Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NHỚ MỘNG ĐÀI, NGƯỜI ANH...
THINH QUANG

 

NHỚ MỘNG ĐÀI, NGƯỜI ANH ĐÃ ĐI VÀO THIÊN CỔ

Thinh Quang

 

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản.

Một trăm năm là một thế kỷ. Kể ra thời gian như vậy không phải là ngắn ngủi gì. Từ ngàn xưa cho đến những ngày tháng đầu thế kỷ hai mươi, tuổi thọ con người không quá “sáu mươi”! Sáu mươi mùa xuân ở những năm đầu thập niên của thế kỷ 20 đối với một đời người cũng đủ được xem là trường thọ. Thánh nhân từ ngàn xưa đã chẳng bảo: ”Nhân sinh thất thập cổ lai hi” thật là hiếm hoi lắm rồi đó sao!

Ngày xa xưa, người ta thường chúc cho nhau được sống đến hai cái “sáu mươi”...Và ai cũng ước muốn được như vậy, mặc dù mọi người đều biết rằng đó là điều không thể có được! Giá mà được đến hai cái sáu mươi như lời cầu chúc thì quả đó là một huyền thoại... như huyền thoại về tuổi thọ của ông Bành Tổ:

“Xưa ông Bành Tổ sống đời
Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu!

Thọ như vậy cũng vẫn chưa tròn được một thiên niên kỷ rồi cuối cùng cũng phải trở về với cát bụi. Anh Mộng Đài lúc sinh thời thường bảo cho dù sự sống gần như trường sinh bất tử này của ông Bành Tổ ngày nay cũng chẳng còn! Trong những năm tháng cuối cùng trên giường bệnh, anh Mộng Đài đã từng tâm sự:

-”Mọi người đều sợ chết, vì thế mà cứ những ngày xuân về Tết đến đều chúc thọ cho nhau được sống lâu trăm tuổi. Nhưng chẳng mấy ai sống đúng với cái “bách tuế vi kỳ”....Nằm trên giường bệnh suốt bao nhiêu năm trời, muốn chết cho khỏe nhưng nào đâu có được như mình mong muốn! Như vậy chết đâu phải là dễ khó lòng, chú ạ! Mười bốn lần mùa xuân nữa thật khó mà đi trọn được cái trăm năm!”.

Và, quả thật anh không còn đủ sức giằng co lại giữa cái sống và cái chết, cái hy vọng tha thiết với cái tuyệt vọng tận cùng... Và, cuối cùng anh hóa thân thành con hạc vàng đã vỗ cánh bay xa, một đi không trở lại.

“Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản.
Bạch vân thiên tải không du du”.

Nhớ lại ngày xưa, những ngày mà hai đứa chúng tôi sống bên nhau từ lúc đầu còn để chổm tại nơi phố Vạn, một phố nhỏ có lắm kỷ niệm khó quên, cho mãi đến ngày nay. Những bạn bè cũ lần lượt ra đi, còn lại hai chúng tôi cùng lưu lạc xứ người chuẩn bị hành trang để tiếp nối đi đến con đường chẳng ai tránh khỏi. Ngày nay thì anh đã lặng lẽ đi tìm lại chốn cũ của mình nơi tiền kiếp, nhưng không phải với hình ảnh:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu...

Mà...lời thơ anh đã trối trăn sẵn nơi mấy vần thơ Chiều Xóm Vạn:

“Ai có về chơi chiều Xóm Vạn
Nhớ trông khói xám ầp mây vàng
Hàng cây thơm phức bên bờ giếng
Chòm liễu bơ phờ rũ lá xanh...

Chuông chùa vọng tiếng đâu đây
Nhà sư thúc giục báo ngày sắp xa...
Hơi vương nương khóm tre già
Đàn chim ngơ ngác bay qua bãi dừa...”

*
Trong những ngày cuối cùng trên cuộc đời, chúng tôi thường nhắc nhở lại chuyện ngày xưa – “chuyện của chúng mình” – câu anh thường nói đến khi nhắc lại cho nhau nghe những chuyện ngày xưa – chuyện tuổi ấu thơ, chuyện bút nghiên và luôn cả những chuyện đã gắn liền cuộc đời chúng tôi trên đường văn nghiệp. Anh thường nhắc nhỡ đến các nhà hàng hải Trung Hoa lạc lõng đến bến Vạn Tiên Sà – nơi có dòng lịch sử các Tiên Ông ở tận cung Nam Tào, Bắc Đẩu giáng xuống phàm trần ngồi trên bè tre dưới ánh trăng rằm đêm xuân uống rượu làm thơ hay đánh cờ đấu trí...

Anh đã dí dỏm các nhà hàng hải Trung Hoa vượt bể cả ra đi không phải làm một cuộc thám hiểm như câu chuyện “Tám Mươi Ngày Vòng Quanh Thế Giới” mà Pleas Foog – nhân vật chính của câu chuyện đi từ câu lạc bộ này đến câu lạc bộ khác để hưởng tách ca phê thơm ngon với thỏi “milk chocolate” có mùi vị đậm đà ngọt lịm, mà họ – những người di cư từ bốn phương trời chẳng phải là những nhà văn nổi tiếng như Trollope, Diskens, Thackeray hay Stevenson thường lai vảng đến các câu lạc bộ để nhâm nhi gợi hứng, hay ngồi thưởng thức món ngỗng tơ quay cùng mẩu bánh mì phớt bơ Bretel nhập cảng từ Pháp – nốc cạn vài chai Cognac trăm năm hoặc ít cốc rượu Rhum cay xé miệng...

Anh dí dỏm diễn tả cảnh các chàng phiêu lưu tại câu lạc bộ này ngồi gác chân lên mặt bàn nói phét cho qua ngày đoạn tháng. Với những nhà hàng hải từ miền Bắc thì khác. Tuy họ cũng ăn uống say sưa, cũng có cả vò rượu Ngũ Gia Bì hay Mai Quế Lộ thơm lừng lựng.

Họ còn có những món “bào ngư” hoặc “hải sâm” mang lên từ bể cả. Đó là chưa nói đến các loại sơn hào từ “óc khỉ” đến “lủ “chuột sâm ngũ đợi” được đặt nằm trong cái vỏ bánh bao ngo ngoe cái đuôi ra bên ngoài kêu lên chin chít. Toàn là những món ăn tuyệt vời. Các nhà hàng hải này khác hẳn với các nhà quý tộc Ăng lê...chỉ được cái hưởng thụ rồi nằm phè ra hát lên những ca khúc toàn nói lên cái thân thế và sự nghiệp của mình.

Với những anh chàng hàng hải phương Bắc này vừa có lối hưởng thụ độc đáo với sơn hào hải vị, vừa đưa ra những màn ngoại giao có tính toán, làm sao cấy cho được những cây người của họ xuống các mảnh đất phì nhiêu mà họ đang trú ngụ. Họ không cần có những câu lạc bộ như Broodle, hay Brook hoặc White hay cở như câu lạc bộ cố cựu nhất ở Luân Đôn mang tên Blanco của Ý Đại Lợi...Nơi đây đã để xảy ra câu chuyện nhà thơ nổi tiếng Swin-Burne bị khai trừ ra hỏi câu lạc bộ này chỉ vì...tội đãng trí không tìm ra được cái mũ chụp phủ cả vành tai mình. Hoặc giả như ông nhà văn Evelyn Waugh, nóng nảy, cộc cằn đã bị mời ra khỏi khu câu lạc bộ ăn chơi nổi tiếng của những nhà danh gia vọng tộc.

Với những nhà hàng hải Trung Hoa lúc bấy giờ lúc nào cũng tỏ ra hài hòa, tốt bụng, sẵn sàng nhân nhượng, miễn làm sao họ trồng cho được “cây người” vào thửa ruộng phì nhiêu này một cách nhẹ nhàng như họ đang hứng mát giữa trùng dương mà trong đó có cả...phố nhỏ Thu Xà”

Anh nhắc lại thao thao bất tuyệt. Lúc bấy giờ trông tưởng chừng như anh vừa trong vũng rượu từ các câu lạc bộ của xứ sở mà hầu như suốt tháng đầy sương mù bao phủ bước ra. Anh nhắc đến mối tình đầu với cô hàng gạo ở tận bên kia xóm Vạn. Rồi anh ngâm tràn, giọng anh thống thiết như lòng anh, thơ anh thống thiết như mối tình đầu chưa kịp thố lộ thì đã phải ngậm ngùi nhìn cảnh người yêu ôm cầm sang thuyền khác, hình ảnh đó nói lên trong bài “Sang Ngang” của anh vào mùa Thu của 1938 (?):

Tai nghe tiếng nỗ pháo hồng
Tiễn cô thôn nữ sang sông lấy chồng.
Cô đi trong khói pháo nồng
Cô mang theo cả những giòng yêu đương.
Lần dầu cô bước lên đường
Là lần mang lại tình thương cùng người...


Rồi anh thổn thức trước hình ảnh, khi thuyền hoa cập bến nàng Xóm Vạn bước chân ra khỏi khoang thuyền để tiếp tục đến với người chồng mà cô chưa từng quen biết:

Nghiêng nghiêng chiếc nón ngậm ngùi
Gót chân gập ghễnh như chùi tiếc thương.
Hồn cô lẫn lộn mười phương
Lòng cô bối rối trăm đường biết sao!


Tuy anh chưa từng bao giờ được cận kề bên cô nàng hàng gạo và cũng chưa bao giờ nói đến tiếng yêu đương với người yêu trong mộng, song cứ mỗi vụ hè anh trở về quê, ngày lại ngày khi bóng chiều rũ xuống anh tựa cửa trông chờ, tuy không bảo nhau từ trước nhưng mỗi lần nàng ngang qua trước cửa – nơi anh luôn luôn đứng đợi sẵn, bốn mắt nhìn nhau... và tim anh bỗng dưng rộn rã. Hình ảnh đẹp đẽ ấy cứ kéo dài mãi cho đến nàng Sang Ngang, và anh coi đó là như là người yêu đã đành lòng phụ bạc:

Dù cho chuyện đến thế nào
Thì cô cũng đã phụ vào người xưa.


Nhưng tuy anh thầm trách như vậy, song vẫn cứ bênh người yêu đã bị ép uổng xe duyên với người chồng mà mình chưa bao giờ quen biết:

Riêng cô trong dạ xót xa
Gượng theo người ấy chẳng là người yêu.
Rồi đấy nắng sớm mưa chiều
Không người ấp ủ những điều nhớ nhung.
Rồi đây mưa gió bão bùng
Kề bên người lạ dệt chung mộng vàng.
Này đây là bước Sang Ngang
Để đem vùi dập đoạn dàng thơ ngây.
Nhìn cô khóe mắt lệ rây
Khóc người hay tiếc đứt giây tơ hồng?!


(SANG NGANG – MỘNG ĐÀI)

Cho mãi đến ngày anh sắp buông tay nhắm mắt vẫn chưa giải được giọt lệ của cô trong ngày cưới?!

Bây giờ thì tất cả anh đã chìm sâu trong thiên cổ. Chẳng biết Cô Hàng Gạo Xóm Vạn có còn không? Còn anh thì...nay đã ra người thiên cô đang ngao du nơi Non Bồng Nước Nhược.

THINH QUANG

 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh