Mùa Đông về sớm không ngờ. Mới đầu tháng chín mà gió mưa như bão trút xuống làng Vinh Phú. Túp lều bà cháu Phụng núp dưới bụi tre là-ngà rung rinh lên theo mỗi cơn gió chướng thịnh nộ xô tới. Bên ngoài đã thế; bên trong tiếng mưa dột bì bõm xuống những cái nồi đất đang hứng cùng với tiếng rên của bà Thi. Phụng ngồi dưới đuôi giường thòng hai chân xuống đất. Mắt nó dán vào những cái nồi, cái trả bằng đất đang hứng nước để canh chừng, khi cái nào đầy nó phóng tới bưng hắc ra sân. Nó đặt hai tay lên đầu gối, nhịp mấy ngón theo tiếng mưa dột và tiếng rên của nội. Nó cười hoan hỷ vì chợt khám phá sự tổng hợp của một giai điệu.
Trên chiếc bàn nhỏ, ngọn đèn dầu hôi leo lét lúc mờ lúc tỏ theo hơi gió lòn qua vách. Đêm hôm nay thật dài, tiếng rên của bà Thi nhỏ dần... nhỏ dần rồi tắt hẳn theo ngàn thứ âm thanh bên ngoài. Phụng yên trí nội của nó đã ngủ được sau nhiều đêm rên dữ dội. Nó xát hai bàn vào nhau rồi rón rén đặt mông lên giường, nằm bênh cạnh bà. Nó kéo mí chiếu đắp lên người rồi ngủ cho đến sáng. Trong giấc mơ nó đã thấy những cái nồi hứng nước đầy tràn ra chảy cùng nền nhà, bùn nổi lên từng vũng. Nó giật mình ngồi bật dậy, trời bên ngoài đã sáng và tạnh mưa từ lúc nào.
Nước từ nguồn về lênh láng ngập cả cánh đồng ruộng rộc. Mực nước mỗi lúc một cao. Phụng mừng lắm vì con đường thấp cao hơn mặt ruộng chứng một thước tây nối Vinh Phú và Long Phụng thế nào cũng bị ngập. Nó có sẵn chiếc thúng chai lớn, loại chở người của vùng biển. Thúng bị lũng đáy nên người ta tặng cho nó, Phụng lấy chai trám chỗ lũng rồi dùng để đưa người qua lại mỗi mùa mưa như thế. Lẽ dĩ nhiên Phụng chỉ có thể đưa người qua lại khi nước ngập cỡ lưng quần. Khi lụt lớn hơn và chảy xiết, người ta mới đem ghe lớn làm đò.
Thường thường, bà Thi dậy rất sớm, tiếng gà gáy đầu tiên đã thấy bà ngồi hơ tay vào bếp lửa cho ấm. Nấu nồi nước chè tươi, lùi hai củ khoai lang vào tro để bà cháu ăn sáng. Chờ khi gà gáy hồi hai bà đánh thức Phụng dậy đổ gạo đã ngâm vào cối đá xay bột cho bà đổ bánh xèo. Công việc giống hệt nhau mỗi ngày, nhưng mấy hôm nay bịnh liệt giường bà Thi không dậy được. Phụng nhuốm lửa nấu cháo cho nội, nó rất mừng vì đêm qua nội ngủ ngon giấc. Cháo đã chín. Phụng múc ra tô, rắc chút tiêu bột bưng lên bàn chờ nguội. Ngoài đường, đã có tiếng người đi chợ cười nói, tiếng áo tơi sột soạt. Phụng bước đến giường gọi “Nội... nội ơi”. Nội nó vẫn còn say ngủ, nó chờm tới thổi tắt ngọn đèn dầu, ra phía sau lăn cái thúng chai to ra trước ngõ để “đưa đò”.
Chuyến đầu nó kiếm được vài đồng. Khi dắt chiếc thúng trở lại, không thấy ai đợi, Phụng vào nhà thì gặp bà Toàn đang dắt con bò đứng gặm cỏ ướt, bà Toàn hỏi:
- Phụng, Bà mày khỏe hông?
Phụng cười:
- Chào bà Toàn! Dạ khỏe, bà cháu đã hết bịnh, đêm qua ngủ được tới giờ cũng chưa dậy.
Bà Toàn tặc lưỡi:
-Người ta đi chợ gần về rồi mà chưa dậy mầy. Để tao vào thăm bả chút.
Bà Toàn cột con bò vào gốc keo rồi tới kéo cánh cửa tre nghiêng mình bước vào. Trong nhà tối om, trên bàn còn nguyên bát cháo. Bà Toàn bước lại cạnh giường giở mí chiếu lên nhìn, nhưng vì thiếu ánh sáng nên bà phải gập người dòm sát mặt bà Thi. Bỗng bà Toàn thả vội mí chiếu xuống và thụt lùi mấy bước; cặp mắt bà Thi sâu hoắm đang mở trừng, mặt xám xịt với lớp da nhăn đan chằng chịt, hai má trũng sâu theo cái miệng móm sọm. Lấy bình tĩnh bà Toàn mò vào cổ tay lạnh như tiền của bà Thi thì thấy mạch tim không còn đập nữa. Bà Toàn vội vã bước ra cửa dớn dác tìm Phụng, bà nhìn ra bến thì thấy Phụng đang hì hục tát nước đọng từ trong thúng ra ngoài. Bà Toàn kêu lớn tiếng:
- Phụng à! Để thúng đó đi, vô đây tao biểu.
Sau tiếng dạ lớn, Phụng chạy vô nhà:
- Có chuyện gì hả bà Toàn?
- Mầy nói chuyện với bà mầy hồi nào?
- Chiều hôm qua nội cháu rên dữ quá, rồi sau đó ngủ im lìm chớ có nói gì đâu!
Ngập ngừng một giây bà Toàn thở ra nói:
- Trời ơi! Nội mày qua đời rồi. Mầy vào vuốt mặt cho bả đi, bả đang đợi mầy trong đó.
Phụng ngu ngơ:
- Hả! Qua đời gì, đợi cháu cái gì?
- Bà mầy chết rồi, nhưng mắt còn mở, mầy vào vuốt mặt cho bả nhắm.
Phụng xô toẹt cánh cửa, nhào vô ôm xác bà nội khóc rống thảm thiết. Hai chân nó dậm thình thịch trên nền nhà. Phụng lăn lộn, giẫy giụa đập tay vào vách đất, cơ hồ như trời đất sụp đổ:
-“Nội ơi... nội à... nội bỏ con mà đi... Ai cứu nội tôi... hu hu...!”.
Tiếng khóc Phụng khàn đi.
Tin bà Thi “bánh xèo” chết lan đi rất nhanh. Chòm xóm kéo đến thăm, nhưng có lẽ họ đến để tìm cách giúp đỡ Phụng thì đúng hơn. Người thì lo bó từng lọn rơm, kẻ dừng tro cho sạch, có người đem đến bộ đồ liệm mới may vội, bà ấy không quên xé cho Phụng miếng vải để nó làm khăn tang. Khi mặt trời còn chặng cây sào, một người đàn ông lớn tuổi vác về cái hòm gỗ tạp mới mua từ Sông Vệ.
Việc tẩn liệm bà Thi hoàn tất ngay trong đêm. Có người tình nguyện cho bà Thi nằm trong rẫy lang của mình. Sáng hôm sau người ấy dẫn đám thanh niên vác cuốc ra rẫy của chị để đào huyệt. Đất Vinh Phú mùa hè cát nóng phỏng da, mùa đông mưa bảy ngày không nổi nước. Chỉ nửa giờ đồng hồ mấy cậu đào xong huyệt. Ông Vạn bấm đốt tay, đề nghị qua khỏi giờ Ngọ thì di quan để đưa bà Thi đi chôn. Đám tang bà Thi không kèn, không trống, tiễn đưa bà toàn là người dưng, nước lã; cậu bé mười ba tuổi là người độc nhất liên hệ máu mủ với bà Thi.
Sau ngày bà Thi về bên kia thế giới, nhiều người trong xóm mới sực nhớ đến hoàn cảnh bơ vơ trước mắt của một đứa trẻ nhưng chưa ai dám lên tiếng đem Phụng về nuôi bởi cái nghèo truyền kiếp của chính gia đình họ. Có người chép miệng và thầm trách cho ai đó đặt tên làng là Vinh Phú – cái tên mai mỉa ấy đã bao đời không vựt dậy nổi cái cùng đinh kinh niên và bám trụ với dải đất khô cằn quanh năm đến cây cỏ còn lớn không nổi huống chi người.
Lùi lại thời gian trước, có lẽ nhiều người trong xóm vẫn còn nhớ rõ: Cha Phụng bệnh thương hàn chết đi để lại người vợ đang mang bầu lúc tuổi còn quá trẻ. Mẹ Phụng cũng có chút nhan sắc nên khi Phụng chưa thôi nôi bà đã vội vàng bước thêm bước nữa với người đàn ông mà ai cũng nghĩ là người tình cũ bên Hải Châu. Lúc ấy nhiều người trong làng hễ thấy Phụng ai cũng mủi lòng nghĩ đến câu: “mẹ ơi mẹ bạc như gà..”
Hình như cũng biết đến thân phận, Phụng lủi thủi chơi một mình, mặt mày lem luốc, có khi té lăn, ăn cả đất, cát. Nói cho đúng, sữa mẹ chỉ được gạn lọc từ khoai với sắn thì làm gì ai còn dư để cho Phụng, nhưng thấy hoàn cảnh của nó như thế bà nào cũng nhín một tí. Tội nghiệp, khi gặp mạch sữa ấm áp, Phụng cố nốc cho lẹ trước khi bị bàn tay đẩy bình sữa thiên nhiên khỏi miệng kéo vạt áo cũ che lại.
Nhờ gặm đất Vinh Phú, nhờ vào sự tổng hợp sữa các bà mẹ láng giềng, Phụng cũng đã lớn theo thời gian. Bà Thi đưa Phụng đến học ở nhà anh Lương Tư, một người tương đối có học đã mở lớp dạy cho con em trong xóm. Trả công thầy bằng những lon gạo, giạ lúa. Bẩm tính thiên phú, Phụng rất thông minh. Lúc ấy những đứa học trò đang học lớp ba, lớp nhì trường công còn phải đến nhờ Phụng làm thủ công. Phụng chế ra những chiếc ghe bằng bẹ dừa chạy buồm đẹp như ghe thật thu nhỏ. Những chiếc xe hơi làm bằng thân cây bông gòn, có trục, bánh chạy bằng dây thiều cao su, đầy sáng tạo của một thằng bé ở nhà quê tuổi mới hơn mười. Phụng đẽo những thanh kiếm tre để phát cho bạn bè chia phe nhau chơi trò giặc giã.
Đặc biệt là những trái lựu đạn bằng đất sét do Phụng cung cấp cho cả hai bên, cứ mỗi lần tấn công là bụi bay mù mịt bởi Phụng đã cho đầy tro vào ruột lựu đạn, dĩ nhiên chỉ còn thiếu phát ra tiếng nổ. Tụi bạn có đứa gọi nó là Cao Thắng, có thằng bảo Vũ Công Duệ, nhưng cuối cùng Phụng chỉ đồng ý cái tên “Phụng lòi xỉ”. Phụng nhận biệt danh nầy cũng phải, hàm răng dưới của nó mọc không trật tự chút nào. Nó sợ đau, không chịu cho nhổ, răng mới chui ra không hàng, không lối.
Mưu sinh của bà cháu Phụng là đổ bánh xèo, làm bánh chén để bán. Cái quán của bà Thi đặt dưới bụi tre là ngà cằn cỗi trước nhà. Một cái bàn thấp lè tè bằng hai miếng ván tạp, hai cái băng bằng tre do Phụng tự tạo lấy. Khách hàng của bà cháu Phụng phần đông là những người từ miệt biển đi chợ bán cá, bán mắm, chứ những người chung quanh ít khi ăn, cũng có thể họ chẳng có dư tiền để ăn hàng. Giờ rảnh rỗi Phụng còn làm chổi rơm để bán, đặc biệt chổi quét bụi bằng bông lúa Phụng làm rất đẹp. Những sợi lạt thanh nhỏ đều đặn thoăn thoắt theo mười ngón tay. Mùa gặt, Phụng thường đi ra đồng xin rạ về đánh tranh để bán cho những người cần lợp nhà. Đánh tranh bằng ba que hom gấp đôi thành sáu, đan vào nhau cho từng nắm rạ chặt chẽ không phải ai cũng biết. Nhìn thằng bé ngồi đánh tranh một cách nhanh nhẹn ai cũng phục Phụng có tài. Những ngày tháng mưa gió, công việc bán buôn của bà cháu Phụng trở nên ế ẩm, nó phải lội bì bỏm dưới lạch cắm câu, lờ cá để bà cháu có những bữa cơm giản dị qua ngày.
... Buổi chiều xuống thật nhanh. Con đường đất nối liền thôn Vinh Phú tới Long Phụng gồ ghề, đầy vết chân trâu. Hai bên đường, những đám bắp xanh gầy guộc, đang chống chọi với từng cơn gió bấc. Tôi đang ở thị xã về gặp Phụng cũng đang mua giá về để ngày hôm sau làm bánh. Xe đạp tôi quá xập xệ nên không cách gì chở Phụng được. Tôi xuống dắt xe đạp để hai đứa cùng nhau đi bộ chuyện trò. Đi bên Phụng tôi nghe rõ cái mùi dầu mỡ, mùi hành khử... mùi bánh xèo... từ cái áo vải cổ tròn của nó toát ra.
Phụng trạc tuổi tôi nhưng sớm mất cha, xa mẹ phải sống khổ sở, tôi thương nó quá. Khi chúng tôi về ngang nhà Phụng, nói là nhà chứ thật ra chỉ một túp lều thì đúng hơn. Phụng dặn tôi đứng chờ, nó phóng vào bếp đem ra cái bánh xèo cuối cùng giòn đáo để kẹp trong miếng lá chuối rồi giúi vào tay tôi. Cầm lấy cái bánh xèo, tôi xúc động vì lòng tốt của Phụng. Không phải chỉ một lần mà nhiều lần như vậy, hễ vắng tôi đôi ba bữa là nó có quà cho tôi bằng cái bánh xèo cuối cùng thật giòn. Cuộc đời hẩm hiu của Phụng vẫn được khuây khỏa bằng công việc bận rộn. Ngày Tết Phụng mặc đồ sạch, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó mặc đồ mới. Cũng vì lẽ đó mà tôi không dám khoe với Phụng những món quà chú, bác tôi cho trong những lần mãn niên học. Tôi không hề nhắc đến ba tôi, với những lời thương yêu dù rất bình thường. Không gợi đến mẹ tôi trong cử chỉ trìu mến lúc đi xa về. Khi hai đứa chuyện trò tôi không dám nói những gì tôi có, và như vậy tôi thấy Phụng luôn bằng lòng với những gì nó có. Từ giã Phụng tôi đạp xe về nhà, trời cũng vừa nhá nhem tối, trên bãi cát trắng ở bờ sông Ngang lũ trẻ còn la ó, đùa giỡn chưa chịu về nhà.
II
Việt Nam, ngày... tháng ... năm...
Anh S. thân mến,
Hơn hai mươi năm xa cách, tôi không thể hình dung anh ra sao bây giờ. Tôi không ngờ anh còn nhớ đến tôi, đến một thằng bạn thời niên thiếu. Tôi đã nhận được một trăm đô của anh gởi về. Cầm món quà trong tay tôi cảm động đến rưng nước mắt anh ạ. Tôi đang nghĩ về anh với ngược dòng tư tưởng, đến thuở chúng ta còn thơ.
Anh S.!
Tôi vừa ở tù về vì tôi là lính “ngụy”, tôi có tội với “cách mạng”. Vợ tôi nay đã là vợ của một cán bộ hợp tác xã. Mấy con tôi đang ở với mẹ nó, với dượng cha nó. Chúng là những thiếu nhi lao động tốt, chúng học một buổi và đi lượm giấy vụn, ve chai một buổi, nên được choàng khăn quàng đỏ và được gọi cháu ngoan “bác Hồ”
Còn tôi! Đời đã dành một phũ phàng cay đắng. Khi nội tôi mất, tôi bỏ làng lên tỉnh và lưu lạc vào Qui nhơn tìm kế sinh nhai. Tôi đi đánh giày, đi phụ xe, đi chôm chỉa đồ đạc của ai sơ hở. Tóm lại, không có nghề nào mà tôi không làm thử suốt bảy năm lang bạt quê người. Kết quả tôi bị bắt vì liên can đến một vụ làm căn cước giả cho thanh niên trốn lính. Sau đó ông chủ ga-ra Huỳnh Cần lo luật sư cho tôi về và làm thợ máy cho ông ta.
Tưởng ở đời này sao có người tốt bụng, không ngờ đứa con gái ông ta mang bầu, ổng muốn tôi làm tác giả rồi tiện gả luôn cho tôi để đỡ tiếng tăm. Tôi miễn cưỡng đồng ý cốt để có cơ hội bỏ đi, nhưng vợ tôi là người rất tốt, nàng lại thương tôi nên tôi bỏ ý định đó. Chúng tôi sống chung với nhau có thêm hai đứa con nữa. Sau đó tôi bị bắt lính rồi bị thương nhẹ được giải ngũ, nhưng tôi từ chối vì thích cuộc đời binh nghiệp. Và có lẽ đó cũng là lý do tại sao sau khi miền Nam đổi chủ tôi bị đày hơn năm năm trong tù với chức vụ “hạ sĩ quan ngụy quân Saigon”.
Trong tù thì không nói anh cũng rõ, chúng tôi làm việc như trâu, ăn không no, ngủ thiếu chăn mùng, tôi bị sốt rét liên miên. Anh có thể hình dung ra cái khổ, nhưng cũng không khổ bằng khi được tha về đến nhà thì cái gì cũng thuộc của người khác. Tôi đang bơ vơ không nơi nương tựa, đã vậy còn bị dọa quản thúc nếu còn có ý định đến thăm con tôi.
Anh S.! Có lẽ tôi đã vụng tu từ kiếp nào nên kiếp này truân chuyên khổ ải. Từ lúc góp mặt với đời tôi gặp toàn thương đau. Dù chỉ vài ngày nữa là đến Tết nhưng với tôi đời làm gì có được một mùa xuân hở anh.
Ngần ấy về anh, cám ơn những ưu ái anh đã dành cho tôi. Mong anh an vui trên bước đường tha phương. Nếu có chị cho tôi nhắn lời thăm.
Thân mến
Nguyễn Phụng (Phụng lòi xỉ)
Đọc xong thư Phụng tôi bàng hoàng buông tiếng thở dài. Điếu thuốc tắt ngụm trên tay từ lúc nào. Tôi đang thả hồn theo tuổi ấu thơ trên quê hương Quảng Ngãi nghèo xơ xác...Trí tôi lan man về cảnh cũ người xưa. Đây chiếc cầu ván ọp ẹp bắc qua ngòi Long Phụng thì đến làng Vinh Phú... Vinh Phú, cái tên cho người ta cảm tưởng mức trù phú, sung mãn, nhưng thực tế thì ngược hẳn.
Chiều nay trời Chicago buồn lạ lùng, nỗi cô đơn xoắn lấy tôi. Không còn mấy ngày nữa là đến Tết. Ở đây tết cũng buồn nhưng như Phụng, dù ở quê hương, chắc gì nó có được một mùa xuân.
Thủy Lâm Synh
Jan. 1985