Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 09, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
SÔNG MÉKONG (Cửu Long) Bài 2
PHẠM PHAN LONG
Các bài liên quan:
    TRUNG CỘNG KHỦNG BỐ VIỆT NAM...
    KHI DÒNG MÉKONG BỊ ĐẬP CHẮN
    NGƯỢC DÒNG SÔNG MEKONG
    SÔNG MÉKONG (Cửu Long) Bài 3
    CỬU-LONG, GIÒNG SÔNG TRANH LUẬN

Để cung cấp thêm cho độc giả một số tài liệu về mối nguy hại khi Trung Cộng xây các đập nước trên lãnh thổ của họ, đã và sẽ phá vỡ hệ sinh thái và môi trường sống rộng lớn cho 5 quốc gia khác, mời quý vị theo dõi thêm bài viết thứ nhì dưới đây.

Ban Điều Hành
nuiansongtra.net
- - - - - - - - - - - -

TRUNG QUỐC TRÊN SỰ SỐNG CÒN CỦA VIỆT NAM,
Nhìn Từ Mũi Cà Mau Lên Ải Nam Quan

Bài viết của Phạm Phan Long, Thành viên Mékong Forum
(Trích Bách Hợp 7, Hội Chuyên Gia Việt Nam)
Thứ Ba 11 tháng năm 2004.


Việc Trung Quốc chiếm đoạt Ải Nam Quan là một biến cố lịch sử và một nỗi uất hận không bao giờ nguôi cho dân tộc. Nhưng đe dọa của Trung Quốc không chỉ ở chỗ lấn đất giành dân trên lãnh địa hay lãnh hải như thế mà hiểm họa của Trung Quốc đang đổ xuống từ ngàn dặm xa, có khả năng từ từ dìm Cà Mau và duyên hải Nam Việt xuống biển, ép nước mặn lấn dần vào cả châu thổ sông Cửu Long, và ngăn chặn tôm cá đi đi về về sinh sản tại hạ nguồn. Ô nhiễm từ kỹ nghệ quặng mỏ Vân Nam sẽ theo dòng nước đổ xuống. Và nhất là khi Trung Quốc không vui, những hồ chứa nước khổng lồ ở thượng nguồn sẽ là võ khí ghê gớm có khả năng gây sóng thần ồ ạt tràn ngập lưu vực và gây tê liệt vựa lúa Việt Nam.

Việc gia tăng sử dụng than đá và phát triển kỹ nghệ luyện kim trên Vân Nam sẽ tăng độ ô nhiễm không khí ; ô nhiễm này sẽ không ngừng lại tại Ải Nam Quan chờ xin chiếu khán mà sẽ tự nhiên lan xuống bầu không khí Bắc Việt không ngăn chặn nổi. Chưa kể đến hàng hóa lậu, ma túy và cả sự việc người bán người vẫn ngang nhiên chui quan biên giới hàng ngày. Do đó, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc không còn đơn giản quanh ranh giới địa lý, mà đây là cuộc tranh chấp toàn diện trong một vùng hệ sinh thái lẫn khu vực kinh tế, Trung Quốc đe dọa Việt Nam từ Bắc chí Nam.

Sông Mekong từ Tây Tạng chảy qua sáu nước, được xem là sông Danube của châu Á, do đó vừa là phương tiện giao thoa của nhiều nguồn văn hóa ngôn ngữ, có thể mang lại tình hữu nghị và cũng là mối tranh chấp quyền lợi gay go và lâu dài. Mekong là mạch máu chính và cũng là dòng sữa mẹ cưu mang hàng chục triệu ngư dân và nông dân, có các nền văn minh lâu đời đa dạng, nơi ẩn trú và sinh tồn của hàng chục ngàn giống loài, trăm ngàn thảo vật hiếm quý. Mekong vẫn còn là nơi tiếp tục cống hiến những phát hiện mới góp phần làm phong phú cho kho tàng sinh học của nhân loại [1].

Tương lai của lưu vực sông Mekong, và vì thế nhất là của Việt Nam tại cuối nguồn, sẽ lệ thuộc nặng nề vào chính sách phát triển của các nước thượng nguồn nhất là Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc với 1,3 tỉ dân số đang mắc vào nạn hạn hán và sa mạc hóa trầm trọng lan rộng trên lãnh địa của họ. Sông Songhua, hằng mang nước về cho dân cư Hoa Bắc nay đã khô cạn. Nửa tỉ người sống từ Mông Cổ đến Tân Giang (Xinjiang) đang mất dần nước dùng ; có đến 400 trong số 668 thành phố đang thiếu nước sinh hoạt. Chỉ cách Bắc Kinh 70 cây số, đã có những trận bão cuốn cát vàng (hoàng thổ) từ sa mạc Mông Cổ Gobi thổi về bao phủ cả thành phố và làng mạc ; có những đụn cát nổi lên cao đến 100 mét tiến về hướng kinh đô với vận tốc 5 mét mỗi năm. Tại Hà Bắc một đoạn của Vạn Lý Trường Thành bỗng nhiên ngoi lên từ đáy hồ cạn Phan Gia Khẩu (Pan Jiakou) [2].

World Bank dự đoán rằng hai phần ba sản xuất nông nghiệp của cả Trung Quốc là nằm ở Hoa Bắc lại là nơi không đủ nước dùng, đến năm 2050 thu hoạch ngũ cốc TQ sẽ giảm mất 7% [3]. Trung Quốc đã bơm nước từ Hoàng Hà lên cứu Hoa Bắc, hậu quả việc này là 226 ngày trong năm 1997 nước sông Hoàng Hà không còn chảy được tới biển. Trung Quốc đang lập kế hoạch chuyển 45-60 tỉ mét khối nuớc từ Dương Tử từ phía Nam lên lưu vực Hoàng Hà. Dự án vĩ đại này tốn khoảng US tỉ [4], hơn cả đập Tam Giáp ; mà Tam Giáp vốn là một công trình xây cất lớn bậc nhất của nhân loại. Trung Quốc đã để dân số tăng quá nhanh, chăn nuôi quá sức chịu đựng của đất đai, và khai thác rừng che phủ quá sức phục hồi của tạo hóa [5]. Sau 50 năm, Hoa Bắc đã rơi vào thảm trạng bi đát, sinh thái châu thổ Hoàng Hà -cái nôi của nền văn minh Trung Quốc- đã bị hy sinh.

Bây giờ, không thể nào tránh được nữa, Mekong với tiềm năng 71 triệu kW [6] tuy ở phương Nam nay đã thành mục tiêu khai thác chiến lược của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có quan tâm gì về hạ nguồn để tránh cho sông Mekong khỏi rơi vào cùng số phận với sông Hoàng Hà hay không ? Liệu biển hồ Tonle Sap, Đồng Tháp Mười và châu thổ sông Mekong có tránh khỏi phải đón nhận các chất thải kỹ nghệ độc hại như cyanide, arsenic, acid vốn có từ các quặng mỏ từ Vân Nam chảy về hủy hoại hệ sinh thái của họ hay không ? Phù sa có còn đủ để bồi đắp cho duyên hải Cà Mâu và đem dinh dưỡng giữ cho thủy hệ biển Đông được tồn tại hay không ?

Hiện nay việc khai thác tiềm năng thủy điện và chứa giữ nước từ Lạn Thương Giang (Lancang thượng nguồn Mekong) tại Vân Nam đã được tiến hành đại quy mô và với tầm vóc kỷ lục thế giới. Họ đã thực hiện xong các đập thủy điện lớn ngang dòng chính như Mãn Loan (Manwan) 1500 MW, Cảnh Hồng (Jinghong) 1500 MW, và Đại Chiếu Sơn (Dashaohan) 1350 MW [7]. Bốn nước Trung Quốc, Thái, Miến Điện, Lào đã thỏa thuận sẽ phá các cù lao đảo, vét lòng sông và mở rộng ghềnh thác cho tàu bè trọng tải 500 tấn có thể đi từ hải cảng Simao xuống tận Chiang Khong/Chang Sean, Thái Lan [8] [9]. Trung Quốc sắp khai dựng thêm đập Hiếu Loan (Xiaowan) 4200 MW, cao gần 300 m, bằng các toà nhà chọc trời 100 tầng [10]. Họ còn các dự án lớn khác nữa như Nuozhadu (5500MW), Mengsong và Gongguoqiao. Như thế họ sẽ tận dụng hết các tiềm năng Lạn Thương Giang trên Vân Nam để phục vụ việc khai thác quặng mỏ nói trên. Người bình thường không thể nào hiểu nổi tham vọng của những lãnh chúa tại những quốc gia thiếu dân chủ. Họ say mê men quyền lực thực hiện cho bằng được những dấu ấn để lại thế gian này. Họ phải có các công trình đội đá vá trời như các con đập lớn sừng sững giữa trời trải suốt dòng sông lớn như Dương Tử hay Mekong mới thực thỏa chí bình sinh. Tiếng nói người dân và cả khoa học hoàn toàn bị đè ép trước những thi đua tham vọng ấy.

Lào cũng không kém nỗ lực khai thác, họ đã chận ngang hầu hết những sông nhánh của Mekong như Nam Ngum, Nam Thuen, Nam Leuk, Houay Ho trên lành thổ họ. Họ vừa phá rừng lấy gỗ, làm hồ giữ nước, làm điện bán cho kỹ nghệ Thái [11] . Lào lại đang dự định cho công ty Oxiana của Úc vào khai mỏ vàng và đồng tại Sepon ; và đã cấp 40 giấy phép khai mỏ khác đang chờ vốn đầu tư vào khai thác [12] [13]. Thái Lan cũng đã thực hiện xong đập Pak Mun, và có tham vọng hàng năm sẽ chuyển 8 tỉ mét khối nước sông Mekong khỏi dòng chính để biến sa mạc Đông Bắc Thái thành vùng canh tác mới [14]. Còn Việt Nam cũng đã nhanh chóng xây đập Yali xong và đang khởi động xây thêm hai đập Se San trong sự ái ngại dè dặt của WB, ADB và trên sự lo lắng của dân Cam Bốt bên kia biên giới ở cuối nguồn. Cam Bốt cho rằng lũ lụt bất bình thường gần đây đã từ Yali đổ thác xuống. Hành động khai thác có tính đơn phương này của Việt Nam sẽ đặt VN vào thế kẹt khi chính VN phản đối Trung Quốc làm các đập dĩ nhiên lớn hơn nhiều trên thượng nguồn. VN có thể đã mất Cam Bốt là một đồng minh chiến lược quan trọng nhất trong lưu vực mà lý ra VN phải bồi dựng thêm lòng tin cậy thay vì gây mối nghi ngờ. Đồng minh không phải chỉ dựa vào ảnh hưởng của Hà Nội trên chính quyền Nam Vang, mà cần phải dựa vào lòng dân Cam Bốt mới có giá trị bền vững thực sự. Bài học này chẳng khác bài học Nam Quan với Trung Quốc còn nguyên đó ?

Từ kinh nghiệm 50 năm qua của nhân loại về thủy điện trên các dòng sông quốc tế như Danube, Colorado, Columbia, Nile, Missisippi, Hoàng Hà, Dương Tử thì những công trình thủy điện tuy đã giúp phát triển tiện nghi, đem lại ánh sáng, dẫn thủy nhập điền, và nâng cao đời sống hàng trăm triệu người nhưng cũng có khả năng tác hại nặng nề trên nguồn thực phẩm và kế sinh nhai của hàng chục triệu người khác. Chúng thay đổi hoàn toàn chế độ thủy vận trên toàn lưu vực, và gây nguy hiểm ghê gớm cho hệ sinh thái hạ nguồn [15].

Còn kinh nghiệm Trung Quốc thật là đáng sợ : Các hồ chứa sẽ là mối đe dọa tai nạn lũ lụt xuống hạ nguồn vì trong quá khứ Trung Quốc đã gây ra những thảm trạng "nhân tai" lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Trung Quốc đã xây 80.000 đập thủy điện và hồ chứa trong 40 năm qua. Trung bình có 110 đập vỡ mỗi năm, riêng năm 1973 có 554 vụ. Vụ Bandai và Shimantan đã gây thiệt mạng khoảng 230.000 người. Nếu đập Mekong vỡ ra tại Vân Nam thì đại họa sẽ đổ xuống cho dân Lào, Thái, Cam Bốt và Việt Nam.

Các hồ nước lớn nay chặn hết khả năng chuyển tải phù sa, ngăn trở cá không lội ngược về nguồn sinh sản dần dần đi đến tuyệt chủng, phá mất đi diện tích lớn rừng già, nơi trú ngụ của hoang thú. Việc điều hòa lưu lượng sông làm giảm ngay diện tích vùng lụt nước theo mùa (seasonally flooded area), vốn nhờ vào đó mà hàng năm tôm cá sinh sản và dân cư tìm được thực phẩm. Đồng bằng hạ nguồn sẽ thiếu hụt phù sa để bón ruộng, thiếu dinh dưỡng nuôi phiêu sinh vật và thu hoạch hải sản sẽ sa sút. Duyên hải thiếu đất bồi và sóng biển sẽ ăn vào thềm lục địa. Nước mặn sẽ lấn sâu hơn vào đất liền và việc canh tác trên châu thổ sẽ không còn thực hiện tốt lành được. Những nghiên cứu khoa học về các hậu quả kinh nghiệm này ngày càng hiện rõ và phổ quát khiến Ngân Hàng Thế Giới (WB) lẫn Ngân Hàng Á Châu (ADB) đã chùn hẳn bước vì e ngại trước những dự án có nguy hại cao và biện pháp bảo toàn khó thực hiện.

Hạ lưu Mekong, trên 10 triệu dân nghèo hai nước Cam Bốt và Việt Nam vẫn phải sống nhờ vào phù sa và thủy sản của dòng sông này, chúng ta cần phải tự hỏi mình rằng : Sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng gì trước những biến đổi to lớn đang dồn dập trên thượng nguồn như thế ? Giới trí thức và các viện nghiên cứu quốc gia đã có nghiên cứu thăm dò gì về các tác động của chúng đang có trên hệ sinh thái hay chưa ? VN có dự phóng gì đối phó bảo vệ nền kinh tế nông ngư nghiệp quốc gia vốn dựa vào cơ chế thủy vận thiên nhiên của dòng sông chưa ? Chính phủ hai nước có biện pháp gì đối phó và bảo vệ bát cơm nồi cá và vựa thóc của dân hai nước hay không ? Đó là chưa nói đến tính cách đe dọa an ninh quốc gia, một hình thái chiến tranh môi sinh và chiến tranh kinh tế tiềm ẩn trong những dự án ấy, mà áp lực cạnh tranh kinh tế toàn cầu và tranh chấp địa lý chính trị sẽ phải là vấn đề gay go cho nhiều thế hệ sau và đã nổ ra trong thế hệ này. Lịch sử cho thấy mối căng thẳng giữa các quốc gia nằm chung lưu vực những dòng sông lớn thường bùng nổ thành các cuộc chiến tranh lớn trên thế giới : Giữa Ai Cập và Sudan-Ethiopia trên sông Nile ; Israel và Jordan trên sông Jordan vùng Địa Trung Hải ; giữa Turkey và Syria-Irak trên sông Euphrates vùng vịnh Persian, giữa India và Bangladesh trên sông Ganges, giữa Parkistan và India trên sông Indus. Đó là những vùng "nóng" có tầm quan trọng chiến lược trên bình diện quốc tế.

Vấn đề khai thác các dòng sông lớn là vấn đề còn nan giải giữa nhiều dân tộc, Mekong và nhân loại không thể ngừng lại trước trở ngại này và để lịch sử tai hại tái diễn mà phải tìm phương cách giữ hòa bình, giảm thiểu tai hại và chia sẻ phúc lợi công bình trong toàn lưu vực. Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (UN) đã bỏ ra 20 năm để soạn thảo bộ một luật : "United Nations Law of the Nongaginational Uses of International Watercourses" thông qua vào tháng 5 năm 1997 cho cả thế giới sử dụng, trong đó có ba nước bỏ phiếu chống là Burundi, Turkey và Trung Quốc [4]. Gần hơn nữa, World Bank và International Union Conservation Network (IUCN) đã thành lập và tài trợ cho World Commission on Dams (WCD) thực hiện một công trình nghiên cứu để tìm giải pháp chung. Sau bốn năm, những chuyên gia khoa học kỹ thuật và chính khách nổi danh trên khắp thế giới do WCD quy tụ đã hoàn thành bản tường trình và đưa ra những khuyến cáo 1999 được UNEP, ADB và nhiều nước đón nhận như kim chỉ nam cho tương lai khai thác thủy điện. Trung Quốc và Ấn Độ lại không tán đồng, trong khi đó những nhóm gay gắt nhất như International Commission on Large Dams (ICOLD) cũng phải nhìn nhận các điều căn bản mà WCD đã nêu ra mà họ không thể phản bác [14]. Các nước Mekong có thể nghiên cứu và sử dụng các nguyên tắc phát triển thủy điện của UN 1997 và WCD 1999 đã thâm cứu và đề xướng ra trong vòng khả thi của khu vực và ngay cả trên chính quốc gia mình.

Việt Nam cũng như tất cả các nước Mekong đều trong nằm tình trạng thiếu thốn năng lượng gay go không khác Trung Quốc hay Thái Lan ; nên việc phát triển tiềm năng thủy và điện Mekong vì nhu cầu phúc lợi của mình là việc khó tránh né. Phải có nghiên cứu kỹ càng và thực hiện mọi biện pháp ngăn ngừa cẩn thận thì việc phải buộc lòng hy sinh một phần tài nguyên môi sinh quý giá ấy dân chúng cũng buộc lòng cắn răng bằng lòng thực hiện. Việt Nam và Cam Bốt là các nước cuối nguồn, sẽ phải gánh chịu hầu hết mọi thiệt thòi do khai thác thượng nguồn gây ra, nếu các nước thượng nguồn không nghiên cứu tác động cho toàn lưu vực, không thực nhiện những biện pháp an toàn cho hạ nguồn thì nỗi bất công ấy sẽ là nguyên nhân của bất ổn toàn vùng lâu dài mãi về sau.

Điều bất ổn này không có lợi gì cho các nước nhỏ hạ nguồn đã đành, xét ra cũng không phải là điều tốt riêng cho Trung Quốc được. Nếu họ xem mình là một siêu cường thượng nguồn nằm trong khu vực thịnh vượng tốt đẹp của toàn châu Á, Trung Quốc có nhiều quyền lẫn lợi để chia sẻ với các dân tộc hạ nguồn, không phải bằng tranh chấp áp lực mà bằng hợp tác và chia sẻ quyền lợi chung. Chính tinh thần hỗ tương ấy mới là keo sơn gắn bó và làm giảm khả năng khuynh đảo của nhừng siêu cường khác khỏi xen vào nội tình châu Á. Đây là hướng đi hòa bình lâu dài và phúc lợi cho toàn lưu vực.

Muốn thế, Tây Tạng và cả sáu chính phủ Mekong từ đầu nguồn đến cuối nguồn phải ngồi chung lại trên một bàn họp nhìn nhận nhau là những thành viên cốt yếu cùng chung sống trong một lưu vực lớn, sẽ cùng nhau phát triển tài nguyên dòng sông này trên căn bản bền vững và công bằng cho toàn lưu vực. Sự hy sinh của các thành viên sẽ không thể tránh khỏi, nhưng nhờ thông tin và cơ hội trao đổi, các mâu thuẫn nghi ngờ chắc chắn sẽ giảm bớt và có được như thế, một hiệp uớc giá trị và ý nghĩa cho toàn lưu vực mới có cơ đạt được.

Trên tiến trình toàn cầu hóa thương mại, những nước Âu Mỹ đã hủy hoại tài nguyên thiên nhiên của họ quá nhiều rồi và dân chúng không còn chấp nhận để phát triển gây hủy hoại nữa. Tuy cùng ngồi xuống tìm cách gìn giữ hành tinh này bền vững và trong lành cho nhân loại, họ có ưu thế kinh tế, khoa học và mậu dịch để thúc đẩy nhưng nước đang mở mang cần mậu dịch với họ, khai thác tài nguyên nhân lực ở các nước ấy phục vụ cho họ. Tranh chấp giữa những nước Mekong trong bối cảnh ấy sẽ làm cho kinh tế lưu vực lãnh chịu thiệt thòi trước nền kinh tế toàn cầu. Hợp tác cả sáu nước lại sẽ tạo nền hòa bình thịnh vượng trong vùng và gìn giữ kho tàng thiên nhiên lâu bền cho đời sau. Đã đến lúc dòng nước Mekong không mang đe dọa và hiểm họa mà phải là dòng sữa mật ngọt ngào cho cả 100 triệu dân cư trong lưu vực.

Từ trong nước nhìn xa ra ngoài, cho đến nay Trung Quốc chưa hề bày tỏ thiện chí hợp tác toàn lưu vực mà chỉ ký thỏa hiệp song phương hay cục bộ với từng thành viên có quyền lợi mà thôi ; chẳng hạn như Thỏa Hiệp Thủy Vận Trên Sông Lancang-Mekong với Miến, Thái và Lào [16]. Cam Bốt và Việt Nam hai nước hạ nguồn sẽ hứng chịu thiệt thòi đã bị bỏ quên rõ ràng đã bị gạt ra. Do đó Việt Nam sẽ phải vận động ráo riết bằng mọi cách và từ nhiều hướng để thúc đẩy việc thương lượng thành lập một tổ chức quản trị phát triển cho toàn lưu vực. Thế giới bên ngoài đã nhận thức giá trị lưu vực Mekong và đã bày tỏ quan ngại cho Việt Nam bằng những khảo luận dày công phu và công khai trên các báo chí quốc tế như Wall Street Journal, Newsweek (3/16/2001), và các tạp chí chuyên môn của các viện nghiên cứu khắp thế giới như National Science Foundation của USA [17] hay Australian National University [18].

Nhìn xa rồi lại nhìn gần, chúng ta đã có ý thức gì về những hậu quả từ thượng nguồn sắp đổ xuống ? Chúng ta hiện biết được gì về những tác động đang ngấm ngầm hủy hoại đất nước mình ? Chúng ta có thể làm gì để đối phó với vấn đề sống còn này cho ĐBSCL mà ta coi là một vựa lúa của cả nước ? Khoảng 3100 năm trước công nguyên, sông Euphrates đã có hiệp ước giữa hai nước Lagas và Uma. Năm 1919 sông Danube đã có thỏa ước quốc tế Versaille ; năm 1985 họ có Tuyên Ngôn Bucharest ; rồi năm 1991 họ lại mở rộng cho G-24 nước lưu vực và các nhóm NGO trong vùng cùng ký vào Công Ước Bảo Vệ Sông Danube, và quan trọng nhất là thành lập thêm Mạng Lưới Thăm Dò Liên Quốc Lưu Vực Sông Danube. Thế bao giờ đến lượt Mekong ?

Ngày nay, xung khắc giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ không thể tìm cách giải quyết bằng những cuộc chiến đổ máu như xưa ; sự vẹn toàn an ninh lãnh thổ sẽ không thể chỉ dựa vào những thành lũy kiên cố, những chiến sĩ can trường tinh nhuệ, tìm một nỏ thần màu nhiệm hay chờ Phù Đổng trở về. Trên đường dài, ViệtNam ngàynaycần xây dựng một thế liên kết hỗ tương toànvùng thay vì đối địch riêng với Trung Quốc để chung sống lâu dài cho cả mọi phía. Việt Nam cần phải tìm hiểu những vấn đề nội tình của Trung Quốc, từ kinh tế, chính trị lẫn an ninh và cảnh giác nhận thức rằng : Ngày nào Trung Quốc còn chìm đắm trong khó khăn thì ngày ấy Việt Nam vẫn chưa thoát được âu lo và phải cần thận trọng dưới bóng mây mờ phương Bắc.

Phạm Phan Long

Thành viên Mekong Forum (Trích Bách Hợp 7, Hội Chuyên Gia Việt Nam)

Tài Liệu Tham Khảo

[1] Asian Development Bank, Environment in Transition, Cambodia, Lao, Thailand and Vietnam, April 2000.

[2] Micro Cernetig, Sand of Time Creep Up on China Water, Globe and Mail, Toronto,31 July, 2000.

[3] Dow Jones Newswire, World Bank : China Water Shortgae Threatens Catastrophe, 09-05-01.

[4] Sandra Postel, Pillar of Sand, World Watch Institute, 1999.

[5] Micro Cernetig, Sand of Time Creep Up on China Water, Globe and Mail, Toronto,31 July, 2000.

[6] Lucy Yang, Natural Resources, Unversity of Cincinnati, http://blues.fd1.uc.edu/www/international/china/yunnan/natrural.htmlx

[7] The 1999 Mekong Papers, MekongForum, 1999.

[8] Chapman, Hydropower, Environmental Protection and Industrial Pollution, IMRN Item 9/2001.

[9] Saridet Marukatat, Bangkok Post, Concern over plan to widen channel - Clearing islets could affect neighbours, 20 April, 2001.

[10] Asia Pulse Pte. Ltd., China prepares for major new power station, Kunming, April 12, 2001

[11] Avia Imhof, Power Struggle, IRN Working Paper, Feb 1999.

[12] Amy Kazmin, Tapping Laos' Mineral Resources, May 2, 2001

[13] Oxiana, http://www.minesite.com/archives/news_archive/Jan-2001/oxiana-22.htm

[14] Micro Cernetig, Sand of Time Creep Up on China Water, Globe and Mail, Toronto,31 July, 2000.

[15] WCD Thematic Review, http://www.dams.org/thematic/

[16] Saridet Marukatat, Bangkok Post, Concern over plan to widen channel - Clearing islets could affect neighbours, 20 April, 2001.

[17] National Science Foundation, Chinese Transboundary Water Issue, April, 2001, vnforum 4/1/7/2001.

[18] Chapman E.C., He Daming, Downstream Implications of China Dams on the Lancang Jiang, http://asia.anu.edu.au/mekong/dams.html

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh