Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 18, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
QUẢNG-NGÃI QUÊ HƯƠNG TÔI
NGUYỄN CAO CAN


Mỗi con người dù ở bất cứ hoàn-cảnh nào, dù ở đâu cũng đều muốn biết người sinh ra mình và ông bà tổ-tiên nhiều đời trước ra sao, đã từ đâu đến lập nghiệp nơi nầy. Ước muốn ấy như một thiên tính. Người ta cũng còn muốn tìm hiểu nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đi càng xa, càng nhớ về cố quận. Trong tập Quốc-Văn Giáo-khoa thư có kể câu chuyện rằng: Xưa có người phú-hộ nọ đi chu-du khắp thiên-hạ, đến khi trở về quê cũ được hỏi: “Nơi nào đẹp nhất?”, người phú-hộ trả lời không do-dự “Quê-hương là đẹp hơn cả”. Họ tộc, làng xã và rộng ra là quê-hương nằm trong mỗi chúng ta, lung-linh trong những hoài-niệm tuyệt-vời. Nó gắn-bó với từng gốc rạ, từng lũy tre làng, từng góc phố. Nơi càng nghèo khó, chúng ta càng quyến-luyến yêu thương, khó rời xa, khó dứt bỏ. Nó quặn đau từng hồi khi phải xa lìa. Nó đầm-đìa khổ đau khi ở một phương trời xa nghe quê nhà bị tang-thương trong những nỗi đau do con người tạo nên hay thiên-tai tàn-phá. Chúng ta, những người lưu-lạc, về nhìn lại thì ngậm-ngùi mà ở thì nhung nhớ bơ-vơ...Việc tìm hiểu quê-hương như một ước-mơ và trở nên một nhu-cầu đáng yêu, đáng quý, không thể thiếu vắng ở mỗi người, nhất là đối với những người con phải xa quê mẹ.

Ngày xưa, vua Trần Nhân Tông (1279-1293), người anh-hùng của dân-tộc trong 2 cuộc kháng-chiến chống quân Nguyên đã hiệu-triệu thần dân:

-“Hỡi các ngươi! Quang âm qua mau chóng, đời người trôi không dừng! Làm sao các ngươi ăn cháo, ăn cơm mà không tìm hiểu chuyện cái bát, cái thìa”.

Vâng, chuyện cái bát cái thìa với bữa ăn hàng ngày. Chuyện con trâu, con bò, cái cày, cái bừa với ruộng vườn, lũy tre xanh với phố chợ. Chuyện cây đa đầu làng với những xác bình vôi bể nằm ngổn-ngang dưới gốc khiến ông đi qua, bà đi lại phải cúi đầu. Chuyện cái đình làng, cái mộ tiền-hiền của mỗi tộc họ rải-rác ở khắp mỗi làng, mỗi xã. Câu hò câu hát và mỗi thứ loại, mỗi biến-cố chung quanh ta đều xuất-hiện ở một mốc thời-gian nhất định. Chúng ta, những người đã cắp sách đến trường, nhìn về văn-miếu tỉnh Quảng-Ngãi ở quận Sơn-Tịnh hay văn-miếu quận Mộ-Đức...đã tiêu-điều đổ-nát từ nhiều năm không khỏi ngậm-ngùi. Và xương máu nào đã tưới theo bước chân Nam tiến của ông bà từ ngàn xưa cho mãi đến ngàn sau để dành lấy và bảo-vệ quê cha đất tổ. Truyền-thống văn-hóa với truyền-thống yêu nước, dựng nước và giữ nước của Ông bà ta như một cỗ xe song-mã luôn tiến bước cùng nhau theo con đường lịch-sử.

Quá-khứ của một tộc họ, của một dân-tộc càng ghi chép đầy-đủ càng được truyền-tụng lâu đời, càng làm cho con cháu và các thế-hệ đời sau tự-hào, hãnh-diện. Vì thế nên không ngạc-nhiên, từ lâu đời, ông bà ta, mỗi gia-đình họ tộc đều có tục-lệ ghi-chép tông-đồ, gia-phả. Nhất là sau ngày hết chiến-tranh, trên 2 triệu người Việt bỏ nước ra đi nên nhu-cầu tìm về, ghi chép, tu-bổ tông-chi, tông-đồ, gia-phả trở nên rất cần thiết. Tất cả như 1 lời kêu gọi thống-thiết: “Trở về nguồn!”

Từ những gia-phả của mỗi gia-đình, họ tộc được ghi chép kỹ-lưỡng, lưu-hạ nhiều đời kèm theo tông-chi, tông-đồ và những sắc-phong của các triều-đại vua chúa kế tiếp nhau hoặc những thần chủ trên bàn-thờ ông bà may-mắn không bị thiêu-hũy bởi biến-cố chiến-tranh, còn tồn-tại ở các nhà thờ họ tộc sẽ soi sáng thêm cho lịch-sử của mỗi một gia-đình họ tộc, rộng hơn là góp phần không nhỏ cho người chép sử làm tốt bổn-phận mình đối-với lịch-sử của một dân-tộc, nhất là dân-tộc Việt-Nam đã trải qua bao cuộc chiến-tranh tương-tàn, khủng-khiếp.

Để minh-họa cho giá-trị của một gia-phả được ghi chép đầy-đủ, lưu-truyền lâu đời có thể góp phần soi sáng thêm lịch-sử, chúng tôi xin sơ-lược vài nét của một ít nhân-vật lịch-sử tiêu-biểu cho Quảng-Ngãi qua gia-phả hoặc qua một số tài-liệu mà chúng tôi được đọc có những điểm chưa thấy chép vào sử sách hoặc chép quá tổng-quát. Trong khuôn-khổ đoạn mở đầu của “Quảng-Ngãi, quê-hương tôi”, xin đề-cập sơ-lược đến:

Gia phả họ LÊ ở làng Bồ Đề và những sắc phong của Lê Văn Duyệt

Lần theo gia-phả (bản chính bằng chữ Nho đã được dịch ra Quốc-Ngữ), Lê Văn Duyệt là cao cao tổ bá (2 đời cao tổ) người gốc làng Bồ-Đề, tổng Lại-Đức, phủ Mộ-Đức (Làng Bồ-Đề, xã Đức-Nhuận, Mộ-Đức ngày nay), sinh ngày 6-9 Năm Giáp-Thân (1764), mất ngày 30-7 năm Nhâm Thìn (1832) thọ 68 tuổi. Lăng mộ ông tại Bình-Hòa, Bình-Dương, Gia-Định.

Ngài thủy-tổ họ Lê húy là Lương, vào định-cư tại làng Bồ-Đề lúc nào không thấy ghi rõ, sinh hạ được một người con trai là Lê Văn Tính (đời thứ nhất). Ngài cao cao cao cao tổ (4 đời cao tổ) là Lê Văn Hiếu (đời thứ 2). Ngài cao cao cao tổ (3 đời cao tổ) là Lê Văn Toại (đời thứ 3). Nhờ công-trạng mà Lê Văn Duyệt được phong tước Quận Công nên ông Cố, ông Nội và Cha đều được truy phong tước Hầu.

Bình-sinh Lê Văn Duyệt là người ngay thẳng, anh-minh, quả-cảm và cương-nghị hơn người. Năm 17 tuổi, Lê Văn Duyệt theo phò Nguyễn Ánh và theo chân chúa đến thành Vọng-Các (Bangkok), lập nhiều công-trạng hiển-hách. Gia-phả còn ghi thêm rằng:

-“Ngài là một thiên tướng giáng trần, thế-gian ít người được vậy. Từ khi Ngài lãnh chức Tổng-Trấn thành Gia-Định, muôn dân đều cảm phục, mến mộ”.

Theo gia-phả, ông Lê Văn Duyệt là đời thứ 4 của tộc họ Lê tính từ khi họ này định-cư tại làng Bồ-Đề. Ông Lê văn Toại sinh được 4 người con trai: Lê Văn Duyệt, lê Văn Oai, Lê Văn Phong, Lê Văn Đến và 2 con gái. Ông Lê Văn Phong cũng là người có tài, mưu-lược, từng được phong là Thành Sách Quan, giữ chức Tả Doanh Đô-Thống-Chế, lãnh Phó Tổng-trấn Bắc thành. Hai anh em, một người trấn Nam và một người trấn Bắc! Ông Lê Văn Phong có 27 người con trai. Vì không có con nên theo chỉ-dụ của Gia-Long, Lê Văn Duyệt lập Lê Văn Yến, con trai đầu của Lê Văn Phong làm thừa tự.

Theo sử liệu, cuộc phiến loạn Phiên-An kéo dài gần 2 năm của Lê Văn Khôi (Vốn người họ Bế ở Cao-Bằng, con nuôi của Lê Văn Duyệt), gần 2 ngàn dân vô tội ở Sài-Gòn, Gia-Định bị dìm trong bể máu và chôn chung trong một hào mà ngày nay vẫn còn dấu vết. Minh-Mạng vốn không ưa Lê Văn Duyệt và nghi-ngờ ông có thiện-cảm với Hoàng-tử Cảnh nên nhân cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, ghép Lê Văn Duyệt vào tội gây mầm-mống phản nghịch. Lăng mộ Ông bị san bằng, 38 đạo sắc phong của ông bị thu-hồi và thiêu-hũy. Minh-Mạng lại còn dựng lên tấm bia ghi: “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” nghĩa là “đây là nơi tên hoạn Lê Văn Duyệt chịu phép nước”.

Gia-phả còn ghi:

-“Phò-mã Đô-úy Lê Văn Yến (Lê văn Yến lấy Thái Thái trưởng công-chúa An-Nghĩa, con thứ 10 của Gia-Long và bà Lê Thị Bình nên được phong là Phò-mã Đô-úy. Nguyên trước bà Bình là vợ của vua Nguyễn Quang Toản và là em ruột của Ngọc-Hân Công-chúa, vợ hoàng-đế Quang-Trung) có 4 người con là: Lê Văn Hạo, lê văn Tải, Lê Văn Diễn, Lê Văn Minh. Lúc cha bị giết, Lê Văn Diễn mới 13 tuổi và Lê Văn Minh mới 12 tuổi nên bị lưu-đày. Đến đời Tự-Đức, hai anh em còn sống-sót này mới được ân-xá và cho sung vào quân-ngũ. Lê Văn Diễn được ân ban Tứ sắc-phong Ấm-thụ, chức Kỵ-Đô-úy, Lê Văn Minh làm Chánh Lãnh-binh.

Trong gia-phả có lưu lại tờ sớ của Lê Văn Diễn trình tấu xin minh oan cho Lê văn Duyệt. Sau đó vua Tự-Đức có ban chỉ-dụ luận công minh-bạch và một tờ chế vua Tự-Đức ban ngày 17-4 năm Tự-Đức 21 (1868). Nội-dung tờ chế là những lời-lẽ hết sức cảm-động. Đoạn cuối có viết:

-“Ô-hô! Bất một chí công, hậu đương tất phục.Thánh nhân vô súng văn chi cửu lai giả khả truy. Kim chi khán quá ân dã, thành mỹ ý, chiêu hậu đạo, sức tướng tài, vi quốc gia tương lai chi báo dã. Cách thế hữu từ, cửu nguyên khả thu. Tuy vâng chi nhật, như hồn chi niên” (Than ôi! cái công không bao giờ bị vùi dập, cuối cùng tất phải truy phục. Thánh nhân không hề nghĩ đến những lỗi lầm đã qua, rồi đây có thể truy cứu những điều mà hiện tại đã xem-xét. Thánh ân đã trở thành ý đẹp, làm chói sáng cái đạo cao dày. Nuôi dưỡng tướng tài là cốt để báo đáp tương lai cho nước nhà. Dương-gian có lời an-ủi, xin Ngài ở nơi chín suối có thể nhậm cho, dù Ngài đã qua đời, nhưng vẫn coi Ngài như ngày còn sống).

Cùng với gia-phả, chế, chỉ-dụ còn tìm thấy 3 sắc phong ban cho Quận Công Lê Văn Duyệt gòm có 2 sắc phong của Vua Thành-Thái và 1 của vua Khải-Định.

Sắc của vua Thành-Thái ban ngày 25-12 năm Thành-Thái thứ 13 (1901):

-“Sắc Quảng-Ngãi tỉnh, Sơn-Tịnh huyện, Đại-Hà sở, phụng-sự Vọng-Các công thần. Khâm-sai Tả Quân Lê Quận Công tôn thần. Hộ-quốc ti dân nẩm trứ linh ứng. Hương lai vi hữu sắc phong Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miên niệm thần hưu, trứ phong vi “Trác Vi Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần” chuẩn nhưng cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân”.

Dịch nghĩa: “Sắc phong cho sở Đại-Hà, huyện Sơn-Tịnh, tỉnh Quảng-Ngãi là nơi thờ phượng Ngài Khâm sai Tả Quân Lê Quận Công, 1 công thần thời ở Vọng-các, giúp nước, che-chở cho dân, linh-ứng sáng tỏ. Trước nay chưa có sắc phong. Thế nên nay ta vậng mệnh sáng, tưởng nhớ đến công trạng của ngài, ghi vào tự điển, phong ngài thần hiệu “Tài Trí tuyệt vời, công-lao tột đỉnh, phò trì bảo-vệ thời Trung Hưng là vị Thần thuộc loại thượng đẳng”. Đặc-biệt chuẩn cho xã ấy được phụng thờ như cũ”.

Qua bản sắc phong này ta thấy sau lần 38 đạo sắc phong bị tịch thu và thiêu-hủy thì mãi đến năm Thành-Thái 13 mới có một đạo sắc phong ban cho sở Đại-Hà nơi thờ-phượng Lê Văn Duyệt, đây cũng là một cách ban lại cho Lê Văn Duyệt. Đến năm Thành-Thái 16 (1904), nhà vua lại tiếp tục ban lại một đạo sắc phong khác mà nội-dung cũng như sắc phong trước.

Năm 1924 tức năm Khải-Định thứ 9, nhân tròn 40 tuổi, Khải-Định có 1 sắc phong ghi nhớ công đức của Lê Văn Duyệt, nội-dung cũng giống sắc-phong của vua Thành-Thái nhưng địa-danh thì thay đổi: “Sắc Quảng-Ngãi tỉnh, Mộ-Đức huyện, Lại-Đức tổng, Bồ-Đề xã...” và đoạn cuối có ghi “sắc này để ghi nhớ ngày quốc-khánh và tỏ bày được cung-kính”.

Như vậy qua các tài-liệu tìm thấy ở gia-phả, chế, chỉ-dụ, sắc-phong ở trên cho thấy phần nào vì sự thù ghét cá-nhân mà Minh-Mạng đã thi-hành sự trừng phạt đối với Lê Văn Duyệt và con cháu họ tộc ấy hết sức dã-man tàn-bạo đồng thời cũng cho ta thấy sự khoan-hòa độ-lượng của quân, thần Nguyễn triều sau này đối với một người đã hơn 50 năm một lòng một dạ theo phò Tiên đế của họ và đã có nhiều công-trạng lớn-lao trong việc thiết-lập triều Nguyễn.

Qua gia-phả có thể xác-định được ông Nội hoặc ông bố của Lê văn Duyệt đi vào vùng Tà-Lọt, Định-Tường vì các tài-liệu trước đây đều cho rằng ông Lê Văn Hiếu (ông Nội của Lê Văn Duyệt) di-cư vào Nam từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu.

Việc đánh giá công hay tội của Lê Văn Duyệt xin dành cho các sử gia. Ở đây, chúng tôi chỉ nói lên giá-trị của một gia-phả và nhất là giới-thiệu một người con xứ Quảng là Quận Công Lê Văn Duyệt đã một thời làm Tổng Trấn thành Gia-Định và người em là Tả Doanh Đô-Thống-Chế Lê Văn Phong, phó Tổng-trấn Bắc thành.

Lần theo gia-phả, chế, chỉ-dụ và những sắc phong của Lê văn Duyệt mà con cháu Ngài đã có công-lao lưu giữ cho đến ngày nay tại nhà thờ họ Lê ở Bồ-Đề đã khẳng định tấm lòng của Tả Quân Lê Văn Duyệt đối với quê-hương của Ngài:

Đa khai Mộ-Đức tâm
Hậu tích Bồ-Đề chí”

Tạm dịch:

“Mở rộng lòng Mộ-Đức
Chứa đầy chí Bồ-Đề” 

Gia phả họ Trương ở làng Mỹ Khê và ông Trương Đăng Quế. 

Gia-phả họ Trương ở Mỹ-Khê đã được dịch ra Quốc ngữ, ấn bản Ronéo, khổ nhỏ gồm 5 tập do Ban Trùng Tu gia-phả họ Trương biên soạn và ấn-hành ở Việt-Nam. Chúng tôi đã được đọc một số gia-phả thì thấy gia-phả họ Trương ở Mỹ-Khê Quảng-Ngãi ghi chép tương-đối liên-tục, công-phu, nhất là có kèm theo một ít tài-liệu lịch-sử giá-trị.

Thủy thế tổ là ông Trương Đăng Nhất, nguyên quán xứ Hà-Ba (Hà-thanh) xã Phước-Long huyện Thạch-hà tỉnh Hà-Tĩnh, vào Nam thời vua Lê Thần Tông (1619-1628) định-cư tại tổng Bình-Châu, Bình-Sơn, phủ Hòa-Nghĩa (1) vào khoảng 1623. Đến năm 1885 thì họ Trương Đăng đổi thành Trương Quang vì lý do phạm húy (Vua Kiến-Phúc là Nguyễn-Phúc Ứng-Đăng).

Thủy tổ sinh một nam là đệ nhất thế tổ Trương Đăng Trưởng (1623-1679) chức cai-quản tước là Nham Lãnh Bá, sinh hạ được 2 trai và 5 gái. Ông Trương Đăng Hưng (1650-1720) là đệ nhị thế tổ (tổ thứ 2).

Lần theo gia-phả, đến đời thân phụ ông Trương Đăng Quế – cụ cố Trương Đăng Phát, là đời thứ 6.

Trương Đăng Phát (1758-1801) đã từng làm tri huyện Mộ-Hoa (Mộ-Đức bây giờ), Quảng-Ngãi dưới thời Tây-Sơn. Khi Nguyễn Vương (Gia-Long sau này) chiếm lại Quảng-Ngãi, ông được lưu-dụng và làm đến Hữu Tuyên Vũ phủ Quảng-Ngãi. Ông sinh được 4 nam và 4 nữ trong đó Trương Đăng Quế là con thứ 3 (đời thứ 7).

TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ (1793-1865)

Tự là Diên-Phương, hiệu Đoan-Trai, biệt hiệu Quảng-Khê, người làng Mỹ-Khê nay thuộc xã Tịnh-Khê, Sơn-Tịnh, Quảng-Ngãi, là một vị đại thần cột trụ trải qua 4 đời vua: khởi nghiệp làm quan vào cuối đời Gia-Long (1802-1820), thăng quan tiến chức đến tột đỉnh danh-vọng dưới các triều Minh-Mạng (1820-1840), Thiệu-Trị (1840-1847) và Tự-Đức (1847-1883).

Trong Đại-Nam Nhất thống Chí tập II quyển VIII, phần nhận-vật đời Nguyễn, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn đã ghi vắn tắt tiểu-sử của ông như sau:

“Trương Đăng Quế: người huyện Bình-Sơn (Sơn-Tịnh ngày nay) đỗ Hương-Cống đời Gia-Long. Đăng Quế là người khai Khoa Hương Tiến ở Quảng-Ngãi. Đầu đời Minh-Mạng sung Đông Cung bạn độc, sau thăng chức Binh bộ Thượng-Thư, sung Cơ-mật đại-thần, năm thứ 14 gia Thái-tử Thiếu bảo. Năm thứ 15 sung chức Kinh-lược đại sứ, đi khám đạc ruộng đất ở 6 tỉnh Nam Kỳ. Thăng Hiệp-Biện đại-học-sĩ, vẫn giữ công việc ở Binh bộ. Năm thứ 17, sung Kinh-Lược đại thần ở Thanh-Hóa, đánh tan thổ phỉ, khi trở về vẫn giữ chức cũ. Năm thứ 20, tấn phong tước Tuy Thịnh Nam. Năm thứ 21 vâng cố mệnh sung Phụ Chính. Năm Thiệu-Trị thứ 1, vì có công giúp, rập, thăng Thự văn Minh diện Đại học sĩ, gia Thái Bảo, quản-lý Binh Bộ kiêm Cơ-Mật Viện lại kiêm Quốc sử quán Tổng Tài, tấn phong Tuy Thạch tử. Lại xét thấy Đăng Quế có nhiều công trù-hoạch về việc bình-định Trấn Tây, khi đúc súng để biểu-dương công lao, tên Đăng Quế được khắc vào khẩu súng Bảo-Đại Định Công, là khẩu súng đứng vào hạng thứ nhất. Ngày tháng 9 năm thứ 7, vâng danh-hiệu Cố mệnh lương thần, sung phụ chính. Năm Tự-Đức thứ 1, thăng Cần Chánh Điện Đại-Học Sĩ, tấn tước Quận Công, sung giảng quan ở Kinh Diên. Sau đó vì già yếu cố xin nghỉ, về quê chết, thọ 73 tuổi. Đăng-Quế trải thờ 4 triều, hơn 40 năm giữ việc cơ-yếu, được tặng Thái-Sư, cho Thụy là Văn-Lương, thờ phụ ở Thế Miếu; có tập Học Văn Hành Thể “(2)

Lần theo gia-phả và Đại-Nam Thực-Lục, tuy Thạnh Quận Công Trương Đăng Quế đã được tín-nhiệm một cách tuyệt-đối, trọng nể và ưu-ái đặc-biệt xuyên suốt 3 đời vua Minh-Mạng, Thiệu-Trị, Tự-Đức. Trước khi băng-hà, vua Minh-Mạng giao-phó việc phò-tá người con kế-vị là vua Thiệu-trị với sắc-phong: “Cố mạng lương thần kiêm phụ chính đại-thần”. Cũng vậy, vua Thiệu-Trị cũng hoàn-toàn giao-phó vua Tự-Đức cho Trương-Đăng-Quế. Vì thế nên vua Tự-Đức mới tặng ông danh-hiệu: “Lưỡng Triều Cố Mạng Lương Thần” vào năm Tự-Đức thứ 3 (1850)

Nếu không phải là con người khôn-ngoan tuyệt-đỉnh, nếu không phải là nhà chính-trị tài-ba lỗi-lạc thì không dễ gì làm cây cột trụ vững-chắc, đầy quyền-uy cho cả 3 triều-đại kéo dài hơn 40 năm, gần trọn cuộc đời tham chính của ông. Thật đúng với câu: “Địa linh sinh nhân kiệt”.

Chung quanh ông biết bao nhiêu là đại-thần, khoa-bảng thèm muốn địa-vị của ông. Nhất là sau khi vua Thiệu-Trị băng-hà (1847), người con trưởng là Hồng-Bảo không được nối ngôi. Theo di-chiếu của vua Thiệu-Trị, người kế vị là hoàng-tử thứ 2 tên là Hồng-Nhậm tức vua Tự-Đức sau này. Lý do là Hồng-Bảo, theo sự nhận-xét của vua Thiệu-Trị, là người ham chơi, thiếu đức lại là con bà vợ thứ. Hồng-Nhậm tuy là con thứ nhưng là con vợ chính lại nổi tiếng hay chữ và đức-độ. Làm sao Hồng-Bảo không gây chia-rẽ trong triều-đình và ngay cả dùng thế-lực bên ngoài để lấy lại giang-sơn trong tay người em khác mẹ. Hồng-Bảo cho mình là chính-thống, là con trưởng. Mục-tiêu mà Hồng-Bảo và phe nhóm nhắm đến ngoài Tự-Đức thì phải kể đến Trương-Đăng Quế. Sự tin-tưởng tuyệt-đối của vua cha với sắc phong “cố mệnh lương thần kiêm phụ chính đại-thần” làm gì thì Trương Đăng Quế cũng ảnh-hưởng không ít trong sự phế lập này. Đây là mầm-mống nội loạn thời Tự-Đức và những ý đồ gây chia-rẽ giữa vua Tự-Đức và Trương Đăng Quế.

Nhiều biến-cố liên-tiếp xảy ra trong thời bấy giờ như:

- Tháng 1-1851, chận đứng âm-mưu trốn đi Singapore để cầu-viện quân Anh của An-Phong-Công Hồng-Bảo.

- Năm 1855, bắt trọn ổ nội phản. Hồng-Bảo bị kết án chung-thân, không cho mang họ Nguyễn-Phước, phải mang họ mẹ là họ Đinh, đã tự-sát trong ngục vì xấu-hổ.

- Nửa đêm 16-9-1866, Đoàn Trưng, Đoàn Hữu Ái lấy danh-nghĩa phò-tá Đinh-Đạo (con Hồng-Bảo) lấy lại ngôi vị chánh-thống đã tìm cách lật-đổ vua Tự-Đức trong một cuộc binh-biến mà thời bấy giờ gọi là giặc Chày Vôi, võ-trang bằng gươm giáo và chày giã vôi của quân dân đang xây lăng Tự-Đức ở núi Vạn-Niên, kéo về kinh thành, xông vào đại nội, quyết bắt cho được vua Tự-Đức. Nhờ phản công kịp thời của cận-vệ quân nên Tự-Đức thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Cuộc phản loạn bị đập tan, gia-đình Đinh-Đạo đều bị xử tử.

Vua Tự-Đức tuy không phải là hôn quân hay bạo chúa nhưng dưới triều-đại nầy nội loạn và ngoại-xâm diễn ra khắp nơi. Qua vụ án giặc Chày Vôi cho thấy vua Tự-Đức là đối-tượng của sự tranh-chấp quyền-lực. Trương Đăng Quế, trụ cột chính của triều-đình đã 2 lần được vinh-dự với danh-hiệu “cố mạng lương thần”, là người hỗ-trợ nòng-cốt cho quyền-lực đó. Cả hai đều phải bị triệt-hạ bằng nhiều phương-cách. Để hỗ-trợ cho giặc Chày Vôi thành hình, mặt-trận chiến-tranh tâm-lý, lung-lạc nhân-tâm được phát-động bằng cách rỉ tai, phao truyền tin thất-thiệt: “vua Tự-Đức là con Trương Đăng Quế”. Hoặc bằng cách đồn rằng Trương Đăng Quế đã tráo con hoặc là Trương Đăng Quế đã thông dâm với bà Từ-Dũ, cách nào cũng muốn hạ uy-tín của cả hai. Bắn một mũi tên mà giết được 2 con chim! Làm cho Tự-Đức và Trương Đăng Quế đều bất xứng với ngôi vị tột cùng của họ: Tự-Đức không phải là “cành vàng lá ngọc”, còn bầy tôi thì thuộc loại gian thần, quỉ-quyệt, cướp ngôi nhà Nguyễn. Vì sơn-hà xã-tắc phải trừ gian tà, phải khôi-phục ngôi vị chính-thống. Đó là những tuyên-truyền xách-động trong tộc họ Nguyễn-Phước, cả trong binh lính và dân chúng để đưa đến vụ án giặc Chày Vôi sau này.

Ngoài ra, thực-dân Pháp cũng khai-thác tin-tức này một cách triệt-để. Ông Paul Gally, một giáo-sĩ, viết ngày 15-1-1852: “Ông Quế, vị Thượng-thư đầy quyền-lực ở triều-đình đã cướp ngôi của Hồng-Bảo để dành cho con ông là Tự-Đức (Yoshiharu Tsuboi- nước Đại-nam đối-diện với Pháp và Trung-Hoa (Ban KHXH-TUTP HCM, 1990).

Từ bên trong (triều-đình) lẫn bên ngoài (thực-dân Pháp), cột trụ Trương-Đăng Quế nằm trong thế “lưỡng đầu thọ địch”. Thực-dân Pháp biết rõ về lập-trường yêu nước, chống Pháp (chủ chiến) của Trương Đăng Quế nhưng thế-lực của Ngài quá mạnh ở triều-đình (triều-đình lúc bấy giờ có 2 phe: chủ hòa và chủ chiến). Nhất là khi 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ thất-thủ (1862), ông đã ngấm-ngầm giúp cho các lực-lượng chống Pháp ở nhiều nơi. Hải-quân Đô-đốc Bonard đã gởi công-văn về Bộ Ngoại-giao Pháp ngày 14-1-1863 nội-dung được trích đoạn như sau:

”...Quân-đội chính-qui của vua An-Nam bị đánh tan, các thành-trì trọng-yếu bị chiếm cứ, đầu mối việc ký-kết một hòa-ước, chiến-dịch cuối cùng 1861 đã làm thay-đổi hẵn bộ mặt chiến-tranh, vì chẳng nên dấu diếm làm gì thái-độ của triều-đình Huế không bao giờ chịu thi-hành nghiêm-chỉnh hòa-ước đã ký.

... Hiện có 2 dư-luận đối-lập chi-phối tình-huống chính-sự ở Huế giữa các dòng họ và các nhân-vật quyền-uy: một phe gồm những người thức-thời nhận-định rằng nếu chiến-tranh cứ tiếp-tục kéo dài thì chỉ gây đổ-nát và rối-ren trật-tự ở Nam-Kỳ, kể cả vùng đất còn thuộc triều-đình Huế kiểm-soát. Đứng đầu phe này là Phan-Thanh-Giản, một trong các sứ-giả thương-nghị và ký hòa-ước, đã chịu hy-sinh để lập lại nền trật-tự và thịnh-vượng trên phần đất còn lại của Vương quốc An-Nam.

Phe kia, mù-quáng vì sẵn lòng thù ghét người Tây phương, tiêu-biểu là Trương Đăng Quế, đương-kim Thượng-thư Bộ Thương-mại, giữ trọng-trách giao-thiệp với người ngoại quốc. Họ chẳng chịu cân-nhắc những nguy-khốn gây ra bởi cuộc chiến trường-kỳ, mà còn hy-vọng dùng phương-tiện quấy rối khiến chúng ta mỏi-mệt, chán-nản chẳng cần e-ngại hao-tốn thiệt và hy-sinh”.

Điều này đã nói lên lập-trường yêu nước chống Pháp của Trương-Đăng Quế một cách rõ-rệt.

Căn-cứ vào gia-phả, Trương Đăng Quế đỗ Hương-Cống vào cuối triều Gia-Long (1819), trở thành người khai khoa của tỉnh Quảng-Ngãi. (Thời bấy giờ chưa có thi Hội). Ông được sơ bổ Hành-tẫu Bộ Lễ. “Năm Minh-Mạng thứ 9 (1828) nhận chỉ dụ giao sang Bộ Lại, lo trách-nhiệm hướng-dẫn các quan mới chỉnh-đốn y-phục vào bái-kiến, sung chức Hành-tẫu Văn-thư phòng. Cũng năm ấy, sung chức Quản-lý công việc văn-thư phòng. Tháng 10 thăng Thượng-thư Bảo-thiếu-khanh (thấp hơn Hường Lô Thiếu-khanh 1 bậc), giữ công việc Quản Cai Phòng” (trích Trương tộc Hệ-phả, hệ 7 trang 5). Với chức-vụ này thì Trương Đăng Quế chỉ mới là quan Ngũ phẩm (theo quan-chế nhà Nguyễn)

Tuy chỉ có học-vị Hương-Cống, chức quan hàng Ngũ phẩm nhưng chỉ trong một thời-gian ngắn, Trương Đăng Quế đã trở nên cột trụ chính của triều-đình.

Xem vậy mới thấy rằng Trương Đăng Quế phải có một sức học sâu rộng, một năng-lực đa-diện mới được 3 đời vua và các bậc đại-thần, đại khoa trọng nễ lâu dài như vậy.

- Là nhà chính-trị tài-ba, nổi tiếng dưới triều Nguyễn, Trương Đăng Quế còn là nhà thơ, là học-giả. Ông đã sáng-tác rất nhiều thơ văn: Học văn dư tập (Thơ), Quảng-Khê thi văn tập, Nhật-Bản Kiến văn lục (Văn).

- Về phương-diện văn-hóa, Trương Đăng Quế từng làm “Đông-cung bạn độc” (để dạy hoàng-tử), Kinh Diên Giảng quan Quốc Sử quán Tổng tài, Chánh chủ-khảo thi Hội,...đào-tạo và chọn-lựa được nhiều nhân-tài cho đất nước thời bấy giờ. Ông là người chủ biên nhiều bộ sách biên-khảo đồ-sộ của triều Nguyễn.

-Năm 1835, ông dẫn đầu phái-đoàn đi chỉnh-đạc điền-thổ ở 6 tỉnh Nam-Kỳ, lập được đinh-bạ và địa-bạ góp phần an dân trên vùng đất đang khai-khẩn, được thừa-nhận là rất khoa-học. Sau này người Pháp cũng rất thán-phục, có nhiều trường-hợp đến đầu thế-kỷ 20 họ vẫn lấy đó làm căn-cứ để giải-quyết các vụ tranh-chấp ruộng đất.

- Về quân-sự, năm 1840, ông viết “Thủy chiến tiên cơ quyết thắng”.

- Về nội trị, ông chủ-trương không dùng tiền mua hàng phương Tây để tiết-kiệm cho nhân-dân khỏi cảnh đói rét. Ông còn hô-hào đắp thành lũy để phòng-ngự các vùng bờ biển.

- Về tổ-chức bộ máy quan lại, ông xem việc dùng quan-lại là một vấn-đề hết sức trọng-yếu của đất-nước. Quan-lại phải có thực học, phải được sát-hạch để lựa chọn một cách kỹ-lưỡng. Quân-đội, ông yêu-cầu giãm binh. Muốn cho quan-lại thanh-liêm, ông chủ-trương phải giãm bớt nhân-viên.

Tuy giữ những chức-vụ rất quan-trọng trong triều-đình, Trương Đăng Quế vẫn giữ được thanh-liêm, giản-ước. Khi thấy quan-laị trong triều chia-rẽ và nhất là thấy bất lực trước nạn ngoại xâm, Trương Đăng Quế đã nhiều lần xin từ quan nhưng mãi đến lần thứ 6 mới được chấp-thuận. Năm 1863, ông về hưu sống ở quê nhà tại làng Mỹ-Khê cùng với 6 bà vợ và mất năm 1865, thọ 73 tuổi.

Ông Trương Đăng Quế có 2 người con được lưu danh sử sách:

1. Ông Trương Quang Đản (1863-1919): Đông Các Đại Học Sĩ, được tặng hàm Thái-Bảo.
2. Ông Trương Quang Để (1837-1886): Tham-Tri bộ Binh. Ông đã từng phò vua hàm-Nghi ra lập căn-cứ chống Pháp ở Hà-Tĩnh, sau tử tiết.

Ngoài ra, Trương tộc còn có ông Trương Đăng Đồ (chú của Trương đăng Quế), làm quan dưới triều Tây-Sơn, chức Đô-Đốc, trấn giữ Bắc thành, vợ ông, bà Nguyễn Thị Dung (một trong 5 nữ tướng thuộc “Ngũ Phụng Thư” của triều Tây-Sơn. Trong quyển “Nhà Tây-Sơn” của Quách Tấn, Quách Giao, có đoạn ghi tiểu-sử của bà: “...Bà người Mộ-Đức, sắc thì đẹp lại có tài kiếm thuật (Do bà thụ nghiệp với bà Bùi Thị Xuân), nữ tướng Tây-Sơn, thuộc nhóm “Ngũ Phụng Thư”: bà Bùi Thị Xuân, bà Bùi Thị Nhạn, bà Trần Thị Lan, bà Nguyễn Thị Dung và bà Huỳnh Thị Cúc”.

Quê-hương núi Ấn sông Trà đã sản sinh 2 nữ tướng dưới triều Tây-Sơn: bà Nguyễn Thị Dung và bà Huỳnh Thị Cúc. Đây là 2 trong 5 nữ tướng tài giỏi của nhà Tây-Sơn, người thuộc quận Mộ-Đức đã từng sát cánh với vua Quang-Trung đại phá quân Thanh làm vẻ-vang cho dân-tộc nói chung và cho quê-hương Quảng-Ngãi nói riêng.

Gia-phả họ Trương đã ghi chép đến hệ 14 và đã thể-hiện một phần nào tính khoa-học thống-kê.

Riêng đối với chúng ta, những người tỵ-nạn, đang sống lưu-lạc ở xứ người, làm sao để con cháu biết về nguồn-gốc của chúng, biết được ông bà tộc họ, biết nơi tổ-tiên đã tốn nhiều xương máu để dựng nên. Mỗi gia-đình Việt-Nam thường có một bàn thờ ông bà. Chúng ta đã sống với tổ-tiên chúng ta trong một mái ấm gia-đình. Người sống quyện lấy người chết. Từ ngàn xưa mãi đến ngàn sau, ông bà tổ-tiên đã nằm sẵn trong mỗi chúng ta. Từ-chối cũng không được mà chạy trốn cũng không xong! Làm sao để con cháu không trở thành những cô-hồn sống vất-vưởng? Mỹ thì không phải Mỹ, Việt cũng chẳng ra Việt?

Hãy trở về nguồn! Từ ngàn xưa nhiều gia-đình, nhiều họ tộc, nhiều dân-tộc đã biết truyền lại cho đời sau những gì đã xảy ra trong quá-khứ bằng văn-chương truyền khẩu hay bằng sử sách. Quá-khứ càng có nhiều thăng-trầm và càng truyền-tụng lâu đời thì người đời sau càng tự-hào hãnh-diện! Do vậy, biên soạn và phổ-biến gia-phả trong họ tộc, trong gia-đình con cháu như một nhu-cầu cần-thiết. Đối với chúng ta, thế-hệ đầu tiên tỵ-nạn, nếu không bắt tay tu-chỉnh hay biên soạn gia-phả ngay thì có lẽ sẽ trễ mất!

Nếu không có gia-phả thì làm sao gần 800 năm sau, Tổng-thống Đại-Hàn Lý Thừa Vãn còn biết ông là “hậu-duệ đời thứ 25 của Kiến Bình Vương Lý Long Tường” và xác nhận tổ-tiên ông là người Việt khi viếng thăm VNCH (6-11-1958). Dưới sự tàn-bạo của Trần Thủ Độ, một ít con cháu nhà Lý liều chết vượt biên qua Triều Tiên. Đến 1975, lịch-sử lặp lại. Người Việt vượt biên đi khắp thế giới. Có thể chúng ta sẽ gặp lại trường-hợp này, trên đất Mỹ, Pháp, Anh,... sẽ có những tổng-thống, thủ-tướng mang dòng họ Việt, có thể gia-phả gốc từ Quảng-Ngãi.

Trong suốt chiều dài lịch-sử dân-tộc, trên cả 3 miền đất-nước, đặc-biệt tại miền Trung, khi nói đến cái “nôi” văn-học hay cái “lò” cách-mạng là phải nói đến Nghệ-An, Hà-Tĩnh ở phía Bắc đèo Ngang và Quảng-Nam, Quảng-Ngãi ở phía Nam đèo Hải-Vân. Những bậc tài-danh đứng đầu trong các cuộc cách-mạng hay những cây viết tài-hoa nổi tiếng làm đẹp cho nền văn-học nước nhà như Phan-Bội Châu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Nguyễn Công-Trứ...đều xuất-thân từ vùng Nghệ, Tĩnh; còn những tên tuổi Phan Chu trinh, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Trần Quang Diệu, Trương Định, Trương Đăng Quế, Lê Trung Đình...thì vươn lên từ vùng đất Nam-Ngãi. Dưới thời thực-dân Pháp, Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi là vùng đất bất-khuất, vùng lên chống ngoại xâm mà điển-hình là phong-trào Văn-Thân, Cần-Vương, phong-trào chống thuế ở Quảng-Ngãi...và nhiều lãnh-tụ khác nữa cũng đã xuất-thân từ lò luyện thép này.

Người xưa thường nói “địa linh sinh nhân kiệt”. Quảng-Ngãi, thời nào cũng sản sinh nhiều “nhân kiệt”. Tuy đất hẹp, khô cằn “cày lên sỏi đá” nhưng đã chứa đựng nhiều dáng vẻ đặc-thù, nhiều hương-vị riêng tư đậm nét khiến kẻ xa quê phải bùi-ngùi thương nhớ, luôn tìm về, tìm biết và những người ở lại cũng không ngừng tìm biết mỗi ngày. Những ưu-tư và khát-vọng ấy đã thể-hiện qua nhiều sách vở và những công-trình nghiên-cứu từ trước đến nay, song chắc-chắn cũng không thể đáp-ứng đầy-đủ. Ở hải-ngoại lại còn có quá ít tài-liệu và nhất là thiếu người bỏ công sức nghiên-cứu và ghi chép lại những nét đặc-thù của nơi mình chôn nhau cắt rốn, quê-hương núi Ấn sông Trà. Hiểu như vậy nên người viết mạo-muội xin quí vị học giả, những cây viết lão thành và tất cả quý vị đồng-hương, quý vị thân-hữu của Quảng-Ngãi, vì tình-cảm tha-thiết với quê-hương Ấn Trà và vì nhu-cầu tìm biết, tìm về quê cha đất tổ của các thế-hệ mai sau, kính mong quý vị ghi chép lại những dữ-kiện xảy ra qua nhiều thời-đại tại tỉnh nhà...Hội Ái-Hữu Quảng-Ngãi miền Bắc California sẽ thu-thập những bài viết ấy để in thành tập “Địa-Phương Chí” cho Quảng-Ngãi.

Đã có mấy ai trong thế-hệ sau này thấu-tường được những đổi thay địa-danh của quê-hương mình trải qua bao cuộc bể dâu, chẳng hạn: Năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi phủ Tư-Nghĩa thuộc dinh Quảng-Nam thành phủ Quảng-Nghĩa. Tên Quảng-Nghĩa ra đời từ đó. Năm 1832, Minh-Mạng bãi-bỏ các trấn, dinh chia cả nước thành 31 tỉnh. Trấn Quảng-Nghĩa đổi thành tỉnh Quảng-Nghĩa từ đó. Và biết bao nhiêu vấn đề về thổ-nhưỡng, về đất nước, về con người và văn-hóa của quê-hương núi Ấn sông Trà mà chúng ta sẽ đề-cập đến trong “Địa-phương chí Quảng-Ngãi”.

Nguyễn Cao Can

Chú-thích:

Người viết xin chân-thành cám ơn ông Trương Quang Đại và ông Trương Quang Nhàn đã gởi tặng tài-liệu và gia-phả của nhà họ Trương Quang. Mọi thư từ liên-lạc, xin gởi về Mr. Dai Quang Truong, 4916 Terrell St. Annandale, Virginia 22008, điện-thoại (703) 642-0514.

(1) Năm 1776 nhà Tây Sơn đổi phủ Quảng-Nghĩa thành phủ Hòa-Nghĩa. Còn huyện Bình-Sơn ngày trước gồm 2 huyện Bình-Sơn và Sơn-Tịnh ngày nay (Theo ĐNNTC tập II quyển IIX)

(2) ĐNNTC, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Đào-Duy-Anh hiệu-đính, Nhà xuất-bản KHXH Hà-Nội 1970
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh