Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
HÁN TỰ TRONG VN VĂN-HIẾN SỬ-QUAN
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền

HÁN TỰ TRONG VIỆT-NAM VĂN-HIẾN SỬ-QUAN.
Vũ Đức Âu Vình Hiền.

"Hán tự" có nghĩa là "chữ Hán". Danh từ “Hán” là tên của một chủng tộc và của một triều đại thuở xưa tại Trung Hoa.

Theo lịch sử Trung Hoa, người Trung Hoa là một dân tộc hòa hợp bởi năm (5) chủng tộc khác nhau: Hán, Mãn, Mông, Tạng, Hồi. Trong đó, tộc Hán có ưu thế phát triển, đồng hóa các tộc khác, và mang chữ viết của họ để áp dụng cho toàn thể dân Trung Hoa. “Hán” cũng là tên của một triều đại đầu tiên có uy thế lớn và lâu dài trong lịch sử Trung Hoa (từ năm 202 trước Tây Lịch đến 220 sau TL.). Triều đại Hán đã gây được nền tảng cường thịnh cho Trung Hoa, và chiếu sáng nền văn học rực rỡ đến các lân bang. Thuở xưa, vì có quan niệm xem triều đại đồng nhất với quốc gia; cho nên, tùy theo thời đại, người nước ngoài gọi người Trung Hoa là người Hán, người Đường, người Minh.

Vào triều đại nhà Hán, quân đội Trung Hoa đi xâm chiếm các lân bang, người bản xứ gọi họ là người Tàu, là Hán nhân. Từ thời nhà Ngụy, Tấn trở về sau, người Tàu tự xưng là Hán tộc. Cùng với học thuyết của Khổng Tử, chữ Hán được du nhập vào Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản, vào khoảng vài thế kỷ trước Tây Lịch. Do đó, ba dân tộc Việt Nam, Đại Hàn, và Nhật Bản đã dùng chữ Hán trong nhiều thế kỷ, cũng như văn học chữ Hán, nghệ thuật tư tưởng Trung Hoa đã ảnh hưởng sâu đậm trong ngôn ngữ và đời sống văn hóa của ba nước nầy.

Riêng tại Việt Nam, chữ Hán còn được gọi là chữ Nho, tức là loại chữ mà các nhà Nho Việt Nam dùng để truyền bá tư tưởng Nho giáo (do Khổng Tử biên soạn). Về sau, dựa vào các nguyên tắc căn bản của chữ Hán (Nho), người Việt Nam đã sáng tạo ra chữ Nôm, dùng để ghi chép quốc âm, trong thời kỳ chưa có chữ Quốc Ngữ La Tinh. Ngoài ra, chữ Hán vẫn còn có ý nghĩa quan trọng đối với chữ Quốc Ngữ, như trong sách “Cuộc Tiến Hóa Văn Học Việt Nam” do Đời Mới, Hà Nội, 1943, tác giả Kiều Thanh Quế có viết:

-“Không có Hán dùng làm chỗ nương tựa, chữ Quốc Ngữ chẳng những không giàu thêm được, mà còn đánh mất rất nhiều tiếng đã thông dụng, đánh mất, bởi cái cớ không hiểu Hán tự, khiến người ta ngày một quan niệm sai lạc đi các nghĩa từ nguyên của những tiếng ấy”.

Hán học đã có một lịch sử lâu dài, ngự trị hơn 19 thế kỷ tại Việt Nam. Cho nên, Hán học cho đến nay, dù là một tử ngữ, nó vẫn còn âm hưởng chi phối trong nền văn chương chữ nghĩa Việt Nam. Do đó, việc tìm hiểu chữ Hán không phải là không có ích.

I- LƯỢC SỬ TIẾN HÓA CHỮ HÁN:

Theo sách “Thuyết Văn giải Tự”, tác giả Hứa Thận, đời Hậu Hán, có trình bày lai lịch văn tự Trung Hoa, cùng cách cấu tạo các loại chữ, vào thời Tam Hoàng đã có ba (3) hệ thống văn tự lần lượt như:

1- Vào thời Phục Hy, tại đông bộ, có hệ thống văn tự “Bát Quái”;

2- Vào thời Thần Nông, ở phương Nam có hệ thống văn tự “Kết Thằng”; và

3- Hệ thống văn tự “Tượng Hình” của chủng tộc miền Tây Bắc.

Đến thời Hoàng Đế, vì muốn tạo nên sự đoàn kết dân tộc, nên cần có một văn tự thống nhất để truyền bá, Hoàng Đế sai sử quan Thượng Hiệt ra công thống nhất các loại văn tự lại, và làm phong phú thêm bằng cách áp dụng nguyên tắc hình thanh. Thượng Hiệt căn cứ vào loại mô tả bằng hình, nên được gọi là Văn.

Về sau, các loại hình thanh bổ túc cho nhau, nên được gọi là Tự. Do đó, lối chữ do Thượng Hiệt thống nhất lại được gọi là chữ “Khoa Đẩu” (Khoa Đẩu là con nòng nọc, vì lối chữ nầy viết có đuôi dài như con nòng nọc. Vào thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch, người ta tìm thấy trong vách nhà đức Khổng Tử những tập sách viết theo kiểu chữ Khoa Đẩu nầy).

Theo Hsia Tao Tai, tác giả sách China's Language Reforms (New Haven, YALE University, Institute of Eastern Languages, 1956), lược sử tiến hóa chữ Hán lần lượt biến chuyển theo từng thời đại như sau: Từ thời nhà Thương (khoảng 1700-1400 trước TL), hệ thống chữ “Giáp Cốt Văn” được dùng để ghi khắc trên những mảnh xương trinh bốc (Trinh Bốc Cốt).

Đến thời nhà Chu (khoảng 776-250 trước Tây Lịch), người ta thêm bớt chữ Khoa Đẩu để đặt ra lối chữ “Đại Triện”. Có thuyết cho rằng chữ Đại Triện do quan thái sử họ Lựu, vào đời Chu Tuyên Vương, sáng chế ra, nên còn gọi là Lựu Thư, hay Lựu Văn.

Vào khoảng 250 trước Tây Lịch đến 25 sau T.L., dựa vào lối chữ Đại Triện, người ta đặt ra lối chữ “Tiểu Triện”.

Vào khoảng 25-220 sau Tây Lịch, người ta đơn giản hóa lối chữ Tiểu Triện để đặt ra lối chữ “Lệ”.

Vào khoảng 380 sau Tây Lịch đến nay, người ta đặt ra lối chữ Khải”, và mãi về sau, người ta có lối “Chữ được đơn giản hóa hơn xưa”.

Theo học giả Trần Trọng San, từ đời Thượng Hiệt cho đến nay, chữ viết Trung Hoa đã biến đổi nhiều lần về cách cấu trúc, cũng như về ngữ vựng ngày càng phong phú, bằng chứng những chữ được khắc trên những mảnh xương trinh bốc, vào thời nhà Thương, không nhiều quá hai ngàn năm trăm (2.500) chữ, thế mà ngày nay, chữ Trung Hoa tính ra có đến bảy chục ngàn (70.000) chữ. Ngoài ra, ngữ pháp và bút pháp cũng đã thay đổi rất nhiều.

Ngoài ra, học giả Trần Trọng San còn có nhận định như sau:

-“Với sự thăng tiến chủ nghĩa quốc gia tại Trung quốc, ngôn ngữ là một yếu tố chính trị đặc biệt, trong cuộc tranh đấu để tiến tới “Một quốc gia, một dân tộc, và một ngôn ngữ”. Về phương diện ngôn ngữ, Trung quốc đã thực hiện được những việc sau đây:

1- Công nhận tiếng Quan thoại như ngôn ngữ quốc gia tiêu chuẩn

2- Phổ biến tiếng Trung quốc trong các dân tộc thiểu số

3- Giản dị hóa văn tự

4- Thiết lập danh sách những chữ căn bản, dùng trong các sách giáo dục tráng niên

5- Diệt trừ nạn mù chữ

6- Dùng vần La Tinh thế cho hệ thống chữ cổ truyền”.

II- TIẾN TRÌNH HÁN HỌC DU NHẬP VÀO VIỆT NAM:

Có người cho rằng chữ Hán bắt đầu được du nhập vào nước ta, vào lúc Triệu Đà chiếm đất Âu Lạc. Mãi đến thời Bắc thuộc lần 1 (từ năm 111 trước TL. đến năm 39 sau T.L.), Hán Vũ Đế sai các quan Thái Thú dạy chữ Hán cho dân ta. Theo sử gia Ngô Sỹ Liên, các Thái Thú Tích Quang, Nhâm Diên lo xây trường dạy học và dạy lễ nghĩa, nhất là Sĩ Nhiếp (187-266) lo giảng kinh truyện, mở học đường, khiến cho nước ta thông hiểu thi thơ, học tập lễ nhạc và đã trở nên một nước có văn hiến bắt đầu từ đó. Cho nên, Sĩ Nhiếp đã được người đời sau phong tặng danh hiệu “Nam Giao Học Tổ”, tức là người khai sáng một Nho phái đặc biệt dưới trời Nam. Ngoài ra, sử còn ghi nhận những người Việt Nam đầu tiên đã tốt nghiệp Hán học, và còn được trọng dụng bên đất Trung Hoa như các Ông: Lý Tiến, Lý Cầm, Trương Trọng, Tĩnh Thiều,...

Ngoài ra, với tam giáo: Nho, Lão, Phật đã được du nhập vào Việt Nam từ Trung Hoa, với những kinh sách bằng Hán tự, do các vị Thiền Sư, Đạo Sĩ mang đến, người Việt Nam muốn tìm học đạo, cho nên, cần phải bắt đầu học ít nhiều chữ Hán. Đến thời tự chủ độc lập, các triều Đinh, Lê, Lý được xem như giai đoạn Phật giáo toàn thịnh.

Năm 1007, vua Lê Long Đĩnh sai em là Minh Xưởng, cùng với triều thần Hoàng Thành Nhã sang Tống quốc cầu xin được các kinh sách chữ Hán như Cửu Kinh (Nho), và Đại Tạng Kinh Văn (Phật). Nhà Lý lên cầm quyền (1010-1225) bắt đầu đẩy mạnh văn học. Vào năm 1070, tại Thăng Long, vua Lý Thánh Tôn xây dựng văn miếu thờ tượng Chu Công, Khổng Tử, và Thất Thập Nhị Hiền. Năm 1075, vua Lý Nhân Tôn mở khoa thi tam trường để kén chọn nhân tài bác học, từ đó nền khoa cử Việt Nam bắt đầu được khai sáng. Năm 1076, trường Quốc Tử Giám được xây dựng, tức là nhà Đại học đầu tiên để đào tạo Nho sĩ Việt Nam. Đến năm 1086, nhà vua cho mở khoa thi chọn người Nho học bổ nhiệm vào Hàn Lâm Viện.

Dưới triều nhà Trần, Nho học càng được trọng dụng. Năm 1253, vua Trần Thái Tôn lập thêm một viện quốc học ở kinh đô, và ra chiếu chỉ cho các danh nho trong nước đến viện quốc học để giảng về tứ thư ngũ kinh. Về việc tổ chức khoa cử, càng thêm tinh tế, đều đặn, chia làm tam giáp (năm 1232) đi vào định lệ 7 năm một lần (năm 1234). Kết quả cuối đời Trần đã tạo được một số đông Nho sĩ tinh thông Hán học, môn đồ Khổng giáo.

Sang đến nhà Hồ, khoa thi tiến sĩ (Thái Học Sinh) để tuyển lựa người học giỏi văn hay. Truyền đến các thời Lê, Mạc, Trịnh, cho đến Tây Sơn, và Nguyễn triều đều noi gương các triều đại trước, mà tiếp tục tôn sùng Hán học, khuyến khích khoa cử, gây nên làn sóng Nho học càng ngày càng cao.

Theo thời gian, làn sóng Hán học, từ đất Bắc theo con đường Nam tiến của dân tộc, tràn dần vào miền Trung và miền Nam. Từ xưa đến thời Lê Trung Hưng, Thanh-Nghệ-Tĩnh vẫn sống dưới sự quản trị của các triều đại ngoài Bắc, cho nên, Hán học ở trong ba tĩnh nầy đã sớm khai thông. Xuống dưới vùng Thuận-Quảng, mãi đến cuộc Nam tiến lịch sử của Nguyễn Hoàng (năm 1558), các chúa Nguyễn phát rừng xẻ núi, mở rộng giang san, tiến đến đâu đều lo truyền bá Hán học.

Dải đất nầy trước kia chỉ biết chữ Phạn, từ đây đã bị đồng hóa theo Hán học. Năm 1646, chúa Nguyễn Phúc Lan mở ra khoa thi đầu tiên Chính đồ và Hoa văn. Khoảng đầu thế kỷ 17, khi chúa Nguyễn Phúc Chu chiếm hết đất Chiêm Thành, bước chân vào xứ Đồng Nai, việc truyền bá Hán học lại gặp thêm điều kiện thuận lợi.

Do cuộc tị nạn của ba ngàn quan binh nhà Minh, bất phục Thanh triều, vào 1679, dưới sự lãnh đạo của hai tướng: Trần Thắng Tài định cư tại Biên Hòa và dọc theo đồng bằng sông Đồng Nai. Còn Dương Ngạn Địch định cư tại Mỹ Tho và dọc theo đồng bằng sông Cửu Long. Vào 1680, Mạc Cữu, người Quảng Đông, chiêu mộ lưu dân lập ra 7 xã tại Hà Tiên, và vùng Vịnh Xiêm La, Rạch Giá, Cà Mau. Họ đã giúp chúa Nguyễn thu phục đất Chân Lạp, lập nên những vùng đất trù phú người Minh Hương, và truyền bá Hán học đắc lực tại miền Nam.

VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh