Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
DÕI THEO DÒNG SỬ DÂN GIAN
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Trong kho tàng ca dao Việt Nam, có một số câu được xem là ca dao lịch sử.

Ca dao lịch sử thường là những câu có nhắc đến một biến cố lịch sử hay một nhân vật lịch sử nào đó một cách rõ ràng hoặc kín đáo. Ngoài nhiệm vụ ghi lại một biến cố hay một nhân vật lịch sử, trong mỗi câu ca dao lịch sử còn thường nói lên những phê phán, nhận thức, tình cảm hay thái độ của quần chúng đối với biến cố hay nhân vật lịch sử được nhắc đến.

Trong bài viết dưới đây, người viết sẽ dõi theo chính sử nhằm giới thiệu một số câu ca dao lịch sử để thử phác họa lại những ghi nhận, những phê phán của nhân dân trong dòng lịch sử của dân tộc từ ngày lập quốc vào năm Nhâm Tuất tức 2879ø trước Tây lịch đến khi chấm dứt chế độ phong kiến cũng đồng thời chấm dứt sự đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam vào năm Ất Dậu tức năm 1945. * * *
Tục truyền rằng: Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng kết duyên với Âu Cơ thuộc dòng dõi Tiên, sinh ra một bọc trăm trứng nở ra trăm người con. Vào năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây lịch) Lạc Long Quân cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên) gọi là Hùng Vương, truyền được 18 đời.

Và các Vua Hùng được tôn vinh là Quốc Tổ của dân tộc Việt Nam:

Ai lên Phú Thọ thì lên
Lên non cổ tích, lên đền Hùng Vương
Đền này thờ Tổ Nam Phương....

Hàng năm, dân ta - dù đang sinh sống ở bất cứ nơi đâu - vẫn làm lễ ngưỡng vọng Quốc Tổ gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương:

Ai về Phú Thọ cùng ta
Vui ngày Giỗ Tổ mồng ba tháng mười
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Trong thời gian các vua Hùng trị vì đất nước, nhân dân sống trong cảnh quốc thái dân an, duy chỉ có một lần giặc Ân xâm lấn biên cương vào đời vua Hùng Vương thứ 6 nhưng đã bị người anh hùng trẻ tuổi làng Gióng đánh bại. Cuộc kháng chiến vệ quốc đầu tiên đó đã được các đời sau tôn vinh một cách xứng đáng:

Nhớ xưa đương thuở triều Hùng
Vũ Ninh nổi đám bụi hồng nẻo xa
Trời thương Bách Việt sơn hà
Trong nơi thảo mãng nổi ra kỳ tài
Lên ba đang tuổi anh hài
Roi ngà ngựa sắt ra oai trận tiền
Một phen khói lửa dẹp yên
Sóc Sơn nhẹ gót thần tiên lên trời.

Cuối đời Hùng Vương thứ 18, nhằm năm 257 trước Tây lịch, Thục Phán, một thủ lãnh lân bang đem quân thôn tính Văn Lang lập nên nước Âu Lạc, xưng là Thục An Dương Vương, đóng đô ở Phong Khê (nay thuộc tỉnh Phúc Yên). Để bảo vệ kinh đô, nhà vua cho xây thành lũy hình trôn ốc gọi là Loa Thành với sự trợ giúp của thần Kim Quy:

Ai về đến huyện Đông thành
Ghé thăm phong cảnh Loa Thành Thục Vương
Cổ Loa hình ốc khác thường
Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây.

Xây xong Loa Thành, thần Kim Quy tặng nhà vua một móng vuốt tạo nên nỏ thần là loại vũ khí thần diệu để bảo vệ kinh đô.

Quan úy quận Nam Hải là Triệu Đà dùng chước hòa thân đoạt được nỏ thần của An Dương Vương rồi sát nhập Âu Lạc với Nam Hải tạo nên nước Nam Việt gây nên mối hận tình Trọng Thủy - Mỵ Châu còn vang vọng cho đến ngày nay:

Ai về thăm huyện Đông Ngàn
Ghé thăm thành Ốc rùa vàng tiên xây
Căm hờn giếng Ngọc tràn đầy
Máu pha thành lũy ngàn cây bóng tà.

Đến năm 111 trước Tây lịch, nước Nam Việt bị nhà Hán đem quân xâm lược. Kể từ đây, đất nước ta bị Trung Hoa đô hộ hơn 1000 năm. Trải hơn ngàn năm Bắc thuộc đó, nhân dân ta đã nhiều lần nổi lên khởi nghĩa giành Độc Lập cho Tổ quốc.

Bắc thuộc lần thứ nhất (111 trước TL - 39 sau TL) chấm dứt bởi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 39 sau Tây lịch, đánh đuổi quan đô hộ Tô Định, xưng vương được 3 năm (40-43).

Bắc thuộc lần thứ hai (43-544) có cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu ở quận Cửu Chân (tức Nghệ An ngày nay) đánh quân nhà Ngô cầm cự được 5, 6 tháng, về sau trong dân gian đã có những câu ca dao ca tụng tinh thần hăng say chiến đấu của quân dân Việt dưới ngọn cờ lãnh đạo của bà Triệu Thị Trinh:

Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng
Túi gấm cho lẫn túi hồng
Têm trầu cánh kiếm cho chồng ra quân

Đến non 300 năm sau, năm 544, Lý Bôn người đất Sơn Tây đã lãnh đạo dân chúng đuổi quan cai trị Tàu là Tiêu Tư, lên làm vua, xưng là Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, sử gọi là nhà Tiền Lý (544-603). Nhà Tiền Lý trị vì đến năm 603 lại bị tướng Tàu là Lưu Phương đánh bại. Đất nước ta lại bị Trung Hoa đô hộ lần thứ 3 (603-938).

Năm 722, người đất Hà Tĩnh là Mai Thúc Loan lãnh đạo dân chúng chống lại sự cai trị hà khắc của quan lại nhà Đường, chiếm Châu Hoan (Nghệ An) tự xưng hoàng đế, tục gọi là Mai Hắc Đế. Về sau dân chúng có lời ca để ghi nhớ:

Sa Nam trên chợ, dưới đò
Nơi đây Hắc Đế kéo cờ dựng binh.

Tiếp theo là những cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng (791) chống lại quan đô hộ Cao Chính Bình và được nhân dân tôn xưng là Bố Cái Đại Vương và sự dấy nghiệp của dòng họ Khúc (906-923)

Công cuộc đô hộ hàng ngàn năm của Trung Hoa đã được kết thúc bởi chiến thắng Bạch Đằng của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền.

Vào năm 939, Ngô Quyền lãnh đạo dân binh chống lại quân Nam Hán với chiến công lừng lẫy trên sông Bạch Đằng bằng chiến thuật "lấy gỗ cặp sắt nhọn, cắm ngầm ở dưới lòng sông Bạch Đằng, xong rồi chờ đến lúc nước thủy triều lên, cho quân ra khiêu chiến; quân Nam Hán đuổi theo, đến lúc nước xuống, Ngô Quyền hồi quân đánh ập lại, quân Nam Hán thua chạy, bao nhiêu thuyền mắc vào cọc gỗ thủng nát mất cả, người chết quá nửa..." (Việt Nam Sử Lược, q.1, tr. 68) giành lại quyền Độc Lập cho Tổ quốc Việt Nam sau hơn 1,000 năm bị Trung Hoa đô hộ.

Đánh giặc thì đánh giữa sông
Chớ đánh trên cạn phải chông mà chìm.

Từ đây đất nước ta bước vào con đường độc lập. Rất tiếc Ngô Quyền mất quá sớm vào năm 944 lúc mới 47 tuổi, đất nước lại lâm vào vòng nội chiến với loạn thập nhị sứ quân kéo dài nhiều năm trời. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp được loạn 12 sứ quân, lên ngôi cửu ngũ gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) làm kinh đô. Đinh Tiên Hoàng bỏ trưởng lập thứ gây ra mối loạn trong triều đình. Một hôm, cận thần là Đỗ Thích nằm mơ thấy có ngôi sao rơi vào miệng ngỡ mình có mạng đế vương bèn nửa đêm lẻn vào ngự sàng ám sát Đinh Tiên Hoàng và con là Nam Việt Vương Liễn. Về sau dân chúng đã có lời ca mỉa mai giấc mộng ngông cuồng của một tên tiểu tố:

Con cóc nằm góc bờ ao
Lăm le lại muốn đớp sao trên trời

Nhân triều đình nước ta có loạn, nhà Tống đem quân sang đánh. Trước họa ngoại xâm, triều thần nhà Đinh đồng ý tôn Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế. Hoàng hậu họ Dương, góa phụ của Đinh Tiên Hoàng đã lấy long bào của vua Đinh khoác cho Lê Hoàn tức Đại Hành hoàng đế (980) và sau đó bà được Lê Đại Hành lập làm Đại Thắng Minh hoàng hậu:

Vạc Đinh lại trở về Lê
Nàng Dương khăn gói lại về Chánh cung.

Không biết từ bao giờ, hằng năm nhân dân ta vẫn tề tựu về Hoa Lư (thuộc tỉnh Ninh Bình) để dự những ngày hội linh đình để tưởng nhớ đến công ơn của Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành:

Ai là con cháu Rồng Tiên
Tháng Hai mở hội Trường Yên thì về
Về thăm đô cũ Đinh Lê
Non xanh nước biếc bốn bề uy linh.

Lê Đại Hành có công đánh tan mộng xâm lăng của nhà Tống, rất tiếc con thứ của ông là Lê Long Đĩnh là một hôn quân, nên khi Long Đĩnh mất, triều thần Đào Cam Mộc đã cùng sư Vạn Hạnh tôn quan Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ là Lý Công Uẩn lên ngôi vua tức Lý Thái Tổ lập ra cơ nghiệp của nhà Lý (1010-1225). Lý Thái Tổ đã cho dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long vào năm 1010. Nhà Lý đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng cả về nội trị lẫn ngoại giao, quân sự. Nhà Lý đã tổ chức việc học việc thi thật quy củ, Phật giáo phát triển rất mạnh và có ảnh hưởng nhiều trong đời sống nhân dân, kinh tế phát triển, đặc biệt là về thương mại với những đoàn thuyền buồm đem hàng hóa đi các xứ xa:

Tới đây hỏi khách tương phùng
Chim chi một cánh bay cùng nước non

Đặc biệt, dưới thời Lý Nhân Tông (1072-1127), tướng quân Lý Thường Kiệt đã chỉ huy đạo quân hùng mạnh đánh thẳng vào lãnh thổ Trung Hoa để dằn mặt nhà Tống vào năm 1075 và đã làm cho Trung Hoa không còn dám dòm ngó đất nước ta nữa:

Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.

Các vua cuối thời nhà Lý yếu hèn, đặc biệt là Lý Huệ Tông, cưới con gái nhà thuyền chài họ Trần người quê Tức Mặc, từ đấy người họ Trần được đưa vào làm quan trong triều đình và bao nhiêu quyền bính của triều đình nhà Lý nằm trong tay Trần Thủ Độ. Thủ Độ buộc vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi và Thủ Độ đem cháu là Trần Cảnh mới 8 tuổi cưới Lý Chiêu Hoàng. Thủ Độ buộc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Thế là triều chính từ tay họ Lý chuyển qua họ Trần.

Trần Cảnh lên ngôi vua tức Trần Thái Tông lập ra cơ nghiệp cho dòng họ Trần (1225-1400). Những vị vua đầu của nhà Trần là những vị anh quân, đã đưa đất nước đi đến chỗ hùng cường, Phật giáo phát triển mạnh đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển quốc gia về nhiều mặt. Đặc biệt là dưới thời các vua Thánh Tông và Nhân Tông, quân dân ta dưới sự chỉ huy tài ba của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đã 3 lần chiến thắng quân Mông Cổ là đội quân bách chiến bách thắng đã từng đưa quân xâm lăng xuống đến Ấn Độ, qua đến vùng Trung Âu, nhưng cuối cùng 3 lần sang Việt Nam (1257, 1283 và 1288) đều thất bại. Sông Bạch Đằng vẫn là mồ chôn bọn giặc xâm lăng:

Bạch Đằng giang là sông cửa ải,
Tổng Hà Nam là bãi chiến trường

Lại có câu :

Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến ba lần giặc tan

Ba lần đó là: Lần thứ nhất là chiến thắng của Ngô Quyền năm 939, lần thứ hai là chiến thắng của Lê Đại Hành năm 981 và lần thứ ba là chiến thắng của Trần Hưng Đạo vào năm 1288.

Nhà Trần cũng có công mở mang bờ cõi về phương Nam. Đó là cuộc hôn nhân của con gái vua Trần Nhân Tông là Huyền Trân công chúa với vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô và Lý tức đất Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay. Tuy Việt Nam được đất, nhưng cuộc hôn nhân đổi chác này cũng đã bị dư luận trong quần chúng phản đối dữ dội:

Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo

Các vua cuối triều Trần tin dùng Hồ Quý Ly, một vị quan đầy tham vọng. Vua Trần Nghệ Tông đem con là Thuận Tông giao cho Quý Ly phụ chính, Trần Nguyên Đán can mãi vẫn không được:

Gửi con cho bác quạ già
Biết là bác quạ thương là chẳng thương?

Quả là quạ già Hồ Quý Ly đã bức hại Trần Thuận Tông rồi tìm cách đoạt ngôi lập nên nhà Hồ (1400-1407).

Thừa dịp nước ta có loạn, nhà Minh sai Trương Phụ đem quân sang xâm lăng Việt Nam gây nên bao nhiêu cảnh núi xương sông máu ròng rã 20 năm. Các nhà Nho đã khuyên bảo nhau nhất quyết không ra cộng tác với giặc Minh:

Muốn sống thì ẩn lâm san
Muốn chết ra làm quan Minh triều.

Sau khi cha con Hồ Quý Ly bị quân nhà Minh bắt mang về Trung Hoa, các vua hậu Trần là Trần Trùng Quang và Trần Quý Khoách lãnh đạo nhân dân kháng chiến đều bị thất bại, thì vào năm 1417, tại đất Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa, Lê Lợi, một vị anh hùng áo vải đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân Minh ròng rã 10 năm trời (1417-1427):

Cao nhất là núi Lam Sơn
Có ông Lê Lợi trong ngàn tiến ra.

Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là ước vọng, là niềm tin tất thắng của toàn dân trước sự xâm lăng của quân nhà Minh:

Lạy trời cho cả gió lên
Cho cờ vua Bình Định bay trên kinh thành

Cuối cùng giặc Minh đã phải chịu bại trận, rút quân về nước. Lê Lợi lên ngôi vua gọi là Lê Thái Tổ lập nên cơ nghiệp của nhà Lê (1428-1788). Trong thời gia nội thuộc nhà Minh (1414-1427), giặc Minh đã thi hành những chinh sách thật khắc nghiệt: chúng vơ vét tài sản và trâu bò của dân ta mang về Tàu, chúng lại bắt trai tráng của ta đem thiến, khiến nhiều người phải trốn vào rừng. Đến đầu đời Lê, nhân dân ta lại được dịp tự do sinh sản và chăn nuôi trở lại:

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
Con bế, con bồng, con dắt, con mang
Bò đen húc lẫn bò vàng
Hai con húc chắc đâm quàng xuống sông
Thằng bé chạy về bảo ông:
Bò đen ta đã xuống sông mất rồi.

Vua Lê Thánh Tông đã tạo ra một hình ảnh Việt Nam tuyệt vời từ văn học, luật pháp, kinh tế đến những chiến công quân sự vào thế kỷ thứ 15. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau thời kỳ hưng thịnh của Lê Thánh Tông, đất nước lâm vào vòng nội loạn. Mạc Đăng Dung thoán đoạt ngôi vua Lê vào năm 1527 tạo ra tình cảnh Nam Bắc Triều: nhà Mạc đóng đô ở Đông đô tức Thăng Long, vua Lê đóng đô ở Thanh Hóa tức Tây Đô. Nhà Lê trung hưng được họ Nguyễn (Nguyễn Kim) và họ Trịnh (Trịnh Kiểm) giúp rập chống cự lại với nhà Mạc. Đến năm 1592, Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị giết chết, con cháu họ Mạc phải bỏ Thăng Long chạy lên Cao Bằng tá túc. Kể từ ngày họ Mạc làm việc thoán nghịch, đất nước lâm vào vòng nội chiến, nhân dân phải phục dịch thật là cực khổ:

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

Cậy có công giúp nhà Lê trung hưng, Trịnh Kiểm thoán đọat binh quyền từ tay họ Nguyễn. Để tránh hậu hoạn, Nguyễn Hoàng phải xin vào trấn thủ Thuận Hóa (1558). Từ đây họ Nguyễn lo củng cố đất phương Nam, lấy sông Gianh làm ranh giới, tạo ra tình cảnh Nam Bắc Phân Tranh với những cuộc chiến tranh triền miên, gây bao điều đau thương cho dân chúng phải phục dịch chiến tranh cho 2 dòng họ:

Kìa ai tiếng khóc nỉ non
Ấy vợ chú lính trèo hòn Đèo Ngang
Chém cha cái giặc chết hoang
Làm cho thiếp phải gánh lương theo chồng
Gánh từ xứ Bắc, xứ Đông
Đã gánh theo chồng lại gánh theo con.

Ở Đàng Ngoài dưới quyền vua Lê chúa Trịnh nhân dân phải phục dịch cho cả 2 bộ máy công quyền quan liêu, đời sống dân chúng thật là cực khổ:

Từ ngày Cảnh Trị lên ngôi
Khoai chửa mọc chồi đã nhổ lên ăn

Cảnh Trị là niên hiệu của vua Lê Huyền Tông (1663-1671).

Phần thì bị bọn cường hào, quan lại ức hiếp dân lành một cách vô tội vạ, điển hình như Đăng quận công Nguyễn Khải (vào cuối thế kỷ 16) bắt dân chúng Thanh Hóa phải phục dịch trong việc xây sinh từ cho y:

Cơm ăn mỗi bữa mỗi lưng
Bao giờ gánh đá ông Đăng cho rồi!
Cơm ăn mỗi bữa một vơi
Bao giờ gánh đá cho rồi ông Đăng?

Dân chúng càng cực khổ, các chúa Trịnh về sau càng xa xỉ, lộng quyền. Đến đời Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767-1782) thì triều chính hoàn toàn đổ nát. Vợ Chúa là Đặng Thị Huệ tư thông với Huy Quận công Hoàng Đình Bảo để tìm thế lực bảo vệ cho cậu con trai què quặt là Trịnh Cán:

Trăm quan có mắt như mờ
Để cho Huy Quận vào sờ Chánh cung.

Trịnh Sâm bệnh hoạn nghe theo lời Đặng thị Huệ bỏ trưởng là Trịnh Khải (còn có tên là Trịnh Tông) lập Trịnh Cán là con thứ làm thế tử:

Đục cùn còn giữ lấy "tông"
Đục long, "cán" gãy còn mong nỗi gì!

Dựa vào thế lực người chị là bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ được chúa nuông chiều, em là Đặng Mậu Lân (người dân đương thời gọi là cậu Trời) hống hách, ngang tàng chẳng coi ai ra gì:

Ấy ai vô phúc trên đời
Ra đường gặp phải cậu Trời bắt đi!

Trong lúc đó ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn một mặt lo xây dựng cơ sở, mặt khác phải lo đối phó với những cuộc chiến tranh gây hấn của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Để gây khó khăn cho quân Trịnh khi muốn vượt qua sông Gianh tấn công quân Nguyễn ở phương Nam, theo kế hoạch của Đào Duy Từ, chúa Nguyễn đã cho xây dựng một hệ thống đồn lũy thật kiên cố gọi chung là lũy Thầy cùng với lũy Trường Dục ở phía Nam:

Khôn ngoan qua cửa sông La
Dễ ai có cánh bay qua lũy Thầy.

Đã bao nhiêu mồ hôi nước mắt, đã bao nhiêu xương máu để đắp nên lũy Thầy và lũy Trường Dục? Thế lực của các chúa càng mạnh thì đời sống của dân chúng càng vất vả khốn đốn. Cực khổ quá thì phải chống đối. Và biết bao nhiêu là cuộc nổi dậy của đám dân nghèo khổ chống lại triều đình chúa Nguyễn như cuộc khởi loạn của Lía ở Bình Định vào thế kỷ thứ 18 - tuy không thành công nhưng cũng đã để lại trong lòng dân chúng một niềm thương cảm:

Chiều chiều én liệng truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành

Và cuộc nổi dậy quy mô nhất chống lại chúa Nguyễn, đó là phong trào khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn nổi lên ở vùng núi non Bình Định vào năm 1771. Nhân lúc Đàng Trong có cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chúa Trịnh đem quân đánh chiếm Phú Xuân (1774). Chúa Nguyễn, một mặt bị Trịnh tấn công từ Bắc vào, một mặt bị anh em Tây Sơn đánh từ Nam ra bèn bỏ đất Phú Xuân chạy vào Gia Định. Nguyễn Huệ lại đem quân vào Nam (1777) đến Long Xuyên bắt được chúa Nguyễn là Thái Thượng Vương và Tân Chính Vương đem giết đi để trừ hậu hoạn:

Ngồi buồn nhớ chúa ta xưa
Long Xuyên hận cũ bao giờ cho nguôi.

Trong vụ thảm sát Long Xuyên, cháu của Thái thượng vương là Nguyễn phúc Ánh năm đó mới 17 tuổi thoát nạn, xây dựng lại quân đội để chống với anh em Tây Sơn. Sau nhiều lần thất bại, Nguyễn Ánh đã cầu viện quân Xiêm La. Vua Xiêm cho 2 vạn quân cùng 300 chiến thuyền sang giúp Nguyễn Ánh. Lần nầy quân Xiêm đã bị quân Nguyễn Huệ đánh cho tan tành trên sông Rạch Gầm và Xoài Mút (Mỹ Tho):

Bần gie đóm đậu sáng ngời
Rạch Gầm, Xoài Mút muôn đời uy danh

Sau khi dẹp xong mặt Nam, Nguyễn Huệ rồi Nguyễn Nhạc kéo quân ra Bắc Hà tiêu diệt dòng họ Trịnh (1786). Để cầu hòa và giữ lại ngai vàng, vua Lê Hiển Tông theo lời Nguyễn Hữu Chỉnh đã phải gả con gái yêu là Ngọc Hân Công Chúa cho Nguyễn Huệ. Huệ cùng anh lại kéo quân về Nam:

Nguyễn ra rồi Nguyễn lại về
Chúa Trịnh mất nước, vua Lê hãy còn.

Lợi dụng uy danh của anh em Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền ở Bắc Hà, uy hiếp vua Lê Chiêu Thống. Nguyễn Huệ bèn sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc trừ khử Chỉnh. Bọn vua tôi Chiêu Thống phải bỏ kinh đô mà chạy rồi thẳng đường sang Trung Hoa cầu viện nhà Thanh. Muốn mượn cớ giúp Chiêu Thống để chiếm nước ta, vua Thanh sai Tôn Sĩ Nghị đem quân sang nước Nam lấy cớ là giúp Lê Chiêu Thống khôi phục lại vương vị. Biết được ý đồ xâm lăng của nhà Thanh, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế (1788) gọi là Quang Trung rồi chiêu tập binh mã ngày đêm kéo quân ra Bắc để đánh quân Tôn Sĩ Nghị:

Thùng thùng trống đánh quân sang
Chợ Giã trước mặt, quán Nam bên đàng
Qua Chiêng thì rẽ sang Giàng
Qua quán Đông Thổ, vào làng Đình Hương
Anh đi theo chúa Tây Sơn
Em về cày cuốc mà thương mẹ già.

Đoàn hùng binh của Quang Trung đã rầm rập tiến về Thăng Long. Ngày mồng 3 Tết năm Kỷ Dậu (1789) quân Tây Sơn vây đồn Hà Hồi, tiến qua Ngọc Hồi, băng qua Đống Đa, tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử. Tôn Sĩ Nghị cùng vua tôi Chiêu Thống bỏ kinh thành Thăng Long mà chạy thục mạng về Tàu bỏ cả ấn tín. Mồng 7 Tết, Quang Trung đưa đoàn quân chiến thắng vào kinh đô làm lễ khao quân. Tuy chiến thắng, nhưng vua tôi Quang Trung vẫn giữ tinh thần nhân đạo của dân Việt, mở lượng hiếu sinh với đám tàn binh Tàu, và sau đó, dân ta đã lập đền thờ cả những tên bại trận:

Đống Đa ghi để lại đây
Bên kia Thanh miếu, bên này Bộc am

Trong lúc quân Tây Sơn ra Bắc Hà tiệu diệt họ Trịnh thì trong Nam, Nguyễn Vương lại trở về chiếm đất Gia Định từ tay Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Từ đất Gia Định, chúa Nguyễn xây dựng thế lực rồi dần dà đánh lấn ra Trung. Năm 1792, Quang Trung Nguyễn Huệ từ trần thì năm sau Nguyễn Vương đã cho quân ra đánh Quy Nhơn.

Quang Trung mất, con lên thay là Cảnh Thịnh, quyền hành nằm trong tay thái sư Bùi Đắc Tuyên. Từ đây triều đình Tây Sơn mỗi ngày một bệ rạc. Cái cảnh buôn quan bán tước làm băng hoại uy tín của nhà Tây Sơn:

Đô đốc tam thiên đô đốc
Chỉ huy bát vạn chỉ huy
Trung úy, Vệ úy chẳng kể làm chi
Cai đội, Phó đội lấy tàu mà chở
Mười quan thì đặng tước hầu
Năm quan tước bá ai hầu kém ai.

Cái cảnh thối nát của nhà Tây Sơn đã khiến cho dân chúng miền Trung, những người trước kia từng hưởng ơn mưa móc của dòng họ Nguyễn đã mong chúa Nguyễn trở lại:

Lạy trời cho cả gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra.

Đến năm 1801, Nguyễn Ánh kéo quân thẳng ra Phú Xuân bắt được vua tôi Cảnh Thịnh đem giết đi rồi lên ngôi hoàng đế vào năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long nguyên niên lập nên đế nghiệp nhà Nguyễn (1802-1945)

Nhà Tây Sơn cáo chung. Kể từ ngày Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế năm 1788 đến khi Cảnh Thịnh bị giết năm 1802 là tròn 14 năm:

- Cha nhỏ đầu, con nhỏ chân
Đến năm Nhâm Tuất (1802) thì thân chẳng còn

- Đầu cha lấy làm đuôi con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi! (1778-1802)

Các vua đầu triều Nguyễn tuy đã có nhiều cố gắng trong công việc xây dựng đất nước nhưng vì quá khắt khe trong cách thực hiện nên gặp nhiều chống đối. Chẳng hạn về cải cách y phục thời vua Minh Mệnh:

Tháng chín có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì bóc lột quần chồng sao đang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần ra đứng đầu làng trông quan!

Để xây dựng lăng tẩm, các vua đã bắt dân chúng phục dịch cực khổ, chẳng hạn như việc xây Khiêm lăng cho vua Tự Đức ngay từ lúc vua còn sống:

Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân!

Chính vì những cách cai trị hà khắc lại thêm nạn thiên tai dồn dập, nhiều nơi dân chúng đã nổi lên chống lại triều đình, kiệt hiệt nhất là những cuộc khởi nghĩa của Nồng Văn Vân (1833), Lê Duy Lương (1833), Phan Bá Vành (1826) ở đất Bắc:

Trên trời có ông sao Tua
Ở làng Nguyệt Giám có vua Ba Vành
Phương Đông quật lũ hung tinh
Làm cho bảy viện tan tành ra tro.

Trong Nam thì kiệt hiệt nhất là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi khởi sự từ năm 1833 mà mãi đến 3 năm sau quan quân triều đình mới hoàn toàn dẹp tan:

Bao giờ bắt được giặc Khôi
Cho yên giặc nước chồng tôi mới về

Trong lúc vua tôi Tự Đức đang lo đối phó với những cuộc khởi nghĩa của đám dân cùng khổ thì giặc Pháp đem quân xâm lăng Việt Nam. Họ đã cho nổ tiếng súng xâm lăng đầu tiên ở cửa bể Đà Nẵng vào năm 1858, rồi sau đó kéo vào Nam tiến vào cửa Cần Giờ. Dân chúng kêu gọi nhau hãy quên đi những tình cảm cá nhân để dốc một lòng cứu nước:

Giặc Tây đánh tới Cần Giờ
Biểu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công

Ngay từ những giờ phút đầu xâm lăng, giặc Pháp đã gặp phải sức kháng cự của toàn dân đất Đồng Nai. Đó là những cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương...:

Gò Công anh dũng tuyệt vời
Ông Trương "đám lá tối trời" đánh Tây.

Trước nạn xâm lăng của thực dân Pháp, dân chúng đã đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm, về bổn phận đối với quốc gia dân tộc để mọi người cùng tìm cách trả lời bằng hành động cho xứng đáng là con dân nước Việt:

Đồn anh văn cũng giỏi, võ cũng tài
Cớ sao cửa Thuận An Tây cướp, trấn Bình Đài cờ Tây treo?

Giặc chiếm miền Nam biến Nam kỳ thành thuộc địa (1867), giặc đánh ra miền Bắc chiếm thành Hà Nội (1783) và một số tỉnh thành miền Bắc, triều đình Tự Đức buộc phải ký Hòa ước Patenôtre (1884) chịu nhận quyền đô hộ của thực dân Pháp.

Trong lúc giặc Pháp đánh chiếm hết nơi này đến nơi khác thì trong triều lại xảy ra việc phế lập liên miên. Sau cái chết của vua Tự Đức (1883) chỉ trong vòng 4 tháng, 3 vua kế tục bị bức tử, Hàm Nghi mới 12 tuổi lên thay.

Nhân việc tướng Pháp là de Courcy đem quân từ Bắc vào kinh đô Huế để làm áp lực với triều đình, 2 quyền thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chủ trương đánh úp đồn binh Pháp vào đêm 5-7-1885. Pháp phản công dữ dội. Kinh thành thất thủ. Tôn Thất Thuyết phải đem vua Hà Nghi ra Tân Sở (Quảng Trị):

Trời ơi sanh giặc làm chi
Để ông Tôn Thất Thuyết phải cõng vua Hàm Nghi vào rừng!

Tại Tân Sở, Vua xuống chiếu Cần Vương. Hào kiệt bốn phương nổi lên hưởng ứng rất đông. Ở đất Bắc có Nguyễn Thiện Thuật lập chiến khu Bãi Sậy, Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám lập chiến khu Yên Thế:

Ở đây là đất ông Đề
Tây lên thì có, Tây về thì không.

Miền Trung có Phan Đình Phùng với chiến khu Vụ Quang (Hà Tĩnh), Đinh Công Tráng với chiến lũy Ba Đình (Thanh Hóa):

Có chàng Công Tráng họ Đinh
Dựng lũy Ba Đình chống đánh giặc Tây
Cơ mưu dũng lược ai tày
Chẳng quản đêm ngày vì nước lo toan
Ở Quảng Nam có Nguyễn Duy Hiệu:
Đường đi chín xã sông Con
Hỏi thăm ông Hường Hiệu hãy còn đó không?

Lê Trung Đình lãnh đạo nghĩa binh ở Quảng Ngãi, và Bình Định có Mai Xuân Thưởng hưởng ứng chiếu Cần Vương:

Ngó vô Linh Đổng mây mờ
Nhớ ông Nguyên Soái dựng cờ đánh Tây
Sông Côn khi cạn khi đầy
Khí thiêng đất nước nơi này vẫn thiêng.

Hàm Nghi xuất bôn, Pháp dựng ông vua bù nhìn là Đồng Khánh lên thay tạo ra cái cảnh tượng thật bi đát: một nươc có hai vua:

Trời ơi trông xuống mà coi
Nước Nam cơ khổ "con trời" hai ông
Hàm Nghi chính thực vua trung
Còn như Đồng Khánh là ông vua xằng

Triều đình Đồng Khánh chỉ có thực quyền ở kinh đô Huế, trong lúc đó các tỉnh ở phía Bắc từ Quảng Trị trở ra và các tỉnh phía Nam từ Quảng Nam trở vào vẫn hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi:

Đời mô cơ khổ như ri
Đồng Khánh ở giữa, Hàm Nghi hai đầu
Ngẫm xem thế sự mà rầu
Chính giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi

Nhưng rồi các cuộc khởi nghĩa Cần Vương dần dần bị thực dân Pháp và ngay cả đội quân của triều đình thân Pháp dẹp tan:

Bởi vì Nam vận ta suy
Cho nên Vua phải ra đi sơn phòng
Cụ Đề, cụ Chưởng làm cũng không xong
Tán tương, Tán lý cũng một lòng theo Tây!

Đồng Khánh mất, Thành Thái kế vị (1888). "Vua Thành Thái là một người thông minh và có khí phách anh hùng... chịu ảnh hưởng rất nhiều những tư tưởng của các nhà cách mạng Nhật và Trung Hoa. Ngài tìm hiểu phong trào duy tân của 2 nước này và khao khát việc cải cách quốc gia về mọi mặt, những mong sớm đưa đất nước đến chỗ phú cường." (Việt Sử Toàn Thư, tr. 684). Ngài là niềm tin một thời của toàn dân:

Đức vua Thành Thái lên ngôi
Cửu châu, tứ hải làm tôi một nhà
Đức vua có sắc ban ra
Âm phù dực bảo để mà trung hưng
Phương dân đâu đó nức mừng
Ai ai thì cũng kính dâng một lòng.

phế Ngài. Con của Ngài là Hoàng đế Duy Tân nối chí cha làm cuộc khởi nghĩa năm 1916 không thành, bị bắt và sau đó cả 2 cha con Thành Thái và Duy Tân bị thực dân Pháp đày sang châu Phi đã tạo nên sự phản đối trong hàng ngũ quan lại đương thời:

Phế vua không Khả
Đào mả không Bài

Thượng thư Ngô Đình Khả phản đối việc truất ngôi vua Thành Thái và thượng thư Nguyễn Hữu Bài phản đối việc viên Khâm sứ Pháp Mahé cho đào lăng vua Tự Đức để lấy vàng vào năm 1913.

Thực dân Pháp xâm lăng nước ta là nhằm vơ vét tài nguyên của thuộc địa để làm giàu cho chính quốc. Vì vậy, vừa đặt xong nền đô hộ là Pháp nghĩ ngay đến thực hiện mọi công việc cần thiết cho guồng máy cai trị:

Mưa mô mưa trên trời rơi xuống
Gió mô gió từ ngoài bắc thổi vô
Kể từ ngày thất thủ kinh đô
Tây giăng giây thép, họa địa đồ nước Nam.

Bắt nhân dân ta phải sưu dịch, thuế khóa nặng nề:

Ngó xuống sông Hương nước xanh như tàu lá
Ngó về Đập Đá phố xá nghênh ngang
Từ ngày Tây lại, Sứ sang
Đi xâu, nạp thuế, làm đàng không ngơi

Chúng bắt nhân dân ta đắp đàng, đào sông làm phương tiện giao thông để chúng dễ dàng khai thác các tài nguyên thiên nhiên của đất nước ta như chúng bắt nhân dân Quảng Nam “đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bồng Miêu” để khai thác mỏ than Nông Sơn và mỏ vàng Bồng Miêu:

Đứng bên ni Hà Thân
Ngó qua bên tê Hà Thân
Nước trong xanh như tàu lá
Đứng bên tê Hà Thân
Ngó qua đất Hàn phố xá nghinh ngang
Kể từ ngày Tây lại đất Hàn
Đào công Câu Nhí, đắp đàng Bồng Miêu
Dặn lòng em bậu đừng xiêu
Gắng công nuôi thầy mẹ, sớm chiều đã có anh.

Khi xảy ra trận Đại Chiến thứ Nhất (1914-1918), chúng bắt thanh niên ta phải mộ binh sang Pháp làm bia đỡ đạn đánh nhau với quân Đức:

Tàu “xúp lê” một còn thương còn nhớ
Tàu “xúp lê” hai còn đợi còn chờ
Tàu “xúp lê” ba tàu ra biển Bắc
Tay vịn song sắt
Nước mắt nhỏ bên đông
Lấy khăn “bu-sa” anh chặm
Cái điệu vợ chồng ngàn dặm không quên!

Thực dân Pháp thực hiện chính sách bần cùng hóa dân thuộc địa để dễ bề tìm nhân công cho các đồn điền cà phê, đồn điền cao su, đồn điền chè của bọn chủ thực dân:

Hoàng triều Bảo Đại tứ niên
Đã hai cái lụt lại liền cái keo
Xã dân đâu đấy túng nghèo
Cho nên ngũ tỉnh phải theo đồn điền
Ông Tây lắm bạc nhiều tiền
Bỏ ra sức giấy mộ liền cu li
Bỏ nhà bỏ cửa ra đi
Ma thiêng nước đôc quản gì tấm thân.

Chính sách cai trị của thực dân đã làm băng hoại nền đạo đức truyền thống của dân tộc:

Văn minh gặp buổi Lang Sa
Tri âm thì ít, trăng hoa thì nhiều.

Chế độ đô hộ của thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm (1862-1945) đã chấm dứt cùng lúc với sự sụp đổ của triều đình nhà Nguyễn ngự trị hơn 140 năm (1802-1945) bởi sự thoái vị của vua Bảo Đại sau cuộc tổng khởi nghĩa ngày 19 tháng 8 năm 1945.
* * *
Trong bài viết này, người viết đã dựa theo ý kiến của một vài nhà biên khảo văn học hay của một vài nhà viết sử để chấp nhận giá trị sử liệu của những câu ca dao được trích dẫn ở trên, tuy rằng, có thể có một số câu cần được bàn kỹ hơn về giá trị sử liệu đích thực mà nó chuyên chở. (*)

Đào Đức Nhuận
(*) Sẽ được bàn kỹ hơn trong chuyên khảo “Tản Mạn Về Ca Dao Lịch Sử”.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh