Trong truyện ngắn “vết Hằn Khó Phai” (1), nhà văn Trần-Anh-Lan có nhắc đến tục hát “Sắc bùa” vào dịp đầu Xuân của người dân vùng quê-hương anh, Xã Phổ-Quang, Quận Đức-Phổ: “Tiếng trống bập-bùng vẳng từ làng bên khi có đoàn “sắc bùa” chúc Phúc dịp đầu Xuân. Bầy trẻ con ra tận đầu làng nghênh đón rộng-ràng:
“Sắc bùa là sắc bùa hòe,
Trông mau tới tết ăn chè với xôi.
Sắc bùa là sắc bùa ôi,
Trông mau tới Tết ăn xôi với chè”.
Quả thật, tại một số xã miền Đông quận Đức-Phổ như các xã: Phổ Thành, Phổ An, Phổ Long... cho đến trước năm 1945 vẫn còn giữ được phần nào cổ tục hát và múa sắc bùa vào ngày đầu năm với ước-vọng, cầu chúc một năm mới nhiều phúc lành cho mọi người: nhà nông được mùa tươi tốt, mưa thuận gió hòa, nghề biển lắm cá nhiều tôm, thuyền đi thuyền về thuận buồm xuôi gió.
Như vậy, hát sắc bùa được xem như hình-thức của một thể loại dân ca mang tính-chất nghi-lễ: Hát chúc phúc vào dịp đầu năm.
Đã gọi là “hát sắc bùa” chắc hẳn phải có bài hát. “Hát” đây tức là “hát hò” theo làn điệu dân ca sắc bùa mang tính địa-phương Quảng-Ngãi như lối “hát hố” hay “hát bài chòi”. Rất tiếc ngày nay chúng ta không còn nghe đầy đủ một bản dân ca sắc bùa nào, và chúng ta cũng không rõ điệu dân ca sắc bùa được xướng âm như thế nào. Ngày nay chúng ta chỉ còn được thấy một vài câu tương truyền là những câu của một bài ca sắc bùa ngày xưa còn sót lại, chẳng hạn như:
Tân Xuân tôi bước tới nhà người,
Trăm hoa đang nở nụ cười khói hương ...
Hoặc như:
Phổ-An, Phổ-Thạch Xuân sang,
Được mùa cá bạc, nắng vàng liễu xanh.
Chúc mừng trai lịch, gái thanh,
Chúc mừng lão thọ, trẻ xuân vui nhà.
Dưới đây là cấu trúc một đoàn sắc bùa tại Quảng-Ngãi.
* Đoàn gồm 4 thành phần:
-a) 1 Ông Cái chủ chốt của đoàn, thường là một cụ già hay đàn ông trung niên.
-b) 8 đến 10 nữ vũ công, có nơi tổ-chức đoàn nữ vũ công tới vài mươi người.
-c) Nhạc công chơi đàn bầu, đàn nhị.
-d) Đội trống: gồm 1 trống cái vài ba trống cơm và chiêng.
* Về trang-phục:
Ông Cái hóa-trang râu tóc bạc phơ, quần dài trắng, áo thụng đỏ, thắt lưng điều, đi chân trần, đầu đội khăn đóng. Ông mang một cái trống đường kính khoảng vài ba tấc, chiều dài khoảng nửa thước và một cặp sanh.
Nữ vũ công áo màu hồng, thắt lưng xanh, đầu đội mũ miện màu sắc sặc-sở, đi chân trần, một số 2 tay cầm đèn lồng, một số 2 tay cầm đèn dĩa dầu (dầu phụng hoặc dầu dừa) có 10 tim đèn.
Vào sáng mồng một Tết, ông Cái dẫn đoàn sắc bùa về đình làng với tiếng trống, tiếng chiêng rộn-ràng. Trước đám đông dân chúng và các vị chức sắc trong làng tề-tựu ở sân đình, ông Cái vừa gõ nhịp trống vừa hát những lời chúc tụng (như vừa dẫn ở trên) theo tiếng đàn nhị và đàn bầu của các nhạc công. Hát dứt bài chúc phúc đầu năm, ông Cái vỗ 3 tiếng trống làm hiệu, các nữ vũ công bắt đầu mang đèn ra múa. Họ vừa múa vừa hát, thường là lặp lại những tiếng cuối của một khổ thơ lục-bát do ông Cái xướng trước. Lúc đoàn múa bắt đầu, ông Cái lúc thì dùng tay vỗ trống, lúc thì buông trống mà gõ cặp sanh hòa cùng tiếng đàn bầu, đàn nhị tạo thành một âm-thanh vô cùng rộn-rã. Tương-truyền có nhiều khúc hát, cuối mỗi khúc hát, ông Cái thường vỗ 3 tiếng trống để báo-hiệu.
Sau buổi hát ở đình làng, đoàn sắc bùa còn đến chúc phúc ở nhà các vị chức sắc hoặc các vị lão trượng trong làng.
Hát sắc bùa không phải là sản-phẩm diễn xướng riêng biệt của cư dân miền Đông quận Đức-Phổ thuộc tỉnh Quảng-Ngãi. Đã có nhiều nhà nghiên-cứu cho rằng hát sắc bùa (có nơi gọi là “sét bùa”, người Mường vùng Hòa-Bình, Thanh-Hóa gọi là hát “Xặc Pua”) là một thể loại dân ca rất cổ và có địa-bàn hoạt-động rộng khắp từ Bắc vào Nam. Tuy cùng có một danh xưng chung là hát “sắc bùa” nhưng hình-thức diễn xướng ở mỗi nơi lại không giống nhau.
Các tỉnh ở châu-thổ sông Hồng hầu như không còn nơi nào giữ nguyên-vẹn cổ tục nầy. Hình-thức phường hát sắc bùa từ thuở xa xưa, còn sót lại có thể là trò hát “súc sắc súc sẻ” của trẻ con mà lời ca còn truyền lại đúng như lời chúc phúc của phường sắc bùa:
Súc sắc súc sẻ
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho chúng tôi vào
Bước lên giường cao: có đôi rồng ấp
Bước xuống giường thấp: có đôi rồng chầu
Bước ra đằng sau: có nhà ngói lợp
Ngựa ông còn buộc
Voi ông còn cầm
Ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ
Vợ ông sinh đẻ
Những con tốt lành
Những con như tranh
Những con như đối ...
Ở vùng Hòa-Bình, Thanh-Hóa nơi quần-tụ của đồng-bào Mường, đoàn sắc bùa thường đi đến từng nhà để hát lời chúc phúc.
Ở vùng Nghệ-An, Hà-Tỉnh, đoàn sắc bùa dùng mọi thứ có thể gây âm-thanh; ngoài trống, chiêng, mõ, phèng-la, họ còn dùng cả chậu thau, mâm đồng để tạo ra một thứ âm-thanh vừa hỗn-tạp vừa rộn-rã náo-nức. Ở đây đoàn sắc bùa chỉ đến chúc phúc nhà nào chịu mở cửa để rước.
Ở vùng Quảng-Trị, Thừa-Thiên, trước khi đi đến các gia-đình để hát lời chúc phúc, đoàn sắc bùa phải đến “cáo” với thần linh khắp các đình, chùa, miếu, am ở trong làng.
Ở vùng Phú-Lễ thuộc quân Ba-Tri, tỉnh Gò-Công, nậu “sắc bùa” lại có từng bài hát riêng, hát chúc phúc cho từng nghề-nghiệp trong vùng.
Tóm lại, xét về mặt diễn xướng, hát sắc bùa tại Quảng-Ngãi có điểm khác biệt, đó là vừa hát vừa múa, tạo nên một hình-thức nghệ-thuật khá độc-đáo. Rất tiếc nghệ-thuật diễn xướng mang tính-chất nghệ-thuật dân-gian nầy đã không còn tồn-tại trọn-vẹn. Cái phần còn lại mà nhà văn Trần Anh Lan nhắc lại đó chắc hẳn đã thay đổi đi nhiều, cả về hình-thức lẫn ý-thức, và vì thế, sắc bùa trở thành biểu tượng của một ước-mơ về ẩm thực:
“Sắc bùa là sắc bùa hòe,
Trông mau tới tết ăn chè với xôi.
Sắc bùa là sắc bùa ôi,
Trông mau tới Tết ăn xôi với chè”.
Los Angeles, 10-2001
Đào-Đức Nhuận
(1) “vết hằn Khó Phai” đăng trong Đặc-san Quảng-Ngãi Xuân Tân-Tỵ 2001 của Liên-Hội Đồng-Hương Quảng-Ngãi New England.