1- Lịch-sử của một gia-đình được ghi, được nhớ, được truyền thế thường được gọi là gia-phả. Đã từ nhiều ngàn năm, nhiều gia-đình, nhiều dân-tộc đã biết truyền lại cho đời sau những gì đã xảy ra trong quá-khứ bằng lời nói hoặc bằng chữ viết. Quá-khứ càng ghi nhớ được dài lâu, được truyền tụng...càng làm cho người đời sau tự-hào. Quá-khứ càng có nhiều thử-thách, càng trải nhiều thăng-trầm, thì cũng làm cho người sau hãnh-diện.
Đấu-tranh với thiên-nhiên, với nhân-hoàn vào những thời-đại hoang-dã, thô-sơ mà tổ tiên đã sống còn và phát-triển được thì là chuyện không dễ-dàng. Con cháu vào những đời sau sẽ học được những kinh-nghiệm của tiền nhân. Từ đó mà có sự tiến-bộ, có nền văn-minh của xã-hội; trong đó gồm nhiều gia-đình, gia tộc, dân-tộc. Người càng có văn-minh, có văn-hiến, có văn-hóa thì tình-cảm, thì tình tự đối với quá-khứ càng tinh-tế hơn. Do đó, ghi chép lịch-sử của nhân-loại, quốc-gia, gia-đình hay dòng tộc trở thành một sự-nghiệp không thể không quan-tâm được.
Biên soạn, phổ-biến gia-phả trong dòng họ không chẳng những là tình-tự của người đời nay đối với người đời xưa mà thôi mà còn là tình-tự của người đời nay đối với người đời sau trong chính dòng họ của mình.
2/ Tương-quan giữa lịch-sử gia-đình và lịch-sử của xã-hội:
a/ Lịch-sử của nhân-loại, nói cho cùng thì là lịch-sử của những cuộc di-trú và sự hợp chủng. Trên đường di-trú, môi-trường sống về nhân-văn, về thiên-nhiên thay đổi. Ngày nay ta thấy những nền văn-minh có tính cách hợp chủng. Ông... phối-ngẫu cùng bà... sinh hạ các con trai và con gái là ... đã có sự hợp chủng rồi.
Dòng họ nào ở Việt-Nam mà chẳng phản-ảnh được tính-cách hợp-chủng. Năm sáu đời trước của Lý Bôn, Pham Tu còn ở bên Tàu. Từ đời các ông ấy (giữa năm 500 và 544) về sau, thì con cháu hai họ Phạm và Lý cứ nằng-nặc rằng mình là người Đại-Việt.
Làm sao mà biết được rằng ông Phan Thanh Giản có bao nhiêu máu Tàu (họ ngoai) hay máu Việt (ho nội)? Và có bao nhiêu máu Chiêm-Thành trong người Việt? Người mình thôn-tính và đồng-hóa dân-tộc Chiêm, bắt dân Chiêm ra cho định-cư ở Nghệ-An, bắt người Chiêm về Thăng-Long (nay có một làng Cườm làm chứng), và hàng vạn chiến-binh mà Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tôn và các chúa Nguyễn đã mang vào Chiêm-Động, Cổ-Lũy động, vào Đồ-Bàn, vào Phan-Rang. Và những người Tàu, người Chiêm thì từ trăm ngàn hay trăm triệu năm về trước, tổ-tiên họ đã trải qua quá-trình hợp-chủng rồi.
b/ Gia-đình của các ông khách trú Phạm Tu Công đã đóng vai-trò tiên-phong trong lịch-sử vào thời đầu thế-kỷ thứ VI. Gia-đình của tôi, Phạm đây, vào cuối thế-kỷ XX lại được (hay bị) lịch-sử đưa đẩy sang Hoa-Kỳ mà làm khách trú. Trong lịch-sử của nước Đại Việt (The Great Vietnam) có lịch-sử của dòng họ Phạm (The great Pham’s family) và ngược lại.
Giả sử vào năm 2020, tại Hoa-Kỳ có một vị Đệ nhất phu-nhân hay ông Tổng-thống có Middle name hay Last name mà là Pham. Biết đâu thi-ca nhân-loại có khi đi tìm nhà ông Pham (Mỗ) họ xin cho coi cái gia-phả, cái tông-đồ, hoặc là vì họ cần tuyên-truyền cho cái tính ưu-việt của sự hợp chủng, hoặc là cần tìm ra một người hiến máu, hiến tủy sống, trái thận, trái tim... cho ông bà Tổng-thống mang chứng bệnh nan y. Duy chỉ còn hy-vọng nơi một người thân-thích trong gia-đình có lai-lịch Á-châu. Người đó có thể là họ Trần đang ở bên Úc. Họ Trần là họ của mẹ, của Cố nội (tên Mỗ).
Những lợi ích của gia phả, tông đồ có thể nhìn từ nhiều quan điểm.
a/ Duy vật:
Ngày nay, người ta đang bỏ ra hàng trăm triệu Mỹ-kim để thiết-lập một loại nhà băng lưu-trữ dữ-kiện về DNA cho cả nhân-loại. Dữ-kiện đó làm sao mà có được từ trăm ngàn năm, triệu năm về trước. Muốn có thì bằng cách đào mồ cuốc mã lên mà mài xương ông xương cha; mài tóc bà Cao tằng, răng ông Cố tổ của người người khắp năm châu, bốn biển, để mà có các dữ kiện về di-truyền, về nhân chủng.
Để mà chi vậy? chắc chắn không phải là một việc vô bổ, vô ích. Luật-pháp bên Tàu, bên ta ngày xưa cho phép con cháu trong vòng chín đời (hay chỉ đòi ba đời) quyền coi nhau như người dưng, có quyền lấy nhau. Tục lệ trong dân chúng, có khi còn nghiêm hơn. Bất kể là mấy đời, trùng họ (họ bên nội) thì chớ. Trùng họ, khó làm ăn. Là trai tài gái sắc khó mà mời nhau miếng trầu cay vì sợ bị cho là loạn luân thường, hay là sẽ khó trở nên phát-đạt về lâu về dài?
b/ Duy-tâm:
Ngày xưa, bên Tàu bên ta, tiền nhân đã giữ gia-phả, giữ thần-chủ một cách cung nghiêm. Rằng ông bà sống khôn thác thiêng, ông bà chứng giám, ông bà phù hộ và ông bà trừng phạt.
Tên tuổi của ông bà là...đã ghi vào trong gia phả là linh thiêng. Không ai được nói động đến. Không cho cả con cháu trong nhà, trong họ nhìn thấy nữa. Có nhiều lý do không thuần túy là duy-tâm như vậy. Nhưng vì sợ những liên đới không trốn tránh được. Nhà cầm quyền (vua) tru di tam tộc. Hoặc là người trưởng nam, đích tôn, muốn độ quyền thừa hưởng bất động sản và cả di-sản tinh thần nữa.
Tông-chi, tông-đồ, gia-phả cũng như các văn-kiện khác (tờ sính, phân-thơ, khế-cựu của đất ruộng…) thảy đều được thiêng-liêng hóa và rồi dấu nhẹm đi.
Tuy vậy, gia-phả của nhiều dòng họ, vào một lúc nào đó vẫn được con cháu phổ-biến. Tôi có dịp đọc nhiều gia phả nhà vua, nhà quan, nhà dân; bản dịch hay nguyên bản chữ Nho. Ông nội ông Nguyễn Kim thì thích cùng người mà vui với chén rượu. Tửu lượng quá ư kém, mau say lắm. Khi ngà ngà say thì bị chúng nó phỉnh như chơi, mang nợ mang nần. Bà vợ phải nai lưng ra mà trả nợ. Con cháu đời sau làm chúa, làm vua là nhờ cái bất tài vô tướng của ông chăng? Ông Trịnh Kiểm lúc nhỏ hoang-đàng, nghịch-ngợm. Vì ham ngựa, đi ăn trộm ngựa nhà quan bị truy nã, bà mẹ bị hành hình. Vậy mà khi lớn lên làm Chúa. Con cháu nhiều đời về sau huy-hoàng lắm lắm.
Có ông họ Hồ nọ ở Quảng-Ngãi gả con gái về tận trên nguồn. Con gái đời xưa thì thuộc về nhà chồng. Mỗi bận về thăm cha mẹ đẻ, tới ngày cô nàng phải về nhà chồng, ông bấm ngón tay, tính hung tính kiết: ngày nay thọ vong, ngày mai sát chủ... Ngày nào khi con gái ông lên đường về nhà chồng cũng là ngày đại hoạn, chỉ bịn-rịn, thương con gái nhà mình đến đó; ông cứ phịa ra như vậy chỉ để cho con gái mình nấn-ná lại thêm lấy một ngày. Có ông họ Nguyễn kia là con rễ nhà họ Phạm. Chẳng may gặp buổi nhà họ Phạm bị chính-quyền đời Gia-Long, Minh-Mạng đày đọa có lẽ vì các đời trước đã theo Tây-Sơn.
Ông cha vợ và các em vợ đành cam thất thổ, tha-hương dễ thường đã ngót bốn năm mươi năm. Ông Nguyễn đã gìn-giữ từ đường, tu tảo phần mộ, lo việc tế-tự cho họ Phạm và của cả nhà ngoại của ông cha vợ mình, họ Đỗ-Đăng ở Phước-Long. Ông còn cất giữ được một bộ giáp trụ (bằng đồng). Bộ giáp trụ này đã có từ hơn hai ba trăm năm về trước. Nhà họ Phạm nhờ vậy mà giũ được cái truyền-thống, niềm tự-hào của dòng họ qua nhiều triều-đại. Có ông họ Lê, 17 tuổi, bị Tây Sơn ra Quảng-Ngãi (1773) bắt vào lính. Ông làm lính và rồi làm tướng cho Tây-Sơn. Sau mười bảy năm, lúc Tây Sơn hơi núng thế (1790), bà con trong họ trong làng (dưới biển) không dám chứa phải lên tận trên nguồn mà tá-túc tại nơi một người bạn cũ, họ Nguyễn.
Ông Nguyễn, có thể là thuộc cấp ngày xưa. Tây-Sơn bại vong, ông Lê còn hai bàn tay trắng. Vào đời Minh-Mạng đã thành giàu có nhưng chưa hề có hộ khẩu thường trú (chánh quán). Ông họ Đỗ Văn, dân của Chúa Trịnh ở ngoài Bắc vào Cổ-Lũy (khoảng 1600-1630). Di cư? di tản? không thể là tù binh. Khoảng năm 1650-1670 đã có mấy con (Đỗ-Trường) và cháu nội (Đỗ Đăng…) đi dinh-điền tại Long Phụng, Phước Long…, Cây Sung. Năm 1750, một cháu (đời thứ mấy) đã bị Chúa Nguyễn chém đầu ngoài Thừa-Thiên. Đầu ông bay về Long-Phụng. Ông này là ông Cai đội Đặng (Đỗ Đăng Đặng). Sau này tại Gò Soi Dê (Long Phụng) có lăng ông Đốc Đặng. Con cháu nhà họ Đỗ Đăng (Sung Tích) đã có người một thời đã lại phải đi dinh điền trên Cao-nguyên.
Ông họ Tần, một ký-giả người Mỹ gốc Tàu. Ông bà của y đã đến Tân Thế giới và định cư tại San Francisco. Y họ Tần bị nhiều ký giả Mỹ mắng là “Nòi mầy là nòi thằng Tần Cối (bên Tàu)”. Y ta bèn về nhà hỏi cha hỏi mẹ. Biết thêm chút ít về quê cha bên Tàu. Nhân Tổng-Thống Nixon qua Tàu, y theo phái-đoàn như một ký giả Hợp chủng. Y tìm gia phả nhà họ thằng Tần Cối. Lịch sử đời Tống và truyền ngôn về ông Tần Cối từ bấy đến nay đã rất ư bất công, thiên-vị, đầy xuyên-tạc và quá sai lầm. Y viết một cuốn sách dày, với nhiều tài-liệu chính truyện chứng-minh rằng ông Tần Cối là một vị trung-thần, chỉ có cái tội là bất-đồng chính-kiến với Nhạc Phi và triều-đình nhà Tống, thế thôi. Nếu có dịp cũng nên mời y một chầu “Dầu Chéo quảy” (Fried hollow Chinese bread sticks) để cùng chia một niềm đau. Người Tàu nắn hình vợ chồng Tần Cối bằng bột thành bánh và chiên bánh ấy trong vạc dầu.
Một dòng họ qua nhiều triều-đại ắt phải trải qua sự hưng-phế. Trong đời một người, hết lúc hàn vi đến thời hiễn đạt, tất cả đều là chuyện phải có và có thật.
Qua một số ví-dụ trên đây, thiết nghĩ mỗi nhà, mỗi dòng họ nên có nhiều những người chép sử tu chính, bổ-túc, biên-soạn gia phả, phổ-truyền cho gia-đình, gia- tộc mình.
Vào một lúc nào đó, chẳng những cháu con trong nhà, trong họ mà cả nhân quần xã-hội cần đến những tài-liệu lịch-sử đó.
4/ Nhìn lại cách viết gia-phả ngày xưa: Ưu điểm và khuyết điểm.
Rất hiếm gia phả của nhà thường dân còn được bản chép đủ chín đời (cửu tộc), đó là: Bốn đời trước đời mình, đời mình, và bốn đời sau đời mình. Hoặc tám đời trước và thêm cả đời mình.
Hầu hết chỉ chép đơn sơ rằng Ông (họ và tên húy)... phối hiệp cùng Bà (họ và tên húy)... sinh hạ các con là... có vợ (hay chồng) là... Quán chỉ là... mộ phần tại... ngày chánh kỵ là ...
Những nhược điểm khi nhìn vào đã thấy ngay là:
a/ Không có phần truyện.
Viết truyện về một vị nào đó, đòi hỏi người viết phải thông thạo chữ nghĩa. Thiếu hiếm hoặc vì lý do khiêm-tốn? hoặc lại ngại ”Nhất ngôn khã dĩ hưng, nhất ngôn khã dĩ vong”?, hoặc lại cho rằng một người không có công-nghiệp hiển-hách như làm quan, làm vua thì làm gì có chuyện nên để đời.
b/ Không cho biết thêm gì về dòng họ của người vợ, người mẹ, người đàn bà. Thậm chí có nhiều gia phả chi chép hay sao lại tên tuổi của người con trai. Tên các con gái thì chép ở phần cuối của danh-sách của các người con. Đó là vì ý thức “nam tôn nữ ty”; ý thức phụ hệ (họ người cha, người chồng mới là họ là dòng)
c/ Làng không nhắc đến những chi-tiết về gia-thế, về gia tình, về những biến cố trong nhà, ngoài nước, và những chi-tiết cần-thiết cho con cháu hay người đời sau hiểu biết hơn và cảm-thông hơn với tiền-nhân.
d/ Nhiều khi còn xem nhẹ mà không buồn chép đến những người hàn vi (nghèo khó, không có phẩm hàm, không có khoa bảng) mặc dù nhiều khi họ có đạo cao đức trọng hơn đời.
Tuy vậy ta vẫn phải nhận chân một điều quý giá nơi người đời xưa: Trân-trọng và yêu kính tiền nhân.
5:/ Một bản gia phả ngày nay có thể như thế nào?
a/ Ngày nay chúng ta có nhiều tự-do, dân-chủ và tiến-bộ hơn. Chúng ta không bị những ràng buộc về dị-đoan mê tín. Chúng ta không còn sợ bị tru di tam tộc, chúng ta có thể sưu-tầm tài-liệu, tin-tức nơi gia phả nhiều dòng họ khác, nơi sử sách, tài-liệu rộng khắp nơi và chính-xác, khách-quan hơn.
b/ Ngày nay chúng ta có cả kỹ-thuật chép “gia phả hiện đại” (Family free maker), chúng ta tha hồ mà ghi, mà chép, mà in hình in ảnh, mà sửa chữa, mà cất giữ an-toàn; tha hồ mà ấn-hành, mà phổ biến. Cái máy tính điện-tử, cái máy in, cái máy xi-căn (scanner) hình-ảnh, tài-liệu là một người thân tín trong nhà, một kẻ hầu người hạ đắc-lực khi ta chép sử nhà ta.
c/ Chúng ta có thể sưu-tập tài-liệu về lịch sử của Quốc-gia, xã-hội có thể có ảnh-hưởng tương-tác với lịch-sử của gia-đình dễ dàng.
Nhờ những tài liệu mà ta có được ở ngoài xã-hội, ta có thể nhận định và giải-thích về từng giai-đoạn, từng nhân-vật, sự thành-công hay thất bại trong gia-đình. Xin đơn cử một thí-dụ:
Tổ tiên chúng ta ngày xưa ở gần Yên-Trường, cửa Định-An nên đã vượt biển vào cửa Cổ-Động (1600-1630) mà tránh được giặc giã ngót 100 năm ngoài Bắc (Nhà Mạc và nhà Lê đánh nhau). Nhưng từ ngày vào Nam-Hà với chúa Nguyễn, vì không phải là dân Quí huyện (Tống Sơn) nên tổ-tiên ta không có cơ-hội được làm quan, làm tướng. Suốt 200 năm (1600-1800) tại Quảng-Nam trấn không có trường để học, để thi nên không thấy có các nhà khoa bảng, nhà văn, nhà thơ. Chúa Nguyễn chỉ lo việc dinh-điền cho nhà Chúa; ta còn thấy thành-ngữ: ”Cơm Chúa”. Chúa Nguyễn chỉ cho người ngoài Tôn thất giữ chức Cai mà thôi, từ chức Cai trở lên đều do người thuộc phủ Chúa bộ-nhiệm. Cuộc phân tranh (1627-1775) và cuộc nội chiến đã làm cho người có truyền-thống võ biền được trọng vọng hơn văn nghiệp. Ta hãy nghe người vùng Quảng-Nam trấn chửi rũa nhau những câu: ”Cái đồ...chín xứ; cái quân...năm đinh”; “chín xứ” là vùng đất trước kia thuộc của vua Lê Chúa Trịnh từ Ninh-Bình trở ra (khoảng 1786); “năm đinh” là từ Phú-Yên trở vào, vào tay Chúa Nguyễn (khoảng 1790).
Ngày xưa, tổ tiên ta vào triều Tây-Sơn đã chửi rủa quân thù: bọn “Chín xứ, Năm đinh”; xét cho cùng thì thuộc vùng quê cha đất tổ, có khi thuộc về dòng họ nhà mình. Sự thù hằn còn đó, và sau nội chiến 1945-1975 lại được lặp lại, có khi còn đậm nét hơn và mang theo đến Âu, Mỹ nữa. Sự qua phân đã làm cho dân tộc Việt-Nam có quá nhiều mất mát. Mất của cải vật-chất thì ta có thể tạo lại được, mất quyền lợi, sự tự-do thì có thể tìm lại được duy chỉ cái mất mát to lớn là tình-tự gia-đình, thử hỏi thế-hệ chúng ta phải làm thế nào cho các thế-hệ con cháu chúng ta biết được gốc tích của chúng. Chúng ta biết nguồn gốc của mình mà truyền lại cho con mình nhưng thế hệ sau con mình biết có còn làm gì để truyền lưu lại cho các thế hệ sau đó để biết nguồn gốc mình không? Có lẽ việc ghi lại gia-phả cũng cần thiết, rất cần-thiết; giống như mở một trương-mục vậy!
PHẠM HUỆ
* * *
Xem trang Tạp văn, tùy bút, click tại đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com