“Ầm...ầm” Hai trái lựu đạn của VC lọt vào hầm trú ẩn. Hai tiếng nổ liên tiếp chát chúa, có lẽ hai người cùng nhắm một mục tiêu. Hoàng thảng thốt la lên:
-“Tôi chết mất, ai cứu tôi...”.
Trong bóng tối dày đặc, đụng đâu cũng thấy ướt...mùi máu. Hoàng ngất đi sau những tiếng rên rất nhỏ. Khi tỉnh lại Hoàng mới hay mình còn sống và đang nằm trên giường. Hoàng không biết là mình đã ở đây bao lâu. Nghe nhức ở hai đầu gối, Hoàng nhìn xuống phần dưới, chàng ngạc nhiên thấy tấm ra đắp xệp sát giường. Lấy tay giựt mạnh tấm ra trắng đang phủ, Hoàng rụng rời á khẩu – “sao thân hình tôi lại cụt ngủn thế nầy?” Hai cục vải trắng rỉ máu đỏ làm Hoàng rợn người khóc thành tiếng lớn. Tiếng khóc uất nghẹn bi thảm của chàng không làm cho ai chú ý.
-“Trời ơi! Hai chân tôi đã cụt lên tới đầu gối... hu... hu”.
“Sống làm gì nữa!” Hoàng đang loay hoay tìm sợi dây dù quấn vào cổ, hai đầu sẽ cột vào thanh giường bên kia rồi lăn xuống đất. Như thế để chấm dứt sự hiện diện tàn phế bởi cái ý niệm sống không còn nghĩa lý gì nữa với một thân thể không ra thân thể. Nước mắt tiếp tục chảy ra mà Hoàng chẳng thèm lau. Giường bên cạnh, một người lính khác đầu quấn kín mít, chỉ còn ló một con mắt, rên như bị sốt rét. Rồi nhìn những giường hai bên, kế tiếp, cả dãy, ai cũng rên la. Người mất chân, kẻ mất tay, lủng ruột, bể mông. Nhìn xung quanh, người nào cũng mất đi một phần thân thể. Màu trắng “tang chế” đã đẩy dần ý nghĩ tự vận ra khỏi tâm trí Hoàng.
Dưỡng bệnh bốn tháng tại quân y viện Quảng Ngãi. Hoàng ngồi trên xe lăn, đẩy tới, đẩy lui, quay qua, quay lại một cách cực nhọc. Anh đã lấy lại tinh thần trong một thể xác mất mát. Có lúc anh cảm thấy hãnh diện vì mình đã hiến dâng một phần thân thể cho non sông, tổ quốc.
Đêm hôm nay, một nhóm nghệ sĩ từ thủ đô bay ra bệnh viện quân y Quảng Ngãi để hát giúp vui cho thương bệnh binh. Ngoài những ca sĩ nổi tiếng như Phương Hồng Quế, Thanh Thúy, còn có những học sinh các trường địa phương như: Bồ Đề, Kim Thông, Trần Quốc Tuấn cũng có những chương trình văn nghệ giúp vui. Tại sân bệnh viện, các thương bệnh binh ngồi xe lăn chiếm một khoảng khá rộng trước những hàng ghế dành cho bệnh binh đi đứng được. Hoàng ngồi trên xe lăn, hai bắp vế băng trắng lòi trơ vơ như hai cục bột. Trên kia chiếc màn nhung đỏ thẳm từ từ kéo giạt qua hai bên. Người điều khiển chương trình cúi đầu chào khán giả và nói đại ý buổi văn nghệ. Sau đó anh giới thiệu nhạc bản “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” do ban văn nghệ trường Trần Quốc Tuấn hợp ca. Tám cô và tám cậu chỉnh tề, đứng làm hai hàng, ra sức hét. Có lẽ vì thiếu tập dợt, bản nhạc hay thế mà hợp ca không được xuất sắc làm cho khán giả thất vọng trong bài ca mở đầu chương trình. Nhận được điều nầy, anh Trần Thao trưởng ban văn nghệ nhà trường lúng túng:
-“Thưa quý anh chị thương bệnh binh, trận lụt vừa qua đã ảnh hưởng đến ban văn nghệ chúng tôi. Thú thật dàn trống đã bị ngâm nước không lấy đâu tập dợt, nên mới ra cớ sự, kính mong quý vị thông cảm”.
Tiếng vỗ tay dễ dãi vang lên coi như xí xóa. Kế đến, một nữ sinh mặc đồ dù của trường Kim Thông hát bản “Màu Áo Hoa Rừng”. Vừa dứt bản nhạc, chỉ có vài tiếng vỗ tay lẻ tẻ. Có thể các anh thương binh sợ vỗ mạnh sẽ rêm vết thương? hoặc cũng có thể ban tổ chức cố tình tạo sự tương phản dành cho ca sĩ chính cống chăng? Hoàng chán nản, hai bản nhạc vừa rồi đã làm chàng hơi bực mình. Hôm nay chuyển trời, hai chỗ khớp đã tháo rêm nhức, Hoàng đẩy xe ra khỏi đám đông đi về. Trên đường về phòng, Hoàng phải vất vả vì bóng cây che khuất ánh đèn. Có chỗ lổm chổm chàng phải xích tới, xích lui mới đủ trớn lên khỏi. Về tới giường là mồ hôi, mồ kê ướt cả người. Vừa uống hớp nước chín thì phía sân khấu tiếng vỗ tay như bắp rang vang dậy. Tiếng huýt sáo của thương bệnh binh yêu cầu người vừa ca trình bày tiếp. Hoàng tiếc, nhưng đã về chàng không muốn quay lại ra. Chàng coi như vừa nằm, vừa nghe radio cũng chẳng sao. Hoàng mở gói thuốc lấy hai viên trụ sinh và một viên thuốc trị đau nhức bỏ vào miệng, đưa ly nước lên uống cạn. Kéo chiếc xe lăn sát giường, Hoàng vận dụng hai tay đưa được tấm thân lên giường.
Vừa đặt lưng, Hoàng nghe một giọng ca cất lên. Giọng ca quen thuộc làm Hoàng ngạc nhiên lẫn thích thú và như có một luồng điện chạy từ đầu xuống chân, ít nhất cũng xuống tới hai cái đầu gối. Hoàng lẩm bẩm “Tại sao là giọng Liễu”, bản nhạc mà Hoàng từng đệm guita để Liễu ca cho đúng nhịp. Vâng! “Tiên đến thăm anh, nguyện cầu mưa mãi cho Tiên đừng về...”. Đó cũng là bản ruột nên Liễu ca nghe rất hay, cũng có thể không hay với người khác. Nhưng có điều lạ là Liễu đã mất tích từ những hai năm trước. Nàng đã bị du kích địa phương bắt dẫn đi thủ tiêu trong một đêm tối trời. Chuyện Liễu chết người ta đồn rần lên ai cũng biết. Lúc ấy đơn vị Hoàng chỉ huy còn đang đóng giữ an ninh cho hai xã Đức Hải và Đức Phụng. Bản nhạc vừa dứt, “Liễu xin chân thành cảm ơn các anh thương binh, kính chúc các anh mau lành...”. Đúng là giọng nói của Liễu, người con gái một thời đã cùng chàng yêu nhau tha thiết, tưởng có thể sống chung đến già. Giọng nói êm ái đẩy trí Hoàng về những kỷ niệm xa xưa.
Ba trung đội biệt kích được Thiếu tá Lợi quận trưởng Mộ Đức chỉ định về giữ an ninh hai xã Đức Phụng và Đức Hải. Cộng với nghĩa quân, nhân dân tự vệ mà tình hình an ninh Đức Hải cũng chẳng có gì khả quan hơn so với những năm trước đó. Đức Hải là một xã có địa hình khá phức tạp. Bên ngoài là biển cả, bên trong là sông ngòi. Sông Vệ chảy ra biển qua cửa Lở. Mùa nắng, cửa cạn, có khi lấp luôn, người ta có thể đi qua lại giữa An Chuẩn và Tân Mỹ. Mùa mưa ghe thuyền có thể ra vô, nhưng đó cũng là một vấn nạn chiến lược đã cắt ba thôn Vinh Phú, Kỳ Tân và An Chuẩn như một chiếc rọ. Từ ngữ chiến tranh thì nó là một tử địa. Bên nào đóng binh ở đây cũng bị thất trận, nếu phía bên địch có một lực lượng lớn hơn, mạnh hơn. Nên dù có nhiệm vụ giữ an ninh, trung đội biệt kích của Hoàng vẫn ít trú đóng trong đồn vào ban đêm vì sợ có khi bị đánh bất thình lình. Hoàng và hai trung đội bạn luôn canh giữ bên ngoài vòng đai ba thôn kể trên. Thôn An Mô và Tân Mỹ lại nằm chơi vơi riêng lẻ như những hòn đảo khiến du kích từ hầm bí mật trồi lên hoạt động mạnh mà phía quốc gia không cách gì kiểm soát. Đặc biệt những tháng mưa gió, lụt lội. VC có thể tổ chức mít-ting, hoặc mổ bò liên hoan cả tháng cũng chẳng có ma nào cản trở. Như những vùng tranh chấp khác, ban ngày cán bộ trong xã Đức Hải từ thôn lên tới chủ tịch vào cơ quan làm việc, có nghĩa quân, dân vệ canh giữ an ninh. Ban đêm bỏ hồ sơ vào cặp đạp xe đến những nơi an toàn để ngủ. Tình trạng xôi đậu kinh niên đó trở nên mệt mỏi với một số người. Đi ngủ xa hoài cũng chán, lâu lâu họ giã vờ đạp xe đi ngủ, dù chỉ có con bò đang gặm cỏ bên đường cũng bóp chuông kéng keng cho nhân dân nhìn thấy, rồi xẩm tối quay xe về ngủ với vợ một đêm kẻo để lâu lại sợ quên đường đi lối về. Đó là cách che mắt bởi đối phương biết được chỗ ngủ của cán bộ quốc gia là dễ dàng ra người thiên cổ.
Trong xóm đã có ít nhất là bốn người trong tình trạng đó. Có điều làm cho dân chúng Đức Hải hoang mang là vì những người bị bắt đi biệt tích như ông Phạm Đồng và Mai Thanh ở Vinh Phú, ông Thanh và ông Điểm ở Kỳ Tân chưa hẳn là cán bộ quốc gia. Đôi khi ban ngày hai bà vợ chửi lộn nhau, ban đêm mấy ông chồng cũng có thể trở thành nạn nhân như chơi. Việc tư thù đã đưa đến vấn đề “chết oan” không phải là không có.
Liễu là con gái độc nhất của ông bà Tơ. Tuổi khai sinh trụt hơn tuổi thật. Đáng lẽ đã xong trung học, nhưng cô còn đang ngồi lớp chín trường tư thục Văn Hiến. Liễu không có nét đẹp thiên hương quốc sắc, nhưng dễ nhìn nhờ thân hình. Vòng ngực và mông lớn, làm nổi bật cái eo trong chiếc áo dài trắng học trò. Cuối tuần chỉ về thăm nhà và lấy thức ăn như những cô cậu học sinh khác trong xã. Có một lần đang đi trước đồn lính, Liễu sơ ý để vạt áo dài quấn vào dây sên. Tưởng ai nắm áo mình, Liễu ngoái đầu lại té nhào vào bụi gai bàn chải bên đường. Một anh lính từ đồn chạy ra giúp nàng đỡ xe lên và đưa vào trong chỗ đóng quân của Hoàng. Hoàng có cơ hội ra ơn tế độ, nhổ những cây gai đã gãy cắm vào da thịt nõn nà đang rỉ máu. Vạt áo dài phía sau bị rách lên gần tới lưng quần để lộ những đường nét rất rõ của chiếc quần lót thêu bông làm Hoàng bối rối. Hoàng nghĩ: “Thêu bông ngay chỗ đó là cốt muốn người khác nhìn thấy”. Lạc quan nên Hoàng mạnh dạn đùa:
-“Giá không có tai nạn thì làm sao tôi thấy được chiếc hoa hồng thêu ở...”
Liễu thẹn chín người không trả lời, mặt nàng nóng bừng như vừa nhấp ngụm rượu mạnh. Nàng không ngờ cái anh chàng nầy trêu mình quá đáng. Liễu cứ cúi mặt xuống để cho Hoàng tha hồ nhổ gai. Thực tế thì chiếc quần lót, Liễu đã cắc cớ thêu một đóa hoa bên mông phải nhưng thường nàng chỉ mặc với quần lảnh đen. Hôm nay sơ ý mặc với quần trắng, lại bị rách đứt vạt áo sau nên mới bị chọc. Một thằng lính độc thân, đang vạch áo nhổ gai cho một nữ sinh mà dửng dưng là điều lạ. Hoàng cứ thế mà nhổ thật lâu để nhìn từng ô da trắng muốt. Hoàng nhìn mái tóc đen chảy xuống bờ vai mà lần đầu chàng biết rung động. Đôi mắt lạc thần đờ đẫn ấy đã bị Liễu phát giác, đáp lại bằng nụ cười mời đón để rồi hai người đi vào mối tình làm bậc cha mẹ khó xử.
Từ đó hai người thương nhau. Trai chưa vợ, gái chưa chồng là những yếu tố khiến cho mối tình mỗi ngày một thắm thiết. Nhưng tiếng một đồn mười lan rất nhanh đến tai cha mẹ Liễu. Ông bà Tơ nơm nớp lo sợ, tìm cách khuyên can. Không phải ông bà Tơ cấm đoán chuyện tình yêu trai gái. Ông cũng biết Liễu nhà ông lớn lắm rồi, nhưng vì sống trong một vùng đêm Cộng sản, ngày Quốc gia, hai gọng kiềm rõ rệt, làm dân tốt hơn lặng lẽ làm ăn với sóng nước, với ruộng đồng, để tránh hậu họa.
Nhưng con tim luôn luôn có lý lẽ riêng của nó. Mặc sức can gián của cha mẹ, mỗi cuối tuần về thăm nhà, lấy thức ăn, Liễu đều ghé ngang đơn vị Hoàng trú đóng ở giốc Vinh Phú để tập ca, tập hát và lẽ dĩ nhiên... tập yêu khi chỉ có hai người trong trại. Bản tin Liễu yêu trung đội trưởng biệt kích đã lan đi đến hang cùng, ngõ hẻm. Tiếng đồn bất lợi cho mạng sống của con gái làm ông bà Tơ mất ăn, mất ngủ.
Quả nhiên, một đêm cuối tuần trời tối như mực. Một toán người bịt mặt tự xưng là cách mạng vào nhà ông bà Tơ bắt Liễu dẫn đi biệt tích. Đêm ấy bà Tơ khóc than lạy lục mà họ vẫn không buông tha. Những người nầy tuyệt đối không nói chuyện. Họ ghi một miếng giấy nhỏ đưa cho ông bà Tơ đại khái nói rằng Liễu đang làm gián điệp cho ngụy và đế quốc, cần được đưa đi gặp cán bộ cao cấp để điều tra. Ông Tơ vốn là người điềm tĩnh, ông hỏi nhưng không hy vọng có câu trả lời là bao giờ thì con gái ông được trở về. Còn bà Tơ thì nhào lộn, lăn mình dưới sàn khóc nức nở. Bà lôi chân con gái, lôi chân người du kích vừa đưa ra tấm giấy, bà lạy lục, van nài nhưng cuối cùng con bà cũng bị du kích dẫn đi. Nỗi thương con cộng với sự oán trách đã làm cho bà Tơ xanh xao vàng vọt.
Xã Đức Hải nhỏ như lòng bàn tay. Chuyện gì ai cũng biết. Tin Liễu bị du kích dẫn đi thủ tiêu đồn đi khắp nơi. Xác nàng giờ đây đã bắt đầu mục rệu. Ông bà Tơ buồn rầu lập bàn, thờ đứa con bạc mệnh, oán trách vu vơ. Ông thì đổ lỗi cho bà không biết dạy con, bà đổ lỗi cho ông không chịu dọn nhà đi lên tỉnh mà ở. Họ nhìn di ảnh trên bàn thờ với niềm khổ đau cùng tột. Lúc nầy ban đêm pháo binh từ đồi La Hà thường bắn xuống làng, VC không thấy chết mà đạn cứ bay vèo vèo mỗi đêm vào xóm khiến nhiều người bỏ xứ mà đi, nhưng ông bà Tơ không thể nào dễ dàng bỏ cơ ngơi; phía biển họ có một dãy nhà thùng muối mắm vĩ đại, phía ruộng ông cũng còn mấy mẫu đang cho mướn, thu lúa mỗi mùa gặt.
Tin Liễu bị du kích bắt đi biệt tích đã đến tai Hoàng. Có anh lính không biết nghe ở đâu cũng xỉa vào là Liễu bị bắn vào đầu và chôn xác ven biển, nhưng sóng đã xóa hết dầu tích. Nghe tin như sét đánh, lòng Hoàng căm thù đối phương lên cực điểm. Nợ nước bao nhiêu không biết, nhưng thù nhà đã lên cao vời vợi. Hoàng không án binh mà đêm đêm thường dẫn lính đi kích, đêm nay nằm kích chỗ nầy, mai chỗ khác mong rằng sẽ nhả trung liên vào toán người dã man đã bắt đi người yêu của chàng. Theo dõi nhiều đêm, Hoàng cho lính lội sông qua thôn An Mô chiều hôm ấy, đợi đến tối vòng từ phía bờ sông lên nằm kích ngay cổng chào vào thôn Vinh Phú. Đêm đó sáng trăng, phía du kích từ Núi Đất đi ra, vừa đi vừa ca hát. Đợi gần đến sát Hoàng ra hiệu, tất cả họng súng trung liên, cacbin, garant thi nhau nhả đạn. Kết quả phía du kích VC thiệt mạng 4 người, số còn lại chạy thoát. Hoàng coi như thế là đã trả được mối thù để người yêu yên lòng nơi chín suối.
Thời gian sau, chiến dịch Bình Định Nông Thôn ra đời. Xã Đức Hải giao hẵn cho cán bộ Bình định. Ba trung đội biệt kích được chi khu quận Mộ Đức phân chia canh giữ những cây cầu trên Quốc Lộ 1. Trung đội Hoàng được bố trí giữ phía nam cầu Sông Vệ và bị VC tấn công. Hai trái đạn lọt vào trong lô cốt khiến Hoàng bị thương nát cặp chân. Không còn cách cứu vãn, bác sĩ đề nghị tháo khớp ngay đầu gối và giờ đây anh đang dùng xe lăn để làm phương tiện di chuyển.
Có một điều là tại sao Liễu còn sống mà không liên lạc với chàng đã là câu hỏi nhức nhối khiến Hoàng thao thức mãi trong đêm văn nghệ hôm ấy. Rõ ràng Liễu yêu chàng thật sự đến độ nàng đã cho chàng tất cả. Trong một thoáng rất nhanh. Hoàng quyết định tìm Liễu để nối lại chuyện tình. Việc tìm Liễu chẳng có gì khó khăn cả. Chàng chỉ cần hỏi ban tổ chức văn nghệ, phăng lần tới là nàng đang học trường nào, gặp thầy cô rồi hỏi thăm địa chỉ. Chàng yên trí sẽ thực hiện ước mơ khi có dịp. Nhưng thức khuya, thuốc giảm cơn đau mất dần tác dụng, hai khớp tháo nhức trở lại chàng mới nhận ra mình là một người tàn tật. Chàng nổi giận cho số kiếp, liệng gối, liệng mền tứ tung. Mãi cho đến khi chương trình bế mạc, ai đó nhặt đồ của Hoàng liệng lại lên mình chàng.
Hoàng nhắm mắt, hình ảnh Liễu hiện về trước mặt, chiếc áo dài rách vạt sau để lộ những đường cong tội lỗi. Mỗi lần gặp nhau là Liễu đã cho Hoàng, cái bông thêu đã nhiều lần bị cuộn tròn xuống tận đầu gối. Nhưng giờ đây tất cả thứ ấy xa xôi mơ hồ không cách gì tìm kiếm lại được. Người xưa vẫn còn đó, những lời thề nguyền có thể vẫn còn đó song hoàn cảnh trớ trêu chàng không thể nào có đủ can đảm gặp lại. Không cần thông minh lắm cũng có thể tiên liệu được chuyện gì sẽ xảy ra sau khi gặp gỡ, đừng nói chi đến chuyện nối lại tình xưa. Cũng có lúc Hoàng chủ quan cho rằng Liễu nhất định vẫn còn yêu chàng. Nàng sẽ thông cảm cho một người lính đã trót hi sinh một phần cơ thể. Tuy nghĩ thế, nhưng khi nhìn xuống đôi chân, Hoàng lắc đầu, lòng tự nhủ phải tìm quên dĩ vãng.
Thời gian sau, tình hình trở nên u ám hơn, chiến dịch Bình Định Nông Thôn không gìn giữ được xã Đức Hải, khiến cho nó trở thành vùng oanh kích và đại bác bắn tự do. Mọi người dân ai muốn ở thì ở, ai muốn tản cư lên thị xã thì lên. Trại định cư La Hà / Bầu Giang / Đá Chẻ đã tạm cư hầu hết dân chúng từ các vùng mất an ninh. Gia đình ông bà Tơ nhờ có người em trên thị xã nên cũng bồng tống lên đó, bỏ hết ruộng vườn, sự nghiệp lại nơi chôn nhau cắt rốn. Một hôm đang ăn cơm chiều, ông Tơ nói với vợ:
-“Có người định đến coi mắt Liễu nhà mình.”
Bà Tơ đang và cơm ngừng lại nói với chồng:
-“Nó may mắn thoát chết, sao ông không đợi chừng năm nữa cho nó học xong gì... gì... tài cái đã.”
Ông Tơ nghĩ lại chuyện đã qua, đắc ý cười khà khà. Bà Tơ nhăn mặt nhìn chồng:
-“Ông làm cái trò gì lạ vậy?”
Ông Tơ xoa cằm nói với bà Tơ:
-“Việc con Liễu bị bắt là do tôi mướn mấy đứa trong xóm giả du kích để ly gián nó với thằng trung đội trưởng biệt kích mà thôi. Thật ra, vì thương con nên tôi lo xa. Tôi sợ có ngày nó bị bắt thật thì mọi việc sẽ quá muộn màng.”
Bà Tơ nghe vậy bèn bỏ chén đũa xuống mâm nhìn ông Tơ hỏi dồn:
-“Vậy tại sao hồi đó ông không nói cho tôi biết, để tôi chết lên chết xuống.”
-“Bà mà biết sự thật thì cả xã ai cũng biết. Cái miệng của bà có cái gì giấu được đâu. Chừng đó Việt Cộng bắt tôi vì tội đã dám giả danh chúng. Nhưng mà dẹp chuyện đó đi, chuyện nầy bà phải biết:
-“Thằng Hoàng là lính, làng mình đứa nào có chồng lính đều “ở giá” cả đó không thấy sao.”
-“Con Liễu khôn lắm, làm sao nó không khám phá ra.”
-“Khám phá cách nào. Tôi đã sắp xếp cho tụi nó dẫn con Liễu đến Miễu Bà để gặp cấp lớn hơn. Nơi đây tôi đã mướn sẵn thằng Tư ở đợ cho ông Tám Tha mang quân hàm sĩ quan chính quy Bắc Việt. Khi gặp con Liễu nhà mình, nó đưa ngay khẩu súng nhựa màu đen mà tôi đã mua ở tiệm bán đồ trẻ nít. Đưa ngay vào mang tai nó và nói theo sự huấn luyện của tôi.”
-“Cô làm gián điệp cho đế quốc Mỹ và bọn ngụy bao lâu rồi?”
- Con Liễu nhà mình run lập cập, hai răng cứ đánh vào nhau nói không ra lời. Tên sĩ quan giả kia mở cho con Liễu một đường bèn ra điều kiện:
-“Đáng lẽ cô bị cách mạng đọc bản cáo trạng rồi bắn ngay sau đó để làm gương. Nhưng riêng tôi, với cương vị một sĩ quan, tôi dùng quyền của mình tha cho cô, nhưng cô phải hứa là từ nay không được đặt chân về xã Đức Hải nầy nữa. Và đặc biệt không được liên lạc với tên Hoàng, trung đội trưởng biệt kích nguỵ đó nữa. Nếu cô còn có ý chống cách mạng thì viên đạn nầy sẽ không tha thứ.”
Vừa nói hắn vừa đưa khẩu súng lên mang tai buộc Liễu chấp nhận. Hắn hỏi:
-“Cô có người bà con nào ở gần đây không?”
Liễu sợ quá khóc:
-“Dạ có.”
-“Tôi sẽ đưa cô đến đó, để sáng mai cô đi khỏi làng nầy thật sớm, nếu để ai thấy tôi sẽ bị kỷ luật với thượng cấp.”
Khi đến nơi, tên sĩ quan vào nhà nói nhỏ điều gì đó với cô của Liễu, đoạn hắn quay trở ra căn dặn Liễu lần nữa trước khi giao Liễu cho bà cô. Nghe lời dặn cô Liễu đưa nàng hẳn vào trong rồi tắt đèn để những người chung quanh không ai chú ý. Đêm đó Liễu tá túc tại nhà người cô, sáng hôm sau khi trời chưa tỏ đất, hai cô cháu vội vàng đi lên tỉnh.
Bà Tơ hỏi chồng:
-“Bộ cô Sáu không biết mặt mấy thằng lính giả đó sao?”
-“Nghe VC đến nhà là nó sợ té đái, mấy đứa du kích đứng ở ngoài, chỉ có thằng sĩ quan vào nhà thôi, cô Sáu làm sao biết, mà việc nầy tôi cũng đã lo liệu. Tôi dặn cô Sáu là đêm nay khi nào cháu Liễu đến hãy cho nó ngủ và sáng mai dẫn nó lên thị xã giao cho chú Năm vì dưới nầy đang xảy ra việc chẳng lành. Thế là con Liễu đâu dám về và cũng không tìm cách gặp thằng Hoàng nữa. Nhà mình cũng không cần bỏ tài sản để lên tỉnh ở. Như vậy, nhất cử tam tứ tiện.”
-“Nhưng tại sao chú thím Năn cũng giấu tôi”
-“Là bởi cái miệng của bà cứ như cái loa phóng thanh thì mười chú Năm cũng không dám báo cho bà biết vụ con Liễu đang ở nhà của chú ấy”.
Ông Tơ kể xong câu chuyện thì cơm canh đã nguội ngắt. Bà Tơ thấy no không ăn nữa. Bà lo dọn dẹp chén bát mà thầm phục ông chồng. Nhưng như nhớ ra điều gì, bà vừa đặt mâm chén ngoài vòi nước đã vội trở lại vô nói với ông Tơ:
-“Rủi bây giờ con Liễu nó bắt liên lạc với thằng biệt kích đó lại thì sao?”
Ông Tơ lại cười lớn:
-“Bà có nhớ cách đây khoảng bốn năm tháng, có thằng cảnh sát ghé nhà mình chơi không? Chính thằng đó đã nói thằng Hoàng đã tử trận cả năm rồi. Lúc đó con Liễu nhà mình cũng rất buồn. Cả tuần cứ khóc và không chịu ăn uống gì. Tôi thì cứ lo nơm nớp, sợ nó biết thì sẽ trách tôi, nhưng thời gian sau, chiến trường càng lúc càng sôi động, vài ba ngày là có tin người chết chở xác về hoặc không lấy được xác nên nó cũng nguôi ngoai.”
Bà Tơ nhìn chồng nghi ngại:
-“Có thật thằng Hoàng đã tử trận hay ông lại đặt điều nữa đây!”
Ông Tơ kề tai vợ nói nhỏ:
-“Nó bị thương nặng lắm, phải cưa mất cặp chân. Tôi không nở thấy con gái mình khổ nên một lần nữa tung tin nó chết. Thà một lần rồi thôi.”
Bà Tơ gật đầu ra dáng nghĩ ngợi và quày quả trở ra sau bếp rửa chén.
Riêng Liễu, mối tình đầu vẫn in đậm trong tim. Hoàng ra người thiên cổ, lòng nàng chít vành khăn tang. Chiến cuộc miền Trung mỗi ngày một khốc liệt kéo dài lê thê cho đến khi miền Nam hoàn toàn đổi chủ. Tất cả những đau thương đổ lên đầu người dân vô tội. Biết bao nhiêu trẻ mồ côi, biết bao nhiêu góa phụ của hai miền đất nước. Họng súng ngắn đen ngòm năm xưa đã không phát ra tiếng nồ nhưng viên đạn đã thực sự xoáy sâu vào tâm khảm một cô gái yếu đuối. Viên đạn vô hình ấy đã giết chết một tình yêu nồng thắm và rạch sâu trong trí Liễu một ấn tượng khủng khiếp của chiến tranh.
Thủy Lâm Synh
Nov. 21, 2008