Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
...THU-XÀ TRONG TRÍ NHỚ
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

THINH QUANG, THU-XÀ TRONG TRÍ NHỚ
Đào Đức Nhuận.

Thu Xà, một vùng đất nhỏ nằm cạnh biển Đông, cách thị xã Quảng Ngãi ước chừng mươi cây số ngàn về hướng đông quả là một vùng đất kỳ diệu – kỳ diệu vô cùng. Chúng ta làm sao có thể tưởng tượng được một cuộc đất rộng không quá ba cây số vuông mà đã cung cấp cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam, chứ không phải chỉ riêng cho Quảng Ngãi mà thôi, những người con đáng trân trọng:
Về thơ, Thu Xà là quê hương của nhà thơ Bích Khê (1916-1946), tác giả thi phẩm bất hủ Tinh Huyết, một thi phẩm đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các nhà thơ và các nhà phê bình văn học Việt Nam trải qua nhiều thế hệ từ khi tác phẩm mới chào đời vào năm 1939 cho đến ngày nay.

Tuy không nổi tiếng như Bích Khê, nhà thơ Mộng Đài (1922-2004) cũng đã xuất bản 2 tác phẩm thơ tại Sài Gòn: Chiều Xóm Vạn (1942) và Lỡ Làng (1943). Ông cũng là một nhà báo kỳ cựu, từng cộng tác với tờ Sài Gòn Mới của ông bà Bút Trà trước năm 1945, từng là Tổng thư ký và phụ tá chủ nhiệm cho các báo Trường Sơn (Đà Nẵng) và Dân Luận (Sài Gòn) từ năm 1970 đến năm 1975 do đường đệ của ông là nhà báo Thinh Quang đứng chủ trương. Năm 1963, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Văn phòng Đại diện Báo chí tại Vùng I Chiến thuật.

Đồng thời với Mộng Đài và hiện nay còn sinh sống tại Hoa Kỳ, đó là nhà thơ Trúc Nam (Trần Thiên Bích) với những bài thơ Đường thật thâm thúy, nặng lòng với quê hương đất nước. Ông đã từng có thơ đăng trên báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng vào những năm đầu của thập niên 40 trước khi tờ Tiếng Dân bị đình bản (1943) và là tác giả của các thi phẩm Trúc Nam 1 và 2 được xuất bản gần đây tại Hoa Kỳ.

Về văn, Thu Xà là quê hương của nhà văn nữ Miêng, tên thật là Võ Thị Xuân Sương, hiện làm Quản thủ Thư viện Quốc gia Pháp (phần Việt ngữ) và là tác giả của tập truyện Đôi Mắt (1973), tuyển tập truyện ngắn Miêng (1999) và một tuyển tập truyện dịch (2001).

Về nhạc, Thu Xà là quê hương của nhạc sĩ vĩ cầm Trần Cang tức Trần Quang Cang (1905-1968), “là tay vĩ cầm từng được các nhạc sĩ trứ danh ở Pháp ca tụng”.

Về họa, Thu Xà là quê hương của họa sĩ Nghiêu Đề, tác giả của bức họa Chân Dung, huy chương Bạc trong cuộc triển lãm hội họa mùa Xuân 1961. Ngoài hội họa, Nghiêu Đề còn là tác giả của tập truyện Ngọn Tóc Trăm Năm và truyện vừa Vực Hồng – tên của một khúc sông chạy cạnh con phố nhỏ Thu Xà.

Và Thu Xà cũng là quê hương của nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, nhà báo lão thành Thinh Quang.

Là nhà thơ, tuy không để lại thi tập nào nhưng thơ ông đã được đăng rải rác trên nhiều tạp chí văn học từ năm 1943 cho đến nay và tên tuổi ông cũng đã từng gắn liền với bài thơ Hoa Thơ được nhiều người biết đến từ thời tiền chiến.

Là nhà văn, Thinh Quang đã để lại nhiều tập tiểu thuyết, tiêu biểu nhất đó là các tiểu thuyết Chú Mẽng Tiểu Truyện xuất hiện từ năm 1943, sau đó là các bộ truyện Hỏa Thiêu Thiên Đường, Khiết Linh, Nắng Thôn Đoài, Mưa Bên Này Nắng Bên kia, Mối Tình Vương Giả, Kiếp Hồng Nhan, Những Loài Hoa Dại, Như Hạt Sương Mai…

Là nhà biên khảo, Thinh Quang đã để lai nhiều tác phẩm giá trị như Văn Hóa Đông Phương, Con Rắn Lửa Huyền Diệu Trong Nền Triết Học Đông Phương, Bí Mật Hy Mã Lạp Sơn, Hoa Vàng Trong Thạch Động, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Bí Ẩn Của Cái Chết…

Là nhà báo, Thinh Quang đã từng cùng nhà báo Tế Xuyên lèo lái tờ nhật báo Dân Báo và tuần báo Thanh Niên Đông Pháp của cụ Trần Văn Hanh năm 1943 lúc ông mới tròn 20 tuổi, và từ bấy đến nay, ròng rã trong vòng hơn 60 năm, ông là một nhà báo miệt mài với cây bút của mình:

- Đã từng cộng tác với nhật báo Tin Mới (Hà Nội) và tuần báo Sports Jeunnesses de l’Indochine (Hà Nội) trước năm 1945 và sau năm 1954 đã cộng tác với các báo ở Sài Gòn như Tin Điển, Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, Ngôn Luận của Hồ Anh, Trắng Đen của Việt Định Phương, Dân Nguyện, Khỏe và Tin Sớm.

- Đã từng đứng chủ trương tuần báo Trường Sơn ở Đà Nẵng (1970-1975) và nhật báo Dân Luận ở Sài Gòn (1973-1975)

- Sau khi đến định cư tại Hoa Kỳ, ông cũng đã từng làm chủ bút nhiều tờ báo tại hải ngoại như nguyệt san Hồn Việt, nhật báoTrắng Đen , tạp chí Trí Thức, bán nguyệt san Viễn Xứ …và cộng tác bài vở với các báo Hải Ngoại Nhân Văn, Thằng Mõ ….

- Và đặc biệt, là nhà văn của quê hương núi Ấn sông Trà, trong 13 năm qua, ông đã đóng góp bài vở thường xuyên cho các Đặc san Xuân của các hội đồng hương Quảng Ngãi ở vùng New England, bắc California và nam California.

Ngoài những bài biên khảo về văn hóa và văn minh Việt Nam, đáng lưu ý nhất là những bài viết về nơi chôn nhau cắt rốn của ông: phố nhỏ Thu Xà, một tiểu nhượng địa của người Pháp nay đã hoàn toàn “đi vào huyền thoại.”

Ông yêu Thu Xà của ông ngay từ thưở ông còn là một thanh niên ở lứa tuổi đôi mươi. Hãy nghe ông nói về dòng sông quê hương Thu Xà của ông – sông Vực, còn gọi là sông Vực Hồng hay Hồng giang đoạn cuối cùng của dòng Vệ giang trước khi đổ ra cửa Đại qua bài thơ Hoa Thơ đã được ông sáng tác từ năm 1940:
…….


Xuân chiều nghe bỡ ngỡ
Thuyền lặng ngắm mây mờ
Bên kia trời Thiên Ấn
Khuất sau lũy tre xanh
Bên đây trời Long Phụng
Ẩn hiện khóm mây vàng
……….


Ngự thuyền chơi sông Vực
Cúi hái mảnh trăng mờ
Về chơi bờ sông Vực
Mơ cảnh Động Đình hồ
Đôi ta – chừ Lý Bạch
Vỗ tay cười khanh khách
Cầm bút trổ Hoa Thơ.

 

Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là những bài biên khảo viết riêng về phố nhỏ Thu Xà rất thân thương của ông mà ông vẫn hằng xưng tụng “Phố Thu một thời vang bóng”.

Bằng ngòi bút linh hoạt và chừng mực, bằng trí nhớ còn khá minh mẫn dù tuổi đời đã cao, ông đã giới thiệu cho chúng ta những tính cách đặc biệt của vùng đất quê hương ông từ lịch sử thành lâp, sinh hoạt kinh tế, tổ chức hành chánh, xã hội, tôn giáo đến những truyền thuyết trong dân gian . . .

Ngay trong lịch sử thành lập của nó, Thu Xà đã mang những nét đặc trưng hiếm thấy ở những địa phương khác. Bắt nguồn từ một vạn chài của các ngư dân, nhờ nằm vào một vị thế đặc biệt – nơi giao tiếp của hai con sông lớn của Quảng Ngãi là sông Trà Khúc và dòng Vệ giang đổ ra cửa biền chính Cửa Đại, vạn Thu Xà – nguyên có tên là vạn Tiên Sà – đã “đón nhận các khách thương ngoại quốc từ Trung Hoa đến Hương Cảng, Ma Cao … liên tục kéo đến để trao đổi hàng hóa như vải sồ, tơ sợi, các đồ gốm, đồ sứ v.v... để đổi lại các nhu yếu phẩm thuộc loại thổ sản của Quảng Ngãi như đường, gạo, các loại đỗ xanh, trắng, đen, đỏ và luôn cả quế chi, quế bản từ các ngả Trà Bồng, Ba Tơ …” (1)

Để có nơi trao đổi hàng hóa, các thương nhân phải lập những kho chứa hàng, một số được phân công ở lại trông coi hàng hóa và thu mua hàng thổ sản của các thương nhân bản địa. Và dần dần một phố thị bắt đầu được hình thành. “Tìm được nơi “đổ hàng” nơi địa phương có đủ lợi thế về đường thủy, các ghe bầu xuôi từ mạn nam Trung Hoa gồm đảo Hải Nam, Hương Cảng, Áo Môn, Quảng Đông và từ cửa biển Phúc Kiến, xuất phát từ Hạ Mộn Sơn, càng ngày càng nhiều … khiến vạn Thu Xà trở thành khu trung tâm thương mại thịnh vượng nhất lúc bấy giờ. Từ đó người Hoa ở các miền nam Trung Hoa đến định cư và lập thành hai dãy phố chạy dài hơn hai cây số ngàn và có chiều rộng ngang nhau kể từ ven bờ sông Vực kéo tận địa đầu xã Phú Cường giáp ranh với xã Tư Nguyên (vạn Phú Thọ)” (2)

Phố nhỏ Thu Xà bắt đầu phát triển mạnh cũng là lúc người Pháp đặt xong nền đô hộ trên toàn cõi lãnh thổ Việt Nam (1884).Từ khi Thu Xà biến thành một trung tâm thương mại quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi vào cuối thế kỷ 19, người Pháp đã buộc triều đình Huế ký nhượng khu trung tâm thương mại này thành tiểu nhượng địa cho Pháp và từ đây Tiên Sà được đổi tên là Thu Xà. (3)

Về tổ chức hành chánh của Thu Xà cũng khá đặc biệt. Vì là một tiểu nhượng địa của Pháp, mọi sinh hoạt hành chánh đều trực thuộc quyền cai quản của một viên Đồn trưởng người Pháp được viên Công sứ tỉnh bổ nhiệm, dưới quyền Đồn trưởng là một Bang tá, một Phường trưởng người địa phương. Cư dân ở đây một phần nhỏ là người Việt bản địa, còn phần lớn là người Trung Hoa chia làm hai làng người Việt gốc Hoa, đó là các làng Minh Hương và Tân Thanh (về sau đổi là Tân Thuộc) đứng đầu mỗi làng một Thuộc trưởng có quyền hạn như Lý trưởng trong cơ cấu tổ chức làng xã Việt Nam và 4 cộng đồng người Hoa không nhập Việt tịch gồm có các Bang: Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Quảng Đông.(4) Họ có một tổ chức bang hội khá chặt chẽ, với nhiều hình thức sinh hoạt thiết thực để duy trì truyền thống văn hóa của từng bang hội, “mỗi bang đều có chùa và nhà hội cũng như trường học riêng (dạy bằng Hoa văn). Tuy nhiên, để tỏ ra đoàn kết, họ chung tiền cùng nhau lập thêm một ngôi chùa có tính chất thờ phượng chung không phân biệt bang giới. Đó là chùa Tứ Bang, hiện nay vẫn còn tàng tích ở Thu Xà. Ngoài ra, tất cả Hoa kiều phố Thu Xà dựng thêm một công sở, nơi của toàn thể Hoa kiều làm việc chung khi cần có lễ lạt của họ” (5)

Như ở trên ta đã thấy, Thu Xà đã tiếp đón các thương nhân Trung Hoa từ miền Hoa Nam đổ về đây, ban đầu chỉ dựng lên những nhà kho để chứa hàng hóa trao đổi và một số trong bọn họ đã chọn nơi nầy làm quê hương thứ hai và từ đó người Hoa đến cư ngụ mỗi ngày mỗi đông “nhờ vậy mà phố Thu lúc bấy giờ chẳng khác nào nơi đô hội. Việc buôn bán khá sầm uất, hàng năm kể từ tháng Giêng cho đến giữa tháng Sáu xem như hoàn tất! Sáu tháng sau đó tức từ tháng Bảy đến đầu năm mới là thời gian nghỉ ngơi, Tết nhất!” (6).

Nguồn lợi về kinh tế của khu tiểu nhượng địa Thu Xà đã khiến cho các nhà tư bản Pháp đặc biệt lưu tâm. Trong lúc tỉnh lỵ đóng tại làng Chánh Lộ (nay là thị xã Quảng Ngãi) là trung tâm hành chánh quy tụ các “dinh” của các quan Bố chánh, Án sát, Lãnh binh trực thuộc triều đình Huế và dinh thự của quan Công sứ Pháp không được phát triển thì người Pháp lại chú tâm phát triển khu phố nhỏ Thu Xà.“Nhận thấy Thu Xà là một thị trường có thể thu về nguồn lợi lớn nên một trong những công ty hàng đầu của Pháp là L.U.C.I.A. nhảy vào mở chi nhánh bán các loại hàng như vải vóc, tơ sợi để tranh lại với các loại hàng tơ lụa của Tàu nhập cảng ồ ạt…Hai công ty bán dầu hỏa như hãng xăng Shell tức hãng Con Sò của Hoa Kỳ và Socony của Pháp cũng thiết lập các kho chứa dầu bán ra cho dân chúng trong toàn tỉnh và luôn cả các tỉnh miền trong như Bình Định, Phú Yên.” (7)

Sinh hoạt kinh tế sung túc đã tạo cho Thu Xà một bộ mặt khá hấp dẫn. Để nói về quê hương mình vào thuở thịnh thời của nó, nhà văn Thinh Quang đã hồi tưởng lại những tình cảm mà mọi người đã dành cho quê hương Thu Xà của ông và ông đã hứng khởi đưa ra nhận xét: “Ngày xưa người ta đến với Thu Xà thì dễ, song rời khỏi Thu Xà thì thật khó lòng mà thoát ra được. Đừng hỏi tại vì sao! Điều dễ hiểu là nơi đây phong cảnh hữu tình, có “Đường lên Hội Quán”, có “Dòng Hồng giang thơ mộng”, có những tập tục đặc biệt và cũng lắm “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm” đã làm cho kẻ đến phải lưu luyến mãi mà bỏ đi không đành!” (8)

Quả là Thu Xà có những tập tục khá đặc biệt như lời xác nhận của nhà văn Thinh Quang. Trong những bài viết riêng về Thu Xà, ông đã lần lượt giới thiệu cho chúng ta những sinh hoạt tôn giáo hay những sinh hoạt xã hội mang tính truyền thống của mỗi sắc dân đến ngụ cư tại thành phố nhỏ nầy. Có những sinh hoạt có vẻ huyền bí nhưng có lẽ chính ông đã từng được chứng kiến nên đã quả quyết“có thể nói đây là phố thị duy nhất có các nhân vật sử dụng Vạn Pháp Quy Tôn như “vãi đậu thành ma” làm thành đạo âm binh để điều khiển một việc gì đó. Đây không phải là một huyền thoại, mà là một sự thật đã từng được mang ra biểu diễn trong một phạm vi hạn chế có tính cách mua vui trong chốc lát. Thế nhưng về sau bị mật thám Pháp theo dõi vì nghi ngờ là một tổ chức chính trị muốn lật đổ chế độ thực dân.” (9) Ông cũng cho chúng ta thấy một vài sinh hoạt tín ngưỡng đặc biệt của nhóm Hoa kiều ngụ cư mà cư dân người Việt bản địa hiếm khi nghe nhắc đến: “Lễ Vía Bà được chùa Minh Hương tổ chức dành cho các bà hiếm muộn đến dâng hương cầu tự, các cô muốn kén chồng cũng dẫn nhau đến khấn vái.” (10)

Vào dịp Tết, dân chúng ở đây theo một “lễ hội truyền thống được gọi là “Nghênh Hội”. Trong lễ này có tiết mục khá độc đáo là các nhi đồng được hóa trang như các nhân vật lịch sử đứng trên chiếc bàn gỗ bốn chân được trang hoàng sặc sỡ diễn lại các vở tuồng thần thoại như vở Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh hay Khương Thượng câu cá chờ ngày ra phò vua giúp nước…” (11)

Về sau “nghênh hội” của ngày Tết biến thành “chưng cộ” vào dịp lễ Vu Lan. Vào dịp này, trước ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, dân chúng các bang hội Phước Kiến, Triều Châu, Hải Nam tổ chức “chưng cộ”, một hình thức giống như diễn hành xe hoa ngày nay. Điểm khác biệt là trên mỗi bàn cộ người ta cho các diễn viên ăn mặc như trên sân khấu, diễn các sự tích châm biếm lẫn nhau giữa các bang hội. Vì vậy, thỉnh thoảng trong các cuộc “chưng cộ” như thế lại xảy ra những cuộc ẩu đả giữa dân chúng các bang hội.(12) Rồi sau ngày rằm, mỗi gia đình tùy theo giàu nghèo mà dâng lên các mâm cỗ, thường các mâm cỗ được thiết kế bằng các loại bánh in, bánh gói, nhà giàu thì mâm cỗ là một con heo quay, xong bày trước mặt nhà, các thanh niên lực lưỡng đến từng nhà thỉnh mâm cỗ đem đặt trên một dàn cỗ dài cả vài ba trăm thước, bề ngang vài thước, bề cao vài thước. “Cúng kiếng xong, các thầy chùa vãi tiền, mọi người xúm nhau chụp mang về, gọi là “tiền vía”, có phép trừ tà ma, đem xâu vào dây chuỗi và đeo vào cổ cho con cái nhỏ tuổi... Khi lễ hoàn tất, những người của chùa đứng bên trên xô tất cả các cây cỗ xuống đất để cho hàng ngàn người đang chờ sẵn bên dưới tranh nhau chụp lấy mang về nhà” (13) “Cảnh tượng xô bồ chẳng khác nào đám đánh cướp, nhưng cuối cùng họ rất thảo lảo, kẻ được nhiều phân phối lại cho những người không có. Quan niệm của người dân lúc bấy giờ cho là ăn được bánh cúng ma quỷ thần linh…gặp được nhiều điều may mắn”.(14)

Nếp sống của người dân Thu Xà vào thuở thịnh thời cũng thật khác lạ. Có lẽ chỉ có những thương gia Hoa kiều mới có nếp sống đặc biệt thoải mái như thế. Chúng ta hãy nghe nhà văn Thinh Quang nhận xét về nếp sống của người dân quê hương mình qua lời kể như sau: “Đặc biệt, một năm các thương gia buôn bán chỉ sáu tháng. Còn sáu tháng sau cùng thì nghỉ ngơi, dành cho chuyện cúng bái, vui chơi, giải trí hoặc trở về quê hương … để rồi sau đó họ trở lại với công việc khai thác tiền bạc như thường nhật.” (15)

Thực vậy, ngoài những lễ hội lớn tiêu biểu như vừa kể, người dân Thu Xà còn biết hưởng thụ cuộc sống một cách vô cùng hào hoa và phóng khoáng. Họ có thể mời các gánh cải lương nổi tiếng như các gánh hát của Phùng Há, Năm Phỉ từ Sài Gòn ra, mời đoàn xiếc nổi tiếng Đông Dương của Tạ Duy Hiền từ Hà Nội vào. Họ còn mời cả các gánh hát của người Trung Hoa từ Hương Cảng hay Quảng Đông sang trình diễn.(16) Đó là chưa kể các bộ môn nghệ thuật đặc biệt mà người Hoa kiều đã mang từ quê quán xa xăm của họ đến quê hương mới Thu Xà để trình diễn vào những dịp lễ lạt hay tết nhất, đó là “điệu Vũ Trường Đăng – một điệu vũ nổi tiếng nhất về nghệ thuật vũ lộng. Hàng trăm cô gái mỹ miều cầm đèn lồng đủ màu sắc nhảy múa, uốn lượn uyển chuyển trông hệt như rồng uốn khúc.” Hay “điệu múa trống Sơn Tây được nhiều người hâm mộ” (17)

Nhờ những tiết lộ của nhà văn Thinh Quang, chúng ta cũng được biết, vùng đất quê hương Thu Xà của ông cũng chính là một phố thị sầm uất vào một thưở xa xưa của người Chiêm Thành bằng vào các di tích hiện vật được tình cờ tìm thấy về sau này. Do lũ lụt làm sạt lở bờ sông Vực Hồng vào khoảng giữa thập kỷ 30 của thế kỷ trước, “người ta đã phát giác ra một khối lượng vàng thẻ khá lớn. Các vàng thẻ này đã được người Chiêm Thành trước khi mang chôn đã bó sẵn thành từng bó, mỗi bó ước lượng một cân. Ngoài ra còn có một số khá lớn các đồ sành sứ, các cổ vật, các tượng Chàm, các bia đá v.v… Tất cả những vật quý hiếm này, viên Đồn trưởng người Pháp cho lính chân đất – tức lính Khố xanh – đứng canh gác để vận chuyển về Kho Bạc của Tòa Sứ tại tỉnh lỵ (tức thị xã Quảng Ngãi ngày nay)”.(18) Sau vụ sạt lở, cũng tại vùng sông Vực Hồng này, người ta cũng đã “khai quật được các tượng quý giá như tượng Laksmi có chiều cao gần 1 mét tây, tượng Tara ngay tại bến Cây Sanh (ngoại ô phố Thu) một pho tượng lớn khắc hình tượng các con khỉ vuông vức mỗi chiều lối 0.5 cm” (19)

Trong phần Tự Tựa của câu chuyện dân gian “Đêm giao thừa ăn Tết với ma”, nhà văn Thinh Quang cũng đã cho chúng ta biết những di tích Chàm cũng được tìm thấy ở một địa điểm khác, kế cận với phố nhỏ Thu Xà, đó là khu Rừng Cấm. “Vào những thập niên 20, 30 của thế kỷ XX thời Pháp thuộc, dân cư trong vùng thường bắt gặp hay đào bới lên tìm thấy các rương hòm, trong đó có chứa các đồ vật bằng vàng bạc, các chén bát bằng sứ, các hương liệu…”(20) “Ngoài ra tại khu Rừng Cấm còn khai quật lên được các pho tượng nhỏ khác như hình tượng Vũ Nữ, tượng Chèo Thuyền (Khmer) cũng như các tượng thần Skandar, Vòm Cửa, Kéo Co chôn giấu tại các hầm được hóa trang thành các ngôi cổ mộ! Đặc biệt còn có cả một số bia đá khắc bút pháp theo chữ viết Chiêm Thành, các nhà khảo cổ lúc bấy giờ xác định đó là những bài thơ hoặc các danh ngôn của thánh nhân hay lời lẽ sấm truyền lưu lại cho hậu thế…Các pho tượng thần, Phật, cổ điêu, chèo thuyền cùng một số sau này mang ra trưng bày tại Cổ Tàng viện Chàm Đà Nẵng…” (21)

Theo truyền thuyết trong dân gian bản địa, cũng qua lời kể của nhà văn Thinh Quang, “Sau cái chết của Chế Bồng Nga*, vương quốc Chiêm Thành gặp nhiều khó khăn nên thế quân sự bắt đầu suy yếu, không chống cự được với các lực lượng nam chinh của Đại Việt, bèn kéo nhau lui dần về phương Nam. Một bộ phận của vương triều Chiêm Thành được xem là hùng hậu nhất đã âm thầm vào ngay trong khu Rừng Cấm lập thành một chiến khu chống cự lại với các cánh quân Nam chinh của Đại Việt.

Sau nhiều năm trú đóng tại khu Rừng Cấm, quốc vương Chiêm Thành cho đào hào, đắp lũy, xây hầm hố kiên cố để trú ẩn kháng cự. Nhờ vậy quân Chiêm cầm chân được đạo quân hùng hậu của tướng nhà Hồ là Đỗ Mãn tại ngay lằn ranh phía tây của xã Phước Lộc (đến đời Pháp thuộc đổi lại là Phước Long). Theo các lời đồn đãi trong dân gian địa phương, vua Chiêm đã chôn cất của cải quý báu như châu báu, vàng bạc, theo lời loan truyền gần như toàn bộ tài sản của vương triều Chiêm Thành. Nơi chôn giấu của cải quý giá này được hóa trang hình dạng những chiếc tháp hoặc các ngôi cổ mộ được xây bằng loại vôi trắng khá rắn chắc…” (22)

Trên đây chỉ là những truyền thuyết được kể trong dân gian bản địa để giải thích các di vật của người Chiêm Thành được khám phá trong khu Rừng Cấm như đã được kể ở trên.

Cũng giống như Phố Hiến của Hưng Yên, Phố Hội của Quảng Nam, Phố Thu của Quảng Ngãi sau một thời kỳ hưng thịnh cũng đã dần dần đi vào vòng suy thoái. Nguyên do suy thoái của Phố Thu đã được nhà văn Thinh Quang đưa ra trong nhận xét như sau: “Thu Xà là một phố thị tiên phong xây dựng nền kinh tế cho tỉnh nhà. Nhưng kể từ ngày con đường xe lửa xuyên Việt cũng như quốc lộ 1 hình thành, đường thủy trở nên thứ yếu. Trục giao thông thương mại tập trung bằng đường bộ. Bắt đầu từ đó, Thu Xà suy thoái dần, nhường lại cảnh thịnh vượng cho thị xã Quảng Ngãi.(23)

Đã hơn 60 năm kể từ ngày quê hương Thu Xà của ông chìm trong khói lửa của cuộc chiến tranh Việt Pháp (1946-1954), không một ai còn nhắc đến tên tuổi của phố nhỏ Thu Xà như một trung tâm thương mại oanh liệt một thời của tỉnh Quảng Ngãi nữa. Kể từ cái năm định mệnh 1946 đã dìm Thu Xà vào lãng quên đó, thỉnh thoảng người ta có nhắc đến tên Thu Xà là khi người ta nhắc đến tên của nhà thơ tên tuổi Bích Khế (1916-1946) hay nhắc đến một danh lam, được xem như một thắng tích duy nhất còn sót lại của Thu Xà, đó là ngôi Chùa Ông.

Trong bài viết “Nếp sống văn hóa và các tập tục độc đáo tại phố nhỏ Thu Xà”, ông đã ngậm ngùi nêu lên một lời trách cứ thật nhẹ nhàng nhưng không kém phần thống thiết:

“…Thu Xà là một địa phương có những sắc thái văn hóa khác thường mà nhiều tập tục không thấy có trên toàn cõi đất nước nầy. Tiếc thay các nhà làm văn hóa trong nước đã không hề biết đến, ngay cả “Non Nước Xứ Quảng” của Phạm Trung Việt, một địa phương chí được ấn hành từ thập niên 60 cũng không thấy ghi nhận các đặc điểm mà không thể thiếu sót nầy được”.

Vì hoàn cảnh chiến tranh và nghề nghiệp, rồi sau đó vì vận nước tang thương, nhà văn Thinh Quang đã phải lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình biền biệt hơn bốn mươi năm. Hơn bốn mươi năm bao nhiêu nước đã chảy qua cầu! Hơn bốn mươi năm đã bao nhiêu lần dâu bể! Tuy xa quê, nhưng ông làm sao quên được những đêm trăng trên dòng sông Vực ; ông làm sao quên được tiếng sóng biển rì rầm của bến cửa Thu Xà ; ông làm sao quên được những câu chuyện kể về những con ma ở chùa Hải Nam, những bóng ma Hời nơi khu Rừng Cấm. Tất cả, tất cả đã biến thành tình tự quê hương, tình tự đất nước dưới ngọn bút hoài cổ của nhà báo lão thành Thinh Quang, với lời than thở ngậm ngùi cho những đổi thay của quê hương và của con người:

“Phố Thu ngày nay không còn nữa. Lớp người cũ đã ra đi, lớp mới từ các địa phương lân cận kéo về chiếm ngụ. Những dấu tích của Thu Xà ngày xưa hoàn toàn biến mất. Tất cả giờ đây chỉ còn lại trong ký ức của mọi người. Nếu còn chăng thì âu chỉ là con “Đường lên Hội quán sương sa xuống”, nhưng “Những nàng lai Khách mắt buồn mơ” theo lời thơ của Bích Khê thì chỉ còn là vang bóng một thời, vĩnh viễn chẳng còn tìm ra được nữa.”(24)

Los Angeles, 3-2007
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Tham khảo:


1. Thu Xà: Thành phố nhỏ của một thời vang bóng – Đặc san Quảng Ngãi Nam California, 1996.
2. Nếp sống văn hóa và các tập tục độc đáo tại phố nhỏ Thu Xà – Đặc san Quảng Ngãi Nam California, 1997.
3. Thu Xà phố nhỏ tưởng chừng như đi vào huyền thoại – Đặc san Quảng Ngãi Bắc California, 1999.
4. Thu Xà: Từ lễ hội đến chùa chiền miếu vũ – Đặc san Quảng Ngãi Nam California, 2003
5. Thu Xà một thời vang bóng: Từ con đường tơ lụa đến dấu tích của đất nước Chiêm Thành – Đăc san Quảng Ngãi Bắc California, 2003.
6. Thu Xà ngày Xuân: tết và tập tục – Đặc san Quảng Ngãi Nam California, 2005.
7. Đêm giao thừa ăn Tết với ma – Đặc san Quảng Ngãi New England, 2003
8. Ngày Xuân nói chuyện Rừng Cấm – Đặc san Quảng Ngãi Nam California, 2006

Ghi chú:


* Chế Bồng Nga, quốc vương Chiêm Thành, tử trận tại Thăng Long năm 1390.
1. Thu Xà một thời vang bóng…
2. Thu Xà từ lễ hội…
3. Thu Xà thành phố nhỏ…
4. Thu Xà từ lễ hội…
5. Thu Xà thành phố nhỏ
6. Thu Xà từ lễ hội…
7 Thu Xà thành phố nhỏ…
8. Nếp sống văn hóa và các…
9. Nếp sống văn hóa và các…
10. Nếp sống văn hóa và các…
11 Thu Xà ngày Xuân…
12. Nếp sống văn hóa và các…
13. Thu Xà phố nhỏ tưởng chừng…
14. Thu Xà từ lễ hội…
15. Thu Xà thành phố nhỏ…
16. Thu Xà thành phố nhỏ…
17. Thu Xà ngày Xuân…
18. Thu Xà một thời vang bóng…
19. Thu Xà một thời vang bóng…
20. Đêm giao thừa ăn Tết…
21. Ngày Xuân nói chuyện…
22. Ngày Xuân nói chuyện…
23. Thu Xà thành phố nhỏ…
24. Thu Xà ngày Xuân…

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh