Nắng chiều hiu hắt!
Đường về xa!
Dáng mẹ liêu xiêu!
Tấm lưng còng trĩu nặng thời gian, gánh đời con thơ dại.
Thuở thiếu thời, tôi sống với bà nội.
Vừa dứt chiến tranh, đất quê cằn cỗi, Nội còm cõi nuôi cháu thay con mình; tôi nghĩ lưng nội còng là do thằng cháu dại.
Lớn lên, không phải thế!
Người già thường mắc nhiều bệnh, trong đó hay gặp nhất là bệnh cơ xương khớp. Theo điều tra của cố giáo sư Phạm Khuê năm 1976-1977 trên 1.3392 người từ 60 tuổi trở lên ở Bắc bộ thì bệnh cơ xương khớp chiếm nhiều nhất - 47,49%. Tuy nhóm bệnh này ít nguy cấp nhưng thường làm người già khó chịu, hạn chế sinh hoạt nhất là về mùa lạnh, khi trời trở, xáo trộn nặng nề giấc ngủ ngon hiếm hoi ở độ tuổi này; trong số đó, gặp nhiều nhất là bệnh loãng xương.
Loãng xương là tình trạng xương giảm mật độ xương hoặc gãy xương do xương giòn, yếu. Dùng máy đo, gọi là loãng xương khi mật độ xương nhỏ hơn trị số trung bình 2,5 lần độ lệch chuẩn, giá trị này còn gọi là điểm T, ví dụ điểm T = -2,5.
Loãng xương xảy ra ở khoảng lớn hơn 1/4 người từ 65 tuổi trở lên, là biểu hiện của tuổi già nhưng cũng là yếu tố gây già vì loãng xương làm cơ thể hạn chế vận động dẫn đến cơ thể hóa già nhanh hơn. Loãng xương được coi là một trong 4 vấn đề lớn được quan tâm đặc biệt trong thập niên 2000–2010: "Thập niên xương và khớp" như Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới đề xướng.
Hiện nay, loãng xương được coi là một bệnh dịch âm thầm, tăng dần, lan rộng khắp thế giới, nhất là tại các nước châu Á: khoảng 50% phụ nữ trên 50 tuổi bị loãng xương và trên 40% phụ nữ trên 70 tuổi bị gãy xương do loãng xương. Ở Mỹ, ước tính lớn hơn 10 triệu người (trong số này nam chỉ chiếm 2 triệu) bị loãng xương (điểm T nhỏ hơn -2,5) nhưng chỉ 10%-20% được chẩn đoán và điều trị và chi phí điều trị rất cao: 22 tỷ đô la Mỹ năm 2001.
Theo thông báo của Liên đoàn Chống bệnh loãng xương Thế giới, chi phí cho bệnh loãng xương tương đương chi phí cho bệnh đái tháo đường và lớn hơn chi phí cho hai bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ (ung thư vú và cổ tử cung).
Mức canxi ăn vào hàng ngày trên cư dân Hà Nội năm 1995 là 338,8 mg/người/ngày, ở quận 5 thành phố Hồ Chí Minh năm 1999 là 345,7 mg/ người/ ngày trong khi mức canxi cần thiết hàng ngày ở mỗi người là 500 mg. Có lẽ đây là cơ sở để nhận định Việt Nam là một trong những nước thiếu canxi nhiều nhất trên thế giới.
Có nhiều yếu tố gây thưa xương nhưng về mặt lâm sàng, có hai ý kiến giải thích:
(1) Albright cho rằng các hormon và rối loạn chuyển hóa làm mất dần chất đạm ở xương. Estrogen là chất chống tiêu xương, nồng độ giảm dần ở phụ nữ mãn kinh trở đi trong khi đó nam giới có androgen, nên loãng xương thường gặp ở nữ lớn tuổi.
Mẹ mang nặng đẻ đau, mẹ sinh Lạc Long Quân, Thánh Gióng, mẹ sinh những Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hoàng Xuân Hãn…mẹ sinh ra những người con một nắng hai sương điểm tô dải đất hình chữ S để rồi vào thời kỳ mãn kinh, lượng nội tiết tố sinh dục nữ suy giảm, gây tăng tái tạo xương mới và mất cân bằng hấp thu và tạo xương làm tình trạng loãng xương nặng lên.
(2) Noroin cho rằng loãng xương là do thiếu dinh dưỡng, chủ yếu là thiếu canxi và phospho. Người già do ruột hấp thu kém và ít uống sữa nên càng thiếu canxi và phospho. Người già thường bị bệnh thận và ít dùng sức nên máu đến nuôi dưỡng xương cũng ít đi, tình trạng này góp phần loãng xương.
Bà cụ Phạm Thị Yến, 81 tuổi, đang điều trị tại khoa Nội tim mạch - Lão khoa, BVĐK tỉnh Kon Tum bệnh cơ tim giãn, có lưng còng do loãng xương (ảnh chụp 28/3/2004).
Có 3 loại loãng xương: loãng xương sau mãn kinh, loãng xương tuổi già và loãng nhũn xương:
(1) Loãng xương sau mãn kinh là tình trạng teo xương cấp ở phụ nữ, xảy ra sau mãn kinh. Loãng xương sau mãn kinh: đau cột sống kinh diễn, biến dạng xương (hình 1 và 2) và gãy xương. Đau cột sống thường âm ỉ, lan tỏa, khó xác định điểm đau. Cột sống dồn lại, lưng gù dẫn đến giảm chiều cao. Thường có những cơn đau trội do loãng xương. Xét nghiệm: canxi niệu tăng 400-500 mg/ngày.
(2) Loãng xương tuổi già tiến triển âm thầm, cả nam nữ đều bị. Loãng xương tuổi già: cột sống biến dạng, gãy xương, canxi niệu không tăng mà có thể giảm, còn 50-100 mg/ngày.
(3) Loãng nhũn xương là thể loãng xương kết hợp nhũn xương, lâm sàng giống giống loãng xương sau mãn kinh.
Chụp X quang cột sống nghiêng cho thấy thiếu xương nặng và xương biến dạng kiểu hình chêm (chèn ép phía trước nặng).
Biến chứng đáng sợ nhất là gãy xương: cột sống, xương chậu, cổ xương đùi. Có ít nhất 1,5 triệu gãy xương mỗi năm tại Mỹ do loãng xương (dân số Mỹ khoảng 300 triệu), xác suất gãy xương ở người 50 tuổi trong quãng đời còn lại là 14% đối với nữ và 5% đối với nam. Gãy xương tăng theo tuổi.
Hội Loãng xương Hoa Kỳ đề nghị đo mật độ xương cho tất cả phụ nữ mãn kinh và ở độ tuổi 60 trở đi và điều trị khi mật độ xương nhỏ hơn trị số trung bình 2,5 lần độ lệch chuẩn hoặc điểm T nhỏ hơn -2.
Việc điều trị hiện nay đã cải thiện rõ rệt chất lượng sống ở người bệnh. Dùng canxi có tác dụng giảm mất xương và ức chế vòng đời xương và liều cho người lớn hơn hoặc bằng 51 tuổi là 1200 mg/ngày theo khuyến nghị của Viện Y học Hoa Kỳ 1997.
Em, khi cho mẹ uống canxi, nhớ không quá 600 mg/lần vì trên mức này thì cơ thể giảm hấp thu canxi. Viện Y học Hoa Kỳ khuyến nghị liều vitamin D hàng ngày cho người lớn là 200 IU đối với người nhỏ hơn 50 tuổi, 400 IU đối với người từ 50-70 tuổi và 600 IU đôi với người từ 70 tuổi trở lên, cách thức này giảm được 20% - 30% nguy cơ gãy xương hông. Vitamin D kích thích hấp thu canxi và phospho, làm bình ổn tạo xương; thị trường hiện có loại calcitriol 0,25 mcg/viên (biệt dược: Calcio 2000 đồng/ viên, ngày dùng 2 viên), Calci-D, 300 đồng/ viên. Fluo: 20-30 mg/ngày có tác dụng giảm đau và tăng đậm độ xương; tuy nhiên, thuốc này vẫn điều trị theo kinh nghiệm, bằng chứng y học không chắc chắn.
Estrogens. Có nhiều dạng estrogens khác nhau (estrogens ngựa liên hợp, estradiol, estrone, ethinyl estradiol và mestranol) là giảm vòng đời (turnover) xương, ngừa mất xương và tăng khối xương ở cột sống, xương chậu và xương toàn bộ. Estrogen có hiệu quả đối với phụ nữ mãn kinh tự nhiên hoặc phẫu thuật và cả đối với phụ nữ mãn kinh đã lâu có/không có loan xương với đường uống, xịt niêm mạc miệng, âm đạo, bôi da và tiêm dưới da/trong da. Với estrogens uống, liều 0,625 mg/ ngày loại estrogens liên hợp ngựa và 5 mcg/ ngày loại ethinyl estradiol và hiệu quả là giảm 50% gãy xương do loãng xương và lợi ích càng lớn khi dùng sớm và liên tục. Giá thuốc estrogens như Ovestine khoảng 4.000 đồng/ viên.
Raloxifene là loại thuốc tác dụng chọn lọc lên thụ thể estrogens tại mô dùng để dự phòng và điều trị loãng xương, thuốc giảm gãy cột sống 30% - 50%; tuy nhiên thị trường Việt Nam hiện tại chưa có loại này.
Alendronate thuộc nhóm bisphosphonates dùng để dự phòng và điều trị loãng xương, thuốc làm tăng mật độ xương cột sống lên 8% và xương chậu lên 6%. Dùng alendronate 5 mg/ ngày (khoảng 3000 đồng/ viên 10 mg, biệt dược Bifosa) trong 2 năm và sau đó 10 mg/ ngày trong 9 tháng giảm được nguy cơ gãy cột sống 50%, và giảm gãy xương chậu 50% hoặc dùng loại tiện hơn là loại có hàm lượng 70 mg, mỗi tuần uống một vien mà biệt dược là Fosamax, Alenta.
Em nhớ nhắc mẹ uống thuốc này với nhiều nước trước bữa ăn sáng và sau đó không được nằm ít nhất 30 phút nhằm tránh kích thích thực quản.
Calcitonin, một loại hormon tuyến giáp, năm1995 chấp thuận dùng calcitonin xịt mũi (200 IU/ngày) điều trị loãng xương sau mãn kinh nhờ tác dụng tăng khối xương và giảm nhẹ gãy xương mới so với nhóm chỉ dùng mỗi canxi nhưng không dùng thuốc này để dự phòng.
Phải nói thực rằng các thuốc này đắt, hơn một kí lúa một viên uống hàng ngày!
Theo dõi điều trị.
Đo mật độ khối xương để đánh giá đáp ứng điều trị: mật độ khối xương ở cột sống phải lớn hơn 4% và ở xương chậu lớn hơn 6% và không nên đo lặp lại khi chưa đủ 2 năm.
Tôi xem tới xem lui danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành năm 1999, lật đi lật lại hai danh mục thuốc bảo hiểm y tế (danh mục thuốc kèm theo quyết định 2320/2001/QĐ-BYT ngày 19/6/2001 và danh mục thuốc bổ sung kèm theo quyết định số 4809/2002/QĐ-BYT ngày 3/12/2002) và mới đây là quyết định số 03/2005/QĐ-BYT ngày 24 tháng 01 năm 2005 về thuốc năm 2005 dùng cho bệnh viện các tuyến chỉ thấy vitamin D, calcitriol, canxi và calcitonin; không có estrogen và nhóm bisphosphonates đề cập như trên trong khi đó thuốc kháng sinh thì nhiều cơ man. Phải chăng bệnh lý loãng xương tại Việt Nam hiếm gặp nhờ bờ biển dài lắm cá nhiều tôm? Và, cho đến giờ, giới lâm sàng chúng tôi không đủ thuốc để điều trị và dự phòng tối ưu bệnh loãng xương; bệnh loãng xương vẫn tiếp tục "ngoài luồng" điều trị.
Tiến sỹ Lê Anh Thư, trưởng khoa Nội cơ-xương-khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thốt lên rằng cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu dịch tễ đầy đủ nào về bệnh loãng xương cũng như mức độ ảnh hưởng của bệnh lên sức khỏe người bệnh và chi phí y tế của căn bệnh này ở nước ta; đa số bệnh nhân loãng xương chưa được chẩn đoán, điều trị đầy đủ và theo dõi lâu dài; chẩn đoán loãng xương thường là muộn, việc điều trị chỉ mới canxi, vitamin D và chất chuyển hóa của vitamin D (Calcitriol) còn các thuốc điều trị tích cực khác còn rất hạn chế. Đi một vòng các cửa hiệu ở các thành thị và nông thôn nước Việt, thấy mừng vì đã có bày bán sữa dự phòng loãng xương như Anlene 400 g 55.000 đồng/ lon, Obilac 400 g 48.000 đồng/ lon.
Đọc hướng dẫn em thấy đó, với 2 cốc sữa mỗi ngày là đủ lượng canxi và một số vitamin, năng lượng cần thiết để dự phòng loãng xương một ngày.
Em hãy mua cho mẹ uống đi; nếu bà, nếu ông còn thì hãy mừng tuổi ông bà mỗi sáng tươi hồng bằng 2 cốc sữa Anlene hoặc Obilac. Còn không, hoàn cảnh túng thiếu thì hãy nhín nhịn mỗi ngày mua 2-4 viên Canxi-D tại các hiệu thuốc cho mẹ, bà và ông uống nghe em; và ngay cả em nữa, nếu ngoài 30 tuổi thì hãy dự phòng loãng xương bằng 2 viên Canxi-D mỗi ngày. Thuốc này bán không cần đơn đâu, em à.
Hãy dậy sớm đi em, chạy một vòng thị thôn, em sẽ thấy dáng lưng còng lặn lội chợ mai.
Dân còn khổ, miếng ăn ngày hai bữa chưa chắc đủ, làm sao biết cách chăm sóc sức khỏe mình tốt, đâu rõ cách dự phòng và điều trị loãng xương nếu giới y tế không tích cực truyền thông?
Cũng theo lời TS Lê Anh Thư, hiện chưa có chiến lược dự phòng bệnh loãng xương và đa số dân lao động không có khả năng chữa bệnh lâu dài và chưa có giải pháp đương đầu với khó khăn kinh tế của người bệnh.
Đau đáu quá, phải không em?
Ngày trước, Lỗ Tấn không chọn nghề y vì ông cho rằng y khoa chỉ chữa được một số bệnh và ông chọn nghiệp văn chương, để lại cho đời tác phẩm đầy ý vị "A.Q chính truyện"; anh biết, trong trăm ngàn thầy thuốc nước mình hiện nay, có nhiều người chọn nghiệp y khoa vì duyên nghiệp, vì lúc đầu đời chứng kiến những cái chết vô phương cứu chữa như người thân lên cơn dại, chết do sốt rét, dịch hạch thuở thiếu thuốc men...và những người ấy luôn trăn trở về thực trạng y học nước mình, về cộng đồng, về các chương trình dự phòng tiên phát, thứ phát và quản lý bệnh mạn tính một cách chủ động hiện chưa có; họ khác Lỗ Tấn thời Tôn Dật Tiên bên Trung Quốc, họ đau nỗi đau thực tế. Nước Việt nhiều nơi vẫn chưa có máy đo mật độ xương (máy hấp thu tia X năng lượng đơn/đôi, máy chụp điện toán cắt lớp định lượng và siêu âm), làm sao biết mẹ cha ông bà thiếu bao nhiêu canxi để bù?
Có thể tham khảo nhận định của cố giáo sư Phạm Khuê là bắt đầu điều trị loãng xương rất khó vì không biết khởi bệnh lúc nào và khi điều trị thì xương đã mất 30%-50% canxi, lượng này tương đương mất 300-500 g canxi; một lưu ý nhỏ, thời ấy chắc chưa có máy đo mật độ xương nên cố giáo sư nói vậy.
Dân Việt khá giả hay đi chữa bệnh, thậm chí ra ngoài nước Việt để chữa và chạy, nếu em biết họ, hãy khuyên họ đưa mẹ, đưa bà, đưa ông đi đo mật độ xương chứ đừng xét nghiêm lung tung mà hoang mang và nguy hại.
Em ơi, đời xanh lắm!
Đừng giống mẹ, đừng giống bà!
Hãy giữ dáng lưng thẳng kiêu hãnh ngày nào ngay từ bây giờ bằng cách dự phòng loãng xương, hãy tập thể dục, dù cách thức này chỉ làm tăng khối xương 1%-2%. "Mẹ già như chuối chín cây*", em nhớ nhắc mẹ cẩn trọng từng bước, nhớ cầu thang, nhớ hố gà đường xa mà tránh, đừng để sàn nhà ướt, buồng tắm, lối đi tù mù, mắt mẹ kém thì đưa đi khám mắt.
Hãy điều trị tốt bệnh gây di chứng cơ thần kinh như đột quỵ, Parkinson, Alzheimer. Xương mẹ rệu rã lắm, đẻ nhiều mà.
Nhớ nhắc thầy thuốc hạn chế dùng các thuốc gây loãng xương như corticoids...
Đừng xem loãng xương là hệ quả tất yếu của tuổi già như sai lầm ngày nào cho rằng tăng huyết áp ở tuổi già là chuyện đương nhiên, không hề chi.
Dấu ấn thời gian không nên là dáng lưng còng!
Đành rằng sinh trụ dị diệt là quy luật của vũ trụ nhưng tuổi thọ của thế giới đã cải thiện rõ rệt, phụ nữ Nhật sống đến 82 tuổi còn mẹ Việt Nam thọ 82 tuổi.
Lẽ nào đời mẹ, đời bà đau nhức khớp đến 20-30 năm nữa sau mãn kinh?
Bà không còn nữa, mãi mãi dáng lưng cầu vồng gậy gõ sáng tinh mơ là nỗi day dứt tâm can, thôi thúc tôi hướng về cộng đồng người cao tuổi. Mẹ vẫn tảo tần nhịp gánh thời gian.
Xin mẹ hàng ngày hãy uống sữa Anlene, mong mẹ khỏe!
Ôi, mẹ Việt tảo tần!
Đào Duy An
Kon Tum 2005; Sài Gòn 17/3/2009.
* Ca dao Việt Nam