Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NGUYỄN KHUYẾN VÀ THƠ VỀ QUẢNG NGÃI
TỬ KÊ LANG

NGUYỄN KHUYẾN VÀ MẤY BÀI THƠ VIẾT VỀ QUẢNG NGÃII

Năm Quý Dậu (1873) niên hiệu Tự Đức thứ 26, nguyên Bố Chánh Quảng Ngãi Nguyễn Thông - một nhà thơ nổi tiếng của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh - sau một thời gian lo hoàn tất các công trình thủy lợi do ông khởi xướng để gọi là “đoái công chuộc tội” với triều đình đã từ giã miến núi Ấn sông Trà để về Bình Thuận hưu dưỡng.

Bốn năm sau, năm Đinh Sửu (1877) niên hiệu Tự Đức thứ 30, Nguyễn Khuyến (1835-1909) - một nhà thơ nổi tiếng của đất Bắc Hà, được triều đình bổ dụng làm Bố Chánh Quảng Ngãi.

Vào thời gian này Quảng Ngãi luôn gặp đại hạn. Các công trình dẫn thủy nhập điền từ thời quan Bố Chánh Nguyễn Thông, một phần vì không được bảo trì đúng mức nên không còn sử dụng được nữa, một phần khác vì đại hạn nên không đủ nước cung cấp cho các cánh đồng, do đó mùa màng thất bát, nạn đói xảy ra khắp nơi. Nạn đói sinh ra nạn cướp hoành hành, dân thiểu số Hré ở miến tây nam Quảng Ngãi thừa cơ quấy nhiễu, dân tình vô cùng cơ cực.

Trước tình trạng bi đát đó, triều đình Tự Đức đổ riệt mọi tội lỗi lên đầu các quan đầu Tỉnh, cho rằng những người này không kịp thời làm lễ “đảo vũ” (cầu mưa). Vậy là ngay vào năm nhậm chức đầu tiên này, Nguyễn Khuyến đã cùng với các quan đầu Tỉnh bị triều đình xuống chiếu đàn hặc như Đại Nam Thực Lục, một bộ sử biên niên của Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã chép:

“Tỉnh Quảng Ngãi không mưa đã lâu, thế mà bọn quan Tỉnh là Tuần Vũ Trà Quý Bình và Bố Chánh Nguyễn Khuyến vẫn lặng yên, không chịu cầu đảo, cả bọn đều phải chịu phạt 9 tháng lương”. (Đại Nam Thực Lục chính biên, tập 34)

Làm Bố Chánh Quảng Ngãi không đầy hai năm (1877-1879) Nguyễn Khuyến bị giáng phạt, triệu hồi về kinh làm việc ở Quốc Sử Quán.

Trong thời gian ngót hai năm làm Bố Chánh Quảng Ngãi có lẽ tiên sinh đã làm nhiều thơ nói về Quảng Ngãi. Rất tiếc, ngày nay chúng ta chỉ tìm thấy được vài bài thơ chữ Hán được biết đích xác là viết về Quảng Ngãi và đã được tiên sinh sáng tác trong lúc đang tòng sự tại đây. Đó là các bài “Mông Sơn Tịch Trú” (Đêm đóng quân ở Mông Sơn) và bài “Sơn Cốc Tự” (Chùa Hang).

1. Mông Sơn Tịch Trú

Lâm thanh thủy bích quýnh trần ai
Tiễn cức phi mao lập tướng đài
Thủy phấn nguyệt luân viên hựu khuyết
Phong điên vân trận hợp hoàn khai
Sương xâm cổ dốc thu thanh túc
Thụ ủng tinh kỳ dạ sắc bài
Chướng vũ man yên hồn bất quản
Kỷ đa nhân trí khách bồi hồi.

Dịch nghĩa xuôi:

Đêm Đóng Quân Ở Mông Sơn

Nơi rừng xanh nước biếc xa hẳn chỗ bụi bặm
Chặt gai phát cỏ tranh để dựng tướng đài
Nước róc rách chảy khiến bóng trăng lúc tròn, lúc khuyết
Gió xô nghiêng ngửa hàng mây tựa thế trận khi dồn, khi tán
Sương ám vào tiếng trống, tiếng ốc hòa tiếng thu trang nghiêm
Cây ôm ấp lấy cờ xí trong bóng đêm lan tỏa
Đâu có quản gì mưa, khói nơi lam sơn chướng khí
Bao nhiêu bậc nhân trí phải tấc dạ bồi hồi.

Dịch thơ:

Suối biếc, rừng xanh cách bụi trần
Chặt gai, phát cỏ đóng đồn quân
Nước lay ánh nguyệt tròn rồi khuyết
Gió cuốn tầng mây tụ lại tan
Cây đỡ, cờ tung, đêm bóng tỏa
Sương pha, trống dục, tiếng thu lan
Mưa nguồn, khói núi, lòng đâu quản
Bao nả bồi hồi bậc trí nhân.
(Nguyễn Văn Huyền dịch)

Mông Sơn là tên một hòn núi ở phía tây nam huyện Chương Nghĩa thuộc vùng núi Thạch Bích (tức núi Đá Vách). Phía tây núi này, nhà Nguyễn cho lập đồn Tuy An làm tiền đồn để ngăn chận người thiểu số thuộc sắc tộc Hré (Trước kia thường gọi là Đá Vách) xua quân quấy nhiễu miền Trung châu.

Thực ra, người sắc tộc Hré sinh sống trên một địa bàn khá rộng từ quận Sơn Hà phía nam sông Trà Khúc đến phái bắc An Lão thuộc tỉnh Bình Định.

Qua bài thơ này, ta thấy quan Bố Chánh Nguyễn Khuyến đã hết lòng với công vụ. Ông đã đi đến miền biên viễn phía tây nam Quảng Ngãi này, lại ngủ đêm với binh lính ở đồn Tuy An để được “thực mục sở thị” đời sống cơ cực, hiểm nguy của đám binh lính đang ngày đêm trấn giữ miền biên ải, thường xuyên đối đầu với người thiểu số Đá Vách - một sắc dân thiểu số tuy không lớn hơn người Kinh nhưng mạnh mẽ, lanh lẹ và liều lĩnh hơn người Kinh nhiều.

Tiên sinh rất thông cảm với nỗi vất vả hiểm nguy của người lính đương thời phải trú quân nơi miền núi rừng hiểm trở, phải làm việc vất vả để dựng đồn phòng thủ:

Lâm thanh, thủy bích, quýnh trần ai
Tiễn cức, phi mao lập tướng đài.

Dù phải đóng quân nơi núi rừng hiểm trở nhưng tinh thần người lính lúc nào cũng một dạ sắc son:

“Chướng vũ, man yên, hồn bất quản”

Đó là tinh thần của người lính mà đó cũng là tinh thần của tiên sinh.

Và quả là một điều lý thú, dưới mắt nhìn của tiên sinh, đời sống ở miền rừng núi không phải là đời sống bình thường của một kẻ tầm thường mà là đời sống của bậc “trí giả, nhân giả”.

“Kỷ đa nhân trí khách bồi hồi”.

Nhân trí đây là lấy từ sách Luận Ngữ: “Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn” (bậc trí vui với nước, bậc nhân vui với núi).

2. Sơn Cốc Tự

Diễu nhiên nhất cốc bích sơn biên
Dĩ tự vi danh thế cộng truyền
Động lý vô tăng thùy thị chủ
Sơn trung hữu tự tức vi thiền
Nam lai thác lạc phong như kích
Bắc chú oanh vu thủy tự huyền
Quán mãng vọng trung nhân bất kiến
Địch lô thân xứ xuất ngư thuyền.

Dịch xuôi:

Chùa Hang

Một cái hang nho nhỏ bên sườn núi biếc
Vì ngôi chùa mang tên mà hang được lưu truyền đời đời
Trong động không sư thì ai làm chủ?
Núi mà có chùa tức là nơi cửa Thiền
Dãy núi từ phía nam ra, ngọn lởm chởm như giáo mác
Sông từ phía bắc chảy vào, vòng vèo như cây cung
Giữa những đám cây rậm rạp không thấy người nào cả
Bỗng từ đâu trong đám lau sậy bơi ra một chiếc thuyền câu.

Dịch thơ:

Hang thẳm nằm bên sườn núi xanh
Có chùa động nhỏ cũng lưu danh
Vắng sư trong cốc ai làm chủ?
Sơn tự còn thơm tiếng Phật lành
Lởm chởm phương nam núi tợ mác
Vòng vo hướng Bắc sông bơi quanh
Rừng cây rậm rạp người đâu thấy
Bỗng vượt ngàn lau thuyền lướt nhanh.
(C.B.N. dịch)

Tại Quảng Ngãi có ba ngôi chùa được mang cái tên nôm na theo đúng nguồn gốc kiến trúc của nó: Chùa Hang.
- Chùa Hang ở hải đảo Lý Sơn.
- Chùa Hang ở Phú Thọ miền Đông quận Tư Nghĩa.
- Chùa Hang ở Long Phụng miền Đông quận Mộ Đức.

Ở đây tác giả viết về Chùa Hang ở núi Long Phụng, thuộc xã Đức Phụng, quận Mộ Đức. Nguyên đây là một hang đá không rộng lắm, trước cửa hang có vách đáù ngăn, đứng ngoài nhìn vào có vẻ âm u thăm thẳm.

Tương truyền, xưa có một nhà sư từ phương xa tìm đến hang này, thiết bàn thờ Phật rồi ở luôn nơi đây để tu hành. Vì là một nhà sư có đạo hạnh cao nên được nhiều thiện nam tín nữ quy y và giúp sửa sang hang đá thành hình thức một ngôi chùa trang nghiêm. Nhà sư tự trồng lấy rau quả và chỉ ăn rau quả, đặc biệt hay dùng lá dâu để thay cơm - nhân đó dân chúng mới gọi nơi đây là Chùa Ông Rau và cái tên này lưu truyền mãi cho đến ngày nay:

Dĩ tự vi thanh thế cộng truyền
(Vì ngôi chùa mang tên mà hang được lưu truyền muôn đời).

TỬ KÊ LANG

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh