Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 29, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
THẦY HOÀNG
THỦY LÂM SYNH

Tôi có thói quen sau khi đi làm về là sà đến ghế xa lông. Ở đầu xa lông, có kê một chiếc bàn vuông. Trên chiếc bàn vuông ấy là mớ giấy tờ thư từ mà chị tôi đã khuân từ thùng thư vào mỗi ngày để ở đó.

Tôi cũng có thói quen, xem tất cả thư từ, kể cả giấy tờ quảng cáo. Những gì không quan trọng tôi cho hết vào thùng rác, những hóa đơn đòi tiền gas, điện, nước, nợ vay ngân hàng, nợ tín dụng v.v...tôi ghi chữ to tổ bố ngoài phong bì năm ngày sớm hơn ngày đáo hạn rồi để vào một chiếc hộp thủy tinh gần đó. Tôi chọn hộp thủy tinh cho những thư đòi nợ ấy lồ lộ trước mặt, cất kỹ quá tôi sẽ quên mất.

Tôi cũng có thói quen đọc rất kỹ những thư từ gởi đến tên của tôi và muốn biết ai gởi, gởi để làm gì?... Và hôm nay tôi nhận được thư Ái Liên từ Việt Nam, cô bạn từ lúc còn học tiểu học ở Đức Hải. Sau đổi đời vài chục năm, nghĩa là giữa thập niên 90’s tôi đã gặp lại một số bạn bè cũ. Trong số những người bạn ấy có Ái Liên. Nghe nói chồng cô đang làm chủ tiệm làm móng tay ở Arizona rất phát đạt nhưng đã có người khác nâng khăn sửa túi nên không chịu bảo lãnh cô ta và đứa con trai vì sẽ trở ngại tác xạ. Nghỉ hưu tà tà như Đinh Bông, nuôi heo nái như Trần Tư, buôn hàng kỹ nghệ gia dụng như Trần Tịnh và đặc biệt hơn cả là hai nhà tu hành: sư cô Huệ Trí Đặng Thị Ngọc và thầy Tâm Tựu Nguyễn chín.

Nhận thư Ái Liên, cô cho biết tháng năm vừa qua, bạn bè tiểu học cũ họp mặt nhau tại Đức Hải vui không thể tả. Bởi không thể tả nên tôi chưa hình dung cái vui ấy nó ra làm sao với những “bà nội, bà ngoại” mái tóc highlight màu chì rất ư tự nhiên, chuôi mắt toàn dấu chân chim và da mặt rõ lên những đường nhăn nghiệt ngã. Bởi không thể tả nên tôi cũng chưa hình dung cái vui với những “ông nội, ông ngoại” trán cao không do thông minh mà do mái tóc muối tiêu tình nguyện ra đi có trật tự, ngón tay vàng ố do khói thuốc, hàm răng thiếu nặng calcium đã có những chiếc di tản chiến thuật hoặc vượt biên tìm tự do ở mảnh đất nào rồi, mắt có khi đeo kiếng lúp dày thô bạo mới mong đọc nỗi sách. Tóm lại, một đời người đã bị xoáy mòn dọc theo sự thăng trầm của quê hương gần năm thập kỷ liệu có thể tạo được cái vui không thể tả như Ái Liên viết trong thư hay không?

Tôi vốn dễ tánh, lại tha thiết với những kỷ niệm thuở ấu thơ. Ái Liên có cường điệu chút đỉnh như “lời gió thì thầm” hoặc “vế than não nuột” thì cũng chẳng có gì quá đáng. Các bạn cũ mỗi năm tổ chức gặp mặt một lần như thế là vui rồi, tả được thì tả bằng không thì “không thể tả” cho tiện việc. Thế mà Ái Liên lại tiếp tục tả. Ái Liên cho biết buổi họp mặt vừa qua được tổ chức tại góc sân trường học Đức Hải. Tất nhiên sân thì còn mà trường thì như sổ hộ tịch “bị tiêu hủy bởi biến cố chiến tranh” còn đâu. Thay vào đó là ngôi trường trung học mới xây mấy năm nay thôi, kinh phí xây cất nghe đâu do chính phủ Nhật tài trợ. Sướng!

Ái Liên cho biết hôm ấy đông lắm, dĩ nhiên bầu đoàn phu thê tử. Hai cái lều trắng to tướng được một nhà hàng từ Sông Vệ mang xuống với 4 nhân viên mặc đồng phục, hì hục lắp ráp cả buổi từ sáng sớm. Khoảng 11 giờ thì một chiếc xe thùng, bên hông có ghi “Quán Tư Sún, chuyên phục vụ thức ăn, trang trí, cho các tiệc tùng, không hạn chế...”. Chiếc xe đó chở đến nào lò ga, bếp núc và dụng cụ giữ nóng thức ăn, giữ lạnh thức uống. Từ bàn ghế, khăn tủ bằng nylon, chén dĩa, ly tách, bát đũa, giấy lau miệng, hành hẹ tiêu ớt...không thiếu một thứ gì. Và trong vòng nửa tiếng đồng hồ, bốn dãy bàn dài được sắp xếp ngay ngắn. Ở đầu bốn dãy bàn ấy có hai chiếc sắp vuông góc, cố gắng tạo ra hình thức bàn dành cho cử tọa. Nhưng không, đó chính là những chiếc bàn dành để bày biện thức ăn cho buổi tiệc họp mặt của nhóm cựu học sinh tiểu học sắp diễn ra.

Lúc trưa, các bạn chưa tề tựu đông đủ, nhưng đến chiều thì mọi người đã có mặt, một bữa ăn tối vui như Tết. Đã qua rồi giai đoạn siêu vi khuẩn H5N1 nên gà là món chính: gà rô ti, gà hấp bắp thảo, gà cà ry, món bò xào cải làn. Nhân viên phục vụ cam đoan rằng: ngoài thực đơn đã đặt, nếu thực khách cần thêm món nào, họ cũng có thể linh động thực hiện tại chỗ. Ai ăn cơm thì ăn, ai muốn bánh mì vẫn có bánh mì. Để đề phòng bất trắc, các bà còn chở đến mấy thùng mì tôm. Lạ thật, mì vẫn có người chiếu cố trong lúc thức ăn vẫn còn vài món.

Đặc biệt hơn nữa trong hôm ấy, con của một bạn học có quán café gần đó rộng lượng khuân đến dàn karaoke để giúp vui, ai muốn ca–ra-ô-kê thì cứ việc tha hồ mà ca. Dĩ nhiên có những giọng ca chưa lên đã xuống, nhưng tựu trung sáng kiến karaoke đã làm cho buổi họp mặt sống động. Ngoài những bản nhạc nhằm khơi lại kỷ niệm tuổi học trò như: “Nỗi buồn hoa phượng” “Trường làng em” “tuổi mộng mơ” các ông tự cho mình cái quyền trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn chơi luôn đến “đám cưới nhà binh” rồi “áo cưới màu hoa cà”, song ca “em hậu phương, anh tiền tuyến”... Phần lớn là những bản sến dễ nhớ, dễ ca. Sau vài cốc bia, có bạn ca “24 giờ phép” với câu anh cho là ưng ý nhất “ta đưa nhau về nguyên thủy loài người”. Anh ta cắc cớ lặp lại, lặp đi nhiều lần cái đoạn như nhộng ấy. Ca sĩ sắp hàng chờ huých sáo inh ỏi đòi anh đưa micro cho người khác anh mới loạng quạng về chỗ ngồi, mặt đỏ như gà đá bởi men rượu. Các bà chẳng vừa gì, thời buổi kinh tế thị trường, các bà vùng lên rất nhanh. Bà Phe ca “Tháng sáu trời mưa” – bản nhạc Ngô Thụy Miên phổ từ thơ Nguyên Sa “da em trắng anh chẳng cần ánh sáng”...rồi... “anh sẽ nâng tay cho ngọc sát kề môi...”. Ôi! như thế là cái tuổi hồi xuân nó thôi thúc các bà hãy cố gắng giăng những mảng lưới cuối cùng trước khi giã từ vũ khí chăng?

Cái cô Ái Liên nầy tả đầy đủ như thế mà dám bảo “không thể tả” là thế nào!

Gần cuối bức thư, Ái Liên nhắc đến sự hiện diện đặc biệt năm nay của thầy Đoàn Bá Hoàng. Thầy Hoàng tuổi già sức yếu nên những năm trước tổ chức lưu động và ở xa thầy không tham gia được. Ái Liên kể thầy Hoàng có bốn người con đều trưởng thành và sống với gia đình họ gần đâu đó. Riêng vợ chồng thầy Hoàng có cái quán nhỏ bán lặt vặt mà người lối xóm quen gọi “Quán ông giáo Hoàng” ở Nghĩa Dõng, hương lộ đi về thị trấn Thu Xà.

Nhắc đến thầy Hoàng, tự nhiên một kỷ niệm xưa cũ đã gần nửa thế kỷ lại cuồn cuộn chảy về trong trí của tôi. Lẽ dĩ nhiên, mỗi đoạn đời, mỗi khúc quanh, mỗi mốc thời gian đều mang một dấu ấn khác nhau, có thể khổ đau hay hạnh phúc, có thể rơi xuống hố nghiệt ngã hay leo lên đỉnh của vinh quang sẽ làm cho người ta dễ nhớ. Kỷ niệm thuở ấu thơ của tôi không nằm trong những trạng thái ghê gớm mang tính hoán chuyển hoàn cảnh nhưng sao tôi vẫn cứ nhớ như mới năm nào đây thôi.

Hôm đó sau khi sắp hàng chào cờ vào lớp. Học sinh chúng tôi ai ngồi chỗ nấy. Thầy Hoàng quét mắt nhìn cả lớp một vòng:

“Cạch. cạch. cạch. Em nào ký tên thầy trên bảng?” - Tiếng thước kẻ và tiếng

Thầy Hoàng quát làm cho học sinh cả lớp im re. Cái nghiêm của thầy Hoàng thường toát ra ngoài như một tín hiệu làm cho tất cả học sinh không đứa nào dám cất lên một tiếng. Các con mắt đều ném lên tấm bảng đen. Trên đầu tấm bảng tuần nầy là câu cách ngôn: “Một tinh thần minh mẫn, trong thân thể khang cường”. Giữa lòng tấm bảng trinh nguyên buổi sáng, chữ ký của thầy Hoàng to tướng bằng phấn trắng mà lúc đầu học sinh đứa nào cũng nghĩ là thầy Hoàng hôm nay hứng cái gì mà ký tên mình lên đó. Nhưng khi nghe thầy Hoàng hỏi, nhiều tiếng xầm xì phía cuối lớp:

-“Đứa nào giả chữ ký thầy Hoàng giống dữ ta?”

Bạn khác nói lí nhí:

-“Thằng S chớ ai!”

Tiếng thằng S. chớ ai rất nhỏ, nhưng tôi vẫn nghe thấy vì cả lớp yên lặng đến độ nghe rõ vài tiếng chó sủa xa xa vọng tới từ trong xóm. Tim tôi bắt đầu đập, tôi không hiểu tại sao tôi lại bạo tay cầm viên phấn vô tri ký tên thầy hiệu trưởng Đoàn Bá Hoàng lên tấm bảng đen khi vào lớp rất sớm sáng nay, để giờ nầy đây phải gặp rắc rối.

-“Cạch, cạch...” Tiếng thước kẻ vang lên, kèm theo tiếng Thầy Hoàng, khiến một lần nữa cả không gian lớp nhì đầy ắp vẻ căng thẳng ngột ngạt.

-“Em nào? Nếu không tự giác, khi biết được thầy sẽ đuổi học”.

Tôi riu ríu đứng đậy ú ớ:

-“Thưa thầy em giỡn chơi quá đáng, em xin lỗi thầy”

Mặt thầy Hoàng trở nên xanh và đanh đanh lại. Thầy không nói thêm một lời nào nữa. Thầy ra hiệu cho Hóa, người bạn ngồi đầu bàn lên lau bảng. Tôi đứng trơ như trời trồng, hai đầu gối như lỏng ra. Thầy Hoàng không bảo tôi ngồi xuống, không gọi tôi lên quất cho vài roi mây hoặc không dùng thước kẻ gõ vào bánh tai của tôi như thói quen của thầy những lần phạt học trò. Sau nầy tôi mới đoán ra lý do tại sao thầy Hoàng kéo dài thời gian đứng; có lẽ thầy làm thế để tôi hỗ ngươi với bạn bè. Nó là một hình phạt tâm lý nhẹ nhàng nhưng chán lắm. Chưa hết, tháng đó vị thứ của tôi tồi hết sức -10 điểm xấu hạnh kiểm trong sổ đã kéo thằng học trò trên trung bình xuống vị thứ 55 trong sĩ số học sinh lớp nhì 56 đứa.

Thầy Hoàng rất tâm lý, thầy không cần đánh tôi, vị thứ xuống như chiếc xe đứt thắng, anh hai tôi đã không ngần ngại rấn cho tôi hai cái bạt tai nẩy lửa. Ba tôi căn tôi ra quất cho mấy cán chỗi. Dù xót xa khi thấy tôi bị đòn, mẹ tôi vẫn không an ủi dỗ dành tôi vì bà biết tôi hư lắm rồi. Trong bữa ăn tối hôm đó, mẹ tôi cứ liếc nhìn qua xem cái bạt tai của anh tôi có làm cho mặt tôi sưng vếu lên không? Biết mẹ tôi đang đau lòng nhưng bà vẫn để cho ba và anh hai tôi trị cái tội ngỗ nghịch của tôi. Còn tôi từ đấy cứ lầm lì miệng câm như hến, ghét anh tôi hết sức, mấy cái tát đau quá trời. Riêng ba tôi thì đánh bằng cán chổi, chẳng nhằm nhò gì, tôi đã biết trước nên tròng vào tới bốn cái quần đùi. Tôi thầm mong cho anh tôi làm lỗi gì đó để ba tôi cho ảnh một trận đòn chí tử tôi mới hả cơn. Nhưng anh tôi là học sinh giỏi, thầy cô trường Trần Quốc Tuấn đã chẳng gởi bằng khen về hoài đó sao? Ba má tôi bênh ảnh và rất hãnh diện với hàng xóm, khiến lổ mũi anh tôi hinh hích, dài thêm ra.

Từ ngày thầy Hoàng phạt tôi, và cái tát đau điếng của anh tôi, tôi không còn cảm tình với thầy Hoàng nữa. Gương mặt của thầy lúc nầy hiện lên những nét cực kỳ khó ưa. Ừ, đúng rồi: “một tinh thần minh mẫn trong thân thể khang cường”. Nối câu cách ngôn trên bảng với vóc dáng của thầy Hoàng thì tôi mới chợt nhận ra ngay thầy không thể nào minh mẫn bởi thân thể thầy có khang cường đâu - thầy ốm teo.

Nửa năm học cuối lớp nhì nặng nề rồi cũng trôi qua. Trong mấy tháng cuối đó tôi muốn trả thù thầy Hoàng bằng một gương mặt đưa đám. Cũng có khi thầy Hoàng gọi tôi lên bảng, chép bài cho cả lớp chép theo vào vở bởi chữ viết tôi đẹp và dễ đọc. Tôi không còn thấy hãnh diện như lúc trước mà chỉ làm như một cái máy, mặt tôi lúc nào cũng toát ra vẻ bất cần. Tính tự kiêu nổi lên rõ trong tôi bằng cách học thật giỏi để trả thù thầy Hoàng. Dùng chữ trả thù thì cũng không đúng bởi thầy Hoàng có mất mác chi đâu. Nhưng ở một phương diện nào đó mình hơn, thì có ai đó thua trong nguyên tắt bù trừ, tôi nghĩ đơn giản như thế. Vị thứ hai tháng sau cùng trước khi nghỉ hè tôi chỉ đứng sau có ba đứa, nghĩa là từ trước, chưa bao giờ tôi lại học khá như thế. Thái độ khinh khỉnh của tôi hình như thầy Hoàng đã ít nhiều đoán được. Đôi khi nhìn tôi, thầy chúm chím cười.

Sau nghỉ hè, một ít học sinh ở lại lớp, một số lớn học sinh lên thẳng lớp nhất, dĩ nhiên trong đó có tôi. Trường tiểu học Đức Hải cũng được dời về ngôi trường mới xây có đầy đủ năm lớp rộng rãi. Bàn ghế còn thơm mùi gỗ mới. Tường màu vỏ trứng còn hăng hăng nước vôi. Sân trường nắng chang chang, không có lấy một bóng mát. Những cây phượng “cầu tự” mới trồng thân èo uột khẳng khiu chỉ bằng ngón tay cái. Những chùm lá héo xàu dưới cái nắng đổ lửa của những ngày tựu trường. Ngồi trong lớp nhìn ra cửa sổ, ánh nắng vàng trải trên sân cát trắng khiến tôi nhớ bóng mát “từ bi” của gốc phượng già to tướng nơi ngôi trường cũ. Nhìn từ xa cây phượng già trổ bông đỏ rực, cong cong như chiếc dù đỏ khổng lồ, có thể che cả nắng mưa hai mùa cho học trò của ngôi trường làng duy nhất lúc chưa tách hai xã riêng biệt. Nhưng như bề trái của cuộc đời, cái bóng mát của cây phượng, cái đẹp của hoa phượng, cái phong cảnh dễ thương, cổ thụ của gốc phượng nơi sân trường; luôn đi kèm với cái ồn của tiếng ve cứ độ đầu và cuối niên học. Phiền nhất là vào mùa đông, lá phượng đầy sân, bê bết cát và nước mưa, không dễ dàng cho các toán học trò làm vệ sinh.

Không phải tự nhiên mà trường tiểu học Đức Hải khang trang như thế mọc lên. Ba năm trước, khi xã Đức Thắng được tách làm đôi: Từ cầu Long Phụng trở lên là Đức Phụng; trở xuống là Đức Hải thì ngôi trường cũ ba lớp ở thôn Kỳ Tân nơi có cây phượng cổ thụ vừa kể đã tiếp nhận tất cả học sinh từ lớp năm đến lớp ba. Học sinh ở các thôn thuộc xã Đức Hải, trong đó có tôi, đang theo học trường tiểu học Đức Thắng phải về học nơi trường của địa phương mình. Lúc chưa có thầy Hoàng thì thầy Bá dạy lớp ba - là lớp lớn nhất của trường lúc bấy giờ. Nửa năm lớp ba, thầy Hoàng về thay thế và thầy cũng là hiệu trưởng. Học sinh lớp ba, lên lớp nhì, rồi lớp nhất; thì thầy Hoàng cũng lên theo dạy, như một món nợ phải trả cho những đứa học trò ngỗ nghịch, lười biếng mà thầy cô thường chỉ muốn chịu đựng một niên học cho xong. Nửa năm đầu lớp nhất qua nhanh, tụi tôi chuẩn bị tinh thần thi Đệ thất nên đứa nào cũng siêng năng. Niềm phấn khởi dâng lên pha lẫn nỗi ngậm ngùi sắp chia tay bạn bè và thầy cô cùng mái trường tiểu học thân yêu. Những người bạn to, cao nhòng nhòng mà tuổi khai sinh cha mẹ chúng đã lo xa nên khai nhỏ hơn đến bốn, năm năm như Tống Xoa, Nguyễn Minh, Dương Ngọc Đại, Võ Trường Toản... Trong giờ ra chơi, chúng tôi tụ năm, tụ ba rỉ tai nhau câu hát cáp đôi tôi nghe được và tiếp tục phát huy.

Ai xuôi cho Bá gặp Tàu
Cho Chi gặp Mỹ, cho Hoàng gặp Niêm

Câu hát ví von truyền miệng hình thành, do những nhân duyên ngộ nghĩnh. Cái vui ở chỗ là thầy Nguyễn Văn Bá thì được ông hội trưởng hội phụ huynh xã, cha cô Tàu mời về nhà ở. Thầy Đoàn Bá Hoàng thì được mời về nhà ông hội phó phụ huynh mà cô Niêm là con gái rượu ông. Chỉ có cô Chi và thầy Mỹ về ở nhà những gia đình không có ai để mà cáp đôi, nhưng chẳng lẽ vì thế mà câu lục bát trên đây hụt hẫng nên cô Chi và thầy Mỹ bắt buộc phải “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa.”

Thật ra, lúc đó phương tiện của các thầy cô là chiếc xe đạp, chỉ có cuối tuần mới được về nhà. Nhà người nào cũng ở xa nên phải tá túc tại các nhà phụ huynh để đi dạy cho tiện. Lẽ dĩ nhiên các phụ huynh đó phải ở gần trường và khá giả; nhà cửa tương đối đàng hoàng để thầy cô có phòng riêng mà soạn bài, chấm bài v.v... Mời được thầy giáo, cô giáo, dù là giáo làng về nhà tá túc, tự nhiên những gia đình ấy thấy sang lên, và cũng tự đeo cho mình cái nhãn trí thức vì “gần đèn thì sáng”.

Thật ra, câu hát do ai đặt ra, bắt đầu truyền miệng trong giới học trò lớn tuổi mà có anh đã biết tán gái từ hồi nào thì tôi không rõ. Nhưng cái khổ là dù tôi nhỏ tuổi hơn, nhưng có bệnh lẻo mép. Tôi chộp ngay hai câu ấy và hí hửng đệm thêm kiểu “hò ba lý” một đặc sản dân gian của xứ Quảng mà từ bé đến lớn ai cũng biết hò.

Ai xuôi Cho Bá gặp Tàu
(ba lý tang tình mà nghe, ta hò nầy ba lý tình tang, cho Bá gặp Tàu)

Cho chi (mà) gặp Mỹ (ba lý)
Cho Hoàng (mà) gặp Niêm
(xứng đôi. Ba lý tang tình mà nghe, ta hò nầy ba lý tình tang, thật là xứng đôi...)

Câu lục bát đơn giản lúc đầu, được chính tôi thêm chân, thêm tay, lại thêm cánh rồi nó cứ thế mà bay đi, bay tuốt ra ngoài đám con nít không đi học. Tụi nó nhè trước nhà các thầy cô ở trọ mà hát, còn hát thật to làm cho mấy thầy ngượng chín người. Mấy bà vác chổi ra đuổi đám trẻ nít còn dọa mắng vốn với cha mẹ, chúng chạy re không dám bén mảng tới nữa. Câu chuyện không ngừng ở đó. Người dân ở chung quanh trường, gần các nhà mấy thầy tá túc cũng nghĩ là không có lửa thì làm sao có khói.

Một ngày đẹp trời, tất cả học sinh đều ra chơi ở ngoài sân. Thầy Hoàng cho người gọi tôi vào văn phòng. “Chết cha” Chuyện gì nữa đây? Tôi nghĩ đến 10 điểm xấu, và cái tát tai của anh tôi có thể tái diễn. Nhưng không. thầy Hoàng bình tĩnh hỏi tôi:

-“Em có muốn thi Đệ Thất không?

-“Dạ muốn chứ”- Tôi cúi đầu trả lời.

-“Thế thì em phải tỏ ra là một học sinh có hạnh kiểm tốt chớ!”

-“Dạ thưa thầy, em có lỗi gì không?”

Thầy Hoàng nghiêm sắc mặt:

-“Em đã sáng tác ra câu hát ấy phải không?”

Tôi không hiểu câu nào nên ú ớ:

-“Thưa thầy câu nào, em có sáng tác gì đâu?

-“Em nói thật chớ?”

-“Dạ thưa thầy, em nói thật, nhưng thầy cho em biết câu hát gì?”

Thầy Hoàng chúm chím cười”

-“Câu hát cáp đôi mấy thầy đó”

Tôi phân bua:

-“Em hoàn toàn không biết ai đã sáng tác câu hát đó, nhưng tại sao thầy nghĩ là em?”

Thầy Hoàng đưa mấy ngón tay lên thoa càm:

-“Bởi trong lớp ít có em nào viết luận bằng em.”

-“Nhưng đó là câu lục bát chứ đâu phải luận văn.”

-“Thì đại khái như thế.”

-“Thật tình em không biết ai sáng tác, thầy phạt là oan cho em lắm.”

Thầy Hoàng ôn tồn:

-“Thầy không phạt em đâu, lần trước có người biết chắc là em ký tên thầy lên bảng thầy mới phạt. Hơn nữa, sau lần đó thầy biết em hối hận nên gắng học để chứng tỏ em là học sinh biết hối lỗi.”

Trước khi cho tôi ra ngoài, thầy Hoàng còn nói với tôi một câu không ăn nhập gì:

-“Tuần tới thầy sẽ chuyển đơn thi Đệ Thất cho các em”

-“Em cám ơn thầy, thầy hứa không dìm em chứ”

-“Không, thầy không làm vậy nữa đâu? Thầy mến em lắm, cho em 10 điểm xấu năm ngoái mà sau đó thấy em không vui thầy cũng hối hận, thầy muốn tất cả học trò của thầy phải vui và hồn nhiên”

Không còn bao lâu nữa đến ngày nghỉ hè. Ngôi trường nầy, các thầy các cô rồi cũng chia tay. Từ đó tôi thường được thầy Hoàng kêu đánh cờ “Croix-Zero”. Nói cho đúng, ở trường tôi đánh croix -zero cũng có hạng, nên dần dà các thầy đều chơi thử cùng tôi. Thầy Hoàng chơi rất cứng, nhưng biết ý nên tôi lai rai vẫn hạ được thầy. Tình cảm thầy trò những tháng sau cùng của năm học cuối thật đậm đà. Tính thầy Hoàng vui vẻ và cởi mở. Gương mặt thầy Hoàng bây giờ trông dễ thương, mắt sáng, thầy rất thông minh. Câu cách ngôn “Một tinh thần minh mẫn, trong thân thể khang cường” đúng y chang. Nhìn kỹ, thầy Hoàng đâu có ốm lắm...Cũng có thể “khang cường” trong thân thể ấy lắm chứ.

Những kỷ niệm thời thơ ấu như khúc phim vừa chiếu trong tiềm thức tôi. Thầy Hoàng ra sao bây giờ? Thầy già lắm rồi theo Ái Liên kể. Bốn năm mươi năm với lịch sử thì không là bao, nhưng với một đời người thì quả rất dài. Đặc biệt nhất là quê hương Quảng Ngãi, nơi hứng chịu không biết bao nhiêu hệ lụy của chiến tranh. Không biết lúc nầy thầy Hoàng còn mặc áo trắng dài tay vào những ngày thứ hai, ba, tư hoặc màu đà năm, sáu, bảy để đồng phục với học sinh không?

Nỗi nhớ quê hương, nhớ trường xưa và bạn cũ. Đặc biệt nhất tôi rất nhớ thầy Hoàng.

Thủy Lâm Synh
Nov. 11, 2008


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh