Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
TRƯƠNG QUANG

 

VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH QUA LỊCH SỬ VÀ TRONG HIỆN TẠI
Trương Quang

Một thành lũy dài hàng vạn dặm có tên Vạn Lý Trường Thành (Great Wall) đã hiện hữu hai ngàn năm qua, là một công trình kiến trúc vĩ đại nhất của nhân loại. Năm 1969, khi phi hành gia vũ trụ Neil Amstrong đặt những bước chân đầu tiên lên mặt trăng, ông trông về địa cầu như một hành tinh xanh, chỉ nhìn thấy được một chứng tích nhân tạo duy nhất, ông chụp được hình, đó là Vạn Lý Trường Thành (VLTT) như con rắn uốn khúc vắt từ đông sang tây của lục địa Trung Quốc. Dấu vết của sự sống trong cả Thái dương hệ được nhận diện đầu tiên, xứng đáng cho VLTT là đệ nhất kỳ quan của trái đất.

Thế nhưng, vì sao VLTT không có tên trong 7 kỳ quan ngày xưa? Ngày nay VLTT đã hiện hữu ra sao? Truyền thuyết và lịch sử của VLTT? Đó là những điều chúng tôi sưu tầm và thị kiến như sau đây:

7 Kỳ quan thời xưa

Lịch sử thưở xưa có ghi lại 7 kỳ quan thế giới, nhưng ngày nay chỉ tồn tại một kỳ quan là Kim tự Tháp Ai cập, còn 6 kỳ quan khác đều bị động đất và chiến tranh phá hủy, nên không ai thấy được 6 kỳ quan ấy hùng vĩ ra sao! Mà chỉ đọc được qua những tài liệu còn ghi lại mà thôi!

- Thứ nhất là các Kim tự tháp Cheops, Chefren và Mycerinus ở Giza Ai Cập, được xây dựng từ 3000 năm trước, thì nay vẫn sừng sững như ba ngọn núi hình chóp nhọn họp thành bởi 4 mặt hình tam giác, đã từng chứa nhiều bí mật, nhưng nay thì trống rỗng bên trong.

- Thứ nhì là vườn treo Babylon ở Iraq do vua Nebuchadnezzar tặng cho Hoàng hậu Semiramis. Balylon là thành phố quan trọng nhất bây giờ ở Mesopotamie. Ngôi vườn treo nầy bị quân Ba Tư (Persian) tàn phá vào nặm 359 BC (before Christ, trước công nguyên).

- Thứ ba là ngôi đền thờ nữ thần Mặt trăng Artemis ờ Ephesus, Hy Lạp. Đền Artemis bị người Thiên chúa giáo phá hủy vì họ đã phạm tội trục xuất thánh Paul.

- Thứ tư là lăng mộ vua Mausolus (thế kỷ 4 BC) ở Bodrum, Thổ nhỉ Kỳ bị trận động đất tàn phá, nay chỉ còn một phần nhỏ.

- Thứ năm là tượng bằng vàng thần Zeus (thế kỷ 5 BC) ở Olympia, Hy Lạp bị chiến tranh phá hủy.

- Thứ sáu tượng khổng lồ thần Apollo tại đảo Rhodes, Thổ nhỉ Kỳ, bị động đất phá hủy và chìm xuống biển.

- Thứ bảy lá Ngọn hải đăng tại cảng Alexandria bên bờ Địa trung hải (Mediterranean sea) ở Ai cập cũng bị phá hủy bởi động đất.

Tất cả 7 kỳ quan xưa kể trên đều ở quanh Địa Trung Hải và Trung Đông là cái nôi của nền văn hóa Tây phương. Cách chọn lựa nầy có tính chủ quan cục bộ, không thể tiêu biểu cho kỳ quan thế giới, vì các châu Á, Phi, Mỹ, Úc có biết bao nhiêu kỳ quan đều không được biết đến. Lại nữa, kỳ quan xưa khồng còn tồn tại, nay cần phải bao quát hơn và cập nhật hóa là điều các nhà làm văn hóa, các sử điạ gia…hằng lưu tâm

7 Tân kỳ quan thế giới

Ngày 7 tháng 7 năm 2007, một cuộc tuyển chọn 7 tân kỳ quan thế giới với hơn 90 triệu người trên thế giới tự nguyện tham dự qua mạng lưới online tại Lisbon (Bồ đào Nha), do một doanh nhân Thụy sĩ là Bernard Weber đề xướng chọn 7 tân kỳ quan, nhằm ngày 7 tháng 7 năm 2007, 4 con số 7, là con số tốt đẹp trọn vẹn của người Âu Tây (Cũng như người Tàu xem số 8 là số hên, nên chọn ngày 8 tháng 8 năm 2008 để khai mạc Thế vận hội Bắc kinh!).

Đây là cuộc tuyển chọn kỳ quan nhân tạo, còn kỳ quan thiên nhiên không được kể đến ở đây. Họ đã đưa Kim tự tháp Ai Cập (Phi Châu) lên hàng kỳ quan danh dự. Kết quả có 7 tân ký quan thế giới được xếp hạng như sau:

1- Đệ nhất kỳ quan là Vạn Lý Trường Thành ở Trung Hoa, châu Á
2- Cổ thành Pedra ở Jordan, Trung Đông.
3- Tượng Chúa Cứu Thế ớ Rio de Janeiro tại Brazil, Nam Mỹ châu
4- Cổ thành Macchu Picchu ở Peru, Nam Mỹ châu.
5- Kim tự tháp Chichen Itza ở Mexico, Mỹ châu.
6- Thao trường Colesseum ở La Mã tại Ý, Âu châu.
7- Ngôi mộ Taj Mahal ở Ultar Pradesh tại Ấn độ, Nam Á châu, do hoàng đế Moghul Shah Jehan xây lăng tẩm cho ông và hoàng hậu Mumtaz được xem là một trong những kiến trúc xinh đẹp nhất trên thế giới.

Có 21 công trình được nêu lên để chọn lựa lấy 7 như trên, trong số đó có tượng Nữ thần Tự do ở New York (Hoa Kỳ), Thiên văn đài Stonehenge ở Anh, nhà hát Opera house (người Việt quen gọi là Nhà hát con sò) ở Úc. Đền Angkor (Đế Thiên, Đế Thích ở Cao Miên), tháp Eiffel ở Pháp, đền Borobudur ở Indonesia (Nam Dương), Nhà thờ Basil ở Nga, nhà thờ thánh Phero ở Vatican (Ý) v.v… dĩ nhiên có nhiều nước đã không hài lòng với sự chọn lựa này. Tổ chức UNESCO (Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hiệp quốc) đã từng cấp nhiều giấy chứng nhận và tài trợ bảo tồn các di tích lịch sử và thắng cảnh khắp thế giới, bao gồm cả những công trình kể trên. Nhưng UNESCO, không công nhận, mà cũng không bác bỏ sự tuyển chọn 7 tân kỳ quan nêu trên, vì cho rằng không có liên quan gì với ông Bernard Weber trong việc tuyển chọn ấy.

Vạn Lý Trường Thành qua truyền thuyết và lịch sử

Một bức tường vĩ đại “vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt” trên 2000 năm giữa vùng núi non trùng điệp và sa mạc bão tuyết, từ lúc lịch sử còn pha trộn với truyền thuyết, chỉ mới được gọi tên là Vạn Lý Trường Thành trong mấy thế kỷ gần đây. Bàn tay con người dựng nên bức tường quốc phòng này là để ngăn chận sự xâm lăng vào Trung nguyên của giống dân du muc phương Bắc như quân Bắc địch, Sơn nhung, Xích địch, Khuyển nhung, thường gọi là Hung nô, là rợ Hồ… ngày nay là các dân tộc ở Mãn châu, Mông cổ, Tân cương, Hồi, Tạng. Tường thành được xây bằng gạch đá từ thế kỷ 5 BC, dưới thời Xuân Thu và Chiến quốc. Đến năm 221 BC, Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc, là hoàng đế thống nhất đươc Trung Quốc đầu tiên. Biết bao nhiêu xương máu của dân để xây nên VLTT, tên Tần Thủy Hòang gắn liền với truyền thuyết là ông bạo chúa duy nhất dựng VLTT.

Do Tần thủy Hoàng quá tàn bạo như đốt sách chôn học trò để dễ độc tài cai trị, dựng cung A phòng chứa 3000 phi tần để hưởng lạc, nên việc xây VLTT để bảo vệ ngai vàng là điều hữu lý. Tần Thủy Hoàng cưỡng bách toàn dân cả trong nước và quân lính xây tường thành bất kể ngày đêm dưới nắng bỏng và băng giá trong đói khát và roi vọt. Hàng ngàn dân phu đã gục ngã, thân xác họ trở thành đất đá xây trường thành. Truyền thuyết kể chuyện nàng Mạnh Khương (?) có chồng đi dân phu xây dựng thành đã chết vì kiệt sức, bị vùi thây trong bức tường, Mạnh phụ đi tìm thăm chồng dọc theo tường thành, nàng than khóc thảm thiết khiến bức tường đang xây bị sụp lỡ, để lộ ra thây chồng nàng như bị đông lạnh. Huyền thoại nầy được dựng nên thành phim truyện trong thập niên 1950 với minh tinh Lý lệ Hoa trong vai Mạnh phụ, đã vô tình cũng cố truyền thuyết rằng VLTT là của Tần thủy Hoàng.

Ở Việt Nam, VLTT đã được nói đến từ lâu trong văn học, tuy còn mơ hồ: Ở đoạn nàng Kiều gảy đản cho Kim Trọng nghe có câu:

Quá quan nầy khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.

Đó là chuyện vua nhà Hán buộc lòng phải chịu đưa Tây cung là Chiêu Quân sang cống cho Thuyền Vu là chúa Hung nô để tránh nạn binh đao. Khi qua cửa Nhạn môn quan trên VLTT, Chiêu Quân ôm đàn gảy “Khúc Quá quan” để tưởng nhớ vua Hán và nhớ về gia đình.

Hoặc trong Chinh phụ Ngâm vẻ nên cảnh hùng tráng ở trường thành nổi trống báo động làm run rẩy đến vầng trăng, đồng thời lửa đốt tỏa khói mù trời từ các phong hỏa đài trên đỉnh núi, khẩn cấp truyền tín hiệu có giặc:

“Trống trường thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Toàn mờ mịt thức mây”.

Ý kiến phủ nhận truyền thuyết

Từ năm 1969, khi VLTT được xem là công trình nhân tạo duy nhất được nhìn thấy từ mặt trăng, đã kích thích lòng hiếu kỳ của hàng triệu du khách, trong đó có Viện sĩ thông tấn Arthur Waldron ở Hoa Kỳ. Waldron đã tiến hành cuộc nghiên cứu sâu rộng về khảo cổ và lịch sử để xác định rằng: quan niệm về bức thành duy nhất vẫn tồn tại từ vài chục thế kỷ qua là điều hoang tưởng mà cũng không phải do một ông vua xây dựng nên.
Trong tác phẩm The great Wall of China, From History to Myth (VLTT của Trung quốc: từ lịch sử đến huyền thoại) Waldron đã đưa ra nhiều bằng chứng để chứng minh điều ông khẳng định. Luận cứ của ông là các thành lũy Trung quốc đã được xây rải rác ở nhiều nơi và nhiều lúc khác nhau tùy theo nhu cầu phòng thủ của từng nước ở Trung quốc thời xưa. Nên sự hiện hữu của VLTT trước Công lịch như một kiến trúc duy nhất là không phù hợp với lịch sử và không thể có trong thực tế được. Waldron nhắc đến lịch sử thời Hán Đường không thấy ghi tên VLTT, chỉ có những từ ngữ khác khi viết về những bức thành, không chữ nào tương ứng với từ Great Wall gần đây.

Vào thời nhà Minh (1368-1644) trong chiến lược phòng thủ cố cách ly “đám rợ phương Bắc” bằng việc xây dựng trường thành, và chỉ cuối thế kỷ 16 ranh giới của vùng rất đai do trường thành vạch ra mới có hình ảnh VLTT như chúng ta thấy ngày nay. Quan điểm của Viện sĩ Arthur Waldron khá rõ ràng:

-“VLTT được xây dựng phần lớn và hoàn chỉnh vào thời nhà Minh, còn các thời Chiến quốc, Tần, Hán… chỉ mới liên kết và phục hồi một số tường thành cũ nằm rải rác mả thôi”.

Sự thật về lịch sử Vạn Lý Trường Thành.

Lịch sử Trung quốc cho biết sau khi Tần Thủy Hoàng diệt được sáu nước, nắm quyền toàn lục địa nước Trung Hoa, ông bèn ra lệnh phá bỏ các hàng rào giữa các nước cũ, nhưng tập trung toàn lực để củng cố và nối kết các bức tường thành ở phía Tây và Bắc đã dựng lên từ thời Xuân Thu Chiến quốc hơn 300 năm trước để chống bọn Hung nô. Quân Hung nô là những người du mục sống trên lưng ngựa, rất hung bạo giỏi cỡi ngựa và bắn cung, bị chận đứng trước chiến lũy cao và kiên cố này.

Sau đó, đến đời Tần nhị thế và Hán Sở tranh hùng, nhân cơ hội nước Tàu có nội chiến, quân Hung nô đã nhiều lần vượt qua được tường thành bỏ ngõ để vào quấy nhiễu Trung nguyên, đó là giặc Phiên, giặc Liêu trong lịch sử tiểu thuyết.

Đến các triều đại Hán, Đường, Kim, Tùy, Tống khi quân lực Trung nguyên suy kém, rợ Hồ lại tiến xuống quấy nhiễu nhưng không chiếm cứ được đất đai vì trường thành vẫn không ngừng được củng cố, quan ải được trấn thủ chặt chẽ.

Nhưng đến cuối đời Tống, quân Mông cổ quá mạnh, đã đánh chiếm từ Đông sang Tây Âu, Trung Á, vòng xuống Nam Á, nên không cần qua ngã VLTT. Hơn nữa quân Tống còn liên hiệp với quân Nguyên Mông để diệt nước Kim, mở đường cho Hốt Tất Liệt chiếm lĩnh Trung Hoa, lập nên triều đại nhà Nguyên (1279-1368). Nhà Nguyên thống lĩnh cả Trung Nguyên, Mãn châu, Mông cổ, Tây tạng, Trung bộ Á-Tế-á, do đó VLTT không còn cần thiết nữa nên chẳng tu bổ gì thêm.

Đầu thế kỷ 14, Chu nguyên Chương đánh đuổi được nhà Nguyên Mông để khai nghiệp nhà Minh. Minh triều phải chống đở vất vả với quân Mông cổ, nên ra sức xây dựng, củng cố VLTT, lại còn phải lùi trường thành về phía Nam để nhường cho quân Hung nô vùng Ordes (tức Nội Mông ngày nay).
Đến thế kỷ 17, quân Mãn châu từ đông bắc đã nhiều lấn tấn công vào Trung hoa nhưng đều bị VLTT ngăn chận. Về sau, tướng giữ Sơn hải quan (ải địa đầu của VLTT) là Ngô Tam Quế dấy loạn đã hợp binh với tướng Mãn châu là Đa Nhỉ Cổn kéo vào chiếm Bắc Kinh, lập nên Thanh triều. Nhà Mãn Thanh lại thống lĩnh cả Mãn châu, Mông cổ vào với Trung hoa, vì vậy VLTT không còn cần thiết cho đến khi xảy ra cuộc Cách mạng Tân hợi (1911) lập nên Trung hoa dân quốc.

Việc tu bổ, bảo trì VLTT được tái lập từ năm 1949 cho đến nay là để thu hút hàng triệu du khách mỗi năm đến chiêm ngưỡng đệ nhất kỳ quan nầy.

Lịch sử đã chứng minh, tuy VLTT đã được xây dựng từ đời nầy sang đời khác làm hao tốn biết bao nhiêu xương máu cùa dân, nhưng nhiều lúc không ngăn chận được ngoại xâm. Khi vua quan cai trị hà khắc, quân sĩ yếu hèn thì lòng dân oán ghét, nên họ phó mặc cho ngoại xâm chiếm đóng. “Chiếm đươc thành không bằng chiếm được lòng dân”, đó là qui luật lịch sử thứ nhất.

Ngược lại khi đoàn quân du mục man rợ và hung hãn vượt qua VLTT như quân Kim, Liêu, Mông, Mãn…sau khi chiếm được Trung nguyên thì bị đồng hóa với Hán tộc là giống dân đã có nền văn hóa lâu đời. Qui luật thứ hai là: “Mỗi khi 2 nền văn minh va chạm nhau thì bất kể bên nào thắng hay bại, hễ bên nào có nền văn minh cao hơn vần là thắng và đồng hóa phía bên kia”.

Vạn Lý Trường Thành trong THỰC TẠI HIỆN NAY.

Mùa Xuân năm 2005, chúng tôi đến thăm VLTT tại một quan ải cách Bắc Kinh chỉ nửa giờ đi ô tô, có tên là Bát Đại Lĩnh Thủy Quan, một trong những tụ điểm thu hút nhiều du khách nhất, kể cả các Nguyên thủ quốc gia (trong đó có Tổng Thống Nixon), vì nơi đây cận tiện với Thủ đô Trung quốc. Tòa lầu cửa quan thật nguy nga, ngay bên phải có tấm bia đá trắng rất cao lớn khắc các dòng chữ đỏ, nét bút viết thảo: “Bất đáo trường thành phi hảo hán” bên cạnh ký tên Mao Trạch Đông, bên dười còn viết thêm dòng ngang “Đạt lĩnh lưu niệm”. Tức khắc trong ý thức tôi thấy rõ hàm ý đặt Vạn Lý Trường Thành kỳ vĩ ngang với Vạn lý trường chinh gian khổ của ông, mà đầu óc tự tôn tự đại ngàn đời của lãnh tụ Đại hán xưa cũng như nay, giữa Tần Thủy Hoàng và Mao Trạch Đông cai trị muôn dân có gì khác nhau đâu!

Tôi cố sức leo lên rồi lại xuống hàng mấy trăm bậc đá (Mỗi bậc chênh nhau tới một foot) để đứng trên pháo tháp khá cao nhìn suốt từ Đông sang Tây, cũng chỉ thấy được một dòng VLTT ngút tầm mắt chạy giữa núi đá trùng điệp; tôi cảm nhận được cái vô nghĩa của một con người đối diện với thiên nhiên và kỳ công nhân tạo. VLTT rất hiếm chỗ bằng phẳng, nó như con rắn khổng lồ uốn mình leo hết đỉnh núi nầy đến đỉnh núi khác, vì cao điểm bao giờ cũng chiếm lợi thế trong việc dụng binh. Bờ thành thẳng đứng cao hơn vài chục mét, vượt trên tàng cây đá. Mặt thành rộng đủ cho 8 người chạy hàng ngang, cứ cách khoảng trong tầm nhìn là có một đài chỉ huy cao rộng, vừa là pháo đài vừa là đồn canh gác. Hai bên bìa của mặt thành đều có tường gạch rất dày xây theo kiểu hồi văn chũ U sấp ngửa (giống như ký hiệu VLTT trong bản đồ). Chỗ cao quá tầm tay với, thì ngay dưới có lỗ châu mai, chỗ thấp thì ngang vai người xạ thủ.

Có phải để mừng Xuân mà hôm ấy trên mặt thành có dựng nhiều cờ ngũ sắc hình tam giác đuôi nheo, và cờ đại vuông tướng quân làm tăng vẻ tráng lệ, khiến cho khách du lịch ngoại quốc chân đang leo bực cấp, mắt nhìn quang cảnh hùng vĩ, nên tay cứ phải vịn vào thanh tựa ở hàng giữa hoặc hai bên tường thành.

Một người bạn Trung Hoa vừa cho chúng tôi biết là khu vực VLTT nầy được xây dựng dưới triều Minh vào thế kỷ 16, chứ không phải dưới các triều đại khác. Vâng! Đúng vậy. Ai cũng dễ nhận thấy cách kiến trúc đã có đường nét kỷ hà học, viên gạch xây thành rất lớn chưa bị bào mòn bao nhiêu, đủ chúng tỏ mới trải qua chừng 4 thế kỷ.

Không một ai có thể biết được toàn bộ VLTT dài đến 25.000 miles (chừng 40.000 km) nếu không có mắt thần của vệ tinh nhân tạo cung cấp không ảnh chính xác để vẻ nên bản đồ. Tôi đã bỏ công tìm mua được một bản đồ Trung quốc khổ lớn (42 x 30 inches) ấn bản năm 2003 inch tại Bắc Kinh để đối chiếu với Goode’s World Atlas, 18th edition, USA. Hai bản đồ rất phù hợp nhau, xóa bỏ được những sai biệt mà các bản đồ và tự điển trước kia đã làm tôi phải nghi ngờ. Có thể những hiểu biết mới nầy chưa phải là đầy đủ, vì cứ ít lâu lại có những khám phá thêm về VLTT.

Vạn Lý Trường Thành bắt đấu từ Sơn hài quan (Shanhaiguan) nơi cực Đông của tỉnh Hà Bắc (Hobei) trên bờ vịnh biển Bột Hải (Bohai), chạy quanh co vùng núi non, sa mạc đến 25.000 dặm tới Ngọc Môn trấn ở cực Tây tỉnh Cam Túc (Gansu), tiếp giáp với sa mạc Lobnor của khu tự trị Tân Cương (Sinking). Trước đây 400 năm, khi nhà Minh cho lùi trường thành vế phía Nam, thì VLTT là biên quốc giữa Nội Mông (Inner Mongolia) với các tỉnh Thiểm Tây (Ningxia) Sơn Tây (Shanxi) và Cam Túc của Trung quốc, ranh giới nầy dài hàng vạn dặm về mặt Tây và Tây Bắc Trung Quốc. Về mặt Bắc, lãnh thổ Trung Quốc đã từng vượt qua VLTT dưới các triều Nguyên, Thanh và hiện nay, lên cả đất Mãn Châu (Manchuria), quá biên giới với Triều Tiên (North Korea) ở mặt Đông.

Từ dòng đi chính, VLTT có vài nhánh thời xưa còn lại, đáng tìm hiểu:

- Một nhánh trường thành rất dài từ phía bắc tỉnh Sôn Tây đến ranh giới tỉnh Sơn Đông (Shandong), cùng với dòng chính như bao quanh một phần Hoa Bắc.

- Một nhánh bao bọc vòng quanh khu tự trị Ninh Hạ, nằm giữa biên giới các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc và Tuy Viễn.

- Một nhánh nằm nguyên trên đất Nội Mông, khởi đi từ thị trấn Dương Trấn trên biên giới Sơn Tây với Nội Mông, chạy lên phía bắc trong đất Nội Mông cách xa Bắc Kinh vế phía Tây. Đây là di tích trường thành dưới thời Tần Thủy Hoàng cho dựng lên để bảo vệ Kinh đô Hàm Dương thời ấy. Đến triều Minh thì lui trường thành về Nam gần với Bắc Kinh, bỏ cổ thành lại đất Nội Mông.

Năm 2002, các nhà khảo cổ Trung quốc còn phát hiện những đoạn của VLTT ở khu vực hoang vắng của vùng Tây Bắc tỉnh Cam Túc. Nhà khảo cổ Yue Banghi của Cam Túc cho biêt phế tích có 30 tháp canh, 2 pháo đài và 2 tòa nhà. Ông xác định công trình nầy đã có từ năm 206 BC đến năm 220 (tức vào đời Tần, Hán). Bức tường thành cổ nhất nầy dài 3.000 đến 6.000 km.
Trên bản đồ, VLTT chạy ngoằn ngoèo từ kinh độ 90 độ Đông đến 120 độ Đông và uốn khúc lên xuống giữa vĩ độ 37 độ Bắc đến 42 độ Bắc, nếu kéo dài theo đường thẳng thì chiều dài VLTT bằng 1/10 chu vi của địa cầu. Cụ thể hơn, ta có thể hình dung chiều dài VLTT bằng tổng số chiều dài của 7 con sông lớn nhất thế giới và khối lượng vật liệu xây nên VLTT đủ lấp đầy một vịnh biển.

Nếu Kim tự Tháp Cheops ở Ai Cập nỗi tiếng là kỳ bí thì VLTT ở Trung hoa nổi tiếng là kỳ vĩ. Bàn tay của con người đã tạo dựng nên hai kỳ quan ấy vượt cả không gian và thời gian để trường tồn với nhân loại.

Connecticut, Lập Thu 2008
TRƯƠNG QUANG.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh