Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 16, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Linh tinh
ĐÁNG ĐIỀM TED KENNEDY
Webmaster


Câu chuyện Thời-sự:
ĐÁNG ĐIỀM TED KENNEDY
Nguyễn Xuân Nghĩa

Có ai bảo Nghị sĩ Kennedy là nên khép miệng lại không?

Tuần qua, khi Nghị sĩ Edward Kennedy lên tiếng rằng “Iraq là Việt Nam của George Bush”, ông chứng tỏ rằng mình có trí nhớ... dày như tấm trải giường của cô thư ký riêng Mary Jo Kopechne mà ông đã để chết chìm dưới nước trong khi về nhà ngủ vùi cho đến sáng sau – 10 tiếng sau – mới thông báo cho cảnh sát sau khi bàn luận lợi hại với bằng hữu.

Việc Hoa Kỳ thành hay bại tại Iraq và sự nghiệp của Tổng thống Bush sẽ được lịch sử phán xét ra sao, chúng ta chưa thể biết. Nhưng, việc ông Bush quyết định nhấn tới hay tháo lui tại Iraq là quyền hạn của Tổng thống, đúng hay sai, ai cũng có quyền phê phán.

Tuy nhiên, khi lồng chuyện Iraq vào kinh nghiệm Việt Nam và muốn quàng lên cổ Bush cái tiền lệ bỉ ổi của Mỹ tại Việt Nam, Ted Kennedy đã chứng minh rất hùng hồn sự dơ bẩn của chính trường Mỹ, hoặc chính bản thân ông.

Tổng thống John F. Kennedy đã quyết định chọn chiến trường Việt Nam là nơi minh chứng quyết tâm của Mỹ trước đà bành trướng của khối cộng sản. Nó an toàn hơn Cuba ở sát nách, nơi mà cuộc thử lửa với Liên Xô đã kết thúc bằng một chiến thắng biểu kiến. Thực chất thì đấy là một vụ tháo chạy sau trò ấu trĩ là chuyến đổ bộ vào Vịnh Con Heo! Những ai còn hoài nghi thì nên nhớ lại là Fidel Castro hiện còn sống. Và truyền nhân của ông ta là Hugo Chavez vẫn khơi khơi “xây dựng xã hội chủ nghĩa” tại Venezuela, bằng dầu hỏa và khẩu hiệu chống Mỹ!

Khi chọn Việt Nam là trận địa thử lửa, với ban tham mưu toàn đại trí thức khoa bảng, John Kennedy thực ra chưa biết gì về Việt Nam, hay rộng hơn mà mơ hồ hơn, về cộng sản tại Á Châu. Ông ta có một lý do giảm khinh: chỉ cần biểu dương ý chí để chuẩn bị tái tranh cử năm 1964 thôi. Và vì không hiểu gì về Việt Nam, chính quyền toàn những bộ óc ưu tú của ông đã thấy Ngô Đình Diệm là một chướng ngại. Ông Diệm là một người quốc gia, với tất cả những hay dở và hạn chế của khái niệm này, nhưng ông không muốn Hoa Kỳ can thiệp và lãnh đạo cuộc chiến theo kiểu Mỹ.

Dưới con mắt của John Kennedy – bào huynh của cậu ấm Ted Kennedy, Nghị sĩ lão thành ngày nay của Thượng viện Mỹ – đây là điều khó chấp nhận được. Cái tội dễ nêu ra nhất là độc tài! Là gia đình trị!

John Kennedy khai tử nền Đệ nhất Cộng hoà và con người quá cổ là Ngô Đình Diệm chết theo. Từ đó, miền Nam Việt Nam bước qua một khúc quanh bi thảm mà ông Diệm muốn tránh.

Điều bi thảm hơn nữa là Tổng thống John Kennedy – và bào đệ là Tổng trưởng Tư pháp Robert Kennedy – lại không nói gì với Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson về kế hoạch “đánh dứ” của họ tại Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc tranh cử 1964. Cũng là một phản ứng “gia đình trị”, nhưng vô tội vì là kiểu Mỹ.

Sở dĩ gọi là “đánh dứ” vì Kennedy trù tính là sau khi đắc cử thì sẽ rút! Mà rút là phải: làm sao thủ thắng tại Việt Nam khi đã đồng ý với giải pháp Genève 1962 là trung lập hoá Ai Lao?

Lịch sử hay định mệnh vốn dĩ khắc nghiệt. Khi John Kennedy bị ám sát chết sau ông Diệm đúng ba tuần, thì Johnson lên kế nhiệm trong điều kiện bất thường. Ông là một chính khách Texas, lên làm tổng thống sau khi Kennedy bị ám sát cũng tại Texas, làm sao dám thay đổi chủ trương của Kennedy tại Việt Nam? Ông giữ nguyên ban tham mưu cũ của vị tiền nhiệm và cho đổ quân vào Việt Nam, bất kể tới quan điểm của những người trong cuộc, kể cả Thủ tướng Phan Huy Quát.

Cuộc chiến Việt Nam được Mỹ hoá và Chính quyền Johnson đánh theo lối “toàn cầu hòa”. Cứ hoà là coi như đã thắng, và thụ động leo thang chiến tranh khi hy vọng chiến thắng ấy ngày càng xa vời.
Bộ tham mưu và cả Ngũ giác đài của Hoa Kỳ, dưới sự điều khiển của đại trí thức kiêm doanh gia ưu tú Robert McNamara là những người nghèo về văn hoá mà giàu về chủ quan khinh mạn nên không thể điều khiển một cuộc chiến mang sắc thái toàn diện mà họ không hiểu gì. Bộ óc duy lý và kênh kiệu của họ không cho phép họ nhìn ra bản chất cuộc chiến. Võ khí là nhất, là tất cả.

Và cuối cùng thì sau đúng ba năm thử nghiệm, từ đầu năm 1965 đến 1968, họ bắt đầu nản chí.
Vụ Tổng tấn công Mậu Thân 1968 là một thất bại quân sự cho Hà Nội – và tổn thất nhân sự còn ghê gớm hơn cho Mặt trận Giải phóng Miền Nam – nhưng Chính quyền Johnson không hiểu như vậy. Truyền thông và đảng Dân chủ xưa kia từng cổ võ Tổng thống đẹp trai Kennedy trong cuộc phiêu lưu Việt Nam bắt đầu xoay chiều và kết luận là Mỹ thua. Quốc gia này vốn chỉ sùng chuộng anh hùng nên hai định chế này trở thành kịch liệt phản chiến.

Nói khí oan, truyền thông nông cạn thì phản chiến, chứ một số đảng viên Dân chủ tinh ma thì ngụy hoà. Họ quên hẳn những thề thốt hùng hồn của John Kennedy!

Từ bi kịch ấy, Johnson quyết định tháo chạy và hoà đàm Paris là màn khói thổi lên cho việc triệt thoái chầm chậm. Nước Mỹ có đủ mọi phương tiện tối tân mà chỉ thiếu một yếu tố chỉ đạo những phương tiện ấy, đó là ý chí. Màn khói hoà đàm cho phép Bắc Việt có được bốn năm bổ sung quân số và chuyển qua trận địa chiến kể từ 1972. Dù có tối dạ đến mấy, lãnh đạo Hà Nội cũng thấy ra cơ hội không thể lỡ...

Và khi Richard Nixon tuột xích vì trò ma Watergate thì chuyện Việt Nam của Mỹ coi như kết thúc.

Bốn mươi năm sau, một nháy mắt của lịch sử nhưng một chuỗi đằng đẵng của các chính khách Mỹ vốn hai năm lại đi xin phiếu một lần, người ta đã sớm quên chuyện Việt Nam từ nguyên ủy. Và bất cứ một lần ra quân nào của Hoa Kỳ thì cũng thấy dẫn đầu một đám rước u ám là thảm kịch Việt Nam.

Hoa Kỳ chưa có đủ chiều dày văn hoá và lịch sử để hiểu ra hình thái chiến tranh nổi dậy, kết hợp chiến tranh phá hoại, du kích chiến, tâm lý chiến và khủng bố. Đây là cuộc tranh luận chính đáng trong các tầng lớp lãnh đạo chính trị và quân sự của quốc gia này khi phải đối đầu với một cuộc chiến mới mà dư luận chưa hiểu nổi nội dung và hậu quả. Chúng ta có quyền phê phán đúng sai của từng quyết định của Chính quyền Bush – và của cả Quốc hội, gồm có đa số phiếu Dân chủ, từ 1998 đến 2004 – khi quyết định mở ra chiến dịch Iraq để từ chiến thắng quân sự tuột xích thành nguy cơ thảm bại về chính trị.

Nhưng khi Ted Kennedy lại nhắc tới kinh nghiệm thất bại của Mỹ tại Việt Nam để tấn công chính quyền Bush và kế hoạch dồn quân đánh tiếp ông Bush đề nghị tuần qua, Kennedy đã quên mất người anh của mình và nguyên ủy của chuyện Việt Nam.

Như ông đã quên là để một nàng thư ký chết đuối sau một chuyến giao du thân mật trong khi mình đi ngủ. Và tỉnh dậy thì nghĩ ngay đến việc dàn dựng câu chuyện làm sao cho hợp lý và an toàn về chính trị cho mình.

Người đáng chìm trong vụ Chappaquiddick năm 1969 không phải là nàng Mary Jo! Bố khỉ!

Nguyễn Xuân Nghĩa

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh