Hôm nay không biết là ngày mấy tháng mấy mà dường như Trời Đất đã vào Xuân... Và cũng như mọi năm, cứ vào khoảng thời gian nầy, tâm hồn tôi lại xốn xang nỗi nhớ quê hương.
“Quê hương là chùm khế ngọt, mẹ hiền ra hái mỗi chiều...”
Mảnh vườn nhà tôi ngày xưa không có khế ngọt, và mẹ tôi cũng qua đời đã lâu. Thế mà mỗi lần trời đất sang Xuân tôi cũng không khỏi buồn buồn, nhớ nhớ, một nỗi buồn nhớ mênh mông, không hiểu vì sao?
Tôi không còn gì ở quê hương để mà gắn bó, để mà nhớ nhung. Bạn bè phân tán mỗi nơi mỗi người. Anh em bà con không còn lại bao nhiêu. Ruộng vườn, đất đai, nhà cửa không có. Tôi là một đứa hoàn toàn vô sản. Những gì bố mẹ tôi để lại hoặc đã bị tịch thu hoặc đã bán xới để đóng thuế nông nghiệp trong những năm 1950. Họa chăng còn lại chỉ là những kỷ niệm vui buồn về những mối tình thầm kín đầu đời, và hình ảnh của mẹ tôi lảng vảng trên đầu cây ngọn cỏ, trên những luống đất trong khu vườn ngày xưa mà, mỗi lần về thăm quê đứng tần ngần trên mảnh vườn nay đã đổi chủ, tôi hình dung được...
Nhưng ngày Xuân, để cho lòng mình thanh thản, không bận bịu vì những nỗi nhớ mung lung, tôi sẽ viết hôm nay những điều vui, buồn về hạnh phúc và tình yêu.
Ngày Xuân nói chuyện tình yêu và hạnh phúc, tưởng không còn gì thích hợp hơn.
Xuân Diệu đã viết, “Tình không tuổi và Xuân không ngày tháng”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà thơ về điều này. Bởi vì theo tôi, có thể đây chẳng phải chỉ là một ý kiến, là một nhận xét mà chính là lời tán dương cái diệu kỳ của tâm hồn con người. Con người ta ai cũng chỉ có thể chết một lần, thể xác chỉ có thể trẻ trung trong một hạn kỳ, còn tâm hồn thì dẫu cho có chết bao nhiêu lần cũng không thể nào chết hẳn được! Và dù con người ta có già đến bao nhiêu tuổi, tâm hồn họ cũng không già lão được! Nếu tâm hồn của con người không hồi sinh được, không trẻ trung ra được, thì thể xác kia dù có sống cũng chỉ là sống gượng, cầm bằng như đã chết!
Tôi là kẻ bạc phước hơn ai hết trong cuộc đời lúc còn thanh xuân nên có thể nói điều nầy mà không sợ sai lầm.
Cái chữ “tình” mà Xuân Diệu nói trên đây hẳn phải là tình yêu giữa trai và gái, giữa đàn ông và đàn bà. Làm con người ai mà không trải qua đôi ba lần yêu đương? Ai mà không phải đôi ba lần khổ vì yêu?
Tình yêu, không kể tình yêu thương của bố mẹ đối với con cái, hoặc ngược lại, của con cái đối với bố mẹ, tình gia đình, tình nghĩa vợ chồng, và tình anh chị em ruột thịt, cái tình yêu thuần túy giữa trai và gái là gì?
Có nhiều người cho rằng đó là sự đồng điệu của hai tâm hồn?
Điều nầy thật quá mơ hồ, không có gì chuẩn đoán được! Đồng điệu hay là hợp nhãn, hay cả hai bên trai gái đều bị quáng mắt vì cái thúc dục, cái đòi hỏi của xác thịt? Hoặc chỉ vì cái hào nhoáng của nhan sắc bên ngoài?
Nếu quả thế thì thật đáng buồn! Nhưng cứ bình tâm mà xét, thì sự thật không xa mấy! Tình yêu giữa trai và gái, giữa đàn ông và đàn bà nhất định phải nặng về phần xác thịt hơn là phần tâm hồn. Không có gì đáng phải lấy làm xấu hổ, vì nó là sự thật! Một cuộc tình dù được tô son vẽ phấn đến đâu, nếu không được thỏa mãn về vật chất, hòa hợp về sinh lý thì cũng không bền lâu được.
Đây là một sự thật sống sượng, nhưng vẫn là sự thật.
Tôi đã năm lần bảy lượt mắc vào lưới tình, “yêu” trối chết. Nhưng yêu người hay là chỉ yêu mình? Hay chỉ là sự đòi hỏi sinh lý, cái “flesh and skin lust” như người Mỹ thường nói?
Hồi xưa tôi vẫn nghĩ rằng không ai yêu người yêu của mình hơn như tôi đã yêu Th. được. Nhưng tôi đã làm khổ Th. biết bao, thậm chí còn mong muốn cho nàng đau đớn, hoặc chết đi càng tốt!
Vì thế về sau tôi vẫn lấy làm hổ thẹn khi nhớ lại mình đã nói hoặc viết, “Anh yêu em vô cùng!”. Xét lại chỉ là rỗng tuếch, không có một ý nghĩa gì hết, thật chẳng xứng đáng với mình chút nào! Giá nói, “Anh yêu anh vô cùng” may ra còn hợp lý hơn!
Yêu ai là phải vì người đó chứ không phải vì mình. Yêu ai là mong người đó được sung sướng, cầu cho người đó được mọi điều tốt đẹp. Còn nếu thấy người đó sung sướng mà lấy làm đau khổ, ghen tức, thì chính là yêu mình, chứ không phải yêu người.
Ở xứ này, các cặp tình nhân trẻ thường biểu lộ tình yêu hết sức bồng bột. Chỉ cần tiễn đưa nhau ra đầu ngõ, tạm thời chia tay ngắn ngủi, họ cũng ôm hôn nhau thắm thiết. Chàng thì mồm luôn luôn nói, “I love you!” và nàng lúc nào cũng đáp lại, “I love you too!”.
Không hẳn họ đã giả dối, nói đãi bôi. Biết đâu làhọ đã chẳng thật lòng? Nhưng chắc cũng không phải sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, mà là sự cần thiết phải có nhau, thỏa mãn nhu cầu sinh lý và tâm lý của tuổi đang vào thời kỳ bồng bột.
Yêu nhau cỡ đó, nồng nhiệt như thế, tưởng có thể chết cho nhau không một phút đắn đo. Nhưng thấy vậy mà chẳng phải vậy! Chỉ cần không vừa lòng nhau, hoặc ghen tương, nghi ngờ nhau là tình yêu trở thành tình thù, và người yêu trở thành kẻ thù ngay, dễ dàng như trở bàn tay! Và thế là máu chảy, người chết, kẻ đi tù như chơi.
Một cuộc tình chết nửa chừng; một cuộc đời đứt đoạn oan uổng!
Ở nước ta con người bản tính vốn ôn hòa hơn, ít có máu bạo động nên cái thảm kịch tình yêu ít xảy ra hơn. Người bị tình phụ chỉ âm thầm đau khổ, và cũng vì thế mà cái khổ vì tình yêu của họ cũng sâu đậm hơn, đau đớn hơn.
Người Pháp cũng đã hiểu như thế nên đã cho rằng, “Aimer c'est mourir un peu”.
Và phải chăng đi tìm tình yêu trai gái, là đi tìm cái lẽ sống có ý nghĩa nhất của một cuộc đời, là con đường đi tới Hạnh phúc tuyệt vời nhất?
Không hẳn thế!
Hạnh phúc không cứ gì chỉ ở tình yêu, mà còn ở sự thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của một con người.
Trong một email gởi anh Ngh., một trong những ông anh của tôi, nhân nói về Hạnh phúc ở đời, tôi có tâm sự, “... không biết anh thế nào, chứ theo em làm gì có hạnh phúc ở đời này! Hạnh phúc ở hạ giới cũng tỷ như Thiên đàng ở thượng giới, ai biết đó là đâu...”.
Thư này tôi viết cách đây khá lâu đang lúc buồn chán đời, nhưng không phải cái tư tưởng yếm thế từ đó mà ra. Cũng không phải vì cuộc đời tôi buồn nhiều hơn vui mà suy nghĩ như vậy. Cái kết luận đơn giản trên đây, thật ra không phải đơn giản mà có được. Đó là một phần kinh nghiệm của riêng tôi, những gì tôi đã kinh qua, còn phần khác là “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong suốt cuộc đời trôi nổi của tôi, một cuộc đời bảy chìm ba nổi qua bao nhiêu thời đại...
Anh Ngh. đáp lại trong một bức thư đầy ý tưởng yêu đời, “... theo anh hạnh phúc vẫn có đấy, chứ không phải chỉ là danh từ suông. Sáng nay anh ngồi một mình uống chén nước trà và lần đầu tiên sau mấy tháng trời bịnh tưởng đã qua đời, đã thấy được hương vị chén trà thơm ngon quá, làm cho tâm hồn mình bỗng trở nên thư thái, hân hoan... Một niềm vui cỏn con vừa chợt đến, nhưng cũng đủ ấm lòng và chợt thấy đời đáng yêu quá! Như vậy chẳng phải hạnh phúc là gì?...”
Một người vừa qua khỏi cơn bịnh nặng, uống chén nước trà buổi sáng đã thấy ngon miệng làm cho tâm hồn thư thái; một người sắp chết đuối vớ được chiếc phao; và người con trai, con gái với cuộc tình yêu đầu đời... tất cả những người này ít nhiều cũng đã bắt gặp hạnh phúc ở đời. Như vậy hạnh phúc phải có thật chứ không phải chỉ là ảo mộng.
Hạnh phúc vẫn có đó, ngay trong tầm tay mình, không cần phải tìm kiếm xa xôi, hoặc ngước cổ trông trời, nếu anh là một con người đơn giản, giàu lòng vị tha, một con người có tâm hồn của Phật.
Nhưng với những người tầm thường, lục lục thường tình như tôi thì không dễ dàng như vậy được, nhất là nói về hạnh phúc gia đình!
Bởi vì đối với số đông những người trong nhân loại, hạnh phúc gia đình chắc không phải chỉ là những bữa cơm ngon miệng, chén nước trà thơm, hoặc những đêm chăn gối mặn nồng...
Nếu có ai chợt hỏi một người giàu sang phú quý có hạnh phúc không, thì chắc không khỏi làm anh ta ngẩn ngơ dăm ba phút. Anh ta nhà cao cửa rộng, sống cuộc đời đế vương, kết quả của bao nhiêu năm trời cúc cung tận tụy làm giàu. Nay mộng giàu có đã thành, nhưng biết đâu anh ta cũng đôi lúc phân vân không biết như vậy mình thật sự đã có hạnh phúc hay không?
Vợ anh biết đâu chẳng còn như xưa khi hai người còn bần hàn, một túp lều tranh hai quả tim vàng? Vợ anh bây giờ tuy có già hơn nhưng nhan sắc hãy còn mặn mà, cộng thêm cái vẻ quý phái, đài các của kẻ thừa thãi tiền bạc và thời gian, liệu nàng có còn chung thủy với anh không? Anh tuy có nghi ngờ nhưng không thể nào trả lời được, vì trong bất cứ trường hợp nào, anh chồng cũng là người biết được chuyện lăng nhăng của vợ mình sau cùng!
Còn đám con cái? Chúng nó cũng đã đổi khác, không còn chân chỉ hạt bột như ngày xưa khi bố mẹ còn nghèo khổ. Học hành lơ láo, lấy chuyện vui chơi làm chính. Nay đòi cái này, mai vòi cái kia. Không thỏa mãn được, chúng đâm ra oán trách bố mẹ...
Đó là chuyện thường tình ở đời, không có gì đặc biệt. Vì thế nếu anh có phân vân không biết mình bây giờ thật sự đã có hạnh phúc hơn những năm còn nghèo khổ, cũng không lấy gì làm ngạc nhiên.
Người ta thường nói, ‘Có tiền mua Tiên cũng được’. Có thể rất đúng. Nhưng có tiền chưa chắc đã mua được Hạnh phúc. Trên thế giới đã có biết bao nhiêu những người giàu có đã tự vẫn mà chết!
Như vậy rõ ràng tiền bạc không thể nhất thiết mang lại hạnh phúc cho con người được. Nói như thế cũng có nghĩa là cái nghèo cũng không hoàn toàn là bạc phước. Nghèo tiền nghèo của nhưng giàu tình thương và tâm hồn khoáng đạt thì vẫn có hạnh phúc. Bởi vì tình yêu trong cảnh bần hàn cũng có cái đẹp, cái đáng yêu của nó.
Những ai không tin xin tìm đọc một câu chuyện tình nghèo đẹp và cảm động vô cùng của O'Henry, truyện “The Magic Gifts”. Dưới đây là tóm lược câu chuyện:
“Hai vợ chồng trẻ sống chật vật với miếng cơm manh áo hằng ngày... Năm hết Tết đến, những ngày lễ lớn cuối năm là dịp để tặng quà cho nhau. Nhưng hai người tiền dư của để không có, mà quà cho nhau không có không được, nên chàng thì phải bán cái đồng hồ gia bảo của mình để mua chiếc lược ngà tặng vợ; còn vợ thì đành cắt mái tóc óng ả mượt mà của mình đem bán lấy tiền mua chiếc giây đồng hồ tặng chồng... Cái đáng yêu là ở sự hy sinh cao quí đó. Cái đồng hồ chuyển từ đời ông, đời cha, đến đời con, là đời của anh, nay anh phải bán đi là chuyện chẳng đặng đừng! Còn mái tóc của nàng chàng thường âu yếm nâng niu coi như bảo vật, nay phải cắt đem bán cũng là chuyện hết sức đau lòng.
Và điều cảm động là khi quà tặng được trao cho nhau, hai vợ chồng mới vỡ ra rằng quà tặng của mình không còn có chỗ dùng nữa! Chiếc lược không còn mái tóc để chải, và chiếc giây không còn đồng hồ để cài vào!...”
Nhưng không phải vì thế mà hai món quà trở thành vô dụng. Trái lại đó là chứng vật tuyệt vời của một cuộc tình yêu nghèo trong hai trái tim vàng...
O'Henry còn có một câu chuyện về tình yêu tuyệt vời khác. Chuyện “The Last Leaf” kể rằng (tóm lược):
“Một cô gái trẻ đẹp mang một chứng bệnh đã đến lúc gần hết hy vọng chữa lành được. Cô sống với cô bạn gái trong một chung cư. Hằng ngày cô nằm trên chiếc giường bên cạnh cửa sổ trông ra ngoài trời.
Bấy giờ, trời đã vào đông, giá lạnh, tuyết bắt đầu lả chả rơi. Dưới kia ở cuối sân, một cây đào đứng trơ vơ trong bầu trời trắng bệch, lá trên những cành cây đã rơi rụng gần hết, chỉ còn trơ lại dăm ba chiếc cuối cùng. Ngày nào cô gái cũng nhìn ra cửa sổ để xem cây đào còn lại bao nhiêu lá. Cô thường thở dài bảo bạn:
-“Khi nào chiếc lá cuối cùng rụng nốt là lúc tớ cũng sẽ qua đời!”.
Người gác gian khu chung cư một hôm tình cờ nghe được câu nói này của cô gái. Ông ta sức khỏe vốn kém cỏi lại mang thêm bịnh phong thấp đã đến thời kỳ trầm trọng. Nhưng vợ không có, con cũng không nên vẫn cứ phải làm việc để nuôi lấy thân. Biết mình sống chẳng được bao nhiêu năm nữa, ông già muốn làm một việc có ý nghĩa trước khi qua đời là làm thế nào để kéo dài cuộc sống của một cô gái tin rằng mình sẽ qua đời cùng chiếc lá cuối cùng thêm được dăm ba ngày nữa.
Đêm hôm đó trời nổi cơn gió lớn, mà cây đào kia chỉ còn chiếc lá cuối cùng. Không cần phải là nhà tiên tri, ông cũng biết chắc chắn rằng nó cũng sẽ rụng nốt trong đêm gió bão này. Nhưng đến sáng hôm sau một phép lạ đã xảy ra: chiếc lá cuối cùng vẫn hiên ngang tồn tại trong bầu trời giá lạnh!
Cô gái sáng hôm đó, sau một đêm thao thức, tỉnh giấc nhìn ra ngoài trời thấy chiếc lá vẫn còn trên cành, lấy làm mừng rỡ, biết mình vẫn còn sống thêm được hôm nay nữa. Nhưng rồi chiếc lá ngày này qua ngày khác vẫn hiên ngang tồn tại, làm cho cô gái tinh thần cũng trở nên phấn chấn, để rồi dần dà khỏe mạnh hẳn!
Chỉ tội nghiệp cho ông già gác gian! Ông ta đã qua đời mấy ngày sau cái đêm gió bão nọ! Có người bíết chuyện bảo rằng đêm hôm bão tố đó đã thấy ông già gác gian vật lộn với gió, hì hục mang chiếc thang gỗ dựa vào cành cây đào, trèo lên thang gắn một chiếc lá vàng vào một cành cây đào...”
Một câu chuyện đẹp đẽ, trong sáng, một tình yêu không vụ lợi thật là quí giá biết bao! Một tình yêu vì người chứ không phải vì mình.
Ông già gác gian biết đâu đã chẳng đem lòng yêu thầm cô gái dù biết rằng chỉ là một tình yêu vô hy vọng... Yêu người mà chẳng cần được yêu lại và cũng vì vậy ông đã yêu cô gái hơn yêu chính mình. Thế mới thật là tình yêu!
Khổ nỗi, con người ai nấy đều chỉ đi tìm hạnh phúc riêng cho mình. Và bởi vì con người không ai giống ai, về hình dung, về tâm hồn, và sở thích nên hạnh phúc cũng thiên hình vạn trạng.
Nhưng tóm lại, nói cho chí cùng, đi tìm hạnh phúc phải chăng là đi tìm cái khoái lạc ở đời?
Trừ một số ít người đặc biệt, các vị tu hành chân chính, các nhà từ tâm, bác ái còn phần lớn chúng ta ai mà không có lúc đi tìm một vài niềm vui cỏn con trong các thú đam mê, hạnh phúc nhất thời trong những điều khoái lạc? Nhất là những người có cuộc sống không lấy gì làm may mắn, bảy nổi ba chìm, hoặc thất vọng vì tiền, hoặc quẫn trí vì tình.
Ông bà chúng ta ngày xưa cho rằng những cái khoái lạc nhất trong đời gồm có bốn thứ, sắp theo thứ tự sau đây: ăn, ngủ, đ., ỉa. Nghe ra thì thật là thô tục, nhưng cũng thật là “down to earth”, nói theo kiểu Mỹ, có nghĩa là chí tình, chí lý, hết sức trần tục! Chỉ có bốn chữ mà bao gồm toàn bộ triết lý sống của một đời người. Thật là vừa thâm thúy, vừa đơn giản. Ở Việt Nam, các cụ chúng ta ngày xưa, về khoa học kỹ thuật thì không đi đến đâu, nhưng về cái khôn khéo và cách sống ở đời thì thật là thâm thúy.
Nhưng sao ăn uống lại là hàng đầu mọi khoái lạc?
Ai mà chẳng thích ăn ngon mặc đẹp? Chẳng phải đông y đã cảnh cáo rằng, “Ăn được, ngủ được là tiên; Không ăn, không ngủ thì tiền vất đi” là gì?
Anh kia ăn không biết ngon miệng, ngủ không được đẫy giấc, ngày này qua ngày khác, thì cầm bằng như đã chết, còn ham muốn tình dục làm sao được? Một con người đói lả mấy ngày nếu phải chọn giữa một bữa ăn thanh đạm và một người đàn bà đẹp, không cần hỏi cũng biết anh ta chọn ngay thứ gì. Trong trường hợp này, ai cũng thế, chuyện tình ái chỉ là thứ yếu.
Vì thế các cụ ta sắp cái ăn, cái ngủ đứng hàng đầu mọi khoái lạc chắc cũng không phải là sự tình cờ?
Đó là ở Việt Nam.
Còn ở đây, ở Mỹ, chắc người ta không nghĩ như vậy. Tôi đã có lần nghe một người Mỹ nói rằng, “Ngày mà tôi không còn làm tình được, thì đó là ngày tôi sẽ tự cho một phát súng vào đầu!”. Tuy có thể chỉ là một lời nói suông, nhưng cũng phản ảnh được tâm tư của người nói.
Và Oracle, một nhân vật lão thành vừa tròn 100 tuổi, trong quyển sách “The Fourth K” của Mario Puzzo (tác giả “The Godfather”) đã than thở,
-“I was never too old until after 90. And let me tell you that when your cock leaves you, that is really loneliness!”.
Đại khái nói rằng trước 90 tuổi vẫn không thấy già và ngày mà con chim của ông ta không còn hoạt động được nữa thì đời sẽ không còn thú vị gì hết!
Như vậ sự khoái lạc về ân ái có thể được coi như đứng hàng đầu trong mọi khoái lạc? Có một điều chắc chắn là ở đây, đối với đa số người Mỹ, sự ăn uống không thể nào được coi như khoái lạc hàng đầu được. Không phải vì thức ăn thừa thãi đâm ra nhếch nhác không làm khoái khẩu vị mà chỉ vì ăn uống còn phải cân nhắc, phải đếm từng calorie trong mỗi thức ăn, đồ uống xem có quá nhiều năng lượng hay không. Vừa ăn vừa lo ngay ngáy không biết rồi ra sẽ phải lên thêm bao nhiêu cân nữa! Đã thế thì còn lấy gì làm thú vị? Ở Việt Nam ta đã không ăn nhậu thì thôi, nhưng được dịp thì xả láng, chỉ cần khoái khẩu là được! Mọi việc khác hạ hồi phân giải...
Trừ những kẻ giàu có, đa số dân chúng họa hoằn mới được một bữa ăn ngon. Cho nên được ăn uống linh đình một bữa thì còn gì sung sướng, thỏa mãn cho bằng? “Ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày”. Anh nông dân phải bỏ buổi cày đi ăn đám giỗ là việc chẳng đặng đừng. Không phải chỉ tuyền vì lễ nghi bắt buộc mà còn vì cái bao tử nó đòi hỏi! Chứ có bao giờ anh ta dám bỏ buổi cày liều đi theo gái? Như vậy mới thấy cái ăn uống là số một trong mọi khoái lạc. Tình ái chỉ là thứ yếu.
Tuy thế cũng không thể coi nhẹ việc yêu đương giữa trai và gái được.
Hồi xưa lúc còn đang ở tuổi học trò, dù mới tập tểnh biết yêu, tôi cũng đã phải qua một thử thách lớn. Hồi đó đối với tôi tình yêu đẹp đẽ và trong sáng làm sao!
Từ lúc tôi có một người yêu nhỏ bé, đẹp hơn bất cứ một bông hoa nào, tôi tưởng mình đã bắt gặp được cái hạnh phúc tuyệt đối của con người. Tất cả không còn nghĩa lý gì cho đến khi ngồi bên cạnh H., được nâng niu đôi bàn tay với những ngón búp măng trắng nõn nà, được ngắm nhìn đôi mắt mơ màng, đôi môi xinh xắn như đóa hoa hàm tiếu... Tôi kính trọng cái đẹp của H. đến nỗi không dám hôn mạnh, dù chỉ là hôn lên đôi bàn tay và đôi má. Và như một anh ngố, tôi đã thực hiện đúng lời khuyên, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Nhưng bỗng một hôm người đẹp của tôi, trong lúc hai đứa ngồi tình tự trong bóng đêm, bảo tôi, “Hôn hoài chán chết!”. Lời nói như có vẻ than thở, nhỏ nhẹ, nhưng tôi nghe bàng hoàng như tiếng sét đánh! Nếu cô nàng sau đó không vùng vằng bỏ đi thì tôi đã tưởng mình nghe nhầm, hay ít ra cô bé nói đùa.
Sau đó cuộc tình của hai đứa tôi không còn được như trước nữa. Tuy thế tôi vẫn chưa hết trọng vọng cái nhan sắc của nàng, còn nàng hình như đã thay đổi hẳn. Tôi còn chưa biết đối xử ra sao thì nàng đã phải đi học xa. Còn tôi trở về với nỗi buồn tênh của một đứa con trai vừa tập tễnh biết yêu mà đã lạc hướng, hoang mang...
Về sau, nghĩa là cũng phải đến năm bảy năm sau, tôi có hiểu biết hơn chút đỉnh về đàn bà, con gái, và đến lúc bấy giờ tôi mới biết rằng người đẹp nhỏ bé kia giận hờn tôi không phải là không có duyên cớ!
Cũng trong thời gian tôi và cô bé xa nhau, có lần nhân trong một câu chuyện về việc lấy vợ lấy chồng, chú H., người em họ con ông chú của tôi, đã đưa ra một nhận xét mà lúc bấy giờ tôi rất lấy làm lạ lùng, không thể nào hiểu được, không phải vì ngu dốt mà vì nó ngược lại với quan niệm về tình yêu và gia đình của tôi.
Chú ấy bảo tôi:
-“Nói gì thì nói, chứ đàn bà con gái bao giờ cũng thực tiễn hơn đàn ông con trai chúng mình. Họ không mơ màng viễn vông. Rồi anh sẽ thấy người như anh B. khó mà lấy được vợ. Mà dù có lấy được, thì rồi ra cũng sẽ bị vợ bỏ! Anh chống mắt mà coi xem tôi nói có đúng không?”
Tôi còn hồ đồ chưa hiểu thì chú ấy đã giảng giải:
-“Phần đông đàn bà, con gái ít để ý đến những xúc cảm từ con tim hoặc suy luận của khối óc. Họ không mơ mộng viễn vông như đa số đàn ông chúng ta. Và đối với một số không phải ít ỏi gì, nếu anh không đáp ứng được đòi hỏi tình dục, làm thỏa mãn được cái ham muốn thể xác của họ thì chín mươi phần trăm là anh sẽ bị cắm sừng hoặc bị cho đi chuyến tàu suốt!”
Chú ấy nói về anh B., một trong những ông anh của tôi. Anh B. thể trạng gầy còm, người chỉ thấy xương với da! Người như vậy, chú H. cho là không thể nào làm tình đúng mức được dù cho có hoàn toàn trưởng thành. Mà đã không làm tình được đúng mức thì không thể lấy vợ được, hoặc có vợ cũng bị vợ bỏ trong phút chốc!
Một ý tưởng khá lạ lùng đối với tôi lúc bấy giờ!
Hồi đó tuy có ngỡ ngàng về phản ứng khá phũ phàng của cô bé người yêu đầu đời của tôi, tôi vẫn chưa hết thần tượng hóa tình yêu. Người con gái đẹp đối với tôi hồi đó là một nét thiên thần; là hạt sương mong manh buổi sáng; là một đóa hoa; là một sinh vật kỳ lạ nhất của Tạo hóa, một sinh vật vừa đẹp đẽ, vừa yếu đuối, đáng yêu và cũng vừa bí hiểm biết bao!
Vì thế tới lúc bấy giờ, tôi không thể nào tin được ý kiến của chú H. là xác đáng. Chẳng qua chú ấy là một kẻ yếm thế. Dần dà về sau khi đã tiếp xúc với đời trong những năm sống lang bạt ở Saigòn và nhất là sau khi đem thân đi làm anh lính trong Quân đội Quốc gia, tôi mới thấy hết được cái thâm thúy trong nhận xét của chú ấy. Những gì chú ấy nói tuy không phải hoàn toàn áp dụng trong mọi trường hợp, nhưng đa số các trường hợp khác đều ăn khớp!
Tôi đã chứng kiến bao nhiêu trường hợp, nhưng cụ thể nhất là trường hợp của tôi. Tôi đến hơn 40 tuổi đầu mới lấy vợ, hay nói đúng mới lấy được vợ. Vợ tôi đẹp và trẻ hơn tôi đến 12 con giáp, không còn mong gì hơn được. Nhưng cái tính của tôi trước sau vẫn bồng bột nhất thời, nên chẳng bao lâu sau khi lấy vợ tôi đâm ra chểnh mảng về sự săn đón và đường ân ái. Vợ tôi, dẫu là người tính dịu hiền, ít nói, một hôm bỗng hậm hực bảo tôi:
-“Chẳng trách gì anh B. bị vợ bỏ! Và chị Ng. cũng đã nói rất đúng, đàn ông như các ông ấy thì vất đi”.
Anh B. đây chính là anh B. tôi đã nói đến trên kia. Lúc bấy giờ quả nhiên anh B. đã bị vợ bỏ thật. Không hiểu có phải vì lý do anh ấy yếu đuối về đường tình dục như chú H. đã tiên đoán, hay vì việc gì khác, tôi không rõ, nhưng bà vợ anh ấy đã đi lấy chồng khác! Còn chị Ng. người mà vợ tôi đề cập trên đây là vợ của một ông anh khác của tôi. Chị ấy trẻ hơn anh ấy bộn bàng.
Không biết hai bà đã tâm sự với nhau thế nào mà vợ tôi lại nói như vậy, làm tôi hoảng hồn! Tự xét lại thì thấy mình cũng không phải thật! Sau đó, một phần vì bị chê bai làm tôi nổi máu yêng hùng của một kẻ mày râu, một phần hứng chí vì biết vợ mình cũng coi nặng sự gần gũi với mình, nên tôi đã có thể trở lại cái mặn nồng thủa ban đầu, lúc vừa lấy vợ!
Như vậy vấn đề sinh lý tình dục không thể coi thường được trong việc vợ chồng, không phải vì nó quan trọng ở chỗ không có không được, mà vì sự hòa hợp phải có giữa vợ chồng. Vợ chồng bỏ nhau hoặc vì không thỏa mãn được cho nhau về sinh lý, hoặc vì đã đánh mất sự hòa hợp này.
Đến nước này nếu không còn những nghĩa vụ khác, thì đành phải xa nhau!
Như trên kia tôi có nói, mãi về sau này tôi mới hiểu biết ít nhiều về đàn bà. Như vậy cũng đã là may mắn lắm rồi, vì không ai hiểu hết được đàn bà.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan trong quyển “Nhà Văn Hiện Đại” đã thuật lại lời của ai đó rằng:
-“Tôi bằng lòng đánh mất đời tôi để chỉ hiểu một người đàn bà!”.
Và mới đây tôi có đọc đâu đó một nhà văn Mỹ đã cho rằng:
-“Gặp một người đàn ông là gặp tất cả, còn mỗi người đàn bà là một thế giới riêng rẽ!”.
Một nhận xét có hơi quá đáng nhưng không phải là không đúng phần nào.
Trong hơn 30 năm trời sống với nhau mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu nổi vợ tôi! Đàn ông như những trang sách, mở ra là đọc được ngay, không lôi thôi gì hết! Còn đàn bà, nhất là đàn bà đẹp, như những câu đố bí hiểm, có trời mới đoán được cho đúng! Đã thế, ngoài cái bí hiểm, lại cộng thêm cái nguy hiểm. Mà đàn bà càng đẹp càng nguy hiểm!
Sự tích cổ kim đã chứng minh được điều này. Vì thế người ta thường nói, “một sắc đẹp khuynh thành đảo quốc” để tả cái ghê gớm, cái đáng sợ của một nhan sắc tuyệt vời. Ai trong bọn đàn ông chúng ta mà không biết rằng đàn bà là tai họa của đàn ông, đúng như tục ngữ này của Pháp, “La femme est le fleau de l'homme!”. Nhưng giống như những con thiêu thân lao đầu vào ánh sáng mà chết, đàn ông ai nấy đều ham mê và cố chiếm cho được người đẹp, bất chấp hậu quả!
Tôi có anh bạn thân, năm lần bảy lượt, khi thì bị vợ bỏ, lúc thì bị tình phụ, thế mà vẫn không chừa cái tật háo sắc! Có lần anh ta than thở với tôi:
- Ông trời thật đa đoan, đã sinh ra đàn ông chúng mình, còn sinh ra cái giống đàn bà làm gì cho khổ cái thân ta!
Tôi làm ra kẻ cả, chỉ vào mặt anh ta bảo:
-Tại cậu ngu quá, đừng đổ lỗi cho trời! Chẳng phải ông bà ngày xưa đã chỉ rằng “Vợ đẹp là vợ người ta, vợ mà xấu xí mới ra vợ mình”?
Mắng mỏ anh ta cho ra vẻ người hiểu biết, lịch lãm, chứ tôi biết tỏng mình cũng “một lứa bên trời lận đận” như anh ấy thôi, chẳng hơn gì!
Vả chăng đâu phải ngẫu nhiên mà ở Pháp, trong hầu hết các vụ án ly kỳ bí mật, muốn tìm ra thủ phạm, người ta khuyên tốt nhất hãy “chercher la femme!” thì sẽ phanh phui được vụ án! Họ tin rằng đâu đó trong bóng tối đã có một người đàn bà dính líu trực tiếp hay gián tiếp đến vụ án.
Viết đến đây tôi bỗng phì cười bảo mình, “Nói như vậy, phải chăng cái thảm họa 9/11 cũng do đàn bà mà ra ư?” Biết mình nói hơi quá, nói bừa cho hả, nhưng tôi cố chống chế, cho rằng biết đâu những tên không tặc nó lại chẳng bị một đôi người đẹp của chúng sai khiến, cám dỗ?
Nhưng còn những cơn bão lụt tàn phá thành phố làng mạc thì sao? Chẳng lẽ cũng do đàn bà gây nên? Tôi lại phải một hồi biện luận với mình: Hẳn nhiên là có dính líu đến đàn bà rồi, bởi vì cơn bão nào cũng mang tên phụ nữ, chẳng hạn cơn bão lụt Katrina vừa rồi đã tàn phá mấy vùng đô thị lớn ở Louisiana, và cơn bão kế tiếp, cơn bão Rita, sức tàn phá cũng chẳng kém bao nhiêu... Đâu phải là tình cờ mà người ta đặt tên cho những cơn bão tố đều là tên đàn bà?
Để chứng minh cho được một phần nào những gì tôi đã cố thuyết trình ở trên đây, tôi xin kể một câu chuyện vui mà tôi quên mất xuất xứ. Chuyện về một cặp vợ chồng ở một xứ nọ...
Chàng là một thanh niên nông thôn, khỏe mạnh đẹp trai có chút đỉnh tài sản và ruộng đất. Nàng là một cô gái đẹp, một đóa hoa đồng nội, là niềm ước mơ của bao nhiêu chàng thanh niên trong làng, lại là con gái của một nhà hào phú.
Chẳng hiểu vì duyên hay vì nợ mà chàng may mắn chiếm được người đẹp, thật đã quá lòng mong ước!Lấy được người đẹp tưởng không còn gì sung sướng cho bằng nên chàng quên mất những lời đầy quí báu của ông bà, của những người đi trước, rằng, “Dạy con từ thủa còn thơ ; dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về...”
Để vừa lòng người vợ đẹp, chàng hết lòng hết sức chiều chuộng từng ý muốn của nàng. Vì vợ mà chàng đã phải từ bỏ những cuộc họp mặt với bạn bè trước đây, những cuộc hẹn hò nay ở tiệm café này, mai ở quán nhậu kia. Và cũng không còn nữa những bữa tiệc linh đình đãi bạn bè ở nhà trong những dịp lễ lớn, như hồi còn độc thân.
Nàng muốn gì được nấy, vì thế “được đằng chân” nàng bắt đầu “lân đằng đầu”, nghĩa là nàng bắt đầu lấy sự làm trái ý muốn của chồng làm niềm vui và cũng là để biểu lộ cái uy quyền của sắc đẹp mình!
Bạn bè ai nấy đều cho rằng chàng là thằng râu quặp. Nhưng để giữ hạnh phúc gia đình, chàng nghĩ dù có là râu quặp cũng chẳng sao! Duy có một điều làm cho chàng băn khoăn, không biết tính thế nào cho trọn vẹn, nghĩa là được việc cho mình mà cũng không làm buồn lòng vợ.
Số là năm nay được muà lúa, trúng mùa bông, chàng muốn cuối năm làm một bữa tiệc linh đình để tạ ơn trời đất và cũng là để đãi đằng bầu bạn, hàng xóm. Nhân thể say sưa với bạn bè một bữa cho thỏa chí. Nhưng biết chắc rằng đưa ra ý kiến này, cô vợ ngang bướng sẽ bác bỏ ngay!
Một hôm chàng nghĩ ra được một kế mọn tin rằng có thể gạt được cô vợ quí của mình. Đêm đó, giữa nệm êm chăn ấm, chàng thủ thỉ bảo vợ, “Này em ạ, anh nghĩ năm nay mình được mùa, trong nhà dư dả hơn mọi năm, tuy thế cuối năm anh thấy cũng không nên làm đình đám rình rang làm gì...”
Chàng chưa nói hết lời thì nàng đã vội cướp lấy, gằn giọng hỏi, “Anh nói thế là thế nào?”
Chàng lặng lẽ nở nụ cười trong bóng tối, đáp lại, “Ý anh là dù thế nào cũng không nên lãng phí, mà để dành phòng sang năm có mất mùa, chúng mình cũng không phải lo lắng cho lắm!”
Nàng sẵng giọng nói, “A! Cái anh này lo xa quá đáng! Anh đã nói thế thì em lại phải làm đình đám rình rang mới được!”
Chàng thở dài thườn thượt bảo, “Ý em đã muốn thì trời cũng chẳng cản được. Nhưng tiệc tùng có làm đi nữa thì cũng đừng dùng đến con heo ú nhất trong chuồng. Anh muốn nuôi cho nó lớn thêm...”
“Đã thế thì em sẽ cho quay con lợn mập ú đó!”, nàng hậm hực bảo.
Chàng lại thở dài bảo, “Thôi thế cũng được, nhưng chớ có mời mấy thằng bạn trời đánh của anh nhé!”
“Em sẽ cho mời tuốt, kể cả mấy ông bạn trời đánh của anh nữa! Dẫu sao họ cũng là bạn của anh mà!”, nàng hăng hái bẻ lại.
Chàng lại thở dài sườn sượt bảo, “Tùy em vậy! Nhưng mấy chai rượu quí của anh cất trong tủ chớ có dùng đến!”
Nàng sừng sộ đáp, “Tiệc tùng mà không có rượu ngon thì ra cái gì? Cái anh này! bần tiện vừa vừa chứ!”
Đến đây chàng vô cùng hả dạ, chỉ muốn cười toáng lên vì biết cái kế mọn của mình đã dễ dàng gạt được vợ...
Cuối năm đó, đúng vào chiều 30 Tết trong nhà rộn ràng khách khứa. Trên các bàn tiệc rượu thịt ê hề. Và chàng là người ăn nhậu hăng say nhất, nói năng hoạt bát nhất.
Đêm hôm đó, hai vợ chồng vào giường, vừa đặt lưng xuống chàng đã ngáy o o. Còn nàng thì thao thức, suy nghĩ không ngủ được. Nàng hình dung lại khung cảnh bữa tiệc, thấy anh chồng của mình rượu vào lời ra coi bộ chẳng đố kỵ gì mấy anh bạn trời đánh nọ, cũng không có vẻ gì tiếc rẻ mấy chai rượu hoặc con heo mập!
Suy nghĩ một lúc, mới vỡ lẽ ra, nàng bỗng giật mình bụng bảo dạ, “Thôi chết, mình bị thằng chả lừa mất rồi!”. Thế rồi nước mắt lưng tròng, nàng lẳng lặng vớ lấy tấm áo choàng, xỏ chân vào đôi dép, ra khỏi nhà, chạy thẳng một mạch đến con suối đầu làng.
Nửa đêm chàng thức giấc, quờ quạng không thấy vợ đâu, tìm kiếm khắp nhà cũng chẳng thấy, đoán rằng mưu kế của mình đã bị lộ, chắc nàng đã quá giận mất khôn, chạy ra suối tự vẫn rồi cũng nên. Chàng hớt hãi réo gọi mấy anh hàng xóm cùng chạy ra suối. Không thấy vợ đâu chỉ thấy trên bờ suối đôi dép của nàng, chàng lại càng hoảng hốt cho rằng mình đã nghĩ đúng!
Mọi người lội xuống suối, đi xuôi dòng nước sục sạo tìm kiếm. Còn riêng chàng lội ngược dòng suối, lên phía đầu nguồn. Có người trông thấy hỏi, “Anh hóa rồ rồi sao mà lội ngược dòng tìm người chết đuối?”.
Chàng vừa khóc vừa đáp, “Anh không biết con vợ tôi! Đến chết nó cũng cố làm trái ý của tôi!”
Quả nhiên khi anh lội đến gần đầu ghềnh thì thấy nàng đang ngồi vắt vẻo trên một tảng đá lớn ngay giữa dòng suối! Mừng vì thấy vợ còn sống, anh chạy vội lại ôm lấy vợ, bảo, “Thôi từ nay em muốn làm gì thì tùy ý em! Không cần phải tiệc tùng, đãi đằng bạn bè gì nữa!”
Cô vợ biết anh chàng hối hận, nói thật tình, sướng rơn trong lòng, nhưng làm bộ giận dữ tru tréo, “Anh lại nói thế để tôi làm ngược lại chứ gì?”.
Rõ ràng gậy ông đập lưng ông, anh chồng lúng túng chưa biết đối phó thế nào thì cô vợ đã cười ha hả nói, “Kìa anh chàng ngốc, lạnh muốn chết đây mà còn đứng tần ngần ra đó!”
Chàng vội vã chạy đến bế thốc nàng lên, rồi cả hai cùng cười lên ha hả, để mặc mấy anh đàn ông trong xóm đứng đưa mắt nhìn nhau và nhìn đôi vợ chồng mà họ tưởng đã hóa khùng . . .
DIEN PHAM