Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
CÓ NHỮNG VẦN THƠ XUÂN...
ĐÀO ĐỨC NHUẬN


CÓ NHỮNG VẦN THƠ XUÂN ...
P. Trần Đào

Lại một mùa Xuân nữa trở về. Đất trời vẫn xoay vòng một chu kỳ bất biến: Xuân- Hạ-Thu-Đông. Có thể có những cành đào thắm, có thể có những cành mai vàng...đâu đó trong những ngôi nhà của khách tha hương. Là Tết đã đến. Là Xuân đã về. Nhưng sao trong lòng khách tha hương như vẫn có một điều gì không đến, không về? Hay chưa đến, chưa về? Vẫn có người thấy lòng mình như dửng dưng hững hờ một niềm hoang lạnh tiêu sơ dù Tết và Xuân như đang chập chờn đâu đó trên mảnh đất tạm dung này:

Tết và Xuân, cuộc xoay vòng
Như con sóng vỗ, tấc lòng bụi bay
Xuân và Tết, đến không hay
Ngọn Bấc chướng, chợt dong tay gụi gần
(Lục bát Xuân – Nguyễn Mạnh Trinh)

Xuân đã về mà cứ ngỡ dường như...Vẫn chỉ là dường như. Cứ ngỡ dường như chứ không tin là mùa Xuân đã thực sự trở về. Vẫn mùa Xuân lặng lẽ. Vẫn âm thầm mùa Xuân. Cho dù có muôn hồng ngàn tía đang khoe sắc phô hương vẫn thấy niềm cố hương thôi thúc một nỗi nhớ khôn cùng – nhớ đến ngẩn ngơ những màu sắc của quê hương. Nhớ màu vàng hoa mai. Nhớ hoa đào sắc thắm. Những cánh mai vàng bắt đầu hé nụ: mùa Xuân đang trở về. Những bông đào thắm bắt đầu phô sắc: Tết đã đến rồi. Đó là những ngày xưa quê hương...những ngày cuối năm rạo rực, nôn nao, háo hức đón chờ. Lại nhớ:

Tháng Giêng, Hai giờ quê nhà cuối Chạp
Đã màu mây hồng phấn nụ Mai, Đào
Đã rộn lòng chờ đón Tết nôn nao
Chẳng phải như đây trời xa đất lạ
(Mùa Xuân nhớ về... – Trần Huy Sao)

Nhớ là nhớ sắc màu của quê hương trên chính quê hương mình. Ở đây cũng có hoa đào khoe sắc thắm mỗi độ Xuần về. Ở đây cũng có mai vàng rực rỡ mỗi lần Tết đến. Nhưng vẫn không phải là màu mai vàng của quê hương. Vẫn không phải là màu đào thắm của quê hương. Chỉ là đào, là mai của đất khách quê người dù có cũng như không. Vẫn đào, vẫn mai đâu đó để mắt vẫn nhìn mà lòng chẳng nhìn theo:

Người đi viễn xứ lòng quay quắt
Giọt lệ thương hoài vẫn chứa chan
Nhạt nhẽo Xuân về nơi đất khách
Có đâu đào thắm với mai vàng
(Xuân đất khách – Mạc Phương Đình)

Vẫn có những tâm hồn mênh mang một niềm nuối tiếc trong buổi Xuân về. Ngồi đếm thời gian, thời gian vẫn hững hờ trôi, lặng lẽ trôi… như con nước dòng sông không bao giờ trở lại. Và bâng khuâng nuối tiếc một cái gì đó không bao giờ trở lại. Để mà vấn vương. Để m đi tìm. Đi mãi đi hoài như lạc vo cơn mộng du vẫn không sao tìm được cái không khí ấm áp ngọt ngào của quê hương ngày cũ:

anh ngồi thầm lặng bên sông
nước trôi về chốn cố cùng của đêm
dạ thưa Xuân đã qua thềm
Xuân anh ngồi đếm tuổi mềm ngón tay
ra về anh ngó mây bay
rưng rưng se lạnh của ngày tha hương
anh đi cuối phố đầu phường
vẫn không thấy được trầm hương quê nhà
(Xuân mong đợi – Huỳnh Liễu Ngạn)

Không chỉ là sắc màu mà còn nhớ đến cả những mùi vị của quê hương. Mùi ngai ngái của đất ải. Mùi hăng hắc của mạ non. Mùi ngọt ngào của hương cau hương bưởi…Bỗng phảng phất đâu đó một mùi hương quen thuộc. Bao kỷ niệm chợt hiện về. Âm thầm mà da diết:

Chiều cuối năm tụ tập dăm thằng
Uống uống cười cười thật phải chăng
Lãng đãng đâu đây mùi dạ lý
Một thằng ứng khẩu: Mùi Việt Nam
(Chiều cuối năm – Đặng Phú Phong)

Ôi, mùi Việt Nam! Có cái mùi Việt Nam chăng? Có cái mùi Việt Nam thật chăng? Ôi, thân thương biết chừng nào, thắm thiết biết chừng nào mùi dạ lý hương! Thỉnh thoảng đâu đó ở nơi đất khách quê người này cũng ngan ngát mùi dạ lý hương để mà gợi nhớ, gợi thương. Làm sao quên cho được mùi dạ lý trong trong vườn chùa vào những đêm trừ tịch xa xưa!

Vậy mà bây giờ đang ở đây cách quê nhà đến những nửa vòng trái đất! “Đất trời này đâu phải của ta!” (Tháng Chạp – Trần Phù Thế). Phải rồi. Đất này của người thiên hạ. Và trời này cũng của người thiên hạ. Ngày xưa quê nhà giờ này đã rộn ràng vì Tết. Mà Tết ở đây đâu phải Tết quê nhà. Tết hững hờ mà đến. Tết hờ hững mà đi. Tết đến trên từng tờ lịch mà Tết đã không đến trong cuộc sống hằng ngày của những người xa xứ. Người thiên hạ vẫn quần quật với miếng cơm manh áo thì kẻ tha phương nào có khác gì:
 

Đã mười năm chưa một lần đón Tết
Ngày mồng một vẫn còn cày trối chết
Tám tiếng dài mờ mắt ù tai…
(Tháng Chạp – Trần Phù Thế)

Mùa Xuân về mang theo bao nhiêu niềm thương nỗi nhớ. Nhớ cha mẹ. Nhớ anh em. Nhớ bà con. Nhớ bạn bè, hàng xóm láng giềng. Nhớ ngôi đình làng những ngày mở hội. Nhớ ngôi chùa làng những tối trăng rằm. Nhớ bến sông một thời tắm mát. Nhớ con đường quê rợp bóng tre xanh…Bao nhiêu là nỗi nhớ tràn về trong tâm tưởng khách tha hương:

Em tha phương, ta cũng tha phương
Cúi xuống hôn chung một nỗi buồn
Mùa Xuân khép kín trời lưu lạc
Nỗi nhớ chạy tìm nỗi nhớ thương
(Xuân tha phương – Trạch Gầm)

Trong nỗi nhớ thương chợt bừng lên những âm thanh, những ảnh hình ngày Tết. Nghe vang vang từng nỗi nhớ những tràng pháo dòn tan trong giờ phút giao thừa. Nghe thoang thoảng từng niềm thương mùi hương trầm ngào ngạt trên bàn thờ gia tiên trong đêm trừ tịch. Đâu đây như hiện về những tà áo mới muôn màu của tuổi thơ đang ríu rít trên đường làng. Đâu đây như ngân lên những lời chúc tụng đầu năm tràn đầy niềm hân hoan rạng rỡ của các bác, các chú, của các chị, các anh. Nồng ấm tình người. Thiết tha tình chòm xóm. Đó là Tết quê hương trong nỗi nhớ ngàn trùng:

Bạn có vài giây nghĩ đến Tết
Cũng vừa đầy đủ nhớ quê hương
Tâm tha thiết đã là bàn cúng
Lễ vật nào hơn nỗi nhớ thương
(Xông Đất – Luân Hoán)

Nhưng trong muôn ngàn nỗi nhớ niềm thương mỗi độ Tết đến, Xuân về, hình ảnh đầu tiên và tha thiết nhất vẫn là ảnh hình của Mẹ đang sống âm thầm trên mảnh đất quê hương. Và hình ảnh Mẹ chợt quay về trong tiềm thức xa xăm. Mẹ một thời chắt chiu từng giọt sữa nuôi con buổi chào đời. Mẹ một thời gian nan vất vả thay Cha đang chiến đấu ngoài mặt trận để cáng đáng trăm công ngàn việc trong gia đình. Mẹ một thời băng rừng vượt suối thăm Cha trong những năm Cha bị tù đày nơi rừng thiêng nước độc. Cũng là một thời Mẹ phải hứng chịu bao nhiêu cay đắng nặng mối hận thù. Và Mẹ đã hiên ngang mà sống với những đưa con thân yêu của Mẹ.

Ôi, Mẹ một thời đã giàn trải cả tình yêu bao la cho đàn con ngày một khôn lớn ; vậy mà đã có một ngày những đứa con của Mẹ phải bỏ Mẹ mà đi!

Có thật vậy chăng? Không, không phải các con bỏ Mẹ mà đi. Mẹ đã xua bầy con của Mẹ ra khỏi cái “thiên đường đỏ oan khiên” để tìm lẽ sống tự do đích thực cho tương lai. Và bầy con của Mẹ đã cúi đầu ra đi trong thương nhớ khôn cùng.

Giờ đây, mỗi độ Xuân về, nhớ về Mẹ tóc đã bạc, lưng đã còm, mắt đã mờ, Mẹ vẫn từ ái hiện về với con trong giấc mơ đêm trừ tịch – con bỗng thấy mình bất lực, cô đơn, tất cả không còn gì ngoài ảnh hình thân thương của Mẹ:

Bao mộng ước theo biển dâu vụn vỡ
Bao Xuân buồn cũng hờ hững trôi qua
Chỉ còn đâu đây bóng Mẹ nhạt nhòa
Bẽ bàng cùng con giữa đêm trừ tịch.
(Tết này chị có về Phan Thiết – Mường Giang)

Vậy là Mẹ đã về với con trong đêm trừ tịch. Và trong cùng tận của nỗi cô đơn con đã nghe văng vẳng đâu đây lời khuyên đầu Xuân của Mẹ. Hãy nhớ, hãy nhớ nằm lòng rằng, dù lạc loài bất cứ nơi chân trời góc biển nào, trên bất cứ miền đất xa lạ nào, con của Mẹ cũng phải luôn nhớ rằng mình là người Việt Nam, rằng tổ quốc Việt Nam đã một thời cưu mang con, và văn hóa Việt Nam vẫn còn cưu mang con như những giọt sữa Mẹ đã nuôi con khôn lớn thành người:

Mẹ mừng cho con một lời chúc ngắn
Con lớn lên nơi xứ lạ quê người
Nhưng hãy nhớ Việt Nam xa vời vợi
Là chiếc nôi ru con lớn thành người.
(Mừng tuổi con – Trịnh Gia Mỹ)

Làm sao mà quên được tổ quốc Việt Nam. Làm sao quên cho được dải đất thân thương hình cong như chữ S. Làm sao quên được con đường làng rợp bóng tre xanh. Làm sao quên được ngôi đình làng vào những đêm trăng sáng. Làm sao quên được Hà-Nội-ngàn-năm-văn-vật. Và làm sao quên được Sài-Gòn-hòn-ngọc-Viễn-Đông. Để mỗi độ Xuân về Tết đến lại thấy hồn mình như chìm đắm trong ảnh hình của đất Tổ quê Cha:

Xuân đêm qua ai mơ về Hà Nội?
Xuân đêm nay muốn trở lại Sài Gòn?!
(Hồ Thành Đức)

Đã có mấy ai không mơ một ngày được đặt chân lên mảnh đất quê hương vào những ngày Tết đến Xuân về để tìm lại ảnh hình của một quê hương ngày xưa thân ái? Để được nhìn lại một mùa Xuân đích thực Việt Nam:

Còn mẹ, còn em, câu đối đỏ, mai vàng
Đêm giao thừa tiếng pháo nổ rền vang
Đường phố giăng hoa, hội hè đình đám
Nước vòng ngọc phủ vai cơn nắng hạn
Khúc hoan ca vang dậy cả đền đài
Xuân sẽ về, bé ơi…
Vàng, vàng cả một trời mai.
(Em bé ơi, mai Xuân về – Trần Anh Lan)

Và một niềm ước ao đến cháy bỏng tâm can hàng triệu con dân Việt đang sinh sống trên khắp nẻo địa cầu đang hướng về Quê Mẹ qua ngàn trùng xa cách để tự hỏi: Biết đến bao giờ? Biết đến bao giờ?

Chao ơi! Cúi mặt mà thêm thẹn
Xuân đến, lòng đau, ứa lệ buồn
Bao giờ ta trở về quê nhỉ?
Đi giữa cờ bay, giữa trống dồn???

(Lá thơ Xuân – Ngô Minh Hằng)./.

P. TRẦN ĐÀO

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh