DU LỊCH BARBADOS
Thanh Bình - Sĩthụy
Barbados là một hòn đảo cuối cùng thuộc nhóm đảo West Indies và nằm trong quần đảo Caribbeans (xem bản đó đính kèm). Đảo này cũng giống như các đảo trong Caribbeans được cấu tạo từ đá san hô, không phải từ núi lửa như các đảo ở Hawaii.
Từ Connecticut đi Barbados, máy bay phải ghé tại Miami sau 3 giờ bay và sau đó phải chờ đợi khoảng 5 tiếng để lấy chuyến bay khác và mất thêm 3 giờ rưỡi nữa thì mới đến. Đến nơi thì trời đã tối, phi cơ bắt đầu hạ cánh xuống phi trường quốc tế Grantley Adams của Barbados. Bây giờ khoảng 9 giờ đêm nên bên ngoài trời đã tối chúng tôi không thấy rõ được khung cảnh ở đây. Xe bus của hàng du lịch đón chúng tôi về khách sạn Amaryllis Resort Hotel cách đây khoảng 8 dặm.
Lâu nay chúng tôi biết là ở bên Anh lái xe bên tay trái nhưng chưa bao giờ chứng kiến tận mắt cảnh này. Tuy trời tối nhưng chúng tôi cố gắng chăm chú nhìn ra ngoài xe để quan sát cách xe chạy bên tay trái như thế nào. Mỗi khi đến ngã tư bùng binh là chúng tôi phải che mắt lại vì tưởng là xe sẽ bị đụng. Tuy từ phi trường về khách sạn khoảng 30 phút nhưng làm chúng tôi lên ruột vì cách chạy xe ngược đời của những xứ bắt chước người Anh này. Có một điều lạ là ở đây không thấy đèn xanh đỏ ở ngã tư mà họ thiết kế bùng binh (rotary còn gọi là roundabout) nên xe cộ đỡ bị kẹt hơn.
Năm 1623, người Amerindian đến bằng thuyền canoes từ vùng Oricono thuộc Nam Mỹ nay là Venezuela. Sau đó, dân Caribs và Arawaks cũng đến đây lập nghiệp. Đến năm 1625 người Anh đến cai trị đảo nầy mãi cho đến ngày 30 tháng 11 năm 1966 thì Barbados mới được độc lập nhưng trong khối Liên Hiệp Anh. Hệ thống Chính Phủ và Hiến Pháp cũng giống như Anh Quốc.
Thủ Tướng được bầu ra điều hành quốc gia và vị Thống Đốc đại diện cho chính phủ Anh. Chính vì vậy mà người dân ở đây đều nói tiếng Anh và Barbados được gọi là “little England”. Trên bốn thế kỷ (1625-1966) Barbados chịu ảnh hưởng giữa hai nền văn hóa Phi Châu và Anh Quốc vì vậy hiện nay xã hội ở đây có cả 2 sắc thái về phong tục và tập quán.
Thủ đô Barbados là Bridgetown thành lập từ năm 1628.
Đảo có diện tích 166 dặm vuông hình thù như trái lê (pear), chiều dài 21 dặm, chiều ngang 14 dặm được chia làm 11 tỉnh gọi là “parish”. Vì dân ở đây đa số theo đạo Thiên Chúa Giáo nên mỗi parish đều bắt đầu chữ Saint (St.): St. Vincent, St. Lucia, St. Peter, St. Andrew, St. James, St. Joseph, St. Thomas, St. George, St. Philip, St. Michael và Chris Church (parish này không có St.). Tuổi thọ trung bình cho đàn ông là 70 năm còn đàn bà là 75.5 năm.
Phía Tây (West) và miền Nam (South) của đảo đất thấp, cát trắng bao quanh bởi biển Caribbean. Ngược lại miền Đông (East) và Bắc (North) là vùng núi đồi, bao quanh bởi Đại Tây Dương (Atlantic Ocean). Ngay chính giữa đảo là ngọn núi Mount Hillaby có cao độ hơn 700 feet, Vùng Tây Nam có địa thế bằng phẳng và khí hậu ôn hòa hơn nên phần đông dân số đều sống ở phía này, phố xá được mở mang nhiều hơn, nhiều khu khách sạn và các dịch vụ cho du khách đến đảo, từ phi trường Grantley Adams, hoặc bến tàu Bridgetown Seaport cho các du thuyền (cruises) ghé bến.
Nhiệt đó ở đảo quanh năm trung bình từ 80- 85 độ F, mùa Hè ít khi nào trên 90 độ F. Ngôn ngữ chính là tiếng Anh (British) và tiếng gốc là Bajan. Dân số toàn đảo chỉ có khoảng 270,000 người, 93% là người gốc Phi Châu, 3% gốc Âu Châu, 1% gốc Á Châu và 3% các dân tộc khác.
Về tiền tệ thì 1 $US dollar đổi ra khoảng 2 $BD dollars. Hệ thống lưu thông công cộng ở đây rất tiện lợi, giá xe buýt công cũng như tư ở đây rất rẻ và mỗi cuốc xe chỉ $BD 1.50 (= US 75 cents) cho bất cứ đoạn đường dài hay ngắn. Khoảng 15 phút thì có một chuyến bus và trên xe có để bảng “from Bridgetown” hay “to Bridgetown” nên không thể nào đi lạc được.
Có một hôm chúng tôi đón xe tư đi thử vì xe tư thì họ có thể ngừng bất cứ chỗ nào, còn xe công chỉ ngừng tại trạm xe bus thôi. Trên xe cũng giống như ở Việt Nam, ngoài người lái xe còn có người ngồi sau làm “lơ xe đò” để hướng dẫn khách lên và thu tiền. Có khi xe đã đủ người nhưng họ vẫn đón khách để lấy thêm nên chúng tôi ngồi như cá trong hộp. Sau chuyến này, chúng tôi không đón xe tư nữa.
Du khách đi từ Mỹ đến các nước thuộc Nam, Trung Mỹ hay các nước vùng đảo Caribbeans ngoại trừ Cuba và Venezuela, không cần phải xin Visa mà chỉ cần có US passport là đủ. Đặc biệt phi trường Grantley Adams là một trong 4 nơi lúc trước có phi cơ siêu thanh Concord đến và ba nơi khác là London, Paris và New York. Hiện nay tại phi trường này có 1 tòa nhà trưng bày 1 chiếc Concord nhưng muốn xem phải mua vé.
Tiếp tục câu chuyện chuyến đi, sau khi xe bus đến khách sạn, chúng tôi vào lobby để làm thủ tục lấy phòng. Vì lúc nầy trời tối không thấy được cảnh vật chung quanh, chúng tôi theo người hướng dẫn lên phòng ngủ ở từng lầu thứ ba theo yêu cầu trước vì vấn đề an toàn. Các phòng ngủ ở đây khá tiện nghi và đầy đủ. Phòng nào cũng có nhà bếp gồm đầy đủ đồ dùng để nấu ăn, tủ lạnh, microwave. Tôi cần phải nói thêm ở đây tại sao tôi nhắc đến điểm này vì tôi rất thích nấu ăn nên thích khách sạn nào có chỗ nấu nướng. Mỗi phòng đều có balcon nhìn ra bãi biển. Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy chuẩn bị đi xuống khu nhà ăn để ăn điểm tâm. Bên cạnh nhà ăn tọa lạc ngay bên bãi biển với bãi cát trắng và nước biển có mầu xanh biếc. Biển ở các hải đảo rất trong và thường đều có màu xanh (turquoise blue) không giống như ở đất liền.
Sau khi ăn xong, chúng tôi cùng với các du khách mới đến tối qua đến gặp người đại diện công ty du lịch cho biết những tours ở đây, nếu mình thích thì ghi danh. Chúng tôi chọn 3 tours: đi tham quan quanh đảo (80 miles island tour), nơi làm rượu rum (Gay Mount Rum) và động thạch nhũ Harrison Cave.
Sau đó, chúng tôi bắt đầu đi dạo trong khuôn viên khách sạn để tìm hiểu thêm về khu resort nầy. Sau, chúng tôi bắt đầu đi dạo bộ đến các khu lân cận. Thỉnh thoảng ra đường chúng tôi cứ hay bị lộn vì không những xe cộ đi bên tay trái mà người đi bộ cũng vậy. Có lần chúng tôi đứng chờ xe buýt lộn hướng vị theo thói quen thay vì đứng bên trái thì lại đứng bên phải.
Phố Bridgetown cách nơi chúng tôi ở khoảng 5 dặm, chúng tôi muốn đi cuốc bộ thử vì chưa quen đón xe bus. Thật ra đi bộ là một cái thú vị vừa đi vừa xem cảnh vật và nếp sống chung quanh của dân địa phương và cũng để tập thể dục nên mỗi lần đi nghỉ hè, chúng tôi thường tìm cách để đi bộ rất nhiều.
Đường phố ở đây khá hẹp nên xe chạy hai chiều gần như thật sát với nhau, lề đường cho người đi bộ chỗ có chỗ không nên lúc nào cũng phải coi chừng xe. Trước hết, chúng tôi đi ngang qua một đồn lính xưa của người Anh nay vẫn còn sử dụng, tên là Barbados Garrison. Đây là Garrison lâu đời thứ nhì của các thuộc địa Anh. Hôm đi bộ dọc theo bờ biển ở phiá sau khách sạn, chúng tôi đến gần garrison nầy thấy những bức tường đá xây cao sát bờ biển với những khẩu canon cũ kỹ hướng ra biển.
Đi được khoảng 30 phút thì thấy bên kia đường một tòa nhà không mấy đồ sộ phía trước có bảng phủ Thủ Tướng bên cạnh là một trụ cờ với lá cờ của Barbados đặc biệt chung quanh không thấy có nhân viên an ninh nào canh gát..
Quốc kỳ của Barbados chia làm 3 phần đứng, 2 phần bên ngoài màu xanh biểu tượng cho biển cả và bầu trời, phần giữa màu vàng biểu tượng cho các ở bãi biển, phần giữa của màu vàng có hình cái chĩa 3 chân đứng có tay cầm (broken trident) biểu tượng cho Barbados độc lập tách rời từ Khối Liên Hiệp Anh.
Đi bộ khoảng 1 giờ thì phố Bridgetown hiện ra trước mặt bên cạnh con sông với hai chiếc cầu bắt ngang: vì vậy tên thủ đô của Barbados là Bridgetown. Đây là khu Independence Plaza, trong khu plaza có tượng ông Admiral Lord Horatio Nelson được dựng lên ngày 23 tháng 3 năm 1813. Sau này ông trở thành Tư Lệnh Hải Quân Hoàng Gia Anh và mãi đến năm 1849 tức là 36 năm sau, tượng của ông mới được dựng lên tại Trafalgar Square ở London, Anh Quốc.
Chúng tôi nhìn thấy ngay gần cầu có một xe bán nước dừa, liền tới đây trước để mua dừa uống, mỗi trái dừa $US1. Tôi uống một hơi 2 trái, ngọt và mát vô cùng. Uống xong, người bán chặt vỏ ra làm muỗng cho tôi ăn phần cái rất ngon. Xong tôi tính sẽ trở lại uống thêm trên đường trở về khách sạn.
Chúng tôi chụp hình kỷ niệm ở khu phố này và đi vào downtown Bridgetown. Nhiều gian hàng bán đồ cho du khách dọc bên đường nhưng điểm đặc biệt là không thấy ai chạy theo du khách để mời mua hàng cả. Một trong những nơi đặc biệt mà chúng tôi đến là tiệm bán đồ nữ trang Columbian Emeralds International, đặc biệt của tiệm này là emerald của Columbia: đó là một loại đã quý, màu xanh lá cây (emerald green). Dĩ nhiên là để làm hài lòng bà xã có một kỷ niệm của Barbados và cũng đóng góp thị trường đảo nên cũng chọn mua một bộ nữ trang loại đá quý nầy! Để thu hút du khách đến đây, rất nhiều cửa hàng buôn bán những loại đắt tiền quảng cáo du khách có passport từ nước ngoài mua hàng sẽ không đóng thuế (Duty Free) giống như các gian hàng bán đồ ở các phi trường quốc tế.
Lần theo các đường phố, chen lẫn với dân chúng địa phương, dân chúng đi lại buôn bán tấp nập cũng giống như ở Sài Gòn Chợ Lớn. Những cửa tiệm bán đồ chưng bày từ trong tiệm ra ngoài lề đường. Điểm đáng chú ý là các em học sinh ở đây rất dễ phân biệt vì học sinh đi học đều phải mặc đồng phục và không được mang bất cứ nữ trang dù ở phần nào trên thân thể, trừ đồng hồ thôi. Mỗi trường có đồng phục khác nhau: nữ sinh thì áo blouse và váy đầm (skirt), nam sinh thì áo sơ mi và quần dài. Chúng tôi có hỏi chuyện với Wayne, người lái xe thì anh cho biết trường học ở đây rất kỷ luật và được phép đánh học sinh nếu phạm kỷ luật. Học sinh đi học mặc đồng phục đi xe buýt free, còn không mặc đồng phục thì trả nửa giá vì vậy ở đây không thấy có school bus.
Trường học ở Barbados gồm các bậc Tiểu, Trung Học và cả Đại Học đều không phải đóng học phí. Đi dạo phố thấy mỏi chân, chúng tôi trước khi trở ra để đón xe bus về lại khách san, có ghé lại chỗ bán nước dừa đề uống thì không thấy nữa, có lẽ họ đã bán hết rồi hay dẹp tiệm vì trời đã về chiều. Chiều hôm đó, chúng tôi lại đón xe bus đến một nơi đặc biệt tên là Oistins. Oistins là một làng đánh cá nổi tiếng nằm sát bờ biển, có chợ bán cá và cửa tiệm bán đồ biển mở cửa 7 ngày một tuần, bán các loại cá tươi từ những thuyền đánh cá mỗi ngày. Đặc biệt hàng tuần, mỗi tối thứ Sáu có cả hàng ngàn người vừa là du khách vừa là dân địa phương đến đây để nghe nhạc Caribbean, uống rượu rum (Mount Gay Rum) hoặc bia của Barbados (Banks Beer) và thưởng thức các món cá chiên hay nướng. Đêm thứ Sáu này gọi là “Oistins Fish Fry”. Khu này có cả hàng chục dãy nhà nhỏ và mỗi nhà đều bán các món cá gần như giống nhau. Bên cạnh là chợ cá biển rất lớn, dân địa phương đến đây mua cá rất tươi. Tôi nhận thấy cá bán ở đây gồm các loại như mahi mahi, cá thu marlin, cá swordfish, red snapper v.v.. đặc biệt ở Barbados, flying fish mà mình thường gọi là cá chuồn là đặc hải sản ở đây. Cá mahi thịt ăn rất ngọt, hình thù rất lạ, ngoài da có màu vàng và xanh, đầu lớn, đuôi nhỏ, người dân đảo này gọi là cá dolphin, không phải dolphin (cá heo) mà mình thường xem nó biểu diễn ở SeaWorld. Người nào muốn mua cá thì họ sẽ cắt ra từng miếng mỏng xong bỏ vào bao. Giá bán ở đây rất rẻ, khoảng $7 BD ($US 3.50) 1 lb so sánh với giá ở Mỹ thì trên $US 10/1lb nhưng cá ở đây rất tươi.
Nói về cá chuồn làm tôi nhớ lại lúc còn nhỏ ở Thạch Trụ, mỗi lần Má tôi đi chợ mua cá chuồn có trứng về để kho. Tôi rất thích ăn trứng cá mà trứng cá chuồn ăn ngon hơn bất cứ trứng cá nào khác. Nếu là trứng cá chuồn đã đẻ rồi, trứng dính lại thành từng chùm với nhau, mua về luộc lên rồi cho vào miệng nhai trứng nổ lộp bộp dai như kẹo cao su vậy.
Hôm chúng tôi đến là tối thứ Ba nên không có nhiều người đến, nhưng vì muốn đi xem thử cho biết. Đi dạo quanh khu này một lúc, chúng tôi ghé vào một cửa tiệm mua 2 phần ăn đem ra ghế ngồi thưởng thức món cá chiên marlin và red snapper. Nhìn xung quanh thấy cả hàng dãy bàn dài trống không có ai chỉ thấy vỏn vẹn “hai đứa mình” thôi. Cũng không sao, cứ tự nhiên ăn và chúng tôi ra đón xe bus về lại khách sạn. Ban đêm ở khu này, chung quanh toàn là cây cối bao quanh, tối nào nằm ngủ cũng nghe tiếng ếch nhái kêu suốt đêm làm tôi nhớ lại lúc nhỏ ở quê, nhất là vào mùa mưa chung quanh vườn tiếng ếch nhái kêu suốt đêm.
Sáng hôm sau dậy sớm, ăn sáng xong, chúng tôi chờ xe bus tour “Best of Barbados” đến đón. Đúng 9 giờ, xe tour đến, người tài xế kiêm hướng dẫn Wayne còn trẻ và rất lịch thiệp đến bắt tay chúng tôi. Lên xe, Wayne lái xe đến một vài nơi khác để đón du khách ở các địa điểm khác cùng đi. Chúng tôi được Wayne lái đi tham quan tổng quát chung quanh đảo tất cả 80 dặm. Barbados có năm thành phố lớn: phía Tây là Bridgetown, Oistins miền Tây Nam, St Lawrence Gap phía Nam, Holetown, Speightstown miền Tây Bắc. Đầu tiên, xe bắt đầu đi về hướng Tây qua Bridgetown.
Brigetown là thủ phủ của Barbados đến nay được 380 tuổi do một nhóm người Anh đến đây lập nghiệp từ năm 1628 lúc bây giờ đặt tên là Indian River Bridge vì nằm bên cạnh sông Constitution River. Vào năm 1654, thị trấn này vẫn còn nhiều khu đồng lầy nước đọng nên có nhiều muỗi gây bịnh làm cho hơn 20,000 người bị thiệt mạng. Tại đây có vịnh Carlisle Bay rất đẹp sau đó được xây dựng lại thành một hải cảng chính ngang hàng với Boston và London vào thế kỷ thứ 17. Ngày nay, hải cảng này thành một nơi những tàu du thuyền không lồ có thể cập bến. Từ đó kỹ nghề trồng mía và sản xuất đường phát triển mạnh và sau đó thị trấn đổi tên thành Bridgetown. Tuy nhiên, trận hỏa hoạn năm 1659 làm hơn 200 căn nhà bị tiêu huỷ và 8 năm sau đó, vào năm 1667, một trận bão lớn tàn phá Barbados, và năm 1668 lại một trận hỏa hoạn nữa thiêu rụi thêm hơn 800 căn nhà làm cho thị trấn này gần như bị tàn phá hoàn toàn. Từ năm 1673 đến 1910 thành phố này lại bị thêm 12 trận hoả họan nữa.
Một đồn lính của người Anh là The Garrison Savanah đóng ở đây trong những năm 1600’s và bây giờ trở thành Barbados Defense Force. The Careenage là một địa điểm cho du khách thuê các tàu đi câu cá, thuyền buồm hay du thuyền loại nhỏ.
Con đường chính của phố là Broad Street có nhiều cửa hàng cho du khách mua sắm cũng như ăn uống. Cuối đường này là công trường National Heroes Square có tượng Đô Đốc Hải Quân Anh Sir Nelson. Gần công trường này là Barbadian Parliament Buildings nói làm việc của chính phủ được xây cất năm 1874. Phía cuối đường Broad Street trên đường Fontabelle, là một stadium rất lớn tên Kensington Oval (giống như football stadium ở Mỹ), nơi đây dùng để tranh tài môn thể thao tên là cricket. Đây là môn thể thao rất quen thuộc của người Anh. Stadium này bắt đầu sinh hoạt từ năm 1882. Trận đấu chung kết cho giải 2007 ICC Cricket Worldcup được tổ chức tại đây.
Sir Grantley Adams là vị Thủ Tướng đầu tiên của Barbados và được lấy tên đặt cho phi trường quốc tế này.
Vào ngày 3 tháng 11 năm 1751 George Washington lúc mới 19 tuổi, đến đây thời gian 7 tuần tại Bush Hill House để thăm người anh Lawrence đang bị bịnh. Khu nhà này sau nầy đặt lại tên George Washington House. Barbados là nơi duy nhất Tổng Thống George Washington đặt chân đến ngoài nước Mỹ.
Xe tiếp tục đi dọc theo bờ biển hướng Tây Bắc một lúc sau đó đến thị trấn Holetown. Đây là thị trấn đầu tiên dân đến đảo này lập nghiệp. Có 2 khu buôn bán West Coast Mall và Sunset Crest và bãi biển Holetown Beach rất đẹp bên cạnh những nhà hàng và khách sạn sang trọng được xây cất dọc theo bờ biển. Hàng năm vào tháng Hai, họ tổ chức hội chợ kéo dài cả tuần để ăn mừng kỷ niệm đánh dấu nơi đây cha ông của họ đã đặt chân đến đây đầu tiên giống như ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgivings Day) của Mỹ. Xe tiếp tục đi dọc theo bờ biển hướng Tây Bắc một lúc sau đó đến thị trấn Holetown.
Đi được một lúc nữa thì đến một thắng cảnh tên Animal Flower Cave. Đây là chỗ ngừng đầu tiên cho chúng tôi xuống xe để đi thăm viếng cave nầy. Animal Flower Cave là một hang động ở cực Bắc của đảo (North Point), có lối đi xuống thật sâu và sau đó chúng tôi đi xuyên vào đường hầm toàn đá lởm chởm rất khó đi. Hang nầy nối liền ra biển nên khi thủy triều lên cao thì hang bị ngập nước. Wayne giải thích tên gọi Animal Flower Cave là vì ở đây có những san hô (coral) giống như những bông hoa trông rất đẹp ở dưới các vũng nước trong động. Khi nào mình đụng tay vào thì nó khép lại như hoa mắc cỡ (trinh nữ) nên gọi là animal flowers hay sea anemones.
Ở đây 30 phút, xe lại tiếp tục đi đến một đồi có cao độ 850 feet gọi là Cherry Tree Hill, xuyên qua một khu rừng cây mahogany là loại cây gỗ rất cứng và quí. Theo tài liệu cho biết lúc xưa nơi này có nhiều cây cherry. Xe ngừng lại đây để xem cảnh và Wayne lấy nước punch pha rượu rum và rum cake cho chúng tôi giải lao.
Xe tiếp tục đưa chúng tôi đi qua những vườn mía và di tích nơi làm đường nấu rượu rum. Chúng tôi dừng lại Bathsheba, còn gọi là “Soup Bowl”, là địa điểm dành cho những tay surfers chuyên nghiệp thích đến vì sóng biển rất cao. Ở đây có những cuộc thi đua tranh tài quốc tế về surfing được tổ chức hàng năm từ tháng Mười đến tháng Ba. Sóng biển ở đây rất cao là do sóng ngầm đến từ Đại Tây Dương cả ngàn dặm, cường độ càng lúc càng mạnh lên, khi đến gần đảo thì gặp những vùng san hô (coral reefs) gần bờ chận lại tạo thành những con sóng rất cao và rất lý tưởng cho các tay surfers! Một nơi cũng rất nổi tiếng về surfing ở North Shore cực bắc đảo Oahu ở Hawaii dưới lòng biển được cấu tạo cũng giống như ở đây.
Sau đó xe lại đưa chúng tôi đến một nhà thờ tên St. John Church tọa lạc trên một dốc đá cao 800. Nhà thờ nầy xây từ năm 1645 sau đó bị hỏa hoạn được xây cất lại vào năm 1676 rồi lai bị trận bão năm 1831 tàn phá và được trùng tu lại vào năm 1836. Sau lưng của nhà thờ có một phần mộ nằm trong nghĩa trang của ông Ferdinando Paleologos, là con cháu của Hoàng Đế Constantine The Great bị dân chúng Turks truất ngôi dòng họ Constantinople. Ông nầy mất năm 1678 sau khi ở đây 20 năm.
Xe bus lại tiếp tục đi về hướng Đông của đảo vào thăm viếng một khu nhà rất lớn có tên Sunbury Plantation House thuộc St. Philip parish. Nhà này được ông Matthew Chapman xây cất từ năm 1660 gọi tên ngôi nhà này là Chapman’s Plantation. Ông là người gốc Ái Nhĩ Lan (Irishman), một trong những người Âu Châu đầu tiên đến đây. Sau khi ông mất năm 1693, ngôi nhà bán lại cho ông Nathaniel Branker và đổi lại tên Branker’s Plantation. Sau 60 năm, ngôi nhà lại bán lại cho ông James Butler Harris và 14 năm sau, ông ta qua đời, hai anh em ông John Henry Barrow và George Barrow mua lại và đổi lại thành tên Sunbury, lấy tên của nhà hai ông ở Anh. Sau đó người con trai của ông John Barrow được thừa kế ngôi nhà này. Năm 1816, dân nô lệ từ nông trại kế bên nổi loạn và nô lệ King William của nông trại nầy cầm đầu đứng lên kêu gọi tiếp tay làm loạn.
Đại Tá John Barrow cầm đầu đàn áp cuộc nổi loạn nầy. Nông trại của ông bị thiệt hại về vật chất khoảng $4,000 vào thời đó. Năm 1835, ông Thomas Daniel, một chủ tàu buôn mua đồn điền này với giá $33,000. Nông trại tại Sunbury có 244 người nô lệ làm việc tại đây. Chế độ nô lệ được bãi bỏ vào năm 1834 nhưng những người nô lệ thật sự chưa được trả lại tự do hoàn toàn, họ phải chờ đến 2 năm sau đó. Năm 1896, ông Alistair Cameron, người gốc Anh Cát Lợi (Scotsman) mua lại sau khi ông Thomas qua đời. Đến năm 1981, ông bà Keith Melville mua lại sau khi ông Cameron mất. Hai ông bà Melville thích sưu tầm nhiều bàn ghế tủ làm bằng gỗ mahogany và đồ dùng bằng đồ sứ quí (fine china) và bạc (silver) rất hiếm được trưng bày dưới hầm (basement) mà lúc trước dùng để chứa vật liệu. Đây cũng là kho tàng trưng bày các loại xe kéo, xe ngựa kiểu xưa, và các di tích của thời đồn điền. Sunbury Plantation House còn lưu trữ một kho tàng về các dụng cụ máy đo mắt, các kiểu mắt kính đủ loại được bác sĩ Carter là ông ngoại của ông Melville sưu tầm. Đến tháng Giêng năm 1984, thì đồn điền nầy giao lại cho chính phủ Barbados tu bổ lại và là một trong những địa điểm du lịch có giá trị về lịch sử của Barbados được du khách đến thăm viếng rất đông.
Khi đến nơi nầy cũng đã quá trưa, chúng tôi được hướng dẫn đến phòng ăn để dùng bữa trước khi đi thăm viếng đồn điền. Bữa ăn trưa đã được đặt trước nên chúng tôi không phải chờ đợi lâu. Tuy là bữa ăn buffet nhưng rất thịnh soạn, có khai vị với ly rượu rum cocktail, đến các món ăn chính như gà, món cá chuồn nấu theo Bajan và đồ ăn bánh tráng miện là rum cake và cà rem dừa pha rượu rum.
Sau bữa ăn trưa, du khách được hướng dẫn đi xem các vật dụng, đồ dùng thời xưa được chưng bày ở các phòng ốc của căn nhà nhiều tầng. Đây cũng là địa điểm ngừng lại cuối cùng trong chuyến đi vòng quanh đảo. Trên đường trở lại khách sạn, xe đi ngang qua phi trường Grantly Adams và sau đó đến thị trấn Oistins.
Oistins là một thị trấn chợ búa lâu đời ở phía Nam của đảo. Tên này lấy từ một ông chủ đất giàu có tên là Austin đọc trại ra thành Oistins. Đây là một làng đánh cá nổi tiếng của dân Barbados. Thị trấn này nằm dọc theo bờ biển có những dãy nhà là nơi dùng để bán các món cá chiên như đã kể ở trên, một khu chợ cá và bên cạnh nhà những tàu đánh cá nằm sắp lớp trên bãi cát.
Xe bus tiếp tục đi theo dọc bờ biển hướng về một thị trấn St. Lawrence’s Gap cách Oistins vài dặm. Đây là nơi có nhiều nhà hàng và night clubs. Nhà hàng ở đây bán đủ loại thức ăn như seafoods, Mexican, Bajan, Irish, Jamaican, English, Italian, American va Chinese như Pravada Bar & Louge, Belini’s, Little Bay Bistro, Rock, Reggae Lounge, Calypso, R & b, Salsa, Sweet Potatoes, Pices, Café Sole, McBrides, Josef’s, Captain’s Carvery, The Ship Inn, Harlequin...
Tôi còn nhớ câu chuyện ở Hawaii, người ta nói là một trong những thực phẩm nhập cảng vào Hawaii nhiều nhất là SPAM (Thịt hộp heo xay hiệu SPAM). Wayne, người hướng dẫn tour cũng tâm sự với tôi, một trong những món đồ ăn anh thích nhất cũng lại là SPAM. Anh ta có cho tôi địa chỉ và nói lần sau đến Barbados thì nhớ mua cho mấy hộp SPAM. Tôi cũng không tìm ra giải đáp tại sao như vậy. Thật ra, mấy năm xưa lúc mới đến Mỹ, tôi hay mua SPAM về, mở ra và cắt thành từng lát mỏng xong đem chiên dòn ăn với cơm rất ngon. Chúng tôi rất thích chuyến đi này vì học hỏi được thêm nhiều chuyện thích thú và lạ.
Hôm sau chúng tôi dành trọn một ngày để ra tắm biển, và để hưởng cái bãi cát trắng và nước trong xanh biếc ở đây. Ngày sau, chúng tôi lại tiếp tục đi thăm viếng công ty làm rượu rum tên Mount Gay Rum ở St Michael gần Bridgetown. Barbados được thế giới coi là nơi đầu tiên chế ra rượu rum. Chúng tôi đuoc hướng dẫn vào một nơi chờ đợi để ghi tên trước khi vào xem và được mời uống rượu rum cocktail. Bắt đầu tour, du khách được mời vào khu nhà biến chế rượu rum và được giải thích từ đầu đến cuối cách làm rượu. Sau đó vào một phòng chiếu phim để xem một video giới thiệu về lịch sử hãng rượu này. Trong phim họ cho xem nhân công chặt mía, chở mía về kho, cách ép mía, cách nấu nước đường, cách pha trộn với rượu, cách chứa trong thùng làm bằng loại gỗ đặc biệt (giống như thùng đựng rượu nho chứa dưới hầm), rượu rum ngâm mấy năm thì rượu sẽ trở màu ra sao, cách đóng chai... Rượu rum được giữ trong hầm trước khi sang vào chai để bán ít nhất phải mất 4 năm, nếu để lâu thì có màu đậm hơn và càng đắt tiền hơn.
Sau khi xem phim xong, chúng tôi được hướng dẫn đến một quầy rượu của Mount Gay Rum, để được nếm thử các loại rum (rum tasting) sản xuất ở đây. Sau đó du khách qua phòng ăn để dùng bữa cũng gồm các món ăn kiểu “bajan buffet”. Dĩ nhiên ở đây cũng có món cá chuồn chiên (flying fish) là món tôi thích nhất. Sau đó mọi người được tặng 2 chai rượu rum nhỏ. Trước khi ra về, một chỗ cuối cùng mọi người đều thích vào là tiệm bán rượu của công ty để mua rượu và các đồ kỷ niệm của công ty này. Thật là một chuyến đi rất thú vị cho những người nào thích uống rượu rum...
Ngày hôm sau, chúng tôi đi xem Harrison’s Cave nằm ở trung tâm đảo thuộc St. Thomas parish được xem là một kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Tên này được lấy từ ông Thomas Harrison là chủ của vùng đất này vào những năm 1700’s. Trong thế kỷ thứ 18 và 19 có nhiều nhà thám hiểm đã đến đây nghiên cứu nhưng họ gặp trở ngại vì lối vào thạch động rất hiểm trở. Mãi đến năm 1974, ông Ole Sorensen, chuyên viên về thạch động người Đan Mạch đã thành công trong công trình thám hiểm và vẽ họa đồ của thạch động này. Sau đó chính phủ Barbados bắt đầu khai thác và tu bổ lại thạch động để cho du khách đến thăm viếng và Harrison chính thức bắt đầu mở cửa cho du khách vào năm 1981.
Thạch động này nằm dưới một cánh rừng cây và bông hoa đủ loại rất đẹp. Du khách được ngồi trên xe gọi là “tram” và người lái xe cũng là hướng dẫn viên lái đoàn xe đi vào đường hầm dài hơn 1 dặm. Chung quanh dưới thạch động có nhiều suối nước chảy róc rách trên những khối thạch nhũ đủ mầu rất là ngoạn mục. Chúng tôi đã từng đi thăm nhiều động thạch như ở Puero Rico, Virginia, New Mexico, Hạ Long,... nhận thấy thạch động nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó vì mỗi nơi tùy theo địa chất ở vùng đó mất cả hàng trăm ngàn năm mới cấu tạo thành những hình thù cũng như màu sắc khác nhau.
Trên thế giới đặc biệt chỉ thạch động duy nhất này có một thác nước cao nằm sâu dưới lòng đất. Xe “tram” dừng lại những nơi có nhiều thạch nhũ cảnh đẹp cho du khách xuống chụp hình. Đặc biệt là Harrison’s Cave vì có nhiều giòng suối nước trong và tinh khiết nên được hãng rượu rum lấy nước từ đây để nấu rượu,
Ngày Chủ Nhật cũng là ngày chót trước khi lên đường trở lại Mỹ vào ngày mai, chúng tôi muốn dành nguyên ngày để tắm biển và nghĩ ngơi. May mắn là cả tuần nay trời nắng rất tốt. Bên cạnh bãi biển là những hàng dừa sai trái giống như thuở xưa tắm ở bãi biển Nha Trang, cảnh vật thơ mộng làm sao làm tôi nhớ lại mấy câu trong bản nhạc Biển Tình của Lam Phương:
“Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa,
Bọt tràn theo từng làn gió đưa,
Biển xanh cát trắng sóng hòa nhịp ái ân.”
Cuộc vui nào rồi cũng tàn, sáng hôm sau, chúng tôi sửa soạn hành trang giã từ, xuống văn phòng làm thủ tục trả phòng xong, ra chờ xe bus đến để đưa ra phi trường. Ở đây có lẽ khí hậu ấm áp quanh năm nên tại phi trường, mọi người đều đứng sắp hàng để làm thủ tục từ ở ngoài hành lang. Thủ tục giấy tờ và gởi hành lý xong, chúng tôi ra phòng đợi để chờ máy gọi đến lượt chuyến bay mình.
Chiếc phi cơ Boeing 757 American Airlines ra phi đạo từ từ cất cánh, từ trên cao chúng tôi nhìn lại xuống đảo chào tạm biệt và hẹn sẽ có dịp trở lại một ngày trong tương lai.
Tháng 9 năm 2008.
Thanh Bình - Sĩthụy