Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 15, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
BẦU ĐẾ QUÊ TÔI
ĐỖ VĨNH KHANH


BẦU ĐẾ QUÊ TÔI
Đỗ Vĩnh Khanh

Nếu ai có dịp về thăm Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi, dừng chân tại chợ Đồng Cát nhin vè hướng Tây thì thấy dãy núi màu vàng đậm chắn ngang, dài khoảng 2.5 km, cao độ 101m so với mặt nước trung bình của biển, nằm song song với Quốc lộ 1 là núi Rồng Vàng. Phía Tây chân núi có một làng nhỏ, đó là làng Bầu Đế quê hương tôi. Vị trí dịa dư nổi lên đặc biệt, núi đồi, thung lũng bao quanh cấu tạo bởi thiên nhiên với hình thề cánh cung tiếp giáp với dãy Trường Sơn. Những dòng suối và khe nước chảy phun ra trắng xóa xem như một bức tranh sơn thủy sống động, kỳ vĩ. Làng mạc đồng ruộng bị cắt ngang do con đường sắt xuyên Việt và kênh đào. Nơi nầy tôi được sinh ra và lớn lên trải qua biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Vị trí nhà cửa, trại chăn nuôi được xây dựng rãi rác dọc theo chân núi Rồng Vàng, núi Miệt, núi Thị.

Thời tiết quê tôi thay đổi theo từng mùa rõ rệt. Mùa Xuân buổi sáng se lạnh thường có sương mù bao phủ. Mùa Hạ khí hậu mát mẻ bởi có gió Nồm mang hơi nước của dòng suối Mơ và kênh đào Nam sông Vệ. Mùa Thu mây trời xuống thấp, nắng nhuộm vàng trên thung lũng, nhiều loài chim bay về nơi đây ăn trái trốn lạnh dưới những tàng cây cổ thụ. Mùa Đông ảnh hưởng khí hậu núi rừng nên độ mưa nhiều hơn nơi khác, sau cơn mưa có khói đá núi bao quanh. Phong cảnh non nước hữu tình cấu tạo bởi thiên nhiên, cộng với sự cần cù xây dựng bao đời của ông cha lưu lại đã cho quê tôi một màu sắc cảnh trí tuyệt đẹp. Tôi nhớ nhà thơ Hoài Thương Hải trong thi tập “Dấu Chân Còn Đó” viết cho người yêu tên là Lệ Hằng có cái nhìn tổng thể khi ông đến thăm làng tôi, ông cảm khái viết 4 câu thơ:

Về thăm Hằng ngang Tân Phong lặng lẽ
Con đường làng gió thơm ngát hoa cau
Nắng đọng buồn soi vàng trên thung lủng
Mây trắng ban chiều bơ vơ trôi mau...
(Hoài Thương Hải)

Làng tôi vốn là vùng đất màu mỡ, nổi tiếng có nhiều loại cây ăn trái như mít, xoài, trâm, bứa, nhản, nhất là cau, thơm tẻ, thanh trà, tiêu, đào lộn hạt hợp với phomg thổ nên kết rất nhiều quả. Trái lại đường giao thông không được tiện lợi. Trước đây chưa khai phóng con đường xuyên qua núi Rồng Vàng, dân làng phải đi bộ vượt qua núi để giao thương buôn bán hoăc liên hệ mọi vấn đề sinh hoạt như kinh tế, chính trị, giáo dục v.v...Thưở tôi còn đi học ưa chọc phaá, bắn bi, bắn ná cao su, đánh lộn, mỗi lần gây chuyên với bạn bè, thường bị chúng trêu chọc bằng những câu thơ lục bát châm biếm khó nghe, chúng nói mãi đến sau nầy trở thành câu ca bất hủ lưu lai cho thệ hệ sau nầy không thể lay chuyển:

Ham chi một trái mít đèo
Cò chồng Bầu Đế phải trèo qua dông

Có đôi lúc tôi cảm thấy hổ thẹn bịt mặt chạy khi nghe chúng đồng thanh vi von hát lên:

Bầu Đế là Bầu Đế còi
Ăn vụng mắm mòi uống nước cạn sông


Hoăc:

Bầu Đế xỏ rế kim cang
Đi chợ ăn hàng xách mủng về không.

Nỗi uất ức mỗi ngày thêm chồng chất, cái mặc cảm về cái ngôi làng nhỏ nơi hóc núi. Có một hôm tôi không tự chế được cơn giận nhào đánh một thằng bạn bị thương, đổi lại tôi nhận một vết thẹo trên đầu. Chúng không tha lại đặt cho tôi biệt danh chua xót hơn là:

“Đầu đá có thẹo”
Trèo núi qua đèo
Bầu Đế cheo leo
Có ai muốn trèo!

Những năm tháng tuổi nhỏ qua mau. Dấu tích môt thời hồng hoang đã đi vào dĩ vãng. Tôi lớn lên và trưởng thành về mọi mặt cũng từ ngôi làng nhỏ nầy. Con đường mòn sỏi đá, con dốc qua đồi, bờ ao, giếng nước, cây đa đầu làng, những câu ca dao mang màu sắc quê hương là một dấu ấn khó phai in đậm nét trong tâm thức tôi.

Những thắc mắc về làng Bầu Đế đã thúc dục tôi, mùa Hè năm ấy, tôi bạo dạn đến nhà ông thầy nho, ông còn có tên gọi khác là Giáo Thọ học để hỏi, tìm hiểu những sự tích liên quan về làng Bầu Đế. Lúc đầu ông từ chối và nói rằng:

- Cháu không nên tìm hiểu quá sớm so với tuổi cháu về những sự kiện mang tính chất lịch sử đâ trải qua nhiều triều đại.

Ấp úng một lúc, không bỏ lở cơ hôi hiếm có nầy tôi thận trọng lễ phép:

- Thưa bác, giúp cho cháu hiểu biết đôi nét đặt biệt về quê hương nơi mà cháu chôn nhau cắt rún.

Ông ta nhìn thẳng vào mặt tôi dõng dạc nói:

- Được, Cháu là người đâu tiên bác muốn chia xẻ khái niệm tổng quát về quê hương, cũng là người bạn trẻ có ý nghỉ sưu tầm sự tích xưa của làng mình.

Nghe ông nói đén đây tôi mừng rỡ tiến đến ông gần hơn cúi đầu:

- Cảm ơn bác.

Ông Thọ vuốt nhẹ hàm râu bạc vẻ mặt nghiêm nghị chậm rải nói:

- Kìa! Cháu hãy nhìn theo hướng tay bác chỉ đó là một cái hồ nước đường kính khoảng 800m, độ sâu 4m. Hồ nầy trước đây chỉ có nước chảy vào chứ không có lối thoát. Vào mùa mưa, mực nước dâng lên cao, đường kính mặt nước hồ rộng lớn hơn. Người chủ quản lý hồ nầy ở thôn Phước An Xã Đức Thạch nhiều lần đến điều đình cán bộ địa phương và dân làng xin khai phóng con kênh thoát nước, mục đích rút nước để sử dụng một số diện tích cày cấy và nuôi cá, bắt cá. Nhưng các bô lão trong làng không đồng ý. Bởi lý do đào mương là đứt con đất, triệt long mạch, cư dân sinh sống ở đây sẽ gặp những điều không may. Cuối cùng chủ hồ huy động trên 500 trai tráng thôn Phước An đào trộm vào ban đêm. Đêm hôm đó, hồ nước được khai thông cũng là đêm đất đai, nhà cửa cả làng rung chuyển như cơn địa chấn, ao giếng đều cạn, chén bát khua lổn cổn. Sáng ra, dân làng thức dậy phát giác thì chuyện đã rồi. Đúng như lời suy đoán của các thầy địa lý và phong thủy. Cư dân sống gần bên hồ đều gặp những tai biến liên tục con cái chết “bất đắt kỳ tử”, làm ăn sa sút một số phải di tản nơi khác. Để yễm trừ xuôi xẻo ấy, dân làng đồng tâm góp công sức, tiền của xây nên một cái dinh thờ thần hoàng bổn xứ gọi là dinh Bầu Đế. Thường lệ mổi năm dân làng tụ hộp về dinh tế lễ. Cũng từ đó, quê mình có cái tên là làng Bầu Đế, để đánh dấu một thời điểm thay đổi về hình dạng, vị trí địa dư.

Tôi buột miêng:

- Ồ! Nguồn gốc tên làng Bầu Đế có từ đó.

Và tôi hỏi ông Thọ tiếp:

- Tai sao giữa hai cánh đồng Cây Cam và Đồng Hóc lại có hai gò cao màu đất đỏ là Gò Vông, Gò Đồn?

Ông nói:

- Hai gò nầy hiện nay đã đi vào quá khứ, nhưng là niềm tự hào chung của cả một dân tộc không riêng gì cho dân làng Bầu Đế, nó đánh dấu thời đại huy hoàng nhất, môt trang sử sáng chói nhất của tổ tiên ta thời mở mang bờ cõi. Vào đầu thế kỷ 15, đời vua Hồng Đức thứ 2, năm Tân Mão (1471) sắc lệnh vua ban hành: đưa binh mã, quân, dân Nam tiến mở rộng biên cương. Để tránh đổ xương máu hai bên. Ông cha ta biết lợi dụng mọi tình thế miễn sao đạt được chiến thắng, ký với đại diện bên dân Chiêm Quốc một hiệp ước nôi dung phân định như sau: “Bên nào xây tháp nhanh và cao hơn là thắng, bên nào thua là nhường đất bắt buộc phải di tản”. Ông cha ta chọn Đồng Hóc xây tháp Gò Vông. Dùng mưu mẹo sử dụng gổ rừng và cây tre làm sườn tháp, lấy đất sét nhồi với giấy bổi pha màu đỏ trét vào, bên ngoài khắc chữ chạm trổ những hình vẽ theo nét truyền thống của dân tộc. Dân Chàm chọn đồng Cây Cam, họ phải nung gạch theo cách cổ điển để xây tháp nên chậm hơn. Thấy tháp bên dân ta xây mỗi ngày mỗi cao kích thước lại rộng lờn hơn, không kịp đến chỗ quan sát hư thực, họ hoảng sợ nhường đất bỏ chạy. Kể từ đó có cái tên Gò Vông, Gò Đồn là di tích mang niềm tự hào sống mãi trong lòng dân làng Bầu Đế.

- Thưa bác cho cháu biết tại sao trên dãy núi Ngang có bờ lũy xây bằng đá công phu nối dài từ núi Đá Vách đến núi Mu Rùa?

Ông nói như đùa cợt:

- Chú bạn nhỏ tôi ơi! Sao chú lại tìm hiểu đến chuyện chiến tranh của một thời loạn rồi...

Tôi e rằng ông từ chối câu hỏi nấy tôi vội vàng xen vào:

- Trên dãy núi xa xôi kia chắc chắn là một di tích gì bí ẩn mà cháu muốn Bác giải thích...

- Thôi được, bác sẽ kể tiếp cho cháu nghe:

Đây là kỳ công cùa dân làng Bầu Đế đánh dấu một thời loạn lạc. Vào triều đại nhà Nguyễn năm Tự Đức thứ 5, năm Tân Mùi (1871) dân thượng du miền Tây Quảng Ngãi thường xuống đồng bằng cướp của giết người bừa bãi. Đứng trước tình thế nhiễu nhương đó, nhà vua cho phép ông Đỗ Ân tức là ông Cửu Mãi được quyền tập luyện dân làng Bầu Đế phối hợp với lính lệ xây bờ lũy ngăn cản sức tiến công của đối phương và bí mật ngày đêm đào mương xẻ dọc núi Mu Rùa ngụy trang dưới rừng cây cốt ý là để phản công khi địch rút lui. Ước tính không sai, một trận đánh ác liệt xảy ra tại Mương Thùng chôn hàng trăm thây giặc Mọi, hiện nay vẫn còn những nấm mộ người Thượng nằm rãi rác dưới chân núi Mu Ruà. Đi xa hơn nữa về hướng Tây Nam làng Bầu Đế, tôi nhớ một lần theo chị tôi đến Đá Bàn xem thác Suối Mơ. Nơi nầy thiên nhiên dựng nên một phong cảnh non nước hữu tình, ngoạn mục. Trên bầu trời có những đám mây ngũ sắc bởi sự phản chiếu của ánh mặt trời khi ẩn khi hiện. Đầu ghềnh thác có một cây đa lớn, rễ và thân cây bám trên một tảng đá bằng phẳng, chính giữa tảng đá có một lỗ nước bằng chiếc nón lá thường những loài chim, đàn ong mật hạ cánh lấy nước. Người dân địa phương gọi là giếng Tiên. Dưới ghềnh thác là một hồ nước xanh trong cuồn cuộn bởi ngọn thác gieo xuống, nước chảy xòe rộng như một tấm kiếng lớn trắng xóa chiếu sáng một vòm trời. Kề bên có một tảng đá dựng cao khoảng hai thước hình dáng tựa như thanh kiếm, có hai hàng chữ khắc sâu màu xám đục:

Non nước mê hồn thân kiếm khách
Giai nhân tuyệt thế đắm say tình

Tôi hỏi chị tôi xuất xứ hai câu thơ. Chị nói: theo câu chuyên truyền khẩu của dân làng, thời xa xưa có một kiếm khách đến đây không biết quê quán ở đâu, ngồi trên tảng đá suốt hai ngáy đêm dùng thanh kiếm khắc xong hai câu thơ nầy rồi nhảy xuống thác tự vẫn. Sự kiện bi thảm uẩn khúc nầy đến nay chưa có ai khám phá được. Nên thác nước khách du lịch đặt cho cái tên là thác Mơ Tiên. (Ngày nay trở thành một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Mộ Đức thu hút nhiều du khách thập phương).

Tôi được nghe ông giáo Thọ và chị tôi kể chi tiết những sự kiện và di tích mang tính chất lịch sử của làng tôi. Tôi cảm thây hãnh diện về sự nghiệp mở mang bờ cõi vả công lao giữ gìn an ninh cho dân làng của ông cha ta. Và tôi cũng không còn mặc cảm là làng Bầu Đế xa xôi cách trở ở tận hóc núi quê mùa nữa.

Tuy hiện nay tôi đang sống trên quê hương xa lạ, nhưng lúc nào hình ảnh làng tôi vẫn ám ảnh mãi không phai. Mười lăm năm xa xứ tôi vẫn nhớ về quê tôi, nơi có tiếng hót líu lo của chim Sâu, chim Oanh, chim Chích Chòe mỗi buổi bình minh. Tiếng mưa rừng chiều, giọt sương mai rơi tí tách ngoài hiên, tiếng hát ru hời của mẹ, tôi vẫn mang theo suốt hành trình lưu lạc. Núi đồi, mây thênh thang, dòng thác Suối Mơ ru âm điệu buồn muôn thưở, vầng trăng quê soi vàng trên thung lũng Bầu Đế với giọng hò dịu vợi của cô gái Quảng đã đi vào kỷ niệm khó quên:

Dòng suối Mơ ta thương về kỷ niệm
Em có còn đứng đợi khuất hoàng hôn
Vầng trăng quê trăng khuyết lại trăng tròn
Nghe thác đổ giữa trăng vàng mê ngủ...

Đỗ Vĩnh Khanh

Massachusetts, US.

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh