BẠCH CƯ DỊ, MỘT TRONG BA THI HÀO NỔI TIẾNG NHẤT ĐỜI ĐƯỜNG
THINH QUANG
Bạch Cư Dị tự là Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ là một trong ba thi hào nổi danh nhất đời Đường.Hai nhà thơ cùng nổi tiếng kia là Lý Bạch và Đỗ Phủ. Ông sinh năm 772 tại Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây, con của một gia đình nghèo khó. Thuở nhỏ tuy sống trong hàn cảnh hàn vi, nhưng không phải vì vậy mà chuyện học hành ông bị dang dở. Lắm giai thoại về thời thơ ấu của ông, có sách bảo lên 5, ông đã biết đọc thơ, nhưng cũng có những loan truyền thì năm 5 tuổi biết đọc thơ văn, lên 9 thì làm thơ và thật sự nổi tiếng vào năm lên 16.
Chân dung Bạch Cư Dị.
Có sách ghi trí óc ông phát triển ngay lúc mới 7 tháng tuổi. Vào thời gian này một hôm thân mẫu ông muốn thử trí thông minh của con bèn lấy tập sách chỉ vào hai chữ CHI và chữ VÔ rồi bỏ đi làm công việc. Mãi đến hôm sau, bà mang tập sách ra chỉ vào mặt chữ đã dạy ngày hôm qua dò lại, không cần suy nghĩ, cậu bé Bạch Cư Dị vừa lấy tay chỉ và từng mặt chữ rồi lên tiếng lặp lại cho mẹ nghe. Biết là con mình quả có trí thông minh nên từ đó bà dành thời giờ mở sách dạy con vài chữ mỗi ngày.
Xem thêm: Những người làm nên lịch sử (Phần 26) tại đây:
Có sách ghi năm 18 ông đậu tiến sĩ được triều đình bổ nhiệm chức Hiệu Thư Lang. Nhưng cũng có sách ghi rằng mãi đến năm 27 tuổi ông mới đậu tiến sĩ và được bổ ra làm Hàn Lâm Viện học sĩ. Vì gia đình từng sống trong cảnh túng quẩn, có lẽ vì vậy mà ông đã có tư tưởng xã hội cải thiện đời sống cho dân nghèo. Phải làm sao làm lợi ở chỗ lợi cho vạn người, còn làm giàu ở chỗ giàu ở chỗ giàu cho khắp và thiên hạ (lợi tại vu lợi vạn nhân, phú tại vu phú thiên hạ). Tính khí cương trực, thường can gián khi nhận thấy việc nào của nhà vua không phù hợp với người dân, vốn bản tính bộc trực ông thường lên tiếng can gián không một chút rụt rè như bản chất của các hàng quan lại ngại ngùng lo sợ:
-“ Bệ hạ đã lầm rồi!”.
Có thể vì vậy mà ông không được lòng các quan đồng triều mà ngay cả nhà vua, tuy bề ngoài gật đầu khen phải, nhưng thật ra nhà vua cũng không bằng lòng trước lời lẽ can gián của ông. Do đó mà đường hoạn lộ của ông cứ mãi lận đận, có lần ông bị biếm làm Giang Châu Tư Mã. Về sau, ông được nhà vua triệu về và giao cho chức vụ Hình Bộ Thượng Thư – một chức vụ quan trọng trong hàng các quan triều, nhưng thật ra hữu danh vô vị.
Một hôm, ngồi ngẫm nghĩ cho cuộc đời năm chìm bảy nổi của mình, bất giác bật cười cất tiếng cao ngâm:
“Nguyệt bổng bách thiên, quan nhị phẩm,
Triều đình cố ngã, tác nhàn nhân”
(Lương tháng trăm ngàn quan nhị phẩm
Triều đình mướn tớ để ngồi không)
Có sách ghi ông theo đạo Phật, nhưng có sách phản bác rằng ông theo đạo Lão. Lại có sách dẫn chứng rằng về già ông thường vận áo trắng, tay chống gậy trúc ngao du chốn Hương Sơn. Về sau ông thêm một tự hiệu Hương Sơn, xuất phát từ ngọn núi này.
Bạch Cư Dị theo cả ba Khổng-Phật-Lão. Lúc hưu trí ông thường cùng với một vài vị hòa thượng vận áo trắng chống gậy trúc đi ngao du sơ thủy.
Tại Lạc Dương, ông cất một ngôi nhà “Đọc Sách”. Ngôi nhà có hoa, có trúc, có hòn non bộ chính tay ông làm lấy. Đây là ngôi nhà thật thơ mộng, có phần nào lãng mạn, ông tuyển chọn một cô gái đẹp, có tài vũ lộng lại có tiếng ca hay để vừa vũ lộng vừa hát hoặc ngâm những bài thơ ông sáng tác để được nghe lại tiếng lòng mình gửi gắm trong các lời thơ do mình sáng tác mục đích hưởng thú thanh nhàn mà cũng tạo cho mình nguồn thi hứng đối cảnh sinh tình... để quên đi những chuyện buồn lòng lúc còn một thời cân đai áo mảo. Bài thơ Tần trung ngâm vào năm 811 ông sáng tác tại đây dưới một đêm trăng huyền ảo. Và sau đó, một bài thơ bất hủ: ”Trương Hận Ca” là bài thơ diễm tình sáng tác vào năm 811.
Thơ của Bạch Cư Dị rất bình dị, hợp thời hợp cảnh. Các nhà trí thức đương thời cho rằng thơ của Bạch Cư Dị là loại thơ “vị nhân sinh” mà không hẳn là “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Các nhà phê bình nhận thấy quá rõ ràng là thơ của ông vừa “Hợp Thời”, vừa “Hợp Việc” mà cũng “Vừa Hợp Dân”. Mục đích của ông là làm sao cho trí óc của nhà vua được sáng suốt để dân lành được an hưởng cảnh thanh bình no ấm.
Bạch Cư Dị ôm ấp một đại mộng thay mặt vua để làm sao an bang tế thế, nhưng cái đại mộng đó không thành. Suốt cả quãng đời làm quan của ông chỉ thực hiện được mỗi một chuyện là ngày được cất cử làm quan tại đất Hàng Châu ông chỉ thực hiện là đắp được mỗi một con đê ngăn nước, thành hồ Tiền Đường dẫn thủy nhập điền giúp cho hàng ngàn nông dân tránh được cảnh hạn hán. Có hai câu thơ ông làm khi rời Hàn Châu:
“Duy lưu nhất hồ thủy, dữ nhữ cửu hung niên”
(Chỉ lưu một hồ nước, để cứu mùa hạn khô)
Bạch Cư Dị có nhiều thơ được nhiều người ca tụng như bài Văn Khốc Giả tả cảnh nghe tiếng khóc của những cảnh tang thương bi lụy, con khóc cha, vợ khóc chồng v.v...Hay bài Tần Trung Ngâm tả cảnh cơ hàn trong dân gian:
“Thi tuế Giang Nam hạn,
Cồ châu nhân thực nhân”
(Năm này hạn ở Giang Nam
Cồ châu - “người mổ người” làm thức ăn).
Hoặc có những câu trong những bài thơ oán trách chỉ trích nhà vua cùng đám quan lại lương thực tiền của thừa thãi, còn dân chúng thì sống lơ lấc cơm không áo chẳng, biết bao điều cay đắng:
“Trù hữu xú bại nhục
Khổ hữu quán hữu tiền”
(Bếp thì thịt thối ê hề
Tiền nong chất đống tràn trề trong kho)
Và Bạch Cư Dị lên tiếng kêu gọi:
“Khởi vô cùng tiện giả
Nhân bất cứu cơ hàn”
(Biết bao người cùng khổ
Nỡ nào chẳng cưu mang)
Một thảm cảnh khác nói lên trong bài: ”TÂN PHONG CHIẾT BÍCH ÔNG” - nói lên tâm sư chung của mọi người. Tâm sự chung đó là cảnh phải lìa bỏ gia đình vợ con để đi vào quân ngũ để rước lấy cái chết được vinh danh là cho tổ quốc quê hương, nhưng Bạch Cư Dị nêu lên câu hỏi họ chết cho ai? Và chết để làm gì trong bối cảnh không phải chết như vậy. Cuối cùng bài thơ thuật lại câu chuyện một chàng trai có lệnh gọi phải ra chiến trường, bèn tìm cách muốn không chết thì phải hy sinh lấy một cánh tay hầu tránh khỏi cảnh cho vợ con khỏi đội vành khăn tang:
Hoặc bài TRƯỜNG HẬN CA mô tả một bi kịch đã diễn ra dưới thời Đường Minh Hoàng vì say mê Dương Quí Phi khiến An Lộc Sơn nổi loạn và cũng vì sự nổi loạn đó mà nhà vua phải buộc lòng ra lệnh giếp người yêu của mình...Và ngay sau đó, nhà vua cảm thấy buồn, một nỗi buồn da diết khôn nguôi:
“Kim thoa, hợp khẩn tơ trùng
Phân đôi ra nửa trao chàng mang đi!
Thiếp nguyền tấc dạ gắn ghi
Với thoa vàng chẳng lỗi nghỉ sắt son.
Ví dù cách trở quan san
Cõi Tiên rồi cũng trần gian xướng hòa.
An cần săn đón dặn dò
Lời thề buổi ấy bao giờ cũng xinh.
Nửa đêm “Trùng Thất” tâm tình
Tỉ tê Sân Điện Trường Sinh vắng người.
“Rằng xin liền cánh trên trời
Như cây liền nhánh suốt đời bên nhau!”
Còn trời còn đất dài lâu
Thì còn hận mãi nỗi sầu khó nguôi!
(Thinh Quang)
Ngoài ra Bạch Cư Dị còn có bài “Trì Thượng” tả một người đẹp nhẹ nhàng lướt trên mặt hồ nhìn những cánh bông sen thơm ngát mùi hương. Nhưng bài thơ đầy xúc động nhất và đp nhất phải là bài TÌ BÀ HÀNH. Nguyên năm Nguyên Hòa thứ 10 đời vua Đường Hiền Tông, họ Bạch vì tính cương trực nên phải bị trích biếm đến quận Cửu Giang giữ chức Tư Mã Giang Châu. Mùa Thu năm sau, nhân tiễn đưa khách tại Bồn Khẩu ở lại qua đêm nghe được tiếng Tì Bà cùng giọng hát não nùng vọng lại.
Bạch Cư Dị bèn tìm hiểu và được biết tiếng đàn buồn thảm cùng lời ca bi thiết kia là của nàng ca kỹ đất Trường An. Nàng là môn đệ của hai nhạc sư đại tài vang lừng tên tuổi: một họ Mạc và một họ Tào. Nhờ sắc nước hương trời lại có ngón đàn điêu luyện nàng ca kỹ tài ba đó đã khuynh đãn biết bao nhiêu trang tu mi nam tử. Rồi ngày tháng trơi qua, nàng cũng không tránh khỏi định luật của đất trời, tuổi tác chất chồng, dung nhan theo thời gian tàn tạ. Xe vắng, ngựa không, bướm ong chán chường... Nàng trở về sống với cuộc đời âm thần đơn độc. Thế rồi để có một nơi nương tựa trong buổi xế chiều, nàng bèn chấp nhận lấy người lái buôn xuôi ngược ven trời góc bể.
Mủi lòng trước cảnh ngộ của người ca kỹ đầy tài ba này, Bạch Cư Dị bèn bày tiệc cho vời người ca kỹ tài ba một thời vang bóng đến vừa để được hàn huyên và cũng vừa để được thưởng thức ngón đàn tuyệt vời điêu luyện như những lời tán tụng. Quả danh bất hư truyền. Mười ngón tay lướt nhẹ trên phím đàn nói lên tất cả tâm tư thầm kín khiến người nghe phải bàng hoàng cảm xúc.
Tiếng đàn lắm lúc như khóc, như than ai oán đã làm cho Bạch Cư Di mủi lòng rơi lệ. Người khóc bởi cảnh huống của nàng ca kỹ kia mà cũng vừa khóc cho thân phận mình, bèn thảo ngay bài ttrường ca lấy tên “TỲ BÀ HÀNH” để tặng người ca kỹ đất Trường An.
Một đoạn ngắn trong cảnh vừa gặp nhau trong khoảnh khắc mà phút chốc đã luyến lưu nhau sau khi chén rượu còn chưa khướt và tiếng Tì nả nớt vọng lên khiến cả chủ (Bạch Cư Dị) và khách (nàng ca kỷ đất Trường An) đã không làm sao dứt đi được:
“Say chửa khướt vội vàng tương biệt
Nước mênh mang dầm nguyệt trên sông
Tiếng Tì bỗng vọng theo dòng
Chủ dường như đã, khách không muốn dời.”
Hoặc: một đoạn khác, Bạch nghe tiếng nàng càng lúc càng như ray như rứt:
“Nghe áo não như ray như rứt
Phải chăng vì tấm tức niềm tây?
Hóa nên buồn bã còn đây
Làm cho tiếng trúc, tiếng ti thảm sầu”
Tay lướt nhẹ nhàng qua phím ngọc
Trước Nghê Thường sau khúc Lạc Yêu
Đường Văn như trận mưa dào
Chừng như dặm Vũ rạt rào nỗi riêng.”
Tiếng đàn của nàng ca kỹ càng lúc càng dồn dập nghe tuồng như tiếng lụa xé khiến người nghe phải não nuột cả tâm can:
“Lênh láng nước Ngân Bình đỗ vỡ
Ngựa sắt vang dòn dã tiếng đao
Cung đàn vẹn khúc thanh tao
Nghe tuồng lụa xé lạc vào bốn dây...
Rồi nàng nhờ tiếng đàn nói lên cuộc đời trôi nổi của mình với họ Bạch:
“Rằng: ”Vống thiếp kinh thành phận gái
Mái nhà xưa ở tại Hà Mô
Lảu thông đàn thuở mười ba
Tên phường đầu sỏ khúc ca Tì Bà".
Họ Bạch cũng mang nỗi lòng của mình trong suốt cuộc đời lận bận với chí lớn song ông vẫn phải thúc thủ, để rồi cuối cùng chẳng khác nào thân phận của nàng ca kỹ tài danh ngày nào:
“Gẫm thân phận cùng chung kiếp số
Gặp nhau đây lọ đã quen nhau
Rời xa Kinh kể từ lâu
Thành Tầm Dương cũng u sầu nhớ thương!”.
Sao Mai trên vòm trời đã thay thế Sao Hôm, nàng ca kỹ ngỏ lời xin cáo biệt, song họ Bạch vẫn nài nĩ để xin nàng cho một vài dây phút nữa:
“Hượm nán lại! – Đàn thêm khúc nữa
Ta vì nàng gọt dũa lời ca.
Dường như thấu nỗi lòng ta
Thẫn thờ lướt ngón tay ngà nỉ non...
Nghe tiếng nhạc mà lòng não nuộc
Giữa tiệc hoa từng giọt châu rơi
Trong ta mưa gió đầy trời
Giang Châu Tư Mã ngậm ngùi áo lam”.
(Thinh Quang phỏng dịch)
Bài thơ này cũng như Trường Hận Ca được các giới trong làng thơ cảm phục.
Nhà thơ Bạch Cư Dị qua đời vào năm 74 tuổi.
THINH QUANG