ hôi nước mắt (1966) tiểu thuyết, Sàigòn.

Và một số tác phẩm khác như: Thơ lên ruột (gồm những bài thơ trào phúng về thế sự đã đăng trên tạp chí Phổ Thông và nhật báo Dân Ta), Lội ngược (tiểu thuyết), Người tù 69 (hồi ký), Tuấn Chàng trai nước Việt (biên khảo) v.v...

Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài báo thuộc văn học, nghệ thuật, khoa học trên tạp chí Phổ Thông cũng như một số báo khác ở Sàigòn mang nhiều bút hiệu khác nhau: Diệu Huyền, Tân Phong, Tân Trí.

Trong kỳ nầy, chúng tôi chỉ đề cập về THƠ, là một phần trong văn nghiệp của Nguyễn Vỹ.

Ông góp mặt vào làng thơ tiền chiến từ năm 1934, thời kỳ thơ mới đang hồi phát triển mạnh. Ông làm thơ với một tâm hồn phức tạp, kết tinh bằng những gì uất ức, căm hờn, chua chát... Ông là nhà thơ không lấy tình yêu làm đối tượng, vì thế thơ ông có đường nét độc đáo riêng biệt.

Đọc Nguyễn Vỹ người ta cảm nhận điều gì mỉa mai, chua chát hơn là ca tụng cảnh trời cao, biển rộng, sông dài. Tiếng thơ của Nguyễn Vỹ là sự tức tối như muốn phá vỡ cái gì trong hiện tại đang bị dồn ép, uất ức để nói lên nỗi thống khổ của kiếp người.

Ngày 17 tháng 6 năm 1930, thực dân Pháp đưa 13 liệt sĩ Yên Bái lên máy chém với mục đích dâp tắt phong trào cách mạng quần chúng đang nổi lên. Năm 1932, với trào lưu tư tưởng mới, tiếng ru ngủ ái tình trong thi ca là khúc nhạc lý tưởng trong chính sách thực dân. Chế độ kiểm duyệt lúc bấy giờ đã làm ngơ trước những ca tụng ái tình, tự do phát triển cao trào lãng mạn với thâm ý làm xao lãng tâm hồn và ý chí của dân tộc thuộc địa quên đi tư tưởng cách mạng. Tuy nhiên, truyền thống bất khuất của dân tộc còn ẩn náu trong tiềm thức. Nguyễn Vỹ là hồn thơ chất chứa công phẫn trong một lúc say, bạo gan nói lên niềm ẩn uất trong bài “Gởi Trương Tửu”:

Nay ta thèm rượu nhớ mong ai
Một mình nhấp nhém, chẳng buồn say!
Trước kia hai thằng hết một nậm,
Trò chuyện dông dài, mặt đỏ sẫm,
Nay một mình ta một be con.

Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác,
Mà vẫn coi tiền như cỏ rác.
Kiếm được đồng nào đem tiêu hoang.
Rủ nhau chè chén nói huênh hoang.
Xáo lộn văn chương với chả cá,
Chửi Đông, chửi Tây, chửi tất cả,
Rồi ngủ một đêm – mộng với mê.
Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê!

Bây giờ thời thế vẫn thấy khó,
Nhà văn An Nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút viết văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Rồi nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết
Mà thương cho tôi, thương cho anh
Đã rụng bao nhiêu mái tóc xanh
Bao giờ chúng mình thật ngất ngưởng?
Tôi làm Trạng nguyên, anh Tể tướng,
Rồi anh bên võ, tôi bên văn
Múa bút tung gươm hả một phen?
Cho bỏ căm hờn cái xã hội
Mà anh thường kêu mục, nát, thối?
Cho người làm ruộng, kẻ làm công
Đều được an vui hớn hở lòng?
Bao giờ chúng mình gạch một chữ
Làm cho đảo điên pho Lịch sử!
Làm cho bốn mươi thế kỷ xưa
Hất mồ nhỏm dậy cười say sưa
Để xem hai chàng trai quắc thước
Quét sạch quân thù trên Đất Nước?
Để cho toàn thể dân Việt Nam
Đều được Tự do muôn muôn năm?
Để cho muôn muôn đời dân tộc
Hết đói rét, lầm than tang tóc?
Chứ như bây giờ là trò chơi!
Làm báo làm bung chán mớ đời!
Anh đi che tàn một lũ ngốc
Triết lý con tườu, văn chương cóc!
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà
Ra chợ bán văn ngày tháng qua!
Cho nên tôi buồn không biết mấy!
Đời còn nhố nhăng ta chịu vậy!
Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa,
Bực chí, thành say mấy cũng vừa.
Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ!
Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ!
Rồi đâm ra điên, đâm vẩn vơ,
Rốt cuộc chỉ còn... mộng với mơ!


Ông sinh vào một giai đoạn bi thảm của quê hương, đã chứng kiến bao cảnh bất công, áp bức khiến ông đâm ra bất mãn thời thế, muốn làm một cái gì cho nhẹ bớt nỗi uất ức và ông đã trả giá bằng những năm tù đày.

Trong những ngày lao lung, ông tạo nên những vần thơ tha thiết, chân thành của một con người khao khát ánh sáng vằng vặc của đêm trăng, thèm thuồng vùng vẫy trong khoảng không gian rộng lớn. Nhưng than ôi, thực tế quá đắng cay:

Tôi thằng tù như một mảnh hồn ma,
Trong ngục thẳm nhìn qua song lưới sắt.
Nhìn mê mải, thèm thuồng, không mỏi mắt
Nhìn khát khao, ngây ngất ánh trăng say,
Muốn phá tung cửa ngục chạy ra ngoài...

Tôi gục xuống sàn tre nằm thổn thức...
Trăng với chó tự do ngoài sân ngục,
Tôi bị giam sau bốn bức tường cao!
Ôi Tự do! Mi quý biết nhường nào!
Mi là cả Trăng, Sao, Trời, Thơ, Mộng!
Mi là những nụ cười vui để sống!
Mi là dòng huyết thống của Thiêng Liêng!
Có Tự Do là cả Thần tiên
Không có nó, trần duyên là ngục thẳm!
Tù Trà Khê say mê trong giấc đắm,
Trên giường tù ai lệ đẫm trong đêm!...


Cùng với bài “Sương rơi”, ông đã tạo được tiếng vang sâu rộng trong lòng người ái mộ. Là thi sĩ tiền chiến khá nổi danh, những thi phẩm của ông chỉ có “Tập thơ đầu” (1934) và Hoang Vu (1962), còn lại sáng tác của ông hướng về loại biên khảo, hồi ký, tiểu thuyết v.v...

Bình luận về tập thơ “Hoang Vu”, nhà văn Thiết Mai trong Sáng Dội Miền Nam viết:

- “Con người Nguyễn Vỹ là con người đã sống, đã nếm mùi tân khổ, gian lao của kiếp nhân sinh. Kiếp nhân sinh ấy lại ở vào cảnh giao thời của hai thế hệ, trong một tình trạng bi đát nhất của lịch sử nước nhà, nên Nguyễn Vỹ đã trở thành con người rắn rỏi, yếm thế...để đi đến tâm trạng căm hờn, biem nhạo, khắt khe, chua chát...gần như điên dại. Nhưng lắm lúc trở lại với bẩm tính thiên nhiên, trở lại với con người Nguyễn Vỹ, chúng ta lại thấy Nguyễn Vỹ hiền dịu, đa tình, đa cảm, thiết tha với một đời sống êm đềm trong đạo lý, coi đời chỉ là một cảnh hư vô, không không, sắc sắc...”.

Tài làm thơ của nguyễn Vỹ đã biểu lộ cho ta thấy trong sự cấu tạo dễ dàng, không gò ép và tánh cách lưu loát của câu thơ, sự tiếp diễn liên tục của ý thơ, tài gieo vần và nhất là ý tứ thâm trầm, mỉa mai, sâu sắc, hay ý nhị, đa tình của những bài thơ.

Chúng ta lại nhận thấy rằng Nguyễn Vỹ chịu ảnh hưởng hai văn hóa, hai làn tư tưởng Đông và Tây nên Nguyễn Vỹ đã làm được cả các lối thơ Đường, thơ cổ điển và thơ mới. Trong loại nầy, điều đáng chú ý là Nguyễn Vỹ như muốn đưa ra những thể mới có tác dụng xúc cảm, có âm điệu du dương, gộp tình để gợi tình và tả chân mạnh hơn. Thể mới ấy được thấy trong các bài thơ: Sương rơi, Mưa rào, Tiếng chuông chùa v.v...

Về ý thơ, Nguyễn Vỹ quả thật đã có nhiều ý tưởng, nhiều câu văn rất táo bạo (Hai người điên; Hai con chó; Trăng, chó, tù; Đêm trinh v.v...) nhưng theo ý riêng tôi, những ý tưởng, những câu táo bạo ấy vẫn là những lời độc đáo đưa Nguyễn Vỹ ra khỏi lối thường tình và cổ điển của các nhà thơ và cũng tỏ cho ta thấy rằng Nguyễn Vỹ là con người có nội tâm cứng rắn, thành thật, dám biểu lộ tâm tư mình bằng những hình ảnh thiết thực do lòng mình suy tưởng.”

Chúng ta đọc qua bài thơ “Hai con chó” nói lên tâm trạng căm hờn, bực tức của ông đối với quân Nhật sau khi chiếm đóng Việt Nam đã áp dụng một nền cai trị độc tài tàn bạo:

Chuồng ngục tối om, kìa bốn xó
Bốn thằng bơ vơ như bốn chó!
Chẳng được nói năng, chẳng được cười,
Hai chân chồm hổm, ngồi co ró.

Lưng rít mồ hôi không dám cọ
Ngứa ngáy tay chân không rạy rọ
Rệp bò lên cổ, leo lên đầu,
Muỗi bay khiêu vũ, kêu ó ó.

Một tên lính Nhật ngồi ngay đó
Nét mặt hầm hầm, tròn mắt lõ!
Đem chiếc gươm dài, cầm roi da
Thỉnh thoảng quất lên bốn đầu sỏ.

Hắn uống rượu gì màu đỏ đỏ
Như uống máu tươi trong cái sọ?
Kìa nó gật gù, đầu ngả nghiêng,
Máu nhểu quanh môi từng giọt nhỏ!

Hai mắt đỏ hoe xoay tròn, ngó
Thằng tù lim dim trong một xó,
Hắn sả ba roi trên đỉnh đầu,
Thằng tù rụt vai, mặt mếu mó!

Một thằng tù khác ngồi nhăn nhó,
Tay run cầm cập, răng gõ mõ,
Sốt rét lên cơn không dám nằm,
Đầu cúi lạy...lạy...như xin xỏ.

Thằng tù thứ ba ngồi nhóc mỏ,
Da mặt xanh lè, mắt tho lỏ
Hắn bị tra điện hồi đầu hôm,
Giờ như cái xác con ma xó!

Thằng tôi chờ chết ngồi co ró,
Làm thơ âm thầm lấy vần chó.
Bỗng một chó Nhật vừa đi qua,
Đứng ngoài song sắt trố mắt ngó.

Nó nhìn thằng tôi, tôi nhìn nó,
Thông cảm nhìn nhau hai đứa chó!
Bỗng dưng tôi cười hô! hố! hố!
Nó cũng vẫy đuôi cười hó! hó!

Tên lính Nhật hoàng la xí xó,
Đạp giày lên lưng xua đuổi nó,
Rồi quật roi da lên đầu tôi
Ào ào, ạt ạt như Thần gió!

Chó Nhật ẳng ẳng chạy gần đó,
Quay lại vẫy đuôi đứng lấp ló,
Rồi tôi nhìn nó, nó nhìn tôi,
Thông cảm cùng nhau hai đứa chó!

Hà nội mừng xuân năm Nhâm ngọ,
Pháo nổ tưng bừng, đèn sáng tỏ,
Chó Nhật vẫy đuôi chờ tôi ngâm
Dăm chục câu thơ mùng kiếp chó!

Ôi tôi ôi, tôi ôi là tôi!
Ôi chó ôi, chó ôi là chó!

(Trong tập thơ Hoang Vu, 1962)

Vài nét phác họa về Tao đàn Bạch Nga của ông:

Người chủ xướng là Nguyễn Vỹ, thành lập vào đêm Trung thu 30 tháng 9 năm 1936, tại một gác trọ ở Khâm Thiên, Hà nội; cùng với Trương Tửu, Mộng Sơn thành lập Tao đàn Bạch Nga, một trường thơ có tính chất nghệ thuật khác với thơ lúc bấy giờ.

Nhóm chủ trương lấy hình một loài thủy điểu làm biểu hiệu tượng trưng, tiếng Pháp gọi là Le Cygne (thiên nga). Để tránh lầm lẫn với Hắc Nga, nhóm nầy quyết định lấy tên là Bạch Nga.

Tên Bạch Nga tượng trưng cho thi văn thuần túy, tinh khiết như màu trắng của nó, uyển chuyển như dáng điệu của nó.

Tinh thần của Thơ là chuộng sự tự nhiên cảm xúc mà phát xuất từ tâm hồn thi nhân, như dòng suối trong vắt từ mạch ngầm tinh khiết, thầm kín trong nội tâm, chuyển qua các thăng trầm của số kiếp con người, của toàn thể nhân loại và vươn lên hòa hợp với vẻ thanh tao huyền bí của vũ trụ.

Hình thức và nhạc điệu Thơ hạn định từ 2 chữ đến 12 chữ như bài Tiếng Sáo Đêm Khuya, Đêm Giao Thừa Tắm Biển, Cảm Ơn Ngài, Gởi Trương Tửu trong tập thơ Hoang Vu.

(Phần nầy được trích lại trong Tuyên Ngôn của Tao Đàn Bạch Nga làm tại Sàigòn mùa thu năm 1962)

Tao đàn Bạch Nga tạm ngưng một thời gian và sau nầy hoạt động trở lại với sự cộng tác của một số thi sĩ tên tuổi như Công tôn nữ Thanh Nhung, Nguyễn Văn Cổn, Công tôn nữ Hỷ Khương, Tuệ Mai v.v...

Ngoài ra, năm 1964, Tao Đàn có mở một giải thưởng gọi là “Giải Tao Đàn Bạch Nga”. Rất tiếc, vì tình hình chiến tranh mỗi ngày leo thang và gây xáo trộn trong đời sống, nên nhóm Tao Đàn ngưng hoạt động từ năm 1966.

Bài thơ Sương Rơi sau đây là một trong những bài thơ trong trường phái Bạch Nga:

Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu.
Nhưng hơi
Gió bấc Rồi hạt
Lạnh lùng Sương trong
Hiu hắt Tan tác Rơi sương
Thấm vào, Trong lòng Cành dương
Em ơi Tả tơi Liễu ngã,
Trong lòng Em ơi Gió mưa
Hạt sương Từng giọt Tơi tả,
Thành một Thánh thót, Từng giọt
Vết thương Từng giọt Thánh thót
Điêu tàn Từng giọt
Trên nấm Tơi bời
Mồ hoang Mưa rơi
Gió rơi
Lá rơi
Em ơi!


Đến những bài như Hoàng Hôn, Tiếng Chuông Chùa, Mưa Rào...sau đây, ông muốn tạo cho mình một điệu nhạc riêng. Nhưng phải nói là những bài thơ mới lạ nầy có nặng nề về thể thơ tân kỳ mang tính chất tượng hình nhiều hơn là chứa đựng tư tưởng.

Bài Hoàng Hôn dưới đây, tác giả trình bày một đàn cò trắng đang vội vã bay về tổ trên nền trời của một buổi chiều vàng sắp tắt:

Một đàn
Cò con
Trắng non,
Bay về
Sườn non.
Gió giục,
Mây dồn,
Tiếng gọi
Hoàng hôn
Buồn bã
Nỉ non
Từ giã
Cô thôn...
Còn con
Cò con
Trắng non
Nào kia,
Lạc bầy,
Lại bay
Vào mây,
Ô kìa!


Bài Tiếng Chuông Chùa, qua thể thơ, tác giả cho ta thấy một buổi chiều buồn, tiếng chuông chùa ngân lên từng hồi trong bầu không khí êm lặng, dư âm vang động nơi nơi, gợi cho kẻ tha phương cảm thấy lòng bâng khuâng thương nhớ:

Bốn phương trời
Sương sa
Tiếng chuông chùa
Ngân nga...
Trời lặng êm
Nghe rêm
Tiếng chuông
Rơi
Thảnh thơi
Em đềm...
Hồi chuông
Rơi
Bon!
Bon!
Trong sương mơi
Véo von...
Hồi chuông
Trôi
Êm ru
Vô âm u
Hồn tôi
Hồi chuông
Vang bốn phương...
Mùi trầm hương
Vang trong sương
Lòng tôi...
Nghe tiếng chuông
Trong
Trong
Hồi hộp
Bâng khuâng...
Hồn lâng lâng
Lên vút
Cao xanh
Thanh
Thanh...
Tiếng chuông chùa
Khoan thai,
Kêu ai,
Lòng nhớ thương
Quê hương...
Tiếng chuông chùa
Khoan thai
Kêu ai
Lòng thê lương


Trong sương...


Ngoài những lối trên, ông còn trình bày một thể thơ đặc biệt có dáng hình thoi trong bài Mưa Rào. Từ câu đầu một chữ, rồi hai, ba, bốn chữ v.v...tăng trưởng đến một cao độ, rồi bắt đầu giảm lần số chữ trong câu cho đến câu cuối còn một chữ để diễn tả một cơn mưa thoạt đầu lác đác vài giọt, rồi đổ ào như trút, rồi thưa, thưa dần đến còn một giọt rồi tạnh hẳn:

Mưa
Lưa thưa
Vài ba giọt
Ai khóc tả tơi,
Giọt lệ tình đau xót?
Nhưng mây mù mịt gió đưa
Cây lá rụng xào xạc giữa trưa
Mưa đổ xuống ào ạt, mưa, mưa, mưa!
Thời gian trôi tan tác tiếng mưa cười!
Không gian dập vùi tan nát theo thác mưa trôi,
Đàn em thơ nhào ra đường, giỡn hớt chạy dầm mưa!
Cỏ hoa mừng nên vận hội, ngả nghiêng tắm gội say sưa!
Nhưng ta không vui, không mừng. Lòng không ca không hát!
Ta đưa tay ra trời, xin giòng mưa thấm mát.
Tưới vết thương lòng heo hắt tự năm xưa!
Nhưng, ô kìa! Mưa rụng chóng tàn chưa!
Trời xanh xanh, mây bay tan tác.
Ai còn ươm hạt mưa đào,
Lóng lánh trong tim Hoa?
Ai ươm mơ sầu,
Ôi mong manh
Trong tim
Ta!


Chúng ta thấy ông là một nhà thơ có thực tài. Ông dám trình bày một cách trung thực tư tưởng của mình, nói lên nỗi uất ức, bất công của kiếp người. Ông có cái nhìn thường xuyên vào thực trạng xã hội, theo dõi những màu sắc biến đổi của nhịp sống dân tộc đã chịu nhiều thảm họa; hòa lẫn vào đó tình thương yêu đồng loại, tiếng thơ của ông là tiếng nói chân thành phát xuất tự con người còn nghĩ đến quê hương.

Chúng ta đã viết nhiều về các danh nhân Quảng Ngãi ở các Đặc San Xuân trong những năm qua, tuy nhiên, còn một nhân vật có tâm huyết và tài hoa chưa nhắc đến. Đó là cụ Nguyễn Vỹ, là một nhà thơ cải cách và công phẫn, một nhà văn có nhiều tác phẩm, nhật báo và tạp chí mà cũng là một nhà cách mạng phản đế từng vào tù ra tội.

THANH BÌNH.
(Trích Đặc San QUẢNG NGÃI, Xuân Quí Mùi – 2003 Liên Hội Đồng Hương Quảng Ngãi New England). 
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh