Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
... GIỌNG HÒ QUÊ MẸ ẤN TRÀ.
TRẦN ĐIỀM

 

BA LÝ TANG TÌNH, GIỌNG HÒ QUÊ MẸ ẤN TRÀ.
Trần Điềm.

Gửi tặng đồng hương Quảng Ngãi, quê hương núi Ấn sông Trà của giọng hò “Ba Lý tang tình”.

Là ngươi dân Quảng Ngãi, hiếm có ai không biết giọng hò Ba Lý, một thể điệu dân ca đặc-thù Quảng-Ngãi. Không biết đã có tự bao giờ mà cách nay đã trên 70 năm, khi tôi mới lớn, đã nghe âm-điệu của một giọng hò, một tiếng hát dân gian ở địa phương Quảng Ngãi, quê tôi, gọi là điệu hò BA LÝ. Những giọng hò không mang âm hưởng của những giàu sang phú quý mà nói lên những dịu vợi ngọt ngào của quê nghèo:

Quê em nghèo lúa nghèo khoai;
 Giàu cô duyên dáng giàu trai anh hùng
”.

Giọng hò câu hát thân thương đã theo chân những người dân mộc mạc trên quê hương nhỏ bé, nghèo khổ, đến khắp hang cùng ngõ hẽm.

Những con đò dọc trên những giòng sông Trà, sông Vệ, các con sông đem nước tưới những cánh đồng của quê hương Quảng Ngãi, những giọng hò “Mái Ngơi”, còn gọi là hò chèo ghe, “Hò Quảng” thoát ra những tiếng hò, câu hát... lúc thì lanh lãnh, cao vút trong đêm thanh vắng hay lúc êm ả, nhẹ nhàng vào những buổi hoàng hôn. Mái chèo khuấy động ánh trăng, giọng hò ru êm lòng người, đưa con người về với quê hương, với tình tự dân tộc:

“Trăm nguồn đổ bốn giòng sông,
Tam Trà, Vệ thủy một lòng bên nhau.
Nhớ về Quảng Ngãi quê tôi,
Bâng khuâng tấc dạ, bồi hồi nhới thương!”

Giọng hò Ba Lý đã hòa quyện cùng các thể điệu dân ca khác của Quảng Ngãi như: Hò Nện, hò Giã gạo, hò Dô ta leo núi đẩy gòn, hò Giựt chì, hò Kéo lưới, hát Hố, hát Đối v.v… tạo nên những âm thanh nhịp nhàng, vui nhộn trong các buổi sinh hoạt ở nông thôn hoặc trên bãi cát vàng ven biển trong các ngày lễ Hội Lăng Ông, đua thuyền, ngày Tết, qua hợp thể dân ca Hò Bá trạo, Sắc Bùa v.v...

Để giới thiệu và cũng để nhắc lại những giọng hò, câu hát mang âm hưởng Quảng Ngãi của những ngày xưa, người viết xin ghi lại những kỷ niệm của quá khứ, để tưởng nhớ cái thời “vàng son” của dân ca xứ Quảng cũng xem như những ghi chép lại cho nghệ sĩ đàn em, hầu đóng góp phần nào công việc “lưu truyền” những nghệ thuật dân gian qua dân ca đất Quảng.

Trong thời Đệ nhất và Đệ Nhị Cọng Hòa, một chương trình Văn nghệ của Đài Phát Thanh Quảng-Ngãi mang tên “Tiếng Hát Quê Hương”, được mở đầu với hai câu:

”Quê hương thương mấy cho vừa
Dù muôn tiếng hát vẫn chưa thỏa tình”.

Chương trình dân ca dài 45 phút được thực hiện mỗi đêm thứ Bảy hàng tuần trên Đài Phát Thanh Quảng Ngãi đã làm sống mãi tiếng hát dân gian với những giọng hò, tiếng ca của quê hương Ấn Trà với những chương trình thật công phu, súc tích, mang lại cho người dân Quảng Ngãi và những thân hữu những giờ phút thoải mái vui tươi, đưa lòng người nghe trở về với tình tự dân tộc. Rồi một ca sĩ Hồng Vân của Quảng Ngãi mang giọng hò Ba Lý đến Sài Gòn, đưa giọng hò đất Quảng lên Đài Phát Thanh Sài Gòn để góp tiếng với các tiếng hát câu hò dân ca của ba miền nước Việt, tô thắm thêm vườn hoa âm nhạc nghệ thuật, vừa làm nhiệm vụ giải trí vừa giữ vai trò bảo tồn nền dân ca của các miền trên đất Việt.

Với giọng hò Ba Lý, người viết xin ghi lại những giai thoại, những kỷ niệm trong suốt thời gian làm nhiệm vụ của một người công chức đảm nhiệm vai trò cán-bộ ngành Thông-tin thi hành công tác văn nghệ, là những kỷ niệm khó quên.

Lần Thứ Nhất: MANG CHUÔNG ĐI ĐÁNH XỨ NGƯỜI.

Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, được “khuyến khích” cũng xem như là một “lệnh” của Tỉnh trưởng Mai Ngọc Dược, Ban Văn Nghệ Sông Trà tham dự Hội Chợ Thị Nghè. Kỳ Hội chợ nầy cầu Thị Nghè bị sập. Tôi là Phó Ban, dẫn Ban Văn Nghệ Sông Trà đến trình diễn tại Hội chợ, cùng với nhiều Ban Văn Nghệ của các tỉnh khác mà khán giả gồm đủ thành phần: từ cán bộ trung ương đến các địa phương, khán giả phần đông là dân của Sài Gòn hoa lệ, “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

Trong đêm ấy, Ban Văn Nghệ Sông Trà trình diễn hoạt cảnh “CON THUYỀN VƯỢT SÓNG” qua hợp thể dân ca Hò Bả trạo, gồm các điệu: hò Ba Lý, hò Quảng, hò Giựt chì, hò Mái Ngơi, hô Bài Chòi…, một hoạt cảnh với nhiều điệu hò độc đáo, khác lạ so với các tỉnh khác. Ban Giám Khảo đã chấm điểm Giải Hạng Nhì toàn quốc cho phần trình diễn văn nghệ nầy. Ngoài phong cách trình diễn xuất sắc, hoạt cảnh trình bày lớp lang, giọng ca câu hò với cảnh trí và nội dung mang ý nghĩa của một con thuyền Cách-mạng Quốc-gia vượt sóng lớn đại-dương đến bến vinh quang.

Ngoài phần thu âm tại sân khấu, hôm sau, nhạc-sĩ Lê Thương, người đặc trách phần văn nghệ Hội chợ đã đến Ban Văn-nghệ Sông Trà tìm hiểu thêm về thể điệu, tiết tấu các giọng “dân ca Quảng-Ngãi” mà tiêu-biểu là giọng hò “Ba-Lý tang tình”, đưa vào dân ca ba miền với hàng trăm thể loại dân ca khác. Đến nay, trên 50 năm, lúc đó Ban Văn Nghệ Sông Trà có 16 người, 10 người đã ra đi vĩnh viễn, chỉ còn lại 6 người nhưng âm hưởng của giọng hò Ba Lý vẫn còn mãi mãi vang xa.

Câu chuyện thứ hai: BA LÝ TANG TÌNH QUA ĐẶC SẢN CỦA QUÊ-HƯƠNG.

Thời Đệ Nhất Cộng-Hòa, tại Hội Chợ Kinh Tế Huế được tổ chức tại Phú Vân-Lâu cho tất cả các tỉnh miện Trung và Cao-nguyên Trung-phần. gọi là Hội Chợ Kinh-tế nên mỗi tỉnh đều có một gian hàng để trình-bày các đặc sản của quê hương mình. Gian hàng Quảng-Ngãi, thôi thì đủ thứ: nào đường phổi, đường phèn kẹo gương Thu-Xà, mạch nha Thi-Phổ v.v… Sau lễ khai mạc, phái đoàn Trung ương và Địa phương tháp tùng cụ Ngô Đình Cẩn đi thăm từng gian hàng. Khi đến gian hàng Quảng Ngãi, Cụ xem tỉ-mỉ một giàn bờ xe nước 10 bánh được làm nhỏ lại để triển lãm. Cụ Cẩn nói với phái đoàn:

-“Đây là một sáng kiến đặc biệt nhất, có thể nói là độc đáo của tiền hiền Quảng Ngãi mà ở các xứ khác không có là cái bờ xe nước ni”.

Bước qua phần trang bày đồ mỹ nghệ. Cụ Cẩn xem thật kỹ một bộ đồ trà làm bằng vỏ cây quế Trà Bồng. Từ khay trà, bình trà đến các chén Tống đều bằng vỏ cây quế. Cụ Cẩn hỏi:

-“Quế nầy là loại quế chi?”.

Ông Võ Loát, trưởng gian hàng thưa:

-“Kính Cụ cùng phái đoàn, loại này là Cao sơ Kỳ quế, ở núi cao quân Trà Bồng mới có. Loại quế nầy lớp dầu dày, màu nâu sậm và lớp xơ mỏng”.

Ông Võ Loát lấy nước sôi trong bình thủy đổ vào bình trà, bốc hơi thơm mùi quế.

Uống xong chén trà quế, Cụ Cẩn gật đầu khen ngon. Rồi Cụ hỏi:

-“Người Quảng-Nghĩa mà các anh có biết hô Bài Chòi không?”.

Ông Võ Loát đưa mắt ngó tôi. Tôi gật đầu. Sau khi chào Cụ Cẩn, tôi hô thai một đoạn sau của bài “Thương về Quảng Ngãi quê tôi”, đoạn có kể các đặc sản, thích hợp với “Hội Chợ kinh-tế”:

“Thơm ngon như kẹo mạch-nha
Ngọt như đường phổi, thanh qua đường phèn
Kẹo gương dòn dã thích ăn
Đường bông trắng trẻo, bắp lên Suối Bùn
Thương ai tặng miếng quế nguồn
Nhớ ai xin biếu chai lùn mật ong”.

Cụ Cẩn gật đầu khen:

-“Cũng na ná như Kim Sinh nói về Huế ở đây vậy”.

Như vui trong lòng, cụ tiếp:

-“Khi còn nhỏ, cụ về Ngoại ở Quảng Ngãi, cụ thường nghe điệu hò Ba Lý. Các anh hát có được không?”.

Một lần nữa, anh Tùng Minh đệm đàn guitar, tôi vừa đàn Mandoline vừa hò Ba Lý. Biết bên Ngoại của Cụ ở Chợ Đình, tôi hát đoạn:

“Những chiều thôn nữ thong-dong
Nghiêng nghiêng soi bóng bên giòng sông kinh
Ai về nhắn với Chợ Đình
Em chằm nón lá tặng tình đôi ta
Để cho duyên thắm mặn mà
Cau buồng, trầu liểng Sơn-Hà, Minh-Long”.

Tôi vừa dứt hò, Cụ Cẩn nói lớn:

-“Đúng như rứa đó. Điệu hò Ba Lý của Quảng Ngãi là quê Ngoại tôi hay như rứa đó!”.

Cụ dặn ông Võ Loát:

-“Dọc theo các giòng sông ở Quảng Ngãi, phải chủ trương phát triển cho thật nhiều bờ xe nước nầy, nông dân sẽ được no ấm”.

Day qua viên chức bên cạnh, Cụ bảo:

-“Làm bằng Tưởng Lệ khen thưởng tỉnh Quảng Ngãi có tinh thần bảo tồn văn-hóa, văn nghệ dân-tộc và phát-huy sáng kiến phục vụ đời sống nông thôn”.

Như vậy, điệu hò Ba Lý đã lan xa và sống mãi trong lòng những vị “Vang danh một thời”. Ngày bế-mạc Hội chợ Kinh tế Huế, gian hàng Quảng Ngãi đứng hạng Nhì sau gian hàng của Thừa Thiên Huế. Ba người phụ-trách gian hàng Quảng Ngãi tại Hội chợ Huế cách nay 50 năm: cụ Võ Loát nay không còn; nhạc sĩ Tùng-Minh, tức Tùng-Hoài-Vũ thường sáng tác chung với tôi, cũng là người đệm đàn cho tôi hô thai hôm Hội Chợ ấy, nay cũng quá vãng. Cụ Cố Ngô Đình Cẩn là người biết thưởng thức cai hay, cái thâm-thúy của điệu hò Ba Lý và giai-điệu dạt-dào tình-cảm, giàu âm thanh, âm sắc của làn diệu dân-ca Hô Thai, Bài Chòi… của Quảng Ngãi nay cũng không còn! Chỉ còn lại mình tôi đang ôn lại và viết về những kỷ niệm vui buồn, thăng trầm của những giọng hò Quảng Ngãi đây! Bây giờ trong nước thì sao? Nhạc ngũ-cung Trung Cộng và Tây phương cuồng loạn đã lấn át, ào ạt ùa vào như nước vỡ bờ, nhận chìm hầu hết 124 giọng hò điệu hát dân tộc ba miền. Ôi! Còn đâu nữa văn-hóa, văn-nghệ dân-tộc!!

Chuyện thứ ba: QUẢNG NGÃI, XỨ BA-LÝ TANG TÌNH!

Năm đó, khoảng thời gian chuyển tiếp giữa nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam, ông Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung-ương ra thăm Quảng-Ngãi. Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đón phái đoàn tại đồi La-Hà thuộc quận Tư-Nghĩa với sự tham dự của trên 5.000 nam nữ thanh-niên và đồng-bào địa-phương. Không-khí cuộc đón tiếp hôm ấy thật tưng bừng rộn rịp và đặc biệt khác thường. độc-đáo ở chỗ sau phần nghi thức khai mạc thì có trên mấy ngàn tiếng hát cất lên cùng hát bài “Quảng Ngãi quê tôi”, ban Quân nhạc giữ nhịp theo tiếng vỗ tay. Trên mấy ngàn lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa rập-ràng, nhịp-nhàng đưa lên hạ xuống theo nhịp của điệu hò Ba Lý tang tình, điệu hò của địa phương Quảng Ngãi:

“Ba Lý tang tình mà nghe ta hò Ba Lý tình tang:


* Quê em ven dải sông Trà,
(Ba Lý tang tình mà nghe ta hò
Ba Lý tình tang…
ven dải sông Trà)
Bên đồi (là) Thiên-Ấn (ta hố)
Đậm đà (mà) tình thương!
(Khoan hố khoan ta hố hò khoan)

* Quyết tâm bảo-vệ quê hương
(Ba Lý tang tình mà nghe ta hò
Ba Lý tình tang…
bảo vệ quê hương)
Xây nền (mà) dân chủ (ta hố)
Diệt phường (là) Cộng nô!
(Khoan hố khoan ta hố hò khoan).

Phái đoàn trung-ương ngạc-nhiên cùng đứng lên vỗ tay theo nhịp, lắng nghe từng lời ca hùng-tráng. Trên mấy ngàn tiếng hát làm xao động cả không-gian, vang vọng cả khu đồi và lan xa, lan xa, xa mãi… Thời gian như cô đọng, tiếng hát mỗi lúc một lên cao theo Mặt trời đang lên cao, lên cao…Trên mấy ngàn tiếng vỗ tay nhịp nhàng, rập ràng như làm sống dậy hình ảnh trận đá La-Hà năm xửa năm xưa…Hàng mấy nghìn lá quốc kỳ VNCH tung bay phất-phới dưới ngàn thông reo hòa theo tiếng hát Ba Lý tang tình đang ngợi ca gương tranh-đấu, gương hy-sinh của các bậc tiền nhân, danh thần, danh tướng như Bùi Tá Hán, Lê Văn Duyệt, Trương Đăng Quế, Trương Công Định, Lê Trung Đình… và biết bao anh-hùng liệt nữ khác của đất Quảng-Ngãi thân thương. Tiếng hát quê hương hôm đó vang vọng từ La-Hà thạch trận đến tận Thiên-Bút phê vân. Tiếng hò Ba Lý vang xa đến bờ Bắc của Long Đầu hý thủy, đến tận Thiên-Ấn niêm hà. Tiếng hò Ba Lý ngọt ngào như dòng sữa Mẹ, tươi mát như giòng nước sông Trà nuôi nấng đàn con khôn lớn!
Phái đoàn báo giới, truyền thông cả nước lo thu âm, ghi hình, phỏng vấn… và mỗi phóng viên, mỗi ký-giả đều được nữ sinh trẻ đẹp xứ Quảng trao tặng quà lưu-niệm là những đặc sản của quê hương: hộp kẹo gương Thu-Xà, lon mạch-nha Thi-Phổ, đường phổi, đường phèn Ba-La, Vạn-Tượng… Kể từ hôm đó, giới báo chí, truyền thông miền Nam gọi Tỉnh Quảng Ngãi với mỹ từ thân thương: “Xứ hò BA LÝ TANG TÌNH”.

Lần thứ tư; GIỌNG HÒ QUÊ HƯƠNG “BỪNG SÁNG”.

Tiếng hò Ba Lý trên đồi La Hà năm xưa, gần 10 năm sau vụt trỗi dậy trong một buổi sáng bình-minh tại Mục-Tiêu 51, ở bãi cát vàng bên giòng sông Trà Khúc. Trước khi họp trại độ hơn một tháng, Đại Tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu-Khu-Trưởng Tiểu-Khu Quảng-Ngãi triệu tập một cuộc họp Liên Ty để phân công phân nhiệm. Đài Phát-thanh Quảng-Ngãi có nhiệm vụ sáng tác bài ca và phổ biến hàng đêm trong mục “giao-cảm”. Ty Thông-Tin có nhiệm vụ ấn hành bài hát trên nhật báo và lo phân phối báo đến tận Thôn, Ấp. Ty Thanh-Nhiên phối-hợp với Tỉnh đoàn Thanh-Niên Quốc-gia và Phòng Nhân-dân Tự-vệ phối trí một sơ-đồ Trại và Cổng chào rộng 20m cao 10m. Mỗi Xã, Ấp hàng đêm đều tập đi diễn hành và tập hát cho thanh-niên Nam Nữ. Để bảo mật, ngày giờ và địa-điểm Trại sẽ được báo vào giờ phút chót. Vậy mà 1 quả mìn được bọn nội tuyến Việt Cộng đặt dưới khán đài chính. Nếu an-ninh Tiểu-Khu không phát giác sớm lúc 2 giờ sáng thì hậu quả không lường được trong buổi lễ Khai-mạc Trại lúc 12 giờ trưa hôm ấy nếu quả mìn phát nổ.

Chuẩn bị rất chu đáo cho nên trên 5.000 nam nữ thanh-niên các Xã Ấp thuộc Lực-lượng Nhân-dân Tự-vệ và thanh-niên Quốc-gia (một tổ chức thanh-niên được thành lập để yêm-trợ phong-trào chống Cộng tại các địa-phương) toàn tỉnh lại rập-ràng hát vang giọng hò Ba Lý tang tình trong Lễ Khai-mạc Trại:

“Quê ta ven dải sông Trà,
Bên đồi Thiên-Ấn đậm đà tình thương!
(Khoan hố khoan ta hố hò khoan)
Chung tay xây dựng quê hương
(Ba Lý tang tình mà nghe ta hò
Ba Lý tình tang…
bảo vệ quê hương)
Nông thôn no ấm, phố phường hoan…ca!”.

Trại “Bừng Sáng” của toàn thể nam nữ thanh niên tỉnh Quảng Ngãi được khai mạc dưới sự chủ-tọa của Dược-sư Ngô Khắc Tĩnh, Tổng-Trưởng Giáo-Dục, đã mang lại thành công lớn. Trại Bừng Sáng đã khơi động lòng yêu nước, chống lại Cộng sản bạo tàn, quyết tâm bảo vệ quê hương của hàng hàng lớp lớp thanh-niên Quảng-Ngãi. Trên 5.000 tiếng hò Ba Lý vang vọng trên bãi cát sông Trà, dưới chân núi Thiên-Ấn của vùng “địa linh nhân kiệt”. Điệu hò được chuyển sang tiếng hô vang như vỡ toan lồng ngực của lứa tuổi thanh niên: “Quyết chiến! Quyết chiến! Thề Quyết chiến!!” với hàng mấy ngàn cánh tay đưa lên, giương cao ngọn cờ chính nghĩa! Không khí Lễ Khai mạc Trại Bừng Sáng như khuấy động sóng nước sông Trà hôm đó, gợi nhớ hình ảnh Hội-nghị Diên-Hồng, cùng lá cờ nuôi cao chí cả “Phá cường địch, báo hoàng ân!” của anh-hùng niên thiếu Trần Quốc Toản ngày xưa. Báo chí cùng giới truyền thông miền Nam lại có dịp nhắc đến Quảng Ngãi với Trại Bừng Sáng trong tiếng hát dân ca: “Điệu hò Ba Lý tang tình”.

Câu chuyện thứ năm, là chuyện sau cùng, là chuyện đáng nhớ về điệu hò Ba Lý: “QUÊ HƯƠNG THƯƠNG MẤY CHO VỪA”.

Thời Đệ nhị Cộng hòa, một “Trại Thanh Niên Gương Mẫu” toàn quốc được tổ chức tại Vũng-Tàu. Sau lễ khai-mạc, Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng nhiều Tổng Bộ Trưởng, với sự hướng dẫn của Đại Tá Tổng Giám-Đốc Nha Thanh-Niên đi thăm các Trại. Khi đến Trại Quảng Ngãi, sau khi thăm hỏi chung chung về tinh-hình an-ninh và đời sống của đồng bào, Tổng Thống lại hỏi:

-“Các anh là người Quảng Ngãi, có ai biết điệu hò Ba Lý không? Nếu biết thì hát một bài cho phái đoàn nghe đi!”.

Anh Trưởng Ty Thanh-Niên giới thiệu tôi là người đang phụ trách chương trình Dân ca tại Đài Phát-thanh Quảng Ngãi. Tôi trích một đoạn trong bài thơ “Thương về Quảng-Ngãi quê tôi” cùng anh em hò Ba Lý:

Quê hương thương mấy cho vừa
Nhớ nhau, ta nhớ những trưa Sa-Huỳnh!
Tà dương Thạch-Bích trăng chênh
Hẹn nhau, ta gửi tâm tình, hẹn nhau
Hẹn về Cầu Đá, Chùa Rau
Thơ không hoa gấm mà màu gấm hoa!
Long Đầu hý thủy trăng sa,
Hà-Nhai vãn độ thiết tha quê…nghèo…!

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khen hay, nhưng lại hỏi:

-“Có nhắc đến Sa Huỳnh, Đức Phổ mà sao không thấy nhắc đến Liên-Chiểu, nơi có thắng cảnh Liên-trì dục nguyệt? Đó là nguyên quán của gia đình Tổng Thống, sau mới vào Phan-Rang lập nghiệp”.

Tổng Thống nói tiếp:

-“Các anh hò hình như cải biên chứ nhiều người Quảng Ngãi vào Phan Rang sinh sống ở Xóm Biển, như giòng họ Mai, họ hát lời ca mộc mạc, bình dân và giọng hò âm điệu êm đềm hơn!”.

Đúng vậy. Với cây đàn Tay Ban cầm và tài năng của người hát chưa diễn đạt được hết cái hay, cái thâm thúy của điệu hò Ba Lý tang tình ở quê hương Quảng Ngãi.

* * *

Từ trại Thanh Niên kiểu mẫu ở Vũng-Tàu, sau mấy năm trong trận tái chiếm Sa Huỳnh, nối kết giữa Sa-Huỳnh với Tam Quan trong chiến dịch “Cắm cờ, giữ đất bảo vệ dân” sau Tết Qúy Sửu đầu năm 1973, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đến tại mặt trận ngợi khen quân dân Quảng Ngãi và Bình Định đã thắng trận, tịch thu vô số vũ khí của Việt Cộng. Khi ấy, tôi là Quản-đốc Đài Phát thanh Quảng-Ngãi tháp tùng phái đoàn để ghi âm, tường trình về Đài Trung ương Sài-Gòn và làm phóng sự cho Đại địa phương. Thấy tôi, Tổng Thống còn nhớ và hỏi:

-“Anh còn hát hò nữa không?”.

Tôi xúc động vì không ngờ điệu hò Ba Lý của quê hương mình nó đã như ăn sâu vào tâm hồn của những nhân vật “vang danh một thời” đến như vậy. Đệ nhất Cộng hỏa có Cụ Ngô Đình Cẩn, Đệ nhị Cộng hòa có Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện tôi còn giữ làm lưu niệm tấm ảnh Tổng Thống hỏi chuyện đồng bào và Nhân dân Tự Vệ Sa-Huỳnh do tôi ghi âm vào năm 1973. Và cách đây trên 10 năm, trên đất tạm dung nầy, tôi có dịp gặp lại Dược-Sư Ngô Khắc Tĩnh, cựu Bộ Trưởng Thông-Tin rồi Giáo-Dục đi cùng giáo sư Tôn Thất Thiện tại khu Senter. Tôi có hỏi thăm sức khỏe của ông Cựu Tổng Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi Hoàng Đưc Nhã. Trước khi chia tay, Dược sư Ngô Khắc Tĩnh còn nhắc:

-“Tại Trại Bừng Sáng năm đó, thanh niên Quảng Ngãi các anh hát điệu hò Ba Lý tang tình hay quá!”.

Như vậy, cũng con có nhiều nhân vật hàng Tổng Bộ Trưởng cũng nhớ và thích giọng hò Ba Lý của quê tôi.

LỜI KẾT:

(Ba Lý tang tình mà nghe ta hò, Ba Lý tình tang:
“Sông Trà nước vẫn trong xanh
Mà sao lắm kẻ lại…đành…lìa…xa”.
Khoan hố khoan ta hố hò khoan.

Thời gian thay đổi và cuộc cờ đổi thay! Chúng ta đành tạm xa quê hương ruột thịt.

“Bao giờ Thiên Ấn hết tranh,
Sông Trà hết nước mới đành…xa…nhau!”

Ra đi, nhưng hồn nước của đời tỵ nạn chúng ta mang theo lá quốc kỳ VNCH. Lá cờ vàng ba sọc đỏ và tình cảm của quê hương canh cánh bên lòng là tiếng ru của Mẹ, là điệu hò giọng hát dân ca ba miền trong 124 làn điệu của Bắc Trung Nam. Riêng Quảng-Ngãi, các thể điệu dân ca khá nhiều nhưng vẫn mang âm hưởng tiêu biểu của điệu hò Ba Lý. Đến xứ Cờ Hoa với các thể điệu Rap. Sun, Mambo… rầm rập trên sân khấu với hình ảnh diễn xuất của Michael Jackson, Michael Jenet, Madona… Bên những cuồng loạn đó, ta nên gắng giữ gìn các giọng hò ngọt ngào ru ta lớn lên, những giọng hát ân tình của quê hương yêu dấu, dù cho ta có phiêu-bạt khắp bốn phương trời ta vẫn hằng mong nhớ.

Anh Nguyễn Minh Trung đã gợi nhớ về quê xưa bằng các tiếng hát của Ban Nhạc Sông Trà, cùng các em ở Modesto, San Jose…mang thể điệu Hát bộ và Dân ca lên sân khấu trong các lần Họp mặt của đồng hương và thân hữu Quảng Ngãi tại Bắc California. Riêng tôi cũng đã cố gắng ký âm giai điệu, biên soạn lời ca và cũng đã phổ biến nhiều thể điệu trên các Đặc San Xuân hàng năm của Hội Ái Hữu và Đồng Hương Quảng Ngãi miền Bắc California. Ban Phát thanh cũng đã dùng điệu hò Ba Lý để làm phần nhạc đệm mở đầu và kết thúc chương trình phát thanh “Núi Ấn Sông Trà” vào mỗi trưa thứ Bảy hàng tuần trên hệ thống AM 1120 trên toàn cõi miền Bắc California trong hơn một năm qua.

Là người có chút máu nghệ sĩ, văn thơ, ca nhạc, như kiếp tằm phải nhả tơ, chúng tôi còn nợ đồng hương vì chưa phổ biến hết được các giọng hò dân ca của Quảng Ngãi, chưa đủ điều kiện để thực hiện được một hợp thể dân ca Quảng Ngãi qua hình thức một hoạt cảnh. Ở tuổi gần 80, không biết thời gian có còn cho phép và hơi hám có còn hay không hầu tạo điều kiện mang đến niệm vui nho nhỏ mà sâu đậm, ủy mị, lãng mạn…trong các khúc hát dân ca quê mẹ đến với bà con Ái Hữu Đồng Hương Quảng Ngãi không?

Mấy năm qua chúng tôi sinh hoạt ca nhạc trong lòng đồng hương với tinh thần nghệ sĩ rất vô tư đó. Nỗi đau nước mất nhà tan vẫn là nỗi đau chung. Ở mảnh đất tạm dung nầy chỉ còn lại một chút gắn bó, đó là “tình đồng hương”. Vậy mà hỡi ơi! Vẫn không trọn vẹn. Còn đâu với “Quảng Ngãi dân tình bất ly!”. Thật ngao ngán cho lòng người, bởi: “Sông Trà nước vẫn trong xanh, Mà sao có kẻ lại đành…lìa…xa”! Trái lại, có rất nhiều đồng hương Quảng Ngãi nghe giọng hò Ba Lý tình tang trên làn sóng của Đài Phát Thanh Quê Hương, nghe giọng hò Ba Lý trên website www.nuiansongtra.net, thấy bài “Ba Lý tang tình” trên các Đặc San Xuân Quảng Ngãi khắp nơi lại hâm-mộ, thích thú, gọi điện thoại, gởi email đến xin để nghe, để làm tài liệu của quê hương. Những nghệ sĩ đó đến gần với quê hương “Núi Ấn sông Trà” với nhạc phẩm giá trị mang tên “Ba Lý Duyên Tình”./.

Nhớ về quê Mẹ “Ấn Trà”
Xuân Kỷ Sửu 2009.
Trần Điềm


 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh