Thành phố Quảng Ngãi ngày nay
(Ảnh từ trên cao chụp xuống)
QUẢNG NGÃI, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Minh Triết Trần Thiện Đạt
Viết về Quê hương như viết cho Mẹ. Tôi đinh ninh như thế nên mọi hư cấu, tưởng tượng hoặc văn chương bóng bẩy không cần thiết. Nhất là những người con bỏ quê, bỏ Mẹ đi đã lâu, khi trở về, tóc mình đã bạc trắng, mà Mẹ thì không còn, quê thì nhiều thay đổi. Tôi nhớ đến cái ông Hạ Tri Chương bên Tàu, trong một bài thơ, đại khái ổng cũng viết như thế. Ông nhà thơ ấy bỏ quê đi lâu lắm, dễ có đến gần 50 năm như tôi. Khi ông trở về làng cũ, mấy đứa trẻ không biết ông là ai, từ đâu mà đến. Tôi bây giờ cũng vậy. Cũng hệt như ông Từ Thức xưa kia bỏ Thiên Thai về trần. Quê hương của ông họ Từ nầy cũng thay đổi khác hoắc. Và tôi bây giờ cũng chẳng khác ông là mấy! Buồn lắm! Nhớ lắm! Người ta nói đời người ngắn ngủi, có là bao! Ừ, ngoảnh đi ngoảnh lại mà 50 năm như một cái vèo! Thi sĩ Tản Đà cũng nói: "Vèo trông lá rụng đầy sân"... Chiếc lá từ ngọn rơi xuống gốc thì "vèo" là có lý, còn mình, gần 50 năm lắm chuyện ta bà thế sự mà cũng gọi là "vèo" sao!!! Chắc bạn không tin đâu, hãy sống với cái tâm trạng của tôi bây giờ, trong buổi sáng hôm nay, ngồi cạnh bụi tre già, trong khu vườn của quán cà phê Tuế Mai Viên (Tp Quảng Ngãi) thì rõ.
Cạnh cái bàn nhỏ, trên chiếc ghế phô-tơi, gió buổi sáng mùa hè thổi nhẹ, tôi một mình xoay xoay ly cà phê trên cái dĩa nhỏ, lòng miên man nhớ nghĩ về một thời thơ ấu đã qua trên mảnh đất thân yêu nầy. Hơi bàng hoàng một chút, cứ nghĩ là một giấc mơ bởi cách nơi nầy không xa - Bến Tam Thương, cạnh dòng Trà Khúc, mẹ đã chôn cái nhau của mình ở đó mà cho đến bây giờ, hơn nửa đời người lưu lạc, có được phút ngồi đây rất đổi ấm êm, tràn đầy hạnh phúc. Như người con trở về nhà sau một chuyến đi xa, ngả vào lòng mẹ, nủng nịu, vòi vĩnh; tôi bây giờ cũng vậy! Từ nơi gốc tre già nầy, tôi thật sự trở về làng Hải Châu (Nghĩa Hiệp,Tư Nghĩa), về với thời thơ ấu để muốn nói rất nhiều với quê xưa làng cũ.
Mười lăm năm! cô Kiều của cụ Nguyễn Du cũng có chừng ấy năm êm đềm trong khu vườn Thúy để chiều chiều thẩn thơ dạo chơi hái hoa bắt bướm. Tôi cũng vậy thôi mà! Tuổi thơ ai mà không thế! Có điều tôi hơi khác Kiều nhi cái khoảng thời gian lưu lạc đến gấp mấy lần! Có đứa con nào bỏ Mẹ, bỏ quê đi xa mà khi trở về không dậy lòng lưu luyến! Hồi đó, phải rồi từ nơi cái bến Tam Thương, nghe Cha tôi nói lại, đêm tôi mở mắt chào đời, máy bay Pháp còn bay lượn bắn phá trên quê hương 4 tỉnh Nam - Ngãi - Bình - Phú. Hai năm sau gia đình tôi phải dọn về Hải Châu và tôi lớn lên suốt thời thơ ấu ở đó. Sáu tuổi, lần đầu thấy được ngôi trường Đồng Viên, mà chị Hai tôi học ở đó với thầy giáo Tài. Cũng lần đầu, tôi được chị Hai tôi mua cho 2 viên kẹo bột nơi quán bà Tựu trước cổng trường. Qua năm sau được cha tôi dắt ra trường Câu Lạc Bộ để học lớp Một với thầy Phước. Học được đâu chừng một tháng, thầy Phước thấy tôi đọc trên bảng làu làu, đề nghị với cha tôi lên lớp Hai và học với thầy Lê Tá ở Thế Khương. Trường ở xa nhà, đi bộ mỏi chân mà vui. Hai chị em tôi có nhiều bữa mang tơi đội nón đến trường, gió thổi lạnh lắm, áo ấm không đủ phải co ro mà đi. Năm đó vẫn còn là vùng kháng chiến do Việt Minh kiểm soát. Để tránh máy bay Pháp oanh tạc, tụi học trò chúng tôi phải đến trường lúc 5 giờ sáng. Xung quanh trường, dưới các bụi tre, đều có hầm trú ẩn để tránh máy bay thả bom. Học trò mỗi đứa phải mang đến trường một gàu tro bếp để góp vào đổ chung trong hầm tiểu. Học trò trai hay gái bắt buộc phải tiểu vào đó, để mấy tháng sau trường lấy phân tro bán cho dân. lấy tiền mua phấn viết bảng. Viên phấn hình vuông, đựng trong cái giỏ tre, giấy thì làm bắng chuối nên có màu nâu, không phải trắng như sau nầy. Mực thì có hai màu là xanh và tím, ngòi viết cũng có hai loại là viết lá tre nhỏ vá viết bầu to hơn. Tôi may mắn là được cha tôi dạy thêm ở nhà bằng mấy quyển sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư có hình và có chữ nên vừa đọc vừa xem hình cũng vui. Sau khi trận Điện Biên Phủ kết thúc, Pháp thua thì niên học lớp Hai của tôi cũng vừa chấm dứt. Trước khi nghỉ hè, thầy Tá bắt học trò chép bài "Ta đi tới" của Tố Hữu đem về nhà học thuộc lòng. Hồi đó, tôi thấy ai cũng xôn xao, người thì sắp đi tập kết ra Bắc, tiền Tín phiếu có in hình Hồ Chí Minh sắp đổi ra tiền có in hình người gánh dưa của Pháp, lính Quốc gia sắp tiếp thu Quảng Ngãi. Cha Mẹ tôi thì lo sắp đặt lại việc làm ăn sau 9 năm bị đình trệ vì kháng chiến. Tháng 9 năm 1954, hai chị em tôi được cha tôi dẫn ra trường Câu Lạc Bộ để theo học lớp ba. Tôi còn nhớ như in, chiều hôm đó, tụi tôi ngồi ngóng đợi thầy giáo tới mà lòng đứa nào cũng lo sợ và hồi hộp. Không biết thầy giáo có dữ không, có đánh học trò không, chương trình học có khó không??? Rồi cuối cùng ông thầy của chúng tôi cũng vào lớp. Đó là thầy Lương Bá Bả (hiện nay ở thị trấn Sông Vệ), thầy trẻ, trông hiền, nhất là nụ cười của Thầy rất có cảm tình. Năm sau, vì thiếu trường ốc, chúng tôi chuyển đến học ở thôn Đồng Viên. Mái tranh vách đất, nép dưới hàng tre, trường chúng tôi thường gọi là trường bà Chín Nghinh, vì bà có cái quán bán kẹo đầu ngỏ. Thầy Bả dạy chúng tôi suốt hai năm lớp Ba và lớp Nhì, đứa nào cũng khoái. Thầy dạy hay và vui, thương học trò và nhất là hay kể chuyện sử rất hấp dẫn. Vì Thầy đọc sách truyện Tàu nhiều và có khiếu kể chuyện. Hồi đó là chế độ Quốc gia, hết Việt Minh, chúng tôi sáng nào vào lớp cũng đứng nghiêm chào cờ hát Quốc ca và bài "suy tôn Ngô Tổng thống". Tuổi trẻ đầy non nớt và vụng dại. Chế độ Quốc gia cũng còn mới mẻ, đối với bọn trẻ chúng tôi cái gì cũng mới cũng lạ. Như lần đầu tiên thấy cái bót đánh răng, kem đánh răng như cục xà bông có mùi thơm dễ chịu thì lấy làm lạ lắm. Nhìn đâu cũng thấy tân kỳ và văn minh. Tập vở có in hình ông đạp xích lô, có hai loại, loại 100 trang với loại 50 trang đều có kẻ hàng và chừa cái lề màu đỏ. Sách giáo khoa càng ngày càng nhiều hơn, cuộc sống nhiều thay đổi, ai cũng khá giả hơn trước. Bắt đầu thấy giây thun xuất hiện, người ta xâu các dây thun lại với nhau thành một dây dài 100 sợi, làm đồ chơi bán cho tụi nhỏ chúng tôi. Rồi những sách thơ mỏng dính như Thạch Sanh - Lý Thông, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa thấy bày bán ở chợ chiều. Tôi coi hết và hình như những chuyện thơ nôm khuyết danh đó đã là những nguồn cảm hứng cho tôi làm thơ sau nầy trước khi tôi biết đến truyện Kiều của cụ Nguyễn Du.
Những năm tháng mài đủng quần nơi ghế nhà trường bậc tiểu học đối với tôi là thời kỳ êm đềm hạnh phúc nhất. Vì là nhỏ nhất lớp so với các bạn nên các anh chị "bạn" ấy coi như em út, ai cũng cưng, có viên kẹo hay miếng dừa cũng chia cho. Tôi nhớ đến anh Dương trưởng lớp, chị Nghĩa, chị Nhung... hơn tôi cả hàng chục tuổi. Lên lớp nhất, học với Thầy Nguyễn Phương Trình, tôi vẫn còn là đứa bé con loắt choắt, chân tay khẳng khiu mà các anh chị ấy thì đã trưởng thành... Nghe đâu, hết năm học với thầy Trình, các anh chị ấy ở nhà lấy chồng lấy vợ, sinh con đẻ cái... và bây giờ, nếu gặp lại, chắc các anh chị ấy ai cũng có cháu nội, cháu ngoại hết rồi... Và biết đâu, trong cuộc chiến dai dẵng mấy chục năm dài, chưa chắc họ còn được nguyên vẹn với súng đạn vô tình... Như chị Tiên con thầy giáo Lợi bị lạc đạn, anh Luận đi nhảy núi bị lính Quốc gia bắn chết, anh Hối anh Hận anh Dư chết vì ung thư... Còn nhiều nhiều bè bạn cũ hồi ấy giờ không còn bao nhiêu. Cái thằng bé con loắt choắt năm xưa giờ còn sót lại, buổi sáng hôm nay, ngồi nhìn từng gốc tre làn ngà nhớ quay nhớ quắt về một thời đã khuất. Bạn bè, thầy giáo, bà con xóm làng ai còn ai mất sau một cuộc bể dâu!
Vườn xưa giờ đã đổi chủ! Trước nhà đã hình thành thêm một xóm nữa toàn người xa lạ nghe nói họ gốc từ Nghệ An, Hà Tỉnh. Cây dương cao vút vườn nhà ông Trọng mà hồi trước những con quạ đen hay lót tổ đã không còn, cây quít núi nhà bên mà hồi nhỏ chị em tôi hay lén cha sang hái trộm cũng không thấy nữa. Chỉ còn một gốc khế trong vườn mà chị em tôi hay leo trèo hái trái giờ đã cỗi nhưng tôi vẫn nhận ra nó như nhận ra người bạn cố tri.
Hôm trở lại vườn xưa, nhớ đến cái giếng trước nhà. Những đêm trăng sáng, tôi hay ra ngồi chơi nơi đó đếm những vì sao lấp lánh. Và những cánh vạc thường bay về núi thành từng đàn vào những buổi chiều, thỉnh thoảng buông một vài tiếng rời rạc của con đầu đàn nghe sao buồn da diết. Ở quê là vậy đó. Tuổi thơ cũng là như thế. Vừa buồn vừa vui. Sống ở đó mà ít biết tận hưởng, không biết nó đẹp và đáng yêu biết chừng nào. Rồi khi bỏ nó đi xa mình mới thấy tiếc, thấy nhớ, thấy thương.
Hết năm lớp nhất, nắm được bằng tiểu học trong tay mừng lắm. Lần đầu tiên trong đời, mình có bằng cấp. Không biết dùng để làm gì nhưng cũng được Cha lồng vào khung treo trên vách, chắc là để khoe với xóm giềng có thằng con nên danh nên phận chăng! Hy vọng là thi đậu Đệ thất để được học trường Trần Quốc Tuấn nhưng mộng lớn tan tành. Học trò thi cả mấy ngàn đứa mà chỉ lấy mấy trăm. Tuy thi rớt, mà cha mẹ tôi lại vui vì khỏi phải cho con đi học xa. Từ Hải Châu ra thị xã chỉ có 10 cây số, bây giờ tính ra ở đây chì có hơn 6 miles mà cho là xa xôi, cha mẹ cứ lo cho con mình ra học ở đó gặp nhiều rủi ro hơn là may mắn, cho nên đành phải ở nhà chịu dốt. Thời kỳ nầy, may mắn là trong làng, có anh ba Liêm con bác Giáo Thưởng ở xóm giữa có nhiều sách tiểu thuyết và báo chí cho tôi mược đọc. Lúc ấy anh Ba đã là thầy giáo dạy học bên Long Phụng (Đức Thắng, Mộ Đức). Tôi thèm cái tủ sách của anh lắm, muốn đọc sách Tự Lực Văn Đoàn hay các báo Sài Gòn Mới, Sài Gòn Mai, Phụ Nữ Diễn Đàn ... nên phải đến nhà anh hoài. Nhè lúc thấy anh vui với chị Cấn là mình lân la tới mượn hết quyển nầy tới quyển khác. Đọc đã đời! Cũng nhờ tôi là bạn học với chị Tuyết em gái anh Ba nên anh dễ dãi chứ người khác chưa chắc đã được anh cho mượn... Hồi ấy người ta hay nói: "Có tiền mua sách để mà coi, Mất công cho mượn mất công đòi" cho nên mượn sách không phải là dễ! Lại thêm chú Phan Ấm làm Thông tin quận, chú Triễn chủ tịch xã... ai cũng cho tôi mượn báo đem về đọc. Hồi đó, tuy mình ở chỗ thiệt là quê mùa mà đọc được hết báo chí Sài Gòn là cũng nhờ các vị ấy. Phải nói là cái nền móng học thuật hay văn học gì gì đó của tôi được bắt nguồn từ các ân nhân ấy. Nhân đây tôi cũng xin được tri ân thầy giáo Liêm, ông Chủ tịch xã Triễn, chú Thông tin quận Phan Ấm... đã giúp phương tiện khai sáng trí tuệ cho đứa bé nhà quê nầy vậy! Còn nữa, trong làng còn có anh Tống Thế, làm nghề thợ dệt, đi quân dịch 2 năm trở về, thường hay chơi với tôi tuy anh lớn hơn tôi đâu chừng mươi tuổi. Anh Thế thích thơ, đàn mandolin giỏi, hát hay... thường dạy tôi hát những bài như Những đồi hoa sim, Tàu đêm năm cũ... rồi còn dẫn tôi ra tỉnh, đãi tôi món đu đủ chín ăn chung với đá bào. Trời ơi, cái thằng bé nhà quê làm sao! Đu đủ chín trong vườn nhiều quá ăn không hết, vậy mà ra tỉnh ăn nó với đá bào thấy vừa ngọt lịm, vừa mát rượi đã quá chừng. Lại còn được nghe nhạc phát ra từ cái loa thật bự. Lần đầu tiên, cũng lần đầu tiên nghe cái bài "Nỗi buồn gác trọ" sao thấy hay và buồn thấm thía. Đứa bé nhà quê như tôi đã bắt đầu thấy hơi lớn lớn, hơi trưởng thành một chút ... Và cũng vì những cái món ăn tinh thần đầy chất lãng mạn do các "ân nhân" đó ban cho mà tôi đã sớm biết yêu, biết rung động... biết hẹn hò, biết rủ nhau đi chơi chùa Hang Phú Thọ, viếng chùa Thiên Ấn... để rồi chỉ biết ấp úng như Hàn Mặc Tử đã viết "ấp úng không ra được nửa lời" nên cuối cùng không đi đến đâu hết... Mấy cuộc hẹn hò chỉ làm hao tốn vài ba trái dừa xiêm hoặc vài ba chai nước cam rồi chấm hết. Bây giờ, sau gần 50 năm trở lại cố hương, mấy người ngày xưa đã già móm xọm, có người đã khuất núi từ lâu... nhưng nghĩ lại vẫn còn thấy đẹp. Mình thấy thương cái thời tuổi nhỏ, thương cái xóm thôn nghèo, thương những con người chất phát thật thà... ấy cho nên dù đi đến những đâu đâu, đã xa vời vợi mà mãi mãi chẳng hề nguôi quên.
Ly cà phê ở Tuế Mai Viên đã nguội từ lâu, tôi ngồi bên gốc tre già cũng đã hơn 2 tiếng đồng hồ. Những tiếng chim hót trong vườn đã bắt đầu nhịp nhàng lên tiếng như xôn xao chào đón tôi trở về, về lại chốn quê xưa cảnh cũ đầy ắp yêu thương. Nghĩ cho cùng, sao không nghĩ cho cùng những ngày thơ ấu ấy, từ nơi cái làng quê nghèo đã cho mình những chất liệu sống đầy thơ mộng. "Những người muôn năm cũ... Hồn ở đâu bây giờ" xin hãy nán lại, dù một thoáng, mời ghé vào khu vườn tưởng nhớ của tôi để làm nên những chất liệu sống ấy cho "Quảng Ngãi, Một thời để nhớ" thể theo lời khuyến khích đầy thúc giục của ông anh Đào Đức Nhuận, Trưởng ban Báo chí của Hội Ái Hữu Quảng Ngãi Nam Cali, phụ trách Đặc san Xuân năm nay. Giữ tròn lời giao ước với Đào tiên sinh là bài viết dưới hình thức như nói chuyện. Nói chuyện với kẻ còn người khuất, với xóm với làng, với ruộng vườn, đường thôn, sông nước. Tôi cũng biết viết kiểu ấy tất nhiên sẽ dở, sẽ không hấp dẫn nhiều nhưng mà những cái dở ấy, cái thô kệch ấy lại là những cái rất thật, rất đơn sơ như lời đứa con thưa gửi với mẹ. Với quê hương Núi Ấn - Sông Trà, con cũng xin được cúi đầu thưa gửi chân thành rằng tuy phận con nay dù "bèo trôi sóng vỗ" nhưng mãi vẫn không thôi ray rức nhớ thương về cái xứ "nắng bụi mưa bùn" nghèo khổ ấy!!!
Lời cuối cùng xin thốt lên nơi đây là: "Cố hương ơi! hãy cho con nói một lời cảm tạ với Quảng Ngãi, nơi đã che chở, nuôi dưỡng, đùm bọc con suốt một thời thơ ấu".
Minh Triết Trần Thiện Đạt