Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Cổ văn)
ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA (Phần 1)
Webmaster

 

ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA
Hoàng Xuân Hãn

Lời nói đầu: 

 Đây là ấn bản "Đại-Nam Quốc-sử diễn ca" của nhà sách Xuân Thu (PO box 720065 Houston, TX 77272). Vì là bản chụp lại nên có vài chỗ không được rõ. Ngoài ra hai tác giả Lê-Ngô-Cát, Phạm-đình Toái là những bậc túc nho nên sách có nhiều điển cố. 

PHẦN 1.

Mục lục Sơ lược:

I/. Thời-kỳ mở nước (Thế-kỷ 29 - thế-kỷ 2 trước TL)

1/ Nhà Hồng Bàng (2879-256 trước TL)
2/ Nhà Thục (258_207 trước TL)
3/ Nhà Triệu (207-111 trước TL)

II/. Thời-kỳ chống Bắc thuộc (Thế-kỷ 2 trước TL - thế-kỷ 10 sau TL)

4/ Nhà Hán và Hai bà Trưng (111 trước TL - 43 sau TL)
5/ Giao Châu trong thời Bắc thuộc (43 - 544)
6/ Nhà Tiền Lý (544 - 603)
7/ Nền đô-hộ của nhà Đương (603 - 905)

III/. Thời-kỳ xây-dựng Độc-lập và thống-nhất (Thế-kỷ thứ 10)

8/ Nhà Ngô (906 - 967)
9/ Nhà Đinh và nhà Tiền Lê (967 - 1009)

IV/. Thời-kỳ phát-triển (Thế-kỷ 11 - đầu thế-kỷ 19)

10/ Nhà Lý (1010 - 1225)
11/ Nhà Trần (Thời kỳ thịnh: 1226 - 1340)
12/ Nhà Trần (Thời kỳ suy: 1341 - 1400)
13/ Nhà Hồ và giặc Minh (1400 - 1418)
14/ Nhà Hậu Lê (1418 - 1526)
15/ Nhà Mạc (1527 - 1592)
16/ Nhà Lê Trung hưng (1593 - 1729)
17/ Nhà Lê suy (1729 - 1782)
18/ Cuối đời nhà Lê (1783 - 1786)
19/ Nhà Nguyễn Tây-Sơn (1787 - 1802).

* * *

1. Nhà Hồng-Bàng (2879-258 trước Giê-su)

1. Mở Đầu

Nghìn thu gặp hội thăng-bình,
Sao Khuê sáng vẻ văn minh giữa trời.
Lan-đài dừng bút thảnh thơi,
Vâng đem quốc-ngữ diễn lời sử xanh.
Nam-giao là cõi ly-minh,
Thiên-thư định phận rành rành từ xưa.
Phế-hưng đổi mấy cuộc cờ,
Thị-phi chép để đến giờ làm gương.

2. Kinh Dương-vương

Kể từ trời mở viêm-bang,
Sơ đầu có họ Hồng-bàng mới ra.
Cháu đời Viêm-đế thứ ba,
Nối dòng Hỏa-đức gọi là Đế-minh.
Quan-phong khi giá Nam-hành,
Hay đâu Mai-lĩnh duyên sinh Lam-kiều,
Vụ-tiên vừa thuở đào yêu,
Xe loan nối gót, tơ điều kết duyên.
Dòng thần sánh vời người tiên,
Tinh-anh nhóm lại, thánh hiền nối ra,
Phong làm quân-trưởng nước ta,
Tên là Lộc-tục, hiệu là Kinh-dương.
Hóa-cơ dựng mối luân-thường.
Động-đình sớm kết với nàng Thần-long.
Bến hoa ứng vẻ lưu-hồng
Sinh con là hiệu Lạc-long trị-vì.

3. Lạc-long-quân và Âu-Cơ

Lạc-long lại sánh Âu-ky.
Trăm trai điềm ứng hùng bi lạ dường.
Noãn-bào dù chuyện hoang-đường,
Ví-xem huyền-điểu sinh Thương khác gì?
Đến điều tan-hợp cũng kỳ,
Há vì thủy hỏa sinh-ly như lời,
Chia con sự cũng lạ đời,
Qui sơn, qui hải khác người biệt-ly.
Lạc-long về chốn Nam-thùy,
Âu-cơ sang nẻo Ba-vì Tản-viên.
Chủ-trương chọn một con hiền,
Sửa-sang việc nước nối lên ngôi rồng.

4. Hùng-vương và nước Văn-lang

Hùng-vương đô ở châu Phong,
Ấy nơi Bạch-hạc hợp dòng Thao-giang.
Đặt tên là nước Văn-lang,
Chia mười lăm bộ, bản-chương cũng liền.
Phong-châu, Phúc-lộc, Chu-diên,
Nhận trong địa-chí về miền Sơn-tây;
Định-yên, Hà-nội đổi thay,
Ấy châu Giao-chỉ xưa nay còn truyền.
Tân-hưng là cõi Hưng, Tuyên,
Vũ-ninh tỉnh Bắc, Dương-tuyền tỉnh Đông;
Thái, Cao hai tỉnh hỗn-đồng,
Ấy là Vũ-định tiếp cùng biên-manh;
Hoài-hoan: Nghệ; Cửu-chân: Thanh;
Việt-thường là cõi Trị, Bình trung-châu.
Lạng là Lục-hải thượng-du
Xa khơi Ninh-hải thuộc vào Quảng-yên.
Bình-văn, Cửu-đức còn tên,
Mà trong cương-giới sơn xuyên chưa tường.
Trước sau đều gọi Hùng-vương,
Vua thường nối hiệu, quan thường nối tên.
Lạc-hầu là tướng điều-nguyên,
Vũ là Lạc-tướng giữ quyền quân-cơ;
Đặt quan Bồ-chinh hữu-tư
Chức-danh một bực, đẳng-uy một loài.

5. Giao-thiệp với Trung-Hoa

Vừa khi phong-khí sơ-khai,
Trinh-nguyên xẩy đã gặp đời Đế-Nghiêu.
Bình-dương nhật nguyệt rạng kiêu,
Tấm lòng quì, hoắc cũng đều hướng-dương.
Thần-quy đem tiến Đào-đường,
Bắc Nam từ ấy giao-bang là đầu.
Man-dân ở chốn thượng-lưu,
Lấy nghề chài lưới làm điều trị-sinh.
Thánh-nhân soi xét vật-tình,
Đem loài thủy-quái vẽ mình thổ-nhân.
Từ sau tục mới văn-thân,
Lợi dân đã dấy, hại dân cũng trừ.
Dõi truyền một mối xa-thư,
Nước non đầm-ấm, mây mưa thái-binh.
Vừa đời ngang với Chu Thành,
Bốn phương biển lặng, trời thanh một mầu.
Thử thăm Trung-quớc thể nào,
Lại đem bạch-trĩ dâng vào Chu-vương.
Ba trùng dịch-lộ chưa tường,
Ban xe tí-ngọ chỉ đường Nam-quy.

6. Chuyện Phù-Đổng Thiên-vương

Sáu đời Hùng vận vừa suy,
Vũ-ninh có giặc mới đi cầu tài,
Làng Phù-đổng có một người,
Sinh ra chẳng nói,chẳng cười trơ-trơ.
Những ngờ oan trái bao giờ.
Nào hay thần-tướng đợi chờ phong-vân.
Nghe vua cầu tướng ra quân,
Thoắt ngồi, thoắt nói muôn phần khích-ngang.
Lời thưa mẹ, dạ cần vương.
Lấy trung làm hiếu một đường phân-minh.
Sứ về tâu trước thiên-đình,
Gươm vàng, ngựa sắt đề binh tiến vào.
Trận mây theo ngọn cờ đào,
Ra uy sấm sét, nửa chiều giặc tan.
Áo nhung cởi lại Linh-san,
Thoắt đà thoát nợ trần-hoàn lên tiên.
Miếu-đình còn dầu cố-viên,
Chẳng hay chuyện cũ lưu-truyền có không?

7. Chuyện Sơn-tinh và Thủy-tinh

Lại nghe trong thủa Lạc-Hùng
Mị-châu có ả tư-phong khác thường,
Gần xa nức tiếng cung-trang.
Thừa-long ai kẻ đông-sàng sánh vai?
Bỗng đàu vừa thấy hai người,
Một Sơn-tinh với một loài Thủy-tinh,
Cầu hôn đều gửi tấc thành,
Hùng-vương mới phán sự tình một hai.
Sính nghi ước kịp ngày mai,
Ai mau chân trước, định lời hứa-anh.
Trống lầu vừa mới tan canh,
Kiệu-hoa đã thấy Sơn-tinh chực ngoài.
Ước sao lại cứ như lời,
Xe loan trăm cỗ đưa người nghi-gia.
Cung đàn tiếng địch xa-xa,
Vui về non Tản, oán ra bể Tần.
Thủy-tinh lỡ bưởc chậm chân,
Đùng-đùng nổi giận, đem ân làm thù.
Mưa tuôn gió thổi mịt-mù,
Ào-ào rừng nọ, ù-ù núi kia,
Sơn thần hỏa phép cũng ghê,
Lưới giăng dòng Nhị, phen che ngàn Đoài.
Núi cao sông cũng còn dài,
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen.

8. Chuyện Chử-Đồng-tử và Tiên-dung

Bổ-di còn chuyện trích-tiên,
Có người họ Chử ở miền Khoái-châu.
Ra vào nương-náu hà-châu.
Phong-trần đã trải mấy thâu cùng người.
Tiên-dung gặp buổi đi chơi,
Giỏ đưa Đằng-các, buồm xuôi Nhị-hà,
Chử-đồng ẩn chốn bình-sa
Biết đâu gặp-gỡ lại là túc-duyên.
Thừa-lương nàng mới dừng thuyền,
Vây màn tắm mát kề liền bên sông.
Người thục-nữ, kẻ tiên đồng,
Tình cờ ai biết vợ chồng duyên ưa.
Giận con ra thói mây mưa,
Hùng-vương truyền lịnh thuyền đưa bắt về.
Non sông đã trót lời thề,
Hai người một phút hóa về Bồng-châu,
Đông-an, Dạ-trạch đâu đâu,
Khói hương nghi-ngút truyền sau muôn đời.

9. Hết đời Hồng-Bàng

Bể dâu biến đổi cơ trời,
Mà so Hồng-Lạc lâu dài ai hơn?
Kể vua mười tám đời truyền,
Hai ngàn năm lẻ vững bền khôn lay.
Một dòng phụ-đạo xưa nay,
Trước ngang Đường-đế sau tầy Noãn-vương.


Chú thích:

thăng-bình: thái bình
Sao Khuê: ngôi sao chủ về sự hưng thịnh của văn-học
Lan-đài: nơi chép sử ngày xưa
Nam-giao: cõi Nam
ly-minh: ánh sáng của quẻ Ly (chỉ phương Nam = nước ta)
Thiên-thư định phận: đã định rõ trong sách trời
Phế-hưng: đời nọ mất, đời kia lên
Thị-phi: điều phải, điều trái
viêm-bang: nước ở xứ nóng (phương Nam thuộc hỏa = nước ta)

Hỏa-đức: dòng dõi vua Thần-nông, hay Viêm-đế
Quan-phong: đi quan sát xem xét phong tục của dân
Mai-lĩnh: núi ở phương nam nước Tầu, giữa Giang-tây và Quảng-đông
Lam-kiều: Bùi-Hằng gặp tiên là Vân-Anh ở Lam kiều, chỉ duyên tốt chồng vợ
đào yêu: quả đào sắp chín, chỉ con gái đến tuổi lấy chồng
quân-trưởng: vua
Hóa-cơ: nền móng cho phong hóa
hùng bi: các giống gấu. Nằm mộng thấy gấu là điềm đẻ con trai
Noãn-bào: bọc trứng. Tục truyền bà Âu cơ đẻ ra 100 trứng sau nở thành 100 con trai
huyền-điểu: chim lông đen = chim yến. Bà tổ nhà Thương bên Tầu nàm mơ nuốt trứng huyền điểu, sau con cháu làm vua
Nam-thùy: biên giới phía Nam = miền biển
Âu-cơ: cơ còn đọc là ky, tiếng lịch sự để chỉ đàn bà
châu Phong: gồm một phần tỉnh Sơn-Tây, Vĩnh-Yên và Phù-Thọ bây giờ
Bạch-hạc: tên một làng trên bờ sông Hồng, mé Việt-Trì
Thao-giang: quãng sông Hồng chạy qua Việt-Trì
bản-chương: bản đồ
biên-manh: dân rợ ở ráp biên thùy
Cửu-đức: nay la Hà-Tĩnh
điều-nguyên: coi việc cai-trị
đẳng-uy: thứ bậc và quyền hành
Trinh-nguyên: ý nói đời thái-bình
Đế-Nghiêu: vua nước Tầu về đời thượng cổ đóng đô ở Bình-Dương
nhật nguyệt rạng kiêu: uy tín của vua Nghiêu sáng như mặt trăng, mặt trời
hướng-dương: quay về mặt trời như cây quì, cây hoắc
Thần-quy: thứ rùa quí, xưa cho là thiêng
Đào-đường: họ vua Nghiêu
Man-dân: dân chưa được văn-minh. Xưa Tầu dùng để chỉ các dân ở phía nam
văn-thân: vẽ mình
xa-thư: xe và sách
Chu Thành: vua Thành vương nhà Chu (TK 11 trưóc TL)
Ba trùng dịch-lộ: đường đi hiểm trở
xe tí-ngọ: Tí = bắc, Ngọ=nam; xe có kim chí nam
Nam-quy: đi về phương Nam
phong-vân: gió mây; dịp tốt để thi thố tài đức
khích-ngang: khảng khái
cần vương: đánh giặc giúp vua
Linh-san: núi Sóc sơn, hay là Vệ linh sơn, nay thuộ tỉnh Phúc-Yên
cố-viên: vườn cũ, tức là làng Phù-Đổng, tỉnh Bắc-Ninh. Nay còn đền thờ gọi đền Dóng
Lạc-Hùng: Vua Hùng vương dòng Lạc
tư-phong: sắc đẹp
cung-trang: vẻ đẹp của đàn bà ở trong cung
Thừa-long: cưỡi rồng, như câu "đẹp duyên cỡi rồng" nghĩa là lấy chồng
đông-sàng: giường kê về phía đông, chỉ người rể
tấc thành: tấm lòng thành
Sính nghi: đồ lễ cưới
hứa-anh: nhận gả con gái cho
nghi-gia: đưa con gài về nhà chồng
ngàn Đoài: dòng Nhị là sông Nhị-hà hay sông hồng-hà, ngàn Đoài là núi thuộc tỉnh Đoài, tức là núi Tản-viên ở tỉnh Sơn-tây
Bổ-di: thêm vào chỗ thiếu
trích-tiên: người tiên ở trên trời có lỗi phải xuống trần
mấy thâu: mấy thu, tức là mấy năm: ý nói Chử-đồng-tử vốn vẫn nghèo-khỏ vất-vả
Đằng-các: gác vua Đằng, chỉ sự may mắn thành vợ chồng. Tích nầy dùng đây rất nợp, nhất là vi Khoài-châu xưa cũng là Đằng-châu
bình-sa: bãi cát
túc-duyên: duyên từ kiếp trước
Thừa-lương: hóng mát
phụ-đạo: cha truyền con nối
Đường-đế: vua Nghiêu họ Đào-đường bên Tầu
Noãn-vương: vua Noãn-vương nhà Chu bên Tầu(thế-kỷ thú 4 và3 trước Giê-su).


2. Nhà Thục (258-207 trước Giê-su)

1. Thần Kim quy giúp vua Thục

Thục từ dứt nước Văn-lang
Đổi tên Âu-lạc, mới sang Loa-thành.
Phong-khê là đất Vũ-ninh,
Xây thôi lại lở, công-trình biết bao
Thục-vương thành-ý khẩn cầu,
Bỗng đâu giang-sứ hiện vào kim-qui.
Hóa ra thưa nói cũng kỳ,
Lại tường cơn-cớ bởi vì yêu tinh.
Lại hay phù phép cũng linh,
Vào rừng sát quỉ, đào thành trừ hung.
Thành xây nửa tháng mà xong.
Thục-vương cảm tạ tấm lòng hiệu-linh.
Lại bàn đến sự chiến-tranh,
Vuốt thiêng để lại tạ-tình quân-vương.
Dặn sau làm máy Linh-quang,
Chế ra thần-nỏ, dự phòng việc quân.
2. Trung quốc đánh Âu-Lạc

Bấy giờ gặp hội cường-Tần,
Tằm ăn lá Bắc, toan lần cành Nam.
Châu-cơ muốn nặng túi tham,
Đồ-Thư, Sử-Lộc sai làm hai chi.
Lĩnh-nam mấy chốn bièn-thùy,
Quế-lâm, Tượng-quận thu về bản-chương.
Đặt ra úy, lịnh rõ-ràng,
Họ Nhâm, họ Triệu sai sang giữ-gìn.
Hai người thống-thuộc đã quen,
Long-xuyên, Nam-hải đôi bên lấn dần.
Chia nhau thủy bộ hai quân,
Tiên-du ruổi ngựa, Đông-tân đỗ thuyền.
Thục-vương có nỏ thần truyền,
Muôn quân buông một lượt tên còn gì?
Nhâm Hiêu mắc bệnh trở về,
Triệu Đà lại khiến sứ đi xin hòa.
Bình giang rạch nửa sơn-hà
Bắc là Triệu-úy. Nam là Thục-vương.

3. Trọng Thủy và Mị-Châu

Mặt ngoài hai nước phân cương,
Mà trong Triệu là mượn đường thông-gia,
Nghĩ rẳng: Nam Bắc một nhà;
Nào hay hôn cấu lại ra khấu thù.
Thục cơ tên gọi Mị-Châu
Gả cho Trọng-Thủy, con đầu Triệu-vương.
Trăm năm đã tạc đá vàng,
Ai ngờ thế-tử ra đàng phụ ân.
Tóc tơ tỏ hết xa gần.
Thừa cơ đem máy nỏ thần đổi đi,
Tỉnh-thân giả tiếng Bắc-qui.
Đinh-ninh dặn hết mọi bề thủy-chung
Rằng: "Khi đôi nước tranh-hùng,"
"Kẻ Tần người Việt tương phùng đâu đây?"
"Trùng-lai dù họa có ngày,"
"Nga-mao xin nhận dấu này thấy nhau"
Cạn lời, thẳng ruổi vó câu,
Quản bao liễu oán, hoa sầu nẻo xa.

4. Triệu-Đà diệt Thục

Giáp binh sắp sẵn từ nhà,
Về cùng Triệu úy, kéo ra ải Tần,
An dương cậy có nỏ thần.
Vi-kỳ còn hãy ham phần vui chơi,
Triệu quân ruổi đến tận nơi.
Máy thiêng đã mất, thế người cũng suy.
Vội vàng đến lúc lưu-li,
Còn đem ái-nữ đề-huề sau yên
Nga mao vẫn cứ lời nguyền,
Để cho quân Triệu theo liền bông tinh.
Kim-qui đâu lại hiện linh;
Mới hay giặc ở bên mình không xa,
Bây giờ Thục-chúa tỉnh ra,
Dứt tình, phó lưỡi Thái-a cho nàng,
Bể Nam đến bước cùng đường,
Văn-tê theo ngọn suối vàng cho xuôi.
Tính ra nước Thục một đời,
Ở ngôi vừa được năm mươi năm trỏn.

Nghe thần rồi lại tin con;
Cơ-mưu chẳng nhiệm, thôi còn trách ai?


Chú thích:

Vũ-ninh: nay còn vết tích Loa thành ở làng Cổ-Loa, huyện Đông anh, tỉnh Phúc-Yên.
giang-sứ: Thần sông
kim-qui: Rùa vàng
hiệu-linh: một cách mầu nhiệm
Châu-cơ: Hai thứ ngọc. Tầu cho là Âu-Lạc có nhiều thứ ngọc đó, nên tìm cách sát nhập vào nước Tầu.
úy, lịnh: Úy là chức quan võ; Lịnh là chức quan văn
Long-xuyên, Nam-hải: tên đất thuộc tỉnh Quảng-Đông nước Tầu
Tiên-du,Đông-tân: Tiên-du thộc Bắc-Ninh, Đông-tân trên Nhị hà (sông Hồng), Hà-Nội
Bình giang: nay là sông Thương thuộc tỉnh Bắc-giang
hôn cấu: kết làm vợ chồng

khấu thù: giặc
Thục cơ: con gái vua Thục
thế-tử: con để nối rõi. Nguyên là Thục vương không con trai nên lập Trọng-Thủy làm thế-tử
Tỉnh-thân: về thăm cha mẹ
Nga-mao: lông con ngỗng
vó câu: chân ngựa, chỉ sự đi xa
Vi-kỳ: cờ vây
bông tinh: cờ vua
Thái-a: thứ gươm quí
Văn-tê: sừng tê giác có vân. Tục truyền thứ sừng ấy có thể rẽ được nước
nhiệm: thấu hiểu.


3. Nhà Triệu (207-111 trước Giê-su)

1. Triệu Vũ vương thần phục nhà Hán

Triệu Vương thay nối ngôi trời,
Định đô cứ-hiểm đóng ngoài Phiên-ngu .
Loạn Tần gặp lúc Ngư-Hồ ,
Trời nam riêng mở dư-đồ một phương.
Rồng Lưu bay cõi Phiếm-dương ,
Mới sai Lục-Giả đem sang ấn phù .
Cõi nam lại cứ phong cho,
Biên thùy gìn giữ cơ đồ vững an.
Gặp khi gà Lữ gáy càn ,
Chia đôi Hán, Việt lại toan sinh lòng.
Vì ai cấm chợ ngăn sông,
Để cho dứt nẻo quan thông đôi nhà.
Thân chinh hỏi tội Tràng-sa
Mân, Âu muôn dặm mở ra một lần.
Hán Văn lấy đức mục lân,
Sắc sai Lục-giả cựu thần lại sang.
Tỉ thư một bức chiếu vàng,
Ngỏ điều ân ý, kể đường thủy chung.
Triệu vương nghe cũng bằng lòng,
Mới dâng tạ biểu một phong vào chầu.
Ngoài tuy giữ lễ chư-hầu,
Trong theo hiệu đế làm đầu nước ta.
Trăm hai mươi tuổi mới già,
Tính năm ngự vị kể già bảy mươi.

2. Triệu-Văn-vương và Triệu-Minh-vương

Văn-vương vừa nối nghiệp đời,
Lửa binh đâu lại động ngoài biên-cương.
Phong thư tâu với Hán-hoàng,
Nghĩa-thanh sớm đã giục đường cất quân.
Vương-Khôi vâng lịnh tướng-thần,
Ải-lang quét sạch bui trần một phương.
Hán-đình có chiếu ban sang,
Sai con Triệu lại theo đường cống-nghi.
Xe rổng phút bỗng mây che,
Minh-vương ở Hán lại về nối ngôi.
Bợm già bỗng rấm họa-thai,
Vợ là Cù-thị vốn người Hàm-đan
Khuynh-thành quen thói hồng-nhan,
Đã chuyên sủng-ái lại toan tranh-hành.
Dâng thư xin với Hán-đình,
Lập con thế-tử, phong mình cung-phi.

3. Cù-thị xin nhập Hán

Ai-vương thơ-ấu nối vì,
Mẹ là cù-hậu, nhiều bề riêng tây.
Cầu phong đã rắp những ngày,
Ngoài thông Bắc-sứ trong gầy lệ-giai.
Khéo đâu dắc-díu lạ đời,
Sứ là Thiếu-Quý vẫn người tình-nhân.
Hoa tàn lại bén hơi xuân,
Giao-hoan đôi mặt, hòa-thân một lòng.
Nghĩ rằng: về Hán là xong,
Tình riêng phải mượn phép công mới già.
Làm thư gửi sứ đưa qua;
Mẹ con đã sắm sửa ra sang chầu.

4. Lữ-Gia phá mưu Cù-Thị

Lữ-Gia là tướng ở đầu.
Đem lời can gián bây mưu xa gần.
Một hai ngăn đón hành-trần:
"Để cho Triệu-bích về Tần sao nên."
Nàng Cù đã quyết một bên.
Lại toan mượn lấy sứ-quyền ra tay.
Tiệc vui chén cúc giở say,
Mắt đưa cao thấp, giáo lay dùng-dằng.
Đang khi hoan-yến nửa chừng,
Lữ-Gia biết ý ngập-ngừng bước ra.
Chia quân cấm-lữ về nhà,
Tiềm-mưu mới họp năm ba đại-thần.
Đôi bên hiềm-khích thêm phần
Mụ Cù yếu sức, sứ-thần non gan.

5. Hán đánh Nam-Việt

Vũ-thư đạt đến Nam-quan,
Hán sai binh-mã hai ngàn kéo sang
Lữ-Gia truyền hịch bốn phương:
Nỗi Hưng thơ dại, nỗi nàng dâm-ô;
Tình riêng chim Việt ngựa Hồ,
Chuyên vần báu ngọc các đồ sạch không.
Rắp toan bán nước làm công.
Quên ơn thủa trước, không lòng mai sau.
Cũng tuồng Lữ-Trĩ khác đâu,
Chồi non chẳng bẻ, rễ sâu khó đào.
Quan-binh một trận đổ vào,
Lửa nào tiếc ngọc, nắng nào tiếc hoa.

6. Nhà Triệu mất

Vệ-Dương lên nối nghiệp nhà,
Trong là quốc nạn, ngoài là địch-nhân.
Hai nghìn giết sạch Hán-quân,
Đem cờ sứ-tiết để gần ải-quan.
Tạ-từ giả tiếng nói van,
Mấy nơi yếu-hại sai quan đề-phòng,
Bỗng đâu Hán lại tiếp sang,
Một kỳ tịnh-tiến, năm đường giáp-công.
Trong thành một ngọn lửa thông,
Chiêu-hàng ngoài mạc, hội-đồng các dinh.
Chạy ra lại gặp truy binh,
Vệ-vương, Lữ-tướng buộc mình cửa hiên.
Kể từ Triệu-lịch kỷ-niên,
Năm ngoài chín chục, ngôi truyền năm vua.
Trách ai gây việc tranh đua,
Vắn đài vận nước, được thua cơ trời.

Chú thích:

cứ-hiểm: giữ chỗ hiểm yếu
Phiên-ngu: nay là Quảng Châu nưóc Tầu. Nước ta bấy giờ gồm cả lưỡng Quảng (Quảng-Dông, Quảng-Tây) và đóng đô ở Phiên-Ngu
Ngư-Hồ: tên bọn giặc nổi lên đánh nhà Tần hồi ấy
Phiếm-dương: Hán Cao-tổ, họ Lưu, lêm ngôi làm vua nước Tầu ở Phiếm-dương
ấn phù: bằng và dấu ân để phong chức
gà Lữ gáy càn: Lữ-hậu cướp quyền sau khi Hán Cao-tổ chết. Đời xưa coi việc đàn bà nắm chính quyền cũng như gà mái gáy, là một việc không hay
quan thông: giao thiệp buôn bán ở biên thùy hai nước
Thân chinh: chính vua đem quân đi đánh giặc
Tràng-sa: một quận của nước Tầu, ở tỉnh Hồ-nam. Hồi xưa là một nước chư hầu của nhà Hán
Mân, Âu: tỉnh Phúc-Kiến và tỉnh Chiết-Giang bên Tầu

Hán Văn: Văn-vương nhà Hán, nối ngôi Lữ-hậu
mục lân: hòa với các nước láng giềng
Tỉ thư: thư có dấu nhà vua
tạ biểu: tờ xin lỗi
hiệu đế: xưng là hoàng đế
ngự vị: làm vua
Nghĩa-thanh: lấy tiếng vì việc nghĩa
cống-nghi: đem lễ đi con
họa-thai: cái mầm sinh ra họa
Khuynh-thành: đổ thành; ý nói người con gái đẹp làm cho người ta mê đến nỗi mất thành mất nước

sủng-ái: yêu chuộng
tranh-hành: tranh quyền
thế-tử: con vua chọn dể nối ngôi
Cầu phong: xin vua Hán phong cho Ai-vương lên nối ngôi
Bắc-sứ: sử giả của Tầu
lệ-giai: gây ra bước đưa đến cái họa
hành-trần: đi ra vào nơi cát bụi, tiếng trỏ vua bỏ cung-điện mà đi
hoan-yến: tiệc vui
cấm-lữ: đội quân canh nơi cung-điện vua ở
Tiềm-mưu: mưu ngầm

Vũ-thư: thư vội, Đời xưa cắm lông vào tờ hịch để các nơi biết hiệu mà đưa cho nhanh
Vũ-thư:
nỗi Hưng, nỗi nàng: Hưng là tên Triệu Ai-Vương; nàng là Cù-thị
chim Việt ngựa Hồ: người ta nhớ quê cũ, cũng như chim nước Việt thì làm tổ ở cành phương Nam, ngựa nước Hồ thấy gió Bắc thì kêu; Cù-thị là người Hán nên muốn quay về Hán. Để ý đến sự dụng-công dùng các điển có chữ Triệu (Triệu-bich) chữ Việt
ơn thủa trước, lòng mai sau: không nhớ đến tổ tiên nhà Triệu mà cũng không để ý đến cơ nghiệp nhà Triệu về sau
Lữ-Trĩ: tên riêng Lữ-hậu cướp ngôi nhà Hán (bên Tầu)
sứ-tiết: cờ tiết của sứ nhà Hán, Lữ-gia đem giả lại nhà Hán
yếu-hại: nơi hiểm yếu
ngoài mạc: ngoài trướng tức là nơi tướng sĩ đông
truy binh: quân đuổi theo
buộc mình cửa hiên: bị bắt giải về doanh tướng Hán đóng
Triệu-lịch kỷ-niên: đòi nhà Triệu lên làm vua


4. Nhà Hán và hai bà Trưng (111 - 43 trước Giê-su)

1. Chính sách nhà Tây Hán

Giao-Châu mới thuộc nước người,
Ấy về Tây-Hán là đời Nguyên-phong .
Bản-đồ vào sách hỗn-đồng,
Đất chia chín quận , quan phong thú thần .
Đầu sai Thạch-Đái trị dân,
Cầm quyền tiết-việt giữ phần phong cương.
Tuần-tuyên mới có Tích Quang,
Dạy dân lễ-nghiã theo đường hoa phong .
Nhâm-Diên khuyên việc canh nông,
Đổi nghề ngư-liệp về trong khuê-điền .
Sính nghi lại giúp bổng tiền,
Khiến người bần-khổ thỏa nguyền thất-gia.
Văn-phong nhức dấy gần xa,
Tự hai hiền-thú ấy là khai-tiên.
Luân hồi trăm có dư niên,
Trải qua Đông Hán thừa-tuyên mấy người.

2. Hai bà Trưng dựng nền Dộc-lập

Đường-ca lâu đã vắng lời,
Đến như Tô-Định là người chí hung.
Bà Trưng quê ở châu Phong,
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương-tử thay quyền tướng quân.
Ngàn Tây nổi áng phong-trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long-biên.
Hồng-quần nhẹ bước chinh-yên,
Đuổi ngay Tô-Định dẹp tan biên-thành.
Đô-kỳ đóng cõi Mê-Linh,
Lĩnh-nam riêng một triều-đình nước ta.
Ba thu gánh vác sơn-hà,
Một là báo-phục, hai là bá vương.
Uy-thanh động đến Bắc-phương.
Hán sai Mã-Viện lên đường tiến-công.
Hồ Tây đua sức vẫy vùng,
Nữ nhi chống với anh hùng được nao?
Cấm-Khê đến lúc hiểm-nghèo,
Chị em thất thế cũng liều với sông.
Phục-Ba mới dựng cột đồng,
Aỉ-quan truyền dấu biên-công cõi ngoài.
Trưng vương vắng mặt còn ai?
Đi về thay đổi mặc người Hán-quan.

Chú thích:

Nguyên-phong: Niên-hiệu Hán Vũ-đế
hỗn-đồng: hợp vào làm một với đất Hán
chín quận: nước Nam-Việt chia làm chín quận, hai quận nay thuộc tỉnh Quảng-tây(Thương-ngô, Bột-lâm), hai quận nay thuộc tỉnh Hải-nam(Châu-nhai, Đạm nhĩ), chỉ có ba quận nay thuộc địa-phận nước ta là quận Giao-chỉ (trung châu Bắc-Kỳ), Cửu-chân (Thanh-hóa), Nhật-Nam (Nghệ-An và Hà-tĩnh)
thú thần: ở mỗi quận có quan Thái-thú coi việc cai-trị, trên đầu cả chín quận có Thứ-sử
tiết-việt: cờ và búa (để chém) làm tiêu-biểu cho quyền-hảnh
phong cương: biên-giới;chỉ chín quận ở biên-giới miền Nam nước Tầu
Tuần-tuyên: quan thay mặt vua (Hán)
hoa phong: phong-tục Trung-hoa
ngư-liệp: chài lưới và săn bắn
khuê-điền: ruộng để cầy cấy

Sính nghi: đồ lễ cưới vợ
thất-gia: lấy vợ lấy chồng
Văn-phong: phong-tục hay đẹp
hiền-thú: thái-thú tốt
khai-tiên: mở-đầu
Luân hồi: ngày tháng xoay vần
Đường-ca: bài hát dân khen quan tốt
châu Phong: nay ở tỉnh Vĩnh-yên
nương-tử: người con gái
Ngàn Tây: núi rừng phương tây, tức là Sơn-tây (đất Châu Phong thuộc tỉnh Sơn-tây cũ)

phong-trần: gió bụi; ý nói: quân mã kéo đi
Long-biên: trị-sở Giao-châu ở vùng Thuận-thành; sách ta thường chép lầm: ở Hà-nội
Hồng-quần: đàn bà (xưa mặt quần đỏ)
chinh-yên: cái yên ngựa, cưỡi để đánh giặc
biên-thành: thành ở biên-giới
Đô-kỳ: Thủ-đô
Mê-Linh: nay là làng Hà-lôi, phủ Yên-Lãng, tỉnh Phúc- yên
Lĩnh-nam: phía nam núi Ngũ-lĩnh (ở phía bắc Quảng-tây)
Hồ Tây: nay ở phia bắc Hà-nội
Cấm-Khê: nay thuộc tỉnh Vĩnh-yên


 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh