Kính dâng thầy GSBS Phạm Văn Cự, Nhà giáo Nhân dân, cựu PGĐ Bệnh viện 175, TPHCM và quý thầy: GSTSBS Trần Đỗ Trinh, GSTSBS Nguyễn Huy Dung, TSBS Lương Phán và các thầy khác mà tôi hằng quý.
Tôi là thầy thuốc. Tôi nhớ lời thầy Lương Phán từng viết cho tôi rằng:
-“Bệnh nhân và sách luôn là thầy của thầy thuốc”.
Tôi học được nhiều từ quý thầy.
GS Phạm Văn Cự (người bên trái, không mặc áo vét) tại Hội nghị Tim mạch Quốc gia Việt Nam lần thứ X, Hà Nội 30/4/2004.
Ngày còn học trò phổ thông, tôi hay nghe "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Thế hệ chúng tôi không học chữ Hán nên chẳng hiểu ẩn ý của lời "giáo huấn" trên cho lắm; tuy nhiên, cũng mường tượng về hành vi kính trọng thầy cô giáo từ ngày xưa quàng tới ngày nay, vì "muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu kính thầy" mà tôi đã phân tích từ thuở lớp 11.
Trong đời ta, may lắm là được học khoảng 100 thầy; còn lại là học qua sách, qua đời và...qua mình. Vậy, những thầy không trực tiếp dạy nhưng giúp ta nên người thì xưng thế nào đây?
Ngày học Cao học Y khoa tại Huế, khi làm luận án "Đánh giá diễn tiến lâm sàng và điện tim ở bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim cấp ba tháng", dù đã có thầy hướng dẫn, tôi vẫn không yên tâm. Đời dun dủi, trong tay có cuốn "Phương pháp đọc điện tâm đồ" GS Phạm Văn Cự viết (dành cho các lớp sau đại học quân y và lưu hành nội bộ năm 1997), tôi ngấu nghiến đọc.
Hay quá! Hay, vì tác giả nói rất kỹ cơ chế điện tim trong và sau nhồi máu cơ tim mà tôi phải đọc nhiều sách ngoại văn vẫn không tóm đủ. Vừa trích dẫn chữ thầy, vừa đánh bạo viết thư về địa chỉ BV 175 để xin thầy chỉ dạy về luận án. Ôi nhân duyên, thư đến được thầy (ở quận Tân Bình chứ không phải BV 175), thầy nhận lời hướng dẫn qua thư, qua điện thoại mà không cần biết mặt học trò. Vẫn nhớ như in những dòng đầu tiên thầy viết:
-"Tôi đã nhận được thư của An gần 2 tuần rồi, nhưng vừa qua đợt bệnh nên hôm nay mới trả lời được", thư đề ngày 7/12/2000.
Thầy sửa luận án nhanh lắm, chỉ trong một tuần là gởi trả lại. Thầy chỉnh từng chữ, từng dòng trong luận án. Thầy đã thay đổi tôi toàn bộ về cách trình bày luận án. Và, có lẽ nhờ đó mà tôi được 9,5 điểm khi bảo vệ. Trong lời cảm ơn in ở luận án và khi trò chuyện với người thân, tôi vẫn khẳng định nếu không có GS Cự thì không có những dòng tốt nghiệp tâm huyết này; và quan điểm phát triển y học của tôi mở sáng được một phần nhờ đó.
"Có duyên thì gặp", ông bà ta bảo thế; về sau, may mắn tôi gặp thầy, thưởng thức giọng sang sảng và "gừng cay" của thầy. Ôi, giá gì tôi được thầy dạy từ sớm nhưng cuộc đời làm gì có chữ "giá"!
Những lời thầy khuyên và chính cuộc đời thầy đã nâng đỡ tôi trên con đường vinh chọn.
Điều ray rứt là đến giờ, tôi vẫn chưa báo đáp gì được trong khi thầy đã 83 tuổi, mổ thoát vị đĩa đệm năm 2004, hiện đang đi khập khễnh và đang soạn từ điển Hán Việt để tự học. Khi viết những dòng này thì Kon Tum đang tươi sắc hoa "Ngày Nhà giáo Việt Nam". Riêng tôi, ngày nào với thầy cô, dù trực tiếp dạy hay không đều là ngày biết ơn; và đã có câu từ lâu lắm-"không thầy đố mày làm nên".
Xin được thêm vào cụm từ ngày trước dành cho quý thầy cô:"viễn tự vi sư"!
Kon Tum, 16/11/2005;
Sài Gòn 30/01/2007;
Đào Duy An