Thầy tôi, thuở còn trẻ, giao thiệp rộng, chơi với bạn bè hết lòng, hết tình, cho nên khi về già, gặp thời thế bất ưng, trùm chăn nằm nhà, vẫn thường xuyên có khách đến thăm.
Khách đến nhà tôi, thiệt là đúng với câu “giang hồ dị sĩ”, đủ mọi hạng người, từ khắp các nơi. Nhà văn, nhà báo, hay các giáo chức thì nói làm chi, vì đến với thầy tôi, vẫn là đồng nghiệp. Những vị khách nầy, tôi thường không nhớ lắm. Tôi cũng không nhớ lắm những ông khách “tại vị hành chánh”, đang ngồi ở bộ nầy, bộ nọ, áo quần sang trọng, đi đứng bệ vệ, ăn nói chừng mực, nhưng không gây được ấn tượng thích thú nào cho một đứa trà đồng là tôi.
Tôi chỉ thích thú và nhớ hoài những người khách “lạ”. “Lạ” ở đây, không phải là lạ, quen, mà là lạ ở tác phong, cung cách của khách, lạ ở cách tiếp đãi của thầy tôi. Khách có thể là thầybói, thầy tử vi, thầy địa lý, hay là thầy thuốc, thầy võ. Khách cũng có thể là những nhà buôn, những chủ vườn, chủ trại chăn nuôi hoặc là thợ may, thợ chụp hình.
“Sĩ khả bách vi” mà. Gặp thời thế không thuận, kẻ sĩ tạm cất giữ những hoài bão vá trời lấp biển, tạm gác lại cái chí trị quốc, bình thiên hạ, tung ra làm đủ mọi nghề để sống còn, để nuôi vợ, nuôi con, miễn là giữ được sự lương thiện và tấm lòng thiết thạch với quê hương.
Mỗi lần có những vị khách như vậy, thầy tôi vui lắm. Làm như, trong ông, sống lại cả thời trai trẻ. Chủ với khách, thù tiếp nhau, khi vui thì lớn tiếng, vỗ bàn, cười ha hả, khi buồn thì trầm ngâm, uống hết chung trà nầy đến chung trà khác, không có một lời. In tuồng như, nói với nhau, không bằng miệng lưỡi, mà bằng trái tim, người trong cuộc hiểuvới nhau...
Trong số những vị khách đến nhà, kể từ khi hiểu biết, tôi để ý thấy có ba người không bao giờ mặc Âu phục, mà luôn luôn là một bộ áo quần bà ba.
Người thứ nhất là bác Nhà Nam. Tôi không biết tên thật của bác. Gọi làm vậy là vì bác làm chủ một tiệm may nằm ở đường Nguyễn An Ninh, sát chợ Sài Gòn, mang bảng hiệu “Nhà Nam”. Bác người Nghệ An. Ai đời, là chủ một tiệm may Âu phục, nằm giữa trung tâm Sài Gòn, mà bao giờ bác cũng mặc một bộ áo quần bà ba bằng lụa, cũ kỹ, màu trắng ngả qua màu cháo lòng, bao giờ cũng mang một đôi guốc vông, miệng luôn nhai trầu bỏm bẻm. Người bác phốp pháp, da đen, tóc húi cua, vẫn nói giọng Nghệ An nặng trình trịch. Có thể nói rằng cả nửa thế kỷ ở Sài Gòn, bác vẫn không bị “Sài Gòn hóa”. Rất tiếc rằng hồi đó, tôi không hỏi để biết tên thật của bác là gì. Tôi chỉ nghe má tôi nói bác là một nhà cách mạng chống Pháp lỗi lạc.
Người thứ hai là chú Điển Võ. Người chú Quảng Ngãi nầy vô Sài Gòn làm cho báo Sài Thành (sau đổi tên là Sài Gòn, rồi Sài Gòn Mới) của bác tôi và báo Tân Thời của thầy tôi. Đó là thời của thập niên 1920-1930, là thuở tôi chưa chào đời. Đến khi tôi hiểu biết, chú không ở Sài Gòn nữa, không dính dáng tới làng báo nữa, mà xuống Châu Đốc, Long Xuyên làm thầy thuốc, được người địa phương gọi là ông thầy Quảng. Thỉnh thoảng chú mới lên Sài Gòn. Chú luôn luôn mặc một bộ bà ba bằng lụa lèo, màu mỡ gà, đầu đội nón nỉ, chân mang giày Gia Định. Đôi ba lần, chú có khoác bên ngoài một cái áo bành-tô. Đây là chú mặc theo “mốt” Tây Hồ của năm xửa, năm xưa. Dáng dong dỏng cao, tóc bạc gần hết, râu cằm dài xuống tới giữa ngực, trông chú có vẻ tiên phong đạo cốt. Mà, không là tiên thì là gì? Chú vẫn là đồng tử trong những buổi cầu tiên. Tôi cũng không biết tên thật của chú. Điển Võ chỉ là bút hiệu.
Người thứ ba là chú Năm Cầu.
Về người chú Quảng Ngãi nầy, tôi có nhiều điều để nói lắm, vì có rất nhiều kỷ niệm đối với chú và vì những tình cảm dành cho chú. Chú mất cách đây hơn ba mươi năm rồi, bây giờ mới nhắc, kể cũng muộn màng.
Thuở ấy, gia đình tôi ở trong cư xá Chu Mạnh Trinh, ngã tư Phú Nhuận. Cư xá vốn không có tên, nhưng vì ở đầu hẻm vào cư xá có dựng tấm bảng lớn, đề trường trung học Chu Mạnh Trinh (do ông Phan Đương làm chủ), nên thành tên như vậy luôn. Gia đình tôi ở đó kể cũng hơn mười lăm năm, từ hồi tôi còn học tiểu học.
Trong khoảng thời gian ấy, có ít nhất, khoảng sáu, bảy năm, mỗi tháng, chú Năm Cầu ghé thăm một lần. Thời gian nầy là giữa thập niện 1960 và 1970.
Sở dĩ chú ghé thăm có định kỳ như vậy là vì chú ở Tây Ninh, làm thầy thuốc (bây giờ thì xưng là Đông Y Sĩ), mỗi tháng xuống Chợ Lớn mua thuốc một lần. Chú ngồi xe đò, từ Tây Ninh xuống thẳng Chợ Lớn, đến tiệm quen, mua các loại thuốc cần dùng, gói ghém đâu đó xong xuôi, gởi lại tiệm, rồi đi xe tắc-xi vào nhà tôi.
Chú, cao độ một thước sáu là cùng, ốm nhom ốm nhách, da đen, tóc muối tiêu, mặt thỏn, hai gò má trẹt lét, hai mắt lờ đờ, miệng tươi, cằm hơi lẹm. Cái miệng nầy, cười có duyên, hay nói pha lửng chọc cười anh chị em chúng tôi. Nhiều khi “nói chơi không ai biết, nói thiệt không ai hay”.
Đặc biệt, lúc nào chú cũng mặc một bộ bà ba đen, vải ú bạc màu, không bao giờ gài hột nút trên cùng.
Con hẻm khá rộng, hai xe chạy song song còn dư, nhưng chú Năm Cầu không bao giờ ngồi xe vô tận trước cửa nhà tôi. Bao giờ chú cũng xuống xe ở đầu hẻm, đi bộ tà tà vào...
Anh em tụi tôi có đứa nào đó, chơi ở trước nhà, chợt thấy chú, vui mừng kêu vang:
- Chú Cầu tới! Chú Cầu tới!
Vậy là cả đám chạy ra đón chú, giành nhau xách những cái gói mà chú đang mang lùm xùm trên tay. Chú cũng vui lắm, kêu tên hết đứa nầy tới đứa kia.
Khi chú vô tới cửa, các chị tôi, dù đang bận tay ở dưới bếp, hay ở trong buồng, cũng chạy ra chào. Nhà có phòng khách, nhưng chú không vào mà đi thẳng vào phòng ngủ của thầy má tôi.
Tự nhiên như vậy là vì chú tự coi như một thành viên trong gia đình tôi, là em của thầy má tôi, là chú của anh em tụi tôi. Về phần thầy tôi, ông vẫn coi chú như một đứa em ruột thịt, vẫn tựa tay vào gối, nửa nằm nửa ngồi ở trên giường, tiếp chú, vẫn thân mật xưng hô “mầy, tao” với chú.
Trong khi chú chào, hỏi thăm sức khỏe thầy má tôi, tụi tôi tự động mở các gói quà mà chú mang tới. Thường thì là các loại bánh của người Tàu ở Chợ Lớn, như bánh bẻng, bánh bía, bánh hộc-tàu-xú...Quà không phải chỉ có chừng đó, lần nào cũng có heo quay hoặc vịt quay. Đặc biệt, bao giờ cũng có hai cái giò heo quay, mà là hai cái giò trước. Món nầy là dành riêng cho thầy tôi. Thầy tôi thuở còn trẻ rất thích gặm giò heo quay, mà phải hai cái giò trước mới được. Thầy tôi vẫn thường nói về con heo, theo sách thuốc, “toàn thân đô thị nhiệt, duy hữu tứ đề lương” (toàn thân con heo ăn vào sẽ bị nóng, chỉ có bốn cái giò của nó là lành thôi). Chú vẫn nhớ sở thích của thầy tôi và lần nào ghé thăm, cũng không quên đem đến cái món “hẩu xực” (hảo thực) nầy.
Nhìn cái tướng của chú Cầu, anh em tụi tôi không có đứa nào tin là chú giỏi võ hết. Mà, chú cũng chưa từng, cho dù là chỉ một lần, khoe rằng chú giỏi võ.
Chuyện chú Cầu giỏi võ là thầy tôi nói. Theo thầy tôi, chú học võ từ hồi nhỏ, hồi còn ở Quảng Ngãi. Sau đó, trên đường lưu lạc giang hồ, nghe thầy giỏi, chú đều tìm đến, xin học. Bởi vậy, nghề của chú rất cứng.
Thầy tôi kể, có lần, một mình chú đánh tan tành một băng “mã thầu dậu” (mã đao hữu, băng đảng Tàu, hậu thân của Thiên Địa Hội, chuyên bảo kê cho đám thương gia Chợ Lớn), gần cả chục đứa, ở Chợ Lớn, khiến chúng phục sát đất, tôn chú lên làm đại ca. Một lần khác, một đám kẻ thù, sáu, bảy đứa rình, canh lúc chú đang làm việc đại tiện ở ngoài đồng, xông vào chém. Chú vội đứng dậy tránh né chống đỡ, nhưng day trở khó khăn vì vướng cái quần đang nằm ở lưng chừng gối. Chú cố gắng vừa né, vừa đỡ những đường dao chí tử, vừa tìm cách hất cho được cái quần sút ra. Tới chừng cái quần văng ra được rồi, hai chân tự do rồi, chú mới tung hoành như chỗ không người, đám du côn, đứa may mắn thì chạy được, còn lại, ôm vết thương, kêu cha kêu mẹ ngay tại hiện trường.
Vụ nầy cũng xảy ra ở Chợ Lớn. Là người Việt mà tung hoành ở Chợ Lớn, trường hợp của chú Năm Cầu được coi như một ngoại lệ. Trong giới giang hồ, Sài Gòn và Chợ Lớn có một lằn ranh bất khả xâm phạm, theo kiểu “giang san nào, anh hùng nấy”, nước sông và nước giếng không phạm nhau.
Thầy tôi vẫn thường kể rằng, thuở trước, mỗi lần thầy tôi đi hội, đi họp, thường dắt chú Năm Cầu đi theo, coi như là người cận vệ...
Có một lần, chú Năm Cầu hứa sẽ dạy cho anh em chúng tôi bài “song xỉ”. Theo chú, nếu Bình Định nổi tiếng về roi, thì song xỉ là võ khí độc đáo của Quảng Ngãi, lợi hại vô cùng.
Giữ đúng lời hứa, tháng sau, chú đem xuống một cặp song xỉ, làm bằng lõi gỗ cẩm lai, cứng như sắt.
Song xỉ là hai thanh gỗ, dài gần bốn tấc, bằng từ cùi chỏ tới cổ tay, một đầu có khoan lỗ, xỏ vào một sợi dây, thắt lại thành cái đai, để đeo vào tay ; một đầu có tra một cái cán, tạo thành góc vuông với thanh gỗ, để cầm.
Khi sử dụng, người ta lòn tay vào sợi dây đai, như vậy sợi dây đai sẽ ôm vòng lấy cánh tay, chỗ sát cùi chỏ. Thanh gỗ nằm dọc theo cánh tay, phía bên ngoài, và người sử dụng sẽ nắm lấy cái cán. Nói cho dễ hiểu, thì cây xỉ cũng giống như cây dùi cui của cảnh sát Hoa Kỳ, chỉ khác một điều là cây dùi cui không có cột dây để đeo vào tay nên có thể quay được.
Người sử dụng song xỉ, nếu mặc áo tay dài và rộng thì đối phương sẽ không thấy được võ khí của mình. Lúc ấy, tôi đang bị truyện kiếm hiệp của Kim Dung hành, nào là danh môn chánh phái, nào là tà phái ma giáo. Cho nên tôi mới lanh chanh:
- Võ khí nầy là của tà giáo, không phải là của danh môn chánh phái.
Đang tươi cười, chú Cầu quay lại, nghiêm mặt nhìn tôi, vừa cung tay vỗ bồm bộp vào ngực, nơi chỗ trái tim, vừa nói:
- Chánh hay tà là ở chỗ này nè...
Trưa hôm ấy, chú Cầu dạy cho thằng em kế của tôi bài song xỉ. Vui lắm. Cái phòng khách nhỏ xíu, một góc thì chú Cầu dạy song xỉ, một góc khác thì chú Trịnh Chức đang dạy cho một thằng em khác đờn tranh, bài Lưu thủy trường. (Chú Trịnh Chức là em cô cậu của thầy tôi, lúc ấy đang làm giáo sư tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Thân phụ của chú là ông Bảy Nghệ, một tay đờn kìm nổi tiếng thuở xưa ở Quảng Ngãi. Nhưng chú Chức lại thiện thủ đờn tranh nhờ một cơ duyên khác. Số là lúc trẻ, chú đi buôn bằng ghe buồm ra miền Bắc. Thuyền bị bão, trôi dạt vào đảo Hải Nam. Chú ở đây hơn một năm, gặp một danh thủ đờn tranh. Chú dành khoảng thời gian ở Hải Nam để học đờn tranh với vị thầy nầy. Chú có một cô em là cô Phương Lan, học đờn tranh với chú, có mở lớp dạy ở Sài Gòn. Cô đẹp sắc sảo, đa tài đa nghệ, nhưng “tạo vật đố hồng nhan”, (chết khi còn quá trẻ)...
Trước khi dạy, chú Cầu biểu diễn đi hết cả bài song xỉ. Thân pháp chú nhặm lẹ, nhưng bộ tấn có hơi yếu. Trong khi đó, chú Chức, mắt theo dõi chú Cầu, tay lướt trên các sợi dây đờn, tiếng đờn dòn tan. Tay chân của chú Cầu chuyển động càng mau thì tiếng đờn của chú Chức càng dồn dập...
Cảnh nầy, trên đời khó thấy. Có chăng là ở trong những phim kiếm hiệp của Tàu...
Thầy tôi đứng coi, không khen không chê, chỉ ngậm ngùi:
- Ở tuổi già, tai mắt, tay chân gì nó cũng phản bội lại mình hết.
Chú Cầu khe khẽ thở dài.
Thầy tôi vẫn thường chê chú Cầu về nghề thuốc của chú. Mỗi lần chú khoe là đã chữa lành cho người nầy, người kia bị bệnh nan y, các bác sĩ đã chạy mặt, thầy tôi đều trề môi:
- Mầy là thầy võ có danh. Nói rằng mầy giỏi về chữa trật tay, trật chưn, gãy tay, gãy chưn thì được, chớ mầy có học thuốc bao giờ mà làm thuốc để giết người ta.
Mỗi lần nghe như vậy, chú chỉ tủm tỉm cười, không cãi.
Má tôi cũng thường nói về chú Cầu, chỉ nhắc lại những chuyện vui, thuở mà, thầy má tôi làm báo Tân Thời, tòa soạn đặt tại nhà. Chú Cầu ăn ở luôn trong nhà, không viết báo, nhưng làm đủ mọi chuyện linh tinh, từ lo phát hành báo, tới tống thư văn. Chú sẵn sàng làm đủ mọi chuyện mà các ông anh sai vặt.
Má tôi có kể một kỷ niệm vui. Một bữa má tôi nấu một nồi cà-ry, đãi tất cả tòa soạn. Chén đũa đã bày biện rồi, mọi người ngồi vào bàn rồi, chỉ chờ nồi cà-ry bưng lên là nhập tiệc. Má tôi nhờ chú Cầu bưng nồi cà-ry lên. Chú vừa đi vừa nhảy nhót sao đó, tới gần bàn ăn, sút tay, nguyên cả nồi rớt ụp xuống đất. Cả tòa soạn mất ăn. Chú Cầu, sau một phút ngẩn người, co giò phóng ra cửa chạy mất biệt. Chắc chú sợ các ông anh xúm lại đánh. Kể ra, võ nghệ như chú thì ai mà đánh chú được, nhưng phận làm em mà. Chú trốn biệt, tới tối mịt mới về...
Lần cuối cùng xuống thăm, vẫn quà cáp đầy đủ, nhưng chú Cầu có dáng buồn bã, xuống sắc thấy rõ, làm như không còn sinh khí. Thầy tôi có hỏi, chú nói là vừa qua một cơn bịnh nặng. Mãi tới khi cơm nước xong xuôi, chú mới cho thầy tôi biết rằng người con trưởng nam của chú vừa mới mất. Anh nầy, được chú rèn luyện võ nghệ từ nhỏ. Sau có học thêm Nhu đạo và Thái cực đạo, đang làm Trưởng ty Thanh niên Tây Ninh. Theo chú kể chiều hôm đó, đi làm về, anh chèo thuyền đi câu cá, tức là đang mạnh khỏe, không có triệu chứng bịnh hoạn gì hết. Trở về nhà, ăn cơm vừa xong, anh bỗng bị ngã quỵ. Khi chú hay tin, chạy tới thì anh đã hôn mê. Ông Bác sĩ Trưởng ty Y tế cũng chạy qua, khuyên đưa anh gấp vào nhà thương. Chính ông về nhà để lấy xe đưa anh đi, nhưng khi ông vừa lái xe qua tới thì cũng là lúc anh thở hơi cuối cùng.
Mất đi người con trưởng, mất đi sự kỳ vọng cả một đời, tinh thần của chú Cầu hoàn toàn suy sụp. Chú nói với thầy tôi là chú bỏ, không làm thuốc nữa, vì “con chết trong tay mình, mình không cứu được, còn cứu được ai?”. Chú cũng cho biết chú xuống lần nầy là để thanh toán tiền bạc với tiệm thuốc, rồi sẽ không xuống nữa...
Mà thiệt, đó là lần cuối cùng chú Cầu đến nhà tôi...
Chú không xuống, thì tụi tui tìm cách đi thăm.
Một lần, tôi lên Tây Ninh có việc, đâu vào giữa năm 1974. Tôi có nhờ một người bạn chở đi tìm nhà chú. Tôi không có địa chỉ của chú, chỉ đi tìm theo lời chú dặn:
-“Tới bến xe, hỏi mấy người bán hàng rong ở vệ đường, sẽ có nhiều người biết.”
Người đầu tiên mà tôi hỏi là một phụ nữ bán thuốc lá lẻ. Bà ta sốt sắng chỉ ngay, còn nói thêm:
-“Nhà thầy Năm Cầu, ở đây, ai mà không biết”.
Theo như vậy, chú Cầu làm thuốc có danh ở Tây Ninh chớ đâu có phải như thầy tôi nói “mầy có học thuốc bao giờ mà làm thuốc để giết người ta”.
Chạy xe theo con đường đất quanh co, quẹo trái, quẹo mặt năm lần bảy lượt, theo lời chỉ dẫn, tôi đến đúng ngay nhà chú Cầu.
Gặp tôi, chú mừng lắm, vội kêu thím ra cho biết mặt thằng cháu. Thím, mặt hiền lành phúc hậu, tóc bạc gần hết, người thấp, đứng đàng sau khung cửa, vui vẻ nói chuyện với tôi.
Chú Cầu không kêu tôi vào nhà, chỉ đứng kế bàn Thiên, hỏi thăm thầy má tôi. Chú hỏi đúng ba câu rồi “đuổi” tôi về, sau một cái nháy mắt...
Người bạn tôi vội vã dắt xe đi ra. Tôi chào chú thím ra về chưa kịp quan sát kỹ cây lồng mứt Nam Vang chi chít trái, trái nào cũng lớn bằng cái hột vịt, trước sân nhà chú.
Thằng em kế của tôi, khi đơn vị đóng quân ở Hậu Nghĩa, cũng tìm qua Tây Ninh thăm chú và cũng bị y như tôi, chú cũng chỉ hỏi ba câu rồi đuổi về.
Biết làm sao được, thời buổi chiến tranh và nhà chú lại nằm trong khu mất an ninh, hồi đó gọi là vùng “xôi đậu”. Gặp mấy đứa cháu, chú mừng lắm, nhưng vì sự an toàn cho chúng tôi và có thể cho gia đình chú nữa, chú buộc chúng tôi phải rời nhà chú ngay...
Đầu năm 1975, tôi có đi dự một đám cưới. Bên đàng trai là người Tây Ninh, tôi có hỏi thăm thầy Năm Cầu. Hỏi thì cũng là cầu âu vậy thôi, nhưng bà mẹ của chú rể cho biết rằng: “Thấy Năm đã mất”...
* * *
Bây giờ, gặp những đồng hương Quảng Ngãi lớn tuổi, hỏi chú Năm Cầu, không một người nào biết hết. Chú rời nơi chôn nhau cắt rún lâu quá rồi mà, lúc còn quá trẻ.
Là một thanh niên người Việt mà ngang dọc trong Chợ Lớn, được các tay anh chị “mã thầu dậu” kiếng làm đại ca, quả không hổ là trai xứ Quảng.
Thầy tôi vẫn thường nói chú Năm Cầu là người có nghĩa.
Riêng tôi, tôi thấy chú, tuy là một người theo nghề võ, nhưng lại có lối xử sự theo cung cách nhà nho. Tới nhà tôi, bao giờ cũng cho xe ngừng ở xa, rồi đi bộ vào. Biết thầy tôi tánh nóng như lửa, được gọi là “Trương Phi của làng báo”, nên thầy tôi nói gì, chú cũng không cãi, lúc nào cũng giữ phận làm em. Giỏi võ mà không bao giờ khoe. Đó là những lối ứng xử của nhà nho. Cả thím cũng vậy, tiếp khách, cho dù là một đứa cháu, cũng không bước ra khỏi cửa, giữ đúng nề nếp của người phụ nữ lớp xưa.
Về chú Cầu, tôi biết chỉ có vậy, chỉ là những mảnh vụn chắp nối. Nếu hồi nhỏ, đừng vô tâm, hỏi han tỉ mỉ, thì bây giờ, tôi đã viết được đầy đủ về cuộc đời, về tiểu sử của chú rồi. Có hối hận thì cũng đã muộn màng. Cũng như, chú đã mất ba mươi mấy năm rồi, tôi mới có cơ hội viết những dòng muộn màng về chú, mục đích để cho quý vị đồng hương Quảng Ngãi biết về một người Quảng Ngãi lưu lạc giang hồ như vậy đó.
Tên thật của chú là Ung Văn Cầu.
NGUYỄN ĐỨC LẬP